• 3,701

Phần 08 - Chương 06: Đánh chặn “vòng cung khủng hoảng” của tiền tệ châu Âu


Chiến Tranh Tiền Tệ
Tác giả: Song Hongbing
Dịch giả: Hồ Ngọc Minh
Sau khi đạt được mục tiêu chiến lược
giải thể có kiểm soát
ở Đông Âu và Liên Xô, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế tiếp tục nhắm vào Đức và Pháp. Hai quốc gia này đóng vai trò chủ chốt ở cựu lục địa châu Âu nhưng lại bị gạt ra khỏi địa vị quyền lực vốn có nên tỏ ra không cam phận.
Không còn chịu ảnh hưởng của Liên Xô hùng mạnh trước kia, các nước này ngay lập tức tính chuyện tạo ra đồng tiền chung châu Âu, qua đó muốn tạo nên sự khác biệt với các thế lực tài chính Anh, Mỹ. Đồng tiền chung châu Âu một khi ra đời chắc chắn sẽ đánh động địa vị bá quyền của đồng đô-la Mỹ. Xung đột tiền tệ giữa trục London – phố Wall với đồng minh Đức – Pháp sẽ ngày càng quyết liệt.
Nguồn cơn của vấn đề chính là sự giải thể của hiệp ước Bretton Woods vào năm 1971 – hiệp ước đã gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng của hệ thống tiền tệ thế giới. Trong khuôn khổ hiệp ước Bretton Woods với chế độ bản vị gián tiếp vàng, tỉ suất hối đoái tiền tệ của các quốc gia chủ yếu trên thế giới hầu như được giữ ở mức ổn định cao độ, nền thương mại và tài chính của các nước cũng khá cân bằng. Bởi các quốc gia bội chi tất yếu sẽ phải mất đi những nguồn tài sản chính yếu của quốc gia cho nên khả năng tín dụng của hệ thống ngân hàng các nước này sẽ suy giảm. Vì thế mà các quốc gia phải ban hành chính sách siết chặt tiền tệ nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu khi nền kinh tế thì rơi vào tình trạng suy thoái. Lúc này, nhu cầu tiêu dùng tất nhiên sẽ phải giảm, và như vậy, nhu cầu nhập khẩu cũng phải giảm theo, kết quả là thâm hụt thương mại chấm dứt. Khi người dân bắt đầu tích luỹ thì tư bản của ngân hàng cũng bắt đầu gia tăng, quy mô sản xuất được mở rộng, hiện tượng xuất siêu manh nha, tổng tài sản xã hội tăng. Hệ thống khống chế ưu việt này đã được chứng nghiệm nhiều lần qua thực tiễn xã hội từ năm 1971 trở về trước, khi gốc rễ của việc thâm hụt mậu dịch không đất bám trụ, đối xung rủi ro tiền tệ hầu như là điều không cần thiết, công cụ phái sinh tài chính có điều kiện để tồn tại. Trong khuôn khổ tiền tệ theo bản vị vàng, mọi quốc gia đều cần phải làm việc một cách chăm chỉ và khắc khổ để tích luỹ của cải, và đây cũng chính là nguyên nhân căn bản khiến cho các nhà ngân hàng quốc tế ghét vàng.
Khi không được bảo đảm bằng vàng, hệ thống tiền tệ quốc tế trở nên hỗn loạn.
Nhờ nhu cầu đối với đồng đô-la Mỹ từ sau
khủng hoảng dầu mỏ
nhân tạo cộng với chính sách lãi suất cao của chính phủ Mỹ bắt đầu từ năm 1979, đồng đô-la Mỹ mới dần dần lấy lại được vị thế của mình. Đồng đô-la Mỹ được xem là đồng tiền tích luỹ của các nước trên thế giới nhưng giá trị của nó lại lên xuống thất thường. Trong khi quyền thao túng đồng tiền này lại hoàn toàn nằm trong tay trục London – phố Wall, các quốc gia châu Âu bị ép buộc phải chịu cảnh qua sông luỵ đò cảm thấy trong lòng hết sức cay đắng. Vì vậy, cuối thập niên 70, Helmut Schmidt – Bộ trưởng tài chính Đức đã tìm đến Giscard d’Estaing – tổng thống Pháp – để thương lượng về việc xây dựng một hệ thống tiền tệ châu Âu (European Monetary System) nhằm giải quyết vấn đề bất ổn trong hối đoái trong mậu dịch giữa các nước châu Âu – vấn đề đang khiến người ta đau đầu bấy lâu nay.
Năm 1979, hệ thống tiền tệ châu Âu bắt đầu chuyển động và đem lại hiệu quả rất tốt. Các quốc gia châu Âu chưa gia nhập hệ thống này thì nô nức bày tỏ hứng thú muốn tham gia vào hệ thống này. Mối lo lắng rằng trong tương lai, hệ thống này có thể biến thành chế độ tiền tệ thống nhất của châu Âu bắt đầu tác động một cách mạnh mẽ đến những nhân vật cốt cán của trục London – phố Wall.
Điều khiến cho người ta bất an hơn là bắt đầu từ năm 1977, Đức và Pháp đã bắt đầu nhúng tay vào vụ OPEC. Họ lên kế hoạch cung cấp những sản phẩm kỹ thuật cao cho các nước xuất khẩu dầu mỏ và giúp các nước này thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, xem như đó là điều kiện trao đổi.
Các quốc gia A-rập đảm bảo nguồn cung ứng dầu mỏ ổn định trong thời gian dài cho các nước Tây Âu đồng thời đem các khoản thu từ xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu gửi vào hệ thống ngân hàng của châu lục này. Ngay từ đầu, Anh đã kiên quyết phản đối kế hoạch gây dựng hệ thống tiền tệ mới của Đức và Pháp. Sau khi mọi nỗ lực ngăn cản đều bị thất bại, họ đã từ chối tham gia vào hệ thống tiền tệ này.
Nước Đức thời đó còn có một mưu đồ lớn hơn nữa – hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước để trở thành một quốc gia hùng mạnh chủ đạo của châu Âu. Vì mục đích này, Đức đã bắt đầu chủ động xích lại gần Liên Xô, duy trì mối quan hệ hợp tác nồng ấm và đôi bên cùng có lợi với nước này.
Để đối phó với ý đồ của Đức – Pháp, các chiến lược gia của London – phố Wall đã đề ra lý thuyết
vòng cung khủng hoảng
. Vấn đề trọng tâm của lý thuyết này chính là việc kích động các thế lực Hồi giáo cấp tiến ở Iran, gây nên những bất ổn ở khu vực Trung Đông vốn được xem là mỏ dầu của thế giới. ảnh hưởng của những hoạt động phá hoại này thậm chí có thể lan đến tận khu vực Hồi giáo thuộc miền nam Liên Xô. Kế hoạch này vừa tấn công vào viễn cảnh hợp tác tốt đẹp giữa châu Âu và Trung Đông, vừa ngăn cản bước tiến của hệ thống tiền tệ chung châu Âu, khống chế Liên Xô đồng thời chuẩn bị cho quân đội Mỹ xâm nhập vào khu vực Vùng Vịnh sau này.
Quả thực, một mũi tên có thể giết chết ba con nhạn.
Brzezinski – cố vấn an ninh quốc gia và Vance – Bộ trưởng ngoại giao đã xử lý sự việc rất nhịp nhàng và hiệu quả. Tình thế ở Trung Đông đang trở nên rắc rối nghiêm trọng. Năm 1979, cuộc cách mạng ở Iran bùng phát, cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới lần thứ hai nổ ra. Thực ra, về bản chất, thế giới chưa từng có chuyện thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ. Việc thiếu 3 triệu thùng dầu mỗi ngày do Iran cắt giảm sản lượng hoàn toàn có thể được thay thế bằng sản lượng dầu bổ xung của A-rập Saudi và Kuwait dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Mỹ. Các trùm tài chính và dầu mỏ của London và phố Wall đã thả nổi giá dầu với mục đích kích thích nhu cầu của thế giới đối với đồng đô-la Mỹ. Các đại gia ngân hàng vừa thao túng nền công nghiệp sản xuất dầu, vừa kiểm soát việc phát hành đồng đô-la Mỹ. Và một khi họ đã ra chiêu thì thế giới làm sao tránh khỏi vòng kiềm toả?
Một trò khác của Brzezinski chính là chiêu đánh
con bài Trung Quốc
. Tháng 12-1978, nước Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tán thành việc quốc gia đất rộng người đông này gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc. Hành động này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Liên Xô. Liên Xô lập tức cảm thấy xung quanh mình tứ phương đều có địch, phía Đông có khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phía tây có Trung Quốc, phía Nam lại có
vòng cung khủng hoảng
. Liên Xô như chợt giật mình bừng tỉnh và cắt đứt ngay mối quan hệ vốn dĩ mong manh với Đức.
Tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, khi người Đức ăn mừng sự thống nhất đất nước thì phố Wall lại có một cảm nhận riêng. Các nhà kinh tế học Mỹ đã bình luận thế này:
Quả thực, khi viết về lịch sử nền tài chính thập niên 90 của thế kỷ 20, các nhà phân tích có thể sẽ coi vụ sụp đổ bức tường Berlin kinh khủng hơn cả cơn địa chấn tài chính Nhật Bản. Sự sụp đổ của bức tường này đồng nghĩa với việc hàng trăm tỉ đô-la Mỹ sẽ chảy về phía Đông – khu vực mà hơn sáu mươi năm nay chẳng đóng vai trò gì trên thị trường tài chính thế giới.
Trong những năm gần đây, Đức không phải là quốc gia đầu tư nước ngoài chủ yếu của Mỹ. Vai trò này thuộc về Anh từ năm 1987 đến nay; tuy nhiên, điều mà người Mỹ không thể quên là, nếu không có được sự tích luỹ lớn của Đức, nước Anh không thể tiến hành đầu tư quy mô như vậy đối với Mỹ(16).
London cảm nhận được điều này một cách rõ nét. Các chiến lược gia của bà Thatcher thậm chí còn hô hoán rằng
Đức là đế quốc thứ tư
. Vào ngày 22 tháng 7 năm 1990, tờ Sunday Times đã bình luận như thế này:
Chúng ta hãy giả sử rằng sau khi thống nhất, Đức sẽ trở thành một người khổng lồ lương thiện, vậy thì tình hình sẽ ra sao? Giả sử việc Đức thống nhất sẽ khiến cho nước Nga cũng trở thành một người khổng lồ lương thiện, vày thì tình hình sẽ thế nào? Trên thực tế, sức ép từ sự lớn mạnh của nước Đức sẽ càng lớn hơn. Cho dù một nước Đức thống nhất có quyết tâm tiến hành cạnh tranh theo quy tắc của chúng ta thì trên thế giới này ai có thể ngăn cản hữu hiệu việc nước Đức đoạt lấy quyền bính của chúng ta? (17)
Mùa hè năm 1990, Anh thành lập một cơ quan tình báo mới với mục tiêu tăng cường mở rộng hoạt động tình báo đối với Đức. Chuyên gia tình báo của Anh đã cương quyết đề nghị đồng minh Mỹ phải tuyển mộ nhân viên trong số các nhân viên tình báo cũ của Đông Đức nhằm tạo nên mạng lưới tình báo Mỹ ở Đức.
Do tỏ ý cảm kích đối với việc Liên bang Nga ủng hộ thống nhất nước Đức nên Đức đã quyết tâm giúp đỡ Liên bang Nga xây dựng lại nền kinh tế đang kiệt quệ. Bộ trưởng tài chính Đức hình dung về một viễn cảnh tốt đẹp của châu Âu mới trong tương lai: một con đường sắt hiện đại hoá nối liền Paris, Hannover, Berlin, Warsaw và Maxcơva; một hệ thống tiền tệ chung, nền kinh tế phồn vinh, hội nhập với nhau, châu Âu cũng sẽ không còn lửa chiến tranh và mùi thuốc súng nữa, tất cả các quốc gia châu Âu chỉ có một tương lai đẹp như trong mộng ảo. Tuy nhiên, đối với các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế thì điều này không phải là mộng tưởng. Điều mà họ quan tâm là làm thế nào để hạ gục đồng mác Đức, đánh bại ý tưởng về đồng tiền chung châu Âu đang manh nha hình thành đồng thời cản trở công cuộc tái thiết của nước Đức. Đây là bối cảnh chính khi Soros đánh chặn đồng bảng Anh và đồng lia Ý dưới sự sắp đặt của London – phố Wall vào đầu thập niên 90.
Năm 1990, chính phủ Anh bất chấp sự phản đối của London, ngang nhiên gia nhập vào hệ thống hối đoái tiền tệ châu Âu (ERM). Vì nhận thấy hệ thống đồng tiền châu Âu đang dần dần thành hình có thể trở thành mối hoạ tiềm ẩn cho trục tài chính Lon đon – phố Wall, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã lập kế hoạch để phá hoại hệ thống tiền tệ non trẻ này.
Năm 1990, bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất. Những khoản chi tiêu khổng lồ theo đó mà kéo đến và trở thành điều không thể ngờ tới. Nhằm đối phó với áp lực lạm phát tiền tệ, Ngân hàng trung ương Đức đành phải nâng cao lãi suất của đồng mác. Cùng năm đó, Anh gia nhập Hệ thống hối đoái tiền tệ châu Âu (ERM) và cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế với tỉ lệ lạm phát cao gấp ba lần so với Đức lãi suất tăng đến 15%, nền kinh tế bong bóng những năm 80 đang cận kề nguy cơ bị nổ tung.
Đến năm 1992, ở Ý và Anh xuất hiện hiện tượng thâm hụt mậu dịch song phương. Nhà đầu cơ Soros đã nhắm trúng thời điểm để phát động cuộc tổng tấn công vào thị trường tài chính ngày 16 tháng 9 năm 1992, bán tháo cổ phiếu với tổng giá trị lên đến 10 tỉ đô-la Mỹ. Đến 7 giờ tối, Anh tuyên bố đầu hàng, và Soros kiếm được 1,1 tỉ đô-la Mỹ đồng thời hất văng đồng bảng Anh và đồng lia ra khỏi hệ thống hối đoái châu Âu. Ngay sau đó, Soros tấn công vào đồng francs Pháp và mác Đức, tuy nhiên, trong canh bạc trị giá lên đến 40 tỉ đô-la Mỹ lần này, đó không phải là điều dễ dàng đạt được Như vậy, có thể thấy rằng, các ông trùm tài chính hùng mạnh là những kẻ hỗ trợ cho Soros trong cuộc tổng công kích vào hệ thống các đồng tiền châu Âu này.
------
Chú thích:
(16) William Engdahl, Một thế kỷ chiến tranh: Quan điểm chính trị dầu khí Anh-Mỹ và Trật tự thế giới mới (A Century of War: Anglo-American Oil Politics and The New World Order) – Pluto Press, London, 2004; Chương 11.
(17) William Engdahl, Một thế kỷ chiến tranh: Quan điểm chính trị dầu khí Anh-Mỹ và Trật tự thế giới mới (A Century of War: Anglo-American Oil Politics and The New World Order) – Pluto Press, London, 2004; Chương 11.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh Tiền Tệ.