• 57

Phần 2


Số từ: 20085
Người dịch: Lê Đình Chi
Công ty phát hành: Phương Đông
Nhà xuất bản: NXB Phụ Nữ

Hank.


Hank. Đi ngủ đi con. Bố yêu con.

Thằng bé mỉm cười.
Con biết, nhưng con không mấy xứng đáng với nó.
Rồi bỏ đi trước khi tôi kịp trả lời.
Vậy là đi ngủ, như ông Pepys[19] nói. Chúng tôi ngủ thiếp đi trong lúc những con cú săn mồi và Arlette ngồi dưới bóng tối sâu thẳm của cô ta với nửa dưới khuôn mặt bị móng guốc của con bò cái đá lệch sang một bên. Ngày hôm sau mặt trời xuất hiện, một ngày tốt cho những cây ngô, và chúng tôi cùng bắt tay vào làm việc.
Khi tôi quay vào nhà, nóng bức, mệt nhoài, để chuẩn bị cho hai bố con một bữa trưa, có một cái xoong đậy nắp đặt trên ngưỡng cửa. Một tờ giấy ghi lời nhắn bay phấp phới được kê vào dưới một bên cái xoong. Trên đó viết: Wilf - Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì những rắc rối anh gặp phải và sẵn sàng giúp đỡ anh theo mọi cách có thể. Harlan nói anh đừng lo về việc trả tiền thuê máy thu hoạch ngô vụ hè năm nay. Nếu anh biết được tin tức gì từ vợ anh, làm ơn hãy cho chúng tôi biết. Chào anh, Sallie Cotterie.

Tái bút: Nếu Henry tới thăm Shan, tôi sẽ gửi cho hai bố con một cái bánh quả việt quất.

Tôi nhét tờ giấy vào trong túi trên chiếc quần yếm tôi đang mặc và mỉm cười. Cuộc sống của chúng tôi không còn Arlette đã bắt đầu.
Nếu Chúa tưởng thưởng cho chúng ta trên thế gian này vì những việc tốt - Kinh Cựu Ước cho là như thế, và chắc chắn những người Thanh Giáo cũng tin vào điều này - thì rất có thể Satan tưởng thưởng cho chúng tôi vì những việc xấu. Tôi không thể nói chắc chắn, nhưng tôi có thể nói rằng mùa hè năm đó thật tuyệt, với rất nhiều nắng ấm và mặt trời cho cánh đồng ngô và vừa đủ mưa để giữ cho những mẫu ruộng rau của chúng tôi xanh tốt. Cũng có sấm chớp xảy ra vào một vài buổi chiều, song không hề xuất hiện lần nào những cơn gió lốc làm xóa sổ hết mùa màng mà nông dân vùng Trung Tây vẫn e sợ. Harlan Cotterie đến cùng chiếc máy Harris Giant, và cái máy đã không bị trục trặc lần nào. Tôi có được khoản vay từ ngân hàng mà không gặp bất cứ rắc rối nào, và trả lại đầy đủ vào tháng Mười, vì năm đó giá ngô đột nhiên cao vọt lên tới khó tin và phí vận chuyển của công ty đường sắt Miền Tây lại hạ thấp kỷ lục. Nếu các vị nhớ rõ môn lịch sử, các vị hẳn còn nhớ rằng hai thứ đó - giá của sản phẩm và chi phí vận chuyển - đã đảo chỗ cho nhau từ năm 1923 và vẫn giữ nguyên như thế kể từ đó. Với những người nông dân của vùng Trung Tây, cuộc Đại Suy Thoái bắt đầu khi Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp Chicago sụp đổ vào mùa hè tiếp theo. Nhưng mùa hè năm 1922 quả là hoàn hảo như mơ ước của bất cứ người nông dân nào. Chỉ một biến cố duy nhất phủ bóng đen lên nó, và lại liên quan tới một con bò cái khác của chúng tôi, và tôi sẽ kể ngay cho quý vị biết về biến cố này.
Ông Lester có tìm đến hai lần nữa. Ông ta cố quấy rầy chúng tôi, nhưng ông ta chẳng có gì đưa ra làm cớ để quấy rầy, và hẳn là tay luật sư cũng biết thế, vì trong ông ta rất vội vã vào tháng Bảy năm ấy. Tôi hình dung ra các ông chủ của tay luật sư cũng đang quấy quả ông ta quyết liệt, và ông ta chỉ đơn giản là chuyển tải lại chúng tới chúng tôi. Hay cố gắng làm như thế.
Lần thứ nhất, ông ta hỏi rất nhiều những câu hỏi mà kỳ thực cũng chẳng phải là câu hỏi, mà là những câu ám chỉ bóng gió. Tôi có cho rằng vợ tôi đã gặp phải một tai nạn hay không? Chắc chắn phải là như thế, tôi có đồng ý vậy không, vì nếu không vợ tôi hoặc đã phải liên lạc ông ta nhằm thu xếp việc thanh toán bằng tiền mặt cho lô đất 100 mẫu kia hoặc chỉ đơn giản là cúp đuôi, theo nghĩa bóng, quay trở về trang trại. Hoặc tôi có nghĩ vợ tôi đã mắc bẫy một kẻ lừa đảo nào đó trên đường không? Những chuyện như thế thỉnh thoảng vẫn hay xảy ra, phải không nào? Và như thế chắc chắn sẽ rất tiện lợi cho tôi, chẳng đúng vậy sao?
Lần thứ hai tay luật sư chường mặt đến, ông ta trông cũng tuyệt vọng ngang với mức độ hối hả của mình, và thẳng thừng hỏi tuột ra luôn: có phải vợ tôi đã bị tai nạn ngay tại trang trại hay không? Có phải đó là những gì đã xảy ra không? Có phải đó là lý do tại sao không ai phát hiện ra cô ta dù còn sống hay đã chết hay không?

Ông Lester, nếu như ông đang muốn hỏi liệu có phải tôi đã sát hại vợ tôi hay không, thì câu trả lời là không.


À, tất nhiên ông sẽ nói thế rồi, phải không nào?


Đó là câu hỏi cuối cùng của ông dành cho tôi, thưa ông. Hãy trèo lên cái xe tải kia, biến đi, và đừng có vác mặt trở lại đây nữa. Nếu ông còn quay lại, tôi sẽ dành cho ông một cái cán rìu vào mặt.


Ông sẽ phải vào tù vì tội hành hung người khác!
Hôm đó, tay luật sư mặc một chiếc áo có cổ cồn hồ bột, và cái cổ cồn lúc ấy đã hoàn toàn xộc xệch xiên xẹo. Gần như có thể cảm thấy cám cảnh cho ông ta khi ông ta đứng đó với cái cổ cồn chọc vào dưới cằm và mồ hồi vạch thành từng dòng trên khuôn mặt phì nộn bê bết bụi, đôi môi méo mó và đôi mắt lồi ra.

Không thể có chuyện đó. Tôi đã cảnh cáo ông tránh xa tư gia của tôi, vì đó là quyền hợp pháp tôi được phép, và tôi dự định sẽ gửi một lá thư bảo đảm tới tận văn phòng của ông nêu rõ điều này. Cứ thử quay lại lần nữa đi, hành động đó sẽ là phạm pháp và tôi sẽ nện cho ông một trận. Hãy nhớ lấy, thưa ông.
Lars Olsen, người vẫn tiếp tục chở Lester tới trên cái xe tải Red Baby của anh ta, chỉ còn thiếu nước giơ hai tay lên trên vành tai để hóng hớt được rõ hơn.
Khi Lester đến bên ghế dành cho hành khách không có cánh cửa của chiếc xe tải, ông ta quay ngoắt lại, duỗi thẳng một cánh tay ra với một ngón tay chĩa ra trước, giống như một luật sư trước tòa ưa thích những cử chỉ mang chất sân khấu.
Tôi nghĩ ông đã giết bà ấy! Và sớm hay muộn, một vụ án mạng cũng sẽ bị phát giác!

Henry - hay Hank, như thằng bé giờ đây ưa được gọi - từ trong chuồng gia súc đi ra. Con trai tôi đang bận rộn xúc cỏ khô và nó cầm cây chĩa ba xúc cỏ ngang trước ngực như một khẩu súng trường.
Tôi nghĩ tốt hơn ông nên biến khỏi đây trước khi bị chảy máu,
nó nói. Cậu bé hiền lành và có phần nhút nhát tôi từng biết cho tới mùa hè năm 1922 hẳn sẽ không bao giờ nói ra những lời như thế, nhưng đứa trẻ này thì có, và Lester thấy rõ thằng bé không đùa. Ông ta chui tọt lên xe. Không có cánh cửa nào để đóng sập vào, tay luật sư chỉ còn biết khoanh hai tay trước ngực.

Cứ việc quay lại bất cứ lúc nào, Lars,
tôi vui vẻ nói,
nhưng đừng mang ông ta theo, cho dù ông ta có trả cho anh bao nhiêu để tha đôi mông vô dụng của ông ta đến đây đi nữa.


Không bao giờ, ông James,
Lars nói, và bọn họ quay đi.
Tôi quay sang Henry.
Con định dùng cây chĩa ba đó đâm ông ta thật sao?


Vâng, bố. Để ông ta kêu ré lên.
Rồi thằng bé quay vào trong chuồng gia súc, không hề mỉm cười.
Nhưng không phải nụ cười lúc nào cũng vắng bóng trên khuôn mặt con trai tôi mùa hè đó, và nguyên nhân chính là Shannon Cotterie. Nó gặp cô bé rất thường xuyên (quá thường xuyên để tốt cho bất cứ ai trong hai đứa; tôi đã phát hiện ra điều đó vào mùa thu). Cô bé bắt đầu tới nhà chúng tôi chơi vào các buổi chiều thứ Ba và thứ Năm, mặc váy dài, đội một cái mũ sạch tinh tươm, và đeo một cái túi đựng những món đồ ăn ngon lành. Cô bé nói nó biết
đàn ông nấu ăn như thế nào
- như thể nó đã 30 tuổi chứ không phải 15 - và nói cô bé định sẽ quan tâm để hai bố con tôi ít nhất cũng có được hai bữa chiều tử tế mỗi tuần. Và cho dù tôi chỉ có duy nhất một món ăn do mẹ cô bé làm để so sánh, tôi phải nói rằng cho dù ở tuổi 15 cô con gái đã là một đầu bếp xuất sắc hơn. Henry và tôi chỉ đơn thuần ném những tảng bít tết vào một cái chảo đặt trên bếp; cô bé có một cách nêm gia vị khiến cho món thịt quen thuộc nhạt nhẽo đó trở nên thật ngon lành. Cô bé mang theo rau tươi trong cái túi đeo bên hông - không chỉ cà rốt và đậu mà cả những thứ thật mới lạ (với chúng tôi) như măng tây và món đậu xanh béo ngậy cô bé nấu với hành tây và thịt muối. Thậm chí còn có cả món tráng miệng. Trong căn phòng khách sạn tồi tàn này, tôi có thể nhắm mắt lại và ngửi thấy mùi món bánh ngọt của cô bé. Tôi có thể hình dung ra cô bé đứng bên bàn bếp, hông không ngừng đưa qua đưa lại trong lúc đánh trứng hay trộn kem.

Rộng rãi là từ thích hợp để dành cho Shannon: phần hông, khuôn ngực, trái tim. Cô bé thật dịu dàng với Henry, và chăm lo cho thằng bé. Điều đó khiến tôi để tâm chăm lo đến cô bé... chỉ có điều sự chăm lo đó quá mong manh, các vị biết đấy. Tôi yêu cô bé, và cả hai chúng tôi đều yêu Henry. Sau những bữa ăn cho chiều thứ Ba và thứ Năm đó, tôi luôn khăng khăng dành phần rửa bát và đuổi cả hai đứa ra ngoài cửa. Đôi lúc tôi nghe thấy hai đứa thì thầm nói chuyện với nhau, và ngó đầu ra để trông thấy chúng ngồi bên nhau trên chiếc ghế xích đu, nhìn ra cánh đồng phía tây, nắm tay nhau như một cặp vợ chồng đã cưới lâu năm. Có những lần khác tôi bắt gặp hai đứa hôn nhau, và trong những nụ hôn đó chẳng có chút gì của một cặp vợ chồng đã cưới lâu năm. Trong những cái hôn ấy có sự gấp gáp ngọt ngào chỉ thuộc về những con người còn rất trẻ, và tôi lén nhìn với trái tim nhói đau.
Vào một chiều thứ Ba nóng bức, cô bé đến sớm hơn bình thường. Bố cô bé đang có mặt ngoài cánh đồng phía bắc của chúng tôi cùng cái máy thu hoạch ngô của ông ta, Henry cũng đi theo ông hàng xóm của chúng tôi, theo sau là một nhóm nhỏ những người Indian tới từ Khu Định cư dành cho người Indian Shoshone ở Lyme Biska... và đằng sau họ, Đậu Già[20] lái chiếc xe tải dùng để chuyên chở ngô. Shannon hỏi xin một gầu nước mát, và tôi vui vẻ cung cấp. Cô bé ngồi đó, bên phía ngôi nhà có bóng mát, trông dễ thương đến khó tin trong một chiếc váy phồng che kín người từ cổ tới tận ống chân và từ vai tới cổ tay - gần như một chiếc váy của người Quaker. Trông cô bé có vẻ nghiêm trọng, thậm chí là sợ sệt, và trong khoảnh khắc chính tôi cũng thầm run sợ. Thằng bé đã nói hết với nó,
tôi thầm nghĩ. Nhưng hóa ra không đúng như vậy. Ngoại trừ, theo một cách khác, đúng là thế.

Ông James, có phải Henry bị ốm không?


Ốm ư? Sao lại có thể thế chứ, không đâu. Nó khỏe như một con ngựa vậy, chú dám nói như thế. Và ăn cũng không khác gì. Chính cháu cũng thấy rồi đấy. Mặc dù chú nghĩ thậm chí cả một anh chàng đang ốm cũng khó lòng từ chối được những món ăn do cháu nấu, Shannon.

Câu nói giúp tôi nhận được một nụ cười, nhưng là một nụ cười thật lơ đãng.
Hè năm nay anh ấy khác lắm. Trước đây cháu luôn biết anh ấy đang nghĩ gì, nhưng bây giờ thì không. Anh ấy lúc nào cũng ủ rũ
.


Thật thế sao?
tôi hỏi (một cách quá chân thật)

Chẳng lẽ chú không thấy sao?


Không, thưa tiểu thư.
(tôi có thấy).
Với chú, dường như trông nó vẫn như trước. Nhưng nó quan tâm đến cháu nhiều lắm, Shan. Có thể cái mà cháu cảm thấy là ủ rũ với nó chẳng qua chỉ là si tình thôi.

Tôi đã cho rằng câu pha trò ấy sẽ giúp tôi có được một nụ cười thực sự từ cô bé, nhưng không. Cô bé đưa bàn tay đặt lên cánh tay tôi. Bàn tay cô bé mát lạnh sau khi vừa cầm lấy cái gầu.
Cháu đã nghĩ về chuyện đó, nhưng...
Rồi buột miệng nói ra một thôi.
Ông James, nếu anh ấy đang có cảm tình với ai khác - một trong những cô gái ở trường - ông sẽ nói cho cháu biết chứ? Ông sẽ không cố tìm cách... cách tránh cho cháu khỏi xúc động chứ?

Nghe đến đó, tôi bật cười, và có thể thấy khuôn mặt xinh xắn của cô bé sáng lên nhẹ nhõm.
Shan, nghe chú nói này. Vì chú là bạn cháu. Mùa hè luôn là thời khắc người ta phải làm việc vất vả, và bây giờ khi Arlette không còn ở nhà nữa, Hank và chú sẽ còn phải bận rộn hơn nữa. Khi hai bố con chú quay về nhà buổi tối, chúng ta cùng ăn bữa tối - một bữa ăn thật ngon, nếu tình cờ hôm đó có cháu sang - rồi đọc sách trong một giờ. Sau đó, bố con chú lên giường đi ngủ, và hôm sau chúng ta thức dậy, lặp lại tất cả các hoạt động của ngày hôm trước. Thậm chí con trai chú còn chẳng có lúc nào để tán tỉnh cháu
, chứ nói gì tới một cô gái khác.


Được rồi, anh ấy đã tán tỉnh cháu,
cô bé nói, và đưa mắt nhìn về phía chiếc máy thu hoạch ngô của bố mình đang di chuyển theo đường chân trời trong tiếng động cơ nổ bình bịch.

À... chuyện đó cũng thú vị đấy chứ, phải không nào?


Cháu chỉ nghĩ là... bây giờ anh ấy im lặng quá... ủ rũ quá... đôi khi anh ấy nhìn ra phía xa, và cháu phải gọi tên anh ấy hai ba lần trước khi anh ấy nghe thấy cháu và đáp lại.
Cô bé đỏ bừng mặt.
Thậm chí cả những cái hôn của anh ấy dường như cũng khác. Cháu không biết phải diễn tả như thế nào, nhưng đúng vậy đấy. Và nếu ông kể lại cho anh ấy biết cháu đã nói như thế, cháu sẽ chết mất. Cháu sẽ chết
mất.


Chú sẽ không bao giờ làm thế,
tôi nói.
Bạn bè không mách lẻo về nhau.


Cháu đoán cháu là một con bé ngốc nghếch. Và tất nhiên anh ấy thấy thiếu vắng mẹ anh ấy, cháu biết chắc là thế. Nhưng ở trường có rất nhiều cô gái xinh đẹp hơn cháu... xinh đẹp hơn cháu...

Tôi đưa tay nâng cằm cô bé lên, vậy là lúc này cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi.
Shannon Cotterie, khi con trai chú nhìn cháu, nó nhìn thấy cô gái xinh đẹp nhất trên thế giới này.Và nó hoàn toàn đúng. Sao chứ, nếu chú còn ở độ tuổi của nó, chú cũng sẽ tá n tỉnh cháu.


Cảm ơn ông,
cô bé nói. Những giọt nước mắt giống như những hạt kim cương nhỏ đọng lại trên khóe mắt nó.

Điều duy nhất cháu cần lo lắng là đưa nó về đúng chỗ khi nó chệch ra ngoài. Các cậu bé có thể trở nên rất bốc đồng, cháu biết đây. Và nếu chú lâm vào tình trạng đó, cháu cứ việc nói thẳng với chú điều đó. Còn nếu ổn cả thì lại là chuyện khác, nếu đó là giữa những người bạn.

Cô bé ôm hôn tôi, và tôi cũng ôm hôn lại cô bé. Một cái ôm hôn mạnh mẽ đem lại cảm giác thật dễ chịu, nhưng có lẽ cho Shannon hơn là cho tôi. Vì có Arlette ở giữa chúng tôi. Cô ta luôn ở giữa tôi và bất cứ ai khác vào mùa hè năm 1922, và với Henry cũng vậy. Shannon vừa cho tôi biết điều đó.
Vào một buổi tối tháng Tám, việc thu hoạch ngô đã xong và những người làm thuê trong toán của Đậu Già được trả công đầy đủ để quay về khu định cư, tôi bừng tỉnh vì tiếng một con bò cái đang rống lên. Mình đã ngủ quên mất giờ vắt sữa
, tôi nghĩ, nhưng khi tôi với lấy cái đồng hồ đeo tay của bổ tôi để trên mặt cái bàn kê cạnh giường và xem giờ trên đó, tôi thấy đồng hồ chỉ ba giờ mười lăm phút sáng. Tôi đưa cái đồng hồ lên ghé sát tai để xem nó còn chạy không, nhưng chỉ cần đưa mắt nhìn qua cửa sổ vào màn đêm tối mịt của một đêm không trăng là đủ biết. Những âm thanh đó thực ra cũng không phải là tiếng kêu chỉ hơi khiến người ta bực bội khó chịu một chút của một con bò cái đang cần được giải thoát khỏi chỗ sữa của nó. Đó là tiếng kêu của một con vật đang đau đớn. Những con bò cái đôi lúc vẫn kêu như thế khi chúng đẻ, nhưng những vị nữ thần của chúng tôi đã qua giai đoạn đó của cuộc đời từ lâu.
Tôi nhổm dậy, định đi ra cửa, rồi lại quay trở vào tới chỗ tủ quần áo để lấy khẩu súng săn cỡ .22 của mình. Tôi nghe thấy tiếng Henry đang ngáy như kéo gỗ sau cánh cửa đóng kín của phòng nó trong khi hối hả băng qua, một tay cầm súng, tay kia cầm đôi ủng. Tôi hy vọng thằng bé không bị thức giấc và muốn đi cùng tôi trong một chuyến ra ngoài rất có thể sẽ nguy hiểm. Vào thời đó chỉ còn lại vài con sói ít ỏi lảng vảng ngoài thảo nguyên, nhưng Đậu Già từng kể với tôi đã có dịch ốm mùa hè xuất hiện trên một số con cáo dọc khe núi Platte và Medicine. Đó là cách những người Shoshone gọi bệnh dại, và một con vật mắc bệnh dại trong chuồng gia súc có nhiều khả năng nhất là nguyên nhân đã gây ra những tiếng kêu đó.
Khi tôi ra ngoài nhà, tiếng kêu khổ sở đó vang lên thật to, và có vẻ gì đó trống rỗng. Như một tiếng vọng. Như một con bò dưới giếng,
tôi thầm nghĩ. Ý nghĩ làm cả hai cánh tay tôi lạnh ngắt và siết chặt hơn nữa lấy khẩu súng săn.
Khi tôi tới trước cửa chuồng gia súc và dùng vai huých mở cánh cửa bên phải, tôi có thể nghe thấy những con bò còn lại bắt đầu rống lên như thể thông cảm, nhưng những tiếng kêu này chỉ là tiếng hỏi han bình thản nếu so sánh với những tiếng kêu la não ruột đã làm tôi thức giấc... và hẳn sẽ đánh thức cả Henry nếu tôi không chấm dứt được nguyên nhân đã gây ra nó. Có một ngọn đèn hồ quang sợi than treo trên móc bên phải cửa vào - chúng tôi không dùng lửa mở trong chuồng gia súc trừ khi nhất thiết chúng tôi phải cần đến, nhất là vào mùa hè, khi tầng áp mái chất đầy cỏ khô và thân cây ngô cho tới tận sát mái nhà.
Tôi sờ tìm nút bật đèn và bấm vào nó. Một quầng sáng chói lọi màu trắng xanh bừng lên. Thoạt đầu, hai mắt tôi bị chói tới mức chẳng nhìn ra gì cả; tôi chỉ có thể nghe thấy những tiếng kêu đau đớn và tiếng móng guốc giậm thình thịch khi một trong số các nữ thần của chúng tôi cố vùng vẫy thoát khỏi nguyên nhân đang làm nó bị đau. Đó là Achelois. Khi mắt tôi đã quen một chút, tôi thấy con bò đang liên tục lắc đầu sang hai bên, không ngừng lùi lại cho tới khi hai chân sau của nó chạm vào cửa ngăn chuồng - ngăn thứ ba bên phải, khi đi dọc từ đầu lối đi vào - rồi lại lao về phía trước. Những con khác cũng đang ở vào trạng thái hoảng hốt cao độ.
Tôi nhấc chân lên, rồi bước về phía ngăn chuồng, khẩu súng săn cắp dưới cánh tay trái. Tôi đẩy mở cửa, rồi lùi lại. Achelois có nghĩa là
người xua đuổi nỗi đau
, nhưng vị nữ thần Achelois này đang chìm trong đau đớn. Khi nó loạng choạng mò ra ngoài lối đi, tôi nhìn thấy hai chân sau của nó đỏ lòm máu. Con bò cái nhảy dựng hai chân sau lên như một con ngựa (một việc trước đó tôi chưa bao giờ thấy ở một con bò), và khi nó làm vậy, tôi thấy một con chuột to tướng đang bám lủng lẳng vào một núm vú của nó. Sức nặng của con chuột đã kéo đầu vú màu hồng dài ra thành một đoạn dài ngoằng. Lạnh cóng người lại vì sững sờ (và kinh hoàng), tôi chợt nhớ tới chuyện hồi còn bé, Henry thỉnh thoảng vẫn kéo một chiếc kẹo cao su màu hồng thành một dải dài ra khỏi mồm. Đừng có làm như thế,
Arlette khi đó thế nào cũng sẽ quát thằng bé. Không ai muốn nhìn thấy những thứ mày đã nhai qua.

Tôi giơ súng lên, rồi lại hạ xuống. Làm sao tôi có thể bắn được khi con chuột cứ liên tục đung đưa qua lại như một quả lắc sống vậy?
Đứng trên lối đi, Achelois cúi gằm đầu xuống, lắc qua lắc lại, như thể làm như thế sẽ ít nhiều có ích. Khi nó đặt cả bốn chân xuống đất trở lại, con chuột có thể đứng xuống trên sàn chuồng rải đầy cỏ khô. Trông nó giống như một con chó con quái dị kỳ lạ với những giọt sữa loang máu đính trên các sợi ria. Tôi nhìn quanh tìm thứ gì đó có thể dùng để đánh nó, nhưng trước khi tôi kịp chộp lấy cái chổi Henry để lại dựa vào ngăn chuồng của Phemonoe, Achelois lại nhảy dựng hai chân sau lên và con chuột rơi bịch xuống sàn. Thoạt đầu, tôi nghĩ nó đã thoát khỏi con chuột, nhưng rồi tôi nhìn thấy đầu vú màu hòng nhăn nheo thò ra khỏi mõm con chuột, trông tựa như một điếu xì gà bằng thịt. Con chuột khốn kiếp đã rứt đứt một đầu vú của Achelois tội nghiệp. Con bò tựa đầu vào một chiếc cột chống trong chuồng và nhìn tôi ậm ò một cách mệt mỏi, như thể muốn nói: Tôi đã cho ông sữa suốt những năm qua và không gây ra bất cứ rắc rối nào, không giống như một số kẻ mà tôi có thể kể tên ra được, vậy tại sao ông lại để chuyện này xảy đến với tôi?
Máu đang chảy xuống thành vũng dưới bầu vú của nó. Thậm chí cả trong cơn sốc và cảm giác ghê tởm, tôi cũng không nghĩ nó có thể chết vì vết thương, nhưng bộ dạng của nó - cũng như của con chuột, với đầu vú của con bò ngậm trong mõm - làm tôi giận sôi lên.
Tôi vẫn không bắn vào nó, một phần vì sợ gây ra hỏa hoạn, nhưng phần lớn là vì, trong khi một tay đang phải cầm cái đèn, tôi sợ mình sẽ bắn trượt. Thay vì bắn, tôi lật báng súng xuống dưới, hy vọng sẽ giết chết kẻ xâm nhập này giống như Henry đã giết chết kẻ sống sót dưới giếng bằng cái xẻng của thằng bé. Nhưng Henry là một đứa trẻ với phản ứng nhanh nhẹn, còn tôi là một người đàn ông trung niên vừa tỉnh dậy khỏi một giấc ngủ say. Con chuột dễ dàng né tránh được tôi và nghênh ngang chạy đi theo lối đi giữa chuồng. Mảnh đầu vú bị rứt đứt không ngừng vung vẩy lên xuống trong miệng nó, và tôi hiểu ra con chuột đang ăn mảnh thịt này - vẫn nóng hổi, và không nghi ngờ gì nữa vẫn đầy ắp sữa - ngay trong lúc đang chạy. Tôi đuổi theo, đập nó thêm hai lần nữa, và trượt cả hai lần. Sau đó tôi nhìn ra nó đang chạy đi đâu: đường ống dẫn vào cái giếng đã bị lấp kín. Tất nhiên rồi! Đại lộ Chuột! Một khi cái giếng đã bị lấp kín, đây là lối ra duy nhất của chúng. Không có nó, hẳn chúng đã bị chôn sống. Chôn sống cùng với cô ta
.
Nhưng chắc chắn
, tôi thầm nghĩ, con vật kia quá to để có thể chui vừa qua đường ống. Chắc chắn nó phải ở ngoài vào - có lẽ là từ một cái ổ trong đống phân.

Con chuột nhảy tới bên miệng đường ống, và trong lúc nó làm thế, con chuột kéo dài thân hình của nó ra một cách thật đáng kinh ngạc. Tôi vung báng khẩu súng săn lên một lần cuối cùng và nện trúng vào miệng đường ống. Tôi đã đánh trượt hoàn toàn con chuột. Khi tôi hạ cây đèn xuống sát miệng ống, tôi thoáng nhìn thấy ánh sáng phản chiếu trên cái đuôi trơ trụi không lông của nó đang trườn dần vào bóng tối, và nghe thấy tiếng những chiếc móng vuốt nhỏ bé của nó cạo lên thành kim loại đã bị ăn mòn. Rồi im hẳn. Tim tôi đập thình thịch mạnh đến mức khiến hai mắt tôi hoa lên. Tôi hít một hơi thật sâu, nhưng cùng với lần hô hấp đó, một thứ mùi thối rữa mục ruỗng xộc vào mũi tôi mạnh đến mức khiến tôi phải bịt mũi bật lùi lại. Nhu cầu muốn hét lên thật to bị bóp nghẹt bởi nhu cầu muốn nôn ọe. Với thứ mùi khủng khiếp do đậm đặc trong khoang mũi, tôi gần như có thể hình dung ra rõ mồn một Arlette ở đầu kia của đường ống, da thịt cô ta giờ đây tràn ngập giòi bọ, đang dần dần tan rữa chảy nước; khuôn mặt cô ta bắt đầu bị bong rời ra khỏi xương sọ, nụ cười trên đôi môi cô ta dần nhường chỗ cho nụ cười sẽ lưu lại lâu hơn trên bộ xương hàm nằm phía dưới.
Tôi cuống cuồng bò lùi trên bốn chân rời xa khỏi cái ống ghê rợn đó, nôn tung tóe ra, đầu tiên là sang bên trái, rồi bên phải, và khi toàn bộ bữa tối đã ra hết sạch, tôi bắt đầu nôn ra từng bãi mật dài. Qua đôi mắt ướt nhòe, tôi thấy Achelois đã quay trở lại ngăn chuồng của nó. Thật tốt. Ít nhất tôi sẽ không phải đuổi theo nó qua khắp cánh đồng ngô và choàng dây ách để lôi nó trở về.
Điều đầu tiên tôi muốn làm là trám kín đường ống đó lại - tôi muốn làm việc này trước bất cứ việc gì khác - nhưng khi cơn nôn mửa ngừng lại, ý nghĩ của tôi cũng trở nên bình tĩnh hơn. Achelois là ưu tiên hàng đầu. Nó là một con bò sữa tốt. Hơn nữa, nó thuộc phần trách nhiệm của tôi. Tôi có một chiếc rương nhỏ đựng thuốc trong gian phòng nhỏ ở chuồng gia súc nơi tôi hay ngồi tính toán sổ sách. Trong rương, tôi tìm thấy một can lớn thuốc sát trùng Rawleigh Antiseptic Salve. Có một cuộn vải sạch để trong góc. Tôi lấy ra một nửa và quay lại ngăn chuồng của Achelois. Tôi đóng cửa ngăn chuồng của nó lại để giảm thiểu nguy cơ bị đá, rồi ngồi xuống ghế dùng để ngồi vắt sữa. Tôi nghĩ một phần của chính tôi lúc đó cảm thấy tôi xứng đáng bị ăn đá. Nhưng cô nàng Achelois già cả đáng mến đứng im khi tôi vỗ vào hông nó và thì thầm,
Im nào, im nào, sẽ tốt thôi,
và cho dù con bò rùng mình khi tôi bôi thuốc sát trùng lên vết thương của nó, nó vẫn đứng yên.
Khi tôi đã làm xong những bước cần thiết để ngăn nguy cơ nhiễm trùng, tôi dùng giẻ lau sạch những bãi nôn của mình đi. Cần dọn dẹp cho sạch sẽ, vì bất cứ người nông dân nào cũng có thể nói cho bạn biết những bãi nôn mửa của con người thu hút những con thú hoang săn mồi chẳng kém gì một hố rác không được che đậy cẩn thận. Tất nhiên cũng không thiếu mặt gấu trúc và chuột chũi, nhưng chủ yếu là chuột. Lũ chuột đặc biệt mê những gì do con người thải ra.
Tôi còn lại một ít giẻ nữa, nhưng chúng là đồ thải ra từ nhà bếp của Arlette và quá mỏng cho công việc tiếp theo của tôi. Tôi với lấy cái liềm treo trên móc, cầm đèn đi ra chỗ đống gỗ của chúng tôi, và cắt một miếng vuông từ tấm vải bạt đang dùng để phủ lên gỗ. Quay vào trong chuồng, tôi cúi xuống, kề cây đèn vào sát miệng đường ống, vì tôi muốn đảm bảo chắc chắn rằng con chuột lúc nãy (hay một con khác; nơi nào có một con chuột, chắc chắn cũng sẽ còn nhiều hơn) không còn nấp đó, sẵn sàng bảo vệ lãnh địa của nó, song bên trong lòng ống trống rỗng, ít nhất là xa hết tầm tôi có thể nhìn thấy, nghĩa là chừng một mét hai. Không có phân chuột bên trong, và chuyện này không hề khiến tôi ngạc nhiên. Đường ông này là một lối ra vào được sử dụng thường xuyên - lúc này chính là lối ra vào duy nhất của chúng - và lũ chuột sẽ không làm bẩn nó chừng nào chúng có thể giải quyết nhu cầu cá nhân ở bên ngoài.
Tôi nhét miếng vải bạt vào trong ống. Miếng vải cứng đơ, kềnh càng, và cuối cùng tôi buộc phải dùng một cái cán chổi để nhét nó sâu vào trong ống, nhưng tôi đã xoay xở được.
Hay lắm,
tôi nói.
Xem chúng mày sẽ thích nó thế nào. Hãy chết ngạt đi.

Tôi quay trở lại và quan sát Achelois. Nó đứng im lặng, và quay đầu lại nhìn tôi bình thản khi tôi vỗ về nó. Lúc đó tôi đã biết và bây giờ vẫn biết nó chỉ là một con bò cái - rồi các vị sẽ thấy những người nông dân không có nhiều ý tưởng lãng mạn về thế giới tự nhiên - nhưng cái nhìn đó vẫn khiến tôi trào nước mắt, và tôi đã phải cố kìm mình để không nấc lên. Tôi biết ông đã làm hết sức có thể,
cái nhìn đó nói. Tôi biết không phải lỗi của ông.

Nhưng đó đúng là lỗi của tôi.
Tôi nghĩ chắc hẳn mình sẽ nằm thao thức rất lao, và khi ngủ được tôi sẽ mơ thấy con chuột đang chạy trên sàn chuồng bò đầy cỏ khô hướng về phía lối thoát của nó với miếng đầu vú ngậm chặt trong mồm, nhưng kỳ thực tôi ngủ thiếp đi ngay lập tức, và giấc ngủ của tôi vừa chẳng có chút mộng mị nào vừa thật sâu và ngon giấc. Tôi thức dậy khi ánh sáng ban ngày đã tràn ngập trong phòng, còn mùi hôi thối từ cơ thể đang phân hủy của người vợ đã chết của tôi đặc quánh trên hai bàn tay tôi, trên chăn, ga trải giường và vỏ gối. Tôi ngồi bật dậy, há hốc miệng ra thở nhưng rồi nhận ra thứ mùi đó chỉ là một ảo giác. Thứ mùi đó chính là giấc mơ tồi tệ của tôi. Tôi không hề bị nó ám ảnh trong đêm mà lại trong luồng ánh sáng đầu tiên, tỉnh táo nhất của ban ngày, với hai mắt đã mở to.
Tôi đã lo con bò bị nhiễm trùng từ vết thương do chuột cắn bất chấp thuốc sát trùng, song không có chuyện gì xảy ra. Achelois sau đó cũng chết cùng vào năm này, nhưng không phải vì vết thương đó. Tuy vậy, nó không bao giờ cho sữa nữa; không một giọt. Đáng ra tôi nên giết thịt nó, nhưng tôi không nhẫn tâm làm thế. Con bò khốn khổ đã phải chịu đựng quá nhiều vì tôi.
Ngày hôm sau, tôi đưa cho Henry một danh sách những món cần mua và bảo thằng bé lái chiếc xe tải tới Hemingford Home mua chúng. Một nụ cười hết cỡ ngỡ ngàng bừng nở trên khuôn mặt nó.

Cái xe tải ư? Con? Chỉ mình con?


Con vẫn nhớ cách vào các số tiến đấy chứ? Và vẫn tìm được số lùi đúng không?


Chúa ơi, tất nhiên rồi ạ!


Vậy thì bố nghĩ con sẵn sàng rồi. Có thể là chưa để đi tới Omaha - hay thậm chí tới Lincoln - nhưng nếu con đi thật từ tốn, chắc chắn con sẽ không gặp khó khăn gì khi đi tới Hemingford Home.


Cảm ơn bố!
Con trai tôi đưa hai cánh tay ôm lấy tôi và hôn lên má tôi. Trong chốc lát, dường như chúng tôi đã trở lại là những người bạn. Thậm chí tôi còn tự cho phép mình ít nhiều tin vào chuyện đó, cho dù trái tim tôi hiểu rõ hơn. Bằng chứng có thể đã bị lấp kín dưới lòng đất, nhưng sự thật vẫn nằm giữa hai chúng tôi, và sẽ luôn như thế.
Tôi đưa cho thằng bé một cái ví da có tiền bên trong.
Đây là ví của ông nội con. Con có thể cứ giữ lại cũng được; đằng nào bố cũng định sẽ tặng nó cho con vào dịp sinh nhật mùa thu năm nay. Trong đó có tiền rồi. Con có thể giữ lại tiền thừa, nếu còn thừa ít nhiều.
Tôi thiếu chút nữa đã nói thêm, Và đừng có mang về con chó lạc nào đấy
, nhưng đã kịp kìm lại đúng lúc. Đó từng là câu châm chọc quen thuộc của mẹ thằng bé.
Thằng bé cố gắng cảm ơn tôi lần nữa, nhưng không thể. Như thế chỉ đơn giản là quá nhiều.

Hãy dừng lại chỗ cây xăng của Lars Olsen trên đường về và đổ thêm xăng vào xe. Nhớ lấy, nếu không con sẽ phải đi bộ thay vì ngồi sau tay lái khi về đến nhà đấy.


Con không quên đâu. Con muốn xin phép bố một chuyện được không?


Được.

Thằng bé di di bàn chân, rồi rụt rè nhìn tôi.
Con có thể ghé qua chỗ nhà Cotterie và mời Shan tới chơi nhà mình không?


Không,
tôi nói, và con trai tôi xịu mặt xuống trước khi tôi nói thêm:
Con hãy hỏi Sallie hay Harlan xem Shan có thể tới nhà mình được không. Và hãy đảm bảo rằng con nói với họ trước đó con chưa bao giờ lái xe vào thành phố. Bố đặt niềm tin vào danh dự của con, con trai.

Cứ như thể ai đó trong hai chúng tôi vẫn còn lại chút ít vậy.
Tôi đứng bên cổng nhìn theo cho tới khi chiếc xe tải cũ của chúng tôi biến mất trong đám bụi mù mịt do chính nó tạo ra. Có thứ gì đó vương vướng trong cổ họng mà tôi không thể nuốt vào được. Tôi có một dự cảm ngu ngốc nhưng rất mạnh mẽ rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại con trai mình nữa. Tôi cho rằng đó là những gì hầu hết các ông bố bà mẹ cảm thấy khi lần đầu tiên họ chứng kiến con cái một mình rời khỏi nhà và đối diện với việc ý thức ra rằng nếu một đứa con đã đủ lớn để có thể sai đi lo việc mà không cần ai trông nom, đứa con đó không còn là trẻ con nữa. Nhưng tôi không thể dành quá nhiều thời gian cho việc đắm chìm trong cảm xúc của mình; tôi có một việc quan trọng phải làm, và tôi đã sai Henry đi khỏi nhà để tôi có thể tự mình thực hiện việc đó. Rồi đây có thể thằng bé sẽ biết được chuyện gì đã xảy ra với con bò cái, tất nhiên rồi, và nhiều khả năng nó sẽ đoán ra điều gì là nguyên do gây ra chuyện đó, nhưng tôi nghĩ tôi vẫn có thể giảm nhẹ đi một chút gánh nặng cho thằng bé khi nó biết việc đã xảy ra.
Đầu tiên, tôi kiểm tra lại tình hình Achelois, con bò dường như có vẻ bất an, nhưng ngoài ra vẫn ổn cả. Sau đó tôi kiểm tra đường ống. Nó vẫn bị nút chặt, song tôi không hề có chút ảo tưởng nào; có thể việc này sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng cuối cùng kiểu gì lũ chuột cũng sẽ gặm thủng lớp vải bạt. Tôi cần làm tốt hơn thế. Tôi mang một túi xi măng hiệu Portland tới chỗ cái giếng cạnh nhà và trộn thành vữa trong một cái xô cũ. Quay trở lại chuồng bò, trong lúc đợi vữa đặc lại, tôi đẩy cho cái nút vải bạt chui sâu hơn nữa vào trong đường ống. Tôi nhét nó vào sâu ít nhất sáu mươi phân, và khoảng sáu mươi phân cuối cùng này được tôi trám đầy xi măng vào. Khi Henry quay trở về (và với tinh thần rất phấn chấn; đúng là thằng bé đã đón được Shannon, và hai đứa đã chia sẻ cùng nhau một cái kem sô đa mua bằng tiền thừa còn lại sau khi đi mua đồ), lớp xi măng đã cứng lại. Tôi đoán hẳn có một vài con chuột đã mò ra ngoài kiếm ăn, song tôi tin chắc đã nhốt kín được phần lớn chúng - trong đó có cả con chuột đã làm Achelois khốn khổ bị tàn phế - ở dưới kia trong bóng tối. Và dưới kia, trong bóng tối, chúng sẽ chết. Nếu không phải chết ngạt thì sẽ là chết đói, một khi chỗ thực phẩm không thể mô tả thành lời của chúng cạn kiệt.
Ít nhất đó là những gì tôi đã nghĩ khi ấy.
Vào những năm từ 1916 đến 1922, thậm chí cả những nông dân ngớ ngẩn nhất tại Nebraska cũng phất to. Harlan Cotterie, còn xa mới là người ngớ ngẩn, đã phát tài hơn nhiều so với hầu hết những người khác. Trang trại của ông ta đã thể hiện rõ điều đó. Ông ta xây thêm một khu trại nhốt gia súc và một si lô chứa ngũ cốc vào năm 1919, và đến năm 1920 khoan một cái giếng sâu có thể cho phép bơm lên lượng nước khó tin tới sáu gallon[21] mỗi phút. Một năm sau đó, ông ta lắp hệ thống ống nước vào tận trong nhà (cho dù vẫn tế nhị giữ nhà vệ sinh ngoài sân sau). Sau đó, ba lần mỗi tuần, anh ta và những người phụ nữ trong gia đình mình có thể tận hưởng điều vốn là một thú vui xa xỉ không thể tin nổi ở vùng đồng quê xa xôi này: tắm nước nóng trong bồn và vòi hoa sen, được cung cấp không phải nhờ những siêu nước được đun nóng trên bếp mà từ những đường ống thoạt tiên lấy nước từ dưới giếng lên, sau đó mang nước đi tới hố hứng nước thải. Chính việc tắm vòi hoa sen đó đã làm lộ ra bí mật Shannon Cotterie đã giữ kín, mặc dù tôi cho rằng tôi đã biết từ trước, từ cái ngày cô bé nói, Được thôi, anh ấy đã tán tỉnh cháu
- với một giọng nói vô cảm, khô khan hoàn toàn không giống cô bé chút nào, và nói ra mà không nhìn tôi mà đưa mắt nhìn về phía cái máy thu hoạch ngô của bố cô bé và những người đi thu nhặt ngô đang lần bước đằng sau nó.
Lúc ấy đã gần cuối tháng Chín, tất cả các cánh đồng trồng ngô đã được cày cho một năm nữa nhưng vẫn còn vô số công việc thu hoạch trong vườn cần phải làm. Một buổi chiều thứ Bảy, trong lúc Shannon đang khoan khoái tắm vòi hoa sen, mẹ cô bé đi qua lối vào sau nhà, mang theo một đống quần áo bà vừa kéo sớm ngoài dây phơi vào, vì có vẻ như trời sắp mưa. Shannon hẳn nghĩ rằng mình đã đóng kín cửa buồng tắm - phần lớn phụ nữ luôn kín đáo trong khi tắm rửa, và Shannon Cotterie có một lý do đặc biệt để cảm thấy như thế khi mùa hè năm 1922 nhường chỗ cho mùa thu - nhưng có thể cánh cửa đã bị tuột then cài và mở hé ra. Mẹ cô bé tình cờ liếc mắt nhìn vào trong, và mặc dù tấm ga trải giường cũ được dùng làm màn che khi tắm vòi hoa sen đã được kéo kín quanh chiếc giá hình chữ U của nó, những tia nước bắn ra đã làm nó trở nên trong mờ. Sallie không cần phải nhìn thấy chính cô bé; bà mẹ đã nhìn thấy hình dáng của cô con gái, lần này không còn được chiếc váy phồng kiểu Quaker che dấu. Và chỉ cần có thế. Cô bé đã có thai chừng năm tháng, hoặc gần như thế; trong bất cứ trường hợp nào, chắc chắn cô bé cũng không thể giấu diếm bí mật của mình lâu hơn nữa.
Hai ngày sau, Henry từ trường trở về nhà (giờ đây thằng bé lái chiếc xe tải đi học) với vẻ hoảng sợ và đầy tội lỗi.
Hai hôm vừa rồi Shan không đi học,
con trai tôi nói,
vậy là con ghé qua nhà Cotterie hỏi xem bạn ấy có khỏe không. Con nghĩ có thể bạn ấy đã bị mắc phải bệnh cúm Tây Ban Nha. Họ không cho con vào nhà. Bà Cotterie chỉ bảo con hãy về đi, và nói tối nay chồng bà ấy sẽ tới nói chuyện với bố, sau khi ông ấy đã xong việc. Con hỏi liệu con có thể làm gì được không, và bà ấy nói,
Cậu đã làm quá đủ rồi, Henry.


Thế rồi tôi nhớ lại những gì Shan đã nói. Henry úp mặt vào hai lòng bàn tay và nói,
Bạn ấy có thai, bố ơi, và họ phát hiện ra. Con biết là thế. Chúng con muốn cưới nhau, nhưng con sợ là họ sẽ không cho phép.


Đừng bận tâm đến họ
, tôi nói,
bố sẽ không cho phép con.

Thằng bé nhìn tôi với đôi mắt ướt nhòe, đau khổ.
Tại sao lại không?

Tôi thầm nghĩ: Con đã thấy điều gì đã xảy đến giữa mẹ con và bố, vậy mà con còn cần phải hỏi sao?
Nhưng những gì tôi nói lại là,
Cô bé mới 15 tuổi, còn con thậm chí còn chưa tới từng ấy tuổi trong hai tuần nữa.


Nhưng bọn con yêu nhau!

Ôi, cái tiếng kêu giống như của một con chim lặn đó. Tiếng la hét nhu nhược đó. Hai bàn tay tôi đang siết chặt lại túm chặt lấy hai bên ông chiếc quần yếm, và tôi phải lấy hết sức buộc chúng xòe thẳng ra. Nổi giận sẽ chẳng giải quyết được việc gì. Một cậu bé cần đến người mẹ của nó để cùng nó trao đổi một chuyện như thế này, song mẹ của nó đang ngồi dưới đáy một cái giếng bị lấp kín, và không nghi ngờ gì nữa, được làm bạn với một bầy chuột chết.

Bố biết là thế, Henry...


Hank!
Và có những người khác đã kết hôn khi cũng còn trẻ như thế!

Đã từng có thời người ta làm như thế; nhưng chuyện đó không còn xảy ra nhiều nữa kể từ khi thế kỷ sang trang và các tuyến biên giới khép lại. Nhưng tôi không nói về những chuyện này. Những gì tôi nói là tôi không có tiền để giúp hai đứa khởi đầu cuộc sống. Có thể đến năm 25, nếu các vụ mùa và giá cả tiếp tục tốt, nhưng lúc này thì chẳng có gì hết. Và với một đứa trẻ chuẩn bị ra đời...

Đáng ra
sẽ có đủ!
thằng bé nói.
Nếu bố không gây ra trở ngại nhiều đến thế với trăm mẫu đất kia, hẳn đã có vô khối tiền! Mẹ chắc hẳn đã cho con ít nhiều trong số tiền ấy! Và mẹ hẳn sẽ không nói với con theo cách như thế này!

Thoạt đầu, tôi choáng váng đến mức không thể nói được gì. Đã sáu tuần hay hơn thế trôi qua kể từ lần cuối tên của Arlette - hay thậm chí cách ám chỉ mơ hồ bà ấy
- được nhắc đến giữa hai bố con tôi.
Thằng bé đang nhìn tôi đầy thách thức. Rồi sau đó, phía cuối con đường dẫn vào nhà chúng tôi, tôi nhìn thấy Harlan Cotterie đang tới. Tôi luôn coi ông ta như một người bạn, nhưng một cô con gái bị phát hiện mang thai có thể làm những chuyện như thế thay đổi.

Không, bà ấy hẳn sẽ không nói với con theo cách như thế này
, tôi đồng ý, và nhìn thẳng vào mắt thằng bé.
Bà ấy sẽ nói với con còn tồi tệ hơn. Và cười, mà cũng có thể không. Nếu con tự hỏi trái tim mình, con trai, con sẽ biết ngay thôi.


Không!


Mẹ con gọi Shannon là con ranh, và sau đó khuyên con nên giữ của quý của con ở trong quần. Đó là lời khuyên cuối cùng của bà ấy, và cho dù nó cũng thô kệch và làm người nghe bị tổn thương như hầu hết những gì bà ấy từng nói, đáng ra con nên làm theo lời khuyên ấy.

Cơn bực bội của Henry xẹp xuống.
Chỉ sau...sau buổi tối đó...mà bọn con...Shan không muốn, nhưng con thuyết phục bạn ấy làm việc đó. Và khi bọn con đã bắt đầu, bạn ấy cũng thích nó chẳng kém gì con. Khi bọn con đã bắt đầu, bạn ấy đòi hỏi chuyện đó.
Con trai tôi kể ra tất cả với một vẻ tự hào lạ lùng, nửa như ân hận, rồi uể oải lắc đầu.
Giờ thì trăm mẫu đất chỉ nằm đó cho cỏ mọc, còn con gặp rắc rối to. Nếu mẹ còn ở đây, mẹ sẽ giúp con thu xếp. Tiền có thể thu xếp mọi thứ, đó là những gì ông ấy
nói.
Henry hất đầu về phía đám bụi đang lại gần.

Nếu con không nhớ mẹ con chặt chẽ đến thế nào với một đô la, vậy thì quả là con đã lãng quên quá nhanh cho lợi ích của chính con,
tôi nói.
Và nếu con đã quên bà ấy tát vào mặt con thế nào lần đó...


Con không quên,
thằng bé lầm lì nói. Rồi tiếp tục với giọng điệu còn cau có hơn:
Con đã nghĩ bố sẽ giúp con cơ đấy.


Bố rất muốn thử. Ngay lúc này, bố muốn con lánh mặt đi chỗ khác. Sự có mặt của con ở đây khi bố Shannon tới sẽ chẳng khác gì vẫy một miếng vải đỏ trước mặt bò tót. Hãy để bố tìm hiểu xem chúng ta đang ở đâu - và thái độ của ông ấy ra sao - và có thể bố sẽ gọi con ra ngoài cửa.
Tôi nắm lấy cổ tay thằng bé.
Bố sẽ làm tốt nhất có thể vì con, con trai.

Nó giật cổ tay khỏi bàn tay tôi.
Tốt hơn bố nên làm thế.

Con trai tôi đi vào trong nhà, và ngay trước khi Harlan xuất hiện trong chiếc xe hơi mới của ông ta (một chiếc Nash với nước sơn dưới lớp bụi phủ bên trên cũng xanh lục và bóng loáng như lưng một con ruồi xanh), tôi nghe thấy tiếng cánh cửa trước đóng sầm lại.
Chiếc Nash dừng lại, tắt máy, rồi nằm im lặng. Harlan ra khỏi xe, cởi áo khoác, gấp lại để trên ghế. Ông ta mặc áo khoác vì đã ăn bận tươm tất cho chuyến tới thăm: sơ mi trắng, cà vạt, quần đẹp chuyên dành để mặc ngày Chủ nhật với chiếc thắt lưng có khóa bạc. Ông ta kéo mạnh thắt lưng lên, thu xếp để cái quần được chỉnh về đúng tư thế ông muốn, ngay dưới cái bụng nhỏ gọn gàng của mình. Ông ta vẫn luôn tử tế với tôi, và tôi cũng luôn coi hai chúng tôi không chỉ là bạn mà còn là bạn tốt, ấy vậy mà vào khoảnh khắc đó tôi thấy căm ghét ông ta. Không phải vì ông ta tới trách cứ tôi vì con trai tôi; Chúa biết rõ hẳn tôi cũng sẽ làm điều tương tự, nếu vị thế của hai chúng tôi đảo ngược lại. Không, nguyên nhân là chiếc Nash mới tinh màu xanh lục bóng loáng kia. Là cái khóa thắt lưng bạc hình một con cá heo. Là cái si lô mới sơn màu đỏ tươi, là hệ thống ống nước trong nhà. Và hơn tất thảy là bà vợ có khuôn mặt tẻ nhạt nhưng vâng lời ông ta để lại trang trại của mình, hẳn lúc này đang làm bữa chiều bất chấp nỗi lo âu bà ta đang cảm thấy. Một người vợ luôn dịu dàng đưa ra câu trả lời mỗi khi đối diện với bất cứ khó khăn nào, Những gì anh nghĩ là tốt nhất, anh yêu.
Hỡi các phụ nữ, hãy ghi nhớ: một người vợ như thế không bao giờ cần lo sợ sẽ phải ú ớ những âm thanh cuối cùng của đời mình qua một cái cổ họng bị cắt đứt lìa.
Ông ta bước tới bậc thềm. Tôi đứng lên, chìa tay ra, chờ đợi được chứng kiến xem liệu ông ta sẽ bắt lấy nó hay bỏ qua. Có một thoáng do dự trong khi ông hàng xóm của tôi cân nhắc giữa được và mất, nhưng cuối cùng ông ta vẫn nắm lấy tay tôi trong giây lát trước khi buông ra.
Chúng ta có một rắc rối đáng kể ở đây, Wilf,
ông ta nói.

Tôi biết rồi. Henry vừa kể cho tôi nghe. Thà rằng muộn còn hơn không bao giờ.


Thà rằng không bao giờ còn hơn,
ông ta lầm lì nói.

Mời anh ngồi.

Trước lời mời này, ông ta cũng lại cân nhắc trước khi ngồi xuống chiếc ghế xích đu trước đây luôn thuộc về Arlette. Tôi biết ông ta không muốn ngồi - một người đàn ông đang phát điên lên vì bực bội không bao giờ cảm thấy dễ chịu khi ngồi - nhưng dẫu sao ông ta cũng vẫn ngồi.

Anh muốn uống chút trà đá không? Không có nước chanh, Arlette là chuyên gia trong việc pha nước chanh, nhưng...

Ông ta ra hiệu đề nghị tôi im lặng bằng cách giơ một bàn tay mập mạp ngắn ngủn lên. Mập mạp ngắn ngủn nhưng cứng rắn. Harlan là một trong những chủ trại giàu có nhất trong hạt Hemingford, nhưng ông ta không phải một ông chủ chỉ biết ngồi nhà; khi đến thời điểm phơi cỏ khô hay thu hoạch nông sản, ông ta luôn có mặt ngoài đồng cùng các nhân công được thuê.
Tôi muốn quay về trước khi mặt trời lặn. Tôi không thấy mấy cái đèn pha đó có chút ích lợi quái nào cả. Con gái tôi đang có thai, và tôi đoán anh biết ai là tác giả.


Có ích gì nếu tôi nói tôi rất xin lỗi không?


Không.
Đôi môi ông ta mím lại chặt hơn nữa, và tôi có thể trông thấy mạch máu nổi lên giật giật hai bên cổ ông ta.
Tôi còn điên hơn một con ong bắp cày, và điều làm cho sự tình tồi tệ hơn là tôi chẳng có ai để trút cơn điên lên. Tôi không thể nổi điên với lũ trẻ vì chúng chỉ là những đứa trẻ, mặc dù nếu không phải con bé đang có thai, chắc tôi sẽ bắt Shannon nằm úp lên đầu gối tôi và nện cho nó một trận vì đã không biết cư xử cho tốt hơn trong khi nó hiểu biết hơn. Nó cũng đã được nuôi dạy tốt hơn, được chịu lễ nhà thờ tử tế hơn.

Tôi những muốn hỏi liệu có phải ông ta đang nói Henry đã được nuôi dạy không ra gì hay không. Nhưng thay vì thế tôi giữ im lặng, cho phép ông ta nói ra bằng hết những gì đã khiến ông ta sôi sùng sục trong suốt chặng lái xe tới đây. Hẳn ông ta đã nghĩ ra cả một bài diễn thuyết, và sau khi ông ta đã nói xong, rất có thể sẽ dễ nói lý với ông hàng xóm của tôi hơn.

Tôi muốn trách cứ Sallie vì không phát hiện ra tình trạng của con bé sớm hơn, nhưng những người phụ nữ mang thai lần đầu luôn có bụng rất gọn, ai cũng biết thế... và lạy Chúa, anh cũng biết những cái váy Shan vẫn mặc đấy. Đó cũng chẳng phải chuyện gì mới mẻ. Con bé vẫn mặc những chiếc váy của các bà già đó từ khi nó mới 12 tuổi và bắt đầu có...

Ông ta giơ bàn tay mập mạp ngắn ngủn của mình ra trước ngực. Tôi gật đầu.

Và tôi cũng muốn trách cứ anh
, vì dường như anh đã sao nhãng những cuộc trò chuyện mà các ông bố thường có với những cậu con trai của họ.
Cứ như thể anh biết gì về chuyện nuôi dạy những đứa con trai vậy,
tôi thầm nghĩ.
Cuộc trò chuyện về việc nó có một khẩu súng ngắn trong quần và nên trông coi nó cho an toàn.
Ông ta nấc lên nghèn nghẹn trong cổ họng rồi hét lên,
Con gái... bé bỏng... của tôi còn quá trẻ để làm mẹ!

Tất nhiên còn một lời trách cứ dành cho tôi mà Harlan không hề biết. Nếu tôi không đẩy Henry vào tình trạng thiếu vắng tình yêu thương của một người phụ nữ, Shannon rất có thể đã không lâm vào tình thế như hiện tại. Tôi cũng có thể hỏi liệu Harlan có nên dành lại một chút sự trách cứ cho chình ông ta trong lúc bận rộn phân phát nó ra khắp nơi xung quanh hay không. Nhưng tôi chỉ im lặng. Sự im lặng không bao giờ đến với tôi một cách tự nhiên, nhưng sống chung với Arlette đã cho tôi vô số cơ hội để thực hành.

Chỉ có điều tôi cũng không thể trách cứ cả anh nữa, vì vợ anh đã bỏ đi hồi mùa xuân, và cũng tự nhiên khi sự chú ý của anh bị sao nhãng đi vào một thời điểm như thế. Vậy là tôi đã ra sau nhà và chẻ hết gần nửa cord[22] củi trước khi tới đây để cố gắng giải tỏa một phần cơn điên loạn đó ra ngoài, và hẳn cách này đã có tác dụng. Vì tôi đã bắt tay anh, phải không nào?

Vẻ tự chúc mừng tôi bắt gặp trong giọng nói của ông ta làm tôi ngứa ngáy muốn nói, Trừ khi đó là một vụ hiếp dâm, tôi nghĩ muốn tạo ra một cái thai kiểu gì vẫn cần đến hai người.
Nhưng rồi tôi chỉ nói,
Phải, anh đã làm thế,
rồi dừng lời ở đó.

Được, điều đó dẫn chúng ta tới việc mà anh sẽ làm trong chuyện này. Anh và thằng nhóc từng ngồi bên bàn ăn nhà tôi, từng ăn thức ăn do vợ tôi nấu đó.

Một con quỷ nào đó - tôi đoán đó là tạo vật vẫn len lỏi vào trong con người một gã đàn ông khi Kẻ Ma Quái rời đi - khiến tôi nói,
Henry muốn cưới con bé và cho đứa trẻ một cái tên.


Thực là một chuyện lố bịch quái đản đến mức tôi không muốn nghe. Tôi sẽ không nói rằng Henry thậm chí chẳng có một miếng đất để tè xuống hay một khung cửa sổ để nhảy qua - tôi biết anh đã làm đúng, Wilf, hay đúng hết mức anh có thể, nhưng đó cũng là điều tốt nhất tôi có thể nói. Những năm gần đây đều rất thuận lợi, vậy mà anh vẫn đang bị nợ ngân hàng đuổi sát gót. Anh sẽ đi đến đâu khi tình hình mùa màng trở nên khó khăn? Sẽ luôn có lúc như thế. Nếu anh có được tiền mặt từ việc bán chỗ trăm mẫu đất kia đi, thì tình hình có thể đã khác - tiền mặt cho phép vượt qua thời buổi khó khăn, ai cũng biết thế cả - nhưng cùng với việc Arlette biến mất, chúng nằm đó vô dụng, chẳng khác gì một bà già táo bón ở tịt trong nhà cầu vậy.

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, một phần trong con người tôi cố gắng hình dung xem mọi thứ sẽ ra sao nếu tôi chiều theo ý Arlette về những mẫu đất mắc dịch đó, như tôi từng chiều ý cô ta trong vô số những chuyện khác. Mình sẽ phải sống trong mùi hôi thối, đó là những gì sẽ xảy ra. Mình có thể đã phải đào giếng lấy nước cho bò, vì lũ bò sẽ không đời nào chịu uống nước từ nguồn có lẫn máu với những bộ lòng lợn nổi lềnh bềnh trên đó.

Đúng thế. Nhưng khi đó tôi sẽ được sống thay vì chỉ tồn tại, Arlette sẽ vẫn còn sống cùng với tôi, và Henry hẳn sẽ không phải là thằng bé lầm lì, khổ sở, khó tính nó đã trở thành. Thằng bé đã khiến cô bạn thân từ hồi nhỏ của nó lâm vào cảnh rắc rối nghiêm trọng.

Được thôi, vậy anh muốn làm gì?
tôi hỏi.
Tôi sợ rằng anh đã đánh xe tới đây mà chưa có ý tưởng nào trong đầu.

Ông ta có vẻ chẳng nghe thấy những gì tôi nói. Ông hàng xóm của tôi đang nhìn qua cánh đồng về nơi cái si lô mới của ông ta hiện lên trên đường chân trời. Khuôn mặt ông ta rất nặng nề và buồn bã, nhưng tôi đã đi quá xa và viết ra quá nhiều để có thể nói dối; vẻ mặt ấy chẳng hề làm tôi xúc động bao nhiêu. Năm 1922 là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, năm tôi biến thành một người đàn ông mà tôi không còn nhận ra nữa, và Harlan Cotterie chỉ như một vết xói lở nữa trên một tảng đá và một quãng đường khốn khổ mà thôi.

Con bé rất thông minh,
Harlan nói.
Cô McReady ở trường nói Shan là học sinh xuất sắc nhất cô ấy từng dạy trong cả đời mình, có nghĩa là từ gần 40 năm qua. Con bé giỏi môn tiếng Anh, và còn giỏi hơn trong môn toán, một điều cô McReady nói rất hiếm ở học sinh nữ. Thậm chí nó có thể làm được cả môn nượng dác
[23], Wilf. Anh có biết môn đó không? Cả cô McReady cũng không biết môn nượng dác.

Không, tôi không biết, nhưng tôi biết từ đó nói thế nào. Nhưng tôi cảm thấy đây có lẽ không phải là lúc để chỉnh sửa cách phát âm cho ông hàng xóm của tôi.

Sallie muốn gửi con bé tới trường sư phạm ở Omaha. Họ đã nhận học sinh nữ vào học bên cạnh học sinh nam từ năm 1918, mặc dù tới giờ vẫn chưa có nữ sinh nào tốt nghiệp.
Ông ta dành cho tôi một cái nhìn thật khó chịu đựng nổi: trong đó có cả sự ghê tởm lẫn thù địch.
Phụ nữ lúc nào cũng muốn kết hôn, anh thấy đấy. Và có con. Gia nhập Ngôi sao Miền đông[24], rồi lúi húi lau chùi những cái sàn nhà chết dẫm.

Ông ta thở dài.

Shan có thể là đứa đầu tiên. Nó có năng khiếu và có đầu óc. Anh không thể biết điều đó, phải không nào?

Không, thực ra tôi không hề biết. Tôi đã chỉ đơn thuần đưa ra một phỏng đoán - một trong rất nhiều phỏng đoán mà lúc này tôi biết rõ là sai - rằng cô bé có thể làm một bà vợ nông thôn tốt, và không hơn.

Thậm chí nó có thể dạy ở trường cao đẳng. Chúng tôi đã lên kế hoạch gửi con bé tới học tại ngôi trường đó ngay khi nó 17 tuổi.

Sallie lên kế hoạch, ý anh là vậy,
tôi thầm nghĩ. Nếu để mặc cho anh, một ý tưởng điên rồ như thế sẽ chẳng bao giờ hiện lên trong đầu óc nông dân của anh.


Shan cũng đồng ý, và tiền đã được để dành ra. Tất cả đã được thu xếp.
Ông ta quay sang nhìn tôi, và tôi nghe thấy cổ ông ta kêu răng rắc.
Và tất cả vẫn đang được thu xếp. Nhưng trước hết - gần như ngay lập tức - con bé sẽ tới Ngôi nhà Công giáo St. Eusebia dành cho nữ sinh ở Omaha. Nó vẫn chưa biết chuyện này đâu, nhưng việc đó sẽ được tiến hành. Sallie đã nói tới việc gửi con bé tới Deland - chị của Sal sống ở đó - hay tới chỗ cô chú tôi ở Lyme Biska, song tôi không thể đặt niềm tin vào bất cứ ai trong số họ trong việc thực hiện những gì chúng tôi đã quyết định. Và một đứa con gái đã gây ra thứ rắc rối kiểu này cũng không xứng đáng được tới chỗ những người nó biết và yêu quý.


Vậy ra đó là những gì anh đã quyết định sao, Harl? Bên cạnh việc gửi con gái anh tới một thứ... tôi không biết nữa... trại mồ côi?

Ông ta nổi cáu.
Đó không phải là một trại mồ côi. Đó là một cơ sở sạch sẽ, lành mạnh, và bận rộn. Người ta đã nói với tôi như thế. Tôi đã trao đổi tìm hiểu, và mọi thông tin tôi có được đều tốt. Con bé sẽ có việc làm, được học hành, và sau bốn tháng nữa nó sẽ sinh con. Khi việc sinh nở đã xong, đứa trẻ sẽ được cho làm con nuôi. Các nữ tu ở St. Eusebia sẽ lo chuyện đó. Sau đó con bé có thể quay về nhà, và sau một năm rưỡi nữa nó có thể đăng ký vào học trường sư phạm đúng như Sallie mong muốn. Và cả tôi nữa, tất nhiên rồi. Sallie và tôi.


Thế còn vai trò của tôi trong chuyện này? Tôi đoán hẳn tôi phải đóng một vai nào đó.


Có phải anh đang bỡn cợt tôi không vậy, Wilf? Tôi biết anh vừa trải qua một năm khó khăn, nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận được việc anh bỡn cợt tôi.


Không phải tôi đang bỡn cợt anh, nhưng anh cần phải biết anh không phải là người duy nhất đang phát điên và cảm thấy xấu hổ ê chề. Hãy nói cho tôi biết anh muốn gì, và có thể chúng ta sẽ còn tiếp tục là bạn.

Nụ cười mỉm lạnh lùng hiếm có ông ta dùng để đón nhận câu nói của tôi - chỉ một cử động uốn cong nho nhỏ của đôi môi và một thoáng xuất hiện ngắn ngủi của những nếp hằn trên khóe miệng - đã nói lên rất nhiều về chuyện ông ta nuôi dưỡng ít hy vọng đến thế nào về chuyện đó.


Tôi biết anh không giàu, nhưng anh vẫn cần phải ghé vai vào gánh phần trách nhiệm của mình. Thời gian con bé lưu lại nơi đó - các nữ tu gọi là chăm sóc trước sinh - sẽ tốn mất 300 đô la. Xơ Camilla gọi đó là một khoản đóng góp khi tôi nói chuyện với bà ta qua điện thoại, nhưng tôi biết đâu là một khoản lệ phí khi nghe người ta nhắc đến chúng.


Nếu anh định yêu cầu tôi chia sẻ nó cùng anh...


Tôi biết anh không thể kiếm được 150 đô la, nhưng tốt hơn anh nên có thể xoay xở được 75 đô la, vì đó là khoản tiền sẽ phải tiêu tốn cho người gia sư. Người sẽ giúp con bé theo kịp các bài học.


Tôi không thể làm được. Arlette đã vét sạch tiền mặt của tôi khi cô ta bỏ đi.
Nhưng đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình đang tự hỏi liệu có thể vợ tôi đã giấu diếm đi một số tiền hay không. Câu chuyện về 200 đô la mà cô ta mang theo khi trốn khỏi nhà chỉ là một lời nói dối trắng trợn, nhưng vào tình thế như lúc này thậm chí vài khoản tiền nho nhỏ cất giấu đâu đó cũng rất hữu ích. Tôi thầm hình dung trong đầu các ngăn tủ bát và những chiếc hộp trong bếp.

Hãy vay một khoản nữa từ ngân hàng,
ông ta nói.
Anh đã trả xong khoản vay cuối cùng rồi, tôi nghe nói thế.

Tất nhiên ông ta đã nghe được chuyện đó. Những việc như thế đáng ra phải được coi là chuyện riêng tư, nhưng những người như Harlan Cotterie có tai mắt ở khắp nơi. Tôi lại cảm thấy bùng lên cảm giác khó chịu với ông ta. Ông ta đã cho tôi thuê cái máy thu hoạch ngô của mình và chỉ lấy có 20 đô la tiền thuê ư? Thế thì sao? Ông ta đang đòi tiền tôi và hơn nữa, với thái độ như thể cô con gái quý hóa của ông ta chưa từng bao giờ dạng chân ra và nói nào, tiến vào và sơn tường đi.


Tôi đã dùng tiền thu được từ vụ thu hoạch để trang trải món vay đó,
tôi nói.
Giờ tôi không còn tiền nữa. Tôi có đất đai và ngôi nhà của mình để chăm lo, và như thế cũng tốn khá nhiều.


Anh phải tìm ra cách,
ông ta nói.
Hãy đem thế chấp ngôi nhà, nếu cần phải làm thế. 75 đô la là phần của anh, và nếu so sánh với việc con trai anh phải đi thay tã ở tuổi 15, tôi nghĩ anh đã thoát nạn với giá quá rẻ rồi đấy.

Ông ta đứng dậy. Cả tôi cũng thế.
Thế nếu tôi không tìm ra cách? Khi đó thì sao, Harl? Anh sẽ gọi cảnh sát trưởng chăng?

Đôi môi ông ta cong lên đầy khinh bỉ, khiến cảm giác khó chịu tôi dành cho ông ta trở thành căm ghét. Chuyện đó xảy ra trong khoảnh khắc, và tới tận hôm nay tôi vẫn cảm nhận được sự căm ghét ấy, khi đã có rất nhiều cảm xúc khác tắt lịm trong trái tim tôi.
Tôi sẽ không bao giờ tìm tới pháp luật với một việc như chuyện này. Nhưng nếu anh không chịu gánh vác phần trách nhiệm của mình, quan hệ giữa anh và tôi coi như chấm dứt.
Ông ta liếc mắt nhìn ra bầu trời đang dần tắt nắng bên ngoài.
Tôi về đây. Phải vậy thôi, nếu tôi muốn về tới nhà trước khi trời tối. Tôi chưa cần đến chỗ 75 đô la đó trong vài tuần tới, vì vậy anh còn chừng ấy thời gian. Và tôi sẽ không đến thúc giục anh vì khoản tiền đó đâu. Nếu anh không chịu bỏ tiền ra, thì cứ làm thế. Có điều đừng có nói là anh không thể, vì tôi biết rõ hơn thế. Đáng ra anh nên để cho vợ anh bán khu đất đó cho Farrington, Wilf. Nếu anh làm thế, cô ấy hẳn vẫn còn ở đây và anh hẳn đã có ít tiền trong tay. Và rất có thể con gái tôi đã không dính dáng gì đến gia đình anh.

Trong tâm trí mình, tôi đẩy ông ta lộn nhào qua cửa và nhảy bổ lên cái bụng tròn xoe của ông ta bằng cả hai chân khi ông hàng xóm của tôi tìm cách bò dậy. Rồi tôi lấy cái liềm ra khỏi chuồng gia súc và đâm xuyên nó qua một bên mắt ông ta. Còn trên thực tế, tôi đứng chống một tay lên lan can và nhìn ông ta bước xuống các bậc thềm.

Anh có muốn nói chuyện với Henry không?
tôi hỏi.
Tôi có thể gọi nó ra. Về chuyện này nó cũng khổ tâm chẳng kém gì tôi.

Harlan vẫn không dừng bước.
Con gái tôi là đứa trong sạch và con trai anh đã làm vấy bẩn nó. Nếu anh lôi nó ra đây, có khi tôi sẽ nện nó nhừ tử. Rất có thể tôi sẽ không thể kiềm chế được bản thân.

Tôi thầm suy nghĩ về chuyện đó. Henry đã lớn, thằng bé rất khỏe, và có lẽ quan trọng nhất nó đã biết thế nào là giết người. Còn Harl Cotterie thì chưa.
Ông ta không cần phải quay cần khởi động để nổ máy chiếc Nash mà chỉ cần bấm vào một cái nút. Giàu có quả là tuyệt đủ đường.
75 đô là những gì tôi cần để khép chuyện này lại,
ông ta gọi với lại qua tiếng động cơ nổ. Sau đó, ông hàng xóm của tôi lái xe lượn vòng quanh cái thớt bổ củi, làm George và đám gà mái của nó quýnh quáng bay loạn lên, rồi quay trở về trang trại của ông ta; với cái máy phát điện to tướng và hệ thống ống nước trong nhà của nó.
Khi tôi quay lại, Henry đang đứng cạnh tôi, mặt tái xám đầy phẫn nộ.
Bọn họ không thể gửi cô ấy đi như thế.

Vậy là thằng bé đã nghe tất cả. Tôi không thể nói rằng tôi cảm thấy ngạc nhiên.

Có thể và sẽ,
tôi nói.
Và nếu con thử làm gì đó ngu ngốc và cứng đầu, con sẽ chỉ làm tồi tệ thêm một tình thế vốn đã chẳng hay ho gì.


Bọn con có thể bỏ trốn. Chúng con sẽ không để bị bắt lại. Nếu chúng ta đã có thể trót lọt với... với việc chúng ta đã làm... thì con đoán con có thể thực hiện suôn sẻ việc bỏ trốn tới Colorado cùng cô gái của con.


Con không thể,
tôi nói,
vì con không có tiền. Tiền thu xếp mọi thứ, ông ta nói vậy. Được lắm, còn đây là những gì bố nói: không tiền làm hỏng mọi thứ. Bố biết vậy, và Shannon cũng sẽ biết thế. Lúc này cô ấy phải bận tâm tới đứa con của mình...


Không đâu, nếu họ ép cô ấy cho đứa bé đi.


Điều đó cũng không làm thay đổi những gì một phụ nữ cảm nhận khi cô ta có một đứa con trong bụng. Một đứa con sẽ làm họ trở nên khôn ngoan theo cách mà những người đàn ông không thể hiểu nổi. Bố không hề mất đi chút tôn trọng nào với con hay với cô bé chỉ vì nó sắp có một đứa con - hai đứa bọn con không phải là trường hợp đầu tiên, và cũng sẽ không phải là cuối cùng, cho dù nếu Quý ông Cao cả và Toàn năng đã nảy ra ý tưởng là cô ta sẽ chỉ được sử dụng thứ nằm giữa hai chân mình để đi tiểu. Nhưng nếu con yêu cầu một cô gái đang mang thai năm tháng bỏ trốn cùng con... và cô ấy đồng ý... khi đó bố sẽ không còn sự tôn trọng dành cho cả hai đứa nữa.


Bố thì biết gì?
thằng bé hỏi với giọng vô cùng coi thường.
Bố thậm chí còn chẳng thể cắt một cái cổ mà không gây ra đủ thứ lôi thôi.

Tôi cứng họng không biết nói sao. Thằng bé thấy rõ như thế, và bỏ mặc tôi ở đó.
Con trai tôi tới trường ngày hôm sau không chút cự nự, cho dù người yêu của nó không còn tới trường nữa. Có thể vì tôi để cho nó dùng chiếc xe tải. Một thằng bé sẽ chấp nhận bất cứ cớ nào để được lái một chiếc xe tải, khi chuyện lái xe còn là mới mẻ. Nhưng tất nhiên, sự mới mẻ rồi cũng qua đi. Sự mới mẻ luôn dần biến mất khỏi mọi thứ, và thường không mất nhiều thời gian. Những gì nằm bên dưới luôn xám xịt, tàn tạ, thường như vậy nhiều hơn là không. Giống như một cái ổ chuột.
Khi thằng bé đã đi học, tôi vào trong bếp. Tôi trút đường, bột và muối ra khỏi các hộp đựng bằng thiếc, rồi bới tìm cả trong những thứ bị đổ ra. Chẳng có gì. Tôi quay vào phòng ngủ, lục tìm trong quần áo của vợ tôi. Chẳng có gì. Tôi tìm trong các đôi giày của cô ta và cũng không thấy gì. Nhưng mỗi lần tôi không tìm thấy gì, tôi lại trở nên chắc chắn hơn là nhất định phải có gì đó.
Tôi còn việc cần làm ngoài vườn, nhưng thay vì đi làm những việc đó, tôi ra đằng sau chuồng gia súc, nơi từng là chỗ của cái giếng cũ. Giờ đây cỏ dại đã mọc lên trên: cỏ phù thủy và những cây bụi hoa vàng mọc thưa thớt. Elphis đang nằm ở dưới đó, và Arlette cũng vậy. Arlette với khuôn mặt bị xô lệch sang bên. Arlette với nụ cười như một gã hề của cô ta. Arlette với cái bao tải chụp lên đầu.

Nó ở đâu, hả đồ điếm cứng đầu?
tôi hỏi cô ta.
Cô đã giấu nó ở đâu rồi?

Tôi cố gắng dọn quang đãng đầu óc mình, đó là điều bố tôi vẫn khuyên tôi làm khi tôi để quên đâu đó một công cụ hay một trong những cuốn sách quý báu của tôi. Sau một lát, tôi quay trở vào trong nhà, lên buồng ngủ, rồi tới chỗ tủ quần áo. Có hai cái hộp đựng mũ đặt trên tầng giá cao nhất. Trong cái hộp thứ nhất tôi không tìm thấy gì ngoài một cái mũ - cái mũ trắng vợ tôi vẫn đội đi nhà thờ (khi cô ta chịu khó cất công làm điều đó, thường mỗi tháng một lần). Cái mũ trong hộp thứ hai màu đỏ, và tôi chưa bao giờ thấy vợ tôi đội nó. Với tôi trông nó giống như cái mũ của một ả điếm. Lồng vào trong lớp vải satin lót trong mũ, được gấp lại thành hình vuông chỉ không to hơn viên thuốc là mấy, là hai tờ 20 đô la. Lúc này đây, khi ngồi trong căn phòng khách sạn rẻ tiền này và lắng nghe lũ chuột rúc rích bò đi trong tường (phải, các bạn cũ của tôi đang ở đây), tôi có thể nói với các vị rằng hai tờ 20 đô la đó chính là dấu triện quyết định kết án nguyền rủa tôi.
Bởi vì chúng không đủ. Các vị đã nhận ra rồi, phải không nào? Tất nhiên các vị đã nhận ra. Người ta chẳng cần phải là là chuyên gia trong môn nượng dác
để biết rằng cần phải thêm 35 đô la vào 40 để có được 75 đô la. Nghe cũng chẳng nhiều nhặn gì cho lắm, phải không nào? Nhưng vào thời đó các vị có thể mua được lượng lương thực đủ ăn trong hai tháng với 35 đô la, hay một bộ nông cụ tốt đã qua sử dụng tại xưởng rèn của Lars Olsen. Các vị có thể mua một vé tàu tới tận Sacramento... điều mà đôi lúc tôi ước gì mình đã làm.
Ba mươi lăm.
Và đôi lúc khi tôi nằm trên giường buổi tối, tôi có thể thực sự nhìn thấy con số đó. Nó lóe lên ánh sáng màu đỏ, giống như đèn báo hiệu không được băng qua đường khi có một đoàn tàu sắp tới. Nếu mỗi chúng ta đều có một Kẻ Ma Quái bên trong mình, thì mỗi chúng ta cũng có một Kẻ Điên Rồ. Và vào những buổi tối như thế, khi tôi không thể ngủ được vì con số nhấp nháy đó không cho tôi ngủ, Kẻ Điên Rồ của tôi nói đó là một âm mưu: rằng Cotterie, Stoppenhauser, và gã luật sư đê tiện của nhà Farrington đều can dự vào trong đó. Tất nhiên, tôi ý thức được khá hơn thế nhiều (ít nhất là vào ban ngày). Cotterie và ông luật sư Lester rất có thể sau này đã có một cuộc trao đổi cùng Stoppenhauser - sau khi tôi đã làm những gì tôi đã làm - nhưng chắc chắn ban đầu bọn họ chẳng có can hệ gì; Stoppenhauser thực ra đã cố giúp đỡ tôi... và thực hiện một vụ làm ăn nhỏ cho Home Bank & Trust, tất nhiên rồi. Nhưng khi Harlan hay Lester - hoặc cả hai người bọn họ - nhìn thấy một cơ hội, bọn họ đã nắm lấy nó. Kẻ Ma Quái cũng đồng lõa vào: các vị có thấy thích chuyện này không? Đến lúc đó hầu như tôi chẳng còn bận tâm nữa, vì đến lúc đó tôi đã mất đi con trai tôi, nhưng các vị có biết ai là kẻ tôi thực sự buộc tội không?
Arlette.
Phải.
Bởi vì chính cô ta là kẻ đã để lại hai tờ giấy bạc đó trong cái mũ đỏ đĩ thõa của cô ta để tôi tìm thấy. Và các vị có thấy vợ tôi khôn ngoan một cách ma quái đến mức nào không? Vì không phải món 40 đô la đó đã làm hại tôi; chính là món tiền còn thiếu giữ nó và những gì Cotterie đòi hỏi để thuê gia sư cho cô con gái chửa hoang của ông ta; những gì ông ta muốn để con bé có thể học tiếng Latinh và theo kịp môn nượng dác
của nó.
35, 35, 35.
Tôi nghĩ về số tiền ông ta muốn để trả cho gia sư trong suốt phần còn lại của tuần đó? và trong suốt dịp cuối tuần nữa. Đôi lúc tôi lấy hai tờ bạc ra - tôi đã gỡ phẳng chúng ra song các nếp gấp vẫn còn hằn lại - và ngắm nghía chúng. Đến tối Chủ nhật tôi đã đi tới quyết định. Tôi nói với Henry rằng nó sẽ phải dùng chiếc Model T đi học vào sáng thứ Hai; tôi cần tới Hemingford Home gặp ông Stoppenhauser tại ngân hàng để thu xếp một khoản vay. Một khoản vay nhỏ. Chỉ 35 đô la.

Để làm gì?
Henry đang ngồi trên cửa sổ, trầm ngâm nhìn về phía cánh đồng phía tây đang chìm dần vào bóng tối.
Tôi cho nó biết nguyên nhân. Tôi nghĩ việc này sẽ thổi bùng lên một cuộc cãi cọ nữa về Shannon, và theo một cách nào đó, đây chính là thứ tôi muốn. Thằng bé không nói gì về cô bạn gái của nó trong suốt cả tuần, mặc dù tôi biết Shan đã đi khỏi nhà. Mert Donovan đã kể cho tôi biết khi ông ta tới mua ngô hạt.
Tới một trường học kỳ quặc nào đó ở tận Omaha,
ông ta kể.
Tốt thôi, càng thêm sức mạnh cho cô bé, đó là những gì tôi nghĩ. Nếu bọn họ rồi đây sẽ bỏ phiếu, tốt hơn họ nên học hành tử tế. Mặc dù,
ông ta nói thêm sau một khoảnh khắc cân nhắc suy nghĩ,
con gái tôi luôn làm những gì tôi bảo nó. Sẽ tôt hơn cho nó nếu nó biết điều gì là có lợi cho mình.

Nếu tôi biết cô bé đã rời khỏi nhà, chắc chắn Henry cũng biết, thậm chí có lẽ còn trước cả tôi - những đứa trẻ ở trường học đều là những kẻ buôn chuyện hăng hái. Nhưng thằng bé không nói gì. Tôi cho rằng tôi đang cố cung cấp cho nó một lý do để nói ra hết mọi cảm xúc đau khổ và những lời buộc tội của nó. Hẳn sẽ chẳng vui vẻ gì, song về lâu về dài rất có thể như vậy lại có ích. Như thế, sẽ không còn cơn đau nào trên trán hoặc trong bộ óc đằng sau vầng trán còn cơ hội tiếp tục mưng mủ. Nếu chúng tiếp tục tụ lại trong đó, căn bệnh truyền nhiễm nhiều khả năng sẽ lan rộng.
Nhưng thằng bé chỉ cười gằn trước tin này, vậy là tôi quyết định chọc tức nó mạnh hơn chút nữa.

Con và bố sẽ chia đôi gánh nặng,
tôi nói.
Có lẽ sẽ không lên đến quá 38 đô la nếu chúng ta hoàn lại khoản vay vào Giáng sinh. Có nghĩa là 19 đô mỗi người. Bố sẽ lấy phần của con từ tiền công lao động con được hưởng.

Tất nhiên, tôi nghĩ, việc này sẽ dẫn tới một cơn giận dữ... nhưng nó chỉ đem lại thêm một tiếng cười gằn khó chịu nữa. Thậm chí con trai tôi còn không cãi cọ về chuyện phải lái chiếc Model T tới trường, mặc dù thằng bé từng nói những đứa trẻ khác lôi chuyện này ra làm trò đùa, gọi cái xe là
máy đập mông của Hank
.

Con trai?


Gì cơ ạ.


Con không sao chứ?

Thằng bé quay sang tôi và mỉm cười - hay ít nhất môi nó cũng cong lên.
Con ổn cả. Chúc bố may mắn ở ngân hàng ngày mai. Con đi ngủ đây.

Khi nó đứng dậy, tôi nói:
Con có thể hôn bố một cái không?

Nó hôn lên má tôi. Đó là cái hôn cuối cùng.
Con trai tôi lấy chiếc T tới trường, còn tôi lái chiếc xe tải tới Hemingford Home, tại đây ông Stoppenhauser dẫn tôi vào văn phòng của ông ta chỉ sau năm phút chờ đợi. Tôi trình bày những gì tôi cần, nhưng từ chối không nói rõ tôi cần nó để làm gì, mà chỉ nói chung chung là lý do cá nhân. Tôi nghĩ với một khoản tiền cỏn con như thế hẳn tôi sẽ không cần phải giải thích cụ thể hơn, và tôi đã đúng. Nhưng khi tôi khai xong thủ tục, ông ta đan hai bàn tay vào nhau áp lên cái thấm mực đặt trên mặt bàn và nhìn tôi với cái nhìn nghiêm khắc gần như của một ông bố. Trong góc, chiếc đồng hồ hiệu Regulator tích tắc đếm từng thời khắc đang lặng lẽ trôi qua. Ngoài phố - to hơn đáng kể - vang lên tiếng nổ của một động cơ. Nó dừng lại, tất cả trở nên im lặng, rồi sau đó lại một động cơ khác khởi động. Liệu có phải đó là con trai tôi, thoạt đầu tới trên chiếc Model T, sau đó xoáy chiếc xe tải của tôi hay không? Tôi không tài nào biết chắc được, song tôi nghĩ là vậy.

Wilf,
ông Stoppenhauser nói,
cậu đã có chút thời gian để vượt qua chuyện vợ cậu bỏ đi như thế - thứ lỗi cho tôi vì đã gợi lại một chủ đề có thể khiến cậu đau khổ, nhưng dường như lúc này là thời điểm thích hợp, và bên cạnh đó, văn phòng của một chủ ngân hàng cũng ít nhiều giống như chỗ nghe xưng tội của một mục sư vậy - vì thế tôi sẽ nói chuyện với cậu như một người chân thành thẳng thắn[25]. Một vai trò hoàn toàn thích hợp, vì bố mẹ tôi vốn cũng từ Hà Lan tới đây.

Tôi đã nghe những lời này trước đây - và tôi đoán hầu hết những người từng ghé qua nơi này cũng vậy - và để đáp lại, tôi nở một nụ cười ngoan ngoãn, có nghĩa là mời chào ông chủ nhà tiếp tục diễn thuyết.

Liệu Home Bank &Trust có cho cậu vay 35 đô la không? Tất nhiên rồi. Thậm chí tôi còn muốn xử lý vụ này như giữa hai người đàn ông với nhau và cho cậu vay ngay từ ví của tôi, chỉ có điều tôi chẳng bao giờ mang theo trong người nhiều hơn số tiền cần thiết cho bữa trưa của tôi ở quán Splendid Diner và cho việc đánh bóng đôi giày. Quá nhiều tiền là một sự cám dỗ thường trực, thậm chí cả với một lão già khôn ngoan như tôi, và bên cạnh đó, công việc là công việc. Nhưng!

Ông ta giơ một ngón tay lên.
Anh không cần
35 đô la.


Rất buồn phải thú nhận, nhưng đúng là tôi có cần.
Tôi băn khoăn tự hỏi liệu có phải ông ta đã biết lý do tôi đi vay tiền hay không. Có thể lắm; ông ta quả thực là một con cáo già. Nhưng Harl Cotterie cũng thế, và Harl cũng là một con cáo già đáng xấu hổ vào mùa thu năm đó.

Không; cậu không cần chừng đó. Cậu cần 750 đô, đó là thứ cậu cần, và cậu có thể có nó ngay hôm nay. Hoặc cậu gửi luôn vào ngân hàng, hoặc đi ra ngoài mang theo nó trong túi, với tôi thế nào cũng được. Cậu đã thanh toán hết khoản vay thế chấp bằng trang trại của cậu 3 năm trước. Bây giờ nó đã hoàn toàn tự do và sạch sẽ. Vì thế hoàn toàn không có bất cứ lý do nào ngăn cản cậu quay vòng lại và vay một khoản thế chấp nữa. Chuyện này luôn xảy ra, chàng trai trẻ, và thậm chí cả với những người khá giả nhất. Cậu sẽ rất ngạc nhiên nếu được thấy vài món giấy tờ chúng tôi đang giữ ở đây. Toàn là của những người khá giả hạng nhất. Phải đấy, thưa quý ông.


Tôi cảm ơn ông rất nhiều, ông Stoppenhauser, nhưng tôi không nghĩ thế. Khoản vay thế chấp đó chẳng khác gì một đám mây xám xì luôn lơ lửng trên đầu tôi trong suốt thời gian nó còn hiệu lực, và...


Wilf, điểm đáng nói chính là chỗ này đấy!
Cái ngón tay lại giơ lên lần nữa. Lần này nó không ngừng đảo qua đảo lại, giống như cần quả lắc của chiếc đồng hồ Regulator.
Đó chính là điểm quan trọng nhất! Chính những anh chàng cầm về một khoản vay thế chấp rồi sau đó cảm thấy như thể lúc nào họ cũng đang nhởn nhơ chơi bời là những kẻ cuối cùng luôn lỡ kỳ hạn và mất trắng món tài sản giá trị của mình! Còn những anh chàng như cậu, những kẻ coi tờ giấy vay ngân hàng đó như một bao đá phải mang trên lưng vào một ngày u ám, lại luôn thanh toán đúng kỳ hạn! Và chẳng lẽ cậu muốn nói với tôi rằng cậu không thể cải thiện được bất cứ cái gì sao? Một mái nhà cần chữa lại? Thêm ít đầu gia súc nữa?
Ông ta ném về phía tôi một cái nhìn ranh mãnh tinh quái.
Thậm chí có thể là hệ thống ống dẫn nước trong nhà, giống như nhà hàng xóm phía dưới đường của cậu ấy chẳng hạn? Những thứ như thế rồi sẽ tự trang trải cho chúng, cậu biết mà. Cuối cùng cậu sẽ có được những cải thiện vượt xa giá trị khoản vay thế chấp. Giá trị cho tiền bạc, Wilf! Giá trị cho tiền bạc!

Tôi suy nghĩ một hồi. Và cuối cùng tôi nói,
Tôi cũng rất muốn, thưa ông. Tôi sẽ không nói dối về điều đó...


Đâu cần phải thế. Văn phòng của chủ ngân hàng, nơi nghe xưng tội của mục sư - sự khác biệt là rất nhỏ. Những người khá giả hạng nhất ở vùng này cũng từng ngồi vào cái ghế cậu đang ngồi, Wilf. Những người khá giả hạng nhất.


Nhưng tôi chỉ tới để vay một khoản nhỏ - và được ông vui lòng chấp nhận - mà đề nghị mới này cần được cân nhắc thêm chút nữa. Một ý tưởng mới vừa lóe lên trong đầu tôi, một ý tưởng thú vị đến mức đáng ngạc nhiên.
Và tôi nhất thiết phải trao đổi với con trai tôi, Henry - Hank, như bây giờ nó thích được gọi. Thằng bé đã đến tuổi cần được hỏi ý kiến, bởi vì những gì tôi có đến một ngày nào đó sẽ là của nó.


Tôi hiểu, hoàn toàn hiểu. Nhưng đó là việc đúng đắn nên làm, tin tôi đi.
Ông ta đứng dậy và chìa bàn tay ra. Tôi cũng đứng dậy và bắt tay ông ta.
Cậu tới đây để mua một con cá, Wilf. Tôi đề nghị bán cho cậu một cái cần câu. Một vụ làm ăn tốt hơn nhiều.


Cảm ơn ông.
Và trước khi rời khỏi ngân hàng, tôi thầm nghĩ: Mình sẽ trao đổi chuyện này với con trai mình.
Một ý nghĩ thật tuyệt. Một ý nghĩ làm ấm lên trái tim đã lạnh giá suốt nhiều tháng vừa qua.
Đầu óc con người ta quả là một thứ thật buồn cười, phải không nào? Vì mải mê bận rộn với lời đề nghị tự nguyện từ ông Stoppenhauser về một khoản cho vay thế chấp, tôi đã chẳng hề nhận ra chiếc xe tôi dùng để đi tới ngân hàng đã bị thay thế bằng chiếc xe Henry đã lái đến trường. Tôi cũng không chắc liệu mình có nhận ra chuyện đó ngay lập tức không, thậm chí cho dù trong tâm trí tôi lúc ấy chỉ có những mối bận tâm ít quan trọng hơn. Nói gì thì nói, cả hai chiếc xe đều quá quen thuộc với tôi; chúng đều là của tôi. Tôi chỉ nhận ra sự thay đổi khi cúi người vào trong xe lấy cần khởi động và nhìn thấy một tờ giấy được gấp lại, đặt trên ghế lái xe và có một hòn đá chặn đè lên.
Tôi đờ người ra trong khoảnh khắc ở tư thế đó, nửa người ở trong, nửa người ở ngoài chiếc T, một bàn tay áp lên thành xe, bàn tay kia đang thò xuống dưới gầm ghế, nơi chúng tôi vẫn để cần khởi động. Tôi cho rằng tôi đã biết tại sao Henry lại rời khỏi trường vòng tới đây từ trước khi tôi lấy tờ giấy nó để lại ra từ dưới hòn đá và mở ra. Chiếc xe tải đáng tin cậy hơn cho một chuyến đi dài. Như một chuyến đi tới Omaha chẳng hạn.
Bố,

Con đã lấy xe tải. Con đoán bố biết con sẽ đi đâu. Hãy để con yên. Con biết bố có thể yêu cầu cảnh sát trưởng Jones đuổi theo con để bắt con về, nhưng nếu bố làm thế con sẽ kể ra tất cả. Có thể bố nghĩ rồi con sẽ đổi ý vì con
chỉ là một thằng nhóc
, NHƯNG CON SẼ KHÔNG ĐỔI Ý. Không có Shan, con chẳng còn quan tâm tới gì khác nữa. Con yêu bố dù con không biết tại sao, vì mọi thứ chúng ta làm đã khiến con rất đau khổ.

Con trai yêu quý của bố,

Henry
Hank
James

Tôi lái xe về trang trại trong trạng thái đờ đẫn mụ mị. Tôi nghĩ đã có vài người vẫy tay chào cho tôi - tôi nghĩ thậm chí cả Sallie Cotterie, người đang chăm chút cho vườn rau ven đường của nhà Cotterie, cũng vẫy tay chào tôi - và rất có thể tôi đã vẫy tay chào lại, nhưng tôi không còn nhớ gì về việc có làm thế hay không. Lần đầu tiên kể từ khi cảnh sát trưởng Jones tìm tới trang trại, đưa ra những câu hỏi vui vẻ, không cần đến câu trả lời của ông ta, và nhìn ngó qua mọi thứ với đôi mắt lạnh lùng soi mói, chiếc ghế điện dường như lại trở thành một khả năng có thật với tôi, thật đến mức gần như tôi có thể cảm nhận thấy những cái khóa sắt áp lên da tôi khi những dây đai da được siết chặt lên hai bên cổ tay và phía trên khuỷu tay tôi.
Thằng bé có thể bị bắt cho dù tôi có giữ mồm giữ miệng hay không đi chăng nữa. Với tôi, khả năng đó dường như là không thể tránh khỏi. Thằng bé không có tiền, thậm chí chẳng có đủ sáu đồng xu để đổ đầy bình xăng của chiếc xe tải, vì thế nó sẽ buộc phải cuốc bộ thậm chí từ rất lâu trước khi tới được Elkhorn. Nếu nó tìm cách ăn trộm được xăng, con trai tôi rồi sẽ bị bắt khi nó mò tới nơi con bé đang sống (Henry đoán như một tù nhân; trong đầu óc chưa đủ chín chắn của mình, thằng bé không bao giờ nghĩ có thể bạn gái nó là một vị khách tự nguyện). Tất nhiên Harlan đã cung cấp cho người phụ trách ở đó - xơ Camilla - mô tả đặc điểm ngoại hình của Henry. Thậm chí cho dù ông ta có không cân nhắc tới khả năng anh chàng bạn trai đang bất bình sẽ xuất hiện ở nơi người đẹp trong mộng của cậu ta bị cầm tù, thì xơ Camilla chắc chắn cũng sẽ tính đến khả năng này. Trong nghề của mình, trước đây bà ta hiển nhiên đã từng phải đối phó với những anh chàng bạn trai đang bất bình.
Hy vọng duy nhất của tôi là khi bị nhà chức trách bắt giữ, Henry sẽ giữ được im lặng đủ lâu để hiểu ra nó đã rơi vào bẫy vì chính những suy nghĩ lãng mạn ngu ngốc của chình mình chứ không phải vì sự can thiệp của tôi. Hy vọng một thằng bé vị thành niên suy nghĩ một cách chín chắn cũng chẳng khác gì nhắm mắt đặt cược bừa vào một cuộc đua ngựa, nhưng tôi còn có lựa chọn nào khác đây?
Khi tôi lái xe vào trong sân, một ý nghĩ điên rồ chợt lóe lên trong đầu tôi: để nguyên chiếc T nổ máy, chạy vào nhà gói ghém hành lý, rồi lái xe trốn tới Colorado. Ý nghĩ đó tồn tại trong không quá hai giây. Tôi có tiền - trên thực tế là 75 đô la - nhưng chiếc Model T hẳn đã hỏng từ lâu trước khi tôi kịp vượt qua biên giới tiểu bang ở Julesburg. Và đó cũng chưa phải là điều quan trọng; nếu chỉ có vậy, tôi luôn có thể lái xe tới Lincoln, rồi dùng chiếc T kèm thêm 60 đô la nữa đổi lấy một chiếc xe đáng tin cậy. Không, điều quan trọng chính là nơi này. Là ngôi nhà này. Ngôi nhà của tôi
. Tôi đã sát hại vợ mình để giữ lấy nó, và giờ đây sẽ không có chuyện tôi bỏ nó đi chỉ vì kẻ đồng lõa ngu ngốc và non nớt của tôi đâm đầu vào một cuộc phiêu lưu lãng mạn. Nếu tôi rời khỏi trang trại, thì sẽ không phải để tới Colorado; khi đó điểm đến sẽ là nhà tù tiểu bang. Và tôi sẽ bị xích lại giải tới đó.
Hôm ấy là thứ Hai. Không có tin tức gì trong suốt ngày thứ Ba và thứ Tư. Cảnh sát trưởng Jones không hề xuất hiện để báo cho tôi biết Henry đã bị bắt trong lúc đi nhờ xe trên xa lộ Lincoln - Omaha, và Harl Cotterie cũng không chường mặt tới để nói với tôi (với vẻ hài lòng đặc chất Thanh giáo, không nghi ngờ gì nữa) rằng cảnh sát Omaha đã bắt giữ Henry theo yêu cầu của xơ Camilla, và lúc này thằng bé đang ngồi trong đồn cảnh sát, lải nhải đủ thứ chuyện kỳ quái về những con dao, cái giếng và bao tải. Mọi thứ đều tĩnh lặng ở trang trại. Tôi ở ngoài vườn thu hoạch rau, tôi sửa hàng rào, vắt sữa bò, cho gà ăn - và làm tất cả như thể trong một cơn mộng du. Một phần của tôi, và là một phần không hề nhỏ, tin rằng tất cả những điều đã xảy ra là một cơn ác mộng dài khủng khiếp rối rắm mà rồi tôi sẽ tỉnh dậy khỏi nó với Arlette nằm ngáy bên cạnh cùng tiếng Henry chẻ củi để nhóm lửa buổi sáng.
Thế rồi, vào thứ Năm, cô McReady - bà góa bệ vệ đáng mến dạy các môn khoa học tại trường Hemingford - lái chiếc Model T của bà tới hỏi tôi liệu có phải Henry vẫn ổn cả hay không.
Có một... một căn bệnh
đường ruột đang xảy ra quanh vùng,
bà nói.
Tôi không biết cậu bé có mắc phải không. Con trai ông đã rời trường rất đột ngột.


Đúng là nó mắc bệnh,
tôi nói,
nhưng là bệnh yêu đương chứ không phải đường ruột. Nó bỏ nhà đi rồi, cô McReady.
Những giọt nước mắt không hề lường trước, nhói buốt và nóng hổi, dâng lên mắt tôi. Tôi lấy khăn tay từ trong túi trước cái quần yếm đang mặc ra, nhưng vài giọt nước mắt đã lăn xuống má tôi trước khi tôi kịp lau đi.
Khi tầm nhìn của tôi đã rõ ràng trở lại, tôi thấy cô McReady, người luôn yêu quý tất cả bọn trẻ, kể cả những đứa khó tính, cũng sắp bật khóc. Hẳn bà đã biết từ đầu Henry đang bị chứng bệnh nào hành hạ.

Cậu bé sẽ trở về, ông James. Đừng lo. Tôi đã từng chứng kiến chuyện tương tự trước đây, và tôi trông đợi sẽ còn phải chứng kiến thêm một hay hai lần nữa trước khi nghỉ hưu, cho dù thời điểm đó không còn cách xa như trước nữa.
Bà giáo hạ giọng xuống, như thể bà sợ con gà trống George hay một thành viên nào đó trong hậu cung lông vũ của nó có thể là kẻ nghe trộm.
Người ông cần phải dè chừng là bố cô bé. Ông ta là một người khắc nghiệt và cứng rắn. Không phải là người xấu, nhưng khắc nghiệt.


Tôi biết,
tôi nói.
Và tôi đoán cô cũng biết con gái ông ấy đang ở đâu.

Bà giáo cúi mắt xuống né tránh. Như thế là quá đủ cho một câu trả lời.

Cảm ơn cô vì đã tới đây, cô McReady. Tôi có thể đề nghị cô giữ kín chuyện này được không?


Tất nhiên rồi... nhưng bọn trẻ đã bắt đầu xì xào rồi.

Phải. Chắc chắn rồi.

Ông có điện thoại không, ông James?
Bà nhìn quanh tìm kiếm đường dây điện thoại.
Tôi thấy là không. Đừng bận tâm. Nếu tôi biết được gì, tôi sẽ tới báo với ông.


Ý cô là nếu cô nghe ngóng được gì đó trước Harlan Cotterie hay cảnh sát trưởng Jones.


Chúa sẽ che chở cho con trai ông. Cả Shannon nữa. Ông biết đấy, hai đứa thực sự đã là một đôi đáng yêu; ai cũng từng nói thế. Đôi khi quả ngọt chín quá sớm, và một cơn sương mù làm hỏng mất nó. Thật đáng xấu hổ. Thật đáng buồn.

Bà giáo bắt tay tôi - cái bắt tay mạnh mẽ của một người đàn ông - rồi lái chiếc xe rẻ tiền của mình đi. Tôi không nghĩ bà nhận ra rằng, về cuối, bà đã nói về Shannon và con trai tôi ở thì quá khứ.
Đến thứ Sáu, cảnh sát trưởng Jones xuất hiện, trên chiếc xe có ngôi sao vàng sơn trên cửa. Và ông ta không chỉ có một mình. Theo sau cách một quãng là chiếc xe tải của tôi. Tim tôi đập rộn khi nhìn thấy nó, rồi lại nặng nề chìm xuống khi tôi nhìn thấy người ngồi sau tay lái: Lars Olsen.
Tôi cố bình thản chờ đợi trong lúc Jones thực hiện Nghi lễ Xuất hiện của ông ta: xốc lại thắt lưng, lau trán (cho dù hôm đó trời se lạnh và âm u), rồi vuốt tóc. Tôi không thể.
Thằng bé vẫn ổn chứ? Ông đã tìm thấy nó chưa?


Không, chưa, không thể nói là chúng tôi đã tìm ra.
Ông cảnh sát trưởng leo lên bậc thềm.
Lái xe theo tuyến ở phía đông Lyme Biska đã tìm thấy cái xe tải, nhưng không thấy tăm hơi nào của cậu bé. Chúng tôi có thể biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của con trai ông nếu ông báo cho chúng tôi biết chuyện ngay khi nó vừa xảy ra. Phải không nào?


Tôi đã hy vọng nó sẽ tự quay về nhà,
tôi ủ ê nói.
Thằng bé đi tới Omaha. Tôi không biết cần nói với ông nhiều tới mức nào, cảnh sát trưởng...

Lars Olsen đã tiến vào trong tầm tai nghe, và hai tai anh ta chỉ còn thiếu vươn lên ve vẩy.
Quay trở ra xe của tôi, Olsen,
Jones nói.
Đây là một cuộc trao đổi riêng tư.

Lars, một tâm hồn nhu mì dễ bảo, lập tức rút lui không chút chần chừ. Jones quay sang tôi. Ông ta trông ít tươi cười hơn nhiều so với lần ghé thăm trước, và cũng đã dẹp bộ dạng vụng về sang một bên.

Chẳng phải tôi đã biết đủ nhiều rồi sao? Rằng con trai ông chơi trò vợ chồng với con gái Harl Cotterie và nhiều khả năng đã bỏ nhà để lang thang đến Omaha. Thằng bé đã lái chiếc xe khỏi đường rẽ vào một cánh đồng có cỏ mọc cao khi nó biết bình xăng gần cạn. Thông minh lắm. Nó có được sự thông minh đó từ ông phải không? Hay từ Arlette?

Tôi không nói gì, nhưng ông ta cung cấp cho tôi một ý tưởng. Chỉ là một ý tưởng nhỏ, nhưng rất có thể sẽ hữu ích.

Tôi sẽ cho ông biết một việc con trai ông đã làm mà chúng ta sẽ cảm ơn nó về việc đó,
Jones nói.
Thậm chí việc này còn có thể giúp thằng bé tránh được nhà tù nữa. Nó đã dọn sạch cỏ dưới gầm chiếc xe tải trước khi tung tăng bỏ đi. Như thế hơi nóng sẽ không làm cỏ bắt lửa, ông biết đấy. Gây ra một vụ cháy lớn trên thảo nguyên làm cháy trụi vài nghìn mẫu, chuyện đó có thể sẽ khiến bồi thẩm đoàn có phần bực bội, ông có nghĩ vậy không? Cho dù kẻ phạm tội mới chỉ 15 tuổi đi chăng nữa?


Thế đấy, việc đó đã không xảy ra, thưa cảnh sát trưởng - thằng bé đã làm đúng - vậy tại sao ông còn bận tâm đến chuyện này làm gì?
Tất nhiên tôi biết câu trả lời. Cảnh sát trưởng Jones có thể sẽ chẳng buồn vất vả nhọc công vì những kẻ như Andrew Lester, một luật sư, nhưng ông ta là bạn thân của Harl. Cả hai đều là thành viên của hội Elks Lodge mới được thành lập, và Harl hiển nhiên chẳng ưa gì con trai tôi.

Có vẻ ông hơi thấy khó chịu, phải không nào?
Ông cảnh sát trưởng lại lau trán, sau đó đội cái mũ Stetson của ông ta lại như cũ.
Phải, có thể tôi cũng thấy khó chịu, nếu đây là con trai tôi. Và ông biết gì không? Nếu thằng bé là con trai tôi và Harl Cotterie là láng giềng của tôi - láng giềng tốt
của tôi - có thể tôi đã chạy sang nhà ông ấy và nói,
Harl? Anh biết chưa? Tôi nghĩ có khi con trai tôi đang tìm cách tới gặp con gái anh. Anh có muốn báo cho ai đó để chặn đón nó không?
Nhưng ông chẳng hề làm thế, phải không nào?

Ý tưởng mà ông ta gợi ý cho tôi ngày càng có vẻ triển vọng hơn, và gần như đã đến lúc tung nó ra.

Thằng bé vẫn chưa ló mặt ra ở chỗ cô gái đang sống, cho dù là chỗ nào đi nữa, phải không?


Chưa, không, có thể nó vẫn đang tìm địa chỉ.


Tôi không nghĩ nó bỏ nhà đi tìm Shannon,
tôi nói.

Thế ư, thế thì để làm gì? Chẳng lẽ ở Omaha người ta có một loại kem ngon hơn chắc? Bởi vì con trai ông đi theo hướng đó, cũng chắc như ông đang ở trước mặt tôi vậy.


Tôi nghĩ nó đi tìm gặp mẹ nó. Tôi nghĩ có thể cô ta đã liên lạc với thằng bé.

Câu trả lời khiến ông ta ngừng bặt trong suốt mười giây, đủ lâu cho một lượt lau trán và vuốt tóc nữa. Rồi ông ta hỏi,
Bà nhà có thể làm việc đó bằng cách nào?


Theo như phán đoán tốt nhất của tôi thì chắc là qua một lá thư.
Cửa hàng tạp hóa ở Hemingford Home cũng đồng thời là bưu trạm, nơi mọi thư tín đều dồn tới.
Có thể người ta đã chuyển thư cho thằng bé khi nó tới đó mua kẹo hay lạc rang, như nó vẫn thường làm trên đường từ trường về. Tôi không biết chắc, cảnh sát trưởng, cũng như tôi không biết chắc tại sao ông tới đây làm như thể tôi vừa gây ra tội ác nào vậy. Tôi không phải là người làm cô bé kia phễnh bụng.


Ông cần tránh cách nói năng như thế khi nhắc tới một cô bé tử tế!


Có thể là có mà cũng có thể là không, nhưng chuyện này với tôi cũng đáng ngạc nhiên chẳng kém gì so với nhà Cotterie, và giờ thì con trai tôi bỏ nhà đi. Ít ra họ còn biết rõ con gái họ đang ở đâu.

Thêm lần nữa ông ta lại giậm chân. Rồi ông ta lấy một cuốn sổ nhỏ từ túi sau quần ra rồi ghi chép gì đó vào sổ. Ông ta cất sổ về chỗ cũ và hỏi,
Nhưng ông không biết chắc liệu vợ ông có liên lạc với cậu bé hay không - đó là những gì ông vừa cho tôi biết phải không? Hay chỉ là một phỏng đoán?


Tôi biết thằng bé đã nói rất nhiều về mẹ nó sau khi cô ta bỏ đi, nhưng sau đó nó lại thôi không nhắc gì nữa. Và tôi biết nó không xuất hiện ở chỗ Harlan và vợ ông ta gửi Shannon.
Và về chuyện này tôi cũng ngạc nhiên chẳng kém gì cảnh sát trưởng Jones... nhưng lại lấy làm mừng.
Ghép hai việc đó lại với nhau, ông sẽ có cái gì nhỉ?


Tôi không biết,
Jones cau mặt nói.
Thực sự tôi không biết. Tôi từng nghĩ mình đã luận ra tất cả trong vụ này, nhưng trước đây tôi đã nhầm lẫn rồi, phải không nào? Phải, và sẽ còn lầm lẫn nữa.
Chúng ta ai cũng phạm phải sai lầm
, đó là những gì Kinh Thánh nói. Nhưng có Chúa chứng giám, lũ trẻ quả là khiến cuộc sống của tôi trở nên thật khó khăn. Nếu ông nghe ngóng được gì từ con trai ông, Wilfred, bảo với nó tôi khuyên nó hãy yên vị đôi mông xương xẩu của nó ở nhà và tránh cho xa Shannon Cotterie, nếu nó biết con bé đang ở đâu. Con bé không hề muốn gặp nó, về chuyện này tôi có thể đảm bảo. Tin tốt lành là không có vụ hỏa hoạn nào trên thảo nguyên, và chúng tôi không thể bắt giữ thằng bé vì lấy cắp xe tải của bố nó.


Không,
tôi cau có nói,
ông sẽ không bao giờ ép được tôi đưa ra lời buộc tội đó đâu.


Nhưng.
Ông cảnh sát trưởng giơ ngón tay lên, cử chỉ làm tôi nhớ tới ông Stoppenhauser ở ngân hàng.
Ba ngày trước, ở Lyme Biska - không xa nơi người ta tìm thấy cái xe tải của ông cho lắm - có ai đó đã đột nhập vào hiệu tạp hóa kiêm cây xăng nằm bên rìa thị trấn. Cửa hiệu có hình Cô Gái Mũ Xanh trên nóc, phải không nhỉ? Lấy đi 23 đô la. Bản tường trình đang nằm trên bàn tôi. Đó là một anh chàng trẻ tuổi mặc đồ cao bồi cũ rích, buộc một cái khăn che kín miệng và đội mũ phớt rộng vành kéo sụp xuống che khuất đôi mắt. Bà mẹ ông chủ hiệu đang đứng quầy thu ngân, và gã kia đã đe dọa bà ta bằng một món dụng cụ nào đó. Bà lão cho rằng đó có thể là một cái xà beng hay một thứ gì đại loại như thế, nhưng ai dám chắc được? Bà lão đã hơn 80 tuổi và mắt đã mù dở rồi.

Lần này đến lượt tôi im lặng. Lặng đi vì sững sờ. Cuối cùng tôi lên tiếng,
Henry từ trường bỏ đi, ông cảnh sát trưởng, và như những gì đến bây giờ tôi còn nhớ được, lúc đó nó đang mặc một chiếc áo sơ mi vải flannel và quần nhung kẻ. Thằng bé không hề cầm theo món quần áo nào của nó, và dù thế nào đi nữa nó cũng không hề có quần áo cao bồi, nếu ông muốn nói tới ủng và những thứ khác. Và nó cũng chẳng có cái mũ phớt rộng vành nào.


Có thể con trai ông cũng đã ăn cắp cả những món đó lắm chứ, phải không nào?


Nếu ông không biết gì hơn ngoài những gì ông vừa nói, ông nên dừng lại là hơn. Tôi biết ông là bạn của Harlan...


Nào, nào, chuyện này không có gì liên quan tới điều đó cả.

Chắc chắn là có, và cả hai chúng tôi đều biết thế, nhưng chẳng có lý do gì để bàn cãi thêm nữa về nó. Có thể 80 mẫu đất của tôi không được bề thế lắm khi so sánh với 400 mẫu của Harlan Cotterie, nhưng nói gì thì nói tôi vẫn là một chủ đất, một người đóng thuế, và tôi sẽ không để bị ai dọa dẫm. Đó là điều tôi đang muốn nói, và cảnh sát trưởng Jones đã hiểu được.

Con trai tôi không phải là kẻ cướp, và nó không đe dọa phụ nữ. Đó không phải là cách nó cư xử, và nó cũng không được nuôi dạy như thế.

Không cho tới tận gần đây, đúng ra là vậy,
một giọng nói bên trong tôi thì thầm.

Có thể chỉ là một kẻ lang thang muốn kiếm tiền tiêu theo cách nhanh chóng,
Jones nói.
Nhưng tôi cảm thấy mình cần điều tra, và tôi đã làm như thế. Và chúng ta không thể biết được dân tình sẽ nói gì, phải không nào? Những câu chuyện bàn tán luôn xuất hiện. Ai mà chẳng nói, phải vậy không? Nói chẳng mất gì. Chủ đề này coi như kết thúc ở đây, nếu nói tới phần liên quan của tôi - hãy để cảnh sát trưởng hạt Lyme lo lắng về những gì diễn ra tại Lym Biska, đó là tôn chỉ của tôi - nhưng ông cần biết cảnh sát Omaha đang để mắt theo dõi chặt chẽ nơi Shannon Cotterie sống. Nói vậy để phòng trường hợp con trai ông liên lạc với ông, ông biết đấy.

Ông ta vuốt tóc ra sau, rồi đội mũ lại lần cuối cùng.

Có thể thằng bé sẽ tự quay về nhà, không gây ra chuyện gì rắc rối, và chúng ta có thể nói về tất cả chuyện này, tôi không biết gọi vậy có đúng không nữa, như một món nợ xấu.


Được thôi. Chỉ cần đừng gọi con trai tôi là một đứa con trai hư hỏng, trừ khi ông cũng sẵn sàng gọi Shannon Cotterie là một đứa con gái hư hỏng.

Cái cách hai cánh mũi ông ta phập phồng cho biết ông cảnh sát trưởng không khoái những gì vừa được nghe cho lắm, nhưng ông ta cũng không đáp lại. Những gì ông ta nói là,
Nếu con trai ông quay về và nói nó đã gặp mẹ, hãy cho tôi biết, được chứ? Chúng tôi đang ghi nhận bà nhà trong sổ như người mất tích. Thật ngớ ngẩn, tôi biết thế, nhưng luật là luật.


Tôi sẽ làm thế, tất nhiên rồi.

Ông ta gật đầu và đi ra xe. Lars đã ngồi vào sau tay lái. Jones đẩy anh ta ra - ông cảnh sát trưởng là loại người luôn tự lái lấy xe. Tôi nghĩ tới người thanh niên trẻ đã cướp hiệu tạp hóa, và cố trấn an mình rằng Henry của tôi không bao giờ lại làm một việc như thế, và thậm chí nó bị lâm vào tình cảnh phải làm việc đó, thằng bé cũng không thể đủ khôn ngoan để mặc lên người những món quần áo nó đã lấy cắp trong chuồng gia súc hay nhà lán của ai đó. Nhưng Henry giờ đã khác, những kẻ sát nhân luôn học được
sự khôn ngoan, phải không nào? Đó là một kỹ năng sống sót. Tôi nghĩ rất có thể...
Nhưng không. Tôi sẽ không nói như thế. Như thế quá yếu đuối. Đây là lời thú tội của tôi, là những lời cuối cùng của tôi về mọi chuyện, và nếu tôi không thể nói ra sự thật, toàn bộ sự thật, không gì ngoài sự thật, thì đâu còn có ích gì nữa? Thì còn gì có ích nữa?
Đó chính là nó. Đó là Henry. Tôi đã thấy trong mắt cảnh sát trưởng Jones rằng ông ta chỉ nói tới vụ cướp bên đường đó vì tôi đã không chịu quỵ lụy ông ta theo cách mà ông ta nghĩ chắc chắn tôi phải làm, song tôi tin là vậy. Bởi vì tôi biết nhiều hơn cảnh sát trưởng Jones. Sau khi bạn đã giúp bố mình giết mẹ mình, thì việc đánh cắp một vài món quần áo hay gí xà beng vào mặt một bà già có là gì nữa? Chẳng mấy đáng bận tâm. Và nếu thằng bé đã thử một lần, rồi nó sẽ thử lần nữa, một khi 23 đô la kia đã hết sạch. Nhiều khả năng là ở Omaha. Nơi người ta chắc sẽ bắt được nó. Và đến khi đó tất cả mọi chuyện có thể sẽ bại lộ. Gần như chắc chắn sẽ bại lộ.
Tôi leo lên trước cửa nhà, ngồi xuống, gục mặt vào hai bàn tay.
Ngày lại ngày trôi qua. Tôi không biết là bao nhiêu nữa, chỉ nhớ là ngày nào trời cũng mưa. Khi trời mưa vào mùa thu, mọi công việc ngoài trời đành phải để lại, và tôi lại không có đủ gia súc hay nhà kho để trám đầy thời gian bằng công việc trong nhà. Tôi cố thử đọc, nhưng dường như các từ ngữ không còn nối liền với nhau thành mạch nữa, cho dù thỉnh thoảng lại có một vài từ đơn độc nhảy bật ra khỏi trang sách và gào lên. Sát nhân. Tội lỗi. Phản phúc. Những từ đại loại như thế.
--------------------------------
[19] Samuel Pepys (1633 - 1703): quan chức hải quân, nghị sĩ Anh, nổi tiếng với những cuốn nhật ký được ghi đều đặn qua hàng chục năm liền.
[20] Tên một người da đỏ trong nhóm đến thu hoạch ngô.
[21] 1 gallon Mỹ = 3,78 lít.
[22] Đơn vị dùng để đo thể tích củi. 1 cord = 3,63 m3.
[23] Lượng giác, trong nguyên tác Harlan phát âm sai từ này.
[24] Một tổ chức ái hữu thu nhận thành viên cả nam và nữ, do Rob Morris thành lập năm 1850.
[25] Nguyên bản là
Dutch uncle
, nếu dịch sát nghĩa từng từ là
ông bác Hà Lan
, nhưng trong tiếng Anh cụm từ này có nghĩa là người thẳng thắn chân thành.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 1922, Năm Ác Báo.