• 1,372

Chương 563: Trì Tưởng Vị Lai (2)


Số từ: 4317
Nguồn: sstruyen.com
Thác Bạt Khuê và Sở Vô Hạ giục ngựa chạy lên một ngọn đồi nhỏ cách Bình Thành hơn mười dặm về phía đông nam. Mấy chục thân vệ phòng thủ bên dưới chân đồi.
Dưới chân đồi, vùng sơn dã trải rộng bao la, dưới ánh chiều tà còn sót lại, mặt đất mênh mông, ngút ngàn tầm mắt.
Thác Bạt Khuê đưa mắt nhìn dãy Thái Hành sơn xa xa ở phía đông, chạy cắt ngang nam bắc. Hắn than:
Rốt cuộc mùa xuân cũng tới rồi. Mùa xuân của Thác Bạt tộc ta cũng tới rồi.

Sở Vô Hạ vui mừng nói:
Hôm nay tâm tình Tộc chủ rất tốt.

Thác Bạt Khuê cười nhẹ:
Không phải rất tốt, mà là chưa từng tốt như bây giờ. Ta cũng nghĩ tới những việc mà trước đây không dám nghĩ một cách sâu xa.

Sở Vô Hạ mừng rỡ hỏi:
Tộc chủ đang nghĩ gì thế?

Thác Bạt Khuê trầm ngâm một lát, chừng như đang nghĩ xem nên trả lời Sở Vô Hạ thế nào. Trong đầu bỗng thoáng qua một ý niệm, hắn nói:
Ta đang nghĩ đến quốc đô trong tương lai.

Sở Vô Hạ ngạc nhiên:
Nô gia còn tưởng Tộc chủ đang suy nghĩ về tình hình chiến sự phát triển.

Thác Bạt Khuê mỉm cười:
Vào lúc Thôi Hoành lĩnh binh rời khỏi Bình Thành thì ta cũng phát sinh cảm giác đã nắm chắc thắng lợi trong tay. Từ nhỏ ta đã thích nghĩ về tương lai, ta tuyệt không cam tâm chỉ làm bá chủ một phương. Ta có một sứ mệnh thần thánh đối với Thác Bạt tộc của ta là lập lên một đế quốc lớn mạnh, thống trị thiên hạ sau Tấn Đế.

Hắn lại ung dung tiếp:
Nghĩ về tương lai cũng là một diệu pháp làm ta cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái hơn, khiến ta có thể thoát ra khỏi cục diện khốn đốn trước mắt, làm bản thân cảm thấy lạc thú rộng lớn vô hạn, quả thực vô cùng động lòng người.

Sở Vô Hạ đưa mắt nhìn hắn, lộ vẻ mê say, thở phù một hơi nói:
Tộc chủ đúng là một người siêu phàm.

Thác Bạt Khuê ngạo nghễ đáp:
Đúng như ta vừa nói, nếu chí hướng ta chỉ là uy bá một phương thì đi một bước nghĩ một bước, tuyệt không thể chỗ nào cũng nghĩ vì đại cục. Nhưng chí ta không chỉ dừng ở đó mà coi nhiệm vụ của mình là thống nhất thiên hạ, nhãn quang không những phải rộng hơn, mà còn phải vượt lên trên giới hạn của bản thân. Như vậy mới có thể thành công đại nghiệp bất hủ.

Sở Vô Hạ nói:
Tộc chủ nói làm thiếp cảm thấy hồ đồ rồi. Tộc chủ có giới hạn gì đâu? Thiếp không nhìn ra được.

Thác Bạt Khuê chỉ cười mà không nói gì.
Sở Vô Hạ không chịu, nhõng nhẽo:
Tộc chủ à!

Thác Bạt Khuê nhìn qua một lượt khu hoang dã xa gần, thản nhiên nói:
Bảo ta làm sao trả lời nàng đây? Vô Hạ mặc dù vô cùng thông minh, nhưng đối với chính trị lại là kẻ ngoại đạo, chẳng lẽ bắt ta phải tốn công phí sức giảng giải sao?

Sở Vô Hạ chuyển đề tài, hỏi:
Vậy Tộc chủ hãy cho muội biết quốc đô lý tưởng trong lòng là toà thành nào?

Rõ ràng là tâm tình Thác Bạt Khuê rất tốt, hắn cười nhẹ:
Vô Hạ hiếu kỳ đến thế, ta cũng đành thoả mãn lòng hiếu kỳ của nàng. Quốc đô lý tưởng nhất trong lòng ta chính là Lạc Dương.

Sở Vô Hạ ngây người thốt:
Không ngờ lại không phải là Bình Thành?

Thác Bạt Khuê càng nói càng hứng thú, hỏi:
Vô Hạ tại sao lại đoán là Bình Thành?

Sở Vô Hạ đáp:
Bình Thành gần biên cương phía bắc, có thể hô ứng lẫn nhau với căn cứ địa của Tộc chủ là Thịnh Nhạc, là địa điểm tốt để xây dựng thủ đô.

Thác Bạt Khuê gật đầu:
Một thời gian khá dài trong tương lai, Bình Thành vẫn là địa điểm thiết lập thủ đô lý tưởng, là cứ điểm ưu việt nhất để bình định phương Bắc. Nhưng nói như thế có nghĩa là Bình Thành chỉ là toà thành để dụng võ, Lạc Dương mới là thủ đô để thống trị.

Sở Vô Hạ hỏi:
Nói về quy mô, Bình Thành chẳng phải là không thể so sánh được với Lạc Dương sao? Vì sao về mặt dụng võ, Bình Thành lại ưu việt hơn so với Lạc Dương?

Thác Bạt Khuê đáp:
Nếu nhìn từ góc độ chiến lược quân sự thì Lạc Dương nằm ở khu bình nguyên nơi Hoàng Hà và Lạc Thủy giao nhau. Luận về giao thông quả là thông suốt bốn phương tám hướng, vô cùng thuận tiện. Nhưng nếu nói về hình thế địa lý thì lại là nơi dễ bị cô lập, lại nằm ở phía nam Hoàng Hà nên sẽ có khó khăn nhất định trong việc khống chế khu vực đất đai phì nhiêu ở Hà Bắc. Vì thế, tất phải sau khi củng cố quốc lực rồi mới có thể làm được.

Tiếp đó, hai mắt lấp lánh sáng bừng, tràn đầy vẻ sâu xa, thản nhiên tiếp:
Họ Thác Bạt Tiên Ti bọn ta là tộc tiến vào Trung Nguyên muộn nhất, nói về văn hoá thì lại càng lạc hậu rất xa. Đến ngày hôm nay, lấy được Bình Thành và Nhạn Môn bên trong Trường Thành làm cứ điểm, nhưng vẫn không thể bỏ được lối sinh hoạt trên lưng ngựa, không thể từ dân tộc du mục trở thành người định cư được.

Ngừng một lát, hắn lại tiếp:
Trong những ngày dùng vũ lực chinh Đông phạt Tây, phương thức sinh hoạt trên lưng ngựa rất phù hợp với phương thức chiến đấu của bọn ta, lại nuôi dưỡng tính cách hung hãn thiện chiến của bọn ta. Nhưng bọn ta có thể trên lưng ngựa mà đoạt được thiên hạ, lại không thể thống trị thiên hạ trên lưng ngựa được. Việc có thể trị vì được thiên hạ hay không, phải xem bọn ta có thể bỏ được hình thức du mục kiểu bộ lạc hay không, dung hợp với người Hán, mau chóng Hoa hoá. Nếu không, bất kể là vũ lực bọn ta lớn mạnh đến mức nào, cuối cùng cũng chỉ như hoa nở sớm tàn, không giữ được thịnh vượng lâu dài.

Sở Vô Hạ lộ vẻ cảm động, thành thực nói:
Vô Hạ chưa từng gặp người nào lại suy nghĩ sâu xa như Tộc chủ. Trước đây, người mà Vô Hạ sùng bái nhất chính là cha. Ông mặc dù đầy đầu kế hoạch, nhưng cũng chỉ giới hạn ở những việc trước mắt, không thể bì được tầm nhìn rộng lớn vô biên của Tộc chủ.

Thác Bạt Khuê làm như không nghe thấy những lời tán dương của nàng, hai mắt hắn lấp loáng ánh sáng kỳ dị, từ từ nói
Từ Bình Thành đến Lạc Dương chính là đại biểu cho sự quật khởi, hưng thịnh của tộc ta. Bình Thành suy cho cùng lệch về phương Bắc, lại chịu sự uy hiếp ngày càng mạnh của người Nhu Nhiên, nhưng Lạc Dương lại là trung tâm văn hoá chính trị từ thời Hán Tấn, vị trí gần phương Nam, về chính trị, văn hoá truyền thống đều ưu việt hơn Bình Thành rất nhiều. Điểm trọng yếu nhất là chỉ khi dời đô về Lạc Dương mới có thể tiến hành các cuộc cải cách cần thiết, tiến thêm một bước dung hợp với văn hoá Hoa Hạ.

Sở Vô Hạ không hiểu hỏi:
Tại sao chỉ khi dời đô mới có thể tiến hành cải cách và Hoa hoá?

Thác Bạt Khuê đáp:
Đó là tình huống tất nhiên sẽ nảy sinh khi giao thời giữa cái cũ và cái mới. Người cách tân luôn phải kiên trì vượt qua sự phản đối kịch liệt của thế lực truyền thống. Lấy Bình Thành làm kinh đô, so với việc lấy Thịnh Nhạc làm kinh đô thì phân biệt không nhiều, có thể dễ dàng thành công như nước đổ vào sông. Nhưng nếu dời đô về Lạc Dương thì sẽ gây ra biến hoá đến mức nghiêng trời lệch đất ở mọi mặt. Thế lực bảo thủ không những sẽ phản đối dời đô, mà còn phản đối Hoa hoá. Họ sợ là không thống trị được người Hán, lại bị người Hán đồng hoá, mất đi phong thái dân tộc cường mãnh mà chúng ta dùng để lập quốc. Vì thế, hiện giờ trong tộc những người có cách nhìn khác với ta vẫn chiếm đa số. Họ cho rằng dời về phía nam cũng giống như là bỏ rơi miền đất lành mà tổ tông đã cấp cho chúng ta, bỏ rơi văn hoá của mình, sẽ là lý do làm uy thế của chúng ta từ thịnh chuyển sang suy. Vì thế mà tráng cử dời đô chưa chắc đã hoàn thành bởi tay ta. Hà hà! Tại sao chúng ta lại tự nhiên nói đến chuyện đó?

Sở Vô Hạ dịu dàng đáp:
Lời Tộc chủ nói làm Vô Hạ vô cùng cảm động!

Thác Bạt Khuê bật cười:
Cảm động? Vô Hạ đã phát sinh hứng thú đối với chính trị sao?

Sở Vô Hạ đáp:
Vô Hạ không hề hứng thú đố với chính trị, nhưng đối với suy nghĩ của Tộc chủ lại rất hiếu kỳ, càng hiểu tại sao Tộc chủ lại lấy việc nghĩ về tương lai là một biện pháp hữu hiệu để làm bản thân cảm thấy thoải mái. Khi Vô Hạ nghe Tộc chủ nói cũng cảm thấy hồn nhiên quên hết ưu phiền, trong lòng cởi mở, quên cả chiến sự đang không ngừng cận kề trước mặt.

Thác Bạt Khuê lạnh lùng thốt:
Mộ Dung Thuỳ!

Sở Vô Hạ tràn đầy cảm xúc nói:
Tâm ý của Tộc chủ làm người ta không thể đo lường, càng khiến người bình thường không thể tưởng tượng được. Mỗi lần nhìn Tộc chủ trầm tư, trong lòng Vô Hạ đều sinh ra sơ hãi vì không biết Tộc chủ đang nghĩ gì.

Thác Bạt Khuê vô cùng hứng thú hỏi:
Vô Hạ sợ ta sao?

Sở Vô Hạ yêu kiều đáp:
Đương nhiên là sợ rồi. Sợ nhất là mất đi sự sủng ái của Tộc chủ đối với Vô Hạ. Khi đó thì Vô Hạ chỉ còn cách tự kết liễu tính mạng của mình. Không có sự bảo vệ chăm sóc của Tộc chủ thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa?

Thác Bạt Khuê cười nói:
Không nghiêm trọng thế đâu. Thật ra, người cảm kích là ta. Không có Phật tàng và Ninh tâm đan của nàng thì lần này hươu chết vào tay ai vẫn còn chưa biết. Nếu như ta có thể đánh bại Mộ Dung Thuỳ thì Vô Hạ sẽ chiếm công đầu đó.

Sở Vô Hạ hoan hỷ nói:
Vô Hạ thuộc về Tộc chủ nên đương nhiên sẽ dâng hiến tất cả những gì Vô Hạ có. Chỉ cần Tộc chủ cho Vô Hạ được thị hầu suốt đời thì Vô Hạ đã mãn nguyện rồi.

Thác Bạt Khuê trầm ngâm một lát rồi nói:
Phải chăng Vô Hạ tinh thông thuật luyện đan?

Sở Vô Hạ run người hỏi:
Tại sao Tộc chủ lại hỏi thế?

Thác Bạt Khuê không vui nói:
Trước tiên nàng hãy trả lời vấn đề của ta đã.

Sở Vô Hạ uỷ khuất cúi gằm đầu xuống, khẽ gật đầu.
Thác Bạt Khuê vui vẻ nói:
Vậy Vô Hạ có thể luyện cho ta một số Ninh tâm đan nữa không?

Sở Vô Hạ u oán đáp:
Để chế thành Ninh tâm đan có cùng công hiệu thì chỉ sợ chỉ có An Thế Thanh được xưng là Đan Vương mới có thể làm được. Nhưng bình Ninh tâm đan cuối cùng đã đưa cho Tộc chủ dùng rồi, không còn viên nào để đưa cho An Thế Thanh nghiên cứu hoả hậu cũng như thành phần của nó nên dù An Thế Thanh chịu xuất thủ thì cũng không cách nào hoàn thành nguyện vọng của Tộc chủ được.

Thác Bạt Khuê thất vọng hỏi:
Vậy thì nàng biết luyện chế những đan dược gì?

Sở Vô Hạ ngập ngừng đáp:
Thiếp chỉ biết luyện chế Ngũ thạch tán. Nhưng mà….

Thác Bạt Khuê ngắt lời:
Vậy thì nàng hãy luyện một ít Ngũ thạch tán cho ta dùng thử xem. Nếu như có triệu chứng không tốt thì ta sẽ lập tức không dùng nữa.

Sở Vô Hạ phản đối:
Tộc chủ!

Lần thứ hai Thác Bạt Khuê ngắt lời nàng ta, trầm giọng nói:
Cứ làm theo lời ta đi.

Hai mắt Sở Vô Hạ lộ thần sắc hối hận, nhưng không nói gì nữa vì nàng biết tính tình Thác Bạt Khuê. Một khi đã hạ quyết định thì không ai có thể thay đổi hắn được. Hắn cũng không cải biến được hắn, chỉ sợ Yến Phi cũng không thể làm được.
Lưu Mục Chi bước vào thư trai. Lưu Dụ đang bò ra bàn để thẩm duyệt các loại chiếu lệnh, văn thư chất đầy như núi. Nhìn bộ dạng gã là biết gã đang khổ sở vô cùng.
Lưu Dụ ngẩng đầu lên, than:
Ngồi đi! Ài! Mục Chi không thể thay ta xử lý cái đống quái quỷ đau đầu này sao?

Lưu Mục Chi đến ngồi một bên, cười nhẹ:
Thuộc hạ đã chọn lọc bớt đi nhiều cho đại nhân rồi đó. Chỗ này toàn là những văn thư bổ nhiệm không thể không để đại nhân xem qua. Mà đây mới chỉ là bước đầu, đại nhân cần chuẩn bị tâm lý mới được.

Lưu Dụ cười nhăn nhó:
Rất nhiều chỗ ta nhìn mà không biết, cần Mục Chi phải giải thích cho ta. Ài! Đến giờ ta mới hiểu tại sao chính trị của Kiến Khang lại là chính trị của cao môn đại tộc vì chỉ có bọn chúng mới có thể viết ra được cái đống quái quỷ này. Cũng chỉ có bọn chúng mới biết mình đang viết gì mà thôi.

Lưu Mục Chi không nhịn được, bật cười hỏi:
Đại nhân có chỗ nào không hiểu?

Lưu Dụ khổ não đáp:
Chỗ không hiểu nhiều lắm, thật không biết nên bắt đầu nói từ chỗ nào. Nhưng có một danh từ làm ta ấn tượng đặc biệt sâu sắc vì trong rất nhiều tấu chương văn thư đều có nói đến, đó là ‘thổ đoạn’.

Lưu Mục Chi động dung đáp:
Cái đại nhân chú ý chính là vấn đề quan trọng nhất của gần một trăm năm nay. Xem ra xúc giác về chính trị của đại nhân vô cùng mẫn tuệ.

Lưu Dụ ngạc nhiên hỏi:
Làm sao lại xảo hợp thế được? Mời tiên sinh giải thích cho ta đi?

Lưu Mục Chi trầm ngâm, dường như lão đang tính toán xem nên sử dụng từ ngữ như thế nào để làm Lưu Dụ dễ hiểu nhất. Một lát sau lão đáp:
Thời kỳ Nguỵ Tấn là thời kỳ biến động hỗn loạn, số ngày xấu hơn xa số ngày tốt, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó đã manh nha từ thời nhà Hán rồi. Từ thời Hán Vũ Đế đã bắt đầu phát triển mậu dịch, hàng hoá và tiền tệ được lưu thông mạnh mẽ. Nhưng tình hình đó bị đảo ngược vào thời Hán mạt, xã hội không những xuất hiện giai cấp có đặc quyền, lại còn phát sinh hiện tượng người dân không có đất ruộng. Nông dân mất hết ruộng đất càng ngày càng nhiều, từ nền kinh tế thương mại, sản xuất chuyển thành nền kinh tế trang viện.

Lưu Dụ gật đầu:
Giai cấp có đặc quyền đó chính là cao môn đại tộc ngày nay.

Lưu Mục Chi gật đầu đồng ý, tiếp tục nói:
Hoàng triều Nguỵ Tấn quyền lực phân tán, lại thêm chiến loạn liên miên. Mặt khác, Hồ tộc không ngừng xâm phạm làm tình hình càng thêm ác liệt. Nền chính trị của Nguỵ Tấn đã hình thành sự đối lập giữa sĩ tộc và hàn môn. Những địa chủ thuộc giới sĩ tộc có đặc quyền về chính trị, nhưng những địa chủ thuộc tầng lớp bình dân chính là cường hào. Hai tầng lớp này tuy đều có ruộng đất, nhưng do có sự bất bình đẳng về chính trị nên vẫn tồn tại mâu thuẫn gay gắt. Như cái loạn Thiên Sư đạo chính là sự phản kích của hào cường địa phương ở phương Nam đối với sĩ nhân cao môn.

Lưu Dụ thần sắc ngưng trọng, gật đầu:
Giờ ta đã thấy tính nghiêm trọng của vấn đề rồi.

Lưu Mục Chi tiếp tục:
Tính nghiêm trọng của vấn đề thực sự vượt xa sự thật rất nhiều. Bách tính bình dân do bị mất hết ruộng đất, lại bị bức phải chịu tô thuế nặng nề, đồng thời còn phải gánh thêm nạn lao dịch và bắt lính làm họ không còn đường sống, phải trở thành những kẻ làm ruộng thuê không khác nô lệ là mấy, không ít người còn bị bán vào nhà quan làm nô tỳ. Nhân khẩu nông gia thuộc diện quản lý của nhà nước không ngừng giảm mạnh, càng tước bớt lực lượng thống trị của triều đình. Trong tình hình dân không thể mưu sinh như vậy, các cuộc biến loạn, khởi nghĩa nhiều không kể xiết, nền kinh tế càng thêm tan hoang.

Lưu Dụ gật đầu:
Cái này thì ta biết. Ta sở dĩ đầu quân là vì quá bần cùng không có tấc đất cắm dùi, không còn đường nào khác.

Lưu Mục Chi lại tiếp:
Thế nên từ thời Vương Đạo trở đi đã tiến hành nhiều lần việc Thổ đoạn hoặc cải cách ruộng đất. Mục đích cuối cùng là muốn giải phóng ruộng đất và nông nô từ tay những người nắm giữ ruộng đất. Giờ thì đại nhân đã hiểu hoàn cảnh của mình. Cao môn đại tộc của Kiến Khang sợ nhất là lợi ích bị tổn hại, không thể giữ được đặc quyền và đất đai mà họ đã được hưởng bấy lâu nay. Vì thế khi An công thất thế, người ủng hộ Tư Mã Đạo Tử không nhiều vì Tư Mã Đạo Tử quá hủ bại, lại chỉ nghĩ cho lợi riêng, nên nhiều người phản đối lão. Hoàn Huyền có thể có được sự ủng hộ của cao môn Kiến Khang đều vì hắn và họ đều cùng một loại, bảo vệ lẫn nhau.

Thần sắc Lưu Dụ càng nặng nề, trầm giọng:
Không lạ sao cao môn Kiến Khang lại hoài nghi ta đến thế. Nhưng họ hoài nghi cũng đúng vì hiện giờ ta đang hận không thể lập tức thay đổi toàn bộ tình hình bất công này.

Lưu Mục Chi can ngăn:
Điều cao môn Kiến Khang sợ nhất là đại nhân sẽ kế tục An công tiến hành cải cách ruộng đất vì đại nhân xuất thân từ tầng lớp bình dân, không như An công bản thân là một phần tử của cao môn. Do đó nếu đại nhân tiến hành cải cách thì sẽ tiến hành một cách triệt để, thiệt hại đối với lợi ích của cao môn càng nặng nề.

Lưu Dụ đau đầu hỏi:
Ta nên làm thế nào?

Lưu Mục Chi đáp:
Việc cải cách ruộng đất tất phải tiến hành, nếu không thì làm sao ăn nói với nhân dân? Nhưng cần nắm chính xác cách dùng lực nặng nhẹ, cải cách nông sâu thế nào mới có thể được đại bộ phận cao môn thế tộc ủng hộ. Nếu đại nhân hy vọng cải cách triệt để thì đại nhân sẽ trở thành công địch của cao môn Kiến Khang, phương Nam sẽ biến thành chia năm xẻ bảy, triều đình cũng sẽ tan vỡ.

Lưu Dụ hỏi:
Thế chẳng phải là tiến thoái lưỡng nan sao? Ta quyết định phải kế tục chí hướng của An công tiến hành cải cách, nhưng cải cách lại làm đại bộ phận cao môn phản cảm. Ta phải xử lý làm sao?

Lưu Mục Chi đáp:
Đó chính là cách diễn tả chính xác nhất hoàn cảnh hiện nay của đại nhân. Biện pháp giải quyết chỉ có một, đó là phải thanh trừ lực lượng phản đối đại nhân, cho tới khi không một ai dám dị nghị gì nữa. Lời đại nhân nói ra, mệnh lệnh hạ xuống thì bất luận thế tộc hào cường đều phải thõng tay nghe lệnh.

Lưu Dụ hít vào một hơi khí lạnh hỏi:
Cái gì?

Lưu Mục Chi đáp:
Nói về đánh trận thì đại nhân hơn xa thuộc hạ. Sau khi giết chết Hoàn Huyền thì chiến tranh vẫn sẽ tiếp tục, lại mở rộng đến mọi ngóc ngách của phương Nam. Đó là một cuộc chiến theo hình thức khác, nhưng cũng bao gồm cả chiến tranh theo nghĩa thực. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến này, cũng cần phải có chiến lược và sự bố trí thật tốt, không thể gây mối thù địch quá nhiều, để cho sự tương phản ta địch phải thật chênh lệch. Chúng ta phải có lực lượng vũ trang lớn mạnh làm hậu thuẫn, lại phải phối hợp xảo diệu với thủ đoạn chính trị. Như thế mới có thể hy vọng cải cách thành công.

Lưu Dụ thở ra một hơi, than:

Ài! Ta nguyện đối mặt với thiên quân vạn mã ngoài chiến trường chứ không muốn bị cuốn vào vòng xoáy này.

Lưu Mục Chi đỡ lời:
Đại nhân tuyệt không thể lùi bước. Đại nhân là tia nắng bình minh đầu tiên sau một thời gian dài tăm tối, là hy vọng mới của dân chúng. Nếu đại nhân từ bỏ cải cách thì sẽ mất đi sự ủng hộ của dân chúng.

Lưu Dụ nghĩ đến Giang Văn Thanh, nghĩ việc nàng đã mang thai hài tử của mình. Gã cũng nghĩ đến Nhậm Thanh Thị, liền nhăn nhó gật đầu:
Ta chỉ nói thế để phát tiết nỗi khổ trong lòng thôi mà. Ta đương nhiên sẽ không lùi bước.

Lưu Mục Chi nói:
Khi đã làm thì đại nhân và cao môn Kiến Khang sẽ rơi vào thế đối lập. Họ tuyệt không tin tưởng đại nhân, mà việc chúng ta cần làm đầu tiên là tranh thủ sự ủng hộ của những người có chí trong số họ. Có thể dự đoán kể cả khi diệt trừ được Hoàn Huyền thì người phản đối vẫn tiếp tục xuất hiện. Họ đều là những người tinh thông việc đùa giỡn chính trị, không bao giờ minh đao minh thương đến đánh sống chết với đại nhân mà chỉ sử dụng âm mưu thủ đoạn. Ví dụ như phân hoá những tướng lĩnh có dị tâm của đại nhân. Thường nói ‘ám tiễn khó phòng’, đại nhân tuyệt không thể coi thường.

Lời lão nói làm Lưu Dụ nhớ lại Nhậm Thanh Thị. Công dụng lớn nhất của nàng chính là làm
ám tiễn
biến thành
minh tiễn
, khiến gã biết phải làm sao để đề phòng và phản kích.
Lưu Mục Chi nói rất đúng. Chiến tranh tuyệt không kết thúc theo cái chết của Hoàn Huyền, mà đấu tranh vẫn tiếp tục. Lập nghiệp đã khó, nhưng để giữ được thành quả lại càng khó hơn.
Lưu Mục Chi nói:
Đấu tranh chính trị là một trường đấu tranh ngươi chết ta sống, không có tình người gì để nói. Vì thế, đại nhân cần hiểu rõ hoàn cảnh của mình, làm những việc cần làm.

Lưu Dụ trầm ngâm một lúc. Khi gã nhìn sang Lưu Mục Chi thì hai mắt sáng quắc như điện, gật đầu:
Ta vô cùng cảm kích Mục Chi đề tỉnh. Không biết tại sao, sau khi đến Kiến Khang, ta tuy có thời gian thanh tĩnh, nhưng đại bộ phận thời gian ta đều thấy mơ mơ hồ hồ, giống như đang ngủ mơ vậy.

Lưu Mục Chi cười nói:
Đó là vì toàn bộ tinh thần của đại nhân để hết vào cuộc chiến với Hoàn Huyền rồi. Nếu như đại nhân có thể tự thân đến chiến trường thì tâm tình của đại nhân sẽ khác nhiều.

Lúc này, Tống Bi Phong tiến vào. Đến bên Lưu Dụ, lão thấp giọng nói:
Nhậm hậu truyền tin lại. Nàng hy vọng tối nay được gặp đại nhân.

Lưu Dụ thầm nghĩ Nhậm Thanh Thị chủ động ước kiến gã, khẳng định là có việc quan trọng. Gã gật đầu ra hiệu đồng ý.
Vào thời khắc này, gã cảm nhận sâu sắc rằng không còn cách nào khác, gã đã bị cuốn vào cuộc đấu tranh chính trị đầy sóng gió và vô cùng hiểm ác của Kiến Khang rồi.
Chú thích:
Hoa Hạ: Là tên chỉ Trung Hoa hay nền văn hóa Trung Hoa. Có nhiều giả thuyết về xuất xứ của từ Hoa Hạ. Theo chúng tôi nó là chỉ bộ tộc Hoa và bộ tộc Hạ thời cổ đại. Nếu bạn nào muốn bàn luận thêm về vấn đề này, xin mời liên hệ lại.
Cắt/chia đất.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Biên Hoang Truyền Thuyết.