• 1,008

Phần XXVIII – Vạn Năng không thể làm cho người ta nghe được tiếng nói của lẽ phải như thế nào


Dịch giả: Duy Lập
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Con tàu, sau khi rời khỏi Hồ Mặn và ga Ogden, chạy trong một giờ lên hướng bắc đến tận Weber, như thế là đã đi được chừng chín trăm dặm kể từ San Francisco. Bắt đầu từ đây, nó lại theo hướng đông đi qua vùng núi gập ghềnh của dãy núi Wahsatch. Chính là trong địa hạt này. Nằm giữa dãy núi ấy và dãy Núi Đá, các kỹ sư Mỹ đã đụng phải những khó khăn gay go nhất, cho nên tiền chi của chính phủ Liên bang trong chặng đường này lên đến bốn vạn tám nghìn đô la một dặm, trong khi nó chỉ được một vạn sáu nghìn đô la ở đồng bằng: nhưng các kỹ sư, như đã nói, không cưỡng bức thiên nhiên, họ dùng mưu với thiên nhiên, né tránh các khó khăn, và để đi đến được vùng lưu vực rộng lớn, trong suốt chặng đường xe lửa chỉ có một, đường hầm duy nhất đào qua một núi dài một vạn bốn nghìn piê.
Cũng chính tại Hồ Mặn, con đường sắt đã lên tới điểm cao nhất của nó so với mặt biển. Từ điểm này, nó vẽ một đường dốc thoai thoải xuống thung lũng vịnh Bitter. Để rồi lại lên đến cao điểm phân chia hai chiều sông chảy vào Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ở vùng núi này có nhiều sông ngòi. Con tàu phải vượt trên những cầu nhỏ qua sông Muddy, sông Thanh Giang và nhiều sông khác. Vạn Năng càng gần đến đích càng bồn chồn nóng ruột. Còn Fix thì đã muốn mau mau thoát ngay khỏì cái vùng khó khăn này. Ông ngại những chậm trễ, ông sợ những tai nạn, và ông còn mong hơn cả chính Phileas Fogg được đặt chân lên đất Anh.
Mười giờ đêm, con tàu dừng lại ở ga Fort-Bridger rồi lại đi ngay, và qua hai mươi dặm nữa nó tiến vào bang Wyoming vùng Dakota52 cũ chạy suốt thung lũng vịnh Bitter, cái vịnh từ đó chảy ra một phần của khối nước tạo thành hệ thống đường thủy sông Colorado.
Ngày hôm sau mồng 7 tháng Chạp, tàu đỗ lại mười lăm phút ở ga Thanh Giang. Đêm trước tuyết rơi khá nhiều, nhưng hòa với trời mưa và đang tan ra nửa chừng, nó không thể ngăn trở con tàu chạy. Tuy vậy, tiết trời xấu này không khỏi làm Vạn Năng lo ngại, vì tuyết rơi chồng chất sẽ làm các bánh xe con tàu bị sa lầy, chắc chắn gây khó khăn cho cuộc hành trình.

Không biết ông chủ ta nghĩ thế nào, – anh nghĩ bụng, – mà lại đi du lịch vào mùa đông! Sao ông không đợi đến mùa xuân có phải được nhiều may mắn hơn không?

Nhưng vào lúc anh đầy tớ trung hậu chỉ bận tâm đến tình trạng bầu trời và nhiệt độ cao thấp, thì hà Aouda lại cảm thấy những nỗi lo ngại ghê gớm hơn, sinh ra từ một nguyên nhân hoàn toàn khác hẳn.
Thật vậy, một vài hành khách đã xuống tàu và dạo chơi trên sân ga Thanh Giang, trong khi chờ đợi giờ khởi hành của con tàu. Thế nhưng, qua cửa kính, bà thiếu phụ nhận ra trong số đó viên đại tá Stamp W. Proctor, con người Mỹ đã đối xử hết sức thô bạo với Phileas Fogg trong cuộc mít tinh ở San Francisco. Bà Aouda không muốn để ông ta trông thấy, vội né lùi lại.
Tình huống ấy khiến bà bàng hoàng xúc động. Bà đã gắn bó với con người vẫn hàng ngày bộc lộ với bà, dù với thái độ hết sức lạnh lùng, những biểu hiện của lòng trung thành tuyệt đối nhất. Chắc hẳn bà không hiểu được tất cả chiều sâu của thứ tình cảm mà vị ân nhân của bà đã gợi lên trong lòng bà, và cái tình cảm ấy bà mới chỉ gọi là lòng biết ơn, nhưng còn có cái gì hơn thế nữa mà chính bà cũng không hay biết. Cho nên trái tim bà thắt lại khi bà nhận ra con người thô lỗ mà ông Fogg vẫn muốn sớm muộn hỏi tội. Tất nhiên, viên đại tá Proctor đi trên chuyến tàu này chỉ là chuyện ngẫu nhiên nhưng rốt cuộc thì ông ta đã ở đó, và phải bằng bất cứ giá nào ngăn cản không cho Phileas Fogg nhìn thấy địch thủ của mình.
Khi con tàu lại lên đường, bà Aouda lợi dụng có một lúc ông Fogg lim dim ngủ nói cho Fix và Vạn Năng biết tình hình.
– Lão Proctor đang ở trên tàu ư! – Fix kêu lên. – Được, thưa bà, bà cứ yên tâm trước khi hắn cần nói chuyện với tên… với ông Fogg, hắn phải nói chuyện với tôi đây, tôi thấy hình như trong tất cả vụ này chính tôi mới là người đã phải chịu sỉ nhục nặng nề nhất.
– Và, hơn thế, – Vạn Năng nói thêm vào, – tôi xin chịu trách nhiệm về hắn dù cho hắn có là đại tá đi nữa.
– Ông Fix ạ, – Bà Aouda lại nói. – Ông Fogg không để người nào lo việc trả thù hộ cho ông ấy đâu. Ông ta đã nói là sẽ trở lại châu Mỹ để tìm lại cái kẻ đã lăng mạ ông. Vậy nếu như ông ấy trông thấy viên đại tá Proctor, chúng ta sẽ không thể ngăn cản một cuộc đọ súng có thể dẫn đến những kết quả tai hại. Cho nên phải làm sao để ông ta đừng trông thấy hắn.
– Thưa. bà dạy chí phải. – Fix đáp, – một cuộc đọ súng có thể làm công việc hỏng hết. Thắng hay bại, ông Fogg cũng sẽ bị chậm trễ và…
– Và, – Vạn Năng nói tiếp, – điều đó chỉ có lợi cho các ngài quý phái ở Câu lạc bộ Cải cách. Bốn ngày nữa chúng ta sẽ đến Nữu Ước! Được, nếu trong bốn ngày ông chủ tôi không ra khỏi toa tàu, ta có thể hy vọng sự tình cờ sẽ không đẩy ông chạm trán với tên Mỹ khốn kiếp ấy! Không lo, ta sẽ có cách…
Câu chuyện đang nói nửa chừng thì bỏ dở. Ông Fogg tỉnh giấc và nhìn ra cánh đồng qua cửa kính lấm chấm tuyết. Nhưng, sau đó một lúc, và không để ông chủ mình và Bà Aouda nghe thấy. Vạn Năng nói với viên thanh tra cảnh sát:
– Có thật ông định đánh nhau để bảo vệ ông chủ tôi không?
– Tôi sẽ làm tất cả để đưa ông ta sống trở về châu Âu! – Fix đơn giản đáp. Trong giọng nói để lộ ra một sự hằn học khôn nguôi.
Vạn Năng rùng mình cảm thấy khắp người sởn gai ốc, nhưng niềm tin vững chắc đối với ông chủ anh không hề giảm sút.
Và bây giờ thì liệu có cách gì giữ ông Fogg lại trong toa tàu này để ngăn ngừa mọi cuộc đụng độ giữa viên đại tá và ông? Việc này không khó, vì bản tính nhà quý phái vốn ít hiếu động và ít tò mò. Dẫu sao đi nữa, viên thanh tra cũng cho rằng đã tìm thấy cách ấy, vì một lúc sau, ông nói với Phileas Fogg:
– Thưa ngài. những giờ ngồi xe lửa như thế này thật là dài dằng dặc và trôi đi chậm chạp.
– Thật thế, – nhà quý phái đáp, – nhưng nó vẫn trôi đi.
– Dưới tàu bể, – viên thanh tra lại nói – có phải ngài vẫn có thói quen chơi bài
uýt
?
– Vâng. – Philliat Fogg đáp, – nhưng ở đây có lẽ khó. Tôi không có bài cũng không có bạn chơi.
– Ồ! Bài thì ta mua được ngay. Họ bán đủ thứ trên các toa tàu Mỹ. Còn về bạn chơi, nếu may ra mà được bà đây…
– Tất nhiên, thưa ông, – người thiếu phụ vội đáp, – tôi biết chơi bài
uýt
. Cái đó được dạy trong chương trình giáo dục Anh.
– Còn tôi, – Fix lại nói, – tôi cũng có thể có chút tự hào là biết chơi kha khá. Vậy là chúng ta chơi tay ba, để khuyết một chân.
– Xin tùy ông, – Phileas Fogg đáp, thích thú trở lại với trò chơi ưa chuộng của mình, ngay cả trên xe lửa.
Vạn Năng vội vã đi tìm người bồi tàu, và chẳng bao lâu trở về với cỗ bài đầy đủ, các phiếu ghi điểm, thẻ lấy tên và một bàn chơi bọc da. Chẳng thiếu thứ gì. Và họ bắt đầu. Bà Aouda rất am hiểu cách chơi bài
uýt
và thậm chí còn nhận được vài lời khen ngợi ca từ Phileas Fogg khó tính. Còn ông thanh tra thì đúng là một tay chơi sừng sỏ, xứng đáng đương đầu với nhà quý phái.

Bây giờ, – Vạn Năng bụng bảo dạ, – chúng ta giữ được ông ấy rồi. Ông ấy sẽ không rời khỏi tàu nửa bước
.
Mười một giờ sáng, con tàu đi tới điểm phân chia hai triền sông chảy vào hai đại dương. Đó là ở Passe-Bridger, tại độ cao bảy nghìn năm trăm hai mươi tư piê trên mặt biển, một trong những điểm cao nhất của đường tàu khi vượt qua dãy Núi Đá. Sau một đoạn đường khoảng hai trăm dặm nữa, cuối cùng các hành khách sẽ đến những miền đồng bằng chạy dài tới Đại Tây Dương, nơi có điều kiện thiên nhiên vô cùng thuận lợi để đặt đường xe lửa.
Trên sườn núi phía trông ra Đại Tây Dương đã thấy hình thành những dòng sông nhỏ đầu tiên, là những chi lưu hoặc phụ chi lưu của sông Bắc Platte. Tất cả chân trời phía bắc và phía đông bị che khuất bởi một bức thành bao la hình bán nguyệt, nó là đoạn phía bắc của dãy núi Rocky, trong đó có ngọn Laramie cao vượt lên. Giữa đoạn núi cong ấy và con đường sắt, trải dài những bình nguyên rộng tràn trề sông nước. Phía bên phải con đường sắt là những đoạn dốc đầu tiên xếp thành bậc cao dần lên của khối quần sơn càng về phía nam càng tròn lại cho đến tận nguồn sông Arkansas, một trong những chi lưu lớn của sông Missouri.
Đến mười hai giờ rưỡi trưa, các hành khách thoáng thấy trong một lúc pháo đài Halleck trấn thủ vùng này. Còn vài tiếng đồng hồ nữa là chấm dứt chặng đường qua dãy Núi Đá. Vậy là người ta có thể hy vọng con tàu vượt qua địa hạt khó khăn này không xảy ra tại nạn nào, gấu hay chó sói, xuất hiện trên bình nguyên. Đó là sa mạc trong sự trần trụi mênh mông của nó.
Sau bữa trưa khá đàng hoàng, phục vụ ngay trong toa tàu, ông Fogg và các bạn vừa mới tiếp tục cuộc chơi bài
uýt
vô tận của họ, thì những tiếng còi tàu dữ dội rúc lên. Đoàn tàu dừng lại.
Vạn Năng thò đầu ra ngoài cửa toa và không thấy gì có thể là lý do của việc dừng bánh này. Không có một nhà ga nào ở đây cả.
Bà Aouda và Fix thoáng lo ngại rằng ông Fogg lại nảy ra ý nghĩ bước xuống mặt đường, nhưng nhà quý phái chỉ nói với người hầu của mình:
Anh thử đi xem chuyện gì vậy
.
Vạn Năng lao mình ra ngoài toa. Khoảng bốn chục hành khách đã đổ xuống đường, trong đó có viên đại tá Stamp W. Proctor.
Đoàn tàu bị chặn lại trước một tín hiệu đỏ ngăn đường. Bác thợ máy và bác xa trưởng đã xuống tàu, đang tranh cãi khá kịch liệt với người gác đường do ông ga trưởng nhà ga Medicine-Bow gần đó phải đi đón trước đoàn tàu. Hành khách lại gần và tham gia cuộc tranh cãi, trong đó có viên đại tá Proctor với giọng nói lớn và những cử chỉ bệ vệ của ông ta.
Vạn Năng sán lại đám đông, nghe tiếng người gác đường nói:

Không! Không có cách nào qua được! Cầu Medicine-Bow đã lung lay và sẽ không chịu nổi sức mạnh của đoàn tàu
.
Cái cầu đang nói đến này là một cầu treo bắc qua một cái thác, cách nơi đoàn tàu đỗ một dặm. Theo lời người gác đường thì nó sắp đổ, nhiều dây chằng đã đứt, và không thể liều mạng đi qua. Thế thì người gác đường cũng chẳng nói ngoa khi quả quyết rằng không thể qua cầu được. Vả lại, với cái tính hay coi thường người Mỹ, ta có thể nói rằng khi họ đã bắt đầu thận trọng, thì có họa là điên rồ mới không chịu thận trọng cùng với họ.
Vạn năng không dám đi báo ông chủ mình, anh đứng nghe, răng nghiến chặt, người ngay như phỗng đá.

Chà chà! – viên đại tá Proctor nói, – thiết tưởng chúng ta sẽ không ở mãi đây mọc rễ vào trong tuyết!
– Báo cáo ngài đại tá, – bác xa trưởng đáp, – người ta đã điện cho ga Omaha xin một đoàn tàu, nhưng chưa chắc nó đã tới được Medicine-Bow trước sáu giờ.
– Sáu giờ! – Vạn Năng kêu lên.
– Hẳn thế, – bác xa trưởng đáp. – Vả chăng, thời gian ấy cần thiết để chúng ta đi bộ đến ga.
– Đi bộ! – Tất cả hành khách cùng nhao nhao lên.
– Nhưng cái ga ấy cách đây bao xa? – Một hành khách hỏi bác xa trưởng.
– Mười hai dặm, bên kia sông.
– Mười hai dặm lội tuyết!
– Stamp W. Proctor kêu lên.
Viên đại tá chửi rủa một chập, đổ tội cho công ty, đổ tội cho bác xa trưởng, và Vạn Năng giận điên lên cùng phụ hoạ ngay với ông ta. Anh thấy ở đây một số trở lực vật chất mà lần này dù có đem hết số bạc giấy của ông chủ anh ra cũng chẳng làm gì được.
Thêm vào đó nỗi thất vọng đã lan nhanh trong khắp các hành khách, họ chẳng những bị chậm trễ mà còn phải đi bộ ngót mười dặm qua cánh đồng phủ tuyết. Vậy là sinh ra một đám đông ồn ào, với những tiếng kêu than, la hét, chắc chắn sẽ gợi sự chú ý của Phileas Fogg, nếu nhà quý phái này không bị cuốn hút vào cuộc chơi của ông.
Tuy vậy, Vạn Năng thấy cần phải báo cho ông chủ anh biết, và anh lủi thủi đi về toa tàu, nhưng vừa lúc đó bác thợ máy của đoàn tàu, một chàng Yankee chính cống, tên gọi Forster, cao giọng nói:
– Thưa các ngài. Cũng có thể có cách đi qua.
– Trên cầu? – Một hành khách đáp lại.
– Trên cầu.
– Với đoàn tàu của ta? – Viên đại tá hỏi.
– Với đoàn tàu của ta.
Vạn Năng đứng lại, và nghe như nuốt từng lời của người thợ máy.
– Nhưng cầu sắp đổ đến nơi rồi kia mà! – bác xa trưởng vặn lại.
– Hề chi – Forster đáp. – Tôi cho rằng nếu phóng con tàu lao lên với tốc độ tối đa của nó, thì ta có hy vọng qua được.
– Quái quỷ! – Vạn Năng lẩm bẩm.
Nhưng một số hàng khách mới nghe đề nghị như thế đã bị cám dỗ ngay. Đặc biệt viên đại tá Proctor rất khoái. Cái đầu óc nóng bỏng ấy thấy chuyện này làm được lắm. Thậm chí ông còn nhắc lại rằng các kỹ sư đã nghĩ cả đến cách qua sông
không cầu
với những con tàu phóng hết tốc lực, v.v… Và rốt cuộc, tất cả những người có liên quan đến vấn đề đều đứng về ý kiến bác thợ máy.
– Chúng ta có năm mươi phần trăm khả năng qua cầu, – một người nói.
– Sáu mươi – một người khác nói.
– Tám mươi!…, chín mươi phần trăm!
Vạn Năng chết điếng đi, mặc dầu anh sẵn sàng làm đủ mọi chuyện để qua được vùng Medicine, nhưng cái kiểu làm này đối với anh có vẻ hơi
Mỹ
quá.

Vả lại, – anh nghĩ, – có một việc đơn giản hơn nhiều, mà họ cũng chẳng thèm nghĩ đến!… Thưa ông, – anh nói với một hành khách – cái cách thức của bác thợ máy đề nghị xem, tôi xem có vẻ hơi liều lĩnh, nhưng…
– Khả năng tám mươi phần trăm! – người hành khách đáp lại, và quay lưng đi.
– Tôi biết lắm. – Vạn Năng đáp khi nói với một nhà quý phái khác, – nhưng xin có một ý kiến nhỏ…
– Không kiến với cò gì hết, vô ích! – người Mỹ được anh hỏi đến nhún vai đáp lại, – bác thợ máy đã quả quyết là qua được rồi mà!
– Hẳn thế. – Vạn Năng lại nói, – ta sẽ qua được nhưng có lẽ thế này thì thận trọng hơn…
– Sao! Thận trọng à! – viên đại tá Proctor lớn tiếng, cái chữ tình cờ nghe được ấy làm ông này chồm lên. – Đã bảo là mở hết tốc lực! Anh hiểu không? Hết tốc lực!
– Tôi biết… tôi hiểu… – Vạn Năng nhắc lại, khổ sở vì không ai để anh nói hết câu, – nhưng nếu không phải là thận trọng hơn, vì cái tiếng này phật ý ngài. Thì ít ra cũng là tự nhiên hơn…
– Ai? sao? Anh chàng này muốn gì với cái tự nhiên của anh ta đây?…
– những tiếng thét tứ phía nhao nhao lên.
Chàng trai khốn khổ không còn biết nói cho ai nghe nữa.
– Anh sợ à? – viên đại tá Proctor hỏi anh.
– Tôi mà sợ! – Vạn Năng kêu lên. – Được! Tôi sẽ chứng tỏ cho những người này thấy một người Pháp cũng có thể Mỹ bằng họ!
– Lên tàu! lên tàu! – bác xa trưởng kêu to.
– Phải, lên tàu. – Vạn Năng nhắc lại, – lên tàu! Và ngay tức khắc! Nhưng người ta không thể ngăn cấm tôi nghĩ rằng nếu trước hết cho hành khách chúng tôi đi bộ qua cầu, rồi sau mới đến đoàn tàu, thì như vậy tự nhiên hơn!…
Nhưng chẳng ai thèm nghe cái ý kiến khôn ngoan ấy, và cũng chẳng ai chịu nhận đó là đúng.
Hành khách đã trở về toa tàu của họ. Vạn Năng ngồi vào chỗ, không hé răng một điều về những việc vừa xảy ra. Các người chơi bài đang chìm đắm trong ván bài
uýt
của họ.
Cái đầu tàu rúc lên một hồi còi dõng dạc. Bác thợ máy vặn được máy cho tàu lùi lại đến gần một dặm, lùi như một vận động viên muốn ấy đà để nhảy.
Rồi một hồi còi thứ hai, con tàu lại bắt đầu tiến lên: nó chạy nhanh dần, tốc độ chẳng mấy chốc đã trở thành kinh khủng: người ta chỉ còn nghe độc một tiếng rít từ đầu tàu phát ra: pít-tông dập hai mươi lần một giây, các trục bánh xe bốc khói lên trong những hộp dầu mỡ. Có thể nói người ta cảm thấy như toàn bộ con tàu, chạy nhanh với tốc độ một trăm dặm một giờ, không còn sức nặng đè lên đường ray nữa. Tốc độ đã nuốt chửng trọng lượng.
Và thế là người ta qua! Và như qua một tia chớp. Người ta không còn nhìn thấy cái cầu là cái gì nữa. Đoàn tàu đã nhảy, có thể nói như vậy, từ bờ bên này sang bờ bên kia, và bác thợ máy chỉ hãm được con tàu cuốn đi quá nhà ga năm dặm.
Nhưng đoàn tàu vừa mới qua sông thì cái cầu hỏng hẳn đổ ầm ầm xuống dòng thác Medicine-Bow.
.............
[←52]
Lãnh địa của dân Dakhóta, một trong những bộ lạc da đỏ mạnh nhất đã bị người Mỹ tiêu diệt.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 80 ngày vòng quanh thế giới.