• 300

Chương 3: Còn đắc thắng nữa


Số từ: 1996
Dịch: Phan Khôi
Nguồn: NXB Văn Nghệ Hà Nội, NXB Hội Nhà Văn
Song le, A Q. dù thường thường đắc thắng, cũng còn phải đợi đến sau khi ông cụ Triệu đánh cho mấy bạt tai rồi mới nổi tiếng hẳn lên.
Hắn trao hai quan tiền kỉnh rượu cho Trương Tuần xong, hậm hực nằm xuống. Sau lại, hắn suy nghĩ: Thế giới hiện giờ chẳng còn có nghĩa lý gì hết, con trở đánh cha!... Thế rồi hắn nghĩ ra, cụ Triệu oai vệ là thế, mà bây giờ là con của mình rồi, bèn dần dần tỏ vẻ đắc ý, bò dậy, hát bài gái hóa thăm mồ, đi đến tiệm rượu. Trong lúc đó, hắn lại cảm thấy ông cụ Triệu cao sang hơn cả mọi người.
Mà cũng lạ, đó về sau, quả thật ai nấy có vẻ kính trọng hắn đặc biệt. Điều đó, ở A Q., có lẽ hắn nghĩ rằng vì hắn là cha của cụ Triệu, nhưng thực ra, cũng không phải vậy. Lệ thường ở làng Mùi, nếu xảy ra tên Mít đánh tên Xoài, lão Kèo đánh lão Cột, người ta chẳng thèm kể số; chỉ khi nào có dính dấp đến một người tai mắt như ông cụ Triệu thì mới được đồn ầm lên. Đã đồn ầm lên thì chẳng những người đánh nổi tiếng mà người bị đánh cũng nhờ đó nổi tiếng. Đến như phần lỗi tự nhiên đổ về A Q., không cần phải nói. Ấy vì lẽ gì? Chỉ vì ông cụ Triệu không có thể nào lại lỗi được. Song le, hắn đã là lỗi, thì làm sao người ta lại có vẻ kính trọng hắn đặc biệt ư? Điều đó cũng khó hiểu. Nói một cách xuyên tạc, có lẽ vì A Q. đã nói mình là bà con với cụ Triệu, mặc dù bị đánh, người ta cũng còn tưởng hắn nói có một phần thật, chi bằng kính trọng hắn một chút là ổn thỏa hơn. Nếu không phải thế, thì cũng như con bò tế ở Khổng miếu, mặc dù nó là con vật chẳng khác con dê con lợn, nhưng đức thánh ngài đã nhúng đũa đến, thì bọn các ông tiên nho chẳng dám gắm ghé vào.
A Q. từ đó có vẻ đắc ý được bao nhiêu năm.
Một ngày mùa xuân, hắn có chén ngà ngà đi trên đường cái. Thấy ở chân tường, dưới ánh nắng. Vương Xồm ở trần ngồi bắt rận, hắn cũng thoạt thấy trong mình ngứa ngấy lên. Tên Vương Xồm này, vừa có sẹo, vừa râu xồm, người ta gọi nó là Vương Sẹo Xồm. A Q. bỏ bớt chữ sẹo, nhưng khinh dẻ nó ra mặt. Trong ý A Q. nghĩ rằng cái sẹo chẳng có gì là lạ, chỉ có bộ râu quai nón kia, kỳ cục quá, làm chướng mắt người ta. Thế rồi hắn ngồi ngang bên cạnh. Giá như gặp kẻ khác, A Q. thật không dám táo gan ngồi như vậy. Nhưng bên cạnh Vương Xồm, hắn nào có sợ gì đâu? Thật thà mà nói: hắn chịu ngồi như vậy, chính là vẽ mày vẽ mặt cho Vương Xồm đó.
A Q. cũng cởi cái áo kép rách ra, lật soát một lúc. Chẳng rõ vì áo mới giặt hay vì hắn sơ ý, mất bao nhiêu công phu mà chỉ bắt được ba bốn con. Hắn nhìn sang Vương Xồm, thấy thằng cha này bắt một thôi được một con lại một con, hai con lại ba con, bỏ vào mồm cắn nghe cớp cớp.
A Q. ban đầu còn ngã lòng, sau đến phát cáu: Vương Xồm là đứa đáng ghê tởm kia còn bắt được nhiều thế ấy, mà mình lại ít thế này, thật là sự làm cho bẽ mặt đến bậc nào! Hắn muốn tìm một vài con rõ to, nhưng không có. Mãi mới bắt được một con choai choai, hắn gằm gằm nhét vào trong cặp môi dày, rán sức cắn một cái, lại chỉ có tiếng xẹt, không kêu to bằng của Vương Xồm.
Từng cái sẹo chốc của hắn bấy giờ đỏ ửng cả lên. Hắn cởi áo vứt xuống đất, nhổ một bãi nước bọt, nói:
Con sâu róm này!...
Đồ chó lường! Mày mắng ai? Vương Xồm vác mắt len, nói bằng giọng khinh bỉ.
A Q. gần nay tuy có hơi được người ta tôn kính, tự hắn cũng càng lên mặt hơn, nhưng khi thấy những đứa quen đánh mình, hắn vẫn còn e sợ, chỉ có lần này là hắn mạnh dạn lạ thường. Cái thằng râu xồm lấp cả mặt đi thế kia mà cũng dám nói lếu nói láo à?
Đứa nào nhận lấy là mắng đứa ấy! A Q. đứng phắt dậy hai tay cắp đít nói.
Vương Xồm cũng đứng dậy, mặc áo vào:
Thằng này, mầy lại ngứa xương rồi hẳn?
A Q. tưởng nó toan chuồn, sấn tới cho một đấm. Cái đấm còn chưa tới đích, thì đã bị bên kia túm lấy, chỉ hắt một cái, A Q. loạng choạng ngã lăn ra. Tức thì lại bị Vương Xồm ghì lấy đuôi sam, kéo đến bên tường dúi đầu như lệ thường.
A Q. nghẹo đầu lại, nói: Người quân tử đấu miệng chứ không đấu sức!
Vương Xồm hình như không phải người quân tử, không thèm đếm xỉa, cứ việc dúi đầu hắn luôn năm cái vào tường. Lại rán sức xô một cái, đến nỗi A Q. văng ra sáu thước xa, thế rồi mới bỏ đi với cái dáng hả hê.
Theo trí nhớ của A Q., chừng như vụ này là vụ thứ nhất hắn bị khuất nhục trong đời hắn. Bởi vì Vương Xồm cái thằng râu quai nón xấu xí, thuở nay chỉ bị A Q. mắng nhiếc, chứ chẳng hề dám mắng nhiếc A Q., nói gì đến dám đấm đá. Thế mà hôm nay nó dám đấm đá, thật là không ngờ! Có lẽ thật như người ta nói ở chợ, rằng nhà vua đã bỏ thi, không lấy tú tài cử nhân nữa, vì đó họ Triệu nhà mình kém mất oai thế, vì đó chúng nó cũng khinh dẻ mình chăng?
A Q. đứng ngơ ngẩn.
Từ đằng xa có một người đi tới, ấy lại đến thêm cho hắn một địch thủ. Đây cũng là người mà A Q. rất chán ghét, tức là cậu con cả của ông cụ họ Tiền. Chàng ta trước kia lên thành vào học trường tây, không biết thế nào lại dông sang Nhật Bổn. Sau nửa năm đó trở về nhà, cặp giò ngay đơ ra, cái đuôi sam cũng biến mất, làm cho mẹ nó khóc bù lu bù loa mười mấy bận, vợ nó nhảy giếng đến ba lần. Sau lại, mẹ nó đến đâu cũng kháo lên rằng: Cái đuôi sam kia bị lũ mất dạy phục rượu cho say rồi cắt đi đấy. Đáng lẽ đã làm quan lớn được rồi, bây giờ lại phải đợi cho tóc dài ra hẵng hay. Thế nhưng A Q. không chịu tin như thế, cứ gọi nó là Thằng Tây giả[1] hay là đứa tư thông với nước ngoài. Hễ thấy chàng ta một cái là A Q. nhất định rủa sả ngấm ngầm trong bụng.
Cái điều mà A Q. ghét cay ghét đắng hơn nữa là cái đuôi sam giả của nó[2]. Đuôi sam mà đến nỗi giả, thế là đã mất đứt cái tư cách làm người; vợ nó không nhảy giếng lần thứ tư, cũng không phải con đàn bà tốt.
Thằng Tây giả kia đã đến gần.
Thằng trọc! Con lừa!... A Q. bấy lâu có mắng cũng chỉ mắng ngầm trong bụng, không hề nói ra tiếng; lần này vì tức tối bởi cái chính khí, vì muốn báo thù, nên buột mồm the thé nói ra.
Chẳng ngờ thằng trọc ấy đã xồng xộc đi tới, trong tay cầm một cái ba toong sơn vàng mà A Q. quen gọi là cái gậy đại tang. A Q. trong giây phút ấy, biết chắc rằng thế nào nó cũng đánh, bèn vội vàng triển gân xa, xổng vai lên, đứng chờ. Quả nhiên, đánh đớp một cái, hình như chắc chắn cái gậy phặp xuống chính trên đầu hắn rồi.
Tôi nói nó chứ! A Q. chỉ một đứa trẻ đứng gần đó, đỡ gạt cho mình.
Đớp! Đớp, đớp!
Theo trí nhớ của A Q., vụ này phải kể, là vụ thứ hai hắn bị khuất nhục trong đời hắn. Cũng may, sau mấy tiếng đớp đớp, về phần hắn, hình như thế là đã xong hẳn một chuyện, trong người thấy nhẹ nhõm đi. Vả lại, cái quên bẵng là cái bửu bối gia truyền của hắn lúc bấy giờ cũng đem ra dùng mà được việc. Thế rồi hắn đi chậm rãi, khi gần tới cửA Q.uán rượu, đã thấy hơi có cao hứng rồi.
Song le, trước mặt hắn, cô tiểu chùa Tịnh tu đi trờ tới. Hồi bình thường, A Q. mà gặp phải của này là nhất định thế nào cũng mắng nhiếc, huống chi là vừa mới sau cơn khuất nhục? Hắn đâm ra sực nhớ, lại đâm ra muốn trả đũa.
A Q. nghĩ bụng: Mình không biết mình hôm nay tại làm sao lại xúi quảy đến như thế, té ra là bởi gặp cái con này!
Hắn tiến lên đón đầu, nhổ một bãi nước bọt, thét lên: Ê, giãn ra!
Cô tiểu cứ việc cúi đầu đi, không nhìn lại. A Q. đi sát lại, bất thình lình giơ tay sờ cái đầu mới cạo, cười miếng chi và nói:
Con trọc kia! Về nhanh lên, sư cụ đương chờ mày...
Sao chú lại mó tay mó chân thế?... Cô tiểu đỏ mặt tía tai, vừa nói vừa bước mau.
Người trong quán rượu cười ồ cả lên. A Q. thấy công trạng của mình được thưởng thức, lại càng hăng hái lồng lẫy lên:
Sư cụ mó được, tớ đây lại mó không được à? hắn bẹo lấy má cô tiểu.
Người trong quán rượu lại cười ồ nữa. A Q. càng đắc ý, vả lại muốn làm cho hả hê các khán giả hơn nữa, hắn rán sức ghì một cái mạnh, mới buông tay.
Nhờ một trận đánh này, hắn đã quên lững Vương Xồm, cũng quên lững Thằng Tây giả, hình như đã báo thù được tất cả mọi cái xúi quẩy ngày hôm nay rồi. Lạ hơn nữa là, hắn còn thấy cả mình nhẹ nhõm hơn sau khi bị mấy cái đớp đớp, và phới phới hình như muốn bay bổng.
Thằng A Q., đồ tuyệt tự vô hậu kia! Văng vẳng nghe tiếng cô tiểu chửi rủa đèo thêm tiếng khóc.
Ha! Ha ha! A Q. cười mười phần đắc ý.
Ha! Ha ha! Người trong quán rượu cũng cười đắc ý chín phần.
-----------------
Chú thích:
1. ▲ Nguyên văn là: "Giả dương quỷ tử". Người Trung Quốc trước kia, khi tỏ ý không ưa người Âu Mỹ hay người Nhật Bổn, thì gọi họ là "dương quỷ tử". "Dương" đây là chỉ gồm cả Tây dương (Âu Mỹ) và Đông Dương (Nhật Bổn). Chàng họ Tiền này ở Nhật Bổn về, thì cái danh từ "giả dương quỷ tử" phải hiểu là "thằng Nhật Bổn giả hiệu" mới đúng, nhưng không thể dịch như thế, và cũng không có thể dịch cách khác, nên tạm dịch là "thằng Tây giả", vẫn biết là không đúng lắm.
2. ▲ Trước Cách mạng Tân Hợi, học sinh Trung Quốc sang du học bên Nhật Bổn, có kẻ cắt đuôi sam đi, tỏ ra mình là cách mạng, nhưng khi trở về nước, sợ bị bắt, lại đeo đuôi sam giả; bấy giờ ở Thượng Hải có cửa hàng chuyên bán đuôi sam giả.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook AQ Chính Truyện.