• 479

Chương 14: Tango


Số từ: 7279
Dịch: Lục Hương
Nguồn: NXB Hội Nhà Văn
Thứ gần như tất cả độc giả đều chưa từng thấy
Komatsu và Tengo gặp nhau ở chỗ cũ. Quán cà phê gần ga Shinjuku. Giá một cốc cà phê tất nhiên không rẻ, nhưng được cái khoảng cách các bàn tương đối xa, lúc nói chuyện không phải để ý đến tai người khác, không khí đại loại cũng sạch sẽ, tiếng nhạc vô hại được bật nhỏ. Komatsu vẫn theo lệ đến muộn hai mươi phút. Komatsu nói chung thường không đến đúng giờ hẹn, còn Tengo không đến muộn bao giờ. Chuyện này gần như đã thành quy luật. Komatsu xách cặp tài liệu bằng da, trên người mặc bộ com lê bằng vải tuýt và áo Polo xanh thẫm.

Xin lỗi đã để cậu phải đợi lâu,
Komatsu nói, nhưng nhìn điệu bộ anh ta chẳng có gì là hối lỗi cả. Hình như tâm trạng còn vui vẻ hơn lúc bình thường, khóe miệng hiện ra nụ cười như vầng trăng khuyết lúc bình minh chưa lên.
Tengo chỉ gật đầu, không nói một lời.

Xin lỗi vì cứ giục cậu. Chuyện này chuyện kia, chắc là vất vả lắm?
Komatsu ngồi xuống chiếc ghế đối diện, nói.

Không phải tôi muốn khoa trương nhưng mười ngày nay đến bản thân còn sống hay đã chết tôi cũng chẳng rõ nữa,
Tengo đáp.

Nhưng cậu làm rất tốt. Vừa có được sự chấp thuận của người giám hộ cho Fukaeri một cách thuận lợi, vừa viết lại cuốn tiểu thuyết đâu vào đấy. Không vừa chút nào với người xa rời thế tục như cậu, thật sự đã làm quá tốt. Tôi phải nhìn cậu với con mắt khác rồi đấy!

Tengo dường như không nghe thấy những lời khen gợi đó.
Báo cáo tôi viết về hoàn cảnh của Fukaeri anh đã đọc chưa? Phần dài dài ấy.


À, tất nhiên là đọc rồi. Đọc rất kỹ rồi. Nói thế nào nhỉ, tình hình khá phức tạp đấy. Cứ như một đoạn trong bộ trường thiên tiểu thuyết ấy. Nhưng mà tạm không nhắc đến chuyện này vội. Thầy giáo Ebisuno lại là người giám hộ của Fukaeri, tôi thật không thể ngờ được. Thế giới này nhỏ thật. À thế, thầy giáo có nhắc gì đến tôi không?


Nhắc đến anh?


Phải rồi, nhắc đến tôi.


Thế thì hơi lạ nhỉ,
Komatsu dường như cảm thấy khó tin nói.
Hồi trước tôi và thầy Ebisuno từng cộng tác, tôi còn đến phòng nghiên cứu trong trường đại học của ông ấy để lấy bản thảo nữa cơ. Có điều đó l chuyện lâu lắm rồi, từ thời tôi còn là một biên tập viên trẻ măng.


Có lẽ vì nhiều năm trôi qua, ông ấy quên mất rồi. Ông ấy còn hỏi dò tôi xem Komatsu là người như thế nào.


Không,
Komatsu nói, lắc đầu với vẻ không vui,
Không thể có chuyện đó được. Tuyệt đối không thể nào. Ông thầy giáo này thuộc loại nhìn ai một lần là không bao giờ quên, trí nhớ tốt lắm, hơn nữa khi ấy chúng tôi còn nói bao nhiêu chuyện… mà thôi, chuyện này bỏ qua. Đó là một lão già không dễ đối phó đâu. Theo báo cáo của cậu, tình hình xung quanh Fukaeri tương đối phức tạp đấy.


Đâu chỉ có phức tạp. Mà chúng ta đang ôm một quả bom theo đúng nghĩa đen đấy. Xét trên bình diện nào thì Fukaeri cũng không phải là người bình thường. Không đơn giản chỉ là một cô bé xinh đẹp mười bảy tuổi. Cô ấy mắc chứng khó đọc, không thể đọc sách một cách bình thường. Cũng không thể viết văn cho ra hồn. Tâm hồn dường như đã bị tổn thương và mất đi một phần ký ức liên quan đến sự việc đó. Cô ấy lớn lên ở một nơi giống như là công xã, và hầu như không đi học. Cha là lãnh tụ của tổ chức cách mạng cánh tả, mặc dù chỉ gián tiếp, nhưng hình như cũng có dính líu đến sự kiện đấu súng liên quan đến tổ chức Akebono đó. Người thu nhận cô ấy từng là nhà nhân học văn hóa nổi tiếng. Nếu cuốn tiểu thuyết thực sự trở thành một đề tài bàn luận, e rằng giới truyền thông sẽ ùn ùn kéo đến, moi móc đào bới bằng được những sự thực hấp dẫn ấy ra. Sẽ gay đấy.


Phải, có thể sẽ ầm ĩ như mở cửa địa ngục ra vậy,
Komatsu nói, nhưng nụ cười nơi khóe miệng không hề biến mất.

Vậy thì ngừng kế hoạch này lại chứ?


Ngừng lại?


Sự việc trở nên quá đà rồi. Quá nguy hiểm. Hay là tráo đổi lại cái bản thảo ban đầu đi.


Chuyện không đơn giản như vậy đâu. Bản thảo Nhộng không khí do cậu viết lại đã được gửi đến xưởng in, bây giờ đang in thử rồi. In xong sẽ được đưa ngay đến cho tổng biên tập, giám đốc phụ trách xuất bản và bốn giám khảo. Đến nước này thì không thể đến mà nói với họ rằng:
Xin lỗi, đó là một sự nhầm lẫn. Các vị coi như chưa từng đọc, trả bản thảo lại cho tôi đi.

Tengo thở dài.

Chẳng còn cách nào cả, không thể đảo ngược thời gian,
Komatsu nói, sau đó rút một điếu Marlboro đưa lên miệng nheo mắt, lấy bao diêm của quán đánh lửa,
Mọi việc sau đây để tôi suy tính kỹ càng đã, cậu không cần nghĩ ngợi nhiều làm gì. Giả sử Nhộng không khí giành được giải, chúng ta cố gắng không để Fukaeri lộ mặt ra là được. Chỉ cần khéo nhào nặn cô ấy thành một tác giả nữ trẻ kỳ bí không muốn xuất hiện trước mặt công chúng là xong. Tôi sẽ lấy danh nghĩa là người chịu trách nhiệm biên tập đảm nhiệm luôn vai trò người phát ngôn cho cô ấy. Tình huống này cần xử lý như thế nào, tôi đều biết cả, sẽ không có vần đề gì đâu.


Tôi không hề nghi ngờ năng lực của anh, nhưng Fukaeri không giống các cô gái đang lượn lờ đầy ngoài phố kia. Cô ấy không phải loại để mặc cho người ta điều khiển. Chỉ cần cô ấy đã quyết điều gì, dù người khác có nói thế nào, cô ấy cũng nhất quyết làm theo ý mình. Những gì không hợp ý, cô ấy không bao giờ chịu chấp nhận. Sự việc không đơn giản như anh nghĩ đâu.

Komatsu không nói gì, cứ lật qua lật lại hộp diêm trong tay.

Nhưng mà, Tengo này, đằng nào chuyện cũng đã tới nước này rồi, chúng ta chỉ còn cách quyết tâm tiếp tục dấn tới thôi. Trước hết, Nhộng không khí do cậu viết lại quả thực quá hay, hơn xa những gì tôi nghĩ ban đầu, gần như đã đạt tới mức hoàn hảo. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn nó sẽ giành được giải Tác giả mới, trở thành chủ đề nóng cho đám báo chí. Đã tới mức này rồi thì không thể chôn vùi nó đi được nữa. Làm như vậy, theo tôi chẳng khác nào phạm tội. Vừa nãy tôi cũng nói rồi, kế hoạch đang không ngừng tiến lên phía trước.


Phạm tội?
Tengo chăm chú nhìn thẳng vào mặt Komatsu, nói.

Có một câu nói thế này,
Komatsu cất tiếng.
Hết thảy nghệ thuật, hết thảy tham vọng, hết thảy hành động và tìm tòi, đều có thể coi là có một mục tiêu tốt đẹp nào đó. Vì vậy, phát xuất từ mục tiêu theo đuổi của sự vật để xác định ranh giới của cái thiện.


Cái gì vậy?


Aristotle, Đạo đức học cho Nicomachus. Cậu đã đọc Aristotle bao giờ chưa?


Hầu như không.


Nên đọc. Tôi tin là chắc chắn cậu sẽ thích ông ấy. Mỗi lần chẳng còn sách gì đọc tôi lại đọc triết học Hy Lạp. Đọc đi đọc lại không thấy chán. Bao giờ cũng rút ra được điều gì đó.


Điểm mấu chốt của câu trích dẫn này là gì?


Sự vật xét đến cùng là thiện. Thiện là kết cục của tất thảy. Để dành sự ngờ vực cho ngày mai đi,
Komatsu nói,
Đó chính là điểm mấu chốt.


Aristotle nói gì về chuyện Hitler tàn sát người Do Thái vậy?

Nụ cười hình vành trăng của Komatsu càng hiện lên rõ hơn.
Ở đây, Aristotle chủ yếu chỉ nói về nghệ thuật, văn học và công nghệ thôi.

Thời gian anh quen biết Komatsu không thể xem là ngắn. Trong thời gian đó, Tengo đã thấy bộ mặt bên ngoài, đồng thời cũng nhìn ra bộ mặt bên trong của anh ta. Trong giới, Komatsu là một người cô độc, thoạt nhìn có vẻ luôn hành động theo ý mình. Rất nhiều người cũng bị vẻ bề ngoài ấy đánh lừa. Nhưng chỉ biết rõ ngọn ngành thì sẽ hiểu mỗi hành động của anh ta đều đã được tính toán chu đáo. Nếu so sánh với cờ tướng, thì bằng như anh ta đã tính trước mấy nước cờ. Anh ta thích thắng bất ngờ, nhưng bao giờ cũng vạch sẵn một ranh giới ở những chỗ cần thiết, và chú ý để không vượt qua dù chỉ một bước. Có thể nói đây là tính cách mẫn cảm. Hầu hết những hành vi, lời nói có vẻ vô hại của anh ta chỉ là diễn kịch bề ngoài mà thôi.
Komatsu đã cẩn thận mắc quanh mình mấy lần khóa bảo hiểm. Chẳng hạn như anh ta phụ trách chuyên mục văn nghệ cho số buổi chiều của một tờ báo. Ở đó anh ta viết bài khen chê các nhà văn. Những bài chỉ trích đều khá khắc nghiệt. Viết bài loại này là sở trường của anh ta. Tuy chỉ là bài viết nặc danh, nhưng dân trong nghề đều rõ ai là người chấp bút. Tất nhiên, nhìn chung chẳng có ai thích người khác nói xấu mình trên báo. Vì vậy các tác giả đều để ý không đắc tội với Komatsu. Họ cố gắng không từ chối khi anh ta mời viết cho tạp chí. Ít nhất trong vài lần thì cũng phải có một lần vui vẻ nhận lời. Bằng không, có trời mới biết được anh ta sẽ viết cái gì trên chuyên mục kia!
Tengo không thích nổi kiểu quá tính toán ấy của Komatsu. Một mặt anh ta kinh rẻ văn đàn, mặt khác lại khôn khéo lợi dụng hệ thống đó. Komatsu sở hữu trực giác của một biên tập viên ưu tú, và rất coi trọng Tengo. Những lời khuyên chân thành của anh ta về việc viết tiểu thuyết hầu hết đều đáng quý. Nhưng khi qua lại với con người này, Tengo vẫn luôn chú ý giữ một khoảng cách nhất định. Lại gần quá và bị lún sâu rồi ngộ nhỡ bị anh ta rút mất thang thì không phải chuyện chơi. Về mặt này, Tengo cũng là người cẩn thận.

Vừa nãy tôi nói rồi, bản Nhộng không khí mà cậu viết lại gần như hoàn hảo. Quả là ghê gớm.
Komatsu tiếp tục nói,
Nhưng có một chỗ, chỉ duy nhất một chỗ thôi, nếu có thể được, tôi muốn cậu viết lại lần nữa. Không cần phải làm ngay bây giờ. Với trình độ của giải Tác giả mới thì như hiện nay là được rồi. Đợi khi nào được giải đăng lên tạp chí thì viết lại một chút là được.


Chỗ nào vậy?


Khi Người Tí Hon làm xong Nhộng không khí, mặt trăng biến thành hai. Cô bé ngẩng đầu nhìn lên trời, hai vầng trăng sáng hiện ra. Cậu còn nhớ đoạn ấy không?


Đương nhiên.


Nếu được hỏi ý kiến, tôi cảm thấy phần tả mặt trăng ở đoạn này vẫn chưa được trọn vẹn, chưa đủ. Tốt nhất là tả cho tỉ mỉ cụ thể một chút nữa. Tôi chỉ yêu cầu một điểm ấy thôi.


Đúng là đoạn văn ấy miêu tả có phần hơi cụt. Nhưng tôi không muốn sa vào giải thích quá sâu, sợ phá hỏng mất dòng chảy trong nguyên gốc của Fukaeri.

Komatsu giơ bàn tay đang kẹp điếu thuốc lên.
Tengo à, cậu thử nghĩ xem: bầu trời chỉ có một mặt trăng, độc giả đã thấy không biết bao nhiêu lần rồi. Phải vậy không? Nhưng trên trời cùng lúc hiện ra hai mặt trăng, cảnh tượng ấy chắc chắn họ chưa tận mắt thấy bao giờ. Khi cậu miêu tả một thứ gần như tất cả độc giả đều chưa từng thấy bao giờ trong tiểu thuyết, thì không thể không cố gắng tả cho kỹ lưỡng và chuẩn xác. Chỉ những thứ gần như tất cả độc giả đều từng tận mắt trông thấy mới có thể tỉnh lược, hoặc có thể nói là cần phải tỉnh lược.


Tôi hiểu,
Tengo nói. Góp ý của Komatsu rất hợp lý.
Tôi sẽ tả đoạn hai vầng trăng cùng xuất hiện ấy tỉ mỉ hơn.


Tốt lắm. Vậy là hoàn hảo.
Komatsu nói, sau đó dập thuốc lá,
Những chỗ còn lại không có gì để phê bình cả.


Tôi rất vui khi mỗi lần thứ mình viết ra được anh khen ngợi, có điều lần này thì thú thực không thể vui nổi,
Tengo nói.

Cậu đang nhanh chóng trưởng thành,
Komatsu chậm rãi nói từng chữ,
Với tư cách là người viết, là tác giả, cậu đang trưởng thành. Cậu cứ vui vẻ đi, đừng ngại. Thông qua việc viết lại Nhộng không khí này, chắc chắn cậu đã học được nhiều điều về tiểu thuyết. Lần sau khi cậu viết tác phẩm của riêng mình, chắc chắn sẽ có ích.


Nếu còn có lần sau.

Komatsu mỉm cười.
Không cần lo lắng. Cậu đã làm việc cần làm. Giờ đến lượt tôi. Cậu chỉ cần lui ra ngoài sân, thong thả quan sát diễn biến trận đấu là được.

Cô nhân viên phục vụ bước tới, rót thêm nước lạnh. Tengo cầm lên uống hết nửa cốc. uống xongnh mới nhớ ra, kỳ thực anh không hề muốn uống nước.

Linh hồn con người cấu thành từ lý tính, ý chí và tình dục. Câu này có phải của Aristotle không?
Tengo hỏi.

Đấy là Plato. Aristotle và Plato là hai người hoàn toàn khác nhau, khác như Mel Tormé và Bing Crosby vậy. Nói tóm lại, hồi trước mọi thứ đơn giản hơn hiện nay nhiều,
Komatsu nói,
Thử tưởng tượng ra cảnh lý tính, ý chí và tình dục tổ chức hội nghị, ngồi quanh bàn sôi nổi tranh luận, chẳng phải là rất thú vị?


Đại khái có thể đoán được ai là kẻ không thể giành được phần thắng.


Ở con người cậu, tôi thích nhất chính là khiếu hài hước này đấy.
Komatsu giơ ngón trỏ lên trời.
Đây đâu phải cái gì hài hước, Tengo nghĩ bụng nhưng anh không nói ra.
Sau khi chia tay với Komatsu, Tengo vào hiệu sách Kinokuniya mua mấy quyển sách, rồi ghé quán rượu gần đó vừa uống bia vừa giở sách ra đọc. Đây là thời điểm anh thấy thư giãn nhất. Mua vài cuốn sách mới, đến quán rượu đầu phố, một tay cầm đồ uống, một tay lật trang. Nhưng chẳng hiểu sao tối hôm nay anh không thể nào tập trung đọc được. Anh luôn thấy bóng mẹ lờ mờ hiện ra trong ảo ảnh, không sao xua đi được. Bà cởi quai của chiếc váy lót trắng, lộ ra đôi vú hình dáng thật đẹp, để cho một người đàn ông say mê bú mút. Người đàn ông ấy không phải cha anh, mà cao lớn trẻ trung hơn, gương mặt cũng cân đối. Trên giường trẻ con bên cạnh, vẫn là Tengo thủa bé đang nhắm nghiền mắt, ngủ say. Mẹ anh để người đàn ông mút vú, nét mặt đờ đẫn như quên đi hết thảy mọi thứ trên đời. Nét mặt ấy rất giống với người tình hơn tuổi của anh khi đạt đến cực khoái.
Trước đây, vì tò mò, Tengo từng yêu cầu cô ta. Anh bảo này, mình có thể mặc váy lót màu trắng cho anh xem một lần được không?
Được chứ,
cô ta cười đáp,
Lần sau em sẽ mặc, chỉ cần mình thích là được. Mình còn muốn gì nữa không? Chuyện gì em cũng làm cho mình hết, mình cứ nói ra, đừng ngại.


Nếu được thì tốt nhất là áo trắng, càng đơn giản càng tốt.

Tuần sau đó, cô ta mặc váy trắng và áo lót trắng đến. Anh lột áo sơ mi, cởi quai váy lót, cúi đầu bú mút bầu vú bên dưới đó, tư thế giống hệt như người đàn ông xuất hiện trong ảo ảnh, cả góc độ cũng giống. Lúc đó anh chợt thấy hơi chóng mặt. Trong đầu dường như dâng lên một màn sương mù mông lung, ý thức trở nên mơ hồ, phần thân dưới bỗng thấy nặng trĩu rồi nhanh chóng phình lên. Đến khi định thần lại, toàn thân anh đã run lên bần bật, tinh dịch bắn ra dữ dội.

Ơ, mình sao thế? Đã ra rồi à?
Người tình của anh kinh ngạc hỏi.
Tengo cũng không rõ đã xảy ra chuyện gì. Nhưng tinh dịch của anh đã bắn lên vạt váy cô.

Xin lỗi,
Tengo ngại ngùng nói,
anh không cố ý.


Mình cần gì phải xin lỗi,
người tình an ủi anh
Thứ này chỉ cần dùng nước máy xối một lúc là sạch ấy mà. Lần nào chả là thứ này. Nếu bị đổ nước tương hay rượu vang đỏ vào thì mới khó giặt.
Cô cởi váy ra, vào nhà vệ sinh gột sạch chỗ bị tinh dịch bắn vào. Sau đó treo lên thanh xà dùng để treo khăn tắm.

Có phải bị kích thích quá không?
Cô mỉm cười dịu dàng hỏi, sau đó đưa bàn tay chầm chậm xoa lên vùng bụng Tengo,
Anh thích váy lót màu trắng phải không?


Không phải,
Tengo nói. Nhưng anh không thể giải thích nguyên nhân thực sự tại sao mình lại đưa ra yêu cầu này.
Nếu mình thích những trò viển vông kiểu ấy thì cứ bảo em, bất cứ gì cũng được. Em sẽ hết sức hợp tác. Thực ra em thích nhất là thế đấy. Con người ít nhiều gì cũng phải có chút viển vông, không thì khó mà sống nổi. Mình nói có phải không? À, lần sau vẫn muốn em mặc váy trắng nữa chứ?

Tengo lắc đầu.
Thôi. Một lần là đủ rồi. Cám ơn mình.

Người đàn ông trẻ tuổi bú mút vú mẹ anh trong ảo ảnh liệu có khi nào chính là cha ruột của anh không? Tengo thường hay nghĩ như vậy. Vì người đàn ông được coi là cha của anh kia, nhân viên thu phí xuất sắc của đài NHK không hề giống anh về bất cứ mặt nào. Tengo cao lớn, thân hình cường tráng, vầng trán rộng, mũi nhỏ, tai hình tròn, nhăn nhúm. Còn cha anh thì vừa lùn vừa béo, tướng mạo không đẹp, trán hẹp, mũi tẹt, tai nhọn như tai ngựa. Tạo hình cả gương mặt ông có thể nói gần như một sự đối lập tuyệt đối với Tengo. Mặt Tengo có thể coi là mặt của một người nhàn nhã thong dong, đường nét cởi mở, còn cha anh thì có bộ mặt như thể người mắc bệnh, làm người ta có cảm giác đây là một kẻ keo kiệt bủn xỉn. Rất nhiều người khi nhìn thấy họ từng nói hai người không giống cha con chút nào.
Nhưng điều khiến Tengo cảm thấy cha anh xa cách nhất, không phải là hình dáng bên ngoài, mà là tố chất và khuynh hướng về tinh thần. Anh không sao tìm nổi thứ gì gọi là lòng ham học hỏi ở cha mình. Đúng vậy, cha anh không được giáo dục đầy đủ, ông xuất thân trong gia đình nghèo khó, không dư dật để được học hành có hệ thống. Ở mức độ nào đó, Tengo cũng thấy thông cảm cho cảnh ngộ của ông. Mặc dù vậy, nguyện vọng có được những tri thức phổ thông, với Tengo dẫu gì cũng là ham muốn tự nhiên của con người, ở người đàn ông này lại quá nhạt nhòa. Kiến thức thực tiễn cần để sinh tồn thì phát huy tác dụng, nhưng tinh thần cầu tiến, tự làm bản thân sâu sắc, ham muốn tìm hiểu thế giới rộng lớn thì hầu như không thể tìm thấy ở ông.
Ông cứ ở trong thế giới chật hẹp của mình, tuân thủ các quy tắc ngặt nghèo, sống vất vả qua ngày. Trong không gian chật hẹp ấy, bầu không khí vẩn đục ấy, dường như cha anh không hề thấy đau khổ. Cũng không bao giờ thấy ông đọc sách ở nhà, báo cũng chẳng mua tờ nào (ông chỉ cần xem mục tin thời sự trên đài NHK là đủ). Ông cũng chẳng hứng thú với âm nhạc và điện ảnh, thậm chí chưa bao giờ đi du lịch. Nếu nói ông có hứng thú với thứ gì đấy, thì chính là tuyến đường đi thu tiền mà ông phụ trách. Ông vẽ một tấm bản đồ của khu vực đó, rồi dùng bút các màu khác nhau đánh dấu, hễ lúc nào rảnh lại lấy ra nghiên cứu, như nhà sinh vật học đang phân loại nhiễm sắc thể vậy.
Trong khi đó, Tengo từ nhỏ đã được coi là thần đồng toán học. Thành tích môn toán vượt xa chúng bạn. Năm lớp ba đã có thể giải được toán cấp ba. Các môn học khác, anh không cần phải cố gắng cũng có thể đạt được thành tích cao. Có thời gian là anh lại không ngừng đọc sách, luôn luôn hiếu kỳ, như một chiếc máy xúc đang đào đất, liên tục hấp thu các loại tri thức với hiệu suất lớn. Vì vậy mỗi lần nhìn thấy bộ dạng cha mình như thế, anh không sao hiểu nổi tại sao gien di truyền của một người đàn ông hẹp hòi và thiếu giáo dục như thế lại có thể chiếm ít nhất là một nửa tồn tại về mặt sinh học của mình.
Người cha thật sự của mình chắc chắn là một ai đó khác, đây là kết luận mà cậu thiếu niên Tengo đã rút ra. Vì một nguyên do nào đó mà mình được một người đàn ông tự nhận là cha song kỳ thực lại chẳng có quan hệ huyết thống gì này nuôi lớn. Giống như những đứa trẻ bất hạnh trong tiểu thuyết của Dickens.
Đối với Tengo thủa thiếu niên ấy, giả thuyết này vừa là ác mộng, cũng là một kỳ vọng lớn lao. Anh tham lam ngấu nghiến các tiểu thuyết của Dickens. Quyển đầu tiên là Oliver Twist, kể từ đó anh bắt đầu say mê Dickens, gần như đọc nát toàn bộ các tác phẩm của ông có trong thư viện. Anh thỏa thích rong chơi trong thế giới của các câu chuyện, và đắm chìm trong vô số tưởng tượng về thân thế của mình. Những tưởng tượng này (có thể nói là ảo tưởng cũng không sai) càng lúc càng lớn dần lên trong tâm trí anh, và ngày một phức tạp. Dù chỉ có một loại, nhưng sinh ra vô số biến tấu. Tóm lại, lẽ ra vị trí của mình không phải ở đây, Tengo tự nói với bản thân như vậy. Mình bị nhốt nhầm trong một gian ngục tù không phải dành cho mình. Sớm muộn cũng có ngày, người cha thực sự sẽ tìm thấy mình nhờ một sự chỉ dẫn ngẫu nhiên nhưng chính xác, rồi giải thoát cho mình ra khỏi nhà ngục chật hẹp đau khổ đáng ghê tởm này, dẫn mình đến nơi vốn thuộc về mình. Thế rồi, mình sẽ có được những ngày Chủ nhật đẹp tươi, thanh bình và tự do.
Thành tích học tập của Tengo ở trường rất xuất sắc khiến cha anh vui và lấy làm hả hê lắm. Ông còn hay khoe khoang với hàng xóm. Nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra, dường như đâu đó trong thâm tâm, ông chẳng hề hứng thú với sự thông minh và tài năng của con trai. Những lúc Tengo ngồi học bài, ông thường cố ý quấy nhiễu. Nếu không phải sai anh làm việc nhà thì cũng nghĩ ra những truyện vặt vãnh linh tinh, cằn nhằn cằn nhằn mãi không thôi. Lần nào cũng như lần nào. Nào là bố đi thu cước phí phải thường xuyên nhẫn nhịn lúc bị người ta chửi bới ra sao, ngày ngày phải đi hết đường nọ ngõ kia, làm việc cực nhọc, còn mày thì sung sướng thoải mái; hồi bố bằng tuổi mày phải vất vả cực nhọc thế nào, chuyện lớn chuyện nhỏ đều bị bố và các anh đánh đập, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chẳng khác nào con vật trong nhà; không thể chỉ vì mày học giỏi ở trường mà làm bộ làm tịch thế được. Cứ như vậy, những lời cằn nhằn của cha Tengo không bao giờ dứt.
Có lẽ người này đang đố kỵ với mình. Từ lúc nào đó, Tengo bắt đầu nghĩ như thế. Chắc hẳn người này đang đố kỵ với tư chất và hoàn cảnh của mình. Nhưng chẳng lẽ lại có chuyện cha lại đố kỵ với con ruột của mình? Dĩ nhiên, khi còn là một đứa trẻ, Tengo không thể đưa ra những phán đoán khó khăn như vậy. Nhưng anh không thể nào không cảm nhận được sự hẹp hòi nông cạn lộ ra trong lời nói cử chỉ của cha mình, đồng thời về mặt sinh lý anh thấy không thể nào chịu đựng nổi. Không chỉ là đố kỵ, người này căm ghét một thứ gì đó ở con trai mình. Tengo thường có cảm giác như vậy. Cha anh không căm ghét con người Tengo, mà căm ghét một thứ gì đó ăn sâu trong anh, thậm chí là cảm thấy không thể chấp nhận.
Toán học đã cho Tengo một lối trốn tránh hữu hiệu. Lánh vào thế giới của những công thức toán, anh có thể thoát khỏi thế giới hiện thực đầy phiền não. Chỉ cần bật cái công tắc ở trong đầu lên là anh có thể dễ dàng chuyển dịch sang thế giới ở phía bên kia. Từ hồi còn bé tí anh đã phát hiện ra khả năng này. Và khi mò mẫm, lang thang trong lĩnh vực rộng lớn vô tận song có lớp lang ấy, anh được tự do tuyệt đối. Anh tiến lên dọc theo hành lang quanh co của tòa nhà kiến trúc khổng lồ, lần lượt mở ra những cánh cửa được đánh số rõ ràng. Mỗi khi một cảnh tượng mới được hiện ra trước mắt, những vết tích xấu xí của thế giới hiện thực lại nhạt dần, rồi tan biến. Thế giới nơi công thức toán làm chúa tể ấy, với anh, là nơi trú thân hợp pháp và tuyệt đối an toàn. Tengo hiểu rõ địa lý của thế giới ấy, anh có thể chọn lựa được con đường chuẩn xác nhất. Chẳng ai có thể theo kịp. Khi ở lại thế giới ấy, anh có thể hoàn toàn lãng quên, bỏ qua những quy tắc và gánh nặng đang đè trĩu trên vai anh ở thế giới hiện thực.
Toán học là một tòa kiến trúc hư ảo tráng lệ, so với nó, thế giới trong truyện của Dickens giống như một khu rừng ma thuật sâu thâm. Toán học không ngừng vươn lên trời cao, đối lập với nó, rừng sâu lặng lẽ trải dài ra vô tận trước mắt anh. Bộ rễ tối tăm mà kiên cố của nó ăn sâu, vươn khắp trong lòng đất. Nơi đó không có bản đồ, cũng không có những cánh cửa được đánh số rõ ràng.
Từ cấp một lên cấp hai, anh say mê đắm chìm trong thế giới của toán. Vì sự tự do rõ ràng và triệt để ấy có sức hấp dẫn lớn lao, đồng thời là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của anh. Nhưng đến tuổi dậy thì, càng lúc anh càng cảm thấy chỉ như vậy thôi chưa đủ. Khi anh bước vào thế giới toán học, mọi điều đều hết sức thuận lợi. Không có gì cản trở anh. Nhưng chỉ cần rời khỏi đó và quay lại thế giới hiện thực (anh không thể không trở về), anh lại ở trong căn ngục bi thảm chẳng khác gì trước đó. Tình hình không có chút cải thiện nào, thậm chí còn khiến anh có cảm giác gông xiềng nặng nề hơn gấp bội. Vậy toán học thử hỏi còn có tác dụng gì nữa? Lẽ nào chỉ là một cách trốn tránh nhất thời? Lẽ nào lại chỉ khiến thế giới hiện thực càng thêm tệ hại?
Câu hỏi này mỗi lúc một lớn, Tengo bắt đầu có ý thức giữ khoảng cách giữa mình và thế giới toán học. Đồng thời, khu rừng của các truyện kể bắt đầu thu hút anh mãnh liệt. Đương nhiên đọc tiểu thuyết cũng là một cách trốn chạy. Mỗi khi gấp sách, anh buộc phải trở về thế giới hiện thực. Nhưng một lần, Tengo nhận ra khi từ thế giới tiểu thuyết trở về với thế giới hiện thực, anh không phải nếm trải cảm giác hụt hẫng nặng nề như khi trở về từ thế giới toán học. Sao lại như vậy? Anh bắt đầu suy nghĩ sâu xa hơn, rồi nhanh chóng có được kết luận. Trong khu rừng chuyện kể, dẫu quan hệ giữa các sự vật hiện tượng rõ ràng thế nào, song cũng không thể cho ta một đáp án sáng tỏ. Đây chính là sự khác biệt với toán học. Sứ mệnh của chuyện kể nói chung, chính là biến đổi vấn đề sang một hình thái khác. Và dựa vào tính chất và phương hướng của sự dịch chuyển này, bản chất của lời giải sẽ được gợi ý dưới hình thức chuyện kể. Tengo mang theo những gợi ý này trở lại với thế giới hiện thực. Điều này giống như một mảnh giấy viết kín đặc những lời chú không thể nào lý giải. Nhiều khi thiếu hẳn sự mạch lạc và hệ thống, không có tác dụng tức thì, nhưng nó ẩn chứa cơ hội. Rồi sẽ có một ngày mình có thể phá giải được lời chú ấy. Từ trong sâu thẳm, cơ hội ấy làm trái tim Tengo cảm thấy ấm áp.
Cùng với năm tháng, gợi ý từ những chuyện kể ấy càng lúc càng trở nên hấp dẫn Tengo. Nay khi đã trở nên trưởng thành, toán học vẫn là niềm đam mêm lớn của anh. Những lúc anh giảng bài cho học sinh ở trường dự bị, một niềm vui hệt như thủa thiếu thời lại tự nhiên trào nên trong tâm thức. Anh sẵn sàng chia sẻ niềm vui được tự do về mặt tư tưởng này với những người khác. Đó là một điều tuyệt vời. Nhưng Tengo của hiện tại đã không còn khả năng đắm mình hoàn toàn trong thế giới nơi các công thức toán làm chúa tể. Anh hiểu, dù có tìm tòi bao xa trong thế giới ấy, a cũng không thể thấy được đáp án mình muốn.
Hồi học lớp năm, sau khi nghĩ ngợi rất lung, Tengo đã tuyên bố với cha mình rằng:
Chủ nhật con không muốn theo bố đi thu phí cho đài NHK nữa. Con muốn có thời gian học bài, muốn đọc sách và muốn đi chơi. Bố có công việc của bố, con cũng có việc cần làm. Con muốn được sống bình thường như các bạn.
Tengo nói như thế, ngắn gọn nhưng rành rọt.
Không cần nói cũng biết, cha anh nổi giận đùng đùng. Mặc xác nhà người ta thế nào, liên quan gì đến chúng ta! Mỗi nhà mỗi kiểu, cha anh nói. Cái gì mà cuộc sống bình tường hả! Không được nói lung tung! Mày thì biết cái gì là cuộc sống bình thường chứ? Tengo không phản bác, từ đầu chí cuối lẳng lặng không nói một lời. Ngay từ đầu anh đã biết có nói cũng chẳng ích gì. Vậy cũng được, cha anh nói. Đứa nào không nghe lời bố thì không có cơm đâu cho nó ăn. Cút ra ngoài kia!
Tengo liền làm y như vậy, lập tức dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Bụng anh đã quyết tâm từ trước, dù cha anh có nói thế nào, quát tháo ầm ĩ tới đâu, thậm chí có thể đánh đập (sự thực là ông chưa bao giờ động tay động chân), anh cũng không sợ. Được phép rời khỏi căn nhà tù ngục ấy, anh còn cảm thấy vui mừng.
Nhưng dù sao khi ấy anh chỉ là một đứa trẻ con mười tuổi, không thể tự sống một mình. Bất đắc dĩ, sau giờ học, anh đành kể cho cô giáo chủ nhiệm tình cảnh của mình. Anh nói với cô hôm nay anh không còn chỗ nào ở qua đêm nữa, rồi kể cho cô về gánh nặng tâm lý khi Chủ nhật hàng tuần phải theo cha đi khắp nơi thu tiền cho đài NHK. Cô giáo chủ nhiệm là một người đàn bà độc thân chừng ba lăm tuổi, không thể nói là xinh, lại đeo cặp kính dầy cộp kiểu dáng rất xấu xí, nhưng là con người công tâm và rất tốt bụng. Người cô thấp nhỏ, bình thường ít nói, nồng hậu, nhưng hơi nóng tính hơn vẻ bề ngoài, một khi đã nổi cáu thì như biến thành người khác, không ai cản nổi. Mọi người kinh ngạc trước sự biến đổi này nhưng Tengo lại thích cô. Dù cô nổi cáu anh cũng không thấy sợ.
Cô giáo nghe Tengo kể xong tỏ ra rất hiểu và thông cảm với tâm trạng của anh. Tối đó, cô cho Tengo ở lại nhà, trả một tấm thảm len lên sofa ở phòng khách, rồi bảo anh ngủ trên đấy. Cô giáo còn làm bữa sáng cho anh ăn. Chập tối hôm sau, cô dẫn Tengo đi gặp cha anh nói chuyện rất lâu.
Tengo bị bắt phải tránh đi, vì vậy không rõ họ đã nói những chuyện gì. Nhưng tóm lại, cha anh không thể không đình chiến. Dù giận dữ thế nào thì cũng không thể để một đứa trẻ mười tuổi lang thang đầu đường xó chợ được. Pháp luật đã quy định cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái.
Kết quả cuộc đàm phán là Tengo có thể hưởng ngày chủ nhật theo cách mình muốn. Buổi sáng phải làm việc ở nhà, thời gian còn lại anh làm gì cũng được. Đây là lần đầu tiên trong đời Tengo giành được một quyền lợi hữu hình từ cha mình. Cha Tengo rất phẫn nộ, một thời gian dài không thèm để mắt tới anh, nhưng với Tengo, chuyện này không ảnh hưởng gì lắm. Anh đã giành được thứ quan trọng hơn nhiều. Đó là bước đầu tiên hướng đến tự do và tự lập.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, có một thời gian dài anh không gặp lại cô giáo chủ nhiệm đó. Nếu dự các buổi họp lớp theo các thư thông báo thi thoảng được gửi đến, may ra sẽ gặp được cô, nhưng Tengo không có ý định xuất hiện ở những buổi gặp mặt ấy. Vì ngôi trường tiểu học ấy hầu như không để lại trong anh một hồi ức vui vẻ nào, mặc dù vậy, anh vẫn thường xuyên nhớ đến cô. Cô không chỉ cho Tengo ở lại một đêm mà còn thuyết phục được người cha ngoan cố của anh nữa. Thực không dễ gì quên được một người như thế.
Anh gặp được cô giáo vào năm lớp mười một. Khi ấy Tengo tham gia vào đội nhu đạo, nhưng vì chấn thương bắp chân nên trong khoảng hai tháng không thể thi đấu. Thay vào đó, anh bị đội âm nhạc trưng dụng làm tay trống tạm thời. Vì kỳ đại hội đã ở ngay trước mắt, mà hai tay trống của đội, một thì đột nhiên chuyển trường, người còn lại bị cảm nặng, nên cần có người thay thế để đội vượt qua được giai đoạn quẫn bách. Điều kiện rất đơn giản, chỉ cần biết cầm hai cái dùi trống! Hoàn toàn ngẫu nhiên, Tengo đang rảnh rỗi vì chấn thương chân nên được thầy giáo âm nhạc để mắt, trước điều kiện quá hấp dẫn của thầy, anh liền tham gia đội âm nhạc.
Tengo chưa bao giờ chơi nhạc cụ gõ và cũng chưa từng có hứng thú, nhưng thực tế khi dự vào, không ngờ nó lại hợp với tố chất của anh đến thế. Trước tiên là chia cắt thời gian thành những phân đoạn nhỏ, sau đó tập hợp chúng lại, chuyển đổi một cách hiệu quả thành cácốt nhạc, cách làm như vậy khiến anh thấy thực sự thích thú. Mọi âm thanh đều biến thành những hình vẽ có thể nhìn thấy được hiện ra trong óc. Anh tìm hiểu các loại nhạc cụ gõ khác nhau nhanh chóng như một miếng bọt biển hút nước. Được thầy dạy nhạc giới thiệu, anh đến nhà một người chơi bộ gõ trong dàn nhạc giao hưởng học một buổi nhập môn về cách chơi trống định âm. Sau buổi học mấy tiếng đồng hồ, Tengo đã nắm bắt sơ sơ được cấu tạo và phương pháp diễn tấu thứ nhạc cụ này. Bởi vì nhạc phổ và công thức toán rất giống nhau, nắm bắt được phương pháp đọc bản nhạc không phải là chuyện khó với anh.
Thầy dạy nhạc phát hiện ra tài năng âm nhạc xuất sắc của Tengo nên vô cùng mừng rỡ. Hình như em bẩm sinh đã có cảm giác về tiết tấu phức hợp thì phải, âm cảm cũng rất tốt, nếu tiếp tục theo đuổi môn này, có lẽ em sẽ thành nhà diễn tấu chuyên nghiệp đấy, thầy nói.
Trống định âm là một thứ nhạc cụ phức tạp, có chiều sâu và sức thuyết phục độc đáo, trong tổ hợp âm ẩn chứa những khả năng vô hạn. Hồi đó, bản nhạc họ luyện tập là vài chương rút ra từ bản Sinfonietta cải biên dành cho nhạc cụ hơi của Janáček, tham gia mục
Tự chọn
trong giải thi đấu các tường trung học. Đối với học sinh trung học, bản Sinfonietta của Janáček có thể nói là rất khó. Ở đoạn nhạc hiệu mở đầu, tiếng trống định âm tung hoành ngang dọc. Thầy giáo chỉ đạo giàn nhạc, nghĩ mình có mấy học sinh chơi bộ gõ xuất sắc, nên mới chọn khúc nhạc này tham gia, không ngờ vì lý do đã nói ở trên, đột nhiên chẳng còn người nào chơi bộ gõ nữa, vậy là hết đường xoay sở. Vì vậy, trách nhiệm của người thay thế như Tengo hết sức nặng nề. Nhưng anh không hề cảm thấy có chút áp lực nào, ngược lại còn cảm thấy thích thú với việc diễn tấu này.
Sau khi giải đấu kết thúc suôn sẻ (tuy không giành giải quán quân, nhưng lọt vào thứ hạng cao), cô giáo liền tìm đến Tengo khen anh diễn tấu rất xuất sắc.

Tôi vừa nhìn là nhận ra em ngay, Tengo à
cô giáo có vóc người nhỏ nhắn ấy (Tengo không nhớ nổi tên cô là gì nữa) nói,
Tôi nghĩ em học sinh chơi trống định âm này diễn tấu tốt thật. Nhìn kỹ lại hóa ra là Tengo. Mặc dù em cao lớn hơn trước nhiều, nhưng tôi vừa thấy gương mặt em là nhận ra ngay. Em bắt đầu học nhạc từ lúc nào thế?

Tengo liền kể qua một lượt mọi chuyện, cô giáo nghe xong cứ xuýt xoa:
Em đúng là đa tài thật!


Em thấy tập nhu đạo dễ chịu hơn,
Tengo cười nói.

Phải rồi, bố em vẫn khỏe chứ?
cô giáo hỏi.

Khỏe lắm ạ, Tengo trả lời. Nhưng đây chẳng qua chỉ là một câu thuận miệng mà thôi. Cha anh có khỏe hay không, anh không biết, và cũng không muốn biết. Lúc ấy, anh đã ra khỏi nhà, ở trong ký túc xá của trường, thậm chí từ lâu đã không nói chuyện với cha nữa rồi.

Sao cô lại đến đây?
Tengo hỏi.

Cháu gái cô chơi kèn Clarinet trong ban nhạc của một trường khác, lần này nó tham gia độc tấu, nên gọi cô đến nghe,
cô giáo đáp,
Sau này em có tiếp tục theo âm nhạc nữa không?


Đợi chân khỏi hẳn, em sẽ trở lại tập nhu đạo. Nói gì thì nói, chơi nhu đạo thì không phải lo không có cơm ăn. Trường chúng em rất coi trọng môn nhu đạo, có ký túc xá cho ở, còn bao ăn ngày ba bữa. Ở trong ban nhạc thì không được vậy.


Em muốn cố gắng không dựa dẫm vào bố, phải vậy không?


Vì ông ấy là loại người đó mà,
Tengo mỉm cười đáp.
Cô giáo mỉm cười
Nhưng thế thì tiếc quá, em có năng khiếu âm nhạc thế cơ mà.

Tengo cúi xuống nhìn cô giáo có dáng người thấp nhỏ ấy, nhớ lại lúc ngủ qua đêm ở nhà cô, trong đầu chợt hiện ra hình ảnh của căn phòng ngăn nắp sạch sẽ, rèm cửa sổ bằng ren và mấy chậu cây cảnh, cầu là quần áo và cuốn sách đọc dở dang, chiếc váy liền màu hồng phấn nhỏ nhắn treo trên tường, mùi của chiếc sofa mà anh đã ngủ một đêm trên đó. Trong khoảng khắc ấy, anh chợt nhận ra cô đang đứng trước mặt mình, bẽn lẽn như một cô gái trẻ, đồng thời cũng nhận ra mình không còn là đứa trẻ mười tuổi yếu ớt năm nào, mà đã thành một thanh niên cao lớn mười bảy tuổi. Lồng ngực rắn chắc, ria mép mọc lún phún, và ham muốn dục tình cũng dồi dào đến độ khó có thể cưỡng lại. Chẳng những vậy, mỗi khi ở bên những người đàn bà lớn tuổi, anh lại cảm thấy an tâm một cách kỳ lạ.

Gặp được em thật tốt,
cô giáo nói.

Em cũng rất vui vì được gặp lại cô,
Tengo trả lời. Đây là lời thực lòng. Nhưng anh vẫn không sao nhớ nổi tên cô giáo.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 1Q84.