• 272

CHƯƠNG 13


Số từ: 6980
Nguyên tác: La Bicyclette Bleue
Dịch giả: Nguyễn Trọng Định
NXB Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Pari vãn hết người.
Gần ba trăm người chết trong các vụ ném bom ngày thứ hai mồng 3 tháng sáu xuống các sân bay Oocly, Buôcgiê và Vinlacublây, các nhà máy Xitrôen và nhà cửa trong quận 15 và 16. Từ sáng sớm, những chiếc xe hơi đầu tiên đi về phía Nam nước Pháp. Nhưng phần đông dân chúng Pari đổ xô về các nhà ga Lyông và Oxteclidơ, hoà với dòng người tị nạn phía Bắc và phía Đông.
Một bầu không khí im lìm và kinh hoàng thật đáng ghi nhớ trong tháng tám, bao phủ quảng trường Xanh-Xuynpixơ khi Lêa đi qua để đến toà thị chính rút phiếu cung cấp thực phẩm của ba nữ công dân ở đại lộ Raxpay. Không có tờ phiếu màu vàng dán phía trong bìa nên không có đường. Sữa, cà phê và bơ đã bắt đầu khan hiếm; người ta băn khoăn không hiểu rồi đây bữa sáng sẽ ăn gì.
Ra khỏi toà thị chính sau hai tiếng chờ đợi, Lêa rất bực dọc. Mệt lử vì đứng mãi trong hành lang nồng nặc mùi nước giaven, mùi mồ hôi và giày cũ, nàng ngồi xuống một chiếc ghế băng cũ kỹ, trước máy nước, khép kín chiếc áo mưa màu be mượn của Cami. Trời không nóng lắm, những dải mây đe doạ kéo đầy bầu trời, từ trên đó, cái chết có thể ập xuống bất kỳ lúc nào. Nàng khó chịu nhớ lại thái độ bình thản của Cami khi nghe còi báo động vang lên, rồi máy bay lượn ầm ĩ trên thành phố Pari, và cuối cùng khi nghe bom nổ.
Lêa năn nỉ nàng xuống hầm rượu nay trở thành hầm trú ẩn dưới nhà. Nàng khăng khăng không nghe, bảo thà chứng kiến cái chết tới dần còn hơn bị chôn sống.
Vừa sợ hãi vừa phẫn nộ, Lêa đành ở lại cạnh Cami và vùi đầu xuống đống gối lụa.
Còn Phrăngxoa Tavecniê cũng biệt tăm! Không thể nào có việc anh ta đã ra đi mà không gặp lại nàng và nhất là không gửi lời hứa tìm giúp phương tiện cho nàng rời khỏi Pari. Hôm nay đã là mùng 6 tháng sáu rồi.
- Kìa, cái nhíu mày kia chẳng báo tin gì tốt lành đâu. - Một người đàn ông vừa nói vừa ngồi xuống cạnh nàng.
Lêa định phản đối thì nhận ra Raphaen Man.
- Chào ông, ông chưa đi hay sao?
- Đi đâu?
- Đi xa, thật xa, nếu ông muốn.
- Cô bạn thân mến, tất cả chúng ta đều sẽ đi cả thôi, và không phải tôi không thích cái đó. Tôi bao giờ cũng yêu mến những chàng trai tóc hung, nhất là trong bộ quân phục. Còn cô thì không ư? Chúng ta sẽ không còn phải chịu đựng tất cả những tay người Pháp béo ụ, trán thấp tè, tất cả những kiều dân mũi khoằm nữa.
- Ông im đi, những điều ông nói thật nhục nhã!
- Nhục nhã ở chỗ nào? Có phải vì bọn chúng, vì blum (Thủ tướng Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp 1936) và đồng bọn mà chúng ta thất trận không? Tôi biết bọn chúng rõ lắm. Tôi là người nửa Do Thái, cô biết không?
- Tôi có một chị bạn, chồng chị ấy bị bắt chỉ vì anh là người Do Thái.
- Vậy cô không cho như thế là một lý do đầy đủ hay sao?
- Thật kinh khủng! - Lêa kêu lên và đứng vụt dậy.
- Thôi, cô bạn thân mến, xin cô bình tĩnh, tôi đùa đấy. - Hắn vừa nói vừa đứng dậy và khoác tay nàng.
Lêa khó chịu bỏ tay ra.
- Xin lỗi, tôi phải về.
- Cô chờ cho, tôi cũng có một cô bạn. Cô ấy nhờ tôi bán hộ một chiếc áo lông chồn bạc tuyệt đẹp. Tôi xin để lại cho cô với giá rất hạ, cô sẽ có lợi ra trò.
- Thế mà tôi không biết ông quan tâm tới áo lông.
- Đây chỉ là việc giúp một cô bạn cần tiền để rời khỏi Pari. Cô bảo sao, cô ấy cũng là người Do Thái, bọn Đức quốc xã làm cô ấy sợ hãi. Tôi, thì cái làm tôi sợ là sự buồn phiền. Nếu cô không thích lông chồn thì tôi cũng có thảm, những tấm thảm cổ cực đẹp.
- Thế là bây giờ ông lại là người buôn thảm. Thế mà tôi cứ ngờ ông là nhà văn.
Khuôn mặt có vầng trán hói rộng của Raphaen Man mất ngay cái vẻ đùa cợt chất phác. Một nụ cười mệt mỏi và rầu rĩ đem lại cho cái diện mạo dễ nhận thấy sự nhu nhược ấy một vẻ đẹp ưu tư trong đó nổi bật một ánh mắt hết sức thông minh.
- Vâng, tôi là nhà văn. Trước hết là nhà văn. Cô chỉ là một người phụ nữ, cô có thể hiểu gì về cuộc đời của một nhà văn, về cuộc đấu tranh hằng ngày của người đó giữa nhu cầu sống và nhu cầu sáng tác? Đó là hai mặt không thể tương hợp với nhau. Tôi giống như Oxca (Nhà văn Anh), tôi muốn đưa tài năng vào tác phẩm và vào cuộc đời của mình. Cái đó không thể đạt được. Tôi đến phát điên lên, nhưng phải chọn lựa: sống hay viết. Tôi mang trong lòng mình một cuốn sách lớn, tôi biết thế, nhưng ý muốn tham gia phong trào và những say mê của thế giới đè nặng lên tôi tới mức ảnh hưởng tới công việc. Như anh em Gôngcua (Nhà văn Pháp, người thành lập viện Hàn lâm văn học cùng tên) viết trong Nhật ký của họ, cần có "Những ngày đều đặn, êm đềm, tĩnh mịch, một trạng thái thư thái của toàn bộ cơ thể, một sự tĩnh tâm lắng dịu, để sáng tạo ra cái vĩ đại, cái day dứt, cái bi kịch. Những ai tự vung phí mình quá đáng trong đam mê hay trong sự kích động của một cuộc sống cuồng nhiệt, thì không thể làm nên sự nghiệp và chỉ làm mòn mỏi đời mình đi mà thôi". Làm mòn mỏi đời mình... điều đó xảy ra đối với tôi. Sự thiếu tưởng tượng che chở cho phụ nữ, sáng tạo duy nhất của họ là sinh con đẻ cái. Dĩ nhiên, trong giới nữ, có những người kỳ dị tuyệt vời như bà đờ Nôay (Nữ sĩ Pháp) hay Côlet (Nhà văn nữ Pháp). A! Người đàn bà này là một "nghệ nhân văn chương", nhưng ít có tài trí thực sự là cái vốn thuộc bản chất đàn ông. (Ông này trọng nam khinh nữ quá, thật là bất bình đẳng)
- Đàn ông tài trí ư? Sao ông dám nói như vậy khi đất nước này trong tay những người mà ông cho là có tài trí thực sự, đang sụp đổ một cách thảm hại?
- Chúng ta bị một trí tuệ và một sức mạnh lớn hơn đánh bại, chúng ta đành phải khuất phục trước những cái đó.
- Khuất phục trước bọn man rợ ấy?
- Cô gái bé bỏng dại dột ơi, đầu cô thật đẹp nhưng rỗng tuếch. Cô chỉ lặp lại những lời nói của anh chàng gác cổng. Cuộc chiến tranh mà cô cho là man rợ này sẽ có lợi cho nước Pháp. Vẫn anh em Gôngcua đã viết từ 1857: "Cứ bốn hay năm trăm năm một lần, sự man rợ là cần thiết để hồi sinh thế giới. Thế giới đã từng chết vì nền văn minh. Xưa kia, ở châu Âu, khi một dân tộc già cỗi ở một vùng đất dễ chịu nào đó bị suy yếu đi thực sự, thì từ phương Bắc, những con người cao sáu bộ (Mỗi bộ = 0,324 m) kéo tới và tái tạo lại giống nòi". Người Đức sẽ là những con người đó, họ sẽ đem lại cho giống nòi suy yếu chúng ta dòng máu mới, hòi sinh của họ. Cô gái bé bỏng, cô hãy tin tôi, một kẻ gian dâm đồng tính bịp bợm đã từng quan sát kỹ lưỡng, vì nhu cầu văn học, và thỉnh thoảng vì nhu cầu bản thân, cái con vật biết tư duy mà người ta gọi là con người. Con người mà một hôm Thượng đế không còn đoái hoài tới khiến nó không bao giờ nguôi. Cô hãy nhớ lại câu thơ thật hay của Lamactin (Nhà thơ lãng mạn Pháp): "Người là một vị thiên thần bị đày xuống trần gian nhưng nhớ mãi thiên đường".
- Tôi có cảm giác như nghe Ađriêng, bác tôi, một tu sĩ dòng Đôminic, nói. - Lêa vẻ chế giễu.
- Ông ấy đã lựa chọn đúng. "Đối với một người như ông ấy, chỉ có chiếc áo tu hành". Ngày trước, tôi đã từng muốn làm thầy tu. Là người Do Thái, tôi đã cải giáo. Bạn bè, những người Cơ đốc giáo nhiệt thành, ủng hộ tôi. Trước hôm làm lễ phong chức, tôi bỏ trốn khỏi tu viện và đến ở ba ngày trong một cái nhà đĩ trai. A! Thật tuyệt vời! Sau những ngày làm quen với mùi mồ hôi nách chua loét của các giáo sĩ, với những cặp má đầy mụn trứng cá của các bạn cùng phòng, quần lót và chăn đệm luôn luôn nhày nhụa trong những đêm dài trằn trọc, sau những buổi sáng rầu rĩ với cái cục thịt cương cứng dưới tấm áo tu hành, tôi sung sướng biết bao khi được vuốt ve, hôn hít thân hình mơn mởn, thơm ngát của những chú đĩ trai non trẻ. Là một cô gái chắc hẳn còn trinh tiết, thậm chí còn chưa biết đến cả những sự ôm ấp nhạt nhẽo kiểu Xapho (Nữ sĩ Cổ Hy Lạp, thế kỷ 7 - 6 trước C.N, có tính thích giao tình với đàn bà), cô hiểu làm sao được?
- Quả tôi không hiểu. Ông làm tôi kinh tởm.
- Đúng tôi là một đứa kinh tởm hèn hạ! - Hắn bật cười - Thế nào, bà nhỏ, bà không muốn mua thảm, mua áo lông hả? Tôi để cho giá hời đấy mà, vì bà đẹp lắm. - Hắn tiếp tục nói với những cử chỉ thô kệch.
Hắn làm bộ mặt vừa hèn hạ vừa xảo trá tới mức Lêa phải bật cười.
- Ông điên rồi, ông Raphaen tội nghiệp ạ. Tôi không hiểu sao tôi lại cho phép ông ngỏ lời với tôi.
- Vì tôi làm cô thích thú, cô bạn thân thiết, và vì những lời lẽ lung tung của tôi đưa cô ra khỏi cơn đê mê của tuổi thanh xuân. Phải lớn lên thôi, cô bé xinh đẹp ạ; thời đại chúng ta không còn thuộc về tuổi ấu thơ nữa đâu.
Họ im lặng cất bước một lát. Đến góc đường Grônen và đường Xanh-Pie, Raphaen đứng lại.
- Cô có muốn đến nhà tôi uống trà không? Một người bạn cho tôi mượn một căn phòng tuyệt vời ở đường Rivôli. Nhìn ra điện Tuylơri thật ngoạn mục.
- Tôi cảm ơn ông, tôi không đến được. Bạn tôi đang ốm. Cô ấy chắc hẳn đang lo lắng: tôi ra đi đã hơn ba tiếng rồi.
- Vậy mai nhé? Cô hứa là cô sẽ tới đi, tôi muốn biếu cô mấy cuốn sách tôi thích. Cùng thích những cuốn sách như nhau là điều quan trọng khi người ta muốn cùng nhau kết bạn.
Lêa nhìn hắn với một cảm tình nàng không thể kìm được và nàng cũng không hiểu nổi.
- Nếu đến được, tôi sẽ đến, tôi xin hứa với ông.
Hắn ghi trên một chiếc phong bì có in tiêu đề N.R.F., địa chỉ và số điện thoại.
- Tôi sẽ chờ cô từ sau bốn giờ. Nếu không tới được, xin cô gọi điện cho tôi. Tôi tin cô, hẹn cô ngày mai.
- Hẹn ngày mai. - Nàng vừa nói vừa bỏ chiếc phong bì vào túi áo.
Nàng chạy từ đường Grônen vắng vẻ tới đại lộ Raxpay.
o O o
Lêa không kịp cho chìa khoá vào ổ: cửa phòng bật mở, và Cami bước ra trong bộ đồng phục xanh nước biển làm lộ rõ cái bụng mang thai và nước da xanh trên khuôn mặt gầy guộc.
- Chị đã về. - Người thiếu phụ kêu lên và đứng dựa vào tường cho khỏi ngã.
- Cô hoàn toàn điên rồi, sao cô lại đứng dậy làm gì?
- Tôi định đi tìm chị. - Cami lầm bầm và trượt dọc theo bờ tường, bất tỉnh.
- Giôdet, Giôdet, nhanh lên!
Cô gái hầu phòng chạy tới cửa phòng ăn và kêu lên thất thanh khi thấy Cami nằm sóng soài, bất tỉnh trên mặt đất.
- Giúp tôi một tay, chứ sao lại đứng như trời trồng thế?
Tóc xổ tung, mặt đỏ gay, Giôdet giúp Lêa bế người bệnh vào phòng ngủ, đặt trên giường.
- Cởi áo cô ấy ra, tôi sẽ tiêm cho cô ấy một mũi.
Khi Lêa trở lại, tay cầm ống tiêm, Giôdet đắp mền lên cho Cami lúc đó chỉ còn trên người một bộ đồ lót mỏng bằng lụa hồng.
Tiêm xong, Lêa lo lắng theo dõi khuôn mặt gầy guộc, hai lỗ mũi lép kẹp. Chưa bao giờ Cami lâu hồi tỉnh đến thế.
- Vì sao chị để cho cô ấy dậy?
Ngồi xổm dưới chân giường, Giôdet nức nở.
- Thưa cô, không phải lỗi tại tôi, tôi đang pha trà dưới bếp. Bà chủ đang yên tĩnh nằm nghe đài thì bỗng nhiên tôi thất kinh, suýt đánh vỡ ấm trà, vì thấy bà đứng sau lưng, chân không, hai mắt rực lửa, nhắc đi nhắc lại: "Phải đi tìm Lêa, phải đi tìm Lêa...". Tôi cố đưa bà về phòng, nhưng bà đẩy lùi tôi và bảo: "Chuẩn bị va li đi, bon Đức tới đấy". Thế là tôi sợ, tôi cho là bà ấy vừa nghe tin ở đài. Tôi chạy đi soạn sửa va li trong lúc bà ấy thay quần áo. Đúng lúc đó, cô trở về... Thế nào cô, bọn Đức đến thật à?
- Tôi không rõ. Chị hãy gọi bác sĩ Đuyboa, yêu cầu ông tới ngay.
- Vâng, thưa cô.
Cúi xuống người Cami, Lêa tìm cách cho cô ta ngửi thuốc muối để hồi tỉnh. "Nếu bọn Đức tới", nàng nghĩ bụng và bắt đầu lo sợ.
- Thưa cô, bác sĩ không có nhà và người ta không biết lúc nào ông mới về.
- Lêa...
Cami từ từ mở mắt.
- Lêa, chị đấy à?... Tôi sợ chị đi mất... Đài phát thanh.. báo là chính phủ sắp rời khỏi Pari. - Nàng vừa nói vừa bíu chặt lấy cánh tay Lêa.
- Thôi nào, cô bình tĩnh lại. Tôi vừa mới về và không hề thấy có bọn Đức ngoài đường. Tất cả đều yên tĩnh, chỉ có riêng cô là hoảng hốt lên một cách vô lý. Lôrăng sẽ không bằng lòng đâu nếu thấy cô xử sự vô lý như vậy. Cô nghỉ ngơi đi, gắng ngủ đi. Bác sĩ Đuyboa sắp tới đấy. - Lêa nói dối như vậy.
- Chị tha lỗi cho tôi, không có chị bên cạnh, tôi sợ lắm.
Cami ngủ thiếp đi. Trời sắp tối và thầy thuốc vẫn chưa tới.
Lêa cảm thấy đói và xuống bếp tìm cái ăn. Không có gì hết, ngoài mấy cái bánh ngọt khô cứng. Bực tức, nàng đi tìm Giôdet để phàn nàn về tình trạng thiếu thức ăn dự trữ. Chị ta ngồi trong phòng khách tối om, chuẩn bị ra đi, một chiếc va li đặt dưới chân.
- Chị làm gì mà tối om như vậy và sao lại mặc măng tô và đội mũ thế?
- Thưa cô, tôi muốn ra đi. Tôi muốn trở về Noocmăngđi với bố mẹ tôi.
Lêa nhìn chị ta với ánh mắt kinh hoàng.
- Chị muốn bỏ tôi với một người bệnh!
- Thưa cô, tôi sợ, tôi sợ quá... Tôi muốn trở về nhà.
- Thôi chị đừng sụt sịt nữa. Bọn Đức đã tới vùng quê chị rồi. Nếu không hôm nay thì ngày mai thôi. Chị đi ngủ đi thì hơn.
- Thưa...
- Chị im đi, và mai, chị lo mua cái ăn. Chúc chị ngon giấc.
Lêa bước ra, để mặc cô gái khổ sở nức nở, hoang mang.
o O o
Sáng hôm sau, khoảng sáu giờ, tiếng chuông ngoài cửa làm Lêa tỉnh giấc sau một đêm ngủ chập chờn. Nàng ngỡ là bác sĩ Đuyboa. Nàng nhặt chiếc kimônô và rời khỏi chiếc tràng kỷ trong buồng Cami, nơi mà nàng ngủ đêm trên đó. Vừa ngáp, nàng vừa ra mở cửa.
Một người đàn ông, quân phục lấm bùn, mặt bẩn thỉu, râu lâu ngày không cạo, đứng trước mặt nàng.
- Lôrăng...
- Không, không phải Lôrăng, chỉ có tôi thôi. Cô bạn thân mến, hình như cô chưa thật tỉnh ngủ. Tôi có vào được không?
Lêa tránh ra cho Phrăngxoa Tavecniê bước vào.
- Cô đừng có vẻ sợ hãi như vậy. Cô cho tôi là một con ma hay sao?
- Gần như thế. Suốt mấy hôm nay, ông ở đâu? Tôi gọi điện cho ông nhiều lần nhưng ông không có nhà.
- Như quần áo tôi cho cô thấy đấy, tôi không ở tiệm Macxim.
- Ông đừng đùa nữa. Đáng lẽ ông phải gọi tôi, và tôi đã chờ đợi.
- Cô dễ thương qúa. Cô tới đây cho tôi được hôn vì tấm lòng chung thuỷ ấy.
- Ông lùi ra. Trông ông bẩn đến khiếp lên được.
- Làm thế nào được, cô bạn, chiến tranh đâu có được sạch sẽ. Nhưng một người lính bao giờ cũng có quyền hưởng những nụ hôn của người đẹp.
Phrăngxoa Tavecniê kéo Lêa sát vào lòng và hôn nàng mặc dù nàng chống cự. Cảm thấy nàng kiên quyết khước từ, anh ta bỏ nàng ra.
- Cô cho tôi biết tin về bà đờ Acgila. Sức khoẻ bà ấy thế nào?
- Không tốt.
- Còn thầy thuốc?
- Tôi chờ ông ấy từ hôm qua. Ông đã tìm một chiếc xe tử tế chưa?
- Đã, trong suốt mấy ngày vừa qua, tôi không phải chỉ đánh giặc mà thôi. Tôi đã tìm được một chiếc Vivaxtenla hoàn toàn tốt. Cô có lái được không?
- Phải lái được thôi.
- Tôi đã cho một người tín cẩn đi lấy. Hai ngày nữa sẽ có xe.
- Hai ngày nữa cơ à?
- Xe hiện đang ở Macxây.
- Lẽ ra tôi phải nghe lời ba tôi là: đi xe lửa.
- Tôi đã nghĩ tới chuyện đó. Nhưng không thể để Cami nằm trên đó được.
Chuông ngoài cửa lại vang lên.
- Ồ! Bác sĩ. - Lêa vội thét lên ngay khi cánh cửa hé mở.
Bác sĩ Đuyboa cũng không ăn mặc tươm tất hơn Phrăngxoa Tavecniê bao nhiêu. Quần áo nhàu nát, râu không cạo, cặp mắt viền đỏ, tất cả tỏ ra ông mệt mỏi và thiếu ngủ.
- Tôi không thể đến sớm hơn. Cô có thể vui lòng cho tôi uống cà phê được không?
- Tôi cũng sẵn sàng xin uống. - Phrăngxoa bảo.
- Để tôi đi xem có không. Giôdet khiếp hãi không dám chợ búa gì hết.
Quả vậy, trong bếp, cà phê, sữa, bánh mì đều không có.
- Tôi sẽ đi thu xếp. - Phrăngxoa đi theo sau Lêa từ nãy, lên tiếng - Tôi quen một quán giải khát gần đây. Chủ quán sẽ giúp tôi. Nước sôi là tôi sẽ trở về. Trong lúc chờ đợi, cô mở vòi cho nước tắm vào bồn hộ tôi. Tôi không đủ thì giờ về nhà.
Anh ta mang về một gói to tướng đựng đầy cà phê mới xay, một chai sữa tươi, một hộp sôcôla, một kilô đường và tuyệt hơn cả là hai chục chiếc bánh mì hình lưỡi liềm còn nóng phết bơ.
Phrăngxoa đích thân mang một khay tới cho Cami. Nàng cố nuốt một chiếc bánh để làm anh ta vui lòng. Anh ta ăn năm chiếc, Lêa cũng vậy, còn ông bác sĩ thì ăn ba. Ăn no, họ ngồi im lặng một lúc lâu. Lêa phá tan bầu không khí im lặng, nàng bảo Phrăngxoa:
- Ông muốn tắm nước nóng thì ông khẩn trương lên.
- Tôi không còn đủ thì giờ nữa. Tôi phải đi báo cáo với tướng Vâygăng (Tướng Pháp, Tổng tư lệnh, về sau làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng) và sau đó đến gặp thống chế Pêtanh.
- Với trang phục như vậy?
- Sao lại không? Đó là trang phục của tất cả những người đã bị giết hại vì sơ xuất của bộ tham mưu, trang phục của những đội quân tan rã mà người ta tìm cách đưa cách xa Pari, họ lang thang đi tìm người chỉ huy.
- Sau đó ông sẽ làm gì? - Cami hỏi.
- Thưa bà, sau đó, tôi sẽ chết cho nước Pháp. - Anh ta nói, giọng có vẻ kịch.
- Phrăngxoa, ông chớ đùa. Tôi sẽ buồn biết chừng nào nếu có tình hình gì xảy ra với ông.
- Bà đờ Acgila thân mến, cảm ơn bà về lời nói tốt đẹp ấy. Tôi hứa với bà sẽ cố sống. Thưa bác sĩ, - Anh ta quay sang phía ông thầy thuốc - ông thấy chúng tôi có thể chở bà bạn đi được không?
- Tôi thấy đó là điều cực kỳ nguy hiểm cho tim bà ấy cũng như cho đứa bé. Tuy nhiên nếu những cuộc ném bom lại tái diễn... thì chỉ còn có cách đó. Tôi sẽ kê đơn cho bà ấy những thứ thuốc công hiệu hơn. Mai tôi sẽ cố gắng quay lại.
- Thưa bà, thưa cô... bọn Đức chiếm đóng Điep Côngpienhơ, Ruăng và cả Phoocgiơ-lê-Dô, quê hương của bà mẹ đỡ đầu của tôi nữa. - Giôdet vừa đột ngột chạy vào vừa kêu toáng lên, tay vẫn cầm một mẩu bánh mì.
Phrăngxoa Tavecniê cầm lấy cánh tay cô gái và kéo ra khỏi phòng còn nhanh hơn cả lúc cô ta chạy vào.
- Cô bé ngốc nghếch, cô muốn giết chết bà chủ hay sao?
- Ồ! Không, thưa ông. - Cô gái khốn khổ nức nở - Nhưng tôi nghĩ tới cha tôi, mẹ tôi, các em tôi...
- Tôi biết rồi, cô gái bé bỏng, hai ngày nữa, cô có thể rời khỏi Pari cùng với bà đờ Acgila và cô Đenmax. Cô sẽ đi Girôngđe, ở vùng nông thôn; ở đấy cô sẽ được bình yên. - Anh ta vừa dịu dàng nói với cô gái vừa vuốt ve mái tóc cô.
- Vâng, thưa ông, nhưng bao giờ tôi được gặp lại gia đình.
- Tôi không rõ, có lẽ nay mai thôi. Giôdet, cô hứa với tôi là cô chăm sóc bà đờ Acgila nhé.
- Vâng, thưa ông.
- Cảm ơn Giôdet, cô là một cô gái tốt bụng. Cô có hai ngày đi mua sắm lấy một chiếc áo dài thật đẹp.
- Ồ! Cảm ơn ông. - Giôdet vừa nói vừa cầm tiền, hầu như yên tâm.
Lêa và bác sĩ bước ra khỏi phòng Cami.
- Nếu định gặp thống chế Pêtanh và chính phủ thì ông khẩn trương lên. - Bác sĩ Đuyboa nói nhỏ trong lúc lau đôi kính mờ hơi nước - Đài vừa báo tin họ sẽ đi ngay Tuaren.
Cánh cửa đầu cầu thang khép lại sau lưng một bóng người bỗng nhiên gù hẳn xuống.
- Sao lại để cho Cami nghe tin tức? - Phrăngxoa Tavecniê hỏi.
- Tôi không làm sao ngăn được. - Lêa đáp trong tiếng thở dài và khép chặt chiếc áo kimônô lại, vẻ rét mướt.
- Cô hãy can đảm lên, cái khó nhất là trước mắt. Cô hôn tôi đi nào.
Bất giác, Lêa sà vào lòng anh ta, hai tay ôm lấy cổ Phrăngxoa đang cúi xuống sát mặt nàng.
Hai cặp môi đụng vào nhau dữ dội tới mức đau đớn. Những giọt nước mắt của Lêa làm cho nụ hôn của họ có vị nước biển. Anh ta gỡ hai bàn tay nàng đan vào nhau ra khỏi gáy mình, và vẫn ôm nàng trong vòng tay, đẩy nhẹ nàng ra xa mình chút ít. Nàng đẹp biết chừng nào trong dáng vẻ sầu muộn!
- Em có yêu anh chút đỉnh không? - Anh ta thầm thì.
Nàng lắc đầu.
Một nỗi đau đột ngột hiện lên trên khuôn mặt lâu ngày không cạo của Phrăngxoa. Chẳng sao, dẫu thế nào, những cái hôn cũng đã đủ. Anh ta lại kéo nàng vào lòng, hai bàn tay sờ soạng một lát trong tấm áo kimônô.
Phrăngxoa bỏ nàng ra. Lêa thôi khóc.
- Cô bạn thân mến. - Anh ta mỉm cười nói - Chúng ta phải chia tay. Cảm ơn cô về sự đón tiếp thân ái này. Hẹn gặp lại nay mai. Cô phải chăm sóc lấy mình và cả Cami nữa. Tạm biệt!
Im lặng, Lêa nhìn anh ta đi. Bất giác nàng lấy ngón tay trỏ lướt một vòng lên môi.
Lêa và Giôdet quên hẳn hôm nay là chủ nhật. Phần lớn cửa hàng thực phẩm đóng cửa. Họ đi tới tận chợ Xanh-Giecmanh và sau khi xếp hàng dài, mua được một tá trứng, một con gà, một con thỏ, một tảng xúc xích lớn, pho mát, hai cân táo và, sau khi mặc cả, một đùi giăm bông ra trò.
Mệt lử nhưng thoả mãn với việc mua bán, ví tiền hết sạch (giá cả mọi thứ đều tăng khủng khiếp!), họ đi ngược đường Lơ Phua, mỗi người xách một quai giỏ nặng trĩu.
Trời rất đẹp và đường phố vắng vẻ: vài bà già nhỏ nhắn xách túi lưới có chút ít thức ăn, mấy tay du đãng, mấy người gác cổng quét trước mặt nhà như thường lệ, hai cảnh binh cưỡi những chiếc xe hơi ì ạch chở đệm, tủ gương và một lũ trẻ nhỏ náo động. Đường phố Ren tựa một dòng sông dài màu chì, hai bờ hoang vắng. Bỗng những chiếc camiông từ đại lộ Xanh-Giecmanh phóng tới. Dưới một tấm vải bạt buộc không kỹ, Lêa nhìn thấy những chồng hồ sơ buộc lại với nhau một cách vội vã.
o O o
Lêa phủ vải lên đồ gỗ và sửa soạn va li.Lúc gập chiếc áo mưa của Cami, nàng tìm thấy trong túi áo mảnh giấy ghi địa chỉ Raphaen Man. Nàng bực dọc nhớ lại lời nàng hứa đến nhà hắn, hay nếu không thì gọi điện cho hắn.
Từ ô cửa sổ mở ra trên hàng cây đại lộ, mọt tia nắng mặt trời như mời mọc người ta ra đường. Cảnh vật im ắng trong nắng hè, chỉ nghe tiếng chiếp chiếp của chim sẻ, tiếng gù của bồ câu.
Bỗng nhiên Lêa đậy nắp va li lại, cầm lấy một tấm áo choàng len màu đen khoác ra ngoài chiếc áo dài lụa đen lấm chấm đỏ. Nàng đứng trước tấm gương Vơnidơ ở cửa, đội chiếc mũ rơm cũng màu đen rồi nhẹ nhàng hé mở cửa phòng Cami. Ơn Chúa, Cami đang ngủ. Giôdet sửa soạn các giỏ thực phẩm đi đường.
- Tôi đi thăm một người bạn. Một lát thôi.
- Thưa cô, ra đường một mình, có thể nguy hiểm đấy.
Lêa lặng im.
Pari hoang vắng. Chỉ có vài chiếc xe hơi và camiông nhỏ chất đầy những gói đồ đạc lỉnh kỉnh. Bước trên cầu Royan, nàng thấy về phía nhà Quốc hội như có những lớp mây đen nặng nề bay lên bầu trời. Băn khoăn, nàng rảo bước. Khu vườn điện Tuylơri cũng hoang vắng như ngoài đường phố.
Trong bầu trời u ám, ngôi sao trên đỉnh Khải hoàn môn nổi lên trắng xoá trong ánh nắng. Tim đập rộn ràng, nàng dừng bước và, trong ánh sáng cơn dông, thấy lại cây thập tự Vecdơle. Trong lòng nàng bỗng nảy lên niềm khao khát dữ dội được lên trên đó, đứng dưới cây thánh giá đã từng chứng kiến những lời cầu nguyện của nàng thuở ấu thơ và những giọt nước mắt của nàng thời niên thiếu. Nàng lảo đảo.
- Lạy Chúa. - Nàng thầm thì.
Trong lòng nàng, dâng lên một lời cầu nguyện Thượng đế buổi thiếu thời, lời cầu nguyện dần dà biến thành lời tạ ơn trước bấy nhiêu vẻ đẹp. Nàng lấy làm tiếc phải xa rời nơi đây. Nàng tới phố Rivơli, trước ngôi nhà Raphaen Man mà không gặp một ai dọc đường.
Ông ta mở cửa, mình mặc một thứ áo dài cộc tay bằng len trắng của người châu Phi. Ông ta ngạc nhiên nhìn nàng.
- Ông quên là ông bảo tôi hứa hôm nay đến đây rồi hay sao? - Nàng hỏi.
- Đầu óc tôi để đi đâu nhỉ? Cô bạn thân mến, xin thứ lỗi cho tôi, nhưng cô thấy tôi đang bộn bề chuẩn bị ra đi.
- Ông ra đi?
- Vâng, mai hay ngày kia. Bọn Đức xâm lược khiến tôi mất việc làm. Ông chủ đài phát thanh Môngđian chờ lệnh sơ tán từng ngày một, đúng hơn là từng giờ một.
- Để đi đâu?
- Chắc hẳn là Tua, nơi Chính phủ đóng. Tôi sẽ dẫn cô đi nếu cô muốn.
- Ông đừng ngốc nghếch như thế. Bản thân tôi hai ngày nữa cũng ra đi.
- Hai ngày nữa, chúng ta sẽ ở đâu? Mời cô ngồi, xin cô đừng lưu ý tới sự lộn xộn ở đây. Cô uống trà nhé?
- Tôi muốn uống một thứ gì mát cơ.
- Tôi không nghĩ là có thứ gì mát mời cô, trừ phi cô uống được uytxki. Ông chủ ngôi nhà này để lại cho tôi hai két. Tôi chỉ mới dùng hết một.
- Đồng ý tôi chưa nếm uytxki bao giờ.
- Mời cô ngồi cho thật thoải mái.
Lêa nhìn quanh. Phòng khách chất đầy những đồ vật đủ loại, có những cái rất đẹp như cái hộp dài sơn màu cánh bọ cạp kia, cũng có những cái xấu đến khủng khiếp như những bức tượng nhỏ màu sắc sặc sỡ nọ. Nàng bước tới ô cửa sổ mở ra phía điện Tuylơri, Raphaen đi theo nàng, tay bưng hai ly đầy một thứ nước màu hổ phách.
- Tôi uống để chúc sắc đẹp của cô.
Lêa nghiêng đầu, cười nụ và nâng cốc. Nàng uống và nhăn mặt.
- Cô không thích phải không?
- Mùi rượu thế nào ấy.
- Cô cứ uống thêm, cô sẽ thấy là chúng sẽ quen thôi.
Họ đứng tựa lan can, chậm rãi uống. Mùi khói đến buồn nôn làm họ phải khịt khịt mũi.
- Khói gì thế? - Lêa hỏi.
- Khói như thế suốt từ sáng nay về phía Bulônhơ. Mời cô quay vào thôi.
Hai người ngồi xuống chiếc tràng kỷ để đầy gối.
- Va li cô có còn chỗ không? - Ông ta hỏi.
- Cái đó còn tùy. Vì sao vậy?
- Hôm qua, tôi hứa đưa cô mượn mấy cuốn sách mà tôi cho là hay nhất trong nền văn học hiện nay.
Cầm lấy ba cuốn nằm trên tràng kỷ, ông ta hơi ngập ngừng khi trao cho Lêa.
- Không, tôi không cho cô mượn đâu, tôi biếu cô đấy. Có thể đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau. Cô sẽ giữ lấy sách làm kỷ niệm. Đây là cuốn "Hoàng hôn của các thần linh" của Elimia Buốcgiơ (1) hoàn toàn có thể sánh với các tác phẩm của Phlôbe (2). Cuốn "Cuộc đời Răngxê" này, có lẽ cô còn trẻ quá, chưa thích hợp. Nó là cuốn sách của tuổi tráng niên trước tuổi già. Ồ! Cô sẽ đọc về sau, lúc thích hợp. Còn đây là "Anh yêu" của nhà đại văn hào nữ Côlet. Nhân vật, một gương mặt phụ nữ tuyệt vời, trùng tên với cô. Trong cuốn tiểu thuyết, có tất cả niềm vinh và nỗi nhục của người đàn bà. Cầu mong cô giống nàng. Cô có thích thơ ca không?
- Có, chút ít.
- Chút ít, thế là chưa đủ. Cô hãy đọc Necvan (3), nhà thơ rất mực tuyệt vọng.
(1, 2, 3: Các nhà văn, nhà thơ hiện đại Pháp).
Lúc này ở Raphaen Man không còn một dấu vết nào của con người khinh suất, của tay bán thảm hay áo lông, của kẻ lấy tin cho tờ Marian hoặc của kẻ gian dâm đồng tính của Pari nữa! Lêa hiểu là tặng nàng mấy cuốn sách này, ông ta để lại trong đó một phần thân thiết của bản thân mình.
- Cảm ơn. - Nàng nói gọn và đặt một nụ hôn lên má ông ta.
Ông ta đứng dậy để che giấu xúc động.
- Cô bé, nếu tôi có yêu một người đàn bà thì tôi muốn người đó phải như cô. - Ông ta vừa nói vừa cúi xuống, vẻ kính cẩn.
Lêa nhìn đồng hồ.
- Tôi phải về: đã hơn sáu giờ rồi.
- Tôi sẽ tiễn cô. Một cô gái trẻ, đẹp không nên đi một mình ngoài đường phố trong thời buổi này.
- Nhưng có ai ngoài đường đâu.
- Chính đấy là điều nguy hiểm. Cô hãy tin lời một kẻ thành thạo những chốn tối tăm. Những gã bậy bạ bao giờ cũng ẩn náu ở những chốn tĩnh mịch. Nên tránh những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Cô trao sách cho tôi, để tôi bọc lại.
Ông ta lấy từ một chiếc tủ cao sơn đen khảm ngà một tấm khăn san lộng lẫy bằng lụa đỏ thêu hoa và hình chim nhiều màu, gói ba cuốn sách lại.
- Cái gói này hoàn toàn hài hoà với trang phục của cô. - Ông ta vừa nói vừa trao gói sách và mở cửa cho cô gái.
- Ông vẫn ăn bận như thế, không thay quần áo để ra phố? - Lêa ngạc nhiên hỏi.
- Thì cô chẳng bảo tôi là Pari hoang vắng hay sao? Mà dù có đông người nữa thì đã sao? Tôi thấy người châu Phi bao giờ cũng là những người trang phục lịch sự nhất.
Ngoài trời, mùi khói làm vẩn đục bầu không khí mát lạnh. Raphaen khoác tay Lêa.
- Chúng ta đi dọc bờ sông nếu cô muốn. Có thể đây là lần cuối cùng chúng ta cùng nhau đi dạo thế này.
Phía trước Viện hàn lâm, hai quầy sách mở cửa, một của một người đàn bà to béo khó đoán tuổi tác, một của một ông già ánh mắt mệt mỏi. Họ chào Raphaen như chào một người quen biết, không hề chú ý đến trang phục của ông ta.
- Hôm nay ông và bà cùng mở cửa hả? Chắc hẳn không được đông khách.
- Ồ! Ông Man, những người can đảm nhất cũng đã bỏ chạy, ông thấy phải rời bỏ cái thành phố này thì có khổ sở không?
- Ông và bà cũng nên làm như họ.
- Tôi ấy à? Thưa ông? Không bao giờ. Tôi lớn lên ở đây, tôi ra đời trong một cái sân trên đường phố Xanh-Oguyxtanh, tôi theo học ở bến tàu Xanh-Misen, và tôi lấy vợ ở Xanh-Xêvơranh. Bà vợ quá cố của tôi là con gái một người buôn đồ cổ ở Benlơrin. Bà ấy được mai táng ở nghĩa trang Lasedơ. Con gái tôi mở tiệm rượu ở Môngmac, con trai cả tôi có cửa hiệu ra trò ở trước Nhà thờ Đức Bà, và con trai út tôi, khi từ cuộc chiến tranh bẩn thỉu này trở về, sẽ nối nghiệp tôi. Ra khỏi Pari, chúng tôi chỉ có héo mòn đi thôi, cả thể xác lẫn tâm hồn. Vì vậy chúng tôi ở lại, có phải thế không, Giécmen?
Người đàn bà béo, da sạm nắng như da lính thuỷ tuyên bố ầm ĩ:
- Ông nói quá dài dòng đấy!
Raphaen và Lêa đi tiếp.
Những tia nắng chiều tà nhuộm hồng những bức tượng kỳ cục trên Cầu-Mới. Những chiếc xe hơi quá tải chạy về hướng đại lộ Xanh-Misen. Đến phố Ghênêgô, qua một ô cửa sổ để mở, họ nghe đồng hồ điểm bảy giờ.
- Nhanh lên, tôi bị muộn mất.
Trên đường tới đại lộ Raxpay, họ chỉ trao đổi một vài lời. Như hai người bạn, họ hôn nhau trước cửa và chúc nhau may mắn.
Hôm sau, Cami nhận được thư Lôrăng. Anh đang ở gần Bôve. Trong thư, anh miêu tả nó như một thành phố rất đẹp có ngôi nhà thờ uy nghi, lộng lẫy.
- Thư đề ngày nào thế? - Lêa hỏi.
- Ngày 2 tháng sáu. Sao vậy? Ồ! Lạy Chúa! Sau ngày đó Bôve bị tàn phá. - Cami lầm bầm và nằm soài xuống.
Sững sờ, Lêa không nghĩ tới việc giúp đỡ cô bạn khốn khổ.
- Lêa! - Cami năn nỉ.
Nhưng quá sửng sốt, Lêa cũng không nghe thấy. Cuối cùng, ra khỏi cơn đê mê, nàng mới lo chăm sóc Cami. Cơn khủng hoảng ra đi, hai người ôm choàng lấy nhau và khóc nức nở. Chợt bác sĩ Đuyboa bước vào. Ông như già đi đến mười tuổi. Tuy rã rời, ông vẫn cố an ủi họ.
o O o
Thứ ba 11 tháng sáu, Lêa, Cami và Giôdet sẵn sàng ra đi, chỉ còn thiếu xe hơi. Bắt đầu một đêm dài mong đợi.
o O o
Buổi sáng thứ tư, không khí hết sức căng thẳng và Lêa đành ra khỏi nhà, bảo là đi xem có xe lửa ở ga Aoxteclit không. Chân đi dép, nàng nhanh nhẹn bước trên đại lộ Xanh-Giecmanh, vượt những nhóm người thảm hại đẩy xe trẻ em, xe bò, thậm chí cả xe cút kít, chất đầy đủ mọi thứ: đồng hồ treo tường, máy hút bụi, máy khâu, phong vũ biểu, lọ đựng cá vàng, đệm giường, chân dung tổ tiên hoặc ảnh cưới phóng đại, chuồng chim trong đó nhảy nhót như điên một con bạch yến hay một đôi cu gáy; búp bê đầu bằng sứ, thảm trải nhà màu sắc nhợt nhạt... Nhiều trẻ em da mặt xanh mét, phụ nữ nét mặt mệt mỏi, người già kiệt sức. Họ từ đâu tới? Từ ngoại thành, từ phương Bắc, từ Bỉ?... Tới đại lộ Xanh-Misen, một số nhập vào dòng người đi ngược về phía Lucxămbua; một số khác tiếp tục theo hướng nhà ga Aoxteclit như Lêa... Một đám người dày đặc bảo vệ xung quanh nhà ga. Những người bị chặn lại ở đây truyền nhau những tin tức hết sức kỳ lạ.
- Bọn Đức đã tới Ăngghiên...
- Không, chúng ở Ăngve...
- Chúng đã cho nổ những kho dầu lửa xung quanh Pari...
- Chúng ném bom Vecxay...
- Xe lửa không chạy nữa...
- Cửa ga đã bị đóng...
Đúng là như thế.
Một nhân viên đường sắt, đứng trên mui một chiếc xe hơi, phía sau dãy hàng rào sân ga, dùng loa phóng thanh nói với đám đông. Sau nhiều lần anh ta yêu cầu, đám đông tương đối lặng im.
- Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đóng cửa nhà ga cho đến năm giờ chiều...
Tiếng phản đối nổi lên khắp nơi.
- Im lặng... cho tôi nói... im lặng...
Tiếng la ó dịu đi.
-... Như vậy để hành khách hiện ở trên sân ga có thể lên tàu...
- Ồ!... Thế còn chúng tôi?...
- Tất cả mọi người đều sẽ đi... Đã dự kiến hai trăm ba mươi tám chuyến tàu bổ sung cho ga Aoxteclit và ga Môngpacnax... Giờ đây, cứ năm phút một, có một chuyến rời Pari... Tất cả mọi người đều sẽ đi... Bà con đừng nôn nóng...
Lêa vất vả lách giữa hững đôi chân của những người đã ngồi bệt xuống giữa lòng đường, hành lý để quanh người. Đi gần tới Bách thảo, nàng thấy các thảm cỏ đều chật ních những người cắm trại bất thần. Nàng đi qua vườn để tới phố Linê, hy vọng ở đấy đỡ đông đúc hơn. Một gã đàn ông lẽo đẽo theo sau nàng đến tận phố Trường học, lúc đầu nói những lờ ngốc nghếch, và về sau những lời dâm dật bỉ ổi. Nhưng đến đấy, không biết vì sao, hắn không đeo đuổi nữa.
Đi qua trước tiệm Đuypông-Latinh ngửi mùi khoai tây rán, nàng sực nhớ mình chưa ăn trưa. Tiệm rượu không đông người. Lêa ăn ngon lành đĩa khoai rán, uống một cốc bia, sau đó một ly cà phê; rồi đi về phía nhà hát Ođêông một cách vất vả giữa đám đông đi ngược đại lộ Xanh-Misen.
Lúc đó là bốn giờ chiều.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiếc Xe Đạp Màu Xanh.