• 348

Chương 31: Người Đàn Ông Có Tấm Lòng Bao La Như Biển


Số từ: 1424
Dịch Giả: Dạ Thảo
NXB Hội nhà văn
Ngày hôm sau, chúng tôi đứng xếp hàng trước tủ trưng bày. Giờ đến lượt Lintang nhận vinh dự được đặt chiếc cúp vào trong tủ. Chiếc cúp vô địch Học sinh giỏi đứng cạnh chiếc cúp lễ hội hóa trang có được nhờ công sức của Mahar.
Hai chiếc cúp đã cho chúng tôi hiểu được tại sao Thượng đế lại ban tặng cho chúng tôi hai người bạn thiên tài ấy. Nhờ Mahar mà chúng tôi đủ dũng khí để đua tranh. Nhờ Lintang, chúng tôi dám mơ ước.
Hai chiếc cúp đúng thật là tuyệt. Chúng như một cặp tình nhân khăng khít. Chúng đứng bên nhau không tách rời như thể đang tuyên bố rằng chúng là tài sản của những chiến binh sẵn sàng đối mặt với bất kỳ khó khăn nào và không bao giờ có cảm giác than thân trách phận, ngay cả khi số phận luôn nghiệt ngã.
Trước đây, người ta tin rằng trí lực cũng như thể lực của chúng tôi, và thậm chí ngôi trường của chúng tôi sẽ đổ sụp chỉ sau vài tuần. Không ai từng nghĩ rằng có lúc chúng tôi lại giành được những phần thưởng cao quý đến như thế này. Nhưng hãy nhìn chúng tôi đi, nhìn hai chiếc cúp danh giá đi. Hãy nhìn cách chúng tôi đứng trước chiếc tủ trưng bày thể hiện niềm tự hào to lớn đến thế nào đi. Chúng tôi mạnh mẽ và can trường hơn bao giờ hết. Sự dạy dỗ kiên trì và bền bỉ của thầy Harfan và cô Mus giờ bắt đầu cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn. Hai con người tận tâm ấy giờ đang cố nén giọt lệ trong khi đứng nhìn chăm chăm hai chiếc cúp vì biết rằng, từ giây phút này trở đi, không một ai có thể coi thường trường chúng tôi được nữa.
Cho dù sức khỏe đang giảm sút nghiêm trọng, thầy Par Harfan thậm chí còn hăng say giảng bài cho chúng tôi hơn sau chiến thắng ở giải Học sinh giỏi đó. Thầy không biết mệt mỏi là gì, dốc lòng dốc sức chuẩn bị cho chúng tôi đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp sắp đến.
Thầy hướng dẫn cho chúng tôi hàng giờ liền. Thầy làm việc như thể đang chạy đua với cái gì đó. Nên dù phải học cật lực như thế, chúng tôi vẫn quá đỗi vui mừng. Phương pháp giảng dạy của thầy Harfan giúp cho những bài học thuộc lòng dường như trở thành bữa ăn thịnh soạn. Những bài toán hóc búa trở thành những trận thi thố, môn số học khó nuốt giờ thành môn giải trí.
Vào những ngày cuối tuần, thầy Harfan đi xe đạp 100 cây số đến Tanjong Pandan mang theo cái giỏ đựng đủ thứ hoa màu từ vườn nhà thầy: dứa, chuối, riềng nếp và cả khoai nướng nữa. Thầy bán những thứ ấy để mua sách cho chúng tôi. Trên đường về, thầy ghé qua thư viện thành phố. Thầy vào đó mượn đề thi tốt nghiệp các năm trước.
Nhưng bệnh suyễn của thầy Harfan đang mỗi ngày một nặng thêm. Thầy còn ho ra cả máu, chúng tôi thường phải nhắc thầy nghỉ ngơi.

Không lên lớp thì thầy còn mệt hơn ấy chứ,
thầy luôn bảo thế.

Và nếu thầy có chết, thầy sẽ chết tại ngôi trường này
thầy đùa.
Thầy Harfan cứ tiếp tục làm việc không ngơi nghỉ như thế. Thầy chữa bài tập cho chúng tôi đến tận khuya lơ khuya lắc. Thầy phê thật chi tiết vào tờ kiểm tra của chúng tôi, hướng dẫn cách khắc phục từng khuyết điểm một.
Suốt hàng mấy tháng trời, tối nào cũng vậy, sau buổi đọc kinh Koran chúng tôi lại chạy ào về trường để nhận bài tập làm thêm thầy Harfan giao.
Vậy mà vào một đêm nọ, chúng tôi đợi trong lớp mất một lúc mà không thấy thầy Harfan đến. Chúng tôi bèn đến văn phòng thầy bên cạnh vườn trường. Chúng tôi gõ cửa, nhưng không nghe tiếng trả lời. Chúng tôi mở cửa và trông thấy thầy ngồi gục mặt lên bàn. Tôi gọi thầy, nhưng thấy không đáp lại. Tôi đến gần hơn một chút và thấy thầy như đang ngủ say. Tôi tiến lại gần hơn và gọi thầy lần nữa. Thấy vẫn im lặng. Tôi chạm vào tay thầy, bàn tay lạnh như đá. Thầy không còn thở nữa. Thầy Harfan đã ra đi.
Thầy Harfan đi dạy từ khi mới mười lăm mười sáu tuổi, tính ra đã hơn năm mươi mốt năm. Chính thầy đã đốn cây trong rừng mang về xây nên ngôi trường Muhammadiyah này. Thầy đã mang súc gỗ đầu tiên - và nặng nhất trên chính đôi vai của mình, và đó là cây cột chính hiện vẫn còn trong lớp học chúng tôi. Chúng tôi đã đo chiều cao của mình trên cây cột ấy trong suốt những năm tháng qua, để lại trên thân nó đầy những vệt cứa. Đối với chúng tôi, cây cột ấy thật thiêng liêng.
Người ta bảo hồi xửa hồi xưa, thầy Harfan cũng có nhiều học trò và giáo viên lắm. Nhưng dần dà, cộng đồng mất niềm tin nơi nhà trường còn giáo viên mất niềm tự hào về nghề nghiệp của mình. Sự phân biệt giáo dục dưới sự áp đặt của PN làm người ta không còn hăng hái cho con em đến trường. Sự phân biệt này khiến cư dân Belitong bản địa tin rằng chỉ con cái của nhân viên PN mới được học ra đầu ra đũa và có cơ hội vào được đại học và rằng chỉ giáo viên PN mới có tương lai. Điều này khiến cho trẻ em bỏ học dần, và dần dà so giáo viên cũng rơi rớt theo. Họ hoặc trở thành cu li cho PN hoặc làm ngư dân.

Học mà làm gì chứ?
bọn trẻ trong làng hỏi để mà phủ nhận.
Dù thế nào mình cũng không thể tiếp tục được nữa.

Tình huống càng trở nên tệ hơn khi bọn trẻ làng lóc nhóc không đến trường nhưng vẫn
được việc
. Bọn chúng kiếm ra tiền từ việc hái tiêu, trông coi cửa hàng, làm thợ xảm, mài dừa và phụ việc vặt cho thuyền đánh cá.
Đối với chúng nó, trường học chỉ mang tính tương đối - đặc biệt là với những đứa tìm được công việc có thu nhập như những đứa đủ can đảm vào rừng tìm gỗ trầm huơng và đàn hương vàng chẳng hạn. Chúng có thể mua được xe đạp trong khi thầy Harfan, đường đường là hiệu trưởng, phải dành dụm từng rupi một cũng chi đủ để thay cái lốp xe mòn vẹt. Giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng chẳng mấy hy vọng được cắp sách tới trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc hằng ngày dưới sự phân biệt đối xử.
Nhưng thầy Harfan vẫn luôn cần mẫn cố gắng thuyết phục những đứa trẻ ấy rằng học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chắc với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn mình. Đó là định nghĩa hết sức thú vị đến hơi thở cuối cùng mới có thể giữ được. Một cái chết vinh quang, như thầy vẫn hằng mong muốn.
Không có phát súng tiễn biệt, không một vòng hoa viếng, không phần thưởng nào từ chính quyền hay bài phúng điếu từ Bộ Giáo dục, không một lời ngợi ca nào từ bất kỳ ai. Nhưng thầy đã để lại một cái giếng mát lành trong tim của mười một đứa học sinh chúng tôi, một cái giếng kiến thức không bao giờ cạn.
Chúng tôi khóc tiễn thầy trong lớp học. Người khóc khiến ai nghe cũng phải thắt ruột là Harun. Thầy Harfan như cha của cậu ấy. Cậu khóc quá chừng, không ai dỗ cho nín được. Nước mắt tuôn chảy ướt cả áo sơ mi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Binh Cầu Vòng.