• 619

Chương 1.1: Im thin thít, lặn mất tăm


Số từ: 3678
Người dịch: Ngô Hà Thu.
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Phụ nữ
Điều duy nhất mà tôi ao ước? Là Juli Baker để cho tôi yên! Ước chi con bé đó tránh xa ra, cho tôi có chỗ để thở.
Mọi chuyện bắt đầu từ mùa hè năm lớp hai, khi chiếc xe tải chuyển đồ của nhà tôi dừng bánh tại khu phố con bé đó sống. Và giờ thì cả hai đứa đã sắp hết lớp tám. Có nghĩa là con bé đó đã biến hơn một nửa thập kỷ đời tôi thành một mớ những cuộc trốn chạy cần hoạch định chiến lược bài bản. Có nghĩa là con bé đó đã nhấn chìm hơn một nửa thập kỷ đời tôi trong một cảm giác khó chịu không bút nào tả xiết.
Con bé đó không đơn giản chi băm bổ lao vào cuộc đời tôi. Nó băm bổ, nó đào xới và rồi nó đứng đó, chắn ngang đời tôi. Nhà tôi có mời nó lên xe và trèo lên các thùng đồ không? Không!
Nhưng đấy đúng là những gì con bé đó đã làm, áp đảo và ra vẻ đúng kiểu Juli Baker.
Bố đã cố ngăn nó lại.
"Này!", bố nói khi con bé nhảy lên xe. "Cháu làm cái gì thế? Cháu làm dây bùn ra khắp nơi rồi kia kìa!". Công nhận. Giày của con bé đúng kiểu bùn đóng thành bánh ấy.
Nhưng nó không nhảy xuống. Đã thế, nó còn ngồi bệt xuống sàn xe và bắt đầu thò chân đẩy đẩy một cái thùng. "Để cháu giúp chú nhé!". Con bé liếc về phía tôi. "Đi mà chú, để cháu giúp một tay đi!"
Tôi không thích cái nhìn ám chỉ đó của con bé. Và mặc dù bố vẫn thường tra tấn tôi bằng điệu nhìn ấy cả tuần, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra - bố cũng chẳng thích gì con bé lắm chuyện ấy. "Này! Đừng có làm thế", bố cảnh báo nó. "Trong thùng đó có mấy thứ đồ quý giá lắm đấy".
"Thế ạ? Vâng, thế thùng này thì sao ạ?". Con bé lăng xăng sang cái thùng có dán nhãn LENOX và lại nhìn về phía tôi. "Cậu với tớ đẩy cái thùng này đi!"
"Thôi, thôi, thôi!", bố nói rồi kéo tay con bé ra. "Sao cháu không về nhà đi? Giờ này có khi mẹ cháu đang lo vì không biết con mình đang ở đâu đấy".
Thời khắc ấy chính là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng con bé này không thể hiểu được ý của người khác. Dù người ta đã ý tứ ra dấu hiệu kiểu gì đi chăng nữa. Nó có biết đường chạy ngay về nhà giống như những đứa trẻ con khác khi biết là mình đang bị đuổi khéo không? Không. Nó nói tỉnh bơ: "À, mẹ cháu biết cháu ở đâu mà. Mẹ cháu bảo không sao hết". Rồi nó chỉ sang bên kia đường và nói: "Nhà cháu ở ngay đằng kia thôi".
Bố nhìn theo hướng con bé đang chỉ và lẩm bẩm than: "Ôi trời ôi...". Rồi bố quay lại nhìn tôi và nháy mắt: "Bryce, hình như giờ con phải vào nhà giúp mẹ hay sao ấy nhỉ?"
Tôi biết ngay đây là một màn kịch để đuổi khéo con bé. Nhưng trước đó tôi không nghĩ tới cách này, vì đã bao giờ tôi với bố diễn kịch bản này đâu. Đúng thế còn gì, ai lại cả hai bố con cùng đồng tâm hợp lức diễn kịch đuổi khéo khách?! Có khác nào phản lại quy tắc mà cha mẹ vẫn dạy con cái rằng, không nên đuổi khéo ai đó đi dù cho họ có phiền nhiễu hay bẩn thỉu thế nào đi chăng nữa.
Thế nhưng giờ thì bố đang diễn rồi, và chẳng cần bố phải nháy mắt đến lần thứ hai, tôi toét miệng cười: "Vâng ạ!", và ngay tắp lự nhảy phắt khỏi thùng xe, lao về phía ngôi nhà mới.
Tôi nghe thấy tiếng con bé chạy theo sao nhưng tôi không dám tin vào tai mình. Có thể nó đang đuổi theo tôi thôi; có khi nó chạy theo hướng khác. Nhưng trước khi tôi có đủ can đảm để quay lại kiểm chứng thì con bé đó xẹt qua, tóm lấy cánh tay tôi và lôi tôi đi.
Thế này thì quá lắm. Tôi dừng lại và đang định nói nó cút đi thì điều ky quặc nhấy đã xảy ra. Tôi muốn vung tay thật cao để có thể thoát khỏi con bé, nhưng không hiểu làm sao mà khi tay tôi vòng xuống lại vướng đúng vào tay nó. Thật không thể tin được mà. Vậy là tôi đứng đó, nắm tay cái con khỉ đầy bùn ấy!
Tôi cố hẩy tay nó ra nhưng nó cứ bám riết lấy và lôi tôi đi: "Đi nào!"
Mẹ từ trong nhà bước ra và ngay lập tức nở một nụ cười mật ngọt nhất trên đời. "Ồ, chào cháu", mẹ niềm nở với Juli.
"Cháu chào cô!"
Tôi vẫn đang cố vẫy vùng giành lấy tự do nhưng con bé đó cứ giữ ghì lấy tôi. Mẹ cười rõ rạng rỡ, nhìn tay hay đứa và gương mặt đỏ phừng phừng của tôi. "Thế cháu tên gì hả cô bé?".
"Julianna Baker ạ. Nhà cháu ở ngay đằng kia", con bé vừa trả lời vừa chỉ trở bằng cái tay rảnh rang.
"À..., cháu và thằng bé nhà cô đã làm quen với nhau rồi nhỉ", mẹ nói, vẫn cười tươi ơi là tươi.
"Vâng!"
Cuối cùng thì tôi cũng vùng ra được và làm cái việc ra dáng đàn ông nhất mà một thằng nhóc bảy tuổi có thể làm - nấp sau lưng mẹ.
Mẹ choàng tay qua vai tôi và nói: "Bryce, con yêu, sao con không dẫn Julianna thăm quan nhà mình nhỉ?"
Tôi ra hiệu đủ cách để cầu cứu, cảnh báo, nhưng mẹ chẳng hề nhận ra gì cả. Rồi mẹ gỡ tôi ra và nói: "Đi đi con".
Có lẽ Juli đã có thể càn quét ngay nhà tôi nếu như mẹ không nhìn thấy giày của nó và kêu nó bỏ ra. Và sau khi cởi giày xong thì mẹ kêu nó phải cởi luôn cả tất nữa. Juli chẳng thấy xấu hổ gì cả. Không một chút nào luôn ấy. Nó cởi tất tỉnh queo và vứt lại thành một đống cứng quèo ở hiên nhà tôi.
Thực ra thì tôi đã không hề dẫn nó đi tham quan. Thay vào đó, tôi lỉnh vào phòng tắm và tự khoá mình trong đó. Và sau khoảng mười phút gào vọng ra, rằng không, tôi sẽ không thể ra ngoài nhanh được đâu, thì tôi thấy phía bên ngoài im ắng. Thêm mười phút nữa trôi qua, tôi lấy hết can đảm hé mắt ra ngoài cửa.
Không có Juli.
Tôi lẻn ra ngoài, nhìn quanh, và ồ dê! Con bé đi rồi.
Một màn "đuổi khéo" không được khéo cho lắm, nhưng mà này, lúc đó tôi mới bảy tuổi.
Có điều những rắc rối của tôi còn lâu mới kết thúc. Ngày nào con bé cũng đến, lặp đi lặp lại. "Bryce đi chơi được không ạ?". Tôi nấp sau ghế nhưng vẫn nghe thấy rõ tiếng nó véo von hỏi. "Cậu ấy đi được chưa ạ?". Có một lần con bé đó thậm chí còn chạy tắt qua sân, nhìn qua cửa sổ phòng tôi. Tôi đã kịp thời nhận ra nó và chui xuống nấp dưới gầm giường. Nhưng đó, rõ là mọi người có thể thấy một điều ở Juli. Con bé đó không hiểu thế nào là không gian cá nhân. Không hề tôn trọng sự riêng tư. Cả thế giới này là sân chơi của nó, và ai đứng ở phía dưới cũng phải cẩn thận - Juli lúc nào cũng như đang từ cầu trượt lao xuống.
Thật may cho tôi là bố luôn sẵn lòng cản đường nó. Và bố không ngại làm đi làm lại việc đó. Bố nói với con bé là tôi bận, hay đang ngủ hay đơn giản là đi đâu mất rồi. Bố quả đúng là vị cứu tinh.
Chị gái tôi thì khác. Cứ hở ra là sẽ tìm cách phá tôi. Lynetta là thế. Chị ấy hơn tôi bốn tuổi và nói thật, nhìn gương chị ấy là tôi đã ngộ ra được thế nào là một lối sống không thể mê được. Khắp người chị ấy toán ra cái khí chất GÂY GỔ. Chỉ cần nhìn chị ấy thôi - không cần nheo mắt, lè lưỡi hay làm bất cứ điều gì - chỉ cần nhìn thôi là bạn có thể cãi vã ngay được.
Ngày xưa tôi thường chơi trò hạ-bệ-kéo-lê với chị ấy, nhưng giờ thì không đáng nữa. Lũ con gái chẳng bao giờ chơi đẹp cả. Bọn nó chỉ giỏi rứt tóc và cấu véo đối phương; xong rồi lại bỏ chạy, vờ thở không ra hơi rồi tóm lấy mẹ mỗi khi bạn thử tự vệ và đấm phản công. Và thế là bạn bị cấm túc. Như thế để làm gì cơ chứ? Không, chiến hữu thân mến, bí kíp là, đừng có bao giờ đớp mồi. Cứ để nó ngoe nguẩy. Bơi lượn lờ quanh nó. Chế giễu nó. Một lát là nó sẽ phát chán và sẽ phải chuyển mục tiêu lừa đảo sang kẻ khác.
Ít nhất thì đấy là sách lược để đối phó với Lynetta. Và phần khuyến mãi khi có một bà chị như-cái-nhọt-ở-mông ấy là tôi phát hiện ra rằng, sách đối phó trên hiệu quả với tất cả mọi người. Thầy cô, bọn ngớ ngẩn ở trường, kể cả bố mẹ. Nghiêm túc luôn. Làm gì có cơ cãi thắng bố mẹ chứ? Thế thì sao ta cứ phải nhảy dựng lên làm gì? Tốt hơn là cứ im thin thít mà lặn xuống mất tăm để tránh đi còn hơn là bị sóng thuỷ triều dội vào.
Buồn cười ở chỗ Lynetta vẫn không hề biết cách chiến đấu với bố mẹ. Chị ấy cứ thế lao thẳng vào cuộc chiến và quá bận rộn chìm ngập trong mớ tranh cãi nên không tài nào mà hít thật sâu và lặn một hơi đến vùng nước lặng.
Nhưng chị ấy thì lại cho rằng tôi mới là thằng ngu.
Dù sao thì đúng như bản chất, lúc đầu Lynetta cố gắng gán ghép tôi với Juli. Chị ấy thậm chí còn tiếp tay cho con bé né được bố một lần và dẫn nó đi diễu binh khắp nhà để săn lùng tôi. Tôi đã phải nằm dẹp lép như con tép trên ngăn cao nhất trong tủ quần áo, và may cho tôi là cả hai đều không nhìn lên. Vài phút sau, tôi nghe thấy tiếng bố quát Juli không được trèo lên mấy món đồ cổ, và một lần nữa, con bé lại bị khoá giò.
Hình như tôi đã không mon men ra ngoài lần nào trong cả tuần đầu tiên. Tôi giúp dỡ đồ, xem ti-vi và đại loại là chạy loăng quăng khi bố mẹ xếp đặt đi xếp đặt lại đống đồ đạc, cãi nhau xem có nên xếp cả mấy cái ghế đệm Empire và mấy cái bàn Rococo của Pháp vào cùng một phòng hay không.
Empire: phong cách nội thất Đế chế phát triển trong suốt thời kì trị vì của Hoàng đế Napoleon (Pháp, 1804-1814), lấy cảm hứng từ Hy Lạp, La Mã và các hoa văn Ai Cập. Phong cách này cũng phát triển song song ở Anh (các chú thích đều là của người dịch).
Rococo (cách viết khác: rococo): trường phái nghệ thuật kiến trúc, nội thất phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVIII tại Phát. Từ "rococo" xuất phát từ "rocaille" trong tiếng Pháp, thường dùng để chỉ những viên đá và vỏ sò. Vì thế mà hình vỏ sỏ trở thành một mô-típ rất phổ biến trong phong cách Rococo.
Nên tin tôi đi, tôi thèm ra ngoài chơi chết đi được ấy. Nhưng cứ lần nào nhòm qua cửa sổ kiểm tra là tôi lại thấy Juli đang ra vẻ ở ngoài sân nhà nó. Nó mà không tâng bóng bằng đầu thì cũng đá bổng hay rê lên rê xuống dọc lối ô-tô lên xuống. Còn nếu không bận rộn khoe mẽ thì nó sẽ ngồi im, hay chân kẹp bóng và nhìn chằm chằm về phía nhà tôi.
Mẹ không tài nào hiểu nổi vì sao việc "cô bé đáng yêu đó" nắm tay tôi lại kinh khủng đến thế. Mẹ còn nghĩ là tôi nên kết bạn với con bé nữa chứ. "Mẹ tưởng là con thích bóng đá cơ đấy, cưng à. Sao không ra ngoài đá bóng đi?"
Vì tôi không muốn bị đá mòng mòng. Và mặc dù lúc đó không thể nói thế, nhưng chắc chắn ngay từ lúc mới bảy tuổi rưỡi, tôi đã có thể cảm thận rất rõ rằng, con bé Juli Baker cực kì nguy hiểm.
Đã thế nó còn là một mối nguy hiểm không thể tránh khỏi. Cái giây phút bước vào lớp học của cô Yelson chính là lúc tôi bị án tự hình rơi trúng đầu. "Bryce!". Juli gào lên. "Cậu học ở đây à?". Thế rồi con bé len từ cuối lớp lên để xử lý tôi.
Cô Yelson đã cố giải thích vụ tấn công đó là "một cái ôm chào đón" nhưng giời ơi, làm gì có ôm chứ. Đấy đúng là chiêu hạ-gục-nhanh-tiêu-diệt-gọn chính diện thì có. Và mặc dù tôi đã cố hẩy nó ra nhưng tất cả đã quá muộn. Tôi bị đeo gông cả đời. Ai cũng chọc ghẹo, "Bạn gái cậu đâu rồi, Bryce?". "Mầy lấy vợ rồi đó hả Bryce?". Và đến khi con bé đuổi tôi vòng quanh trong giờ giải lao và cố đè tôi ra để hôn, cả trường bắt đầu hát hò nhặng xị, "Bryce và Juli ngồi trên cành cây, Hờ-Ôn-Hôn Nhờ-Au-Nhau...".
Năm đầu tiên của tôi ở thị trấn đúng là một thảm hoạ.
Năm lớp ba cũng chẳng khá gì hơn. Con bé vẫn lùng sục tôi mỗi khi tôi không ở trước mắt nó. Lớp bốn cũng thế. Nhưng đến lớp năm thì tôi bắt đầu hành động.
Lúc đầu thì kế hoạch diễn biến chậm rì - kiểu những ý tưởng dạng Chậc-thế-thì-chẳng-hay-ho-gì mà bạn vẫn hay nghĩ ra rồi quên luôn ấy. Nhưng càng nghĩ tôi càng tự hỏi có cách nào hay ho hơn để bảo vệ mình khỏi Juli không? Có cách nào hay ho hơn để tuyên bố với nó là "Juli, tớ không thích cậu đâu" không?
Và thế là tôi triển khai.
Tôi cặp với Shelly Stalls.
Để có thể hiểu được sự kỳ diệu của kế hoạch này, bạn phải biết là Juli cực kỳ ghét Shelly Stalls. Từ xưa rồi kìa, dù tôi chả hiểu tại sao. Shelly xinh, dễ gần và tóc rất dày. Thế thì có gì để không thích chứ? Nhưng mà Juli ghét nó, và tôi sẽ dùng mẩu thông tin quý báu này để giải quyết vấn đề của mình.
Kế hoạch của tôi là Shelly sẽ ngồi cùng bàn ăn trưa với tôi và hai đứa có thể cùng nhau đi lòng vòng một tí. Nếu theo cách đó, bất cứ khi nào Juli lởn vởn thì tôi chỉ việc đứng gần Shelly hơn chút xíu và để mọi việc cứ tự nhiên diễn ra thôi. Có điều, Shelly lại nghiêm trọng hoá mọi chuyện. Con bé đi khắp nơi rêu rao với mọi người - kể cả với Juli - rằng chúng tôi thích nhau.
Ngay lập tức Juli và Shelly lao vào đánh nhau, và trong lúc Shelly hồi phục sau vụ miêu chiến ây thì thằng mà tôi-cứ-tưởng-là-bạn-tốt, Garrett - quân sư quạt mo của cái kế hoạch này - đã đi nói hết với con bé về ý định của tôi. Thằng này lúc nào cũng chối đây đẩy nhưng tôi biết thừa, cái trò danh dự của nó cực dễ bị tha hoá bởi mấy đứa con gái mít ướt.
Buổi chiều hôm đó, cô hiệu trưởng đã thử thẩm vấn tôi nhưng tôi chẳng hé răng nửa lời. Tôi chỉ nói đi nói lại với cô rằng, tôi xin lỗi, và rằng tôi thực sự chả hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng thì cô cũng thả cho tôi đi.
Shelly khóc ròng, nhằng nhẵng theo tôi quanh trường, sụt sùi và làm cho tôi thấy tôi đúng là thằng khốn. Vụ này thậm chí còn mệt hơn cả vụ bị Juli ám.
Nhưng mọi chuyện chấm dứt sau một tuần, khi Shelly chính thức đá tôi và bắt đầu cặp với Kyle Larsen. Rồi Juli lại bắt đầu với màn mắt long-la-lóng-lánh rết-rền-rệt ấy, và tôi thì lại quay lại vạch xuất phát.
Lớp sáu thì có thay đổi nhưng có tốt hơn hay không thì cũng khó mà nói được. Chẳng nhớ hồi đó Juli có đuổi theo tôi hay không, nhưng tôi nhớ chắc chắn là con bé đó hít tôi.
Đúng vậy đấy, bạn không đọc nhầm đâu, tôi nói là "hít" đấy.
Và bạn có thể đổ tại thầy Mertins. Thầy dính chặt Juli vào tôi cứ như là keo Con Voi ấy. Chắc thầy Mertins phải có bằng tiến sĩ chuyên ngành xếp chỗ hay đại loại thế không chừng, vì thầy phân tích, nghiên cứu tỉ mỉ và nghiêm túc khi đặt tên cho những cái ghế mà chúng tôi phải ngồi. Và dĩ nhiên là thầy đã quyết xếp Juli ngồi ngay cạnh tôi.
Juli Baker là dạng đáng ghét vì nó luôn cố tỏ ra cho bạn thấy là nó thông minh. Lúc nào nó cũng là đứa giơ tay đầu tiên; lúc nào cũng trả lời dài dòng như cả một bài luận văn; lúc nào cũng nộp bài sớm và lúc nào bài vở của nó cũng được đem ra làm vũ khí chống lại cả lớp. Thầy cô lúc nào cũng phải giơ bài tập của nó lên và nói: "Cả lớp, đây mới đúng là những gì thầy cô mong muốn. Bài thế này mới xứng đáng được điểm A cộng". Gộp tất tần tật những gì nó làm vào điểm số vốn hoàn hảo, thì tôi thề là không có môn nào mà con bé lại không dồn đến 120 phần trăm sức lực của nó vào cả.
Nhưng sau khi thầy Mertins nhét Juli ngồi cạnh tôi, việc nó học giỏi đủ môn xa gần ấy lại trở nên thật nhất cử lưỡng tiện. Thấy không, không dưng mà những câu trả lời hoàn hảo của Juli, được viết thật mạch lạc, lại cách mình có mỗi một bước chân, chỉ cần phóng mắt sang. Bạn không thể tin được là tôi đã dòm được bao nhiêu câu trả lời từ con bé đâu. Tôi bắt đầu được điểm A và B ở tất cả các môn! Sướng thế chứ!
Nhưng rồi thầy Mertins lại chuyển chỗ. Thầy có ý tưởng mới gì mà để "thúc đẩy kinh độ và vĩ độ", và sau khi thầy khuấy đảo cả lớp thì tôi ngồi ngay trước Juli Baker.
Bây giờ là lúc bắt đầu vụ hít ngửi. Con bé thần kinh ấy bắt đầu nhoài người về phía trước và hít tóc tôi. Đúng là nó gí mũi vào da đầu tôi và hít-hít-hít.
Tôi đã thử chọc cùi chỏ và đá hậu. Tôi đã thử kéo ghế xích lên sát bàn hoặc để cặp ở giữa tôi và cái ghế. Hoàn toàn vô hiệu. Con bé đó lại xịch bàn lên theo hoặc nhoài xa hơn và hít-hít-hít.
Cuối cùng tôi xin thầy Mertins cho chuyển chỗ nhưng thầy không chịu. Lấy lý do là thầy không muốn phá hỏng sự cân bằng mong manh của các nguồn năng lượng giáo dục.
Sao cũng được. Tôi bị chết dí với cái trò hít ngửi của con bé. Và vì giờ tôi không thể nhòm được câu trả lời được viết nắn nót của nó nên điểm chác của tôi bắt đầu ngụp lặn. Đặc biệt là môn Đánh vần.
Thế rồi một lần, trong giờ kiểm tra, khi đang hít dở tóc tôi thì Juli nhận ra tôi vừa đánh vần sai một từ. Rất nhiều từ. Tự dưng vụ hít ngửi dừng lại và vụ thì thầm bắt đầu. Lúc đầu tôi không tin nổi. Juli Baker nhắc bài á? Nhưng chuẩn luôn, con bé đang đánh vần cho tôi, ngay đúng tai luôn.
Juli lúc nào cũng thậm thụt với vụ hít ngửi, điều đó khiến tôi phát điên lên vì chẳng ai biết là nó làm như thế cả, nhưng nó cũng thậm thụt nhắc bài cho tôi, cái này thì tôi thấy ổn. Điều tệ hại là tôi bắt đầu quen với việc con bé đánh vần giúp bên tai. Thì việc gì phải học nếu như bạn không cần, đúng không? Nhưng sau một thời gian, việc chép bài khiến tôi thấy mắc nợ con bé. Làm sao có thể bắt ai đó tránh ra hoặc đừng có hít ngửi bạn khi bạn mắc nợ người ta chứ? Bạn biết đấy, thế là sai.
Cả năm lớp sáu tôi bập bềnh giữa cảm giác không thoải mái và không vui, nhưng tôi cứ nghĩ rằng năm sau, rồi năm sau nữa, mọi thứ sẽ khác. Chúng tôi sẽ lên cấp hai - ở trường to hơn - lại khác lớp. Đó sẽ là một thế giới mà có rất nhiều người nên tôi không phải lo sẽ lại chạm mặt Juli Baker nữa. Rồi mọi rắc rối cuối cùng cũng sẽ chấm dứt.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Bên kia đường có đứa dở hơi.