• 2,925

Phần XII - Chương 8 9


Số từ: 3265
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Bức thư của Sonya gửi cho Nikolai, bức thư thực hiện lời cầu nguyện của chàng, được viết ra trong khi nàng ở Troisk.
Và đây là những nguyên do đã khiến cho nàng viết bức thư này.
Ý nghĩ lấy cho Nikolai một người vợ giàu càng ngày càng ám ảnh bá tước phu nhân. Bà biết rằng Sonya là cái chướng ngại chủ yếu ngăn trở việc này. Và cuộc sống của Sonya trong thời gian gần đây, nhất là sau bức thư của Nikolai kể lại cuộc gặp gỡ với công tước tiểu thư Maria ở Bogotsanrovo, mỗi ngày một thêm nặng nề khổ sở trong nhà bá tước phu nhân. Phu nhân không bỏ lỡ một dịp nào để nói cạnh nói khoé Sonya một cách cay độc và tàn nhẫn.
Nhưng trước khi lên đường rời khỏi Moskva mấy hôm, mủi lòng và xúc động vì tất cả những việc đã xảy ra, bá tước phu nhân gọi cho Sonya lại, và không trách móc đòi hỏi như trước đây nữa, bà ứa nước mắt van lơn nàng hãy hy sinh mình để đền đáp những ân huệ của gia đình đối với nàng, cầu xin nàng đoạn tuyệt với Nikolai.
- Chỉ khi nào cháu hứa với bác, thì bác mới yên tâm, - bá tước phu nhân nói.
Sonya khóc nức nở như trong một cơn điên loạn, và trả lời qua những tiếng nấc rằng nàng sẽ làm tất cả, nàng sẵn sàng chịu tất cả, nhưng lại không hứa cụ thể và trong thâm tâm nàng không sao đành lòng làm cái việc mà người ta đòi hỏi nàng. Phải hy sinh mình cho hạnh phúc của cái gia đình đã nuôi nấng và dạy dỗ nàng. Hy sinh mình cho người khác sung sướng đã thành một thói quen của Sonya. Với địa vị của nàng trong gia đình, chỉ có bằng sự hy sinh nàng mới bộc lộ được những đức tính của nàng, cho nên nàng đã quen và thích hy sinh. Nhưng trước kia trong tất cả những hành động hy sinh như thế nàng vui sướng nhận thức rằng hy sinh mình, nàng tự nâng cao phẩm giá của mình lên trong quan niệm của những người khác và càng thêm xứng đáng với Nikolai, người mà nàng yêu hơn tất cả mọi thứ ở trên đời; nhưng bây giờ sự hy sinh của nàng lại là phải từ bỏ cái mà đối với nàng là phần thưởng duy nhất của sự hy sinh, là ý nghĩa duy nhất của sự hy sinh, và là ý nghĩa duy nhất của cuộc sống. Và lần đầu trong đời, nàng thấy oán giận những người đã làm ơn cho nàng để rồi lại làm cho nàng đau khổ nhiều hơn. Nàng thấy ghen tị với Natasa, người chưa bao giờ trải qua một việc gì tương tự, chưa bao giờ cần phải hy sinh, chỉ bắt những người khác hy sinh cho mình, mà vẫn được mọi người yêu quý. Và lần đầu tiên Sonya cảm thấy tình yêu dịu dàng trong sạch của nàng đối với Nikolai bỗng nhiên biến thành một tình cảm bồng bột say đắm vượt hẳn lên trên mọi quy tắc, vượt lên trên đạo đức và tôn giáo; và dưới sự chi phối của tình cảm này Sonya, mà cuộc sống lệ thuộc đã biến thành một người kín đáo quen che giấu những cảm nghĩ thành thật của mình, bất giác trả lời bá tước phu nhân với những lời lẽ mơ hồ, tránh nói chuyện với phu nhân, và quyết định chờ đợi một cuộc gặp gỡ mặt với Nikolai, không phải để trả lại tự đo cho chàng mà trái lại để vĩnh viễn gắn chặt đời mình vào đời chàng.
Những nỗi lo âu và kinh hãi của những ngày cuối cùng gia đình Roxtov còn ở Moskva đã lấn át những ý nghĩ u ám đang đè nặng lên tâm hồn Sonya. Nàng vui mừng được tìm cách thoát khỏi những ý nghĩ đó trong những công việc thực tế. Nhưng khi nàng được biết công tước Andrey đang ở nhà, tuy nàng chân thành thương xót chàng và Natasa, lòng Sonya đã tràn ngập một niềm vui sướng đậm màu mê tín: nàng thấy trời không muốn cho nàng phải đoạn tuyệt với Nikolai. Nàng biết rằng Natasa chỉ yêu một mình công tước Andrey và đến nay vẫn yêu chàng. Nàng biết rằng bây giờ, gặp lại nhau trong hoàn cảnh hãi hùng như thế này, họ nhất định sẽ lại yêu nhau và đến khi đó thì quan hệ thân thuộc sẽ khiến Nikolai không thể lấy công tước tiểu thư Maria được. Cho nên tuy trong những ngày cuối cùng ở Moskva và những ngày đầu tiên của cuộc hành trình đã xảy ra những việc hết sức ghê sợ, cái cảm giác, cái ý thức là bàn tay Chúa đã can thiệp vào cuộc sống cá nhân của nàng đã khiến Sonya vui mừng.
Ở tu viện Troisk, gia đình Roxtov ghé lại nghỉ ngơi lần đầu tiên trong cuộc hành trình của họ.
Người ta cắt cho gia đình Roxtov ba gian lớn của tu viện, trong đó một gian được dành riêng cho công tước Andrey. Hôm ấy chàng thấy đỡ nhiều. Natasa ngồi bên cạnh chàng. Ở phòng bên, bá tước phu nhân kính cẩn nói chuyện với cha bề trên vừa đến thăm gia đình Roxtov và những người quen cũ trước kia vẫn cung tiến cho tu viện. Sonya cũng ngồi ở phòng ấy, lòng bứt rứt vì đang tò mò muốn biết công tước Andrey và Natasa nói với nhau những gì, nàng lắng nghe tiếng nói của họ qua cánh cửa. Bỗng cửa phòng công tước Andrey xịch mở ra, Natasa bước ra vẻ mặt xúc động, từ trong phòng bước ra. Không để ý thấy vị tu sĩ bấy giờ đang đứng dậy để đón nàng, tay giữ lấy cổ áo rộng bên phải, nàng lại gần Sonya và cầm lấy tay bạn.
- Natasa, con làm sao thế? Lại đây, - bá tước phu nhân nói.
Natasa đến cạnh vị tu sĩ để nhận phép lành, và cha bề trên khuyên nàng nên cầu xin. Chúa và vị thánh của Người phù hộ chol.
Ngay sau khi cha bề trên ra về, Natasa cầm lấy tay Sonya và cùng đi với bạn sang gian phòng trống bên cạnh.
- Sonya, có đúng không? Anh ấy sẽ sống chứ? - nàng nói, - Sonya ạ, em sung sướng quá và đau khổ quá! Sonya ạ, chị yêu dấu của em, - Mọi việc đều như cũ. Miễn sao anh ấy sống được. Anh ấy không thể… bởi vì… vì, vì… - và Natasa khóc oà lên.
- Thế à? - Mình biết mà? Đội ơn Chúa, - Sonya nói. - Anh ấy sẽ sống.
Sonya xúc động chẳng kém gì bạn, xúc động vì nỗi sợ hãi và đau buồn của bạn, và vì những ý nghĩ riêng của mình, những ý nghĩ mà nàng không hề nói cho ai biết. Nàng nghẹn ngào hỏi Natasa và an ủi bạn "Miễn sao anh ấy sống được?" - Sonya thầm nghĩ. Sau khi khóc và nói với nhau một lúc, hai người bạn gái lau nước mắt rồi đến bên cửa phòng công tước Andrey, Natasa thận trọng mở cửa ghé mình vào phòng. Sonya đứng cạnh nàng bên cánh cửa hé mở.
Công tước Andrey nằm kê cao đầu lên ba chiếc gối. Khuôn mặt xanh xao của chàng điềm tĩnh, hai mắt nhắm nghiền, và có thể thấy ngực chàng khẽ nâng lên hạ xuống theo nhịp thở đều đặn.
- Ồ! Natasa! - Sonya bỗng gần như kêu lên, nắm chặt tay bạn và lùi lại - Cái gì thế? Gì thế? - Natasa hỏi.
- Đúng rồi, đúng thế thật đấy. - Sonya nói. Mặt tái xanh, môi run lẩy bẩy.
Natasa khẽ đóng cửa lại và cùng Sonya đi ra cửa sổ. Nàng vẫn chưa hiểu người ta vừa nói gì với mình.
- Natasa có nhớ không. - Sonya nói, vẻ mặt sợ hãi và trịnh trọng - Natasa có nhớ dạo mình nhìn vào gương thay cho Natasa không… Ở Otradnoye, hôm lễ Giáng sinh ấy mà… Nhớ không hôm mình có thấy…
- À, ừ! Có! - Natasa nói, mắt mở to; nàng mường tượng nhớ lại rằng dạo ấy Sonya có nói gì về công tước Andrey, Sonya thấy chàng đang nằm…
- Natasa nhớ không? - Sonya nói tiếp - Hôm ấy mình nhìn thấy mình đã nói cho cả Natasa; cả Dunasia nghe. Mình thấy anh ấy nằm trên gường - Sonya nói; cứ kể đến một chi tiết nào nàng lại giơ cao một ngón tay lên như ra hiệu, - Anh ấy nhắm mắt, và đắp một chiếc chăn màu hồng đúng như thế này, hai tay anh ấy chắp lại, trong khi Sonya lần lượt tả lại những chi tiết mà nàng vừa trông thấy, nàng quả quyết tin rằng dạo trước nàng đã từng trông thấy đúng như thế. Thực ra dạo ấy nàng chẳng trông thấy gì cả, chẳng qua bạ nghĩ ra được cái gì nàng cứ thế mà kể, nhưng bây giờ nàng thấy những điều mà dạo ấy nàng đã bịa đặt ra cũng đều có thật như bất kỳ kỷ niệm nào khác. Dạo ấy nàng nói rằng chàng quay lại nhìn nàng, mỉm cười, rằng chàng đắp một cái gì đo đỏ; những điều đó không những nàng nhớ lại; mà nàng còn tin chắc rằng ngay từ dạo ấy mình đã nhìn thấy và nói rằng chàng đắp cái chăn màu hồng, đúng màu hồng, và mất chàng nhắm nghiền.
- Phải, phải, đúng là màu hồng, - Natasa nói; bây giờ hình như nàng cũng nhớ rằng dạo ấy Sonya có nói là màu hồng, và thấy rằng điều kỳ lạ và huyền bí trong lời tiên đoán chính là ở chỗ đấy.
- Nhưng như thế nghĩa là thế nào? - Natasa nói, vẻ trầm ngâm.
- Ồ mình không biết, thật là kỳ lạ, - Sonya nói, hai tay ôm đầu.
Vài phút sau công tước Andrey bấm chuông gọi, và Natasa vào với chàng; Sonya, lòng bồi hồi cảm động khác thường vẫn đứng lại bên cửa sổ, nghĩ ngợi về những việc phi thường vừa xảy ra.
Hôm ấy có dịp thư tới quân đội, bá tước phu nhân liền viết thư cho con trai.
- Sonya, - bá tước phu nhân ngẩng đầu lên nói khi cô cháu gái đi ngang qua, - Sonya, con không viết thư cho Nikolai à? - Bá tước phu nhân nói khẽ, giọng run run, và trong đôi mắt mệt mỏi nhìn qua cặp kính Sonya đã đọc được tất cả những gì mà phu nhân muốn ám chỉ qua những lời này. Trong khoé nhìn của phu nhân, có cả ý van lơn ý lo sợ bị Sonya cự tuyệt, ý hổ thẹn vì phải cầu xin, và sự sẵn sàng chuyển sang lòng thù ghét sâu cay nếu nàng từ chối.
Sonya đến cạnh bá tước, quỳ xuống hôn tay và nói:
- Con sẽ viết mẹ ạ
Tất cả những sự, việc xảy ra trong ngày hôm ấy đã làm cho Sonya xúc động mủi lòng và thấy tâm hồn mình dịu lại, nhất là sự thực hiện huyền bí của điều tiên đoán nọ. Bây giờ, khi nàng đã biết rằng quan hệ giữa Natasa và công tước Andrey được nối lại như cũ thì Nikolai không thể nào lấy được công tước tiểu thư Maria được nữa, Sonya vui mừng cảm thấy cái tâm trạng luôn luôn sẵn sàng hy sinh đã trở lại với nàng; nàng vẫn ưa thích và đã quen sống trong tâm trạng đó.
Mắt rớm lệ, lòng vui sướng vì có ý thức rằng mình đang làm một việc cao thượng, nàng viết thư cho Nikolai. Dở chừng nàng mấy lần phải dừng lại vì những giọt lệ trào ra mờ cả đôi mắt đen dịu như nhung của nàng. Và đó chính là bức thư cảm động đã khiến cho Nikolai kinh ngạc như vậy.
9.
Ở trạm gác của Piotr được giải đến, viên sĩ quan và mấy người lính đã bắt giam Piotr, đối xử với chàng một cách thù địch nhưng đồng thời cũng có ý kính nể chàng. Trong thái độ của họ vẫn còn có thể cảm thấy rằng họ vừa hồ nghi không biết chàng là ai (là một nhân vật rất trọng yếu chăng) vừa tức tối nhớ lại cuộc ẩu đả vừa qua với chàng.
Nhưng sáng hôm sau, khi đến giờ đổi gác, Piotr nhận thấy rằng, đối với đội quân canh mới đến, - sĩ quan cũng như binh lính, chàng đã không còn quan trọng như đối với những người đã bắt chàng. Và quả nhiên, trong con người to béo mặc áo kaftan, nông dân này, đội lính canh ngày hôm ấy không hề thấy con người linh hoạt đã đánh nhau chí tử với nhiều tên lính ăn cướp và với đội áp giải, và đã từng nói cái câu trang trọng về việc cứu sống đứa bé, mà chỉ thấy đó là người thứ mười bảy trong số những người Nga bị bắt giữ vị một lý do nào đó, theo lệnh của cấp trên. Vả chăng nếu Piotr có một cái gì đặc biệt chăng nữa, thì đó chỉ là cái vẻ đăm chiêu tư lự chẳng hề sợ sệt của chàng, hoặc giả là cái tiếng Pháp điêu luyện của chàng mà người Pháp rất lấy làm lạ. Tuy vậy, ngay hôm ấy, Piotr cũng được đưa sang giam cùng buồng với những người khả nghi khác, vì gian phòng dành riêng để giam chàng nay có một viên sĩ quan Pháp cần đến.
Tất cả những người Nga cũng bị giam với Piotr đều là những người thuộc lớp cùng dân. Và khi nhận ra rằng Piotr là một người thượng lưu, họ đều xa lánh chàng, huống hồ chàng lại nói tiếng Pháp nữa. Piotr buồn rầu nghe những lời chế giễu của họ nhằm vào chàng.
Đến tối ngày hôm sau, Piotr được biết rằng tất cả những người bị giam ở đây (và hình như trong số đó có cả chàng) đều sẽ bị đưa ra xử về tội đốt nhà. Đến ngày thứ ba, Piotr cùng với những người bị giam khác bị dẫn sang một ngôi nhà có một viên tướng Pháp để bộ ria mép bạc trắng, hai viên trung tá và mấy người Pháp nữa có đeo băng hiệu ở ống tay áo quân phục. Họ hỏi Piotr, cũng như những người khác, những câu mà người ta vẫn thường dùng để hỏi những bị cáo, những câu hỏi mà người ra vẫn xác được coi như vượt lên trên những sự yếu đuối của con người: Anh là ai? Trước đây anh ở đâu? Vì mục đích gì? v.v.
Những câu hỏi này gạt nội dung của sự việc ra một bên và loại trừ mọi khả năng phát hiện ra cái nội dung đó, cũng như tất cả những câu hỏi dùng ở toà án, mục đích của nó là đưa ra trước người bị cáo một cái ống máng để cho những câu trả lời của họ chảy theo hướng những người xét xử mong muốn, nghĩa là để dẫn đến việc buộc tội. Hễ người bị cáo bắt đầu nói một điều gì không ăn nhập với mục đích buộc tội thì người ta rút ống máng đi, và nước muốn chảy đi đâu thì chảy. Ngoài ra, Piotr còn có cái cảm giác mà người bị cáo vẫn thường có khi đứng trước bất cứ toà án nào: cảm giác ngỡ ngàng không hiểu người ta hỏi những câu ấy để làm gì. Chàng cảm thấy rằng chỉ vì muốn làm ra vẻ khoan dung hay lễ độ mà người dùng cái thủ tục ống máng ấy. Chàng biết rằng mình đang nằm trong tay những người này, rằng chỉ có bạo lực dẫn chàng đến đây, rằng chỉ có bạo lực cho họ cái quyền bắt chàng trả lời những câu hỏi ấy, rằng mục đích duy nhất của cuộc họp mặt này là để buộc tội chàng. Cho nên, một khi đã có quyền lực và có ý muốn buộc tội, lẽ ra không cần dùng đến những câu hỏi cạm bẫy như vậy, mà cũng không xét xử làm gì. Có thể thấy rõ rằng tất cả những câu hỏi ấy đều nhàm đưa đễn chỗ buộc tội. Khi họ hỏi chàng đang làm gì khi bị bắt, Piotr trả lời với một giọng hơi bi đát, rằng chàng đang bế một đứa bé mà chàng vừa cứu trong đống lửa ra để mang trả lại cho cha mẹ nó.
- Tại sao lại đánh nhau với tên lính ăn cướp?
Piotr đáp rằng chàng bênh vực một người đàn bà, rằng bênh vực một người đàn bà bị xúc phạm là nhiệm vụ của mọi người, rằng… Họ ngăn chàng lại: những cái đó không dính dáng đến việc này. Vì sao chàng lại đứng trong sân một ngôi nhà đang cháy, như một số người làm chứng đã nói? Chàng đáp rằng chàng đang đi xem thử ở Moskva đang xảy ra những việc gì. Họ lại ngắt lời chàng: Đây không ai hỏi chàng đi đâu, mà hỏi chàng đứng gần đám cháy để làm gì. Chàng là ai? Họ lại hỏi câu hỏi đầu tiên, mà lúc nãy chàng đã đáp rằng chàng sẽ không trả lời. Bây giờ chàng lại nhắc lại một lần nữa rằng chàng không thể nói điều đó ra được.
- Ghi lấy: như thế không tốt. Rất là không tốt, - viên tướng có bộ ria bạc trắng và khuôn mặt đỏ gay nói với chàng một cách nghiêm khắc.
Đến ngày thứ tư, các đám cháy lan đều bức tường thành Zubovxki. Piotr cùng với mười ba người khác bị giải đến Krymxki Brod, giam vào một cái kho để xe của một nhà buôn. Trong khi đi qua các phố, Piotr ngạt thở vì làn khói bấy giờ hình như đang bao trùm khắp thành Moskva. Bốn phía đều rừng rực ánh lửa cháy nhà. Lúc bấy giờ Piotr chưa hiểu tầm quan trọng của việc Moskva bốc cháy, chàng kinh hãi nhìn ánh lửa.
Trong gian nhà kho ở Krymxki Brod, Piotr bị giam bốn ngày nữa, và trong thời gian đó, qua những câu chuyện trò của bọn lính Pháp nói với nhau chàng được biết rằng tất cả những người bị giam giữ ở đây phải đợi quyết định nay mai của nguyên soái. Nghe những mẩu chuyện ấy Piotr không thể biết rõ nguyên soái đây là nguyên soái nào. Đối với những người lính ấy, chức nguyên soái hẳn là một cái khâu cao cấp và khá bí ẩn của quyền lực.
Những ngày đầu tiên này - kể cho đến mồng tám tháng chín, ngày các phạm nhân bị đưa đi hỏi cung lần thứ hai, là những ngày khổ sở nhất đối với Piotr.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.