• 1,567

VII - Chương 1


Số từ: 4382
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Ngay các ông trùm tư bản hàng hải Hy Lạp cũng có lúc cạn tiền.
Một vài lần tôi đã nhắc đến cụm nhà chọc trời mọc san sát tại khu vực phía Đông cuối thành phố Torremolinos như một ngôi làng da đỏ khổng lồ nào đó đã được dời sang Địa Trung Hải. Tổ hợp kiến trúc được một côngxoocxiom các chủ tàu Hy Lạp thai nghén và khởi công xây dựng theo đúng phong cách rầm rộ khoa trương của họ. Nếu hoàn tất, tổ hợp này sẽ gồm ba mươi mốt tòa nhà độc lập, mỗi tòa mười bảy tầng, tổng cộng lên tới 527 tầng hay 3.162 căn hộ. Và vì mỗi căn hộ sẽ có bốn giường cá nhân cho nên người Hy Lạp đang từ con số không mà xây dựng nên một thành phố với dân số 12.648 người.
Không may là mùa hè năm 1968, sau khi đã hoàn thành mười tám tòa nhà và mười ba tòa đang ở các giai đoạn xây dựng khác nhau, từ những tòa nhà mới chỉ đào xong móng đến những tòa chỉ còn thiếu mái, họ lại cạn tiền và chỉ còn cách hoặc bỏ cả dự án hoặc tìm kiếm đó đây quanh châu Âu để gọi thêm vốn. Cuộc tìm kiếm đã ném họ vào quỹ đạo của World Mutual, vì vậy tôi phải ở Torremolinos suốt tháng Năm, Sáu, Bảy năm 1968 để xem xét khả năng cứu họ thoát khỏi khó khăn tài chính, nhưng làm ăn với họ rất khó, và cho dù tôi xem xét cẩn thận đến mức nào về tình thế hiểm nghèo của họ và giải thích rõ ràng đến đâu về mức độ kiểm soát mà World Mutual sẽ kiên quyết yêu cầu nếu chúng tôi cung cấp số tiền còn thiếu - tôi tính toán vào khoảng hai mươi sáu triệu đô la, nếu gộp cả trang bị đồ đạc và làm đẹp phong cảnh - họ vẫn chấm dứt thảo luận khi nhìn thấy khả năng phải từ bỏ dù chỉ một chút quyền hành, tất cả những gì họ muốn là tiền với lãi suất thấp, và do khó khăn đó mà cuộc thương lượng của chúng tôi không đi đến kết quả.
Họ vật lộn suốt những tháng cuối năm 1968, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn và bất lực, nhưng đến đầu năm 1969, họ đã thấy rõ là hoặc phải xoay được tiền ngay hoặc mất cả dự án. Lần này họ đến Geneva xin chúng tôi cứu giúp với bất kỳ điều kiện nào chúng tôi đưa ra được. Thật không may, họ đến đúng thời điểm chúng tôi dấn quá sâu vào Úc, Philadelphia, Vwarda và đang phải đương đầu với nhiều nhu cầu đột xuất cho các dự án dài hạn ở Bồ Đào Nha đến nỗi chưa thể trả lời họ ngay được. Tất nhiên, việc chậm trễ này có lợi cho chúng tôi vì tình hình Torremolinos xấu đi rất nhanh và người Hy Lạp đã nghi ngờ chúng tôi trì hoãn chỉ nhằm làm khó dễ họ.
Dù thế nào đi nữa, năm 1968 chúng tôi đã cung cấp cho họ tiền mặt với những điều kiện rất thuận lợi; bây giờ chúng tôi phải trì hoãn, nhưng đến giữa tháng Tư, khi vị trí của công ty đã được củng cố, ban giám đốc bảo tôi,
Hãy xuống Torremolinos mua hết cổ phần của người Hy Lạp đi. Tống khứ họ đi. Hãy đưa ra điều kiện của chính ông.

Vậy là ngày mồng năm tháng Năm, tôi bay tới Málaga rồi nhảy lên một chiếc Rolls-Royce nơi những người Hy Lạp không gợn chút nghi ngờ đã chờ sẵn, và khi đến gần Torremolinos, chúng tôi có thể nhìn thấy mười tám tòa tháp đã hoàn thành cùng những công trình giai đoạn đầu lởm chởm đất đá đã dừng thi công gần hai năm nay.

Một dự án vĩ đại,
một người Hy Lạp nói với tôi, giọng say sưa hơi căng thẳng. Tôi không nói gì, họ đưa tôi tới dãy phòng sang trọng trên cảng chót của một trong những tòa nhà mười bảy tầng đó, và khi chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh lộng lẫy này, phía Đông vươn xa quá thành phố Málaga còn phía Tây thì trải rộng gần đến Gibraltar, với những bãi biển đẹp lung linh trong nắng, tôi không thể ngăn mình há hốc miệng choáng váng, vì đây chắc chắn là một trong những cảnh tượng hấp dẫn nhất châu Âu, một giấc mộng về ngành du lịch mới khi những thành phố hơn mười hai nghìn dân được xây lên từ con số không để chiều lòng du khách từ Nam Mỹ, châu Phi, Úc và New Zealand.
Bảy người Hy Lạp căng thẳng chờ tôi lên tiếng, vì vậy tôi mỉm cười thầm điểm lại bản nghiên cứu mang theo trong cặp; bản này do các chuyên viên ở Geneva lập ra để hướng dẫn tôi:
Chúng tôi do đó đi đến kết luận là côngxoocxiom Hy Lạp đã tự sa lầy trong một khu liên hợp gồm 31 tòa nhà với tổng kinh phí phải vào khoảng $57.000.000, hoặc khoảng $18.000 một căn hộ. Họ đã chi hết khoảng $30.000.000, tức là còn cần thêm $27.000.000 nữa để hoàn thành dự án. Mối quan tâm duy nhất của chúng ta là mua hết cổ phần của họ. Chúng ta nên đưa ra giá khởi đầu là khoảng $17.000.000 để mua đứt toàn bộ quyền lợi của họ, nhưng cũng nên chuẩn bị tư tưởng nâng con số lên $25.000.000. Từ những mẫu hiện thời của chúng ta ở Congo và Rhodesia, chúng tôi tính toán ta có thể bán hạ giá 3.162 căn hộ với giá khoảng $30.000 một căn, tổng số tiền thu về khoảng $90.000.000. Nếu chúng ta có thể mua toàn bộ cổ phần của người Hy Lạp với giá khoảng $20.000.000 và đầu tư thêm không quá $26.000.000, vụ này sẽ mang lại lợi nhuận lớn.

Các ông đã dựng nên một kiệt tác,
tôi thừa nhận, rồi nói tiếp luôn.
Và World Mutual đề nghị mua lại toàn bộ dự án - đất đai, nhà cửa, trang thiết bị - với giá mười bảy triệu đô la.
Có tiếng thở hổn hển, rồi một người hắng giọng, nhưng tôi nói tiếp luôn,
Còn về việc vay tiền, không có khả năng ấy đâu... hoàn toàn không.


Thế thì chúng tôi sẽ đến chỗ Gianni Agnelli,
một người hùng hổ.

Phía Ý cũng không có khả năng đâu.

Chúng tôi tranh luận khá gay gắt mà rốt cuộc người Hy Lạp phải chấp nhận thực tế là giờ không còn khả năng vay tiền nữa. Nếu không bán cho chúng tôi thì họ chỉ có thể đẩy dự án đến chỗ phá sản và thu hồi được một phần nhỏ của số tiền chúng tôi đề nghị. Đành từ bỏ hy vọng vay tiền, họ thì thầm bàn bạc rồi một người đại diện ngập ngừng hỏi,
Đề nghị mười bảy triệu đô la của ông...


Có thể thương lượng,
tôi nói rất thẳng thắn.
Họ đồng loạt thở dài. Qua bản nghiên cứu, tôi biết là với giá mười bảy triệu đô la họ sẽ lỗ đáng kể; bên chúng tôi không hề muốn dồn ép họ và đã sẵn sàng nâng lên đến con số nào đó thể hiện một sự công bằng hợp lý. Nhưng con số nào? Quyết định này đòi hỏi phải có thời gian và bước đi khôn khéo.
Thế là đám người của tập đoàn hàng hải để tôi lại một mình trong căn hộ sang trọng trên tầng chót, và trong lúc họ lui ra thang máy, tôi nhận ra cuộc điều đình sẽ kéo dài. Tôi đoán mình sẽ phải ở lại Tây Ban Nha ít nhất một tháng, và viễn cảnh này không làm tôi buồn phiền vì sau nhịp độ khẩn trương suốt một thời gian dài - Philadelphia, Vwarda và Afghanistan - có thể sẽ có ích cho tôi nếu được tắm nắng lâu lâu một chút.
Khi soạn đồ từ trong mấy cái túi du lịch ra, tôi thấy bốn hộp muesli Bircher khá lớn mà tôi đã mang theo. Chúng sẽ đủ dùng trong bốn tuần nếu tôi tự hạn định khẩu phần cẩn thận, và khi chế độ dinh dưỡng này kết thúc, tôi sẽ lấy lại sức vì trên thế giới không có đồ ăn sáng nào tốt hơn muesli. Dùng một đĩa muesli với sữa lạnh và vài lát cam Valencia mọng nước là cách khả dĩ nhất để bắt đầu một ngày; sau một đợt dài phải ăn những món Afghanistan béo ngậy hay món Mỹ lâu tiêu, tôi dùng muesli không những trong bữa sáng mà còn cả bữa trưa nữa. Còn bữa tối, tôi ăn khá ít, và không lâu sau tôi đã lấy lại được vóc dáng. Từ khi tôi chuyển đến Thụy Sĩ, trọng lượng tôi lúc nào cũng khoảng 170 pao, và phần lớn là nhờ có muesli.
Vậy nó là gì? Một thức ăn hỗn hợp gồm lúa mì nướng nguyên hạt và kê trộn với táo, mơ, nho, quả phỉ và hạnh nhân khô cắt nhỏ, thành phần chủ yếu là cốm yến mạch không xay. Cứ nhớ đến món này là tôi lại thấy đói và cảm ơn ông bác sĩ người Thụy Sĩ đã nghĩ ra nó. Trong căn hộ trên tầng chót ở Tây Ban Nha, tôi đổ một đĩa để ăn trưa rồi nằm xuống chợp mắt một lát.
Đúng như tôi dự đoán, cuộc thương lượng với người Hy Lạp cứ kéo dài mãi. Họ hiểu họ đang lâm vào tình thế không lối thoát nhưng vẫn không chịu nhượng bộ. Theo một cách hiểu nào đó thì đối với họ việc thu gom hai mươi bảy triệu còn thiếu không phải là khó; họ chỉ việc bán đi vài ba con tàu đã giúp họ khởi nghiệp, nhưng làm như vậy thì thật điên rồ. Mất tàu tức là mất đi sức sống, mà họ thì không phải lũ ngu dốt.
Nhưng điều mà họ vẫn không thể buộc mình đối mặt chính là sự sụp đổ của cái thành phố trong mơ bên bờ Địa Trung Hải đó, vì vậy, biết chắc là khi đọc bản báo cáo thiệt hại hàng tuần, họ sẽ phải chuẩn bị tâm lý để chấp nhận điều kiện của World Mutual, tôi cứ ung dung dạo chơi quanh thành phố và để họ có thời gian cân nhắc. Họ cần tiền để duy trì hoạt động của các công ty hàng hải, và cách kiếm tiền duy nhất là sang nhượng khu nhà cho World Mutual. Chúng tôi có thể chờ; còn họ thì không.
Với chế độ ăn kiêng muesli Bircher tự mình đề ra, tôi đã giảm cân, lấy lại sức, và cứ đến bốn giờ chiều là đã thấy đói cồn cào. Trong khi người Hy Lạp khổ sở tính toán xem nên chấp nhận con số nào cho các tòa nhà chọc trời thì tôi lại khổ sở không biết tối đó nên đến làm khách tại hiệu ăn nào ở Torremolinos. Do khách hàng thuộc đủ mọi nước trên thế giới nên thành phố có vô vàn quán ăn ngon: một quầy tự phục vụ khá phong phú, một nhà hàng Đức sang trọng trong khách sạn Brandenburger, một địa điểm có món ca ri Ấn Độ ngon hơn bất kỳ nơi nào ở New York, sáu bảy nhà hàng Trung Quốc hạng nhất, một hiệu ăn Pháp khá ngon đủ để ít nhất cũng phải được xếp hạng một sao trong quyển hướng dẫn Michelin, và một quán rượu Tây Ban Nha lâu đời cực kỳ hấp dẫn dĩ nhiên tên là El Caballo Blanco. Thật thú vị khi được ngắm các quán ăn này trong lúc đói bụng, và ở Torremolinos tôi được ăn ngon hơn bất kỳ nơi nào khác tôi từng đến công tác. Nhiều hôm, khi rời căn hộ trên tầng chót để đi ăn tối, tôi lại lẩm bẩm cầu nguyện:
Tạ ơn Chúa, con không phải ở Afghanistan hay Marrakech.

Tuy nhiên, cảnh rỗi rãi bắt buộc đã bắt đầu khiến tôi phát chán, vì cuộc đàm phán với người Hy Lạp chỉ chiếm của tôi vài phút mỗi ngày:
Vâng, chúng tôi sẽ xem xét việc tăng lên thêm ba triệu nữa... thậm chí bốn triệu cũng có thể cân nhắc... sáu thì dứt khoát không.
Khi thời gian lưu lại dự kiến sẽ kéo dài hơn, tôi bắt đầu tìm quanh xem có thú vui gì không; một người chỉ có thể đọc truyện của Simenon nhiều lắm vài giờ mỗi ngày và cả trăm hộp đêm quán bar có lẻ thì cũng dần trở nên mệt mỏi khi đã ngoại sáu mươi. Trong tâm trạng như vậy, một đêm, khoảng mười giờ, tôi vô tình rẽ vào một con hẻm và nhìn thấy một tấm biển hiệu ngớ ngẩn treo cao quá đầu tôi: một khẩu súng lục khổng lồ bằng gỗ, chạm thô kệch, dọc theo nòng là dòng chữ THE ALAMO. Tiếng ồn từ trong quán vọng ra, thỉnh thoảng lại được nhấn mạnh bởi vài câu tục tĩu khàn khàn giọng Brooklyn, tôi nghĩ vào đó xem người Mỹ đang làm gì chắc sẽ rất vui. Cánh cửa đã mở sẵn, tôi bước vào một căn phòng rất nhỏ có ba chiếc bàn và một cái ghế sofa tồi tàn kê sát một bên. Tường quán trang trí những bức tranh thế kỷ mười chín với cảnh miền Tây cũ, nay đã lốm đốm vết cứt ruồi và góc rách tả tơi. Quầy phục vụ đã ngắn, đầu bên tay trái lại có một cái máy quay đĩa cùng chồng đĩa hát cao ngất; còn đâu bên phải là những thùng nước cam sánh vàng.
Và còn gì đây nữa! Một thiếu nữ Scandinavia độ mười bảy mười tám đứng sau quầy, nét mặt xinh đẹp và ngay thẳng đến nỗi tôi phải ngừng quan sát xung quanh để mà ngẩn ngơ ngắm mái tóc vàng óng và nước da mịn màng tuyệt mỹ của cô. Cô bắt gặp ánh mắt tôi bèn mỉm cười, duyên dáng nghiêng đầu để lộ hàm răng trắng đều đặn. Cô ra hiệu hỏi tôi có uống bia không, thấy tôi gật đầu, cô bèn rót một cốc rồi rời quầy mang đến cho tôi. Lúc đó, tôi mới có cơ hội thấy được chiếc váy ngắn cùng đôi chân thon dài cân đối, tôi bất giác lên tiếng hỏi,
Thụy Điển?


Na Uy,
cô đáp một cách giản dị, và vì một lý do mà tôi không thể tự lý giải được gì ngoài việc cô là người có vẻ quyến rũ lồ lộ đến thế, tôi dẫn ra đoạn trích từ một khúc ballad cổ nổi tiếng thường được hát trong quán rượu:

Mười nghìn chàng Thụy Điển
Chạy trốn qua rừng sâu
Một cô nàng Na Uy quyết chí đuổi theo sau.


Suỵtttttt!
cô kêu lên, đặt một ngón tay lên môi ra vẻ khiếp sợ.
Cứ thế thì làm gì mà chẳng xảy ra đánh lộn. Ông học được bài đó ở đâu?

‘Cuộc vây hãm Copenhagen.’ Ai mà chẳng biết:

Chúng ta thèm thuốc hít
Mà đâu đủ say tít
Trong cuộc vây hãm Copenhagen.


Ông mà đọc câu này cho một người Thụy Điển yêu nước nghe thì anh ta sẽ nện cho ông một trận đấy,
cô đùa.

Tôi có đọc cho người Thụy Điển nghe đâu.

Cô ngồi xuống nói chuyện với tôi vài phút rồi dợm đứng lên định quay về quầy rượu, nhưng lại đổi ý ngồi nán thêm chút nữa khi một thanh niên Mỹ cao lớn râu rậm đến làm thay. Chúng tôi nói đủ chuyện trên đời vì cô quả là một thiếu nữ hứng thú tìm hiểu thế giới bậc nhất. Đặc biệt cô hỏi tôi đã đến thăm Ceylon chưa. Tôi nói chưa, và cô liền ngân nga một khúc nhạc mà tôi thuộc từ thời thơ ấu. Trong lúc cô đệm nhạc, tôi hát phần lời tiếng Anh:

Ta lắng nghe như trong mơ
Bồng bềnh giữa muôn vàn hoa lá
Giọng hát nàng dịu dàng êm ái
Như tiếng hót ríu rít chim muông.


Ông cũng biết bài này!
cô vui sướng kêu lên.
Cháu cuộc là hồi còn nhỏ, thể nào ông cũng có một đĩa hát của Caruso...
Cô đột ngột ngừng lời, chăm chú quan sát tôi rồi nói,
Ông rất giống cha cháu. Khổ thân ông. Cháu thấy thương ông quá.
Cô nắm lấy bàn tay phải tôi nâng lên môi hôn rồi chạy biến, nhưng tôi còn kịp thấy cô như sắp bật khóc.
Khuya hôm đó, cô quay lại và chúng tôi bắt đầu cuộc nói chuyện đầu tiên trong số những cuộc chuyện trò tìm hiểu giữa hai bên. Ngày hôm ấy, và ngay cả bây giờ mỗi khi nhớ đến cô, tôi luôn có ấn tượng sâu sắc cô là một trong những người giàu sức sống nhất mà tôi từng gặp. Dường như tất cả các giác quan của cô đều hoạt động quá thời gian, dồn vào não cô những thông tin thu thập được để cô cân nhắc, đánh giá và xếp lại. Khi đánh giá về bản thân, cô rất khắt khe:
Ông Fairbanks, nếu cháu có một bộ óc hàng đầu, ông có nghĩ cháu sẽ bỏ học ở tuổi mười bảy không? Đáng lẽ cháu phải học tiếp để trở thành bác sĩ... hoặc...
cô ngập ngừng cố tìm từ chính xác rồi kết thúc câu với một ý tưởng mà tôi không ngờ nhất,
hoặc một triết gia.


Cô có thể quay về,
tôi nói.
Ở tuổi mười tám việc học hành của cô chỉ mới bắt đầu thôi.


Vâng, nhưng cái cháu còn thiếu là trí tưởng tượng hạng nhất. Cháu không có sự độc đáo... Cháu không phải nghệ sĩ.


Tại sao cô không thể chỉ là một người có học?


Cháu cũng muốn đóng góp... một việc gì đó có tính xây dựng.

Lẽ ra không nên nói câu này nhưng tôi đã hỏi,
Cô định đóng góp tại một quán bar ở Torremolinos?

Cô không nao núng.
Cháu cũng giống như tất cả những người đứng đắn ở đây thôi. Cháu đang thực sự cố gắng tìm được bản thân.


Và cho đến nay thì sao?


Cháu hài lòng vì đã rút ra được một kết luận. Cháu không muốn sống thiếu ánh mặt trời. Cháu làm việc ở đây cho đến bốn giờ sáng... hết đêm này sang đêm khác. Khách hàng không làm phiền cháu. Mấy anh lính Mỹ thích nắm chân nắm tay cháu nhưng không sao, công việc là phải thế. Nhưng đến trưa hôm sau, khi mặt trời lên cao, cháu lại được ra bãi biển. Một giờ tắm nắng, thế là cháu đã được tân trang. Cháu đã hiểu ra điều này.


Và sau đó thì sao?


Cháu sẽ giữ nhan sắc cho đến ba mươi tuổi.


Sau ba mươi nhiều chứ,
tôi quả quyết.

Ông chưa biết cháu đâu,
cô nói chữa.
Trời ơi, cháu háu ăn lắm. Vì vậy nếu cháu giữ được sắc đẹp và tuổi trẻ đến ba mươi tuổi... ôi, như thế có nghĩa là cháu có những mười hai năm tươi đẹp để tìm kiếm. Tức là một trăm bốn mươi tư tháng. Cháu không phải kẻ ngốc. Trong một trăm bốn mươi tư tháng, cháu sẽ tìm thấy một cái gì đó.
Cô ngừng lời, quay ra đáp lại vài câu bông đùa của tốp lính, rồi nói tiếp,
Nhưng trong những năm tháng sắp tới, không điều gì cháu tìm ra lại lớn lao hơn điều cháu đã khám phá được. Tức là cháu phải sống dưới ánh mặt trời. Nếu người ta cử một phái đoàn từ Oslo đến bảo cháu, ‘Cô Britta Bjørndahl, cô được bầu làm thủ tướng Na Uy,’ cháu sẽ nói với họ, ‘Hãy chuyển thủ đô tới Málaga rồi tôi sẽ nhận lời.’ Vì họ sẽ không bao giờ làm điều đó cho nên cháu từ bỏ hy vọng làm thủ tướng rồi.


Thế còn hôn nhân?


Một câu hỏi ngắn gọn rõ ràng,
cô suy nghĩ một lúc rồi nói,
Cháu thích đàn ông. Cháu không như mấy cô gái cứ không có đàn ông bên cạnh là khổ sở. Nhưng cháu thích họ. Tuy nhiên, nếu không có duyên phận tìm được... cháu vẫn có thể sống không có đàn ông... tức là không có xét trên cơ sở lâu dài ấy.


Cô đã tìm được ai ở đây chưa?

Cô hất mái đầu vàng óng về phía anh thanh niên cao lớn đứng phía sau quầy rượu. Cử chỉ của cô không có vẻ đánh giá thấp, nhưng mặt khác cũng không biểu lộ niềm say mê. Tôi đã hỏi cô có người đàn ông nào của riêng mình không, và thực ra mà nói cô đã trả lời,
Ồ, có thể nói là có. Anh ấy kia.

Chính trong hoàn cảnh đó mà lần đầu tiên tôi chủ tâm quan sát người đàn ông trông quầy rượu. Anh có dáng người cao, thon chắc và tư thế đàng hoàng. Anh để kiểu tóc mà thế hệ trẻ hơn gọi là
phảng phất Chúa Jesus
hay
kiểu Kahlil Gibran
- tức là tóc dài gần đến vai và bộ râu lõa xõa che kín khuôn mặt. Anh mặc quần Levis xanh lơ bạc màu bó khít và đi giày ống Texas. Nói chung, anh là một nhân vật đáng nể, nói năng cư xử nhã nhặn, và anh điều hành một quán rượu làm ăn khấm khá. Britta nói với tôi anh là một người Mỹ trốn quân dịch, cũng như rất nhiều người khác mà tôi sẽ gặp ở Torremolinos.
Bằng trực giác, tôi thấy mến anh thanh niên trông quầy rượu, và đang định phát biểu nhận xét của mình thì Britta đột ngột nói tiếp,
Xin ông tha thứ cho tính đa cảm của cháu khi ông hát bài ấy. Ông nghĩ gì về Les Pêcheurs deperlesh[63]... như là một vở opera?


Tôi chỉ xem vở này có một lần. Nó cũng đại khái như Lakmé và Norma... Một nữ tư tế thổ dân vướng vào lưới tình, trong Lakmé là với một người châu Âu, trong Norma là với một người La Mã còn trong Pêcheurs thì đại loại là với một người da đỏ nào đó. Tất nhiên, có một đại tư tế hát giọng nam trầm và cuối cùng thì cô gái chết. Không hay mà cũng chẳng dở hơn các vở khác.


Cháu định hỏi về phần nhạc.


À... đó lại là vấn đề khác. Chắc chắn là Pêcheurs kém nhất trong ba vở đó. Nhưng cô phải nhớ là Bizet sáng tác vở đó khi mới hai mươi tư tuổi. Đó là một vở opera thú vị, trẻ trung, và ở tuổi cô thì chắc phải thích vở này.


Nhưng cháu đâu có thích,
cô nói.
Cháu thấy chán lắm. Cháu chỉ muốn biết ông nghĩ thế nào thôi.


Nhưng cô lại hát,
tôi nói, và thế là cô kể với tôi về những tháng năm lạnh giá mà cha cô đã phí hoài để mơ mộng về Ceylon và nỗi ám ảnh của ông đã ảnh hưởng đến cô như thế nào.
Cháu cũng thực sự muốn thấy nơi ấy,
cô nói.
Nếu có một anh chàng nào đó - và anh ta cũng chẳng cần phải trẻ lắm - nếu anh ta bước vào quán này nói là sắp đi Ceylon, cháu sẽ theo ngay ngày mai, không cần hỏi han gì cả.


Cô đã thực sự thoát ly rồi phải không?


Cháu sẽ không bao giờ quay về Na Uy nữa. Cháu đã để dành được mười bảy đô la, đó là tất cả tài sản của cháu trên thế giới này. Nhưng cháu sẽ đi Ceylon mà không cần đắn đo suy nghĩ... miễn là ở đó có nắng.
Chính qua những cuộc trao đổi như vậy, trong lúc ngồi nhâm nhi bia ở quán Alamo, tôi đã dần hiểu về thế hệ phụ nữ trẻ mới đang trôi dạt khắp châu Âu mà những đại diện hấp dẫn nhất lại tập trung cả ở Torremolinos. Họ thông minh; họ xinh đẹp; họ kiên quyết không bị cuốn trở lại nếp sống quen thuộc; và họ là thách thức đối với tất cả những ai gặp gỡ họ trên đường đời. Vì họ là một lực lượng mới trong lịch sử và một kinh nghiệm mới đối với tôi cho nên tôi thường suy nghĩ xem nên tả họ như thế nào thì chính xác nhất; không cách minh họa nào có thể hiệu quả hơn một mẫu rao vặt được ghim trên tấm bảng thông báo trong quán Alamo, và trong hàng trăm địa điểm khác khắp Torremolinos:
Con gái Thụy Điển mười chín tuổi muốn thăm miền Nam Ý. Lái xe được. Sẽ chia đều mọi chi phí. Đi theo nhóm hoặc đi riêng. Chi tiết xin hỏi anh trông quầy rượu.
Con gái Anh mười bảy tuổi, lái xe giỏi, nhất thiết phải đi Amsterdam. Có mười một đô la. Sẽ chấp nhận bất cứ đề nghị nào.
Con gái California mười tám tuổi có xe Peugeot mới. Đi Vienna. Sẽ nhận bạn đồng hành biết lái xe và trả phần chi phí cá nhân. Liên lạc qua anh trông quầy rượu.
Tôi chọn ba tờ rao vặt trên vì tôi đã tình cờ gặp từng cô được nhắc đến ở trên, và bất kỳ một thanh niên tỉnh táo nào cũng sẽ chu du lên tận cung trăng với bất kỳ cô nào trong số đó. Tình hình ở Torremolinos thú vị như vậy đấy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).