Phần XIV - Chương 8 9
-
Chiến Tranh và Hòa Bình
- Lev Nikolayevich Tolstoy
- 4663 chữ
- 2020-05-09 02:34:26
Số từ: 4759
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Theo lệnh của Denixov người ta đã dọn thịt cừu và rượu vodka cho chú lính đánh trống.
Denixov sai mặc cho nó chiếc áo kaftan Nga và quyết định sẽ giữ nó lại trong đội du kích chứ không cho giải về hậu phương với các tù binh khác.
Petya đang bận tâm về chú bé, thì chợt có tin Dolokhov đến, và bao nhiêu sức chú ý của Petya đều từ chú lính đánh trống dồn sang Dolokhov. Trong quân đội Petya đã được nghe kể nhiều câu chuyện về sự dũng cảm phi thường của Dolokhov và tàn ác của chàng đối với quân Pháp, cho nên từ khi Dolokhov bước vào phòng, Petya cứ nhìn chằm chặp vào chàng và mỗi lúc một thêm phấn chấn, mái đầu cất cao lên, cổ làm sao ngay khi được ngồi với một người như chàng mình cũng không đến nỗi không xứng đáng.
Cách phục sức cực kỳ đơn giản của Denixov làm Petya kinh ngạc Denixov thì mặc áo tsekmen(1), để râu dài, trên ngực có đính tượng thánh Nikolai, người có nhiều phép lạ và trong cách nói năng, đi đứng của chàng đều để lộ rõ chất đặc biệt của địa vị chàng lúc bấy giờ.
Dolokhov thì trước kia; khi còn ở Moskva, vẫn mặc một bộ y phục Ba tư, nhưng nay thì ngược lại, chàng phục sức như một sĩ quan cận vệ ưa làm dáng, hết sức thông thường. Mặt chàng cạo nhẵn, mình chàng mặc một cái áo khoác lót long của quân cận vệ, khuy cổ đính một huân chương Georges, trên đầu chàng có một chiếc mũ lưỡi trai giản dị rất thẳng. Chàng ra góc phòng cởi chiếc áo burka ướt sũng, rồi không chào hỏi ai hết, chàng đến cạnh Denixov, và lập tức lên tiếng hỏi về công việc. Denixov thuật lại cho chàng nghe chuyện các đội du kích lớn dòm ngó đoàn vận tải Pháp ra sao, cho chàng biết việc Petya được phái đến và cách dùng phúc đáp hai viên tướng nọ. Rồi Denixov kể cho Dolokhov rõ tất cả những điều mình biết được về tình hình đội quân Pháp.
- Đúng thế đấy, nhưng phải biết rõ đây là đơn vị nào và quân số bao nhiêu Dolokhov nói, - Phải đi một chuyến mới xong. Không biết chắc quân số của chúng thì không thể khởi sự được. Tôi vốn thích làm ăn cẩn thận. Đây trong số các vị ở đây có vị nào muốn đi với tôi vào trại quân Pháp không. Tôi có mang cả quân phục Pháp đến đấy.
- Tôi… tôi… tôi sẽ đi với ông! - Petya kêu lên.
- Cậu chả cần đi làm gì hết, - Denixov nói với Dolokhov - còn cậu này thì tôi không đời nào để cho đi như thế đâu.
- Hay nhỉ! - Petya thét lên, - Tại sao tôi lại không đi được kia chứ?
- Tại vì chẳng việc gì phải đi cả!
- À thế xin anh thứ lỗi cho, bởi vì… bởi vì tôi sẽ đi, có thế thôi. Anh đem tôi đi theo chứ? - Petya hỏi Dolokhov.
- Chứ sao? - Dolokhov lơ đãng đáp, mắt nhìn vào mặt chú lính đánh trống người Pháp.
- Thằng bé con này ở với cậu lâu chưa? - chàng hỏi Denixov.
- Vừa bắt được sáng nay, nhưng nó chẳng biết gì cả. Tớ để nó lại đây với tớ.
- À thế còn những đứa khác thì cậu mang đi đâu? - Dolokhov nói.
- Còn gì đâu nữa? Tớ cho giải về hậu phương có biên lai hẳn hoi? Denixov bỗng đỏ mặt quát lên. - Và tớ cũng phải nói thẳng ra rằng trong lương tâm tớ chưa hề có một sinh mạng nào.
- Chả nhẽ cậu không thấy cho áp giải ba mươi người hay là ba trăm người về thành phố cũng chẳng khó khăn gì, dù sao cũng còn hơn là làm nhơ bẩn, tớ nói thẳng ra như vậy, làm nhơ bẩn danh dự của một quân nhân.
- Để cho cậu tiểu bá tước mười sáu tuổi này nói những chuyện nhân ái ấy thì hợp hơn, - Dolokhov nói giọng ngạo nghễ và lạnh lùng, - Còn cậu thì đã đến lúc có thể từ bỏ những trò ấy đi được rồi đấy.
- Kìa, tôi có nói gì đâu? - Petya nói, giọng rụt rè, - Tôi chỉ bảo là tôi nhất định sẽ đi với ông thôi mà.
- Còn như cậu với tớ thì đã đến lúc nên bỏ cái trò ấy đi, cậu à.
Dolokhov nói tiếp như thể thấy thích thú đặc biệt khi nói đến một vấn đề vẫn khiến cho Dolokhov khó chịu.
- Thế tại sao cậu cho thằng bé này ở lại? - Chàng lắc đầu nói. - Cậu thương hại nó chứ gì? Chúng tớ còn lạ gì những tờ biên lai của cậu nữa. Cậu gửi về một trăm tên, nhưng về đến nơi thì còn ba chục, chúng nó sẽ chết dọc đường, vì đói, hay sẽ bị giết chết. Vậy thì thà đừng bắt chúng nó, cũng thế cả thôi.
Viên thủ lĩnh cô-dắc nheo nheo đôi mắt trong sáng, gật đầu tỏ ý tán thành.
- Thì cũng thế cả thôi, chả phải bàn cãi gì nữa. Tớ không muốn để lương tâm phải cắn dứt về chuyện ấy, cậu bảo là chúng nó sẽ chết. Cũng được thôi. Miễn sao đừng chết vì tay tớ là được.
Dolokhov cười phá lên.
- Dễ thường chúng nó không được lệnh bắt tớ hàng hai chục lần ấy! Và nếu chúng bắt được thì cả tớ lẫn cậu với cái tâm hồn nghĩa hiệp của cậu cũng vẫn lủng lẳng trên một sợi dây như thường.
Dolokhov im lặng một lát.
- Nhưng thôi, phải lo đến công việc đi chứ. Bảo thằng cô-dắc của tớ mang cái đẫy vào dây. Tớ có hai bộ quân phục của Pháp. Thế nào, đi với tớ chứ? - Chàng hỏi Petya.
- Tôi ấy à? Vâng, vâng, nhất định chứ! - Petya reo lên, mặt đỏ rừ đến gần chảy nước mắt ra, mắt liếc nhìn Denixov.
Trong khi Dolokhov tranh cãi với Denixov về cách xử lý tù binh, Petya cảm thấy luống cuống, và bồn chồn lo lắng, nhưng cậu cũng không đủ thì giờ hiểu cho rõ họ nói gì. "Nếu những người lớn, những người có danh tiếng, họ nghĩ như vậy thì tức là cần phải như vậy như vậy mới đúng, - cậu nghĩ thầm, - Và cái chính là phải làm sao cho Denixov đừng có mà nghĩ rằng mình phục tùng anh ta, rằng anh ta có thể chỉ huy mình. Mình nhất định sẽ đi với Dolokhov đến trại quân Pháp. Dolokhov đi được thì mình cũng đi được chứ?".
Đáp lại những lời khuyên nhủ của Denixov bảo cậu đừng đi, Petya nói là mình đã quen gì thì cũng làm cẩn thận chứ không chịu cái lối làm ăn hú hoạ, và xưa nay không bao giờ nghĩ đến nguy hiểm cả.
Bởi vì, anh cũng phải nhận thấy nếu không biết chắc quân số chúng nó thì sẽ nguy hại đến tính mạng của hàng trăm người cũng nên, còn như đi như thế này thì chỉ có hai chúng ta mà thôi. Và lại tôi rất muốn và thế nào tôi cũng đi, anh đừng giữ tôi làm gì, chỉ thêm phiền.
Sau khi mặc áo ca-pốt và đội mũ sa-cô của Pháp, Petya và Dolokhov cưỡi ngựa đi về phía khoảng rừng thưa nơi Denixov đứng nhìn xuống trại lính Pháp sáng nay, rồi ra khỏi rừng và đi xuống hẻm núi trong bóng tối dày đặc. Xuống đến nơi, Dolokhov dặn mấy người cô-dắc đi theo đứng đợi ở đấy và cho ngựa phóng nước kiệu trên con đường dẫn đến cái cầu. Petya tim lịm đi vì xúc động, cưỡi ngựa đi cạnh chàng.
- Nếu bị lộ, tôi sẽ không để cho nó bị bắt sống đâu, tôi có một khẩu súng ngắn đây, - Petya thì thầm.
- Đừng nói tiếng Nga, - Dolokhov nói thầm rất nhanh và ngay phút ấy trong bóng tối có tiếng quát "Ai?" và tiếng lên cò súng lách cách.
- Máu dồn lên mặt Petya và cậu ta luồn tay vào chỗ cất khẩu súng ngắn.
- Giáo kỵ trung đoàn 62, - Dolokhov đáp, không kìm ngựa lại mà cũng không cho ngựa phóng nhanh cái bóng đen ngòm của tên lính canh đứng sững trên cầu.
- Khẩu lệnh?
Dolokhov kìm ngựa lại cho đi bước một.
- Này đại tá Jerar có ở đây không nhỉ? - chàng nói.
- Khẩu lệnh - Tên lính canh không đáp lại và quát một lần nữa và đứng chặn ngang cầu.
- Khi một sĩ quan đi tuần, lính canh không có cái lối hỏi khẩu lệnh. - Dolokhov đột nhiên nổi xung lên quát lớn và cho ngựa bước sấn vào tên lính canh. - Ta hỏi anh đại tá Jerar có ở đây không?
Và không đợi câu trả lời của tên lính canh bấy giờ đã né sang một bên, Dolokhov cho ngựa đi bước một lên dốc.
Trông thấy một bóng đen đi vượt qua đường Dolokhov chặn lại hỏi xem viên tư lệnh và các sĩ quan hiện ở đâu. Bóng đen này là một người lính vác một cái bị lên vai. Hắn đứng lại, đến sát cạnh Dolokhov giơ tay vỗ vào ngực chàng rồi nói một cách thân mật và giản dị rằng quan tư lệnh và các sĩ quan đang ở trên dốc phía bên phải trong sân, ấp (người lính gọi toà dinh thự trang chủ như vậy).
Dọc đường đi, hai bên đều nghe có tiếng chuyện trò bằng tiếng Pháp từ những bếp lửa trại vẳng ra. Đi được một đoạn, Dolokhov rẽ vào sân toà dinh thự trang chủ. Đi qua cổng, chàng xuống ngựa và đến cạnh một bếp lửa lớn cháy bừng bừng, xung quanh có mấy người đang ngồi nói chuyện rất to. Ở cạnh ria đống lửa có bắc một cái nồi nấu một món gì đang sôi sùng sục, và một người lính đội mũ chụp nhọn và mặc ca-pốt xanh đang quỳ bên cạnh lấy que thông nòng khuấy khuấy vào nồi, ánh lửa bắt vào mặt hắn sáng rực.
- Ồ ông ta hắc lắm đấy! - một viên sĩ quan ngồi trong bóng tối phía bên kia bếp lửa nói.
- Ông ta sẽ cho chúng nó một chầu… - một người khác cười lớn nói. Họ lặng thinh và nhìn vào đêm tối khi nghe tiếng chân Dolokhov và Petya dắt ngựa lại gần đống lửa.
- Chào các vị! Dolokhov nói to tách rõ từng tiếng. Mấy viên sĩ quan cựa quậy trong bóng tối và một người cao lớn cổ dài đi vòng quanh đống lửa đến gần Dolokhov.
- Anh đấy à. Clement? Người ấy nói. - Quái, anh ở đâu mà…
Nhưng hắn không nói hết cầu thì đã nhận ra là mình lầm; hắn hơi cau mày, chào Dolokhov như chào một người không quen và hỏi chàng xem chàng cần hỏi việc gì. Dolokhov nói là chàng cùng với người bạn đang đuổi theo trung đoàn và hỏi đám sĩ quan xem có ai biết gì về trung đoàn sáu không. Chẳng có ai biết gì cả và Petya có cảm giác là các sĩ quan bắt đầu quan sát cậu với Dolokhov một cách ác cảm và nghi ngờ.
- Nếu các anh hy vọng ăn món xúp tối nay thì các anh đến khí chậm đấy - một người ở sau đống lửa nói cười khúc khích.
Dolokhov đáp rằng hai anh em ăn đã no và đang cần đi tiếp ngay đêm nay. Chàng trao ngựa cho người lính đang khuấy món ăn trong nồi, và ngồi xổm xuống bên bên đống lửa cạnh viên sĩ quan cao cổ. Viên sĩ quan này nhìn Dolokhov chằm chặp và hỏi lại một lần nữa: Chàng ở trung đoàn nào? Dolokhov không đáp, làm như không nghe thấy câu hỏi, chàng rút cái tẩu thuốc kiểu Pháp trong túi ra, vừa châm lửa vừa hỏi sĩ quan xem đoạn đường sắp phải đi có bị bọn cô-dắc quấy nhiễu không.
- Kẻ cướp thì đâu mà chẳng có! - Viên sĩ quan ngồi sau đống lửa nói.
Dolokhov nói rằng bọn cô-dắc chỉ đáng sợ đối với những kẻ tụt lại sau như chàng và như anh bạn của chàng thôi, còn những đội quân lớn thì chắc chúng không đám đánh, - chàng nói thêm có ý dò hỏi. Không ai đáp lại một lời.
- Thôi, bây giờ chắc anh ấy sẽ đi, - cứ phút phút Petya lại nghĩ thầm trong khi đứng trước bếp lửa lắng nghe chàng nói chuyện.
Nhưng Dolokhov lại khơi chuyện và bắt đầu hỏi thẳng họ xem trong mỗi tiểu đoàn có bao nhiêu người, họ có cả thảy bao nhiêu tiểu đoàn, bao nhiêu tù binh. Trong khi hỏi về tốp tù binh Nga đang bị áp giải theo đội quân của họ, Dolokhov nói
- Kéo theo những cái xác theo sau phiền thật. Chi bằng bắn quách cái lũ chó chết ấy đi cho rảnh, nói đoạn chàng cười phá lên, tiếng cười nghe quái gở đến nỗi Petya cứ tưởng là quân Pháp sẽ nhận ra ngay cái trò bịp bợm của chàng: cậu ta bất giác lùi một bước ra xa đống lửa. Không có ai hưởng ứng câu nói và tiếng cười của Dolokhov: một viên sĩ quan Pháp nãy giờ chẳng trông thấy đầu (hắn trùm áo ca-pốt nằm giữa đất) bỗng nhổm dậy nói thì thầm mấy tiếng với một người bên cạnh. Dolokhov đứng dậy và gọi tên lính giữ ngựa.
"Liệu chúng có trả ngựa không?" - Petya thầm nghĩ; cậu bất giác nhtch lại gần Dolokhov.
- Họ đưa ngựa lại.
- Chào các vị! - Dolokhov nói.
Petya muốn nói: "chào các vị" nhưng không sao mở miệng được.
Mấy viên sĩ quan nói thầm với nhau. Dolokhov loay hoay một hôi lâu mới lên yên được, vì con ngựa không chịu đứng yên cho; sau đó chàng cho ngựa đi bước một ra cổng. Petya đi cạnh chàng; cậu rất muốn ngoái cổ nhìn lại xem bọn Pháp có đuổi theo không, nhưng cậu không dám.
Ra đến đường cái, Dolokhov không trở về phía cánh đồng mà lại đi ven theo khóm làng. Được một lúc chàng ngừng ngựa lại nghe ngóng.
- Cậu có nghe thấy không? - chàng nói.
Petya nhận ra những âm hưởng những câu tiếng Nga và trông thấy những người tù binh Nga chập chờn quanh các bếp lửa. Hai người đi xuống dốc và đến cái cầu lúc nãy, vượt qua người lính canh đang lặng lẽ đi đi lại lại trên cầu, và trở về cái hẻm núi có mấy người cô-dắc đứng đợi.
- Thôi bây giờ chào cậu nhé. Cậu bảo Denixov là đến tảng sáng, khi nghe tiếng súng đầu tiên. - Dolokhov nói đoạn toan bỏ đi, nhưng Petya đã nắm lấy tay chàng.
- Không - Petya kêu lên, - anh thật là một vị anh hùng. Ôi, thật là thích quá! Tuyệt quá! Tôi yêu anh quá!
- Thôi được rồi, được rồi! - Dolokhov nói, nhưng Petya không chịu buông chàng ra. Trong bóng tối, Dolokhov thấy Petya nghiêng người về phía chàng. Cậu ta muốn hôn chàng, Dolokhov hôn Petya, cười lớn rồi quay ngựa đi khuất trong bóng tối.
Chú thích:
(1) Áo lông của vùng núi Kavkaz
9.
Về đến trạm gác, Petya gặp Denixov đứng ở phòng ngoài.
Denixov đang đợi Petya về, lòng bồn chồn lo lắng và tự giận mình sao lại để Petya đi như vậy.
- Đội ơn chúa! - chàng reo lên. - Chà, đội ơn chúa! - chàng nhắc đi nhắc lại trong khi nghe Petya hân hoan kể lại chuyến đi vừa qua, - quỷ bắt cậu đi, cậu làm cho tôi không chợp mắt được đấy.
- Thôi đội ơn chúa, bây giờ đi mà đi ngủ. Còn đủ thì giờ đánh một giấc từ giờ đến sáng.
- Ờ không, - Petya nói, - Tôi chưa buồn ngủ, tôi biết cái thói của tôi là hễ đã ngủ rồi thì thôi chẳng biết trời đất là gì nữa. Vả lại tôi đã quen thức trước khi ra trận.
Petya ngồi một lát trong ngôi nhà, lòng khấp khởi vui mừng nhớ lại những chi tiết trong chuyến đi vừa qua và hình dung rõ rệt những gì xảy ra trong ngày mai. Rồi nhận thấy Denixov ngủ thiếp đi cậu đứng dậy đi ra ngoài.
Ngoài sân hãy còn tối mịt. Cơn mưa nhỏ đã tạnh khi nước mưa đọng trên lá cây hãy còn nhỏ giọt xuống. Gần nơi trạm gác, thấp thoáng bóng những cái lán của lính cô-dắc và những con ngựa buộc chung một chỗ. Sau ngôi nhà có hai chiếc xe tải làm thành hai vệt đen sì, bên cạnh có mấy con ngựa đứng, và dưới hẻm núi bập bùng một ngọn lửa đỏ đang lụi đần trong số lính phiêu kỵ và lính cô dắc cũng có nhiều người không ngủ dây đó; xen lẫn với tiếng nước mưa rơi lộp bộp và tiếng ngựa nhai thóc rào rào gấn sát bên cạnh, còn nghe tiếng người nói khe khẽ, gần như thì thầm.
Petya từ phòng ngoài bước ra sân, đưa đôi mắt nhìn bóng tối ở chung quanh và đến gần hai cỗ xe tải. Dưới xe có ai đang ngáy "khò khò" và ở xung quanh xe có những con ngựa đóng yên đang nhai thóc. Trong bóng tối, Petya nhận ra con ngựa của cậu, được cậu đặt tên là Karabakh tuy nó là con ngựa vùng tiểu Nga, và lại gần nó.
- Nào, Karabakh, mai ta sẽ làm nên chuyện, - Petya vừa nói vừa ghé sát mũi vào mũi ngựa mà hôn.
- Kìa cậu không ngủ à? - người cô-dắc ngổi dưới gầm xe nói.
- Không, này anh… Likhatxov, có phải tên anh là thế không nhỉ? Chả là tôi vừa mới về mà. Chúng tôi vừa đến trại quân Pháp xong. - đoạn Petya kể tỉ mỉ cho người cô-dắc nghe đầu đuôi chuyến cậu ta đi trinh sát, lại còn giảng dải thêm cho anh ta rõ tại sao cậu ta cho rằng thà liều mạng như vậy còn hơn là làm ăn hú hoạ.
- Thôi cậu nên ngủ một chút, - người cô-dắc nói.
- Không, tôi đã quen thức, - Petya đáp. - À, đá lửa trong súng tay của anh ta đã mòn hết chưa? Tôi có mang theo đây. Anh cần không? Lấy một ít mà dùng.
Người cô-dắc từ dưới gầm xe chui ra để nhìn Petya cho rõ.
- Chả là tôi vẫn quen làm việc gì cũng phải cho cẩn thận, - Petya nói, - Nhiều người có cái lối làm hú hoạ, không chuẩn bị gì cả rồi về sau lại ân hận. Tôi không thích thế.
- Đúng vậy, - người cô-dắc nói.
- À còn cái này nữa, anh ạ anh mài hộ tôi thanh kiếm nhé; nó bị cùn… (nhưng Petya không dám nói dối là nó chưa được mài lần nào cả). Có được không anh?
- Được chứ.
Likhotsov đứng dậy lục lọi một lúc trong cái đẫy, và một lát sau Petya đã nghe thấy âm hưởng hùng tráng của chất thép đưa trên đá mài. Cậu leo lên chiếc xe tải và ngồi trên thành xe. Người cô-dắc ngồi mài gươm dưới gầm.
- Thế nào, anh em ngủ cả rồi à? - Petya hỏi.
- Cũng có người ngủ. Cũng có người thức như ta.
- Thế còn chú bé thì sao?
- Vexenny ấy à? Nó lăn kềnh ra ở cạnh cửa ấy. Suốt ngày nó lo sợ nên bây giờ ngủ say lắm. Bây giờ thì nó bằng lòng lắm rồi.
- Sau đó Petya im lặng hồi lâủ, lắng tai nghe những tiếng động ở chung quanh. Trong bóng tối có tiếng chân bước và một bóng đen hiện ra.
- Bác mài gì thế? Một người đến cạnh xe hỏi.
- À mày gươm cho công tử.
- Hay đấy, người kia nói (Petya thấy hình như hắn ta là một người lính phiêu kỵ) - Này, các bác ở đây có cầm cái chén không?
- Kia kìa cạnh bánh xe ấy. - người lính phiêu kỵ đến lấy cái chén, - Hình như sắp sáng rồi thì phải, - hắn ta ngáp dài nói, đoạn bỏ đi.
Lẽ ra Petya phải biết rằng mình đang ở trong rừng với đội du kích của Denixov, cách đường cái một dặm, rằng mình đang ngồi trên một cái xe tải cướp được của quân Pháp, bên cạnh có buộc mấy con ngựa, rằng ở phía dưới là bác cô-dắc Likhatsov đang mài gươm cho cậu, rằng cái vết đen ở bên phải là một trạm kiểm lâm, và cái vệt sáng đỏ ngàu ở bên trái là một bếp lửa đang lụi dần, rằng người vừa đến tìm cái chén là một anh lính phiêu kỵ đang khát nước; nhưng cậu chảng biết gì cả và cũng chẳng muốn biết. Cậu đang sống trong một xứ sở thần kỳ trong đó không có gì giống cõi thật hết. Cái vệt đen lớn có lẽ đúng là trạm kiểm lâm, nhưng cũng có thể là một cái hang lớn dẫn đến tận lòng đất sâu thẳm. Cái vệt dỏ kia có lẽ là ngọn lửa, nhưng cũng có thể là một con mắt của một con quái vật khổng lồ, có lẽ đúng là cậu đang ngồi trên chiếc xe tải nhưng cũng rất có thể không phải trên chiếc xe tải, mà trên một cái tháp cao ngất trời, cao đến nỗi nếu ngã xuống thì phải suốt một ngày, suốt một tháng mới đến mặt đất Cứ phải bay mãi, bay mãi mà không bao giờ chạm đất. Có lẽ người đang ngồi dưới gầm xe chỉ là bác cô-dắc Likhatsov thôi, nhưng cũng rất có thể đó chính là con người tốt nhất, can đảm nhất, kỳ diệu nhất, tuyệt vời nhất mà trên đời mà không ai biết đến. Có lẽ vừa rồi đúng là một anh lính phiêu kị đi tìm chén uống nước, rồi cầm chén đi xuống hẻm núi nhưng cũng có thể là hắn ta đã mất hút, biến hẳn đi và thật ra không hề tồn tại.
Bây giờ dù Petya có trông thấy gì chăng nữa cậu cũng sẽ không hề ngạc nhiên. Petya đang sống trong một xứ sở thần kỳ, trong đó cái gì cũng có thể xảy ra. Cậu nhìn lên trời. Cả bầu trời nữa, cũng thần kì như trên mặt đất Trời đang quang dần, và trên các ngọn cây mây lướt nhanh, như đang mở dần ra cho các vì sao xuất hiện. Đôi khi người ta có cảm tưởng là mây quang dần để lộ bầu trời trong trẻo đen kịt. Đôi khi những khoảng đen ấy lại trông như những đám mây. Đôi khi trời lại trông như cứ cao lên dần, cao lên mãi; đôi khi bầu trời lại trông như hạ thấp hẳn xuống, đến nỗi có thể với hẳn tay đến được.
Petya nhắm mắt lại và bắt đầu gật gà gật gù. Những giọt nước mưa rơi lộp bộp. Có tiếng nói chuyện rì rầm. Mấy con ngựa hí lên và quay ra đánh nhau. Đâu đấy có tiếng ai ngáy.
Xoẹt xoẹt xoẹt xoẹt tiếng gươm xiết trên đá mài đều đều và Petya chợt nghe những tiếng nhạc hài hoà đồng cử một điệu âu ca nào đấy, âm hưởng ngọt ngào và trang trọng. Petya có khiếu âm nhạc chẳng kém gì Natasa, và hơn cả Nikolai, nhưng cậu chưa bao giờ học âm nhạc, không hề nghĩ đến âm nhạc cho nên những âm thanh đột ngột vang lên trong tâm trí cậu có vẻ mới mẻ và hấp dẫn lạ thường. Tiếng nhạc mỗi lúc một rõ. Điệp khúc lớn dần lên, chuyển từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác. Đó chính là lối hành nhạc thường gọi là phú cách khúc tuy Petya không hề có một khái niệm gì về phú cách khúc. Tiếng các nhạc cụ đang cử khi thì giống như tiếng vĩ cầm, khi lại nghe như tiếng kèn đồng nhưng lại hay hơn và trong trẻo hơn tiếng vĩ cầm và tiếng kèn đóng. Mỗi nhạc cụ có một điệu riêng, và chưa hết một nét nhạc đã hoà với một nét nhạc khác mở đầu gần như thế, rồi thành một nét thứ ba, rồi một nét thứ tư, và tất cả những nét nhạc ấy hoà lại thành một, rồi lại tản mác ra, để rồi lại hoà làm một, khi thì thành một điệu nhạc thánh đường trang nghiêm, khi thì thành một khúc khải hoàn tưng bừng, chói lọi.
"Ồ phải rồi, ta đang nghe tiếng nhạc này trong giấc mơ, Petya tụ nhủ người gật về phía trước. - Nó ở trong tai ta đây mà. Và có lẽ đây là nhà của ta cũng nên. Nào, cử lại xem. Tiếng nhạc của ta ơi! Cử lên nào!".
Petya nhắm mắt lại và từ khắp bốn phía, những âm thanh nghe như từ xa vẳng lại bắt đầu rung lên, hoà vào nhau tản mác ra, lẫn vào nhau rồi tất cả lại hoà thành điệu âu ca ngọt ngào và trang trọng ấy "ồ tuyệt quá đi mất! Muốn bao nhiêu cũng được và muốn như thế nào cũng được". - Petya tự nhủ. Cậu thử chỉ huy dàn nhạc khổng lồ kia.
"Nào, khẽ bớt, khẽ bớt, bây giờ thì lắng hẳn xuống đi", và các âm thanh liền tung theo. "Nào, bây giờ thì to hơn lên, vui hơn lên, vui hơn nữa, hơn nữa". Và từ một nơi sâu thẳm mịt mùng đưa lên những âm thanh trang trọng mỗi lúc một thêm mạnh mẽ. "Nào, thanh nhạc bắt đầu hoà theo!" - Petya ra lệnh. Và từ xa xa, những đầu những giọng nam vang lên, rồi đến những giọng nữ. Tiếng hát to dần, to dần theo một tiến trình lên giọng đều đặn và trang nghiêm, Petya thấy sợ và vui trong khi lắng nghe những âm hưởng du dương lạ lùng ấy.
Điệu hát dâng lên thành một khúc khải hoàn trang trọng, những giọt nước rơi lộp bộp, thanh gươm xiết trên đá mài; xoẹt, xoẹt, xoẹt và mấy con ngựa lại hí lên, đánh lẫn nhau, nhưng không phá rối điệu đồng ca, mà lại nhập vào thành một bộ phận của nó.
Petya không biết những khúc nhạc ấy kéo dài bao lâu, cậu chỉ say sưa thưởng thức, luôn luôn lấy làm lạ về cái khoái cảm của mình và tiếc rằng không có ai để cùng chia sẻ. Tiếng nói dịu dàng của Likhatsov làm Petya bừng tỉnh.
- Thưa cậu, xong rồi đấy ạ, có thể chém đứt đôi thằng Pháp.
Petya mở bừng mắt.
- Sáng rồi, đúng là đã sáng rồi! - cậu kêu lên.
Bây giờ đã trông thấy rõ mấy con ngựa trước đây chìm trong bóng tối cho đến đuôi ngựa trông cũng rõ, và qua những cành cây trụi lá đã hiện ra ánh sáng ướt át của buổi rạng đông. Petya rùng mình choàng dậy, móc túi lấy một đồng rúp đưa cho Likhatsov, vung gươm lên, thử lưỡi gươm rồi tra vào vỏ. Mấy người cô-dắc cởi dây buộc ngựa và thắt đai yên cho ngựa.
- Chỉ huy trưởng đây rồi, - Likhatsov nói.
Từ trạm gác rừng Denixov bước ra, cất tiếng gọi Petya và ra lệnh chuẩn bị xuất phát.