Phần VI – Viên thanh tra Fix biểu lộ một sự sốt ruột rất chính đáng như thế nào
-
80 ngày vòng quanh thế giới
- Jules Verne
- 1971 chữ
- 2020-02-01 03:00:21
Dịch giả: Duy Lập
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Bức điện báo liên quan đến ông Phileas Fogg đã được phát đi trong hoàn cảnh như sau:
Ngày thứ tư mồng 9 tháng mười, ở Suez người ta đang đợi chiếc tàu bể Mongolia thuộc Công ty bán đảo và phương đông sẽ đến vào mười một giờ sáng. Đây là loại tàu bể chạy hơi nước bằng sắt có chân vịt và boong dưới, trọng tải hai nghìn tám trăm tấn và có một lực danh nghĩa là năm trăm sức ngựa. Tàu Mongolia thường xuyên chở khách từ Brindisi đến Bombay qua kênh đào Suez. Đó là một trong những tàu chạy nhanh nhất của Công ty và nó luôn luôn vượt những tốc độ quy định là mười hải lý một giờ giữa Brindisi và Suez và 9,53 hải lý giữa Suez và Bombay.
Trên bến lúc bấy giờ có hai người đàn ông đang đợi tàu Mongolia. Trong khi chờ đợi, họ dạo chơi giữa đám đông, những người bản xứ và người nước ngoài đang đổ xô đến thành phố này, mới hôm nào còn là một thị trấn nhỏ, nhờ sự nghiệp vĩ đại của Ngài de Lesseps28 mà có được một tương lai xán lạn.
Trong hai người ấy, một người là viên lãnh sự của Vương quốc Liên hiệp ở Suez, ông ta – bất chấp những dự đoán bất lợi của chính phủ Anh và những lời tiên tri khủng khiếp của kỹ sư Stephenson – vẫn hàng ngày trông thấy tàu bể Anh đi qua kênh đào này, nhờ thế rút ngắn được một nửa con đường cũ từ Anh sang Ấn Độ qua mũi Hảo Vọng.
Người kia là một người gầy nhỏ, vẻ mặt khá thông minh, tính khí nóng nảy, thường hay co giật những cơ thịt lông mày. Sau hàng mi dài ẩn một đôi mắt long lên sòng sọc, nhưng ông vẫn biết làm nó dịu đi tùy ý. Lúc này, ông để lộ vài biểu hiện nóng ruột, đi đi lại lại đứng không yên chỗ.
Con người ấy tên là Fix: và đó là một trong những
nhà thám tử
hoặc viên chức cảnh sát Anh đã được phái đến nhiều hải cảng khác nhau, sau vụ trộm ở Ngân hàng Anh. Ông Fix này phải giám sát hết sức cẩn thận tất cả các hành khách trên đường qua Suez và nếu một người nào trong đó có vẻ khả nghi thì phải
theo hút
trong khi chờ lệnh bắt.
Từ đúng hai ngày nay Fix đã nhận được của ông giám đốc sở cảnh sát chính quốc hình dạng cái người được coi là thủ phạm vụ trộm. Đó là hình dạng con người lịch sự và ăn bận sang trọng mà người ta đã quan sát thấy trong phòng trả tiền của Ngân hàng.
Nhà thám tử rõ ràng là hoa mắt lên vì món tiền thưởng lớn cho người tìm ra thủ phạm, cho nên chờ đợi giờ phút cập bến của tàu Mongolia với một vẻ nóng ruột dễ hiểu.
– Thưa ngài hình sự – ông ta hỏi đến lần thứ mười – vậy mà ngài nói rằng chuyến tàu này không thể đến chậm được?
– Không ông Fix ạ. – Viên lãnh sự đáp – hôm qua người ta báo về là nó đang ở ngoài khơi Port-Saïd và một trăm sáu mươi kilômét đường kênh có đáng là bao với một con tàu chạy nhanh như thế. Tôi xin nhắc lại với ngài rằng tàu Mongolia bao giờ cũng chiếm phần thưởng hai mươi lăm livrơ của chính phủ tặng cho mỗi lần về sớm hai mươi bốn giờ so với thời gian quy định.
– Tàu này có phải từ Brindisi đến thẳng đây không? – Fix hỏi.
– Từ chính Brindisi ở đó nó đã lấy bưu điện đi Ấn Độ, từ Brindisi ở đó nó ra đi ngày thứ bảy, năm giờ chiều. Vậy ông cứ chịu khó đợi, nó đến ngay bây giờ đây mà. Nhưng quả tình tôi không hiểu, với cái hình dạng mà ông được báo, ông làm thế nào nhận ra người của ông nếu hắn ở trên tàu Mongolia.
– Thưa ngài lãnh sự – Fix đáp – những loại người ấy, người ta cảm thấy chúng hơn là nhận ra chúng. Ta phải có tài đánh hơi chứ, và cái tài đánh hơi nó như một giác quan đặc biệt, có sự hợp sức của cả thính giác, thị giác và khứu giác. Trong đời tôi, tôi đã bắt giữ nhiều nhà quý phái loại ấy, và chỉ cần tên trộm của tôi có mặt trên tàu tôi xin đảm bảo với ngài rằng nó sẽ không thoát khỏi tay tôi.
– Tôi cũng cầu mong được vậy ông Fix ạ, vì đây là một vụ trộm quan trọng.
– Một vụ trộm kếch sù – viên thám tử bốc lên đáp – Năm mươi lăm ngàn livrơ! Chúng ta chẳng mấy khi vớ được những món bở như thế đâu! Bọn trộm cắp bây giờ lèm nhèm quá! Dòng dõi Sheppard đang tàn tạ! Ngày nay bọn chúng đút đầu vào thòng lọng vì mấy đồng silinh.
– Ông Fix – viên lãnh sự đáp – Ông nói hay quá khiến tôi phải nhiệt liệt chúc ông thành công nhưng tôi xin nhắc lại trong những điều kiện hiện nay tôi e khó đấy. Ông có thấy rằng theo hình dạng ông được báo thì lên trộm ấy hoàn toàn giống như một con người lương thiện?
– Thưa ngài lãnh sự – viên thanh tra cảnh sát đáp lại với giọng quả quyết – những tên đại bợm bao giờ cũng giống những con người lương thiện. Ngài thừa hiểu rằng những đứa có bộ mặt ba que thì chỉ có một đường ăn ở cho ngay thật nếu không đã bị bắt rồi. Những bộ mặt lương thiện đó chính là những bộ mặt trước hết phải nhìn cho rõ. Công việc khó khăn, tôi đồng ý và đây không còn là nghề nghiệp, mà là nghệ thuật.
Ta thấy ông Fix này quả cũng có ít nhiều tự phụ.
Trong khi ấy thì bến tàu dần dần náo nhiệt lên. Thủy thủ các quốc tịch khác nhau, nhà buôn, người mối lái, phu khuân vác, nông dân Ai Cập đổ xô ra bến. Hẳn là tàu sắp đến.
Trời khá đẹp nhưng khí trời lạnh, vì có gió đông. Một vài ngọn tháp của các giáo đường Hồi giáo vút lên trên thành phố dưới những tia nắng nhạt của mặt trời, về phương nam, một cái kè đá dài hai nghìn mét vươn ra như một cánh tay trên vũng Suez. Trên mặt biển Hồng Hải chạy xình xịch nhiều tàu đánh cá hoặc tàu buôn, một vài con tàu còn giữ lại trong kiểu chế tạo của chúng cái dáng hình thanh nhã của những thương thuyền thời cổ.
Fix vừa đi lại giữa đám dân chúng đó vừa đảo nhanh mắt nhìn mặt những người qua lại theo thói quen nghề nghiệp của ông.
Lúc ấy mười giờ rưỡi.
– Cái tàu này chẳng thấy đến gì cả là thế nào! – ông kêu lên khi nghe đồng hồ cảng điểm giờ.
– Nó sắp tới bây giờ đấy – viên lãnh sự đáp.
– Nó sẽ đỗ lại ở Suez bao lâu? – Fix hỏi.
– Bốn giờ. Thời gian để lấy than. Từ Suez đi Aden ở tận cuối Hồng Hải, đường dài một nghìn ba trăm mười hải lý cho nên phải dự trữ chất đốt.
– Và từ Suez, chiếc tàu này đi một mạch đến Bombay chứ? – Fix hỏi.
– Một mạch, không bốc hàng.
– Thế thì – Fix nói, nếu tên trộm đã đi con đường này và lên tàu này thì kế hoạch của nó hẳn là lên bến Suez, để theo một đường khác đến những thuộc địa Hà Lan hoặc Pháp ở Châu Á. Nó hẳn thừa biết nó sẽ không an toàn ở Ấn Độ, là một mảnh đất Anh.
– Nếu thế thì nó không phải là một tên đại bợm – viên lãnh sứ đáp lại – Ngài biết đấy, một tên tội phạm Anh vẫn dễ ẩn náu ở Luân Đôn hơn ở nước ngoài.
Sau khi đă đưa ra ý kiến ấy khiến viên cảnh sát phải suy nghĩ rất lung, ông lãnh sự trở về văn phòng của mình ở gần đó. Viên thanh tra cảnh sát còn lại một mình, bồn chồn nóng nảy với cái linh tính khá kỳ quặc là tên trộm nhất định phải ở trên tàu Mongolia, và quả thật, nếu thằng vô lại ấy đã rời nước Anh với ý định đến Tân Thế giới, thì con đường qua Ấn Độ, ít được giám sát hoặc khó giám sát hơn đường Đại Tây Dương, hẳn là được hắn chọn trước hết.
Fix không còn thời gian để nghĩ lâu. Những tiếng còi chói tai báo hiệu tàu đã đến. Cả đoàn phu khuân vác và nông dân Ai Cập xông ra ngoài bên trong một cảnh hỗn độn hơi đáng ngại cho chân tay và quần áo các hành khách. Khoảng một chục cái xuồng tách khỏi bờ và tiến đến trước tàu Mongolia.
Chẳng mấy chốc người ta nhìn thấy cái thân tàu khổng lồ của tàu Mongolia đi giữa hai bờ kênh, và khi đồng hồ điểm mười một giờ thì tàu cập bến thả neo, xả hơi ầm ĩ.
Hành khách trên tàu khá đông. Một vài người còn đứng lại trên boong dưới để ngắm toàn cảnh mỹ lệ của thành phố: nhưng phần lớn xuống các xuồng đã đến cặp mạn tàu.
Fix quan sát cẩn thận tất cả những người lên bờ.
Lúc ấy một người trong đám đó tiến tới gần ông sau khi đã ra sức gạt những nông phu cứ xúm xít xông vào mời anh ta mướn, và bằng một giọng rất lễ độ, anh nhờ ông chỉ giùm văn phòng lãnh sự quán Anh. Và đồng thời người hành khách ấy chìa ra một giấy hộ chiếu mà chắc hẳn anh muốn xin dấu thị thực Anh.
Fix theo bản năng cầm lấy tờ giấy hộ chiếu, và liếc mắt đọc nhanh lời ghi hình dạng trong đó.
Xuýt nữa thì ông lỡ phạm một cử chỉ bồng bột. Tờ giấy rung bần bật trong tay ông. Những chi tiết miêu tả hình dạng người chủ giấy hộ chiếu đúng hệt những điều ông đã nhận được từ sở cảnh sát chính quốc.
– Giấy hộ chiếu này của anh? – Ông nói với người hành khách.
– Không – anh ta đáp – Đó là của ông chủ tôi.
– Vậy chủ anh đâu?
– Ông ta ở trên tàu.
– Thế nhưng – viên cảnh sát lại nói – ông chủ anh phải tự mình đến trình diện ở văn phòng lãnh sự quán để xác định căn cước của ông ta.
– Sao, có cần như vậy không ?
– Nhất thiết.
– Thế văn phòng ấy ở đâu?
– Kia, ở góc quảng trường – viên thanh tra đáp lại và chỉ một ngôi nhà cách xa hai trăm bước.
– Thế thì tôi phải đi tìm ông chủ tôi đây, mặc dù ông ấy chẳng thích thú gì cái chuyện phiền nhiễu này đâu!
Nói xong, người hành khách chào Fix và quay trở về tàu.
...................
[←28]
Kênh Suez được xây dựng năm 1898 theo sáng kiến của tử tước Ferdinand de Lesseps. một nhà ngoại giao Pháp.