• 348

Chương 16: Bài Thơ Tuyệt Hay Và Đàn Chim Pelintang Pulau


Số từ: 2909
Dịch Giả: Dạ Thảo
NXB Hội nhà văn
Không giống như mọi năm, tháng Tám đến mà mùa khô vẫn chưa rời khỏi làng chúng tôi.
Cây cối héo khô cả. Mỗi khi có xe đi ngang qua, bụi đỏ lại tung lên mù tịt, bám dày đặc các bậu cửa sổ nhà hai bên đường. Làng tôi khô rang và bốc mùi gỉ sét.
Sinh hoạt của cộng đồng người Hoa náo nhiệt hẳn: tắm vào giữa ngày, chải tóc ưới hất ngược ra đằng sau và bấm móng tay. Họ là cộng đồng duy nhất nom sạch sẽ hơn một chút trong suốt mùa khô.
Cộng đồng người Sawang, trái lại, ngồi ôm vẩn vơ mất cây cột trong dãy nhà dài của mình. Trời nóng bức quá, họ không tài nào ngủ được dưới mái nhà không trần cong queo vì sức nóng, cũng không thể làm việc vì họ đã kiệt sức quá rồi. Thật là tiến thoái lưỡng nam.
Người Sarong, như tôi đã kể rồi đấy, ở ngoài biển suốt cả ngày lẫn đêm. Chẳng mấy nữa mà những tháng cuối năm xộc đến, và rồi gió nổi lên mỗi lục một điên cuồng. Mùa khô là cơ hội kiếm tiền của họ.
Người Mã Lai trở nên nhớp nhúa hơn và ở nhà hầu suốt cả ngày. Không nhà ai có tủ lạnh. Thỉnh thoàng lại thấy mấy đứa trẻ lượn lờ trên đường cái, cầm cục đá và xi rô để làm nước giải khát.
Bầu không khí ngột ngạt cứ thế kéo dài cho đến đem. Khi bình minh lên, nhiệt độ hạ xuống trầm trọng, thử thách lòng tin những tín đồ của nhà tiên tri Muhammad, thách thức họ bước ra khỏi giường tiến thẳng đến thánh đường để dự buổi lễ cầu kinh subuh.
Mấy ngày qua, Lintang vẫn vui như thường lệ, nhưng mệt bã người vì cái xe đạp cà khổ. Dây xích, vẫn thường bị đứt, giờ trở nên ngắn đi nhiều do cứ mỗi lần đứt lại phải tháo một mắt xích ra. Lốp xe thì thì cứ xì liên miên. Thế là nó phải dắt xe hết đoạn đường từ nhà đến trường. Rốt cuộc cái xe đạp ấy chẳng thể dùng được nữa.
Không còn chọn lựa nào khác, Lintang phải lội bộ mấy mươi cây số đến trường. Có một con đường tắt, nhưng rất nguy hiểm – phải đi qua một đầm lầy nhung nhúc cá sấu đang ngoác mõm chực sẵn. Giữa đầm lầy nước ngang tới ngực và phải bơi qua. Nhưng nếu phải đi bộ, Lintang buộc phải chật vật vượt qua con đường đó để có thể đến trường đùng giờ.
Lintang thường kể khi nó đi qua cái đầm lầy ấy hàng tá cá sấu bơi theo với hàng bao nhiêu cặp mắt găm chặt vào nó. Do vậy mà trước khi đi học, nó thường tắm bằng lá trầu không, một chất khử trùng truyền thống.
Khi lội qua đầm, nó cho quần áo và sách vở vào một cái túi nhựa cột chặt lại và giơ lên cao. Còn khi nào phải bơi thì nó dùng răng cắn chặt cái túi. Nó láo liên không ngừng để trông trừng bọn cá sấu.
Hôm nay, Lintang đến trường ướt sũng từ đầu đến chân. Lúc nó đang cố thoát khỏi lũ cá sấu thì cái túi nhựa bung ra. Nó đứng sượng sùng ngay cửa lớp. Cô Mus gọi nó vào. Nó hoan hỉ học dù quần áo ướt nhẹp như thế.
Sau buổi học, Lintang đến gần tôi. Vẻ mặt đáng thương của nó, giống như mùa khô hạn kéo dài, chẳng giống nó chút nào. Tôi ngạc nhiên; rầu rĩ đâu phải tính cách của Lintang chứ.

Mày sao thế?
tôi hỏi, cố ngoác miệng cười.
Sao buồn vậy?

Lintang lấy một thứ gì đó ra khỏi túi quần soóc. Một chiếc khăn tay. Tôi nhớ đã trông thấy mẹ nó cầm chiếc khăn tay đó vào cái hôm chúng tôi nhận bảng điểm. Nó mở tấm khăn và tôi trông thấy một chiếc nhẫn.

Đây là chiếc nhẫn cha tao tặng mẹ tao,
nó nói, giọng nó run run.
Mẹ tao không muốn mình bỏ học chỉ vì chiếc xe đạp. Mẹ tao bảo tao phải học thật chăm chỉ giành cho được giải Học sinh giỏi.

Tôi kinh ngạc.

Mẹ tao bảo đem nhẫn này đi bán để mua một sợi xích mới.

Mắt Lintang ngân ngấn nước. Tim tôi thắt lại.
Hai đứa ra chợ. Chiếc nhẫn 18 karra đó được đặt lên một cái cân cầm tay: ba phân. Chất lượng vàng kém khiến nó trông cứ như vàng giả, nhưng đó là tài sản quý giá nhất trong nhà Lintang. Chiếc nhẫn chỉ bán được 125.000 rupi chỉ đủ mua được một sợi xích và hai lốp xe.
Lintang khó lòng chia tay chiếc nhẫn cưới của mẹ nó. Nó nắm chặt nhẫn trong tay. A Bun, ông chủ tiệm vàng phải gỡ từng ngón tay nó mới lấy được chiếc nhẫn ra. Khi Lintang thả nhẫn ra cũng là lúc nó để nước mắt tha hồ tuôn rơi giàn giụa.

Mày sẽ đáp lại sự hi sinh của mẹ mày bằng giải Học sinh giỏi, Boi!
Tôi nói giọng cương quyết, hy vọng giúp nó nguôi ngoai. Boi là cách gọi thân mật giữa nhứng đứa con trai Belitong - Mã Lai. Lintang nhìn tôi rồi nghiêm túc nói,
Tao hứa, Boi.

Rồi hai đứa tôi gắn xích và lốp mới vào xe ngay trước cửu tiệm vàng. Tôi nhìn nó chằm chằm. Nó vừa mới hứa lời hứa thứ hai. Ôi chao, sao mà tôi yêu thằng bạn mình đến thế.
Lintang và tôi chẳng mấy chốc quên béng vụ bán chiếc nhẫn cưới đau lòng đó. Tất thảy những nỗi buồn và mệt nhọc đều phải bỏ lại sau lưng, hay ít nhất gạt sang một bên, vì lớp tôi đang có kế hoạch trọng đại: cắm trại.
Trong khi những học sinh trường PN đi xe buýt màu xanh da trời đến Tanjong Pandan để thăm quan sở thú hay viện bảo tàng, hay đi verloop - tiếng Hà Lan có nghĩa là đi nghỉ mát - cùng bố mẹ ở Jakarta, thì chúng tôi đi đến bãi biển Pangkalan Punai, cách đây sáu mươi cây số, và chúng tôi cùng đi xe đạp đến đó.
Dù năm nào chúng tôi cũng đến Pangkalan Punai, nhưng tôi chưa khi nào thấy chán nơi này. Mỗi lần đứng trên bờ biển sát mép nước tôi đều cảm thấy ngạc nhiên, có thể ví tâm trạng tôi lúc ấy giống nhưu binh lính của Alexander Đại đế khi họ lần đầu tiên thấy Ấn Độ. Trước hàng chục hecta cát trải rộng đến tận cánh rừng, tôi đã cảm nhận được một vẻ đẹp thật khác biệt. Đó chính là ấn tượng của tôi về Pangkalan Punai.
Buổi chiều xuống, tôi sung sướng đi dạo loanh quanh, rồi ngồi lại trên đỉnh ngọn đồi phía Tây. Tôi nghe vẳng lại tiếng trẻ con - con của ngư dân, con trai và con gái, nô đùa với phao, chơi bóng đá không cần cột gôn. Âm thanh ấy thật bình yên.
Đằng sau tôi là một thảo nguyên, cũng mênh mông như đại dương trước mắt. Hàng ngàn con chim sẻ đồng đậu vắt vẻo trên những thân cỏ cao, chí chóe tranh nhau chỗ ngủ. Từ mấy khoảng trống giữa những hàng dừa, tôi trông thấy những tảng đá khổng lồ - nét đặc trưng của Pangkalan Punai - xếp thành dãy trên biển Đông xanh biếc lấp lánh. Những nhánh sống nước lợ quanh co uốn khúc từ xa để cuối cùng hợp lại rồi cùng nhau đổ ra biển, giống như những dòng bạc đang tan chảy.
Khi đêm dần buông, những tia nắng màu cam và đỏ len lỏi qua mái nhà sàn làm bằng lá cây nanga nhô lên giữa những tán cây santigi. Khói bốc lên nghi ngút từ những bếp lò đun bằng củi dừa nhằm xua đuổi đám rệp lổn nhổn chui ra giữa buổi magrib. Đám khói, quyện với lời cầu nguyện lầm rầm, trôi lơ lửng qua ngôi làng như một bóng ma, chậm chạp bò ngược lên mấy nhánh cây bintang, là là bay theo cơn gió để cuối cùng hòa vào biển cả rộng lớn. Những đốm sáng đèn dầu lặng lẽ nhảy nhót lấp lóa sau mấy khung cửa sổ nhà sàn rải rác bên dưới.
Tôi như mê đi trong khung cảnh êm đềm của vùng Pangkalan ấy. Tự nhiên trong đầu tôi hình thành một bài thơ.
Tôi mơ thấy mình được lên thiên đàng
Quả thật vào đêm thứ ba ở Pangkalan Punai tôi thấy mình được hóa lên thiên đàng
Hóa ra thiên đàng không hề hùng vĩ mà chỉ là một lâu đài nhỏ bé giữa rừng
Chẳng có thiếu nữ xinh đẹp nào như được kể trong kinh Koran
Tôi thả bộ qua một cây cầu nhỏ hẹp
Chào đón tôi là một phụ nữ có khuôn mặt thánh thiện

Thiên đường là đây,
cô nói
Cô mời tôi đi dạo trên cánh đồng hoa
Dưới những đám mây đầy màu sắc
Về phía hành lang tòa lâu đài
Trên hành lang tôi trông thấy những tia sáng nhỏ đằng sau tấm rèm
Mỗi tia sáng chiếu rọi xuyên qua đám cỏ dày trong vườn
Đẹp không lời nào tả xiết
Thiên đường quá tĩnh lặng
Nhưng tôi muốn ở lại đây
Vì con nhớ lời hứa của Người, Thượng đế
Nếu con tới
NGƯỜI sẽ chạy lại đón con
Trong chương trình cắm trại có một bài tập - một bài luận, một bức vẽ hay một món đồ thủ công làm từ các vật liệu lượm lặt ở bãi biển. Với bài thơ này, lần đầu tiên ở môn Nghệ thuật tôi đạt điểm cao hơn Mahar một chút; chuyện này xảy ra lần đầu và cũng là lần cuối.
Mahar không đạt điểm cao nhất trong môn Nghệ thuật nhưng như thường lệ là do đàn chim thần thoại mà người Belitong gọi là pelintang pulau - theo nghĩa đen có nghĩa là loài chim băng ngang qua đảo.
Ở đâu chim pelintang pulau cũng được người ta chú ý, nhưng không ở nơi nào chúng cũng được chú ý nhiều như trên bờ biển. Một vài người nghĩ rằng chúng là loài siêu nhiên. Chỉ cần nghe tiếng của loài chim ấy cũng khiến người dân sống trên bờ biển này kính sợ vì những truyền thuyết xung quanh chúng và thông điệp chúng mang đến. Nếu chúng xuất hiện thành đàn ở một ngôi làng thì ngư dân sẽ ngay lập tức hoãn dự định dong thuyền đánh cá; đối với họ, sự xuất hiện của những con chim huyền thoại này là dấu hiệu báo cơn bão biển đang đến.
Bất luận những con chim này thật sự là gì đi nữa thì Mahar cũng tuyên bố nó đã trông thấy chúng trong khi tìm cảnh để vẽ một bức tranh cho bài tập môn Nghệ thuật. Nó trở lại trại khoe với chúng tôi những gì vừa trông thấy. Chúng tôi phóng vào rừng để tận mục sở thị một trong những loài chim quý hiếm nhất trong quần thể động vật phong phú của đảo Belitong này.
Không may, chúng tôi chẳng trông thấy gì ngoài những cành cây trống trơn, bọn khỉ con đuôi dài và bầu trời trong veo. Mahar tẽn tò và thế là bọn bạn thi nhau chế nhạo.

Nếu ai ăn quá nhiều trái bintang, người đó sẽ bị say, Mahar à - nhìn gà hóa cuốc, nói năng hàm hồ,
Samson nổ phát súng đầu tiên. Và cả bọn bắt đầu lao vào tấn cống Mahar.

Thật mà, Samson, tao trông thấy đàn năm con pelingtang pulau thật!


Dò sông dò bể dễ dò, nào ai lấy thước mà đi xem một kẻ nói dối bao nhiêu,
Kucai nhại một câu ca dao.
Nét tuyệt vọng hiện trên khuôn mặt Mahar. Hai mắt nó đảo tìm lia lịa trên mấy nhánh cây. Tôi thấy tội nghiệp cho nó quá thể. Nhưng biết bảo vệ nó bằng cách nào bây giờ? Nó không có chứng cớ gì để chứng minh mình đã trông thấy đàn chim ấy, nó bất lực. Tôi nhìn sâu vào mắt Mahar. Tôi tin nó đã trông thấy loài chim thiêng liêng đó. Nó may thật! Mỗi tội Mahar không thể thuyết phục được chúng tôi vì xưa nay nó vốn nổi tiếng là đứa hay nói láo. Đó là rắc rối dành cho những kẻ thích nói láo: khi rốt cuộc bạn cũng nói ra được một sự thật giữa hàng triệu lời nói dối, thì những người khác vẫn cứ cho rằng sự thật đó cũng chỉ là sản phẩm của một sự dối trá nữa mà thôi.

Đừng giàu trí tưởng tượng và dối trá nữa bạn ơi. Mày biết dối trá là điều cấm kỵ. Điều cấm kỵ đó được nói nhiều lần trong cuốn đạo đức mà,
Sahara triết lý.
Tình hình trở nên rối mù cả lên khi cái tin Mahar trông thấy chim pelintang pulau lan khắp ngôi làng, ngay lập tức ngư dân hủy kế hoạch đánh cá ngoài khơi. Cô Mus cảm thấy bực bội vì không biết làm thế nào để khiến tình hình lắng dịu. Mahar bị dồn vào thế bí.
Thế nhưng dù tin hay không, vào tối đó, gió giật dữ dội, khiến cho căn lều của chúng tôi bật ngửa. Sấm chớp liên hồi ngoài khơi. Mây đen ùn ùn kéo đến che khắp bầu trời. Chúng tôi hộc tốc chạy tìm chỗ trú trong một nhà dân.

Có lẽ mày trông thấy chim pelintang pulau thật, Mahar,
Sahara run run nói.
Mahar không đáp. Tôi biết hai từ có lẽ chẳng nói lên điều gì. Cơn bão giúp câu chuyện của nó có cơ sở và ngư dân biết ơn nó, nhưng lũ bạn vẫn nghi ngờ nó bằng từ có lẽ. Nó cảm thấy bị tổn thương hơn bao giờ hết, nó cảm thấy mình như một persona non grata, kẻ bị ruồng bỏ.
Ngày hôm sau, Mahar vẽ bức tranh Đàn chim pelintang pulau. Ấy là một chủ đề thú vị. Năm con chim được vẽ với những hình thù không rõ nét đang phóng nhanh như chớp xuyên qua các tán lá trên ngọn cây merati. Nền bức vẽ là những đám mây đen u ám báo hiệu bão sắp đến. Biển được vẽ bằng màu xanh thẫm trong khi mặt nước lấp loáng, phản chiếu ánh chớp phóng xuống từ bầu trời bên trên. Nhìn thật thích mắt.
Những con chim được vẽ bằng những vệt xanh nõn chuối không rõ hình thù đang bay với vận tốc chóng mặt. Nếu mới nhìn sơ qua ta cứ tưởng là năm đàm chim, nhưng đó chỉ là ảo giác do nét bút tạo nên thôi. Một bức vẽ thực sự nhìn muốn nổi gai ốc.
Ý tưởng ẩn chứa đằng sau bức vẽ của Mahar là nhằm cố gắng nắm bắt bản chất của loài chim pelintang pulau huyền thoại. Khi vẽ nhưng con chim có ma lực này, nó đã giúp chúng tôi hiểu thêm về loài chim ấy - loài chim không thích tới gần con người - cũng như những huyền thoại kỳ dị khuấy động tâm trí người dân miền biển. Đối với Mahar, vẽ những con chim ấy theo lối rõ ràng tròn trịa như trong các bức hình giải phẫu học xem ra không mang tính nghệ thuật chút nào. Thế nhưng, Samson, Kucai và Sahara cứ khăng khăng cho rằng hình thù con chim không rõ ràng gì cả bởi lẽ thực ra Mahar không hề trông thấy chúng. Mahar liền tiu nghỉu, mặt méo xệch đi.
Thất vọng vì tính chân thực của tác phẩm bị nghi vấn này nọ, Mahar nộp bài muộn. Đó là lý do nó bị điểm thấp – chỉ vì nó nộp trễ so với thời gian quy định, chứ chẳng liên quan gì đến khả năng thẩm mỹ của nó cả.

Lần này cô không cho em điểm cao nhất để dạy em một bài học,
cô Mus nói với Mahar lúc này đang khoác vẻ mặt lạnh nhạt thờ ơ.

Không phải vì bức vẽ của em xấu; dù làm bất kỳ việc gì, chúng ta cũng phải tuân thủ nguyên tắc. Người dù tài bao nhiêu mà thái độ không tốt thì vô dụng mà thôi.

Tôi cảm thấy cô Mus thật công bằng. Mặt khác, cả tôi lẫn mấy đứa kia đều không lấy con điểm cao nhất lớp ở môn Nghệ thuật của tôi lúc này để công nhận sự ra đời một nghệ sĩ mới. Nghệ sĩ tài ba lớp tôi vẫn là Mahar, một và chỉ một mà thôi, duy nhất.
Thằng Mahar lập dị đó chẳng trằn trọc đến mất ngủ vì con điểm đó. Vì lúc này nó bận rộn hơn bao giờ hết, Nó đang mải suy nghĩ để tìm ra ý tưởng cho lễ hội hóa trang ngày 17 tháng Tám – Ngày Quốc khánh.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Binh Cầu Vòng.