• 501

Mở đầu: Năm 1975


Số từ: 4650
Người dịch: Nguyễn Kim Ngọc
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
CHUYẾN TÀU SÁNG PHÌNH CỨNG KHÁCH lăn bánh chậm dần, rồi bất thần lao về phía trước, như thể sắp lấy lại tốc độ tối đa. Khoảnh khắc lừa phỉnh ngắn ngủi của con tàu khiến toàn bộ hành khách một phen rúng động. Cả búi người đang bấu víu ngoài cửa phồng ra, nom phát sợ, hệt như một cái bong bóng xà phòng đã căng hết sức.
Bên trong toa tàu, Maneck Kohlah bám vào thanh ngang trên đầu, đứng vững vàng giữa đám đông chật như nêm. Cậu bỗng cảm thấy khuỷu tay ai đó huých mấy cuốn sách bật khỏi tay mình. Ở mấy ghế gần đấy, một cậu trai trẻ gầy nhom lao dúi dụi vào vòng tay người đàn ông đối diện. Mấy cuốn sách của cậu rơi vào người họ.

Au!
Bị cuốn giáo trình tập một nện vào lưng, cậu trai kêu oai oái.
Vừa cười, hai bác cháu vừa đẩy nhau ra. Ishvar Darji[1], người đàn ông có bên má trái méo mó, đỡ cháu rời khỏi lòng mình và ngồi lại xuống ghế.
Cháu có sao không, Om?


Lưng cháu bị lõm tí thôi, còn thì ổn cả.
Omprakash Darji nói, đoạn cúi xuống nhặt hai cuốn sách bọc giấy nâu. Cậu khệ nệ nâng chúng lên bằng cả hai bàn tay khẳng khiu và nhìn quanh để xem ai vừa đánh rơi.
Maneck vội nhận lại. Chỉ hình dung hai cuốn sách giáo khoa nặng trịch giáng xuống cái sống lưng mỏng mảnh kia cũng đủ khiến cậu rùng mình. Cậu bỗng nhớ đến con chim sẻ từng bị cậu chọi đá chết, từ lâu rồi; sau lần đó, cậu cứ thấy lờm lợm.
Cậu cuống quýt xin lỗi:
Tôi xin lỗi, mấy cuốn sách tuột ra và…


Đừng ngại,
Ishvar ngắt lời.
Có phải lỗi của cậu đâu.
Đoạn ông quay sang cháu:
May mà không bị ngược lại, nhỉ? Giá bác mà ngã vào người mày, chắc mày đến gãy xương chứ chả chơi.
Họ lại cười ồ lên, Maneck cũng cười, để trợ lực cho lời xin lỗi của mình.
Thân hình Ishvar Darji cũng chẳng phương phi gì, song sự đối lập của nó với những bắp thịt nhẳng cù nheo của Omprakash đã khơi mào cho lời bông đùa giữa hai bác cháu về cân nặng của ông bác. Những lời châm chọc khi thì nảy ra từ miệng người này, lúc thì bật từ miệng người kia. Khi họ ăn bữa tối, Ishvar luôn cố sẻ phần hơn vào chiếc đĩa men của thằng cháu. Lúc tạt vào một quán ăn ven đường, ông chỉ rình đến lúc Omprakash đi uống nước hoặc vào nhà xí là vội gạt một phần thức ăn của mình sang đĩa bên cạnh.
Lỡ Omprakash có nói gì, Ishvar mắng át đi ngay:
Đến lúc bác cháu ta về làng, bà con họ hàng sẽ nói sao đây? Rằng lên thành phố, bác bỏ đói thằng cháu và chén sạch thức ăn hả? Ăn đi, ăn đi! Bác phải vỗ béo mày mới được, không thì còn đâu danh tiếng của bác nữa!


Bác lo gì chứ,
Omprakash đá lại.
Chỉ cần danh tiếng của bác to bằng phân nửa người bác, cháu tưởng cũng đủ mát mặt lắm rồi.

Dẫu vậy, cơ thể Omprakash vẫn bất chấp mọi nỗ lực của ông bác và giữ nguyên hình hài của một que tăm. Số kiếp của hai bác cháu cũng vậy, cứ mãi mang một bộ mặt nghèo nàn đói rách, và cái ngày được rạng mày rỡ mặt trở về làng vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời.
Con tàu đi về phía nam lại chạy chậm dần. Cùng một tiếng xì hơi, các thanh ghi lạch xạch dừng hẳn. Tàu đang đỗ giữa đường. Ống phanh hơi vẫn còn thở phì phò mất một lúc rồi mới ngưng bặt.
Omprakash ghé mắt nhìn qua cửa sổ để xem họ dừng ở đâu. Những mái lều lụp xụp nằm phía xa xa bên kia hàng rào đường sắt, chảy dọc theo đó là một mương nước đen ngòm. Lũ trẻ đang chơi trò gì đó với mấy cây gậy và vài cục đá. Một chú chó nhỏ hớn hở nhảy nhô nhảy nhếch xung quanh, cố nhập bọn với chúng. Ngay gần đấy, một người đàn ông đang xoay trần vắt sữa cho bò. Đây có thể là bất cứ đâu.
Mùi phân đốt cay xè tràn về phía con tàu. Ngay ở phía trước, một đám người đã bu lại gần đường giao cắt. Vài người còn nhảy hẳn xuống và bắt đầu đi bộ dọc đường ray.

Mong sao ta đến kịp,
Omprakash nói.
Nhỡ có người đến trước là bác cháu mình toi luôn đấy.

Maneck Kohlah hỏi họ còn phải đi xa nữa không. Ishvar nói tên ga.
Ô, tôi cũng xuống đấy,
Maneck ồ lên, ngón tay mân mê mấy sợi ria mép lơ thơ.
Hi vọng nhìn thấy một chiếc đồng hồ đeo tay, Ishvar đưa mắt quét khắp rừng cánh tay đang giơ lên trần.
Có ai biết mấy giờ rồi không?
Ông quay lại hỏi một người đứng phía sau. Anh này kéo tay áo xuống một cách điệu nghệ, để lộ ra chiếc mặt đồng hồ: chín giờ kém mười lăm.

Nào, hô, đi tiếp đi chứ!
Omprakash kêu lên, tay vỗ bành bạch xuống khoảng ghế giữa đùi mình.

Không ngoan bằng lũ bò thiến ở làng mình, nhỉ?
Bác cậu nói. Nghe thế, Maneck cười phá lên. Ishvar đế thêm rằng quả thực, từ hồi ông còn bé tí, làng họ chưa thua một cuộc đua xe bò nào mỗi khi có hội thi.

Cứ tống cho con tàu này một liều thuốc phiện là nó chạy nhanh như bò ngay,
Omprakash nói.
Một người bán lược luồn lách giữa khoang tàu chật cứng, tay gảy liên hồi lên hàng răng nhựa của chiếc lược to đùng. Ai nấy đều quay ra càu nhàu rủa xả, khó chịu vì sự xuất hiện của anh ta.

Ê!
Omprakash vội kêu lên để thu hút sự chú ý của anh ta.

Dây buộc tóc nhựa, siêu dai siêu bền, kẹp tóc nhựa, hình hoa, hình bướm, lược màu, không bao giờ gãy.
Người bán lược rao bằng giọng đều đều kém mặn mà, chừng như không chắc đó là một khách hàng thực sự, hay chỉ là trò giết thì giờ của một gã hay đùa.
Lược lớn lược bé, lược hồng, lược cam, hạt dẻ, xanh lục, xanh lơ, vàng… không bao giờ gãy.

Omprakash đưa lên tóc chải thử một lượt mấy chiếc rồi chọn một cái màu đỏ, loại nhét vừa túi. Cậu thọc tay vào quần và lôi ra một đồng xu. Người bán lược phải ăn đủ những cái huých vai, thúc cùi chỏ thô bạo trong khi loay hoay tìm tiền trả lại. Anh ta lấy tay áo chùi sạch dầu tóc bám trên những chiếc lược không được chọn rồi cất trở lại túi xách, nhưng vẫn giữ trong tay chiếc lược răng kép to kếch để có thể tiếp tục luồn lách êm thấm giữa khoang tàu đông nghịt.

Thế cái lược vàng của mày đâu rồi?
Ishvar hỏi.

Gãy đôi rồi ạ.


Sao mà gãy?


Cháu để ở túi quần sau, rồi lỡ ngồi lên.


Ai lại để lược ở đấy bao giờ! Lược là để dành cho đầu, Om ạ, chứ đâu phải để cho mông.
Ông luôn gọi cậu cháu là Om, chỉ khi nào cáu lên, ông mới gọi hẳn tên Omprakash.
Ông day day cằm Omprakash. Nhiều lúc, tuổi tác của đôi bên – bốn mươi sáu và mười bảy – dễ khiến người ta hiểu nhầm về mối quan hệ thực sự giữa hai bác cháu.
Cười lên đi, Om. Cái miệng cau có của mày thật chẳng hợp với kiểu tóc người hùng này tí nào.
Ông nháy mắt với Maneck để kéo cậu vào trò đùa.
Nhìn mớ tóc bồng bềnh này, chả khối cô chết mê chết mệt mày ấy chứ. Nhưng đừng lo, Om ạ, bác sẽ chọn cho mày một cô vợ ra trò. Một cô to vâm, khỏe mạnh, có đủ da thịt cho cả hai người.

Omprakash nhe răng cười và tự thưởng cho mái tóc mình vài đường chải chuốt bằng chiếc lược mới mua. Đoàn tàu vẫn không tỏ vẻ gì là sẽ chuyển bánh. Những người vừa lang thang bên ngoài đã trở lại với cái tin rằng người ta vừa tìm thấy một cái xác ngay cạnh đường ray, gần chỗ giao cắt. Maneck cố nhích dần về phía cửa để nghe ngóng. Chết kiểu này vừa nhanh, vừa gọn, cậu nghĩ bụng, miễn là tàu phải tông thẳng vào người.

Chắc vụ này có liên quan gì đó đến Tình trạng khẩn cấp,
ai đó lên tiếng.

Cái gì khẩn cấp cơ?


Thủ tướng mới phát biểu trên đài sáng sớm nay. Rằng nước ta đang gặp mối đe dọa từ bên trong gì đó.


Dào, lại thêm một trò mèo của chính phủ thôi.


Sao ai muốn chết cũng nhất quyết đòi đâm đầu vào tàu hỏa thế nhỉ?
Một người khác cằn nhằn.
Chẳng biết nghĩ cho những người như chúng ta gì cả. Giết người, tự tử, chết vì mấy trận khủng bố của bọn phiến quân Naxal, chết trong phòng giam của cảnh sát, cái quái gì cũng làm chậm tàu hết. Còn thuốc độc, nhảy lầu, rồi dao nữa đấy, sao không dùng?

Cuối cùng, tiếng gầm rú được mong chờ từ lâu cũng vang dậy, khuấy động suốt mấy toa tàu, cả dải xương sống thép của đoàn tàu rùng rùng chuyển mình. Niềm vui khiến khuôn mặt các hành khách tươi tỉnh hẳn. Khi những toa tàu bò qua đường giao cắt, ai nấy đều cố nghển cổ lên để xem nguyên nhân gây ra sự chậm trễ vừa qua. Ba cảnh sát mặc sắc phục đứng bên cạnh cái xác được che đậy vội vã, đang chờ đợi cuộc chu du đến nhà xác. Vài hành khách khẽ chạm lên trán hoặc chắp hai tay lại và lầm rầm khấn:
Ram
, ram
.

Maneck Kohlah ngồi xuống sau lưng hai chú cháu, họ xuống sân ga cùng nhau.
Xin lỗi,
cậu nói, đoạn lấy trong túi ra một lá thư.
Tôi mới lên thành phố lần đầu, cậu và bác làm ơn chỉ đường cho tôi tới địa chỉ này được không?


Cậu hỏi nhầm người rồi,
chưa cần đọc giấy, Ishvar đã đáp luôn.
Chúng tôi cũng mới lên đây thôi.

Nhưng Omprakash đã kịp liếc nhìn lá thư và kêu lên:
Ô, cũng là nhà ấy đấy!

Ishvar vội lôi từ trong túi mình ra một mảnh giấy nhàu nát và so thử. Cháu ông nói đúng, giống hệt: Dina Dalal, tiếp đến là địa chỉ.
Omprakash đột nhiên đổi giọng thù địch:
Sao cậu lại đến nhà cô Dina Dalal? Cậu là thợ may à?


Tôi? Thợ may gì? Không, cô ấy là bạn của mẹ tôi.

Ishvar bèn vỗ vai cháu.
Thấy chưa, cháu chỉ sợ bóng sợ gió thôi. Đi nào, ta đi kiếm nhà đó đi!

Maneck không hiểu hai bác cháu nói thế là có ý gì, mãi đến khi ra khỏi ga, Ishvar mới giải thích:
Chả là, tôi và Om là thợ may. Cô Dina Dalal rao có việc cho hai thợ, nên chúng tôi đến xin làm.


Cậu tưởng tôi đến đấy để cướp việc của cậu, phải không?
Maneck mỉm cười.
Đừng lo, tôi chỉ là sinh viên thôi. Mẹ tôi và cô Dina Dalal từng học cùng trường. Cô ấy cho tôi ở trọ vài tháng, vậy thôi.

Họ hỏi đường một người bán trầu cau, rồi đi theo con phố đã được mách. Omprakash vẫn chưa hết nghi ngờ.
Cậu bảo sẽ ở với cô ấy vài tháng, thế đồ đạc, của nả của cậu đâu hết rồi? Sao chỉ mang mỗi hai cuốn sách thế này?


Hôm nay tôi chỉ đến gặp cô ấy thôi. Tháng sau tôi mới chuyển đồ từ kí túc xá vào.

Họ gặp một người ăn mày nằm phủ phục trên cái bệ gỗ nhỏ có gắn bánh xe, giúp nâng ông ta lên cao hơn mặt đất độ dăm phân. Các ngón giữa cùng ngón cái của ông đã chẳng còn, mà đến hai chân cũng cụt đến tận mông.
Ới chú ơi, cho lão xin một xu[2]!
Ông kêu, hai bàn tay băng bó chằng chịt lắc lắc cái ống bơ thiếc.
Ới chú ơi! Làm ơn làm phước cho lão một xu!


Từ lúc lên thành phố đến giờ, bác chưa thấy ai thảm bằng người này,
Ishvar nói, hai người kia cũng gật đầu đồng tình. Omprakash bèn dừng lại để thả một xu vào bơ.
Họ băng qua đường và hỏi lại hướng đi.
Tôi đã sống ở đây được hai tháng rồi,
Maneck nói,
nhưng thành phố này vừa to vừa lộn xộn. Chỉ có mấy phố lớn may ra tôi còn nhận mặt được. Còn các ngõ nhỏ trông cái nào cũng như nhau.


Bọn tôi còn lên đây được sáu tháng rồi kia, mà cũng có hơn gì cậu đâu. Hồi mới tới, hai bác cháu cứ gọi là rối tinh rối mù hết cả. Lần đầu tiên còn chả lên nổi tàu, phải bị lỡ đến hai, ba chuyến rồi bọn tôi mới học được cách chen đấy.

Maneck nói mình ghét nơi này, và chỉ mong đến lúc được trở về miền núi quê nhà vào năm sau, khi cậu đã tốt nghiệp khóa học.

Bác cháu tôi cũng chỉ lên đây một thời gian ngắn thôi,
Ishvar nói.
Kiếm ít tiền rồi lại về làng. Thành phố to thế này thì được tích sự gì? Vừa ồn vừa đông, chả biết ở chỗ nào, nước thì hiếm, đâu cũng thấy rác. Sợ thật.


Làng tôi cách đây xa lắm,
Omprakash tiếp lời.
Muốn về đến nơi cũng phải mất nguyên một ngày đi tàu, từ sáng sớm đến tối đêm.


Nhưng kiểu gì chúng tôi cũng về,
Ishvar nói.
Chẳng đâu bằng ở nhà mà lị.


Nhà tôi ở phía bắc,
Maneck nói.
Phải mất một ngày đêm, với thêm một ngày nữa, mới tới nơi. Ở đấy, đứng cửa sổ mà nhìn ra còn thấy cả đỉnh núi tuyết phủ đấy.


Gần làng tôi có một con sông chảy qua,
Ishvar kể.
Nước sáng lấp lánh, sóng hát rì rào. Cảnh đẹp lắm.

Trong chốc lát, họ chỉ lặng lẽ bước đi, chìm đắm trong nỗi tương tư quê nhà. Omprakash phá vỡ bầu không khí im lặng bằng cách chỉ vào một quầy bán nước dưa hấu.
Trời nóng thế này mà được một cốc kia thì sướng phải biết!

Người bán hàng cầm chiếc muôi đưa vào bình, khuấy động những viên đá đang bập bềnh giữa một biển nước màu đỏ sậm.
Ta vào làm vài cốc đi,
Maneck rủ.
Trông ngon quá.


Bác cháu tôi xin phép,
Ishvar vội nói.
Chúng tôi ăn sáng vẫn còn no.
Omprakash lập tức xóa bỏ mọi dấu hiệu thèm khát trên khuôn mặt mình.

À vâng,
Maneck đáp vẻ băn khoăn, đoạn cậu gọi một cốc đại. Cậu nhìn hai người thợ may đứng đó, mắt nhìn lảng đi, không dám hướng vào cái bình đầy cám dỗ hay cốc nước mát lạnh trên tay cậu. Cậu thấy khuôn mặt mệt mỏi của họ, thứ quần áo tồi tàn họ mang trên người cùng đôi dép lê mòn vẹt.
Cậu uống nửa cốc rồi nói:
Tôi no quá. Bác với cậu uống giúp nhé?

Cả hai đều lắc đầu.

Bỏ đi thì phí quá.


À, vậy thì được,
Omprakash nói và cầm lấy cốc nước. Cậu uống vài hớp rồi đưa cho bác.
Ishvar tu một hơi cạn sạch rồi trả cốc lại cho người bán.
Ngon thật,
ông nói, mặt tươi tỉnh khoan khoái.
Cậu tốt quá, lại còn cho chúng tôi uống cùng nữa. Nước mát lắm, cảm ơn cậu.
Cháu ông cau mày nhìn bác, chừng như để ghìm bớt sự hưng phấn của ông.
Chỉ chút nước quả mà họ đã cảm kích đến vậy, Maneck thầm nghĩ, những con người này thèm khát một cử chỉ tử tế biết bao.
Trên cánh cửa hành lang có một tấm biển đồng đề: Ông bà Rustom K. Dalal, những con chữ dày hẳn lên sau bao năm trời bị ôxy hóa. Dina Dalal ra mở cửa và nhận lấy mẩu giấy nhàu nát có chữ viết tay của chính mình.

Các anh là thợ may?


Phải, thưa cô,
Ishvar hăng hái gật đầu. Được bà chủ mời, cả ba người bước vào hành lang và đứng ngượng nghịu.
Hành lang này từng có thời là một mái hiên mở, đã được cải tạo thành một căn phòng từ khi người chồng quá cố của Dina Dalal vẫn còn bé: Cha mẹ anh muốn biến nó thành phòng chơi để đỡ cho căn nhà chật. Mái cổng ốp gạch tì lên một ô cửa sổ lắp chấn song sắt.

Nhưng tôi chỉ cần hai thợ thôi,
Dina Dalal nói.

Xin lỗi cô, cháu không phải là thợ may. Tên cháu là Maneck Kohlah.
Cậu bước lên từ phía sau Ishvar và Omprakash.

Ô, hóa ra cháu là Maneck hả? Chào cháu! Xin lỗi cháu, cô không nhận ra ngay. Cũng đã lâu lắm rồi cô không gặp mẹ cháu, mà cháu thì cô đã thấy mặt bao giờ đâu.

Cô để hai người thợ may lại ngoài hành lang và dẫn cậu vào căn phòng phía trong.
Cháu ngồi đây đợi cô nhé, để cô nói chuyện với hai người kia một chút đã.


Vâng.

Maneck săm soi những thứ đồ đạc nghèo nàn quanh mình: cái ghế sô pha tồi tàn, hai cái ghế tựa lót miếng nệm xơ tướp, cái bàn uống trà xước chằng xước chịt, cái bàn ăn phủ một tấm vải giả da nứt nẻ bạc phếch. Chắc chắn cô ấy không sống ở đây, cậu tự nhủ, có lẽ đây là cửa hàng của gia đình, hoặc nhà ở tạm thôi. Cả mấy bức tường đều đói sơn trầm trọng. Cậu bèn bày một trò chơi với mấy vết vữa lở, vờ như đó là những đám mây. Cậu tưởng tượng ra những hình động vật, những quang cảnh. Chó bắt tay nhau. Diều hâu bổ nhào từ trên không xuống. Người chống gậy leo núi.
Ngoài hành lang, Dina Dalal đưa tay lên vuốt mái tóc đen nhánh, chưa hề bị xâm lăng bởi chút sắc bạc nào, và hướng sự chú ý của mình sang hai người thợ may. Ở tuổi bốn mươi hai, vầng trán cô vẫn nhẵn mịn, và mười sáu năm ròng phải gồng mình để tự chống chọi với đời cũng không làm đanh cằn nhan sắc đã từng khiến các bạn bè của anh trai cô phải ra sức ganh đua để lấy le với người đẹp.
Cô hỏi tên và kinh nghiệm may vá của họ. Hai người khẳng định mình thông thạo mọi thứ về trang phục phụ nữ.
Chúng tôi có thể lấy số đo trực tiếp trên người khách và may mọi kiểu dáng mà cô cần,
Ishvar đáp với giọng tự tin. Ông giành hết phần nói năng về mình, trong khi Omprakash chỉ gật đầu cho qua chuyện.

Với công việc này, sẽ chẳng có khách hàng nào để đo đạc cả,
cô giải thích.
Chỉ may đúng theo mẫu vẽ trên giấy là được. Mỗi tuần các anh sẽ phải may khoảng hai, ba chục mẫu, tùy theo nhu cầu của công ty, kiểu cách phải giống hệt nhau.


Chuyện vặt,
Ishvar đáp.
Nhưng chúng tôi sẽ làm.


Thế còn cậu thì sao?
Cô hỏi Omprakash, lúc ấy vẫn giữ một cái nhìn dửng dưng.
Nãy giờ cậu chẳng nói năng gì cả.

Thằng cháu tôi chỉ mở mồm khi có chuyện không hài lòng thôi,
Ishvar vội đỡ lời.
Nó cứ im thế là tốt đấy.

Cô thích khuôn mặt Ishvar, kiểu mặt khiến người đối diện cảm thấy an tâm và khích lệ họ mở miệng. Nhưng hẵng còn cậu trai kiệm lời kia, kẻ khiến từ ngữ cũng phát sợ mà lủi đi đâu hết. Cằm cậu ta hơi nhỏ so với các nét khác, mặc dù khi cậu nở nụ cười, dường như cả khuôn mặt lại trở nên hài hòa.
Cô nêu rõ điều kiện công việc: Họ sẽ phải mang máy may của mình đến đây; mọi sản phẩm may đều được khoán gọn.
Càng may được nhiều, các anh càng kiếm được nhiều tiền,
cô nói, Ishvar cho thế là công bằng. Mức thù lao sẽ được ấn định tùy theo độ phức tạp của từng mẫu vẽ. Thời gian làm việc là từ tám giờ sáng đến sáu giờ tối – ít hơn thì không được; còn nếu họ muốn làm thêm giờ, rất hoan nghênh. Thêm nữa, trong khi làm việc không được hút thuốc, hay nhai trầu.

Bọn tôi không chỉ nhai trầu thôi đâu,
Ishvar nói.
Thỉnh thoảng hứng lên, bọn tôi còn hút cả thuốc lá cuốn nữa.


Vậy các anh sẽ phải ra ngoài hút.

Điều kiện như thế là chấp nhận được.
Địa chỉ cửa hàng của cô là gì?
Ishvar hỏi.
Chúng tôi sẽ mang máy đến đâu?


Ở đây. Tuần sau khi các anh trở lại, tôi sẽ chỉ cho các anh chỗ kê máy, ở phòng trong.


Vâng, cảm ơn cô, thứ Hai tới nhất định chúng tôi sẽ đến.

Họ vẫy tay chào Maneck khi ra về.
Hẹn gặp lại cậu sau nhé.


Vâng,
Maneck đáp và vẫy tay chào lại. Nhận thấy vẻ dò xét lướt qua mặt Dina Dalal, cậu bèn kể lại cuộc chạm trán giữa đôi bên trên tàu hỏa.

Cháu nên cẩn thận khi bắt chuyện với người lạ,
cô nói.
Ai mà biết được đó là hạng người nào. Chỗ này đâu phải ngôi làng nhỏ trên núi của cháu.


Trông họ cũng dễ mến mà.


À, ừ,
cô đáp, cố nén lại những lời nhận xét của mình. Sau đó, cô lại xin lỗi vì tưởng nhầm cậu là thợ may.
Lúc đấy cô nhìn cháu không rõ, vì cháu đứng khuất sau lưng hai người kia, mà mắt cô lại hơi kém.
Mình ngốc thật, cô tự nhủ, sao mình có thể nhầm cậu bé dễ thương này là một anh thợ may chân đất mắt toét cơ chứ. Mà nom người ngợm cậu ta dẻo dai thật. Ắt hẳn là nhờ thứ không khí miền núi nổi tiếng mà người ta vẫn đồn đại, và các loại thức ăn nước uống tốt lành nữa.
Cô ngó sát vào một chút, đầu hơi nghiêng sang một bên.
Cũng phải hơn hai chục năm rồi đấy, nhưng cô vẫn nhận ra mẹ cháu qua gương mặt của cháu. Chắc cháu cũng biết, cô với mẹ Aban từng học cùng trường.


Vâng,
cậu đáp, cảm giác không thoải mái lắm khi bị săm soi kĩ như thế.
Mẹ cháu có nói trong thư. Mẹ cháu cũng nhắn cô rằng cháu sẽ chuyển về đây từ tháng tới, mẹ sẽ gửi tiền nhà cho cô ngay.


Ừ, ừ, được mà,
cô đáp. Gạt đi những lo lắng của cậu về tiểu tiết, cô lại đắm chìm vào quá khứ.
Hồi còn đi học, bọn cô nghịch khiếp lắm. Nhóm còn có một cô bạn nữa, tên là Zenobia. Khi ba đứa cùng ở một chỗ, thì phải nói là kinh hoàng, mà kinh hoàng viết hoa kia, các thầy cô giáo của bọn cô bảo thế đấy.
Kí ức xa xưa điểm một nụ cười tiếc nuối lên khuôn mặt cô.
À thôi, để cô dẫn cháu đi xem nhà và phòng của cháu nhé.


Cô sống luôn ở đây ạ?


Chứ còn chỗ nào khác nữa?
Vừa dẫn cậu đi khắp căn hộ chật hẹp nhếch nhác, cô vừa hỏi ở trường cậu học ngành gì.

Điều hòa nhiệt độ và điện lạnh ạ.


Thế thì cô rất mong cháu xử lý giúp bầu không khí nóng nực này, để căn nhà của cô được dễ chịu hơn.

Cậu gượng cười, lòng se lại khi nghĩ đến nơi cô cư ngụ. Chẳng khá khẩm gì hơn khu kí túc xá của trường, cậu thầm nghĩ. Dẫu vậy, cậu vẫn mong chờ đến lúc dọn vào đây. Ở đâu cũng được, sau những gì vừa xảy ra ở đó. Cậu rùng mình, cố nghĩ sang chuyện khác.

Đây sẽ là phòng của cháu.


Tốt quá. Cảm ơn cô, cô Dalal.

Ở góc phòng kê một cái tủ búp phê, trên mặt đặt một chiếc va li méo mó và xước xát. Một chiếc bàn nhỏ đứng bên cạnh tủ. Ở đây, cũng y như trong căn phòng trước, trần nhà tối mù và bong tróc lung tung, vách tường bợt bạt, vữa ở nhiều chỗ đã lở lói. Vài chỗ khác, mới được trám thô bằng xi măng, nổi bật lên như những vết thương vừa kín miệng. Hai chiếc giường đơn được kê vuông góc dọc bức tường. Cậu tự hỏi, không biết cô có ngủ luôn ở phòng này không.

Cô sẽ chuyển một chiếc giường sang phòng khác để ngủ.

Cậu nhìn qua khung cửa ở phía xa và thoáng thấy một căn phòng còn chật chội và tồi tàn hơn nữa xếp chật những đồ đạc: một cái tủ búp phê (cũng có một chiếc va li trên mặt), một cái bàn ọp ẹp, hai cái ghế, và ba cái rương rỉ sét xếp chồng lên nhau trên một cái chân đỡ.

Cháu đuổi cô ra khỏi phòng cô mất rồi,
Maneck lắp bắp, quang cảnh chung quanh khiến cậu cụt hứng ngay tức khắc.
Bậy nào.
Giọng cô hào hứng.
Cô mong kiếm được khách thuê nhà lắm đấy; đã vậy đó lại là một chàng trai Parsi[3] dễ thương, con của bạn học cũ nữa chứ, thật may phúc cho cô quá!


Cô tốt quá, cô Dalal.


À, còn chuyện đấy nữa. Cháu phải gọi ta là dì Dina, nghe chưa?

Maneck gật đầu.

Cháu có thể dọn đồ tới đây bất cứ lúc nào. Nếu cháu không thích ở trong kí túc xá nữa, căn phòng này đã sẵn sàng, không cần phải đợi đến ngày tốt tháng sau đâu.


Không sao đâu ạ, dù sao cũng cảm ơn cô…


Ấy, coi chừng.


À, cháu nhầm, dì Dina.
Cả hai người cùng cười.
Maneck vừa đi khỏi, cô bắt đầu rảo bước vòng quanh căn phòng, lòng bỗng bồn chồn, như thể cô sắp lên đường cho một chuyến đi dài. Không cần phải đến nhà anh trai nài xin tiền để trang trải khoản thuê nhà cho tháng tới nữa rồi. Cô hít vào một hơi thật sâu. Một lần nữa, nền độc lập mong manh của cô lại được bảo toàn.
Ngày mai, cô sẽ mang lô hàng đầu tiên từ Công ty xuất khẩu Au Revoir về nhà.

Chú thích
[1] Darji nghĩa là thợ may, từ này đi kèm với tên để chỉ nghề nghiệp, không phải họ của nhân vật.
[2] Nguyên tác: Anna, đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, 16 anna bằng một rupi.
[3] Nhóm người có nguồn gốc là người Ba Tư theo đạo thờ lửa (bái hỏa giáo hay đạo Zarathustra) đã di cư sang Ấn Độ để tránh bị người Hồi giáo ép cải đạo.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cân bằng mong manh.