• 2,973

Phần X - Chương 12


Số từ: 5118
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Napoléon đã khai chiến với nước Nga, vì ông ta không thể nào không đến Dresden, không thể nào không bị những nghi thức nghênh tiếp long trọng làm choáng váng, không thể nào không mặc quân phục Ba Lan, không thể nào cưỡng lại những ấn tượng thôi thúc của một buổi sáng tháng Sáu, vì ông ta không thể nào kìm nổi những cơn thịnh nộ trước mặt Kurakin và sau đó trước mặt Balasov.
Alekxandr đã cự tuyệt mọi cuộc thương quyết bởi vì ông ta cảm thấy cá nhân minh bị lăng nhục. Barclay de Tolly cố gắng chỉ huy quân đội cho thật tốt để làm tròn nhiệm vụ của mình và để được tiếng là một tướng tài, Roxtov đã lao vào chém viên sĩ quan Pháp, bởi vì chàng không sao kìm hãm nổi ý muốn phi ngựa trên cánh đồng bằng phẳng. Và vô số những con người kia đã tham dự vào cuộc chiến tranh này cũng đều hành động như vậy, tuỳ theo những đặc tính riêng, những tập quán, những điều kiện sống và mục đích riêng của họ. Họ sợ hãi, vênh vang, mừng rỡ, phẫn nộ, suy luận, và tưởng đâu hiểu rõ việc minh làm lắm, tưởng đâu mình làm như vậy là để mưu lợi ích cho bản thân; kì thực, tất cả những con người này chẳng qua là những công cụ bất tự giác của lịch sử, và họ làm một việc mà bản thân họ không hiểu ý nghĩa, nhưng chúng ta thì lại hiểu. Đó là cái số phận không thể tránh khỏi của tất cả những con người thực tế tham gia hoạt động, và địa vị của họ càng cao thì lại càng mất tự do. Ngày nay, những nhân vật thời 1812 đã từ lâu rời khỏi sân khấu, các quyền lợi cá nhân của họ đã biến mất không còn để lại dấu vết gì, và trước mắt chúng ta chỉ còn lại những hậu quả lịch sử của thời bấy giờ.
Nhưng nếu ta giả định rằng những con người châu Âu kia, dưới sự lãnh đạo của Napoléon, thế là cũng phải đi sâu vào nội địa nước Nga và chết ở đấy, thì ta có thể hiểu hết những hành động điên rồ, mâu thuẫn, tàn nhẫn kia của những người đã tham dự cuộc chiến tranh này.
Trời bắt tất cả những con người này, trong khi vẫn đeo đuổi những mục đích riêng tây, phải cùng góp phần thực hiện một kết quả duy nhất và to lớn mà không một ai - kể cả Napoléon và Alekxandr - mảy may nghĩ đến.
Ngày nay ta đã thấy rõ đâu là nguyên nhân khiến cho quân Pháp bị tiêu diệt năm 1812. Không ai phủ nhận rằng sở dĩ quân đội Pháp của Napoléon bị tiêu diệt là vì, một mặt, họ đã xâm nhập nội địa nước Nga khi thời tiết đã quá muộn mà không chuẩn bị chiến dịch mùa đông, và mặt khác, tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh sau khi nhân dân Nga đã đốt cháy những thành phố của họ và lòng căm thù quân địch đã được kích thích mạnh mẽ. Nhưng lúc bấy giờ không ai đoán trước được cái điều mà ngày nay có vẻ hiển nhiên, là đạo quân ưu tú nhất thế giới gồm tám mươi vạn người và do một tướng tài bậc nhất chỉ huy lại có thể bị tiêu diệt trong cuộc xung đột với quân đội Nga yếu gấp hai lần, không có kinh nghiệm và dưới quyền chỉ huy của những viên tướng cũng không có kinh nghiệm. Không những không ai thấy trước được điều đó, mà về phía quân Nga, người ta còn tìm đủ cách để ngăn cản cái điều duy nhất có thể cứu vãn được nước Nga, còn về phía quân Pháp thì mặc dầu kinh nghiệm và cái gọi là thiên tài quân sự của Napoléon, bao nhiêu cố gắng của họ đều nhằm làm sao đến Moskva vào cuối mùa hạ, tức là nhằm thực hiện cái điều sẽ làm cho họ bị tiêu diệt.
Trong các tác phẩm sử học bàn về năm 1812 các tác giả Pháp rất thích nói rằng Napoléon đã cảm thấy cái nguy cơ của việc kéo dài chiến tuyến, rằng ông ta cứ lo tìm một cơ hội để giao chiến, rằng các thống chế của ông ta đã khuyên ông dừng lại ở Smolensk, và họ đưa ra nhiều luận cứ chứng minh rằng lúc bấy giờ người ta đã nhận thức được tình hình nguy hiểm của chiến dịch; còn các tác giả Nga lại còn thích nói hơn nữa đến sự tồn tại của một thứ kế hoạch quân sự theo kiểu chiến tranh của ngờỉ Skyth ngay từ đầu chiến dịch; mục đích của nó là nhử Napoléon đi sâu vào nội địa nước Nga, và người thì gán cho Pful; người thì gán cho một người khác, người thì gán cho Tolly, người thì gán cho bản thân hoàng đế Alekxandr, và họ đa ra những bút ký, những dự án, những bức thư trao đổi, trong đó quả tình cũng có ám chỉ đến kế hoạch hành động ấy. Nhưng sở dĩ ngày nay về phía Pháp cũng như về phía Nga đều có nói rằng người ta đã dự kiến trước những điều đã xảy ra, thì đó chẳng qua là vì sự kiện lịch sử đã xác nhận điều đó. Giả sử việc này không xảy ra thì những lời ám chỉ này sẽ bị quên đi cũng nh ngày nay người ta đã quên hàng ngàn hàng vạn những điều ám chỉ và giả thiết trái ngược lúc bấy giờ vẫn lưu hành nhưng vì về sau tỏ ra không đúng sự thực nên đã bị bỏ rơi. Mỗi biến cố xảy ra bao giờ cũng nảy sinh nhiều giả thiết khác nhau, khiến cho dù sự việc diễn ra như thế nào đi nữa thì bao giờ cũng có những người nói: "Thì ngay từ dạo ấy tôi đã bảo là sự việc sẽ như thế mà", quên hẳn rằng trong vô số những giả thiết được đưa ra có những giả thiết hoàn toàn mâu thuẫn.
Những giả thiết nói rằng Napoléon đã nhận thức được nguy cơ của việc kéo dài chiến tuyến và quân Nga có ý định nhử quân địch vào sâu trong nội địa của mình hiển nhiên là thuộc vào loại giả thiết này. Và các sứ giả đã phải gò ép sự thực nhiều mới có thể gán nhận thức kia cho Napoléon và các thống chế của ông ta, hoặc gán những ý định nọ cho các tướng Nga. Sự thực hoàn toàn trái ngược những giả thiết này. Về phía quân Nga, qua suốt cuộc chiến tranh, không những người ta không hề có ý muốn nhử quân Pháp vào nội địa mà trái lại người ta còn tìm mọi cách chặn họ lại ngay lúc họ mới xâm nhập vào nước Nga; còn Napoléon thì không những không hề sợ chiến tuyến của mình kéo dài mà còn mừng rỡ xem mỗi bước tiến về phía trước là một thắng lợi, và trái với các chiến dịch trước đây, lần này ông ta thờ ơ, không muốn tìm cơ hội giao chiến.
Ngay từ đầu chiến dịch, quân đội ta đã bị cắt ra làm đôi và mục đích duy nhất của chúng ta là nối hai bộ phận này lại, tuy việc nối liền này chẳng có ích lợi gì cho việc rút lui và nhử quân địch vào nội địa. Hoàng đế đi với quân đội để cổ vũ binh sĩ bảo vệ từng tấc đất của nước Nga, chứ không phải để rút lui. Người ta xây dựng doanh trại Drissa đồ sộ theo kế hoạch của Pful và không hề nghĩ đến việc rút lui xa hơn nữa. Sau mỗi bước rút lui, hoàng đế lại khiển trách các vị tổng tư lệnh. Không những hoàng đế không thể quan niệm được về việc thiêu huỷ Moskva, mà thậm chí cũng không thể nào hình dung rằng có thể để cho quân địch đến Smolensk, và khi hai đạo quân đã hợp được với nhau thì ngài lại bất bình về Smolensk đã bị chiếm và bị đốt cháy mà không có một trận đánh toàn quân nào diễn ra ở trước thành này. Hoàng để nghĩ như vậy, nhưng các tướng Nga và toàn thể nhân dân Nga thì lại càng bất bình hơn nữa khi nghĩ rằng quân ta rút sâu vào nội địa.
Sau khi đã cắt đôi quân ta, Napoléon tiến sâu vào nội địa và bỏ lỡ nhiều cơ hội giao chiến. Tháng tám, ông ta ở Smolensk và chỉ nghĩ đến việc tiến xa hơn nữa mặc dầu, như ngày nay ta đã thấy rõ cuộc tiến quân này hiển nhiên là tai hại cho ông ta.
Các sự kiện đã chứng minh hiển nhiên rằng Napoléon không hề thấy trước nguy cơ của việc tiến quân về Moskva, và Alekxandr cũng như các tướng Nga lúc bấy giờ không hề nghĩ đến việc nhử Napoléon vào nội địa mà còn tìm cách làm ngược lại. Việc Napoléon bị nhử vào nội địa đã xảy ra không do một kế hoạch nào cả (lúc bấy giờ không ai tin rằng có thể có một kế hoạch như vậy), nó đã xảy ra do sự kết hợp phức tạp của những âm mưu, những mục đích, những ý muốn của những con người tham dự cuộc chiến tranh trong khi họ không hề đoán trước được điều phải làm, ấy thế mà chính điều này lại là điều duy nhất đã cứu nước Nga. Mọi việc đã xảy ra một cách ngẫu nhiên. Quân đội ta ngay từ đầu chiến dịch đã bị cắt làm đôi. Chúng ta tìm cách nối lại hai bộ phận này, rõ ràng là nhằm mục đích mở trận chiến đấu và chặn cuộc xâm lăng của quân địch, nhưng trong khi tìm cách nối liền hai bộ phận, đồng thời chúng ta lại tránh không giao chiến với một kẻ địch mạnh hơn gấp bội, do đó buộc lòng cứ phải rút lui theo góc nhọn và đã nhử quân địch đến Smolensk. Nhưng nói rằng chúng ta rút lui theo một góc nhọn vẫn chưa đủ bởi vì quân Pháp tiến ở giữa hai đạo quân của ta: điều đó làm cho cái góc nhọn này càng nhọn thêm và chúng ta lại càng rút lui xa hơn nữa. Chúng ta đã làm như vậy vì Bagration, tư lệnh đạo quân thứ hai căm ghét Barclay de Tolly, con người Đức(1) đã mất tín nhiệm (trong quân đội Bagration phải ở dưới quyền chỉ huy của de Tolly) nên tìm mọi cách trì hoãn việc nối liền hai đạo quân để khỏi ở dưới quyền chỉ huy của ông ta. Bagration trì hoãn không thực hiện việc nối liền hai cánh quân, quân mặc dầu đó là mục tiêu chủ yếu của tất cả các vị chỉ huy, vì ông cảm thấy làm như thế tất sẽ đặt quân đội của mình vào một tình thế hiểm nghèo, và đối với ông ta, tốt nhất là rút xa hơn nữa về phía bên trái và phía nam, trong khi vẫn quấy rối cạnh sườn và sau lưng quân địch, đồng thời bổ sung quân số của mình ở Ukrain. Nhưng người ta lại tưởng ông nghĩ ra cách đó là vì không muốn ở dưới quyền chỉ huy của Barclay, con người Đức mà ông căm ghét và cấp bậc lại thấp hơn ông.
Hoàng đế ở cạnh quân đội để cổ vũ nó, nhưng sự có mặt và thái độ lưỡng lự của ngài, bây giờ không biết nên quyết định ra sao, cũng như cổ vũ và những kế hoạch, đã làm tiêu ma sức chiến đấu của đạo quân thứ nhất: thế là quân ta vẫn phái rút lui.
Người ta dự định dừng lại ở doanh trại Drissa: nhưng đột nhiên Paolusti, vì muốn làm tổng tư lệnh, đã dùng tính cương nghị của mình để gây ảnh hưởng với Alekxandr, thế là kế hoạch của Pful bị vứt bỏ và công việc được giao phó hết cho Barclay.. Nhưng vì Barclay không được tin cậy nên người ta hạn chế quyền lực ông ta lại.
Quân đội bị phân tán, không có sự chỉ huy thống nhất, Barclay mất tín nhiệm; nhưng do tình hình hỗn loạn, phân tán này, và do viên tổng tư lệnh Đức không được tín nhiệm, một mặt đã xảy ra tình trạng hoài nghi, lưỡng lự và việc tránh giao chiến (lẽ ra không thể tránh giao chiến được nếu hai cánh quân đã tập hợp và do một người khác chỉ huy chứ không phải Barclay), mặt khác là nỗi bất bình đối với những người ngoại quốc mỗi ngày một tăng lên và tinh thần yêu nước được kích thích mạnh mẽ.
Cuối cùng, hoàng đế rời khỏi quân đội, và chỉ có một cách giải thích duy nhất và thuận tiện nhất về việc này, là nói rằng ngài cần phải về để cổ vũ tinh thần nhân dân ở hai thủ đô và xúc tiến cuộc chiến tranh nhân dân. Và việc hoàng đế bỏ về Moskva đã làm cho sức mạnh của quân đội Nga tăng lên gấp ba lần.
Nhà vua rời khỏi quân đội để khỏi ngăn trở việc thống nhất quyền hành trong tay vị tổng tư lệnh, và hy vọng người ta sẽ thi hành những biện pháp kiên quyết hơn; nhưng tình hình bộ tư lệnh quân đội lại càng rắc rối và suy yếu hơn nữa. Benrigxen, đại công tước(2) và cả một đoàn phó tướng vẫn ở cạnh quân đội để theo dõi những hành động của vị tổng tư lệnh và thúc giục cho ông ta thêm phần hăng hái, và Barclay ở dưới sự kiểm soát của những người làm tai mắt cho hoàng để lại càng thấy mình mất tự do, càng thận trọng đối với những hành động có tính chất quyết định, và tìm cách tránh cơ hội giao chiến.
Barclay chủ trương phải thận trọng. Thái tử ám chỉ rằng ông ta phản bội và dòi mở một trận đánh toàn quân. Lyubomirxki Branixki, Vloxki và những người khác làm cho cái tin đốn ấy càng ầm ĩ. Đến nỗi Barday phải mượn cớ đệ trình giấy tờ cho nhà vua để phái mấy viên phó tướng người Ba Lan đến Petersburg, và công khai chống lại Benrigxen và đại công tước.
Cuối cùng, hai đạo quân đã gặp nhau ở Smolensk mặc dầu Bagration không muốn. Bagration đi xe ngựa đến nhà Barclay ở. Barclay đeo băng tay ra đón và báo cáo với Bagration, vị tướng cao cấp hơn mình. Bagration muốn tỏ ra đại độ, chịu phục tùng Barclay mặc dù ông ta cấp cao hơn Barclay, nhưng trong khi phục tùng như vậy Bagration lại càng ít nhất trí với Barclay hơn trước. Theo mệnh lệnh của hoàng đế, Bagration báo cáo trực tiếp với hoàng đế, ông viết cho Arkdeyev: "mặc dầu đó là ý muốn của hoàng đế, tôi thực không sao cộng tác với "Ông tổng trưởng" (Barclay) được. Xin ngài gia ân phái tôi đi đâu cũng được, dù là đi chỉ huy một trung đoàn thôi, nhưng tôi không thể ở đây, khắp tổng hành dinh đầy rẫy những người Đức, đến nỗi mỗi người Nga không thể nào sống ở đây được và công chuyện sẽ chẳng ra sao hết. Tôi tưởng mình phục vụ hoàng đế và tổ quốc nhưng khi nhìn lại thì thấy tôi chỉ phục vụ cho ông Barclay. Xin thú thực là tôi không muốn như vậy".
Cả bè lũ những bọn Baranitxki, Vintxingherot vân vân càng làm cho những quan hệ giữa các vị tư lệnh thêm bất hoà và kết quả là sự chỉ huy lại càng ít thống nhất hơn trước.
Người ta đã sửa soạn tấn công quân Pháp trước thành Smolensk.
Người ta phái một viên tướng vốn ghét Barclay, ông ta đến nhà người bạn làm chỉ huy quân đoàn và ở đấy suốt cả ngày rồi trở về gặp Barclay và phê phán từng điểm một cái trận địa tương lai mà ông ta chưa hề trông thấy.
Trong khi người ta tranh cãi và tính toán, mưu mô về chiến trường tương lai, trong khi ta đi tìm quân Pháp mà lại lầm lẫn không biết nó ở đâu thì quân Pháp đã chạm trán sư đoàn Neverovxki và tiến đến sát chân thành Smolensk.
Quân ta đành phải mở một trận bất ngờ trước Smolensk để bảo vệ đường giao thông. Trận đánh đã diễn ra. Cả hai bên có hàng ngàn người chết.
Smolensk bị bỏ rơi trái hẳn với ý muốn của hoàng đế và toàn dân. Nhưng chính nhân dân bị viên tỉnh trưởng của họ đánh lừa đã đốt cháy Smolensk, và những con người phá sản kia đi về Moskva, trong lòng chỉ nghĩ đến những tổn thất của riêng mình: nhưng cũng khêu gợi lòng căm thù quân địch, làm thành một tấm gương sáng cho những người Nga khác. Napoléon tiếp tục tiến quân, chúng ta cứ rút lui, và kết quả là cái điều làm cho Napoléon bại trận đã xảy ra.
2 .
Công tước Andrey vừa đi được một hôm thì hôm sau lão công tước Nilolai Andreyevich cho gọi tiểu thư Maria đến.
- Đấy bây giờ cô đã bằng lòng chưa? - Lão công tước nói - Cô đã làm cho cha con tôi xích mích với nhau thế đã vừa ý chưa? Cô chỉ cần có thế thôi mà. Bây giờ thì hả rồi chứ? Chuyện này làm tôi khổ tâm. Tôi thì già yếu rồi, thế mà cô lại muốn thế, thôi, tha hồ mà mừng.
Và sau đó, suốt cả tuần lễ nữ công tước Maria không thấy mặt cha. Lão công tước ốm và không ra khỏi phòng làm việc.
Có một điều làm công tước Maria ngạc nhiên là trong thời gian ốm, ngay cả cô Burien lão công tước cũng không cho đến thăm. Chỉ một mình Tikhon được phép săn sóc ông cụ thôi.
Một tuần sau, công tước lại ra khỏi phòng, lại tiếp tục sinh hoạt theo nếp cũ, tỏ ra đặc biệt hăng hái trong việc xây dựng, làm vườn và chấm dứt tất cả các quan hệ trước kia với cô Burien. Vẻ mặt cũng như giọng nói lạnh lùng của ông mỗi khi tiếp xúc với nữ công tước Maria hình như muốn nói với nàng: "Đấy cô đã bịa đặt đủ điều, cô đã nói xấu tôi với công tước Andrey về thái độ của tôi đối với cô gái Pháp kia, và cô đã làm cho chúng tôi xích mích với nhau, nhưng cô thấy đấy, tôi chẳng cần gì đến cô, cũng như chẳng cần gì đến cái cô gái Pháp ấy!"
Nữ công tước Maria sống nửa ngày với cậu bé Nikolusa, trông coi cậu bé học, thân hành dạy tiếng Nga và âm nhạc cho cậu, và nói chuyện với Dexal, còn một nửa ngày thì nàng sống với mấy quyển sách, người u già và với những con người nhà trời thỉnh thoảng đánh bạo đi cửa sau vào thăm nàng.
Còn về chiến tranh, nữ công tước Maria cũng nghĩ như phụ nữ vẫn thường nghĩ đến chiến tranh. Nàng lo cho anh nàng hiện nay đang ở ngoài mặt trận, nàng không hiểu vì sao lại có chiến tranh, nàng kinh hãi trước sự tàn ác của loài người đã khiến cho họ chém giết lẫn nhau; nhưng nàng không hiểu tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này mặc dầu Dexal, người vẫn thường ngày nói chuyện với nàng và rất thiết tha chú ý đến tình hình diễn biến của chiến sự, vẫn tìm mọi cách cắt nghĩa cho nàng biết quan điểm của mình, mặc dầu những con người nhà trời đến thăm nàng đều kinh hãi kể lại mỗi người một cách những tin đồn đại của nhân dân về cuộc xâm lăng của tên Ma vương Cơ đốc và mặc dầu Juyly, hiện nay là công tước phu nhân Drubeskaya, lại thư từ với nàng và gửi từ Moskva đến những bức thư đầy tinh thần yêu nước. Juyly viết:
"Tôi viết thư cho bạn bằng tiếng Nga, bạn ạ, vì tôi căm thù tất cả bọn Pháp cũng như ngôn ngữ của chúng, và hễ nghe ai nói tiếng Pháp là tôi không sao chịu nổi. Ở Moskva, chúng tôi đều say sưa ngưỡng mộ vị hoàng đế mà chúng ta hằng sùng bái.
Ông chồng tội nghiệp của tôi đang chịu cảnh nhọc nhằn đói khổ ở trong những lữ điếm Do Thái, nhưng những tin tức tôi nhận được lại càng làm cho tôi nức lòng.
Chắc thế nào bạn cũng nói đến hành động anh hùng của Raievxki đã ôm hôn hai đứa con trai của mình mà nói: "Tôi sẽ cùng chết với hai con tôi, chứ chúng tôi quyết không nao núng". Và thực vậy mặc dầu quân địch mạnh gấp đôi, quân ta vẫn không hề nao núng. Chúng tôi cũng tìm cách tiêu khiển nhì nhằng cho qua ngày tháng, nhưng thời buổi chiến tranh vẫn là thời buổi chiến tranh! Hai công tước tiểu thư Alina và Sophia cùng ngồi với tôi suốt ngày, và chúng tôi, những người quả phụ bất hạnh của những người chồng đang sống, chúng tôi vừa làm xơ vải băng vừa nói những câu chuyện thú vị; bạn ạ, tôi chỉ thiếu có bạn thôi…".
Nguyên nhân chính khiến nữ công tước Maria không hiểu hết tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này là lão công tước không bao giờ nói đến nó, không thừa nhận nó, và trong bữa ăn vẫn thường chế nhạo Dexal mỗi khi ông này nói đến nó. Giọng nói của công tước điềm nhiên và tự tin đến nỗi nữ công tước Maria cứ một mực tin cha, không cần suy nghĩ gì nữa.
Suốt cả tháng Bảy năm ấy, lão công tước hoạt động rất hăng hái và thậm chí còn rất phấn chấn nữa. Ông sai dọn một khu vườn cây mới và khởi công xây một ngôi nhà mới cho gia nô ở.
Chỉ có một điều làm nữ công tước Maria lo lắng: độ này ông ít ngủ và đã bỏ cái thói quen ngủ trong phòng làm việc: mỗi đêm ông ngủ ở một chỗ khác nhau, khi thì ông bảo đặt giường ở hành lang, khi thì ông nằm trên đi-văng hay trên chiếc ghế bành kiểu Volte trong phòng khách, và cứ mặc cả áo mà ngủ, trong khi cậu bé Petruska thay cô Burien đọc sách cho ông nghe; có khi ông lại nằm ngủ trong phòng ăn.
Ngày mồng một tháng Tám, nhận được bức thư thứ hai của công tước Andrey. Trong bức thư thứ nhất nhận được ít hôm sau khi ra đi, công tước Andrey kính cẩn xin cha tha lỗi về những điều chàng đã cả gan nói và xin cha vẫn yêu thương chàng như trước. Lão công tước đã viết một bước thư thân ái trả lời bức thư này, và từ đó không gần gũi với cô gái Pháp nữa. Bức thư thứ hai công tước viết ở gần Vitebxk, sau khi quân Pháp đã chiếm thành phố này, trong thư sơ lược miêu tả lại chiến dịch vừa qua, có kèm theo cả một bản đồ, và có những dự đoán về những diễn biến sau nay của chiến dịch. Trong bức thư này công tước Andrey trình bầy cho cha chàng thấy rằng ở lại Lưxye Gorư thật là bất tiện vì gần chiến trường, lại ngay trên con đường hành quân của quân đội và khuyên cha nên đi Moskva.
Hôm ấy, trong bữa ăn chiều, nhân lúc Dexal nói rằng nghe đâu quân Pháp đã vào Vitebxk, lão công tước bỗng sực nhớ đến bức thư của công tước Andrey. Ông nói với nữ công tước Maria.
- Hôm nay vừa nhận được thư của công tước Andrey, con đã xem chưa?
- Thưa cha chưa ạ. - Nữ công tước Maria hoảng hốt đáp. Nàng làm sao có thể đọc một bức thư mà nàng chưa hề nghe nói đến.
- Ô ! Anh ấy viết về cuộc chiến tranh này - lão công tước nói với nụ cười khinh bỉ vẫn thường có mỗi khi nói đến chiến tranh hiện tại.
- Chắc phải thú lắm - Dexal nói - Công tước có thể biết được…
- Ồ thú vị lắm! - cô Burien nói.
- Cô đi lấy bức thư ấy ra đây cho tôi, - lão công tước nói với cô Burien. - Nó ở trên bàn con dưới cái chặn giấy ấy.
Cô Burien vui vẻ nhổm dậy.
- A thôi, - Ông cau mày gọi - Mikhail Ivanyts, anh đi lấy cho ta.
Mikhail Ivanyts đứng dậy và đi vào phòng làm việc. Nhưng ông ta vừa ra khỏi phòng ăn thì lão công tước đưa mắt nhìn quanh có vẻ lo lắng, vứt cái khăn ăn xuống và thân hành đi lấy.
- Chúng chẳng biết làm gì hết, chỉ độc làm xáo lộn lên cả.
Trong khi ông đi, nữ công tước Maria, Dexal, cô Burien và cả cậu bé Niloluska nữa đều im lặng đưa mắt nhìn nhau. Một lát sau, lão công tước trở lại, chân bước vội vàng, tay cầm bức thư và tấm bản đồ, theo sau là Mikhail. Lão công tước đặt cả hai thứ đó bên cạnh mình, không cho ai xem trong bữa ăn.
Sau khi mọi người vào phòng khách, ông trao bức thư cho nữ công tước Maria và trong khi trải bàn thiết kế ngôi nhà mới ở trước mặt và nhìn chăm chú vào đấy, ông bảo nàng đọc to bức thư lên.
Đọc xong, nữ công tước Maria đưa mắt nhìn cha có ý dò hỏi. Ông nhìn vào bản thiết kế, rõ ràng là ông đang suy nghĩ miên man.
- Thưa công tước, ngài thấy việc ấy thế nào ạ? - Dexal đánh bạo hỏi.
- Tôi, tôi ấy à… - Lão công tước đáp, vẻ như vừa tỉnh đậy một cách khó chịu, mắt không rời khỏi bản thiết kế.
- Rất có thể chiến trường lan đến gần chúng ta…
- Ha, ha, ha!… Chiến trường - công tước nói. Tôi đã bảo và tôi vẫn bảo ràng chiến trường là ở Ba Lan là không bao giờ quân địch tiến qua sông Neman.
Dexal sửng sốt nhìn công tước đang nói đến sông Neman trong khi quân địch đã ở trên sông Dniepr, nhưng nữ công tước Maria không biết vị trí địa lý của sông Dniepr nên cứ đinh ninh là cha nàng nói đúng sự thực.
Khi nào tuyết bắt đầu tan là chúng sẽ chết đuối trong những dầm lầy ở Ba Lan. Chỉ có chúng mới không thấy điều đó, lão công tước nói hẳn là ông nghĩ đến chiến dịch năm 1807 mà ông cảm thấy rất gần đây. - Đáng lý Benrigxen phải tiến vào nước Phổ sớm hơn, nếu thế thì công việc đã có thể chuyển biến khác rồi.
- Nhưng thưa công tước, - Dexel nói dè dặt, - trong thư nói đến Vitebxk.
- A! Bức thư à! Phải rồi! - công tước nói, có vẻ bực mình. - Phải rồi, phải rồi… - vẻ mặt ông ta bỗng sa sầm lại. Ông im bặt một lát. - Phải rồi, anh ấy nói rằng quân Pháp đã bị đánh bại ở gần sông nào thế nhỉ?
Dexel cúi mặt, hạ thấp giọng đáp:
- Công tước không nói gì về việc ấy cả.
- Chả nhẽ công tước Andrey lại không nói gì? Có phải ta bịa ra đâu?
Mọi người im lặng hồi lâu.
- Phải rồi, phải rồi… Này Mikhail Ivanyts, - đột nhiên ông ngẩng đầu lên nói và đưa tay chỉ bản thiết kế, - Ông thử bảo tôi xem ông muốn sửa đổi lại như thế nào nào…
Mikhail Ivanyts đến bên cạnh bản thiết kế. Sau khi nói với ông ta kế hoạch xây dựng, lão công tước đưa mắt nhìn nữ công tước Maria và Dexal có vẻ giận dữ rồi lui về phòng riêng.
Nữ công tước Maria đã trông thấy cái nhìn lúng túng và kinh hãi của Dexal hướng về phía cha mình, nàng nhận thấy lão công tước im lặng, và ngạc nhiên khi thấy ông để quên bức thư của con trai trong phòng khách; nhưng nàng sợ, không những không dám nói chuyện và hỏi Dexal xem tại sao cha mình lại im lặng và lúng túng, mà thậm chí nàng còn sợ không dám nghĩ đến điều đó nữa.
Buổi tối, lão công tước sai Mikhail Ivanyts đến phòng tiểu thư Maria lấy bức thư công tước Andrey mà ông bỏ quên ở phòng khách.
Nữ công tước Maria trao bức thư cho Mikhail Ivanyts. Mặc dầu cảm thấy ngường ngượng nàng vẫn đánh bạo hỏi Mikhail Ivanyts xem cha nàng đang làm gì.
- Cụ vẫn bận bịu - Ông ta mỉm một nụ cười vừa kính cẩn vừa châm chọc làm cho nữ công tước Maria tái xanh mặt. - Cụ rất băn khoăn về việc xây toà nhà mới. Cụ vừa đọc sách một lát và bây giờ - Mikhail Ivanyts hạ thấp giọng nói - cụ đang ngồi ở bàn giấy, chắc là đang bận viết chúc thư. (Trong thời gian gần đây, một trong những công việc công tước thích nhất là sắp xếp những giấy tờ mà ông sẽ để lại sau khi chết, mà ông gọi là chúc thư).
- Cha tôi định phái Alpaytys đến Smolensk phải không? - nữ công tước Maria hỏi.
- Vâng. Alpaytys đợi lệnh cụ đã lâu.
Chú thích:
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.