• 191

Chương 1


Số từ: 5044
NXB Thời Đại
Nguồn: Sưu tầm
Hôm ấy, khi đang đỗ xe trước vạch dừng đèn đỏ, tôi nhìn thấy con trai mình bước ra khỏi rạp chiếu phim. Nó đi cùng cô bạn gái mới. Cô bé khẽ níu tay áo nó bằng mấy đầu ngón tay, đồng thời thì thầm điều gì đó vào tai nó. Tôi không kịp nhìn thấy tên bộ phim chúng vừa xem - mái rạp chiếu phim bị một tán cây trổ đầy hoa che khuất - nhưng điều đó khiến tôi nhớ về ba năm vất vả đầy luyến tiếc mà tôi và con trai đã trải qua, chỉ có hai chúng tôi, cùng xem các bộ phim, trò chuyện với nhau ngoài mái hiên - đó là khoảng thời gian diệu kỳ mà một người cha thường không dễ gì có được trong quãng đời niên thiếu của con trai mình. Thời gian gần đây, tôi không thường xuyên gặp con mình như trước nữa (cũng nên như vậy) nhưng khoảng thời gian đó quả là tuyệt đẹp. Một cơ hội may mắn cho cả hai cha con tôi.

Khi còn thiếu niên, tôi tin rằng có một nơi dành cho những đứa trẻ hư hỏng đã bỏ học. Đó là nơi nào đó ngoài rìa của Trái đất, như nghĩa địa của loài voi chẳng hạn, nơi đây đầy những mảnh xương trắng của các cậu nhóc ấy. Tôi tin chắc rằng đó là lý do vì sao cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn gặp những cơn ác mộng về việc ôn thi môn vật lý, bị đòn roi, lo lắng ngày một nhiều, và cuốn sách giáo khoa với trang nối tiếp trang toàn vectơ và các đường parabôn - vì trước đó, tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì như vậy cả!
35 năm sau, khi điểm số ở trường của con trai tôi bắt đầu có dấu hiệu thiếu ổn định ở lớp Chín và hoàn toàn tụt dốc khi lên học lớp Mười, tôi đã trải qua hai nổi sợ hãi cùng một lúc. Trước hết, tôi sợ những gì đang thực sự diễn ra, và thứ hai là những cảm giác đã qua vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Tôi chuyển sang ở cùng vợ cũ của mình (cô ấy nói:
Thằng bé cần phải sống gần một người đàn ông
). Tôi ở nhà cô ấy, còn cô ấy thì ở trên gác xép của tôi, một nơi quá chật chội cho một cậu thiếu niên nặng nề chậm chạp, cao đến 1m93 ở. Bằng cách đó, tôi lặng lẽ đảm đương trách nhiệm của mình, tôi có thể thay cô ấy giúp con trai làm bài tập về nhà.
Nhưng phương pháp này cũng không mang lại hiệu quả. Để trả lời cho câu hỏi mỗi tối của tôi:
Tất cả bài tập về nhà của con chỉ có vậy thôi à?
, con trai tôi, Jesse, hớn hở nói với tôi rằng:
Vâng ạ!
Thế nhưng vào mùa hè năm đó, khi nó đến ở với mẹ khoảng một tuần, tôi đã tìm thấy hàng đổng bài tập về nhà bị nhét vào bất cứ nơi nào có thể giấu được trong phòng ngủ của nó. Trường học đã biến nó trở thành một cậu chàng láu cá và dối trá.
Vợ chồng tôi quyết định gửi nó tới một trường tư; vào một buổi sáng, một giáo viên trong trường bối rối gọi điện cho chúng tôi.
Con ông bà đang ở đâu?
Cuối ngày hôm đó, cậu con trai lớn tồng ngồng của tôi xuất hiện trước hiên nhà. Nó đã đi đâu vào ngày hôm đó? Có thể nó đã tới một cuộc thi hát rap tại một trung tâm mua sắm nào đó ở vùng ngoại ô, hoặc ở những nơi thiếu lành mạnh, nhưng chắc chắn là nó không có mặt ở trường. Chúng tôi đã mắng nó thậm tệ. Nó đã trang trọng xin lỗi, tỏ ra ngoan ngoãn được một vài ngày, nhưng sau đó mọi thứ lại tái diễn.
Jesse vốn là một đứa trẻ dễ thương, rất kiêu hãnh. Nó dường như không có khả năng làm bất cứ điều gì nó không thích, dù hậu quả của việc đó có khiến nó lo lắng như thế nào đi chăng nữa. Và nó thật sự lo lắng về điều này. Bảng thành tích học tập của nó thật đáng thất vọng, ngoại trừ phần nhận xét. Người ta yêu quý nó, ai cũng vậy, ngay cả người cảnh sát bắt giữ nó vì tội phun sơn lên tường của lớp học cũ cũng quý nó. (Những người hàng xóm vốn đa nghi cũng thừa nhận điều này.) Khi viên cảnh sát thả nó trước cửa nhà, ông ta còn nói:
Jesse, nếu tôi là cậu, tôi sẽ quên hết những chuyện phạm pháp đi. Đơn giản là cậu không hề làm gì phạm pháp cả.

Cuối cùng, một buổi chiểu, trong lúc kèm Jesse học tiếng Latin, tôi phát hiện ra nó không hề có một cuốn vở hay sách giáo khoa nào cả, không có gì hết ngoài một mảnh giấy nhàu nát ghi vài câu về các quan chấp chính La Mã mà nó được yêu cầu phải dịch. Tôi nhớ hình ảnh nó ngồi bên kia chiếc bàn ăn trong nhà bếp, đầu cúi gằm: đó là một cậu chàng với gương mặt không hề bị rám nắng, trắng trẻo, đến mức bạn có thể thấy được vẻ không vừa ý của nó mà bằng chứng rõ ràng là cánh cửa nhà bếp bị đóng sầm lại. Hôm đó là Chủ nhật, cái ngày mà bạn luôn chán ghét khi ở độ tuổi thiếu niên: ngày nghỉ cuối tuần nhưng sắp trôi qua, bài tập về nhà vẫn chưa làm xong, thành phố u ám như mặt biển vào ngày vắng bóng mặt trời. Những chiếc lá ẩm ướt rơi rụng trên đường, ngày thứ Hai đang lờ mờ hiện ra trong làn sương mù.
Vài phút sau, tôi lên tiếng:
Vở ghi của con đâu rồi, Jesse?


Con để ở trường.

Nó có khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ, hiểu được lô-gíc nội tại của chúng và có đôi tai của một diễn viên - ngôn ngữ đáng ra là một thứ rất dễ dàng với nó - nhưng nhìn cái cách nó lật qua lật lại trang sách, côi có thế thấy đầu nó đang rỗng tuếch.
Tôi nói:
Bố không thể hiểu tại sao con không mang vở ghi về nhà. Việc này càng khiến việc học tập của con thêm khó khăn.

Qua giọng nói của tôi, nó nhận thấy tôi đã mất kiên nhẫn; điều đó khiến nó lo lắng, ngược lại cũng khiến tôi cảm thấy đôi chút nôn nao. Nó sợ tôi. Tôi ghét điều đó. Tôi chưa bao giờ hiểu được liệu đó có phải là một vấn đề trong mối quan hệ giữa cha và con hay là vì bản thân tôi nói riêng, với tính khí nóng nảy, thiếu kiên nhẫn mà tôi được thừa hưởng, là nguyên nhân khiến nó lo lắng hay không. Tôi nói:
Thôi, không sao. Dù sao thì như thế này cũng sẽ rất hay. Bố thích tiếng Latinh.


Bố á?
, nó hỏi với giọng hăm hở (bất cứ điều gì có thể phân tán sự tập trung của tôi về việc quên vở ở trưởng). Tôi xem nó làm bài tập một lúc - những ngón tay dính đầy mực của nó nắm xung quanh cây bút, nét chữ rất xấu.
Nó hỏi tôi:
Chính xác là làm thế nào mà bố đã lấy được một phụ nữ Sabine về làm vợ?


Bố sẽ trả lời con sau.

Ngập ngừng một lúc, nó hỏi:
Helmet có phải là động từ không bố?

Buổi học cứ thế trôi qua, bóng chiều lan rộng trên mái bếp. Đầu bút chì miết trên mặt nhựa. Dần dần, tôi nhận thấy có một thứ âm thanh trong phòng. Âm thanh đó phát ra từ đâu? Từ Jesse? Nhưng đó là tiếng gì? Mắt tôi dán chặt vào Jesse. Đó là thứ âm thanh của sự chán nản, đúng thế, nhưng là một kiểu rất tinh tế, nhẹ nhàng, gần như là tiếng thuyết phục vô cùng nhỏ về sự không thích hợp của đống bài tập mà nó đang phải làm. Và vì một lý do kỳ lạ nào đó, trong vài giây ngắn ngủi ấy, tôi cảm thấy như thể âm thanh đó phát ra từ trong chính cơ thể của mình.
Tôi nghĩ: Ồ, vậy ra đây là những gì mà Jesse đã phải trải qua trong một ngày ở trường. Dù có muốn chống lại âm thanh này, bạn cũng không thể nào chiến thắng. Và bỗng nhiên – điều này rõ ràng như tiếng đập vỡ cửa sổ vậy - tôi chợt hiểu rằng chúng tôi đã thua trong cuộc chiến học tập ở trường.
Ngay lập tức tôi cũng biết – điều đó nằm trong huyết quản của tôi - rằng nếu cứ thực hiện theo phương thức này, tôi sẽ mất Jesse, rằng vào một ngày nào đó, nó sẽ đứng dậy từ phía bên kia chiếc bàn và nói:
Bố muốn biết vở ghi của con đâu à? Được rồi, con sẽ nói cho bố biết. Con nhét ở dưới mông đây này. Và nếu bố không lôi nó ra khỏi người con, con sẽ nhét nó vào người bố đấy.
Thế rồi nó sẽ bỏ ra ngoài, đóng sầm cửa lại trước mặt tôi, và mọi chuyện sẽ là như thế.

Jessc,
tôi dịu giọng nói. Nó biết rõ rằng tôi vẫn đang dõi theo và điều đó khiến nó lo lắng, như thể nó sắp sửa gây ra lỗi lầm (một lần nữa) và hành động búng búng ngón tay lên cuốn vở, lật đi lật lại, như là một cách để chuyển hướng cuộc nói chuyện.

Jesse, con bỏ bút xuống. Tạm dừng một chút đi.

Nó nói:
Gì cơ ạ?
Tôi thầm nghĩ: nó thật xanh xao. Thuốc lá đang khiến nó ngày càng hao mòn hơn.
Tôi nói:
Bố muốn nhờ con một việc. Bố muốn con suy nghĩ thật kỹ, liệu con còn muốn đến trường nữa hay không.


Bố, vở bài tập của con ở...


Con hãy quên đống vở bài tập ấy đi. Bố chỉ muốn con suy nghĩ, liệu con có còn muốn tiếp tục tới trường nữa hay không.


Tại sao ạ?

Tôi thấy rõ tim mình đập nhanh, máu dồn hết lên khuôn mặt. Tôi đang ở vào một vị thế chưa từng gặp phải, thậm chí chưa bao giờ hình dung ra.
Bởi vì nếu con không còn thích đến trường nữa thì cũng được thôi.


Cái gì được cơ ạ?

Chỉ việc nói thôi mà, muốn nói gì thì hãy nói ngay đi nào.

Nếu con không còn thiết tha với việc đi học nữa thì con không cần phải đến trường nữa.

Nó khẽ hắng giọng:
Bố định cho con nghỉ học ạ?


Nếu đó là điều con muốn. Nhưng bố mong con hãy dành vài ngày để suy nghĩ về điều này. Đây là một việc quan trọng...

Nó đứng bật dậy. Luôn như vậy, nó vẫn thường đứng dậy mỗi khi quá vui mừng; đôi chân dài ngoằng của nó không chịu ngồi yên khi kích động. Nó nhoài cả người sang phía bên kia bàn, giọng nói chùng hẳn xuống, thì thào như thể sợ bị nghe trộm:
Con không cần đến vài ngày để suy nghĩ đâu.


Dù sao thì con cứ nghĩ kỹ đi. Bố yêu cầu đấy.

Khuya hôm đó, tôi củng cố tinh thần mình bằng vài ly rượu vang và gọi cho mẹ của Jesse, hiện đang ở trên gác xép của tôi (căn gác xép nằm trong một nhà máy sản xuất bánh kẹo đã cũ nát) để báo tin. Cô ấy là một nữ diễn viên đáng yêu, mảnh mai, một người phụ nữ tốt bụng nhất tôi từng biết. Nếu bạn hiểu ý tôi muốn nói: cô ấy là một người nghệ sĩ
không có vẻ gì là nghệ sĩ
. Nhưng giây phút đầu tiên, ngay khi nghe quyết định của tôi, cô ấy đã luôn nghĩ tới trường hợp xấu nhất, hình ảnh Jesse phải sống nhếch nhác trong một chiếc hộp các-tông ở ngay giữa Los Angeles.
Maggie hỏi tôi:
Anh có nghĩ điều này xảy ra là vì nó thiếu lòng tự trọng không?

Tôi đáp:
Không. Anh cho rằng việc này là do nó ghét trường học.


Nếu nó ghét đến trường thì hẳn là phải có vấn đề gì đã xảy ra với nó.

Tôi đáp:
Trước đây anh cũng rất ghét đi học.


Có lẽ nó được thừa kế điều này từ anh.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi tiếp diễn theo mạch như vậy cho tới khi cô ấy bật khóc còn tôi thì đang phun ra những điều thiếu suy nghĩ, huyên thuyên về những thứ trên trời dưới biển mà nếu làm được thì ngay đến cả Che Guevara cũng phải tự hào.
Maggie nói:
Vậy thì Jesse cần phải đi kiếm việc làm.


Em có ý nào khác không? Em có nghĩ rằng, thay vì hoạt động tích cực, nó lại chán ghét một thứ khác nữa hay không?


Vậy nó sẽ làm gì?


Anh không biết.

Maggie sụt sịt:
Có khi Jesse có thể tham gia công việc tình nguyện nào đó.

Giữa đêm khuya tôi chợt tỉnh giấc, Tina, vợ tôi đang khẽ trở mình và tôi nhìn ra phía ngoài khung cửa sổ nghĩ vẩn vơ. Mặt trăng đang xuống rất thấp; Jesse dường như đã đi lạc đường và đang chờ để được gọi về nhà. Tôi nghĩ: Nếu như tôi sai thì sao? Nếu như tôi phát chán vì phải nuôi báo cô con mình và cứ để cho nó hủy hoại cuộc đời mình thì sao?
Việc mình làm là đúng đắn, tôi nghĩ vậy. Jesse cần phải làm một cái gì đó. Nhưng làm gì? Tôi có thể để nó làm việc gì mà không khiến nó lặp lại toàn bộ những thất bại tại trường học? Nó không thích đọc; nó cực kì ghét thể thao. Jesse thích điều gì nhỉ? Nó rất thích xem phim. Ngay cả tôi cũng rất thích. Trên thực tế, mấy năm cuối của tuổi 30, tôi đã trở thành một nhà phê bình điện ảnh khá lém lĩnh trên một chương trình truyền hình. Liệu chúng tôi có thể làm gì với sở thích ấy?
Ba ngày sau đó, Jesse tới ăn tối tại nhà hàng Le Paradis, một nhà hàng kiểu Pháp với những chiếc khăn trải bàn trắng tinh và đồ làm bằng bạc rất nặng. Nó chờ tôi ở bên ngoài nhà hàng, ngồi trên hàng rào bằng đá và hút thuốc. Bao giờ cũng vậy, Jesse rất ghét phải ngồi một mình trong nhà hàng. Điều đó khiến nó cảm thấy không được tự nhiên, mọi người ở đó sẽ xem nó như một kẻ thua cuộc khi chẳng có người bạn nào đi ăn cùng.
Tôi chào nó bằng một cái ôm, bạn có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ từ cơ thể trẻ trung, đầy sức sống của nó:
Bố con mình gọi rượu vang trước đi, rồi chúng ta sẽ nói chuyện.

Chúng tôi bước vào cửa hàng. Những cái bắt tay. Những nghi thức của người lớn, ngay cả câu chuyện đùa giữa nó và người phục vụ ở quầy rượu về nhân vật John-Boy trong bộ phim truyền hình dài tập Gia đình Waltons, khiến nó hết sức hãnh diện và thích thú. Chúng tôi ngồi lặng lẽ, chờ đợi người bồi bàn tới. Cả hai chúng tôi đều đang đợi chờ một điều gì đó quan trọng; và tới thời điểm đó, chẳng có điều gì đáng để nói cả. Tôi để nó tự gọi rượu vang.

Corbière
nó thì thầm. Ở miền Nam nước Pháp, có phải không nhỉ?


Vâng.


Mùi hơi ngái?


Chính là nó đấy ạ!


Cho tôi một Corbière.
Khi nói câu này, nó mỉm cười với người phục vụ, ý bảo tôi biết tôi đang bắt chước thôi, nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy rất vui. Chúa ơi, nó có một nụ cười tuyệt đẹp.
Chúng tôi ngồi đợi cho tới khi rượu vang được mang tới. Tôi nói:
Hôm nay con làm chủ.
Nó ngửi nút chai rượu, vụng về, lóng ngóng xoay tròn ly rượu của mình, và giống như một chú mèo đang thưởng thức một đĩa sữa lạ, nó nhấp một hớp rượu. Vào giây phút cuối cùng, sự dũng cảm cũng rời bỏ nó, nó nói:
Con không thể nói được.

Tôi nói:
Có chứ, con có thể. Hãy thư giãn một chút đi. Nếu con nghĩ rằng mọi việc kết thúc thì nó sẽ kết thúc.


Con cảm thấy lo lắng.


Con thử ngửi mùi rượu vang này xem. Rồi con sẽ thấy, ấn tượng ban đầu luôn luôn đúng.

Nó ngửi ly rượu thêm một lần nữa.

Hãy đưa hẳn vào mũi ấy.

Nó nói:
Được rồi mà bố.
Cô phục vụ bàn hít một hơi dài phía trên của chai rượu vang:
Rất vui được gặp lại em, Jesse. Bố em là khách quen ở đây đấy.

Chúng tôi nhìn xung quanh. Một đôi vợ chồng già đến từ Etobicoke cũng có mặt trong nhà hàng. Con trai họ đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học nào đó ở Boston. Họ vẫy chào chúng tôi. Hai bố con tôi cũng vẫy tay lại. Nếu như tôi sai thì sao?
Tôi nói:
Vậy con đã suy nghĩ kỹ về những điều chúng ta đã nói chưa?

Tôi có thể thấy nó muốn đứng bật dậy nhưng lại không thể. Nó nhìn ngó xung quanh như thể tức tối vì bị kìm hãm cảm xúc vậy. Sau đó, nó dí sát khuôn mặt trắng bệch của mình gần vào tôi, như thể nó đang chuẩn bị tiết lộ một điều tuyệt mật. Nó thì thầm:
Sự thật là, con không bao giờ còn muốn vào trong ngôi trường đó thêm một lần nữa.

Dạ dày tôi muốn quặn lên:
Vậy thì được rồi.

Nó nhìn tôi chăm chăm, không cất lên được tiếng nào. Nó đang chờ đợi điều mà nó phải làm để đổi lấy cái đặc ân kia.
Tôi nói:
Tuy nhiên, có một điều như thế này. Con không cần phải làm việc, cũng không cần phải trả tiền thuê nhà. Hàng ngày, con có thể ngủ tới năm giờ chiều cũng được. Nhưng không được hút thuốc. Nếu con hút, dù chỉ một điếu thôi thì thỏa thuận của chúng ta sẽ kết thúc.

Nó đáp:
Vâng ạ.


Bố nói nghiêm túc đấy. Bố sẽ bỏ ngôi nhà đáng nguyền rủa đó nếu con còn bắt đầu trở lại với cái thứ ấy.


Được rồi ạ.

Tôi nói:
Nhưng vẫn còn một điều kiện nữa.
(Tôi cảm thấy mình như thám tử trinh thám trong bộ phim truyền hình Columbo[1].)
Nó hỏi:
Điều kiện gì ạ?


Bố muốn mỗi tuần, con sẽ cùng bố xem ba bộ phim. Bố sẽ là người lựa chọn phim. Đây là kiến thức duy nhất mà con sẽ phải học.

Một lúc sau, nó đáp:
Chắc bố đang đùa.

Tôi không để lãng phí một chút thời gian nào nữa. Ngay chiều ngày hôm sau, tôi bắt nó ngồi trên chiếc ghế dài màu xanh trong phòng khách, tôi ngồi bên phải, còn nó ở bên trái, kéo màn lên và cho nó xem bộ phim The 400 Blows (1959) của Francois Truffaut. Tôi nghĩ rằng đây là cách tốt để đi sâu vào những bộ phim nghệ thuật của châu Âu; tôi biết những bộ phim này sẽ khiến nó phát chán trừ khi nó học được cách để xem chúng. Điều đó cũng giống như sự biến tấu trong việc học ngữ pháp thông thường.
Truffaut, tôi giải thích (tôi muốn tóm tắt thật ngắn gọn), đi từ việc làm phim cho tới những việc bất chính ở hậu trường; Truffaut bỏ học nửa chừng khi học trung học (giống như con), một người lẩn trốn quân địch, một tên trộm ngay từ khi còn bé; nhưng cậu bé lại yêu thiết tha các bộ phim và cả thời thơ ấu của mình, cậu ta lẻn vào xem phim tại các rạp hát mọc lên khắp nơi thời hậu Chiến tranh thế giới II.
Khi Truffaut 20 tuổi, một biên tập viên đáng mến đã đề nghị anh cộng tác viết bài phê bình điện ảnh - nhờ đó, trong vòng gần 10 năm sau, anh đã có thể thực hiện bộ phim đầu tay của mình. The 400 Blows (đây là một thành ngữ trong tiếng Pháp để chỉ việc
chơi bời trác táng
) là một bộ phim tự truyện về những năm đầu đầy bất ổn khi Truffaut bỏ học.
Để tìm được diễn viên vào vai nhân vật chính khi còn nhỏ, vị đạo diễn 27 tuổi mới vào nghề này đã cho đăng quảng cáo trên báo. Vài tuần sau đó, một chú bé có mái tóc đen nhánh - cũng vừa mới trốn khỏi trường nội trú ở miền trung nước Pháp - đã đi nhờ xe lên Paris để tham gia buổi thử vai cho vai diễn.
Tên của chú bé là Jean-Pierre Léaud. (Đến lúc này, tôi đã thu hút được sự chú ý của Jesse.) Tôi đề cập đến việc ngoại trừ một cảnh trong văn phòng của vị bác sĩ tâm thần, bộ phim hoàn toàn được quay mà không hề có âm thanh - âm thanh được lồng vào sau - bởi vì Truffaut không có đủ tiền để mua các thiết bị thu âm. Tôi yêu cầu Jesse phải xem một cảnh nổi tiếng trong phim, khi toàn bộ học sinh trong lớp đều biến mất sau lưng giáo viên trong cuộc du ngoạn đến Paris; tôi cảm thấy hơi xúc động khi xem đến cảnh tuyệt vời, khi cậu bé Antoine nói chuyện với nữ bác sĩ tâm thần.
Tôi nói:
Con hãy để ý đến nụ cười mà cậu bé dành cho bác sĩ, nghe bác sĩ nói về vấn đề giới tính. Hãy nhớ, nụ cười đó không hề có trong kịch bản; hoàn toàn là diễn xuất tự nhiên.

Đúng vào thời điểm đó, tôi nhận thấy mình đang bắt đầu nói với giọng dạy bảo giống giọng của một giáo viên. Vì vậy, tôi vội mở phim lên. Chúng tôi xem tới đoạn kết, một đoạn quay dài khi Antoine chạy trốn khỏi trại cải tạo; cậu bé băng qua các cánh đồng, vượt qua các dãy nhà trong nông trại, xuyên qua vườn táo, cho tới khi cậu đặt chân tới một bờ biển lạ lẫm. Như thể cậu bé chưa bao giờ thấy biển trước đó. Thật quá mênh mông! Cảm giác như biển cứ dài ra mãi, ra mãi. Cậu bước trên những bậc thang làm bằng gỗ dẫn xuống biển; chạy dọc bờ cát trải dài và rồi, ngay tại nơi sóng vỗ vào bờ, cậu bé hơi quay người lại và nhìn thẳng vào ống kính máy quay; bộ phim
đóng băng
lại ở chính cảnh ấy; và kết thúc khi hình dừng lại đột ngột ở gương mặt của nhân vật chính.
Một lát sau, tôi cất tiếng hỏi:
Con nghĩ sao về bộ phim?


Hơi chán bố ạ.

Tôi tự trấn tĩnh lại:
Con có thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa hoàn cảnh của Antoine và của mình không?

Nó suy nghĩ về câu hỏi đó một chút rồi trả lời:
Không.

Tôi nói:
con nghĩ tại sao Antoine lại có bộ mặt buồn cười như vậy khi bộ phim kết thúc?


Con không biết.


Nhìn cậu ấy thế nào?"
Jesse trả lời:
Cậu áy trông có vẻ lo lắng.


Antoine có thể lo lắng về điều gì được nhỉ?


Con không biết.

Tôi nói:
Con hãy nhìn vào hoàn cảnh lúc đó của Antoine. Cậu ấy đã trốn chạy khỏi trường cải tạo và trốn khỏi gia đình; cậu ấy hoàn toàn tự do.


Có thể cậu ấy lo lắng vì không biết mình sẽ phải làm gì.


Con nói thế nghĩa là sao?
tôi hỏi.

Có thể cậu ấy đang muốn nói: Được rồi, mình đã đi xa đến thế này. Nhưng tiếp theo điều gì sẽ đến?


Vậy để bố hỏi lại con. Con có thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa hoàn cảnh của Antoine và của con không?
, tôi hỏi lại.
Nó nhe răng ra cười toe toét.
Ý bố là bây giờ con định làm gì khi không phải đi học nữa ạ?


Đúng rồi.


Con không biết.


Đấy, có thể đó là lý do vì sao cậu bé kia nhìn có vẻ lo lắng như vậy. Cậu ấy cũng không biết mình sẽ phải làm gì,
tôi đáp.
Một lát sau, Jesse cất tiếng:
Khi đi học, con phải lo lắng về việc bị điểm kém và gặp rắc rối. Bây giờ, con không phải đến trường nữa, con lo lắng rằng có thể con đã hủy hoại cuộc đời mình.

Tôi đáp:
Rất tốt.


Sao lại tốt ạ?


Nghĩa là con sẽ không bao giờ được thoải mái khi phải sống trong một hoàn cảnh tồi tệ.


Dù vậy, con mong mình có thể dẹp bỏ mối lo lắng này. Bố có thấy lo không?

Tôi thấy mình vô tình thở hắt ra.
Có.


Vậy có nghĩa là mối lo lắng sẽ chẳng bao giờ chịu dừng lại, cho dù bố có làm tốt hay không?

Tôi trả lời:
Vấn đề nằm ở đặc tính của nỗi lo lắng đó. Bây giờ, bố có những mối lo dễ chịu hơn rất nhiều so với trước đây.

Jesse nhìn chăm chăm ra phía cửa sổ:
Tất cả những điều này khiến con cảm thấy giống như hút một điếu thuốc. Sau đó, con có thể phải lo lắng về việc bị ung thư phổi.


Vào ngày kế tiếp, trong thời gian ăn món tráng miệng, tôi cho Jesse xem bộ phim Basic Instinct (Bản năng gốc) (1992) do Sharon Stone thủ vai chính. Một lần nữa, tôi giới thiệu một chút về bộ phim, không có gì khác thường cả. Kinh nghiệm đơn giản là: Giữ những cái cơ bản nhất. Nếu nó muốn biết nhiều hơn, nó sẽ phải hỏi.
Tôi nói:
Paul Verhoeven. Đạo diễn người Hà Lan; bước chân vào Hollywood sau khi đã có một số bộ phim thành công tại châu Âu. Hiệu quả hình ảnh tuyệt vời, sử dụng ánh sáng tinh tế. Đạo diễn được vài bộ phim xuất sắc, quá nhiều vấn đề bạo lực nhưng vẫn rất đáng xem. RoboCop (Cảnh sát người máy) là bộ phim xuất sắc nhất trong số các bộ phim đó.
(Tôi bắt đầu nói liên tục như một chiếc máy nhưng tôi không muốn để mất sự chú ý của Jesse.)
Tôi tiếp tục:
Ngược lại, Paul cũng đạo diễn một trong những bộ phim tồi tệ nhất, Showgirls (Vũ nữ).

Chúng tôi bắt đầu xem phim: một người phụ nữ tóc hoe vàng, nước da ngăm ngăm đang vừa hành hạ một người đàn ông bằng chiếc giùi đập đá vừa quan hệ tình dục với anh ta. Một chuỗi cảnh mở đầu tuyệt vời. Sau khi xem khoảng 15 phút, khó khăn không phải là việc giả định rằng Basic Instinct (Bản năng gốc) không chỉ nói về những người không đứng đắn, mà là vì nó được nói bởi những người không đứng đắn. Đó là những cậu học sinh chỉ quan tâm đến những chủ đề dâm ô, đam mê những sở thích
suy đồi
như cocain và những người đàn bà thích quan hệ tình dục đồng giới. Nhưng đây lại là một bộ phim tuyệt vời đáng để xem - bạn buộc lòng phải nói như vậy. Nó gợi lên một nỗi khiếp sợ dễ chịu. Những thứ quan trọng hoặc thô tục dường như luôn sẽ xảy ra, ngay cả khi nó không phải như vậy.
Và giờ là đến phần đối thoại của các nhân vật. Tôi nói với Jesse rằng, nhà biên kịch Joe Eszterhas, nguyên là một nhà báo, đã được trả tới ba triệu đô-la chỉ để thực hiện phần hội thoại kiểu như thế này:
THÁM TỬ: Cô hẹn hò với anh ta bao lâu rồi?
SHARON STONE: Tôi không hẹn hò. Tôi ngủ với anh ấy.
THÁM TỬ: Cô có buồn vì anh ta chết không?
SHARON STONE: Có. Vì tôi thích ngủ với anh ấy.
Jesse không thể nào rời mắt khỏi màn hình. Có lẽ nó đã nên đánh giá cao bộ phim The 400 Blows nhưng với bộ phim này thì đây lại là một cái gì đó hoàn toàn khác biệt.

Liệu chúng ta có thể tạm dừng bộ phim một lát không hả bố?
, nó nói và chạy như bay vào toilet để đi vệ sinh; từ chiếc ghế dài ngoài phòng khách, tôi có thể nghe thấy tiếng kêu lách cách từ chỗ ngồi ở bệ xí, sau đó là tiếng nước phun ra, to như thể đang có một con ngựa đang đứng ở trong đó vậy.
Vì Chúa, đóng cửa lại, Jesse!
(Ngày hôm nay, chúng tôi đang học tất cả mọi thứ.) Rầm, cánh cửa đóng sập lại. Sau đó, nó vội vàng đi ra, đôi chân đi tất giậm ầm ầm lên nền nhà, chiếc thắt lưng giữ cho quần nó không bị tụt xuống và nó cúi người lao vào chỗ ghế ngồi.
Bố phải thừa nhận điều này, bố ạ - đây quả thực là một bộ phim tuyệt vời.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cha, Con Và Những Thước Phim.