• 1,567

II - Chương 1


Số từ: 6282
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Những gì được tường thuật trong câu chuyện này, tôi đều chứng kiến tận mắt hoặc nghe những người có liên quan kể. Chẳng hạn như cô gái Na Uy tóc hoe vàng mà bây giờ tôi sẽ nói đến, từng như nàng Scheherazade, bỏ ra nhiều ngày làm tôi say mê với những mẩu chuyện về thời thơ ấu của cô ở miền Bắc Na Uy.
Britta Bjørndahl sinh ra trên đảo Tromsø, cách Vòng Bắc Cực hai trăm dặm về phía Bắc. Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II, cha cô từng là một nhà ái quốc có tiếng. Trong ba năm gian nguy, ông đã chống lại ách chiếm đóng của quân Đức, ẩn mình dọc theo các vịnh hẹp ở Na Uy và trong những dãy núi để truyền tín hiệu qua vô tuyến điện cho London hoặc gửi mật mã bằng ánh đèn cho các tàu Anh quanh quẩn ngoài khơi. Cuối chiến tranh bốn nước đã tặng thưởng huy chương cho ông, và mùa hè năm 1957 toàn bộ thủy thủ đoàn một tàu khu trục Anh đã bay tới Tromsø để cùng ông ôn lại cảm giác hồi hộp trong những ngày huy hoàng ấy.
Những huy chương đó mang lại rất ít lợi ích cho cha cô; thời bình ông trở về Tromsø kiếm sống đạm bạc với vai trò nhân viên trong một công ty chuyên chở cá tới cảng Bergen. Ông cưới cô gái đã liều mình tiếp tế đồ ăn và báo chí cho ông trong suốt những năm dài trốn tránh bọn Đức Quốc xã, và chẳng bao lâu sau họ có ba đứa con.
Mỗi mùa hè, mẹ Britta lại dõi mắt lên trời xem đã đến một ngày thích hợp nào đó chưa, và khi nó đến bà tập hợp đàn con rồi dẫn chúng đến xưởng đóng tàu của Holger Mogstad, vậy là lão sẽ giong buồm đưa họ vào eo biển ngăn cách Tromsø với một hòn đảo phía Tây che chắn cho nó trước sóng gió Đại Tây Dương. Cha Britta không bao giờ tham gia những chuyến đi ấy cùng với họ vì ông rất coi thường lão Mogstad,
Râu ria thì bẩn thỉu còn hơi thở thì thối hoắc,
là tất cả những gì ông nhận xét về lão chủ xưởng đóng tàu, nhưng Britta đoán là mối thâm thù giữa họ đã bắt nguồn từ hồi chiến tranh, khi cha cô vào rừng chiến đấu với quân Đức, còn lão thì ở lại Tromsø đóng tàu cho kẻ thù.
Tất nhiên, Britta muốn đứng về phía cha, nhất là sau một buổi tối cô bắt gặp lão Mogstad đang cố hôn mẹ cô trong nhà kho ở bến cảng, khi chuyến đi biển kết thúc; cô không nói gì về chuyện đó, một chuyện mà chính cô cũng chưa hiểu được hết nhưng đã khiến nỗi khinh ghét lão Mogstad càng tăng. Tuy vậy, cô vẫn theo mẹ và các em trong những chuyến đi biển hàng năm ấy vì không muốn bở lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng điều kỳ diệu nơi eo biển.
Cô sẽ ngồi cạnh các em ở mũi thuyền nhòm xuống mặt biển sẫm màu, trong khi mẹ cô và lão Mogstad ngồi ở đuôi tìm cách lập một hình tam giác xung quanh vị trí con tàu chìm theo một số mốc bờ trên các mũi đất khác nhau, và sau nhiều lần nhầm lẫn, mọi người sẽ nhất trí,
Chắc hẳn chính là chỗ này,
rồi họ ngả người vào thành tàu chăm chú nhìn xuống nước.
Và dần dần, hiện ra từ làn nước tối tăm như một con quái vật nào đó chìm dưới đáy đại dương từ thời tiền sử, bóng dáng một con tàu chiến hùng vĩ sẽ từ từ thành hình. Nếu mặt trời ở đúng vị trí, và nếu sóng yên biển lặng, bọn trẻ sẽ đôi lúc được thấy toàn bộ con tàu đang say ngủ trong nấm mồ của nó, trải rộng về khắp mọi phía đến nỗi dường như còn lớn hơn cả bản thân đảo Tromsø. Nó thật bí hiểm, thật đáng sợ, một lời nhắn nhủ không thể nào cưỡng lại từ quá khứ xa xôi, và bọn trẻ nhìn không biết chán con tàu đó, con tàu chiến khổng lồ chìm trong hải cảng của chúng.
Bọn trẻ cũng nghe mãi không biết chán câu chuyện người mẹ kể về việc con tàu bị đắm ở đó như thế nào. Britta có thể nhắc lại câu chuyện hầu như chính xác không kém gì mẹ nhưng cô vẫn thích nghe lại từ miệng người từng tham gia đánh đắm con tàu hùng vĩ này:

Đó là mùa đông năm 1943, khi số phận toàn thế giới đang ngàn cân treo sợi tóc. Nước Anh đang đói. Nước Nga sắp sụp đổ vì thiếu vũ khí. Người Na Uy chúng ta ư? Chúng ta không còn gì ăn cả vì cứ đến mùa thu bọn Đức lại cướp hết hoa màu của chúng ta. Song chúng ta biết rằng nếu mỗi người đàn ông và đàn bà ngày ngày chiến đấu thì vẫn còn có cơ hội. Khi các con lớn lên và đối mặt với khó khăn, các con phải nhớ tới cha và mẹ hồi mùa đông năm 1943 ấy.

Cha các con ẩn nấp trong dãy núi trên kia. Nhiều người ở trong hoàn cảnh như cha các con đã chạy sang Thụy Điển, và mẹ không trách họ, vì bọn Đức sử dụng chó săn và máy bay săn lùng họ, vì vậy họ phải rời Na Uy. Nhưng cha các con đã ở lại. Cha và ông Storness thợ điện và cả ông Gottheld dược sĩ nữa - sẽ chẳng ai biết được họ đã sống sót bằng cách nào. Các con có biết tại sao họ ở lại trên núi, lẩn tránh máy bay của Đức quốc xã và tiêu diệt chó cảnh sát khi chúng đến quá gần không? Bởi vì họ phải đánh điện cho máy bay ở Anh. Cha các con có một cái radio, không phải đồ tốt, và ông Storness quay máy bằng tay, hết giờ này sang giờ khác - và các con có biết thế nào không? Mỗi lần họ đánh được một bức điện tới London, thông báo cho máy bay biết vị trí để ném bom thì bộ chỉ huy Đức ở Tromsø cũng nhận được thông điệp đó. Bởi vì chúng cũng có thể thu được tín hiệu điện đài, đúng không nào? Vậy là ngay khi cha các con bắt đầu nói vào radio, bọn Đức đã phái đội tuần tra và chó săn đi lùng sục, còn chúng ta chỉ biết chờ xem khi quay về chúng có bắt được ai không.

Các con có đoán được cha các con thông báo những gì cho London không? Gần như suốt thời gian đó không nói được nhiều. Nhưng những người khôn ngoan ở London... các con có nhớ mẹ đã nói với các con ông Halverson chủ nhà băng là một người trong số đó không? Tuy mọi người và mẹ thấy lạ không hiểu tại sao, nhưng những người khôn ngoan đó biết rằng một ngày nào đó, chiến hạm Tirpitz đồ sộ của Đức sẽ bí mật vào cảng Tromsø, chính nơi này, và trốn tránh không để máy bay Đồng minh phát hiện cho tới khi đã đến thời điểm quyết định lao ra phá hủy toàn bộ tàu của quân Đồng minh. Nếu tàu Tirpitz gây được thiệt hại kha khá thì quân Đức có thể thắng trận, và bây giờ các con sẽ phải nói tiếng Đức. Và khi lớn lên các con sẽ phải lấy người Đức. Nguy hiểm gần kề như vậy đó. Vì vậy mọi người và mẹ phải canh chừng tàu Tirpitz.

Trong gần hai năm... các con có tưởng tượng được nó là khoảng thời gian dài như thế nào không? Trong hai năm cha các con ở trên núi và báo cáo với London mọi việc xảy ra ở Tromsø. Nếu có chiến hạm nào trốn trong vùng biển của chúng ta, cha các con sẽ điện cho máy bay ở London và hôm sau quân ta sẽ ném bom xuống chiến hạm đó, và cũng xuống cả nhà chúng ta nữa, nhưng chúng ta không quan tâm đến chuyện đó vì chúng ta đều biết rằng vẫn còn có cơ hội.

Và rồi một ngày tháng Chín năm 1944, các con có đoán được cái gì xuất hiện quanh mũi đất này không?


Chiến hạm Tirpitz,
bọn trẻ trả lời.

Nó to lớn đến nỗi chúng ta không thể tin nó sẽ lọt được vào giữa quần đảo. Mẹ còn nhớ mẹ đã chạy xuống bến ở đằng kia xem nó cao vút giữa không trung như thế nào. Các con không thể tin nổi đâu. Chỗ thuyền trưởng đứng còn cao hơn nhiều so với bất kỳ tòa nhà nào ở Tromsø và các cỗ đại bác của nó thì khổng lồ đến nỗi chỉ nhìn thấy chúng thôi các con đã đủ chết khiếp rồi. Chúng ta không cần nghe nói cũng biết nếu vật ghê tởm này được tự do trên Đại Tây Dương thì nó sẽ đánh chìm toàn bộ tàu của quân Đồng minh. Đó là một thứ vũ khí gớm ghiếc đang ẩn náu trong cảng của các con. Thử nhìn xem nó đáng sợ đến mức nào, ngay cả khi nó đã nằm yên.

Mùa hè nào cũng vậy, cứ đến chỗ này là bọn trẻ lại nhìn chằm chằm xuống chiếc vỏ tàu khổng lồ và rùng mình khi thấy nó vươn mình mãi xa trong làn nước dưới chân chúng, như một con quái vật chờ đợi thời cơ vươn lên mặt biển để phá hủy tất cả. Khi mẹ chúng tiếp tục câu chuyện, bà luôn hạ giọng, nhưng đó là đoạn chúng thích nhất vì nó liên quan đến cha mẹ.
Chiến hạm Tirpitz vừa tới, tên chỉ huy Đức ở Tromsø đã huy động thêm cảnh sát để kiểm tra bất kỳ người nào khả dĩ có được một chiếc radio. Hắn cho máy bay bắn súng máy xuống những điểm cha các con có thể ẩn náu. Còn các đội tuần tra và đàn chó càn quét trên sườn núi. Nhưng cha các con đã làm gì?


Cha ở yên một chỗ và gửi đi gửi lại mãi một thông điệp trong năm tiếng đồng hồ,
Britta nói với các em.
Cha thông báo cho các máy bay ở London, ‘Chiều nay tàu Tirpitz đã tới Tromsø. Lỗ to ở boong trước. Có thể ở đây sáu tuần.’


Khi cha đánh xong bức điện cuối cùng,
bà Bjørndahl kể tiếp,
lũ chó đã gần tới chỗ ông rồi. Đó là lúc ông Gottheld bị trúng đạn. Ông tình nguyện ở lại phía sau để điện đài có thể được an toàn.
Nói đến đây bà ngừng lại để tưởng nhớ ông Gottheld, một người đàn ông nhỏ bé, sợ giông tố, chó và vợ, sợ tất cả mọi thứ trừ bọn Đức Quốc xã.

Ông ấy bị bắn chết. Bọn chúng bêu xác ông ở cổng cảng. Và trong một thời gian, có vẻ như sự hy sinh của ông là vô ích. Bởi vì không có máy bay nào từ London tới. Và khi không nghe thấy tin tức gì của cha các con và ông Storness, chúng ta đoán họ cũng chết rồi. Rồi đầu tháng Mười một, chúng ta nhận được một tin nhắn từ London đề nghị báo bằng điện đài cho họ biết tàu Tirpitz có còn ở đây không. Nhưng khi cha các con đang mất tích thì chúng ta làm sao trả lời được?

Một đêm khuya tháng Mười một, một cậu bé dũng cảm đến nhà trao cho mẹ một lá thư ngắn: ‘Tới gặp vợ Storness thợ điện nhận một cái bọc mà bà ấy sẽ có. Đêm nay mang nó ra túp lều ở mũi vịnh vì điện đài cũ của bọn anh bị hỏng rồi.’ Dĩ nhiên đó là giờ giới nghiêm, càng nghiêm ngặt hơn vì tàu Tirpitz, nhưng mẹ cũng tránh được quân Đức và đến nhà Storness, tại đó bà Storness giao cho mẹ một gói nhỏ bọc vải có tẩm một lớp mỡ lợn mà thời đó gần như không thể kiếm ở đâu ra. Mẹ giấu cái bọc trong váy, như thế này này, rồi lẻn ra khỏi nhà bà ấy - và các con nghĩ chuyện gì đã xảy ra nào?

Britta là người trả lời,
Một con chó cảnh sát xông vào mẹ. Nó ngửi thấy mùi mỡ lợn, mẹ quệt một ít vào ngón tay cho nó liếm, thế là nó bỏ đi.


Mẹ lẻn qua phòng tuyến Đức vào vùng nông thôn và đi bộ cho đến sáng. Rồi mẹ trốn trong rừng, nghe thấy tiếng phi cơ Đức bay qua trên đầu, đêm hôm sau mẹ tới mũi vịnh và giao cái bọc đó. Mẹ hôn cha các con rồi quay về Tromsø ngay - và các con có đoán được mẹ đã nhìn thấy gì khi mẹ ẩn nấp trong rừng buổi sáng ngày thứ ba ấy không?

Britta đưa ra câu trả lời,
Mẹ nhìn thấy một trăm máy bay Anh bay trên đầu. Rồi mẹ nhìn thấy bom nổ hết quả này đến quả khác khiến bầu trời sáng rực. Và mẹ nghe thấy những tiếng nổ lớn vang dội qua dãy núi. Rồi khi lẻn qua phòng tuyến Đức trở về, ra bờ biển nơi những người khác đang đứng, mẹ không còn thấy tàu Tirpitz đâu nữa.

Trong số sách báo mà bà Bjørndahl lén mang đến cho ông chồng tương lai lúc bấy giờ đang ẩn náu trên núi có một cuốn tạp chí National Geographic cũ vớ được từ con tàu nào đó đi ngang qua, đăng tải một câu chuyện dài về Ceylon, và vì ông Bjørndahl phải ở lại trên núi vừa lạnh lẽo vừa không có gì ăn, lại liên tục bị bọn Đức quấy rối nên ông giữ cuốn tạp chí ấy lại và dần dần cái tên Ceylon đã ghi sâu vào tâm trí ông, vì nó là tất cả những gì mà Bắc Na Uy không có: nó có hoa quả phong phú mà người ta có thể hái được ngay trên cây; ngày nào trong năm nó cũng có ánh mặt trời; người ta đi ra đường không phải bó chặt trong áo lông; và quan trọng nhất, nó có vẻ thanh tao yểu điệu của những cây cọ, của đàn voi chuyển động chậm chạp và âm nhạc mê hồn. Nếu trên trái đất này có một nơi con người được hạnh phúc thì đó chính là Ceylon, và ông Bjørndahl đã hạ quyết tâm ngay khi chiến tranh chấm dứt - vì ông tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của quân Đồng minh - ông sẽ sống nốt quãng đời còn lại ở Ceylon.
Đặc điểm tự nhiên khác thường ở Tromsø càng củng cố quyết tâm này của ông. Ngay cả trong thời bình, Tromsø cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vì mùa hè không có đêm và con người phải sống ở một vùng đất hầu như không có thực của những hư ảo và mộng tưởng, trong khi mùa đông lại không có ngày. Suốt tháng Giêng mặt trời không bao giờ mọc lên quá chân trời và ánh sáng yếu ớt của nó lại xám xịt và ma quái. Những năm dài ẩn náu trong núi, ông đã trải qua hàng trăm ngày hoàn toàn không có chút ánh sáng nào, bóng tối sâu thẳm của những tháng ngày đó đã xâm chiếm tâm hồn ông.
Ngày mà bọn Đức đầu hàng, tôi sẽ đi Ceylon,
ông nói đi nói lại với đồng đội của mình.
Nhưng khi hòa bình trở lại thì trách nhiệm cũng trở lại theo. Ông cưới cô gái duyên dáng đã cung cấp đồ ăn thức uống cho ông trên núi, và giờ thì ông phải chăm lo cho con cái của cô ấy - ông luôn gọi bọn trẻ là
con của cô ấy
Công việc của ông không cho ông thời gian để đi du lịch, vả lại nếu có thì ông cũng không có tiền. Bốn cái huân chương được bày trong một cái hộp lót nhung treo trên tường và Ceylon dần lùi xa vào huyền thoại. Nó vẫn tồn tại trong ánh mặt trời bất diệt của nó ở nơi chân trời xa lắc nào đó, nhưng đến đầu những năm 1960 ông đã nhận ra rằng mình sẽ không được nhìn thấy nó.
Điều đó không có nghĩa là ông đã mất hứng thú. Xuất phát bằng tờ báo người vợ tương lai mang đến, ông bắt đầu sưu tầm tất cả những gì liên quan tới Ceylon. Ông có những tấm bản đồ, một tập giấy biên nhận hàng hóa gửi đi Colombo, những bài tường thuật các chuyến du hành thế kỷ mười chín, những mảnh vải của người Sinhala, và đặc biệt là một loạt áp phích quảng cáo của hãng hàng không thể hiện những quang cảnh sống động khắp Kandy và Ratnapura. Giữa những khoảng thời gian mong ngóng hồi hộp, thỉnh thoảng lại có một khách lữ hành nào đó từng ghé thăm Ceylon dừng chân ở Tromsø, và sau đó, tại quầy rượu của Grand Hotel, người ấy sẽ phát biểu,
Tay Bjørndahl đó còn hiểu biết về Ceylon hơn cả tôi, mà tôi đã từng tới đó đấy.

Gia đình Bjørndahl nhượng bộ trước niềm đam mê của ông: một căn phòng nhỏ được dành riêng ra cho những vật lưu niệm về hòn đảo đó. Trên tường treo kín bản đồ và trang trí áp phích quảng cáo của các hãng hàng không, nhưng nổi bật nhất là một món đồ mãi sau này ông mới có, chiếc máy hát được ông cho quay đi quay lại các trích đoạn ấn tượng của vở Thợ mò ngọc trai do Georges Bizet sáng tác mà ông đã sưu tầm từ nhiều nguồn tình cờ. Cho đến thời điểm này, ông đã tìm được một đoạn nam cao lĩnh xướng, một bè đôi với giọng nam cao và nam trung, và một đoạn đặc biệt trong đó giọng nữ cao cầu xin thần Brahma và Shiva phù hộ cho thợ mò ngọc trai được an toàn. Những lúc ngồi trong phòng Ceylon nghe các trích đoạn ám ảnh này, dường như ông không còn ở Tromsø mà đang ở chính mảnh đất ông say mê đó.
Trích đoạn nam cao ấy, về mặt kỹ thuật là một khúc cavatin đơn giản đến mức gần như ngây ngô, là một trong những sáng tác du dương nhất thế kỷ mười chín, một bài hát êm đềm ủy mị đến mức các ca sĩ giọng nam cao hiện đại càng ngày càng e ngại. Cha của Britta có tới ba phiên bản của bài này: bản được trình bày bởi Enrico Caruso, người từng yêu thích nó; Beniamino Gigli, người thể hiện thành công hơn bất cứ ai; và Jussi Bjørling, ca sĩ Thụy Điển độc nhất vô nhị có chất giọng thích hợp với những nốt nhạc ngân dài. Trong suốt những đêm dài mùa đông vốn bao trùm lên toàn bộ ngày, bọn trẻ nhà Bjørndahl dần quen với mấy giọng nam cao ám ảnh hát khúc bi ca:

Ta nghe như trong mơ,
Trôi dạt giữa muôn hoa
Giọng hát êm ái dịu dàng của nàng
Gợi lên tiếng chim chóc hót ca.

Phần chọn lọc mà Britta ưa thích nhất là đoạn nhân vật nữ chính cầu nguyện, vì mỗi khi giọng nữ cao gọi tên các thần Brahma và Shiva, Britta đều có thể hình dung được tượng của hai thần và ngôi đền thờ phụng họ. Vì vậy Ceylon trở nên sống động đối với cô cũng gần như đối với cha cô, và mặc dù không chia sẻ với ông lòng khao khát đa sầu đa cảm được nhìn thấy hòn đảo, cô cũng hiểu nó đã ám ảnh trí tưởng tượng của ông đến mức nào. Ở trường, Britta nói với cô giáo:
Em lớn lên ở Ceylon,
và khi cô giáo tìm hiểu rồi phát hiện Britta chưa bao giờ rời khỏi Tromsø, cô bèn cho nữ sinh này là kẻ bịa chuyện nhỏ tuổi, nhất là Britta còn khăng khăng nói là cô bé đã ở đó... cùng cha mình.
Ở Tromsø có nhiều người mỉm cười bao dung trước ông Bjørndahl và những mộng tưởng của ông; họ đâm ra ngờ rằng những năm dài ẩn nấp trong núi đã ảnh hưởng đến đầu óc ông, nhưng một thực tế cốt yếu đã dập tắt mọi lời bàn luận bất lợi: trong tất cả các nhà yêu nước trốn trên núi kia, kể cả ông Storness thợ điện và ông Gottheld dược sĩ, ông Bjørndahl là người duy nhất đã sống sót qua giá lạnh và bọn Đức Quốc xã. Nhiều người ban đầu hoạt động cùng ông, nhưng phần lớn đều phải chạy sang Thụy Điển; ông Storness chết vì thiếu ăn còn ông Gottheld bị bắn.
Vì vậy Britta không bao giờ quên cha cô là anh hùng thực sự, và cả mẹ cô cũng vậy. Đó chính là lý do cô im lặng khi bắt gặp mẹ và lão Mogstad xấu xí với bộ râu bẩn thỉu. Và đó cũng chính là lý do tại sao mỗi mùa hè cô đều bằng lòng giong buồm cùng lão Mogstad để xem chiếc chiến hạm đã bị chìm, bởi khi chăm chú ngó xuống làn nước tĩnh lặng và nhìn thấy cái vật gớm ghiếc ghê tởm đang ẩn náu dưới đó, cô có thể thành thật mà nói:
Cha mẹ mình đã đánh đắm nó.

Khi lớn hơn, cô phải thừa nhận cha mình đã trở thành một người đàn ông vô dụng như thế nào; khúc cavatin là khúc bi ca dành cho những cơ hội ông đã bỏ lỡ. Những tiếng kêu kéo dài của nó là lời ai oán dành cho bao hy vọng tiêu tan, và những người khác cảm thấy thương hại ông, nhưng khi Britta nhìn ông, cô có thể xót xa nói,
Mình là con gái những anh hùng.

Đến mùa hè thứ mười lăm của cuộc đời, Britta Bjørndahl đã là một trong những cô gái nhan sắc nhất Tromsø, một hòn đảo vốn nổi tiếng vì những phụ nữ xinh đẹp, kể cả các cô gái vùng Lapland bẽn lẽn trong bộ váy áo dệt sặc sỡ đã rời xa những đàn tuần lộc phương Bắc để xuống đây. Bạn đọc sẽ hiểu là Britta không hề nói với tôi nhiều lời như thế này:
Cháu được coi là người đẹp ở Tromsø,
vì cô rất khiêm tốn, nhưng tự tôi có thể nhận thấy điều đó. Hơn nữa, chỉ một cô gái tự tin thầm lặng về sức quyến rũ của mình mới gặp được những chuyện mà cô đã kể với tôi khi ở Tây Ban Nha.
Mùa xuân năm đó, thời kỳ chúng tôi thường xuyên trò chuyện với nhau, Britta mười tám tuổi, không cao quá khổ, thân hình cân đối không chê vào đâu được, hàm răng đều đặn trắng bóng, da dẻ mịn màng của người phương Bắc, tóc ngắn quá vai như một chú thị đồng, không phải màu bạch kim như vẫn thường thấy ở Phần Lan và Bắc Na Uy, cũng không phải màu mật ong như ở các vùng phía Nam, mà là một màu trắng mát mắt điểm ánh hổ phách của rượu sâm banh. Britta rất hay cười, cô đã qua cái thời e thẹn và thường xuyên bị những khách hàng vốn tính tự do thoải mái của quán rượu nơi cô làm việc sờ mó, tán thưởng, thậm chí là hôn. Cánh thủy thủ Mỹ, hiển nhiên là rất thích cô, thường gọi cô là
nàng Viking[15] của chúng ta
, và quả thật cô có nét điềm đạm và sự đôn hậu thẳng thắn vốn là đặc trưng của dân tộc dũng cảm này. Hơn nữa, như hầu hết những người Scandinavia có giáo dục, cô nói tiếng Anh giọng không nặng lắm nhưng với sắc thái riêng vừa đủ tăng thêm sự lôi cuốn. Nhưng khi kể tất cả những điều trên, tôi đã bỏ sót một phẩm chất cơ bản của cô gái đáng yêu này. Cô gây ấn tượng là người phóng khoáng; cô không cao mà cũng không béo, nhưng vai rộng và hông cũng vậy. Cô bước đi tự tin, và trong nét mặt cô có sự cởi mở dễ chiếm cảm tình và vẻ trong trắng lôi cuốn tất cả đàn ông. Cô là người có sức mạnh tinh thần.
Trong mùa hè thứ mười lăm này, mẹ cô lại một lần nữa thu xếp cho lão Mogstad đưa bọn trẻ ra biển thăm con tàu đắm Tirpitz, và mặc dù Britta đã xem nhiều lần, cô vẫn đi cùng, khi nhìn thấy con quái vật mờ mờ dưới nước, lần đầu tiên cô mới đánh giá hết được sự dũng cảm cần phải có để đối chọi với sức mạnh đáng sợ này, và suýt nữa nước mắt cô đã trào lên nếu như không kịp nắm tay để kìm lại. Nhìn thấy thế, lão Mogstad nói vài lời dỗ dành nhưng Britta đều bỏ ngoài tai. Khi xuồng cập bến và bà Bjørndahl đã đưa mấy đứa em về nhà, Britta phải ở lại xếp dọn mọi thứ, rồi khi đang ôm một chồng đệm mang cất vào kho chứa buồm, cô đột nhiên thấy lão Mogstad đã ở sau lưng, vồ lấy cô rồi vật ngửa xuống đất.
Britta sững sờ đến nỗi không kêu lên được, thấy thế lão Mogstad lại tưởng cô xấu hổ, và cô chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì lão đã lột được gần hết váy áo của cả hai, tìm cách chiếm đoạt cô. Cô đã từng bàn luận với các bạn học về tình dục và cũng hiểu khá rõ vấn đề này, nhưng lại chưa được chuẩn bị để đối phó với cuộc tấn công này, rồi trong trạng thái hoảng hốt mê muội, cô đã để lão đạt được mục đích, chẳng biết mình còn có thể làm gì khác nữa. Đó là vụ hãm hiếp vội vã, vụng về, kinh khủng và hoàn toàn ghê tởm, bộ râu bẩn thỉu và hơi thở hôi thối của lão Mogstad càng làm tăng thêm sự khó chịu. Khi mọi chuyện đã xong xuôi, lão chủ xưởng đóng tàu liếc đôi mắt dâm đãng nhìn cô:
Chúng ta sẽ không kể với ai, phải không?
Britta hoang mang trước hành động của lão đến mức chỉ nhìn lão rồi đi về nhà.
Mùa hè năm đó, lão Mogstad thường xuyên sán lại gần cô để rủ rê cô vào kho chứa buồm, nhưng bây giờ khi đã có cơ hội quan sát lão kỹ hơn, cô thấy lão là một gã béo núc ngoài bốn mươi tuổi thậm chí trông còn khó coi hơn cô tưởng, với hàm răng xám xịt và tật co giật cơ mặt. Quả là trông lão thật ghê tởm, và cô thấy khó chịu ngay cả với việc nhận những lời lịch sự ngọt xớt của lão. Nhiều lần lão gạ gẫm cô cho lão làm tình nữa, hứa sẽ sẵn sàng chi tiền nếu cô muốn, thật lố bịch hết chịu nổi, và một hôm cô gắt lên:
Cút đi! Ông thật tởm!

Giữa tháng Bảy Britta bắt đầu quan hệ nghiêm túc với một anh hàng xóm, một chàng đẹp trai mười bảy tuổi tên là Haakon, và họ đã cùng phát hiện nhiều góc tối nơi người khác không bao giờ ngờ sẽ tìm thấy họ. Ở đó họ đã có những khám phá lẫn nhau rất đáng hài lòng, vì vậy ký ức về kinh nghiệm tình dục đầu tiên ghê tởm của cô được xóa nhòa nhẹ bẫng. Cô nhận thấy mình thích đàn ông và những trò chơi tình dục mà họ có thể đáp ứng, vì vậy sang tháng Tám, cô và Haakon bắt đầu kết bạn với một đôi mười tám tuổi ít nhiều cũng dược gọi là đang sống cùng nhau, và thỉnh thoảng cặp lớn tuổi hơn ấy lại kiếm được một phòng sẵn sàng mà cả bọn có thể dùng chung trong một không khí riêng tư tôn trọng lẫn nhau. Một đêm, khi chia tay ai về nhà nấy, Britta nói:
Điều mà em thích trong quan hệ tình dục là, dù nó có bắt đầu như thế nào đi nữa thì bao giờ anh cũng biết nó sẽ kết thúc ra sao.
Một thời gian sau, cả hai đôi đều chia tay, Britta chuyển sang cặp với anh bạn kia, vì vậy những căn phòng mà anh thu xếp cho cô bạn gái đầu tiên giờ đây được anh dành cho Britta. Tên anh là Gunnar; anh có công ăn việc làm tử tế; và chắc hẳn một ngày nào đó anh và Britta sẽ để mặc cho mình bị cuốn vào một đám cưới Tromsø thông thường.
Khi sinh nhật lần thứ mười tám của Britta tới gần, cô phải đi làm vì nhà Bjørndahl không có đủ tiền cho con học tiếp. Cha cô vẫn tiếp tục làm một nhân viên quèn với đồng lương ít ỏi ở công ty xuất khẩu cá và đêm đêm vẫn mơ mộng về Ceylon. Ngôi nhà vẫn tràn ngập tiếng hát của Beniamino Gigli
Tôi nghe như trong mơ...
hay của Luisa Tetrazzini tài năng trong vai nữ tư tế ở đền thờ thần Brahma. Cha của cô thích kể cho bọn trẻ nghe không những về Ceylon mà còn về các ca sĩ,
Ông Gigli, người nghệ sĩ xuất sắc này, đã trở thành phần tử phát xít nói những điều tồi tệ về nước Mỹ, nơi ông ta kiếm sống trong nhiều năm. Ông ta là người đáng căm giận thật đấy nhưng lại có thể hát được, về phần cô Tetrazzini khốn khổ, sau khi trở thành một lão phu nhân béo phì, con cái bà đã đưa bà ra tòa và yêu cầu thẩm phán tước hết tiền của bà vì bà tiêu pha không tính toán thận trọng gì cả và bọn họ sợ bà sẽ chẳng để lại được gì cho họ. Họ bảo bà bị thần kinh, nhưng trước toàn thể phòng xử án bà đã hát bài này, và quan tòa phán rằng bất kỳ người nào có thể hát như vậy - lại nhớ được cả lời nữa - chắc chắn không bị thần kinh.
Bà Bjørndahl kiếm cho Britta một việc làm lại trong chính văn phòng lão Holger Mogstad! Những tháng đầu tiên là khoảng thời gian khó khăn vì lão Mogstad tìm mọi cách dụ cô vào trong góc để sờ nắn và luồn tay vào chân cô. Một hôm, lão gặp cô trong nhà kho và đã bắt đầu cởi khuy áo cô, nhưng hành động này làm cô tức giận đến nỗi cô đập vào đầu lão và dọa:
Ông là một lão già ngu ngốc. Hãy cư xử cho phải phép đi, nếu không tôi sẽ đấm cho đấy.
Đó là một lời cảnh cáo chẳng có gì đáng sợ nhưng cũng làm lão choáng váng và chấp nhận thực tế là bất cứ mơ tưởng yêu đương nào với cô gái này cũng chỉ vô ích mà thôi. Lão trả thù bằng cách giao cho cô những công việc khó chịu và mỉm cười đểu cáng mỗi khi Gunnar xuất hiện vào cuối ngày để đưa cô về nhà. Một lần lão thầm thì:
Tôi cá là cô đã ngủ với thằng ấy, đúng không?
Thật vô cùng ghê tởm, nhưng chẳng còn kiếm được việc nào khác.
Britta lờ mờ có được ý niệm nghiêm túc đầu tiên về tương lai vào một đêm, khi Gunnar thu xếp cho cha mẹ đi xem phim để đưa cô về nhà anh - và trong lúc nằm trên giường sau cuộc làm tình vui thú, cô nghĩ thầm: Nếu chúng mình được sống chung công khai thì sẽ dễ chịu biết bao. Nhưng trong lúc ấp ủ những ý nghĩ tươi sáng ấy, cô vô tình nhìn sang Gunnar thấy anh khom người trên cái bàn đặt một chiếc radio sóng ngắn, và cô nhận ra anh cũng say mê cái radio y như cha cô say mê Ceylon vậy. Đúng thời điểm không thích hợp này, Gunnar lại reo lên,
Nghe này, Britt! Đây chính là anh chàng ở Samoa mà anh đã kể với em đấy!
Và trong khi anh tiếp tục nghịch mấy cái núm điều khiển, cô có thể hình dung ra anh vài chục năm sau, lãng phí thời gian ban ngày với một công việc tầm thường nào đó mà anh không thể chuyên tâm và lấp đầy ban đêm với chiếc radio. Mối lo ngại của cô càng tăng lên khi vô tình nhắc đến niềm đam mê của anh với cha mẹ, và cha cô reo lên,
Không biết cậu ta có liên lạc được với Ceylon không nhỉ?
Kết quả là Gunnar tìm mọi cách thực hiện chuyện đó, bắt liên lạc với một người Anh ở Kandy, rồi trong nhiều đêm căng thẳng, Gunnar cùng ông Bjørndahl chụm đầu bên chiếc radio, nói chuyện với Ceylon; và hết giờ này sang giờ khác, những thông điệp lạ lùng được trao đi đổi lại, và đến nửa đêm ông Bjørndahl trở về nhà, hớn hở vì Ceylon thực sự tồn tại. Nhưng Britta nhận thấy trong suốt thời gian bị thu hút bởi niềm say mê này, Gunnar gần như quên hẳn cô, và trong suốt tháng Mười, họ không lên giường với nhau một lần nào.
Nhưng một vấn đề thậm chí còn sâu xa hơn tình dục đã nảy sinh: đầu tháng Mười một, Tromsø đi vào đường hầm, buộc Britta phải nghi ngờ những giá trị sống ở Na Uy. Hàng năm, cứ đến ngày hai mươi hai tháng Chín, trong chu trình lên xuống đã định trên khoảng trời, vầng dương lại tiến đến điểm giữa của hành trình lặn xuống, và rồi ngày và đêm có độ dài bằng nhau; nhưng ngay sau đó mặt trời xế bóng, vì vậy ngay cả giữa trưa nó cũng khuất dưới đường chân trời khiến cho ngày thì ngắn và đêm thì vô tận. Khi tháng Mười hai đến gần, dân Tromsø nói:
Chúng ta sắp vào trong đường hầm rồi,
một lối so sánh thích hợp, vì nó truyền tải ý niệm là sau một đoạn dường dài tối tăm thế giới sẽ lại một lần nữa bừng lên ánh sáng ban ngày vui tươi; nhưng đối với lớp trẻ hình ảnh ấy thật ảm đạm vì họ không thể tìm được niềm an ủi ở sự hứa hẹn về một mùa xuân xa vời vợi. Họ chỉ thấy nắng đã tắt và thời gian mù mịt giữa ánh sáng và bóng tối đè nặng lên tâm hồn họ đã bắt đầu.
Giữa tháng Mười hai, khi bóng tối đã sâu thẳm phía trên họ, cha Britta nói một cách triết lý:
Vậy đấy, chúng ta lại đến đây rồi đâm đầu vào đường hầm.
Và những đêm tiếp theo, Britta thấy cha trốn biệt trong căn phòng nhỏ nghe bản nhạc Ceylon hư ảo, và thường thường khi đang làm việc trong văn phòng lão Mogstad, cô lại thấy mình huýt sáo nho nhỏ khúc cavatina trong vở Thợ mò ngọc trai, như thể cuộc sống của cô cũng đang tồn tại trong một giấc mơ, và cô cảm thấy chính mình cũng bị mắc vào sự viển vông đã hạ gục cha cô, và thế giới dường như không thể chịu đựng được nữa, và cô thì thầm:
Mình muốn mặt trời.

Xin các vị đừng tưởng Tromsø nằm trong bóng tối hoàn toàn suốt cả hai mươi tư giờ mỗi ngày; giữa trưa sẽ có một màn sương xám mỏng manh, thỉnh thoảng lại tạo ấn tượng một vẻ đẹp không thể quên, với những rừng cây trên đất liền nhô ra khỏi bống tối như những tòa lâu đài tưởng tượng. Giữa buổi chiều, các cô gái làm việc dọc bến cảng lại rời văn phòng một lúc, khi con tàu hơi nước từ Bergen vòng qua mũi đảo trên hành trình Bắc tiến đến thành phố Kirkenes, ở phía bên kia mũi đất. Khi con tàu đã ra khơi, các cô gái sẽ miễn cưỡng thơ thẩn quay về với công việc, và đến cuối ngày, thế giới của họ sẽ bị nhấn chìm trong bóng tối. Nên khi họ nói với nhau:
Chúng ta đã vào đường hầm,
thì họ ngụ ý rằng việc quan trọng bây giờ là phải cố gắng chịu đựng, bằng mọi cách, cho đến khi màn đêm đáng sợ này qua đi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).