• 2,973

Phần IX - Chương 9


Số từ: 3827
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Công tước Andrey đến đại bản doanh vào cuối tháng sáu. Các đơn vị của quân đoàn thứ nhất, nơi nhà vua hiện có mặt, đóng ở doanh trại có công sự ở gần Drissa; các đơn vị của quân đoàn thứ nhất, vì bấy giờ, - như người ta nói - nó bị những lực lượng hùng hậu của Pháp, cắt đứt liên lạc với quân đoàn này. Trong quân đội Nga, mọi người đều bất bình về tình hình chiến sự; nhưng không ai nghĩ đến việc quân địch có thể tràn vào các tỉnh ở nội địa nước Nga, thậm chí không ai giả định rằng chiến tranh có thể chuyển ra ngoài các tỉnh miền Tây Ba Lan.
Công tước Andrey tìm được Barclay de Tolly, thủ tướng mới của chàng, đang trú chân trên bờ sông Drissa. Vì chung quanh doanh trại không có một thị trấn hay một làng nào lớn, cho nên các tướng tá triều thần bấy giờ đi với quân đoàn rất đông, đều phân tán ra ở các nhà đẹp nhất trong các làng lẫn cận xa trung tâm doanh trại đến hàng chục dặm, cả bên này lẫn bên kia sông. Barclay de Tolly ở cách nhà vua bốn dặm. Ông ta tiếp Bolkonxki lạnh nhạt và nói bằng giọng Đức lơ lớ rằng ông ta sẽ trình lên hoàng thượng về việc trao chức vụ cho chàng, và trong khi chờ đợi, ông yêu cầu chàng ở lại bộ tham mưu của ông ta. Anatol Kuraghin, và công tước Andrey hy vọng sẽ tìm thấy ở trong quân đội, lúc này không có ở đây: hắn đã đi Petersburg rồi. Nghe tin ấy, công tước Andrey thấy hài lòng. Một khi đã ở vào trung tâm của cuộc chiến tranh to lớn đang diễn ra, công tước Andrey thấy hào hứng và chàng thấy là làm mừng rằng chàng sẽ khỏi phải bận tâm nghĩ đến Kuraghin trong ít lâu.
Trong khoảng bốn ngày đầu, chưa phải đi đâu, công tước Andrey cưỡi ngựa dạo khắp khu doanh trại có hệ thống phòng ngự, cố vận dụng những kiến thức của mình và hỏi chuyện những người am hiểu để có được một khái niệm chính xác về vị trí này. Nhưng đóng doanh trại như thế này có lợi hay không, thì công tước Andrey vẫn cứ phân vân. Vốn kinh nghiệm quân sự của chàng đã đủ cho chàng thấy rõ ràng trong vịêc quân, các kế hoạch được suy tính kỹ lưỡng nhất đều không có nghĩa lý gì (như chàng đã từng thấy trong chiến dịch Austerlix), rằng tất cả là tuỳ ở cách ứng phó với những hành động bất ngờ và không thể đoán trước của quân địch, rằng tất cả đều tuỳ ở chỗ ai chỉ huy chiến sự và chỉ huy như thế nào. Để giải đáp cho mình câu hỏi sau cùng này, công tước hiểu thấu đáo tính chất đường lối của chỉ huy quân đội của các nhân vật tham gia vào việc chỉ huy, và chàng đã rút ra được những khái niệm sau đây về tình hình hiện thời.
Khi nhà vua còn ở Vilna, quân đội chia làm ba phần: quân đoàn thứ nhất dưới quyền chỉ huy của Barclay de Tolly, quân đoàn thứ hai dưới quyền chỉ huy của Tormaxov. Nhà vua đi với quân đoàn thứ nhất, nhưng không phải với tư cách tổng tư lệnh. Trong các bản nhật lệnh không nói nhà vua sẽ chỉ huy, mà chỉ nói là vua sẽ cùng đi với quân đội, thế thôi. Ngoài ra, bên cạnh nhà vua không có bộ tham mưu của tổng tư lệnh, mà chỉ có bộ tổng tham mưu của tổng hành dinh ngự tiền. Bên cạnh ngài có viên ngự tiền tham mưu trưởng là quân nhu đại thần công tước Volkonxki, những viên tướng, viên sĩ quan phụ tá ngự tiền, những quan chức ngoại giao và một số lớn người ngoại quốc, nhưng không có Bộ tham mưu quân đội. Ngoài ra còn có những người cùng đi với nhà vua nhưng không có nhiệm vụ chứnh thức gì: Arakseyev, cựu tổng thống trưởng bộ chiến tranh, bá tước Benrigxen, viên tướng cao cấp nhất trong quân đội đại công tước thái tử Konxtantin Pavlevich, bá tước Rumiantev quốc vụ đạo thần Stain, cựu tổng trưởng nước Phổ, Armfeld - tướng Thuỵ Điển, tác giả chính của kế hoạch chiến dịch, tướng hành dinh Paolutsi, một người gốc gác ở đảo Sarden, Bolxoghen và nhiều người khác. Tuy họ chẳng giữ nhiệm vụ gì trong khi theo quân đội, nhưng vì địa vị của họ nên họ cũng có ảnh hưởng, và nhiều khi một viên tư lệnh quân đoàn hay ngay cả viên tổng tư lệnh nữa, mỗi khi Benrigxen, đại công tước Arakteseyev, hay công tước Volkonxki hỏi han bàn bạc gì với mình đều chẳng biết họ lấy tư cách gì mà hỏi han bàn bạc như vậy; thậm chí cũng không biết những mệnh lệnh mà họ truyền đạt dưới hình thức những lời bàn bạc như vậy là xuất phát từ ý riêng của họ ngay từ hoàng thượng, nên cũng không rõ những mệnh lệnh đó có nhất thiết phải thi hành hay không. Nhưng đó chỉ là tình hình bề ngoài, còn ý nghĩa chủ yếu của sự có mặt của nhà vua và của tất cả các nhân vật đó (một khi nhà vua đã có mặt, mọi người đều biến thành triều thần), thì mọi người đều nói rõ. Ý nghĩa đó là như sau: nhà vua không giữ chức tổng tư lệnh nhưng vẫn nắm quyền chi phối tất cả các quân đoàn; những người ở xung quanh ngài là những người giúp việc cho ngài, Arakseyev là một kẻ thừa hành trung thành, làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và hộ vệ cho hoàng thượng; Benrigxen là một trang chủ ở tỉnh Vilna dường như là ông quan sở tại có nhiệm vụ chiêu đãi nhà vua tại địa phương của mình, nhưng về thực chất là một viên tướng giỏi có thể góp ích những ý kiến hữu ích và được nhà vua giữ bên mình để bất cứ lúc nào cần cũng có thể cử ra Barclay. Đại công tước thì ngài thích viên cựu tổng trưởng Tain là vì có thể góp những ý kiến hữu ích và vì hoàng đế Alekxandr đánh giá rất cao những đức tính cá nhân của ông ta. Amlfeld là một người căm thù Napoléon cay độc và là một viên tướng rất tự tin, và điều này bao giờ cũng có ảnh hưởng đối với Alekxandr. Paolutsi ở đây là vì ông ta ăn nói mạnh dạn và quả quyết. Các phó tướng ở đây là vì xưa nay các nhà vua đi đâu thì họ đi đấy và cuối cùng - điều này quan trọng nhất - Pluf ở đây là vì ông ta đã soạn ra kế hoạch chiến tranh chống Napoléon, và sau khi làm cho Alekxandr tin rằng kế hoạch này là hợp lý đã nắm quyền chỉ đạo toàn bộ chiến sự. Bên cạnh Pful có Volxoghen là người có nhiệm vụ truyền đạt các tư tưởng của Pful dưới một hình thức dễ hiểu hơn vì Pful vốn là một nhà lý thuyết phòng giấy, tính tình gay gắt và tự tin đến mức khinh miệt mọi người.
Ngoài những nhân vật đã kể tên dưới đây, người Nga cũng như người ngoại quốc, - với thái độ mạnh dạn đặc biệt của những người đang hoạt động trong một môi trường xa lạ, ngày nào cũng đưa ra những đề nghị mới rất đột ngột - còn nhiều nhân vật thứ yếu, cũng đi theo quân đội là vì quan thầy của họ ở đấy.
Trong số tất cả những tư tưởng có ý kiến nảy ra trong cái thế giới rộng lớn, náo nhiệt, huy hoàng và kiêu căng ấy, công tước Andrey còn phân biệt được những chi phái khác hẳn nhau cửa các khuynh hướng và các đảng phái.
Chi phái thứ nhất gồm có Pful và những người theo ông ta, là những nhà lý thuyết quân sự, tin rằng có một khoa học quân sự và trong cái khoa học đó cũng có những quy luật bất biến của nó như quy luật chuyển quân đường chéo, chuyển quân đường vòng v.v… Pful và những người theo ông ta đòi phải rút sâu vào nội địa, theo những quy luật chính xác của cái gọi là khoa học quân sự, và hễ tách rời quy luật này một chút thì họ cho là man rợ, dốt nát và phản khoa học. Thuộc phái này có hai thân vương người Đức là Voltxoghen và Vintxingherot, và một số người khác, phần lớn là người Đức.
Phái thứ hai đối lập với phái thứ nhất. Thói thường xưa nay vẫn thế, hễ đã có một cực là thế nào cũng có những người theo một cực ngược lại. Những người thuộc phái này là những người chủ trương hành động táo bạo, mà còn đại diện cho tinh thần dân tộc, cho nên khi tranh luận họ còn phiến diện hơn nữa. Đó là những người Nga: Bagration, Yermcilov (bấy giờ mới bắt đầu có tiếng tăm) và một số người khác. Hồi bấy giờ người ta thường truyền tụng một câu nói đùa nổi tiếng của Yermcilov: nghe đâu ông ta có đệ lời xin hoàng thượng một đặc ân - Ông ta xin được tấn phong làm người Đức.
Những người trong phái thường nhắc đến Xuvorov và nói rằng điều cần làm không phải là suy nghĩ, không phải là cắm kim găm trên bản đồ, mà là chiến đấu, là đánh bại quân địch, không để cho chúng tiến vào nước Nga và không để cho quân đội nản lòng.
Phái thứ ba, phái được nhà vua tin cậy nhất, là phái của các triều thần chủ trương châm chước giữa hai khuynh hướng kia.
Những người thuộc phái này, trong đó có cả Arktseyev, phần lớn không phải là quân nhân, họ nghĩ và nói như những người không có chủ kiến gì nhưng vẫn muốn làm ra vẻ có chủ kiến. Họ nói rằng họ không nghi ngờ gì nữa, một cuộc chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh chống lại một thiên tài như Bonaparte (bây giờ họ lại gọi ông là Bonaparte) đòi hỏi một sự suy tính sâu sắc, một kiến thức khoa học uyên thâm, về mặt này thì Pful là một thiên tài; nhưng đồng thời không thể thừa nhận rằng các nhà lý thuyết thường phiến diện, cho nên không thể hoàn toàn tin cậy họ được, phải lắng nghe cả ý kiến của những người chống đối Pful và của những người có óc thực tiễn, có kinh nghiệm về việc quân, rồi từ tất cả các ý kiến ấy rút ra một ý kiến trung bình. Những người thuộc phái này một mực chủ trương giữ trại Drissa theo kế hoạch của Pful nhưng đồng thời phải thay đổi cách vận chuyển của hai quân đoàn kia. Tuy hành động như vậy chẳng được mục đích nào cả, nhưng phái này cho rằng như thế là tốt hơn.
Khuynh hướng thư tư là khuynh hướng mà người đại diện tai mắt nhất là công tước thái tử. Đại công tước không thể nào quên được chuyện vỡ mộng của ngài ở Austerlix; trong trận này, ngài đã cưỡi ngựa đi trước hàng quân cận vệ như đi diễu binh, đầu đội mũ sắt, mình mặc áo chặn kỵ binh ngự lâm, những toán hùng dũng xông lên dày xéo quân Pháp, nhưng bỗng nhiên bị lọt vào giữa tiền duyên, và đành phải chật vật tẩu thoát trong cảnh hỗn loạn của toàn quân. Nhưng người thuộc phái này trong suy luận có cái ưu điểm của cái khuyết điểm là rất thành thật. Họ đều sợ Napoléon, họ thấy Napoléon mạnh, thấy mình yếu và nói thẳng ra như vậỵ. Họ nói: "Cơ sự này rồi cũng đưa đến tủi nhục và diệt vong mà thôi! Đấy, ta đã bỏ Vilna, bó Vitebsk, rồi đây lại bỏ Drissa cho mà xem. Bây giờ ta chì còn cách nữa là kí hoà ước, và ký sao cho thật nhanh, trong khi chưa bị đuổi ra khỏi Petersburg!".
Ý kiến này khá phổ biến ở các giới cao cấp trong quân đội, cũng ủng hộ họ ở Petersburg và được sự đồng tình của quốc vụ đại thần Rumiansev, cũng là người chủ hoà vì những lí do khác, những lí do quốc sự.
Thứ năm là những người theo Barclay de Tolly - không hẳn là theo cá nhân ông ta, mà theo vị tổng trưởng chiến tranh và vị tổng tư lệnh thì đúng hơn. Họ nói: "Dù ông ta thế nào chăng nữa (bao giờ họ cũng mở đầu như vậy)", thì đó cũng là một người trung thực, đúng đắn và không còn ai hơn ông ta nữa. Cứ cho ông ta nắm thực quyền, vì chiến tranh không thể tiến hành thắng lợi nếu không có sự tổng chỉ huy thống nhất, rồi ông ta sẽ tỏ rõ năng lực của mình như ông đã từng làm ở Phần Lan. Sở dĩ quân đội ta giữ vững được tổ chức và lực lượng hùng hậu, và rút lui cho đến Drissa mà không bị bại trận nào, chẳng qua là nhờ Barclay mà thôi. Nếu bây giờ đem Benrigxen lên thay Barclay thì mọi sự sẽ hỏng hết, vì Benrigxen đã tỏ ra bất lực từ năm 1807" - những người theo phái này nói như vậy.
Nhóm thứ sáu gồm những người Benrigxen, thì lạ nói ngược lại rằng, dù sao cũng không có người nào có năng lực và có kinh nghiệm hơn Benrigxen và dù cho có xoay sở như thế nào rồi cũng phải nhờ đến ông ta. Và những người thuộc phái này chứng minh rằng cuộc rút lui của quân ta đến Drissa từ đầu chí cuối là một cuộc bại trận hết sức nhục nhã và là một chuỗi sai lầm liên tiếp. Họ nói: "Họ càng sai lầm nhiều càng tốt: ít nhất người ta cũng sẽ sớm hiểu rằng không thể để yên như vậy được. Người mà chúng ta cần không phải là một anh Barclay nào đó mà là một người như Benrigxen, người đã chứng tỏ rõ năng lực năm 1807 mà ngay cả Napoléon cũng thừa nhận, chúng ta cần một người có đủ tư cách để cho mọi người đều vui lòng thừa nhận quyền chỉ huy, mà người như thế thì chỉ có một mình Benrigxen mà thôi!".
Thứ bảy là những nhân vật mà bao giờ người ta cũng thấy có bên cạnh các nhà vua, nhất là các nhà vua tre, và riêng hoàng đế Alekxandr thì lại càng có nhiều hơn nữa. Đó là các vị tướng và các sĩ quan hành dinh ngự tiền là những người trung thành tận tuỵ với Alekxandr không những vì ngài là bậc chúa thượng của họ mà còn vì họ coi ngài như một con người mà họ sùng bái chân thành và không vụ lợi như Roxtov đã từng sùng bái hồi 1805, họ thấy Alekxandr không những không có đủ mọi đức tính mà còn có đủ nết tốt của con người.
Các nhân vật này tuy khâm phục cái đức tính khiêm tốn khiến nhà vua đã khước từ chức tổng tư lệnh quân đội, nhưng đồng thời họ cũng chỉ trích sự khiêm tốn quá mức này: họ chỉ muốn một điều và chỉ nằng nặc đòi vị hoàng đế kính yêu của họ từ bỏ tính thiếu tự tin quá đáng ấy đi và công nhiên tuyên bố rằng mình nắm lấy quyền chỉ huy quân đội, thành lập một bộ tham mưu tổ tư lệnh ở đại bản doanh của mình, và khi cần thì bàn bạc với các nhà lý luận và các nhà thực tiễn giàu klnh nghiệm, nhưng phải tự mình chỉ huy lấy quân đội: chỉ riêng một điều ấy thôi cũng đủ cổ vũ toàn quân đến cực độ rồi.
Nhóm thứ tám là nhóm đông người nhất, số lượng của nhóm này to lớn đến nỗi đem so với các nhóm kia thì sẽ có một tỷ lệ 99 chọi 1. Nhóm này gồm có những người chẳng chủ hoà mà cũng chẳng chủ chiến, chẳng chủ trương tiến quân mà cũng chẳng chủ trương lập doanh trại phòng ngự dù ở Drissa hay ở nơi nào cũng thế, chẳng muốn cho Barclay mà cũng chẳng muốn cho hoàng thượng chỉ huy, chẳng thích Benrigxen mà cũng chẳng thích Pful, họ chỉ muốn có một điều, và một điều trọng yếu nhất: làm sao cho mình có được lợi nhiều nhất và hưởng được lạc nhiều thú nhất.
Trong dòng nước đục của những tính toán giao lưu và chằng chịt với nhau ở đại bản doanh ngự, tiền người ta có thể thành công mỹ mãn trong những việc mà vào lúc khác không thể nào quan niệm được. Người này thì lo sao cho khỏi mất cái địa vị béo bở của mình, cho nên nay đồng ý với Pful, mai lại đồng ý với người phản đối ông ta, và đến ngày kia lại nói rằng mình chẳng có ý kiến gì về vấn đề đó chỉ cốt sao tránh được trách nhiệm và lấy lòng nhà vua. Người kia thì muốn thu nhiều lợi về cho mình nên cố sao cho nhà vua chú ý đến mình, bằng cách lớn tiếng đề ra một ý kiến mà hôm qua hoàng thượng đã có phảng phất nói qua, hò hét trong hội đồng và đấm ngực thùm thụp, thách thức người phản đối ra đấu súng để tỏ ra rằng mình vẫn sẵn sàng hy sinh cho công ích. Lại có người chỉ lựa lúc nghỉ giữa hai cuộc hội nghị, khi không có mặt những kẻ thù của mình ở đây, để xin một khoản tiền trợ cấp đền bù lại thời gian phục vụ trung thành của mình, vì biết rằng bấy giờ người ta chẳng hơi đâu mà từ chối. Lại có người cứ tình cờ luôn luôn bận bịu túi bụi trước mặt hoàng thượng. Lại có người, để đạt một mục đích từ lâu mong đợi là được mời đến dự bữa ngự thiện, hăm hở chứng minh những cái đúng hay những cái sai của một ý kiến mới đề ra và đưa những luận chứng ít nhiều sắc bén và chuẩn xác.
Tất cả những người thuộc phái này đều kiếm chác những đồng rúp, những huân chương chữ thập, những cấp bậc và trong việc kiếm chác ấy họ chỉ theo dõi chiều gió xoay về hướng nào, là cả bầy ong đực chuyển về hướng ấy, đến nỗi mà hoàng thượng cũng khó lòng mà xoay sang hướng khác được. Ở giữa một tình hình bất định, trong khi đang trải qua một nguy cơ nghiêm trọng khiến mọi việc đều có tính chất đặc biệt khẩn trương, ở giữa luồng nước xoáy của những thủ đoạn kèn cựa, những nỗi tự ái, những sự xung đột giữa các quan rùệm và tình cảm khác nhau, giữa đám người đủ các quốc tịch ấy, thì cái nhóm người thứ tám, nhóm người đông nhất này, chỉ lo đến quyền lợi của bản thân, làm cho tình hình càng thêm rắc rối và lộn xộn. Nêu ra bất cứ một vấn đề gì thì bầy ong đực này chưa hết vo ve theo nhạc điệu cũ đã vội chuyến sang một điệu mới, và tiến vo ve của họ lấn át cả những tiếng nói chân thành đang tranh luận.
Vào thời gian công tước Andrey đến, từ tất cả các phái ấy lại xuất hiện một phái nữa. Phái thứ chín, lúc bấy giờ đang bắt đầu lên tiếng. Đó là phái những người già, chín chắn, có kinh nghiệm về việc nước và trong khi không tán thành bất cứ ý kiến nào trong số những ý kiến chống đối nhau; biết một cách trừu tượng tất cả những sự việc diễn ra trong bộ tham mưu đại bản doanh và nghĩ ra những biện pháp để giải thoát khỏi tình trạng bất định, hoang mang, lộn xộn và suy yếu này.
Những người thuộc phái này nói và nghĩ rằng tất cả cái tình hình xấu xa này sở dĩ phát sinh chủ yếu là do sự có mặt của nhà vua và triều đình bên cạnh quân đội, do việc du nhập vào quân đội cái tính dao động và bất định thích hợp với những quan hệ triều đình nhưng rất bất lợi cho quân đội, rằng nhà vua có nhiệm vụ trị vì chứ không phải chỉ huy quân đội; rằng muốn thoát khỏi tình trạng này chỉ có một cách duy nhất là nhà vua với triều đình rời khỏi quân đội: rằng riêng sự có mặt của nhà vua cũng đã làm tê liệt năm vạn quân dành cho việc bảo vệ ngài, rằng một viên tổng tư lệnh tốt nhất nhưng được hành động độc lập cũng còn hơn một viên tổng tư lệnh tài giỏi nhất nhưng bị trói buộc vì sự có mặt và quyền lực của nhà vua.
Ngay từ thời gian công tước Andrey ở Dissa và chưa có chức vụ rõ ràng thì Siskov, một vị quốc vụ khanh và là một trong những người đại diện chủ yếu của phái này, đã viết lên hoàng thượng một bức thư có cả chữ ký của Balasov và Arakseyev. Vốn được nhà vua cho phép bàn luận về tình hình công việc chung, trong bức thư này ông ta viện cớ là nhà vua cần ở Moskva để cổ vũ nhân dân tham chiến và kính cẩn đề nghị nhà vua nên rời khỏi quân đội.
Nhà vua cần cổ vũ cho nhân dân phấn khởi và kêu gọi nhân dân đứng lên bảo về tổ quốc - chính sự phấn khởi này (trong chừng mực có mặt của bản thân nhà vua ở Moskva có tác dụng gây nên) là nguyên nhân chủ yếu khiến nước Nga thu được thắng lợi - Việc đó đã được người ta đề ra với nhà vua và được nhà vua chấp nhận làm lý do để rời khỏi quân đội.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.