• 1,742

IX - Chương 4


Số từ: 4756
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Như các bạn hẳn đã đoán được, Harvey Holt yêu thích hệ thống hi-fi. Anh yêu bản thân âm nhạc, nhưng vì còn là một chuyên gia điện tử, nên anh lại càng say mê tính kỹ thuật của thiết bị có độ trung thực cao. Anh lắp đặt nhiều bộ dàn cho người ta đến nỗi thỉnh thoảng một chuyến bưu kiện chuyển tới, sau khi nằm hàng tuần tại một kho phân phối chính nào đó, sẽ chứa khoảng nửa tá bộ phận mà anh đặt mua giùm bạn bè tại bất cứ đất nước nào anh đang công tác trong thời gian đó.
Bộ dàn của anh mà tôi thường được nghe hồi ở Afghanistan là một kiệt tác đáng giá hơn ba nghìn đô la nhiều. Anh có amply Marantz đặt mua ở Mỹ, bốn thùng loa phóng thanh đa hướng từ London, một đế xoay đĩa hát Mirachord lắp đặt đặc biệt tại Đức, máy ghi âm Roberts với một số bộ phận lắp thêm ở Nhật, và đủ loại thiết bị phức tạp khác của Thụy Điển và Pháp. Anh có khoảng chừng hai mươi bảy núm điều chỉnh và đĩa số mà anh có thể tha hồ vặn vặn xoay xoay, cho nên bộ dàn của anh có thể phát ra tiếng rì rầm hoặc âm thanh với sức mạnh của một cơn bão. Anh không thích bạn bè đụng đến bộ dàn của mình - nó quá phức tạp cho bất cứ ai không thành thạo - nhưng anh lại vui lòng giải thích hàng giờ nếu có người quan tâm.
Holt không được nhiều người yêu mến lắm. Cảm phục thì có. Yêu mến thì không. Nhưng anh đã làm một việc khiến các fan âm nhạc trong vùng quý trọng. Anh sưu tập từ nhiều nguồn những đĩa hát hay nhất sẵn có. Cổ điển, rock-and-roll, đồng quê, soul - bất kỳ thể loại nào. Anh thích dùng những đĩa hát mới được bật chỉ một hai lần, và vì khá nhiều người ở nước ngoài du nhập những đĩa hát tuyệt vời của công ty Sam Goody hay cùng công ty ấy ở Copenhagen cho nên khá dễ dàng thu thập mẫu tiêu biểu của bất cứ thể loại âm nhạc nào. Sau đó Holt sẽ chuyển biên những đĩa ấy sang băng từ chất lượng cao - chẳng hạn như hai mươi chín bản hot jazz hay nhất hoặc nhạc thính phòng của Bach, kể cả sáu bản concerto của Brandenberg - cho đến khi bộ sưu tập bất cứ thể loại âm nhạc nhất định nào của anh đủ để chơi trong hai giờ. Anh rất giỏi việc ấy và trang bị của anh chính xác đến mức bao giờ anh cũng có được một băng chất lượng cao hơn bất cứ sản phẩm nào do một công ty chuyên môn làm ra. Sau đó anh sẽ xử lý tiếp băng đó trong các loại máy móc của mình và sang lại thành khoảng nửa tá bản mới để tặng bạn bè. Kết quả sẽ là thứ âm nhạc tuyệt hảo đến mức cuộc sống ở những trạm xa xôi hẻo lánh sẽ dễ chịu hơn một chút.
Gu của anh lại khá đặc biệt. Anh coi trọng nhạc cổ điển, và thỉnh thoảng, khi làm một băng gồm chín bản giao hưởng của Beethoven hay bản Requiem của Verdi giúp ông thủ tướng nước sở tại, anh sẽ miễn cưỡng công nhận,
Không đến nỗi dở.
Nhưng anh không giữ lại băng nào cho mình. Các khúc nhạc khàn khàn trong những năm gần đây thì anh không hiểu gì cả, nhưng lạ thay, anh lại thích làm các bản chuyển biên cho những đại diện kỹ thuật trẻ hơn, vì nó là một thách thức kỹ thuật:
Một cái đĩa như vậy ư... chỉ thuần là tiếng ồn... nó kiểu như thử nghiệm trang bị của anh. Nghe xem thiết bị này thu được những nốt trầm và chia tách chúng ra như thế nào.

Nhạc Tây Ban Nha, Mexico, phương Đông, Nga, Bồ Đào Nha và tất cả những gì thuộc những dòng ấy, anh đều gạt bỏ và gọi là
nỗi ám ảnh kinh hoàng
. Tôi nhớ có lần một người Tây Ban Nha mê âm nhạc nhờ anh ghi một số đĩa flamenco quý giá vào băng từ, Holt nghe đĩa thứ nhất độ một phút, rồi làu bàu,
Tôi sẽ làm cái thứ ám ảnh kinh hoàng này, nhưng tôi mà nghe thì trời đánh thánh vật tôi đi.
Và anh chuyển biên toàn bộ bằng máy, trong yên lặng tuyệt đối, không cho phép tiếng nhạc khó chịu ấy vang lên trong nhà một lần nào. Thể loại grand opera cũng bị gọi là nỗi ám ảnh kinh hoàng, nhưng các bản orato hay nhạc phổ cho lễ Mixa, chẳng hạn bản Requiem của Verdi, thì lại không phải vậy.
Đó là nhạc lễ,
anh thành kính nói.
Thể loại Holt ưa thích là nhạc pop Mỹ từ thập kỷ 1930 và 1940, những năm tháng không thể nào quên, khi các ban nhạc nổi tiếng đi khắp đất nước, biểu diễn tại các phòng khiêu vũ lộng lẫy hay thậm chí là trên kênh truyền thanh nửa đêm. Nhờ đào sâu tìm kiếm, anh đã tập hợp được những đĩa hát hay nhất của giai đoạn đó và ghi thành nhiều băng từ gợi lên ký ức về thời kỳ kinh điển của nhạc Jazz Mỹ, nhưng sau một thời gian tôi nhận thấy, dù là chương trình gì đi chăng nữa, anh cũng luôn kín đáo đưa vào ba tác phẩm không lời mà có vẻ như anh cho rằng đã tổng kết được cả thời đại:
A String of Pearls
với Glenn Miller;
In the Mood
với Tex Beneke, người đứng đầu ban nhạc Miller; và
Take the A Train
với Duke Ellington. Một lần hồi ở Miến Điện, tôi đã thử hỏi Holt về những bản nhạc đó, nhưng anh chỉ trả lời câu hỏi của tôi về
A String of Pearls
.
Chắc hẳn đó là bản nhạc hay nhất từng được sáng tác
là tất cả những gì anh đáp, nhưng qua những lời bóng gió của anh, tôi hiểu là anh thích các bài ấy vì chúng gợi lại những tháng ngày anh còn trẻ và mới bắt đầu hẹn hò.

Nó mới tuyệt làm sao chứ,
một lần anh nói với tôi.
Anh có một chiếc Ford. Một cặp trong số bao nhiêu cặp khác. Anh lái năm mươi dặm đến Cheyenne để nghe Glenn Miller chơi tại phòng khiêu vũ Crystal, thậm chí một trăm hai mươi dặm đến tận Denver dự buổi biểu diễn của Charley Barnett ở Elitch’s Gardens. Đèn đóm...
Giọng anh nhỏ dần.
Thời nay chẳng có gì như vậy nữa. Chẳng có gì.

Trong loại nhạc ưa thích của mình Holt có sự tinh tế tuyệt hảo - không violon nỉ non, không phòng vọng rẻ tiền. Anh chọn âm thanh mạnh mẽ và trong trẻo của nhạc jazz Mỹ và thường yêu cầu bạn bè chú ý đến những đoạn nhạc lạ tai, nếu không họ có thể không nhận thấy. Anh rất mê thích ban nhạc cuồng nhiệt có tên là The Empire City Six, những người từng chơi một loạt khúc biến tấu theo giai điệu
The Battle Hymn of the Republic
, nâng cao giọng lên sáu lần khác nhau cho đến khi cả căn phòng rung chuyển vì những âm thanh hùng tráng. Anh còn giới thiệu cho chúng tôi một khúc nhạc lạ lùng mà tôi chưa từng nghe, nhưng hiển nhiên đối với anh lại có ý nghĩa rất lớn. Louis Armstrong và Duke Ellington cộng tác trong khúc nhạc này, giọng whiskey và tiếng piano xót xa.
Duke’s Place
, bài đó tên như vậy, và có lần Holt tâm sự với tôi,
Nó nhắc tôi nhớ đến tất cả các quán cà phê hẻo lánh tôi từng đến dùng bữa.
Nó vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ, mỗi khi Harvey bật lên, một khúc nhạc tầm thường, khó chịu mà đáng lẽ không thể có khả năng gợi nhớ như vậy: trở về Duke’s Place, nơi chúng tôi đã trải qua những giờ phút đau đớn và trống rỗng của tuổi thanh niên.
Tôi có thể nhớ lại cả tá lần trong những năm gần đây, khi tôi đến những vùng xa lắc xa lơ trên thế giới, thiếu tiện nghi hoặc không thức ăn ngon hay không có âm nhạc sạch nước cản. Công việc thì tốn sức và cô đơn, và ngay cả việc kiếm được tiền hoa hồng khá cao cũng không làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn chút nào. Rồi tôi đến thị trấn nơi Harvey Holt công tác, và anh đưa tôi về ngôi nhà sạch bong của anh, với hai cái bàn chải răng vẫn treo đúng vị trí như vậy, tờ Time số mới nhất, mấy chai bia Tuborg mát lạnh trong tủ đá, một cô gái địa phương nấu thịt và khoai tây trong bếp, rồi tôi buông mình xuống một chiếc ghế mây còn Harvey tra vào máy một trong những băng nhạc anh thích nhất, nhưng anh chọn lựa làm sao để trong đó có cả những bài tôi thích, vậy là tôi ngồi ngả người trên ghế mà thưởng thức tiếng nhạc từng một thời tôi say mê đến thế:
Boogie Woogie
với Artie Shaw; hay
Two O’clock Jump
của Harry James; hay
Muskrat Ramble
của Dukes of Dixieland. Đôi lúc tôi có cảm tưởng như chính thế giới có kỷ luật chặt chẽ của Harvey Holt đã giữ cho đầu óc tôi sáng suốt.
Nói chuyện với Holt không phải dễ. Câu hỏi dài nhất, anh cũng sẽ chỉ trả lời bằng một tiếng làu bàu. Ngoài ra, khó có thể nhận biết được những địa điểm anh nói đến, vì anh không bao giờ nhắc tên các thành phố hay quốc gia mà chỉ tên các sân bay, nơi anh lắp đặt hệ thống UniCom:
Đó là thời kỳ tôi đang ở Yesilkoy để lắp đặt hệ thống Big Rally II.
Như thế nghĩa là anh đang làm việc tại sân bay Constantinople, lắp đặt hệ thống liên lạc phức tạp mức độ hai. Tôi không hiểu cái tên Big Rally được lấy ở đâu ra, nhưng có bốn hệ thống cả thảy, và chỉ các sân bay lớn nhất như Kennedy hay Orly mới có Big Rally IV. Có hệ thống này tức là anh có ra đa, dải sóng phụ, truyền hình cáp và nửa tá trạm tiếp âm rải rác khắp đất nước, tất cả những thứ này Harvey Holt đều có thể giữ cho vận hành bình thường khi anh được cử ở lại làm đại diện kỹ thuật.

Công việc thú vị nhất tôi từng làm là ở Don Muang,
một lần anh kể với tôi. Bangkok là nơi anh khởi đầu sự nghiệp, và anh đã được sống hai năm vui vẻ ở Xiêm. Hồi đó, nỗi đau về vụ ly hôn đang lắng dịu và anh bắt đầu thích ứng với cuộc sống độc thân có trật tự.
Don Muang hay lắm.
Nó còn là Kai Tak chứ không phải Hồng Kông; Kemajoran chứ không phải Djakarta; và Dum-Dum chứ không phải Calcutta. Người ta cũng phải chú ý khi anh thỉnh thoảng dùng tên chính thức vì trong một vài lần nhắc đến các thành phố và quốc gia, anh lại nói theo những tên mà anh đã được học ở trường phổ thông. Vì vậy đó là Constantinople, Ba Tư, Xiêm, và mặc kệ những sáng kiến mới như Istanbul, Iran và Thái Lan.
Còn có đề tài khác mà Holt thường dùng vốn từ ngữ chuyên môn hóa: lĩnh vực chung của đời sống, những niềm say mê, thành và bại bất ngờ phủ chụp lên con người bình thường. Vì trong những đề tài này, anh thường liên kết mọi đánh giá ý nghĩa với Spencer Tracy và Humphrey Bogart. Cũng như nhạc jazz khắc khoải của những năm ba mươi, đối với Holt một loạt phim đặc sắc do hai diễn viên ấy đóng đã tổng kết khá chính xác kinh nghiệm sống, như những câu nói dưới đây cho thấy.
Con trai một người đại diện của hãng Pan American tại New Delhi khúm núm trước một kẻ hay bắt nạt bạn ở trường quốc tế:
Cậu hãy nhớ cách Spencer Tracy bắt Freddy Bartholomew đương đầu với cuộc sống trên con tàu ấy.

Một chính trị gia người Nhật tiếng tăm lừng lẫy bị vạch trần là kẻ lừa đảo:
Cũng y như trường hợp Spencer Tracy chứng minh sự thật về chồng của Hepburn.

Anh luôn nhắc đến Katharine Hepburn thon thả dễ thương một cách trang trọng, và có lần, khi vợ một đại sứ ở Indonesia ngồi lê đôi mách về bà, Holt đã đứng lên bỏ ra khỏi phòng.
Hai người đàn ông cùng tán tỉnh một nữ thư ký làm việc ở đại sứ quán Pháp tại Constantinople:
Các ông đã thấy việc gì xảy ra khi cả Humphrey Bogart lẫn William Holden đều phải lòng Audrey Hepburn rồi đấy.
Còn Hepburn kia, bao giờ anh cũng chỉ gọi là Audrey thôi. Đối với anh, chỉ có một Hepburn, ngôi sao màn bạc.
Một viên phụ tá phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn là chở một thiết bị rất nặng đến một trạm xa:
Anh đã thấy Humphrey Bogart và Raymond Massey đưa tàu của họ đến Murmansk như thế nào rồi đấy.

Chi phí lắp đặt vượt quá ngân sách rất nhiều:
Đúng như những gì Spencer Tracy phải đối mặt khi tìm cách thuyết phục Elisabeth Taylor kết hôn.

Một việc gay go chỉ có thể hoàn thành nhờ ý chí bất khuất:
Vấn đề của anh cũng giống như của Spencer Tracy khi ông quyết tâm bắt được con cá ấy.

Một quan chức chính phủ Indonesia phải đưa ra một quyết định sinh tử:
Ngài phải luôn kiên trì với vấn đề đó, cũng như Humphrey Bogart khi ông viết lên sự thật về Rod Steiger và thủ đoạn dàn xếp các trận đấu quyền Anh.

Một tùy viên nông nghiệp thuộc sứ quán Mỹ tự biến mình thành trò cười cho thiên hạ vì một cô nàng ăn chơi ở Hồng Kông:
Ai mà giải thích nổi những việc như vậy cơ chứ? Hãy xem Humphrey Bogart được Ava Gardner nhớ đến như thế nào sau khi ông đã làm cho cô trở thành một ngôi sao sáng chói.
Cũng như nhiều lời ám chỉ khác của anh, câu này làm tôi bối rối. Khi tôi hỏi anh đang nhắc đến phim nào, anh trả lời với vẻ thiếu kiên nhẫn,
Ông đã biết rồi còn gì. Bộ phim có bài ‘Que Será, Será’ làm nhạc nền ấy.

Cuộc sống tình cảm của anh rất mãnh liệt, và mới nhìn sơ qua thì tưởng như nó được xây dựng theo những bộ phim mà hai diễn viên đó đóng. Thực ra thì là ngược lại; lối sống ở Mỹ trong những năm đó rất rõ ràng, tiêu chuẩn đạo đức của toàn dân được nhất trí tán thành đến mức phim ảnh phản ánh chính kiểu sống đồng thuận mà Holt trải qua. Thay vì anh bắt chước Tracy và Bogart, chính họ lại lấy anh làm hình mẫu. Như vậy là nghệ thuật phỏng theo cuộc sống, chính là chuỗi phối hợp được ưa thích hơn cả; nghệ thuật ngày nay, đặc biệt là nhạc pop, sáng tạo ra những mẫu hình mới mà học sinh sinh viên noi theo một cách say sưa.
Vì Tracy và Bogart tổng kết những gì tốt đẹp nhất mà nước Mỹ sản sinh ra trong những thập niên giữa thế kỷ này, Holt nhớ được hầu hết các tác phẩm điện ảnh mà họ đóng và coi việc họ chưa bao giờ xuất hiện trong cùng một bộ phim là thích hợp.
Họ không ăn khớp,
anh nói khi tôi hỏi về việc này.
Những người hoàn toàn khác nhau.
Anh không nói,
Phong cách của họ khác nhau.
Anh nói, xét ở phương diện con người bình thường thì họ sẽ bất đồng sâu sắc, vì anh không coi họ là diễn viên mà là người thực ngẫu nhiên bị đẩy vào những tình huống gợi lên.
Bogart đại diện cho người đàn ông mà Holt cảm thấy giống hệt mình; Tracy lại là con người hào hiệp mà anh mong muốn mình sẽ sánh kịp. Tại các trạm gần biên giới, anh có dư cơ hội được xem hai diễn viên mình ưa thích trong những tác phẩm điện ảnh hay nhất họ thủ vai, vì các công ty xây dựng cung cấp đều đặn cho nhân viên năm bộ phim một tuần, và loạt phim cổ thời kỳ 1940 đến 1960 chiếm phần lớn. Một lần, khi một bà thợ may quần áo nữ ở Hồng Kông phải đóng cửa tiệm vì bị một kẻ bất lương người Nam Tư lừa lấy hết tiền, Holt ngồi trầm ngâm nghe băng nhạc của Glenn Miller và ngẫm ngợi về vấn đề đó,
Tôi cứ nghĩ mãi về cách Humphrey Bogart cứu nguy cho tòa báo để giúp bà Ethel Barrymore. Đàn bà làm kinh doanh thì phải có ai đó mà trông cậy.

Tôi đã kể là Holt nhớ hầu như mọi tác phẩm điện ảnh mà hai người hùng của anh tham gia diễn xuất, nhưng khi anh nói với tôi rằng họ chưa bao giờ đóng chung thì tôi cứ thấy lấn cấn, vì dường như tôi nhớ có một bức ảnh cho thấy họ cùng đóng trong một phim về cuộc nổi loạn trong tù. Khi tôi hỏi về chuyện đó, Holt làu bàu,
Không thể thế được. Họ sẽ làm hỏng vai diễn của nhau mất,
nhưng tôi không thể gạt bỏ tấm ảnh xưa cũ ấy ra khỏi đầu óc, vì vậy tôi viết thư hỏi một tạp chí điện ảnh và nhận được lời xác nhận: họ từng đóng chung trong bộ phim đầu tay của Tracy nhưng sau đó thì không có lần nào nữa. Tôi chuyển lá thư đó đến Miến Điện cho Holt, và anh trả lời:
Hẳn là một bộ phim cực kỳ dở. Một ngày nào đó tôi cũng muốn xem cho biết.

Bất cứ lần nào về Mỹ nghỉ phép hay nghiên cứu máy móc mới, anh đều ở lì trong nhà trọ và ngồi hết đêm này sang đêm khác trước máy thu hình xem những bộ phim cũ. Anh cảm thấy hài lòng là dân chúng trong nước cũng được thưởng thức các bộ phim cũ mà anh đã từng thích thú ở những nơi xa xôi như Chengmai và Kandahar. Chính sau một chuyến về nước như vậy, Holt bất ngờ đến Sumatra tìm tôi giữa lúc tôi đang bận rộn với chiến dịch chào hàng để báo tin,
Trên Pakanbaru, đám người Anh đang chiếu một bộ phim đấy. Tôi đã xem cách đây nhiều năm và một lần nữa trên truyền hình Seattle. Ông nên xem đi.

Chúng tôi lái xe bốn mươi dặm mới tới thị trấn ẩm thấp đó, nơi một công ty xây dựng của Anh đã lo liệu được một cái lán bằng lá dừa với một màn ảnh căng tạm ngay tại chỗ và một máy chiếu cũ kỹ rung rinh liên tục. Vì chỉ có một máy chiếu nên chúng tôi phải uống rượu gin ngồi chờ giữa ánh điện mờ mờ trong khi người phụ trách thay phim. Tôi ngồi cạnh một chuyên gia cao su người Đức và sau lưng một người Thụy Sĩ đang tìm cách bán cho dân Sumatra một cỗ máy làm kính khá phức tạp. Trong lán có khoảng năm mươi người từ khắp trung tâm đảo Sumatra đến, nhưng không ai say sưa xem phim như Harvey Holt.
Có lẽ say sưa chưa phải là chính xác. Dường như chính bản thân anh cũng trải qua mỗi giây mỗi phút trên màn ảnh với tình cảm mãnh liệt kinh khủng, tạo cho tôi cảm giác là đối với anh bộ phim này hay hơn hẳn các phim khác trong một loạt tác phẩm điện ảnh xuất sắc mà Bogart tham gia. Tôi chưa từng xem và cũng chưa bao giờ được nghe nói đến bộ phim đó, và trong những tuần lễ tiếp theo, khi nói ở các trại khác về cảm tưởng của mình, tôi nhận thấy các đại diện kỹ thuật tại đó cũng chưa hề nghe đến nó. Bộ phim thật đặc sắc. Bogart đóng vai một nhà biên kịch Hollywood bị buộc tội giết người và chỉ có Gloria Grahame tin tưởng ông. Khi những thước phim đầu tiên được chiếu lên chập chờn, ta ngỡ đây chỉ là một vụ giết người bí hiểm nữa và chắc chắn Grahame sẽ cứu được Bogart thoát khỏi ghế điện hay phòng hơi ngạt hay bất cứ hình phạt tử hình nào mà người ta vẫn áp dụng ở California. Trong thời gian giải lao khá lâu để thay cuộn tiếp, chúng tôi bàn luận với ông người Đức trong ngành cao su về diễn biến chắc hẳn sẽ xảy ra, và ông ta nói với vẻ tán thành,
Làm được một cuốn phim policies[83] thật hay thì cần phải có người Mỹ hay Pháp.
Tôi hỏi xem ông ta có cho là Bogart liên quan đến vụ ám sát người đàn bà trẻ kia không, ông ta nói,
Không bao giờ. Trong phim Mỹ thì không. Trong phim Pháp thì có.

Ý kiến đó vẫn được giữ nguyên trong suốt bốn lần tạm ngừng ngắn để thay phim, nhưng tôi nhận thấy Holt không có phản ứng gì trước các phỏng đoán. Anh là khán giả duy nhất ở đó biết câu chuyện kết thúc như thế nào, nhưng anh vẫn ngồi im thích thú nghe những phỏng đoán sai bét của chúng tôi, vì trong lần giải lao thứ năm ông người Đức và tôi phải thú nhận là chúng tôi đã lầm. Đó không chỉ là một cuốn phim policier đơn thuần. Đó là một công trình nghiên cứu tính cách của nhà biên kịch trong mối quan hệ với cô gái dễ thương đã đối xử tử tế với anh ta.
Tôi có cảm giác rất lạ,
ông người Đức thì thầm trong lúc chúng tôi nhìn ra cánh rừng rậm đang dần lấn vào Pakanbaru,
là lần này Bogart sẽ không chinh phục được cô gái. Ông ta đúng là kẻ tâm thần... đại khái như anh bạn Holt của ông ấy.

Và trong cuộn phim cuối cùng, Bogart đã trở thành nguyên mẫu một đại diện kỹ thuật - cô độc, cảnh giác, bền bỉ, hoàn toàn không có khả năng thấu hiểu đàn bà - vì vậy ở cảnh cuối ông hiên ngang bước ra khỏi ống kính, một con người đau khổ, thất bại, đem cuộc chiến của mình đến một vùng đất khác của những diễn viên khác mà ông sẽ không thể thấu hiểu và hòa nhập được. Đó là một kết cục gây sốc, nên khi ánh đèn chập chờn được bật lên, những âm thanh của rừng già ban đêm bủa vây sát chúng tôi, một cảm giác cô đơn bỗng lan khắp cái lán làm bằng lá dừa. Sau khi chào tạm biệt, người đàn ông Đức nhận xét,
Thỉnh thoảng chúng ta cũng bị bất ngờ, ngay cả trong phim Mỹ.

Trên con đường dài quay về trại của Holt, tôi bảo anh,
Tôi vẫn chưa biết tên bộ phim đó.


In a Lonely Place,
anh đáp. Anh ít khi nói tên phim. Trong những lần trao đổi sau này, nó thường được diễn tả là
phim mà Humphrey Bogart đánh mất tình yêu của Gloria Grahame ấy
. Anh nghĩ đáng lẽ Bogart phải được giải Oscar cho phim này.
Cả Grahame cũng thế, nhưng cô ấy lại được một giải cho vai vợ của Dick Powell rồi.
Tôi không hiểu anh đề cập đến phim nào, nhưng chưa kịp hỏi thì anh đã trầm ngâm nói thêm,
Buồn cười thật, Powell cũng là một biên kịch. Tôi đoán Grahame thích biên kịch thì phải.

Trong phút bốc đồng, tôi buột miệng hỏi,
Khi theo dấu con hổ, anh có tưởng tượng mình là Humphrey Bogart không?

Anh xoay người rời mắt khỏi tay lái, nhìn tôi không nói một lời, vẻ mặt sửng sốt. Tôi chỉ con đường trước mặt, anh quay mặt trở lại phía tay lái. Sau một vài phút im lặng, anh mới trả lời,
Theo như tôi biết thì Humphrey Bogart chưa bao giờ đến Sumatra.
Một lúc sau, anh lại nói thêm,
Grahame... trong một vài cảnh cuối ấy... trông rất giống Lora Kate.
Tôi cho là Bogart có những rắc rối trong hôn nhân như Harvey Holt, nhưng tôi không nói ra, rồi khi chúng tôi về đến khu lán trại gần nơi làm việc của Holt, anh chợt hỏi tôi,
Ông nghe chút nhạc không?

Holt tra vào máy một băng nhạc mà anh đã kiên nhẫn góp nhặt dần suốt nhiều năm ròng rã gồm tất cả các ca khúc và bản ballad thời hoàng kim, thời mà các ban nhạc nổi tiếng đưa các cô gái mảnh mai xinh đẹp đi theo, vài cô có giọng hát đáng ngạc nhiên, và chúng tôi ngồi trong bóng tối của cánh rừng nghe tiếng ca nhẹ nhàng, tình cảm, thu lại từ chương trình ca nhạc ở phòng khiêu vũ Meadowbrook do Frank Dailey làm chủ, từ nhà hàng Glen Island Casino và Đài phát thanh WOR:
That Old Black Magic
,
Falling in Love with Love
do Sara Vaughan trình bày,
Love for Sale
với tiếng hát của Ella Fitzgerald và
Night and Day
do ba nghệ sĩ solo biểu diễn riêng biệt. Khi
Green Eyes
bất ngờ vang lên, Holt vội xin lỗi vì đã đưa một bài Tây Ban Nha vào,
Thường thì tôi không thu cái thứ ám ảnh kinh hoàng này, nhưng đây là bài mà Lora Kate rất thích.


Anh gặp cô ấy ở đâu?


Trường đại học. Trường Colorado Aggies ở Fort Collins. Cô ấy lớn lên ở Fort Morgan.


Chuyện gì đã xảy ra?

Băng nhạc vừa chuyển sang một trong những bài mà Holt thích nhất,
Sentimental Journey
.
Tôi nghe bài này lần đầu tại doanh trại ở đảo Iwo Jima. Lúc đó tôi mới mười tám tuổi. Tôi tự hỏi không biết mình có bao giờ quen được người phụ nữ nào xinh đẹp như mấy cô tôi đã nhìn thấy hát cùng các ban nhạc nổi tiếng không. Ông biết đấy, chẳng hạn như Helen Forrest và Martha Tilton. Hay Bea Wain.
Anh ngập ngừng.
Không phải tôi sợ chết đâu. Tôi đã phải chứng kiến quá nhiều người chết đến nỗi tôi biết đó hoàn toàn chỉ là may rủi. Như Humphrey Bogart khi anh ấy đánh nhau với Sydney Greenstreet để giành pho tượng.

Anh tua đi tua lại cuộn băng để nghe lại
Sentimental Journey
, và im lặng cho đến khi hết bài, buồn bã mong nhớ những đêm xa xưa ấy. Khi băng chuyển sang
I’ve Got You Under My Skin
, anh vặn nhỏ tiếng và nói,
Vì vậy, khi tôi an toàn trở về nước và gặp cô sinh viên khoa Hóa tuyệt đẹp đó... chúng tôi lấy nhau... tôi muốn làm việc ở nước ngoài... thây kệ Wyoming và Colorado...
Anh bật cười.
Ông đã bao giờ tìm cách làm cho một người đàn bà quê ở Fort Morgan, Colorado, hạnh phúc với cuộc sống ở Yesilkoy chưa?

Chúng tôi nghe nhạc đến tận bình minh:
Just One of Those Things
,
I’ll Never Smile Again
,
Symphony
. Khi Ella Fitzgerald hát bài
I’ve Got You Under My Skin
, Holt tua băng để nghe ba lần liền, và khi chúng tôi đi ngủ, anh nhận xét,
Tôi chưa tiếp xúc nhiều với người da đen, nhưng riêng về khoản ca hát, chắc chắn họ quá biết hát.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).