• 1,014

Phần IX – Biển Đỏ và biển Ấn Độ tỏ ra thuận lợi cho những kế hoạch của Phileas Fogg như thế nào


Dịch giả: Duy Lập
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Khoảng cách giữa Suez và Aden vừa đúng một nghìn ba trăm mười hải lý và cuốn điều lệ thầu của Công ty qui định cho các tàu bể của mình một khoảng thời gian là một trăm ba mươi tám giờ để qua chặng đường ấy. Tàu Mongolia, với than đốt rất mạnh cố sức chạy để vượt thời gian quy định.
Phần lớn hành khách xuống tàu ở Brindisi đều đi Ấn Độ. Người này đến Bombay, người kia đến Calcutta, như cũng qua Bombay và từ khi có một đường xe lửa xuyên suốt bề ngang bán đảo Ấn Độ thì không cần phải vòng qua mũi Ceylan nữa.
Trong đám hành khách đi tàu Mongolia, người ta điểm thấy nhiều viên chức dân sự khác nhau và những sĩ quan đủ mọi cấp bậc. Trong những sĩ quan này có người thuộc quân đội mẫu quốc Anh, có người chỉ huy những đơn vị lính bản xứ, tất cả đều được trả lương hậu, ngay cả bây giờ khi mà chính phủ đã thay thế Công ty Ấn Độ cũ trong mọi quyền lợi và trách nhiệm: thiếu úy ăn lương 7.000 phật lăng, thiếu tướng 60.000, đại tướng 100.000. [Lương các viên chức quân sự còn cao hơn nữa. Những trợ tá bình thường ở cuối ngạch cũng được 12.000 phật lăng; các quan tòa 60.000 phật lăng; quan chánh tòa 250.000 phật lăng; các thống đốc 300.000 phật lăng và quan toàn quyền trên 600.000 phật lăng. (Chú thích từ tác giả).]
Cho nên người ta sống sang trọng trên tàu Mongolia trong cái xã hội công chức ấy trong đó có xen lẫn vài người Anh trẻ tuổi, với bạc triệu trong tay đi lập những thương điểm nơi xa. Ông quản lý trên tàu, một nhân viên được tin cậy của công ty, sánh ngang với thuyền trưởng, cho ăn uống thật linh đình. Vào những bữa điểm tâm buổi sáng, bữa trưa hai giờ, bữa chiều năm giờ rưỡi, bữa tối tám giờ. Các bàn ăn trĩu xuống dưới những đĩa thịt tươi và những món ăn do cửa hàng thịt và các bếp ăn của tàu biển cung cấp. Các bà, các cô – trên tàu có đôi ba người – thay trang phục hai lần một ngày. Người ta đàn hát, người ta nhảy múa nữa, khi bể yên sóng lặng.
Nhưng biển Đỏ tính khí thất thường và rất hay nổi sóng, như tất cả các vịnh vừa hẹp vừa dài như vậy. Khi gió thổi hoặc từ bờ biển Châu Á, hoặc từ bờ biển Châu Phi, tàu Mongolia như một con thoi dài có chân vịt bị gió đánh ngang, chòng chành một cách khủng khiếp. Thế là các bà biến đâu hết: dàn dương cầm im bặt, ca hát và nhảy múa cũng thôi ngay. Và tuy vậy, mặc dầu gió giật sóng cồn, con tàu được cỗ máy mạnh mẽ của nó đẩy đi, phóng nhanh về phía có biển Bab-el-Mandeb.
Trong thời gian ấy Phileas Fogg làm gì? Có lẽ người ta có thể tưởng rằng ông ta lúc nào cũng bồn chồn lo lắng, chỉ bận tâm đến những cơn gió đổi chiều làm chậm tốc độ con tàu, những chuyển động hỗn loạn của sóng biển có thể gây tai nạn máy móc, cuối cùng đến tất cả những hỏng hóc gì có thể xảy ra khiến tàu Mongolia phải neo lại một bến cảng nào đó, gây rắc rối cho cuộc hành trình của ông ta?
Chẳng có chút nào như thế hoặc ít ra nếu nhà quý phái có nghĩ đến tất cả những sự bất ngờ ấy thì ông cũng không để lộ gì ra mặt. Ông vẫn là con người lạnh như tiền, người hội viên không nao núng của Câu lạc bộ Cải cách mà không một bất ngờ hoặc tai nạn nào có thể làm cho bối rối. Ông chẳng bị xáo động gì hơn những chiếc đồng hồ thật đúng trên tàu: Không mấy khi người ta thấy ông trên boong. Ông ít bận tâm đến việc quan sát biển Đỏ này, một biển đầy những lưu niệm, cái sân khấu của những trang sử đầu tiên của nhân loại. Ông không ra tìm nhận những thành phố lạ mắt rải rác bên bờ biển mà dáng hình mỹ lệ của chúng đôi khi in nét ở chân trời. Ông cũng chẳng nghĩ ngợi gì đến những nguy hiểm của vịnh A Rập này, một cái vịnh mà những nhà sử học cổ đại Strabon, Arrien, Arthémidore, Edrisi29 vẫn luôn nói đến với vẻ kinh hoàng và những nhà hàng hải ngày xưa không bao giờ dám liều lĩnh đi qua mà không làm lễ cống mạng cầu thần.
Thế thì con người lập dị tự giam mình trong chiếc tàu Mongolia ấy làm gì? Trước hết ông ăn ngủ mỗi ngày bốn mùa mà dù tàu lắc hay tàu chìm cũng chẳng bao giờ có thể làm trục trặc được một bộ máy tối hoàn thiện như thế. Rồi ông chọn bài
uýt
.
Phải! Ông đã gặp những bạn chơi bài, cũng máu mê như ông: một viên chức thu thuế đến nhiệm sở ở Goa, một vị bộ trưởng, ngài Décimus đáng kính đang trên đường trở về Bombay, và một thiếu tướng lữ đoàn trưởng quân đội Anh trở lại đơn vị ở Bénarès. Ba hành khách này đều mê bài
uýt
như ông Fogg và họ chơi bài hàng giờ, cũng im lặng chẳng kém gì ông.
Còn Vạn Năng thì anh ta chẳng biết gì là say sóng cả. Anh ở một buồng nhỏ đằng mũi tàu và cả anh nữa cũng ra ăn uống ra trò. Phải nói rằng cuộc viễn du này tiến hành trong những điều kiện như thế, quả thật chẳng khiến anh phiền lòng chút nào. Anh đã xác định được rồi. Ăn ngon, ngủ tốt, được ngắm cảnh thiên hạ, vả lại anh cũng yên trí rằng tất cả những sự ngông cuống này rồi sẽ chấm dứt ở Bombay.
Hôm sau cái ngày ra đi ở Suez, ngày 29 tháng mười, anh không phải không có phần thú vị khi gặp lại trên boong tàu con người tốt bụng mà anh đã hỏi thăm khi lên bộ ở Ai Cập.
– Nếu tôi không nhầm. – anh vừa tới bên ông ta với nụ cười dễ thương nhất của mình. – có phải chính là ông đã quá bộ dẫn đường giùm tôi ở Suez.
– Đúng. – nhà thám tử đáp. – tôi nhận ra anh rồi! Anh là người hầu của cái ông người Anh lập dị nọ…
– Dạ, đích thế, thưa ông là…?
– Fix.
– Thưa ông Fix. – Vạn Năng đáp. – Tôi rất mừng được gặp lại ông trên tàu. Thế ông đi đâu vậy?
– A, cũng như anh thôi, đi Bombay.
– Tuyệt quá! Ông đã đi con đường này bao giờ chưa?
– Nhiều lần rồi – Fix đáp. – Tôi là một nhân viên của Công ty bán đảo.
– Vậy ông hẳn biết nước Ấn Độ?
– Ồ… biết chứ… – Fix đáp, không muốn đi quá xa.
– Cái nước Ấn Độ ấy, chắc nó hay lắm nhỉ?
– Hay lắm! Những nhà thờ Hồi giáo này, những ngọn tháp, những thánh đường này, những đạo sĩ khổ hạnh này, những chùa chiền này, những con hổ, con rắn này và những vũ nữ Ấn Độ! Nhưng liệu anh có thời giờ dạo thăm đất nước đó không?
– Tôi hy vọng là có, ông Fix ạ. Ông thừa hiểu rằng một con người đầu óc lành mạnh không được phép chỉ sống để nhảy tót từ tàu bể lên tàu hỏa, rồi lại từ tàu hỏa xuống tàu bể với lý do là đi vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày! Không. Tất cả cái trò thể dục này sẽ chấm dứt ở Bombay, ông cứ tin như vậy.
– Còn ông Fogg, ông ta vẫn khỏe chứ? – Fix hỏi với giọng tự nhiên nhất.
– Khỏe lắm, ông Fix ạ. Cả tôi nữa cũng vậy. Tôi ăn như hùm đói. Gió biển đấy.
– Thế mà tôi chẳng bao giờ thấy ông chủ anh trên boong cả.
– Không bao giờ. Ông ta không có tính hiếu kỳ.
– Anh Vạn Năng này, anh có biết cái gọi là cuộc viễn du tám mươi ngày này rất có thể che đậy một nhiệm vụ bí mật nào đó không… một nhiệm vụ ngoại giao chẳng hạn!
– Ông Fix à, thú thực là tôi chẳng biết gì hết và thật tình tôi cũng chẳng thèm bỏ ra một xu để tìm biết cái đó.
Từ buổi gặp gỡ ấy, Vạn Năng và Fix thường trò chuyện với nhau luôn. Ông thanh tra cảnh sát tìm cách kết giao với người hầu của ông Fogg. Điều đó có thể được việc cho ông khi cần thiết. Cho nên ông thường hay mời anh tại phòng trà của tàu Mongolia, vài cốc uýtxiki hoặc rượu bia nhạt mà chàng trai ngay thật nhận ngay không khách sáo và còn mời lại để khỏi mang nợ, vả chăng, anh cũng thấy ông Fix này là một nhà quý phái rất mực đoan chính.
Trong khi ấy thì con tàu phóng nhanh lên phía trước. Ngày 13 người ta nhìn thấy Moka hiện lên trong dải thành quách đổ nát của nó, trên đó nổi bật vài cây chà là xanh biếc. Xa xa trong vùng đồi núi, những cánh đồng cà phê trải rộng. Vạn Năng mê mẩn ngắm thành phố nổi tiếng này, và thậm chí anh còn thấy, với dãy tường thành bao quanh và cái pháo đài đổ vỡ có dáng hình một cái quai, thành phố giống như một cái tách khổng lồ.
Đêm hôm sau, tàu Mongolia vượt qua eo biển Bab-el-Mandeb mà tên Ả Rập có nghĩa là Cống Nước mắt
, và ngày tiếp theo, ngày 14, nó đậu ở mũi Steamer phía tây bắc vùng Aden. Chính đây là nơi nó lấy thêm chất đốt.
Thật là nặng nề và quan trọng cái việc cho là tàu bể ăn than tại những vùng cách xa các trung tâm sản xuất như thế này. Chỉ riêng Công ty bán đảo đã phải chi phí hàng năm đến tám mươi vạn livrơ. Thật vậy, người ta phải đặt những kho chứa ở nhiều hải cảng, và tại những biển xa xôi này, giá than lên đến tám mươi phật lăng một tấn.
Tàu Mongolia còn một nghìn sáu trăm năm mươi hải lý nữa mới đến Bombay và nó phải đỗ lại hơn tiếng đồng hồ ở mũi Steamer để chất đầy than vào các khoang tàu của nó.
Nhưng sự chậm trễ không nguy hại cho kế hoạch của Phileas Fogg. Nó đã được tính trước cả rồi. Vả chăng, tàu Mongolia đáng nhẽ chỉ đến Aden vào sáng 15 tháng mười lại đến vào chiều 14. Thế là lợi được mười lăm tiếng đồng hồ.
Hai thầy trò ông Fogg lên bến. Nhà quý phái muốn xin thị thực giấy hộ chiếu. Fix kín đáo bám theo ông. Thủ tục thị thực xong Phileas Fogg lại xuống tàu tiếp tục ván bài đang dở.
Còn Vạn Năng thì theo thói quen của mình đi thơ thẩn giữa đám dân chúng người Somanli, người Banian, người Parsi, người Do thái, người Ả Rập, người Châu Âu hợp thành hai vạn rưỡi dân thành phố Aden. Anh say mê ngắm những pháo đài đã biến thành phố nay thành một Gibraltar của biển Ấn Độ, những bế chứa nước tráng lệ ở đó vẫn đang làm việc. Các kỹ sư Anh tiếp tục sự nghiệp hai nghìn năm trước của các kỹ sư của đức vua Salomon.

Hay thật, hay thật! – Vạn Năng nghĩ bụng khi trở về. – Mình thấy đi du lịch quả cũng không phải là vô ích nếu ta muốn được nhìn thấy cái mới
.
Sáu giờ chiều, tàu Mongolia mở máy, những cánh quạt chân vịt vỗ nước vũng Aden và chẳng bao lâu đã chạy trên biển Ấn Độ. Nó được sử dụng một trăm sáu mươi tám giờ để hoàn thành chuyến đi từ Aden đến Bombay. Vả chăng, biển Ấn Độ này cũng thuận lợi cho nó. Gió thổi từ hướng tây bắc. Buồm giong tiếp sức cho hơi nước.
Con tàu đằm hơn nên cũng đỡ chòng chành. Các bà các cô có trang phục tinh tươm lại xuất hiện trên boong tàu. Các bài ca điệu nhảy lại rộn lên.
Vậy là chuyến du lịch được thực hiện trong những điều kiện tốt nhất. Vạn Năng rất sung sướng được có người bạn đáng yêu là ông Fix mà số phận may mắn đã đưa đến cho anh.
Chủ nhật 20 tháng mười, vào khoảng trưa, người ta nhìn thấy bờ biển Ấn Độ. Hai giờ sau, người hoa tiêu của cảng bước lên tàu Mongolia. Xa xa, một dãy đồi in lên nền trời những hình nét hài hòa. Chẳng bao lâu, những hàng cọ bao phủ thành phố nổi bật lên trước mắt. Con tàu tiến vào vùng biển tạo nên bởi các đảo Salcette, Colaba, Éléphanta, Butcher và đến bốn giờ rưỡi nó cập bến Bombay.
Khi ấy Phileas Fogg chơi xong ván bài thứ ba mươi ba trong ngày, và ông với ông bạn cùng phe sau mười ba lần lợi thế, nhờ một nước bài táo bạo đã kết thúc chuyến vượt biển đẹp đẽ bằng một trận thắng tuyệt diệu.
Tàu Mongolia đáng lẽ chỉ phải đến Bombay vào ngày 22 tháng mười. Nhưng nó đã đến ngày 20. Vậy là kể từ khi khởi hành ở Luân Đôn, Phileas Fogg có dư được hai ngày, mà ông ghi lại rất khoa học lên bảng hành trình của ông ở cột những khoản lợi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 80 ngày vòng quanh thế giới.