• 1,749

II - Chương 4


Số từ: 2554
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Đổ vỡ với Gunnar càng củng cố quyết tâm đi Torremolinos của Britta, và cô tiến hành đánh giá một cách thực tế hơn tình hình tài chính của mình. Cô đã dành dụm được gần bốn mươi đô la và cần một trăm năm mươi nữa trong trường hợp ông Sverdrup có thể đưa ra cho cô giá thấp nhất. Khi cô hỏi ông về vấn đề này, ông nói:
Chừng ấy thì tôi có thể hứa với cô được. Thế hiện giờ cô đã có bao nhiêu rồi?
Khi cô cho ông biết, ông nói:
Bốn mươi thì còn lâu mới tới một trăm năm mươi, nhưng cô còn trẻ, cô phải cố gắng lên. Chuyến du lịch này có thể thay đổi cuộc đời cô đấy.

Ông chỉ cho cô thấy nếu cô làm việc đến hết tháng Giêng và tiết kiệm từng xu tiền lương, cô sẽ có gần đủ số cần thiết. Ngoài ra, ông nghĩ cô có thể làm đêm ở một cửa hiệu nào đó đang muốn giải quyết hết hàng tồn đọng sau Giáng sinh, nhưng việc này xem ra cũng không thực tế, vì vậy cô tìm được một cách giải quyết khác: cô có thể giúp ông đánh máy báo cáo gửi về tổng công ty ở Copenhagen, và cô đã làm như vậy, hết đêm này sang đêm khác.
Ngay sau kỳ nghỉ đầu năm, ông Sverdrup nhận được áp phích mới quảng cáo về các chuyến đi nghỉ ở Tây Ban Nha, và khi bỏ tấm cũ ra khỏi cửa sổ, ông hỏi Britta:
Cô có muốn treo cái này trong phòng cô không?
Cô định cầm nó như kỷ vật về một mảnh đất cô đã dần dần yêu mến, nhưng chưa đưa tay ra cô đã nhận thấy tấm áp phích này như một sự cám dỗ, thứ đầu tiên trong vô vàn vật thay thế sẽ được cô dán khắp phòng như hồi ức về những ước mơ không thành, nên cô từ chối.
Với tôi thì không có áp phích gì cả. Tôi muốn người thực việc thực.

Chính sự hết mình không gì lay chuyển nổi trước thực tiễn đó đã khuyến khích ông Sverdrup nói hết mọi chuyện với cô. Chờ cho đến khi cô có mặt sau giờ làm vào một buổi tối thứ Hai lạnh giá âm u, ông bảo cô:
Tuần này không có việc đánh máy. Nhưng có một điều tôi phải nói cho cô biết.
Ông dẫn cô vào phòng trong và mời cô ngồi xuống ghế.
Chính xác thì cô đã có bao nhiêu tiền?
ông hỏi. Cô cho ông xem thành quả tiết kiệm của cô, và ông nói:
Cô Bjørndahl, cô có vừa đủ rồi.


Không!
cô phản đối.
Tôi sẽ không đi xuống đó như một kẻ không xu dính túi. Tôi phải có bảy mươi lăm đô la tiền chi tiêu.


Cô đã có rồi,
ông nói.

Ông thêm thắt bằng cách nào vậy?
cô hỏi.

Cách này,
ông đáp.
Tôi không được phép nói với khách hàng tương lai điều này, bởi vì tất nhiên chúng tôi muốn họ trả đầy đủ tiền vé. Nhưng nếu cô chờ cho đến phút chót mới mua vé, và nếu còn bất kỳ chỗ trống nào trên máy bay, chúng tôi sẽ bán cho cô một vé với giá... cô đoán bao nhiêu?

Bởi giá vé của cô đã hạ từ chín mươi lăm đô la xuống còn bảy mươi lăm, cô biết không thể hạ thêm quá nhiều được, vì vậy cô đoán,
Sáu mươi lăm?


Cô chỉ phải trả tất cả là hai mươi sáu đô la.

Britta ngồi im, tay đặt trong lòng. Chắc chắn đây là một cái bẫy... một trò đùa. Cô biết không ai có thể bay tới Tây Ban Nha bằng máy bay phản lực, ở trong một khách sạn sang mà không phải trả tiền ăn, được hưởng một kỳ nghỉ mười lăm ngày nhất hạng mà chỉ mất có hai mươi sáu đô la - và cô sẽ không để mình bị biến thành một con ngốc. Vì vậy cô không nói gì.

Cô có nghe thấy tôi nói gì không đấy?
ông Sverdrup hỏi.

Có. Hai mươi sáu đô la. Để chi cho thứ gì? Bánh kẹp thịt chăng?


Cho mọi thứ. Máy bay, khách sạn, ăn uống, tiền boa, xe buýt. Mọi thứ trong mười lăm ngày.


Ông nói nghiêm túc đấy chứ?
cô hỏi khẽ.
Ông cười thích thú vì thấy cô vẫn chưa dám tin vào một sự thật hiển nhiên, rồi nói:
Britta, trên thế giới này có nhiều người muốn giúp đỡ lớp trẻ. Công ty chúng tôi lập luận rằng vì dù thế nào thì máy bay cũng phải cất cánh, và vì chúng tôi đã thanh toán tiền khách sạn cho cả năm rồi, nên thà dành những ghế không có người ngồi cho các bạn trẻ, những người có thể thu được nhiều điều bổ ích từ chuyến đi này, còn hơn để máy bay trống một nửa. Tôi có thể nói với cô điều này từ một tháng trước đây nhưng tôi muốn thử thách cô - để xem niềm khao khát của cô có đủ mạnh mẽ khiến cô phải chịu hy sinh không.

Britta e mình sẽ khóc òa lên mất, vì vậy cô không đáp lại.

Như vậy là cô đã đủ tiền,
ông Sverdrup nói tiếp.
Hãy về nhà chuẩn bị đi. Máy bay sẽ cất cánh vào năm giờ sáng ngày 3 tháng Hai. Nhưng...

Tôi đã biết là thể nào cũng phải có một chữ nhưng...

Chữ nhưng này nhỏ thôi nhưng làm cô bực mình đấy. Như hôm nay, chúng tôi có một số ghế trống. Tôi chắc là mai chúng tôi cũng có ghế trống. Nhưng nếu vì lý do bất ngờ nào đó mà đùng một cái máy bay lại kín chỗ thì...


Tôi sẽ không đi được?


Không đi Tây Ban Nha được. Nhưng ở Copenhagen còn có các chuyến bay khác đi đến những nơi khác.


Tôi muốn đi Tây Ban Nha,
cô kiên quyết nói.

Còn tôi muốn cô đến được đó. Nhưng trong mọi việc lúc nào cũng có may rủi. Cô có thể kết thúc chuyến đi ở Hy Lạp lắm chứ.

Những ngày tiếp sau đó thật căng thẳng vì khắc khoải. Mỗi sáng, trong bóng tối trên đường đi làm, Britta nhìn chằm chằm tấm áp phích mới ở cửa sổ. Giờ ăn trưa, cô rời bến cảng vội vã tới phố chính, và trong màn ánh sáng mờ mờ bàng bạc của vầng dương trôi gấp gáp dưới đường chân trời, cô lại nhìn ông Sverdrup xuyên qua cánh cửa, và ông lại gật đầu ra hiệu vẫn còn ghế trống. Chiều tối, sau giờ làm việc, cô lại ghé vào văn phòng ông đánh máy tất cả những gì chất đống trên bàn, từ chối tiền công, và mỗi đêm, trong lúc giúp ông đóng cửa văn phòng, cô lại được nghe lời động viên của ông:
Copenhagen báo là ‘Vẫn còn chỗ trống.’

Cô lấy hộ chiếu hợp lệ, nói lời chia tay với anh chàng Gunnar vốn vẫn yên trí cô sẽ quay về làm đám cưới nên dần trở nên gần gũi với cha cô hơn bao giờ hết. Thường thường, lúc đêm khuya, cô lại vào căn phòng nhỏ trưng đầy áp phích với bản đồ và ngồi xem ông vạch con đường vượt Ấn Độ Dương của các nhà thám hiểm, không bao giờ thỏa mãn với niềm khát khao hiểu biết tất cả những gì liên quan tới hòn đảo của mình. Và ông lại nghe bản nhạc Thợ mò ngọc trai trong khi hai cha con chuyện trò, vì vậy cô lại nghe thấy giọng ông vang đến tai mình qua một tấm màn mỏng những tiếng cầu nguyện trầm bổng của các thầy tế và tiếng hát của những người đánh cá Sinhala, và trong lòng cô dần nảy sinh mối thương cảm sâu sắc dành cho người đàn ông ít nói đã bị cuộc đời đối xử khá tệ bạc này.
Sau này, khi kể cho tôi nghe về cuộc ra đi của mình, Britta nói về cha cô,
Ông khôn ngoan hơn cháu tưởng nhiều. Ông là người đầu tiên cảm nhận được sự thực về chuyến đi xa của cháu... những nguyên nhân thực sự ấy. Và ông còn đoán rất đúng là cháu không thừa nhận chúng với chính bản thân mình... thậm chí còn chưa ý thức được về chúng.
Cha cô muốn đề cập chủ đề này nhưng cũng như mọi khi, ông im lặng và trốn tránh trong những đề tài ít quan trọng hơn.
Mọi việc giữa con và thằng Gunnar kết thúc rồi à?
ông ngập ngừng hỏi. Khi cô gật đầu, ông nói tiếp:
Không có gì đáng ngạc nhiên.
Tất nhiên ông đã biết, rằng giống như nhiều thanh niên ở Tromsø - và khắp Na Uy nếu xét riêng vấn đề đó - họ đã sống cùng nhau, nhưng điều đó không làm ông lo ngại. Ông cho rằng, nếu Gunnar chứng tỏ mình là một chàng trai tốt thì đến lúc thích hợp con gái ông sẽ lấy cậu, còn nếu không, cô tự mình tìm cách giải quyết thì cũng đúng thôi.
Nghị lực của cậu ấy chỉ có hạn,
ông nói. Rồi, lo sợ vì lời nhận xét này đưa ông đến gần những nguyên nhân cơ bản, ông ngậm miệng lại và cúi nhìn bản đồ. Sau một lúc lâu im lặng, mắt không nhìn thẳng vào con gái, ông nói:
Con là người có nghị lực, Britt ạ. Hãy giữ mãi như thế nhé.

Cô cũng muốn tâm sự nhưng lại sợ sự thôi thúc sâu xa hơn đang đẩy cô tới Tây Ban Nha, vì vậy, giống như cha, cô rút về với những chuyện tầm phào,
Nếu con tới sân bay mà không có chỗ thì sẽ rất vô duyên. Cứ tưởng tượng ra cái nỗi mình đã nói tất cả những lời tạm biệt thế mà rồi lại quay trở về làm ở chỗ ông Mogstad như trước.


Ông ta là người như thế nào?


Đê tiện.


Mẹ con có vẻ thích ông ta.


Ông ta là kẻ đê tiện.


Có lẽ khi con trở về...
Đây là những lời mà bất cứ người cha người mẹ nào quan tâm đến việc làm đầu tiên của con gái mình đều có thể nói, nhưng đối với ông Bjørndahl, chúng nguy hại như ngọn lửa, vì chúng bắt ông phải đối diện với câu hởi thực sự: Con gái ông có quay về không? Ông nhìn con, và mặc dù cả hai không ai nói gì, họ đều hiểu rằng cô sẽ bỏ Tromsø vĩnh viễn... sẽ chạy trốn khỏi Na Uy với lòng quyết tâm sắt đá không bao giờ trở về.
Mình không hiểu liệu nó có biết nguyên nhân không?
ông Bjørndahl tự hỏi. Ông ước gì được nói chuyện cởi mở với con gái vì ông rất yêu quý cô. Cho dù có nhan sắc ấn tượng, cô vẫn là người biết suy nghĩ. Nếu cô chạy trốn khỏi Na Uy, ông tin chắc cô có lý do chính đáng.
Đối với mẹ, Britta lại rất thận trọng, giúp bà nấu nướng, rửa bát đĩa sau bữa ăn và trả lời các câu hỏi với thái độ nhã nhặn bất thường. Khi bà Bjørndahl hỏi về chuyện của cô với Gunnar, Britta chỉ nói:
Con e rằng nó đã kết thúc rồi.
Cô không kể chi tiết và bà Bjørndahl kết thúc cuộc đối thoại bằng hai câu:
Nó sẽ là chàng rể tốt đấy. Cha con thích nó.

Ngày 2 tháng Hai, Britta thức dậy với nỗi bồn chồn lo lắng không sao che giấu nổi, vì ngày hôm nay sẽ cho biết trên máy bay có chỗ trống hay không. Khoảng mười giờ sáng, ông Sverdrup sẽ nhận được bức điện tổng hợp chi tiết từ Copenhagen, vì vậy lúc mười giờ ba mươi, Britta nói với lão Mogstad là cô muốn vắng mặt vài phút, và trong lúc lão ta còn đang cẩn thận rẽ bộ ria sang hai bên mép, phân vân không biết có nên cho phép hay không thì cô đã bước ra ngoài. Đến công ty du lịch, cô được biết ông Sverdrup đã ra ngoài, cô bèn hỏi người trợ lý xem có tin gì từ Copenhagen không, nhưng không biết được điều gì, nên cô đành chờ đợi trong nỗi lo sợ càng lúc càng tăng.
Cuối cùng ông Sverdrup cũng trở lại, bông hoa màu sáp ong của ông đung đưa sống động trong ánh sáng nhợt nhạt.
Tin tốt lành!
ông reo lên ngay khi nhìn thấy Britta.
Như tối qua... còn chỗ. Sáng mai cô sẽ bay đến Copenhagen. Và nếu cô không thể lên máy bay đi Torremolinos, chúng tôi sẽ ghép cô vào chuyến khác. Marốc, Hy Lạp - ai mà biết đêm mai cô sẽ ở đâu?


Tôi sẽ ở Tây Ban Nha,
Britta nói.
Vì giữa đêm và ngày không có sự khác biệt nhiều, chuyến bay đi Copenhagen bao giờ cũng rời Tromsø vào lúc ba giờ sáng, nên Britta không ngủ; cô trò chuyện với cha lần cuối cùng, ông nói,
Cha sẽ không ra sân bay với con.
Cô cảm thấy rất gần gũi mẹ và cũng chuyện trò với bà, nhưng khi nói chuyện, cô lại nghe thấy giai điệu thê lương của khúc cavatina, và nỗi niềm khao khát tuyệt vọng từ khúc nhạc ấy vò xé trái tim cô đến nỗi cô phải quay lại chỗ người cha đang ngồi cô đơn lật giở sách vở.
Cha ước gì được đi với con,
ông nói, nhưng điều ông muốn nói lại là,
Cha ước gì mình có đủ can đảm thoát ly từ những năm trước.

Tại sân bay, Britta hôn Gunnar chiếu lệ, chủ yếu vì anh kéo theo vài người bạn và sẽ khó xử nếu cô không làm cho họ tưởng hai người vẫn yêu nhau. Đến lúc tạm biệt mẹ, cô cảm thấy sự xúc động trào dâng trong lòng, và trong một giây ngắn ngủi, cô phải thầm công nhận nguyên nhân thực sự khiến cô phải tranh đấu tuyệt vọng như vậy để đi Tây Ban Nha,
Mình sẽ rời Tromsø vĩnh viễn. Mình không thể chịu đựng được tính trật tự chán ngắt... những năm tháng không bao giờ thay đối... các quy tắc nặng nề đối với vẫn từng ấy thứ cũ kỹ... Mình không muốn chờ mười năm rồi mới bắt đầu cuộc sống của mình. Mình không muốn đường hầm nữa.

Rồi, ngay chính cô cũng bất ngờ, Britta buột miệng nói thật với mẹ,
Con sẽ không quay lại... không bao giờ. Mẹ nói với cha nhé.

Bà Bjørndahl chộp lấy cánh tay cô, định bắt giải thích về tuyên bố bất thường ấy, nhưng Britta đã đẩy bà ra và chạy về phía máy bay, leo nhanh lên cầu thang trước khi mẹ cô đuổi kịp.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).