• 2,925

Phần XVI - Chương 4 5


Số từ: 3078
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Sự vận động của các dân tộc bắt đầu lắng lại. Những làn sóng của cuộc vận động to lớn đã hạ xuống và trên mặt biển yên lặng hiện ra những vòng tròn. Trong đó có những nhà ngoại giao bơi thuyền qua lại và tưởng đâu chính mình đã làm cho mặt biển trở thành phẳng lặng.
Nhưng mặt biển lặng bỗng lại nổi sóng. Các nhà ngoại giao tưởng đâu những sự bất đồng của họ là nguyên nhân của cơn sóng gió mới. Họ chờ đợi chiến tranh xảy ra giữa các vị vua của họ, họ cảm thấy tình hình này không sao giải quyết nổi. Nhưng làn sóng mà họ cảm thấy dâng lên lại không xuất phát từ nơi họ dự kiến. Đó vẫn là làn sóng ngày trước và điểm xuất phát vẫn là Paris. Đó là làn sóng dội lại cuối cùng của cuộc vận động từ phương Tây, làn sóng này phải giải quyết được những khó khăn về ngoại giao tưởng chừng không giải quyết nổi và kết thúc cuộc vận động quân sự của thời đại này.
Con người đã làm cho nước Pháp tan hoang, một thân một mình, không có nội ứng, không có quân đội, đổ bộ lên đất Pháp.
Bất cứ người lính gác nào cũng có thể bắt ông ta, nhưng do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, không những không ai bắt ông ta, mà mọi người còn hân hoan đón chào con người mà vừa mới hôm qua họ còn nguyền rủa và một tháng sau họ lại sẽ nguyền rủa.
Con người này cần thiết để biểu lộ cho hồi kịch tập thể cuối cùng. Hồi kịch ấy đã diễn ra, vai trò cuối cùng đã đóng xong.
Người ta bảo diễn viên cởi bỏ trang phục và lau sạch son phấn, người ta không cần đến hắn nữa.
Và mấy năm trôi qua: trong thời gian đó, sống cô đơn trên hòn đảo con người ấy lại:tự diễn trước mặt mình một tấn kịch thảm hại, lại mưu mô dối trá đé bào chữa cho những hành vi của mình trong khi sự bào chữa này không còn cần thiết nữa, và bày ra cho tất cả thế giới thấy rõ cái mà người ta cho là một sức mạnh khi có một bàn tay vô hình dắt dẫn nó thật ra là cái gì.
Khi vở kịch đã diễn xong và diễn viên đã cởi trang phục, nhà đạo diễn đưa hắn ra cho chúng ta xem và nói: Hãy xem con người mà các anh đã tin tơởng? Đây, nó đây? Bây giờ các anh đã thấy rằng chính tôi chứ không phải nó chi phối các anh rồi chứ?
Nhưng bị quáng mắt vì sức mạnh của cuộc vận động, trong một thời gian dài, người ta vẫn không hiểu điều đó.
Cuộc đời của Alekxandr, con người cầm đầu cuộc vận động ngược lại từ Đông sang Tây, lại còn cho ta thấy một sự liên quan chặt chẽ và tất yếu hơn nữà.
Người có thể làm lu mờ tất cả những người khác và cầm đầu cuộc vận động từ Đông sang Tây này cần có những gì?
Người đó cần phải có ý thức về chính nghĩa, cần quan tâm đến những công việc của châu Âu, nhưng phải nhìn từ xa, không bị những lợi ích nhỏ nhất làm mờ mắt, người đó cần phải vượt lên trên các quốc vương đường thời về mặt đạo đức. Người đó cần phải có một nhân cách dịu dàng và hấp dẫn, cần phải có một mối hiềm khích riêng với Napoléon. Và tất những điều đó đều tập trung ở Alekxandr I, tất cả những điều đó đều được chuẩn bị bởi những cái gọi là ngẫu nhiên trong suốt quãng đời trước đây của ông ta, nếp giáo dục, xu hướng tự do ở thời kỳ đầu, những người cố vấn ở quanh ông, những sự biến ở Austerlix, Tilzit, và Erfurt.
Trong cuộc chiến tranh nhân dân, nhân vật này ngồi không bởi vì người ta không cần đến. Nhưng đến khi người ta thấy thế nào cũng phải có một cuộc chtến tranh của toàn thể châu Âu, nhân vật này liền xuất hiện đúng lúc và đúng địa vị của mình. Rồi sau khi liên kết các dân tộc ở châu Âu lại, ông ta đã đưa họ đến mục đích.
Mục đích đã đạt được. Sau cuộc chiến tranh cuối cùng năm 1815, Alekxandr đã lên đến tột đỉnh của quyền lực con người. Ông ta đã sử dụng cái quyền lực ấy như thế nào?
Alekxandr I, con người đã bình định châu Âu, con người từ lúc niên thiếu chỉ nghĩ đến hạnh phúc của dân tộc mình, con người đã đề xướng những cải cách tự do ở tổ quốc mình, đến bây giờ, khi mà hình như ông ta đã có được uy quyền tối cao và do đó có đủ khả năng mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mình, trong khi Napoléon đang ngồi xây dựng trong cảnh tù đày những kế hoạch trẻ con và dối trá nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân loại nếu ông ta có quyền lực thì Alekxandr I, sau khi đã làm xong sứ mệnh và cảm thấy bàn tay của Thượng đế đặt lên người mình, bỗng nhận ra sự vô nghĩa của cái quyền lực hư ảo kia, bèn tờ bỏ nó, trao nó lại cho cọn người đáng khinh bỉ và bị ông khinh bỉ, chỉ nói:
"Không phải vì tôi, không phải vì tôi mà nhân danh Chúa!(1) Tôi cũng chỉ là một người như các anh, xin để cho tôi sống như một con người và cho tồi nghĩ đến linh hồn của tôi và nghĩ đến thượng đế".
Cũng như mặt trời và mỗi nguyên tử ê-te đều là những hình cầu hoàn chỉnh tự bản thân nó và đồng thời chỉ là những nguyên tử của một tổng thể mà con người không thể thiếu được vì nó quá to lớn, mỗi cá nhân cũng mang trong bản thân những mục đích riêng, và đồng thời nó mang những mục đích ấy cũng là để phục vụ những mục đích chung mà con người không hiểu được.
Con ong đậu trên một bông hoa đã đốt một đứa trẻ. Thế là đứa trẻ sợ loài ong và nói rằng mục đích của ong là đốt người. Nhà thờ ngắm con ong đậu trên đài hoa và nói rằng mục đích của ong là hấp thụ hương thơm của hoa. Người nuôi ong nhận thấy con ong lấy phấn hoa và mật hoa đem về tổ nên nói rằng mục đích của ong là kiếm mật. Một người nuôi ong khác, nghiên cứu đời sống của bầy ong kĩ hơn, nói rằng con ong lấy phấn và mật để nuôi ong con và ong chúa, rằng mục đích của nó là bảo tồn nòi giống. Nhà thực vật học nhận thấy rằng trong khi mang phấn hoa bay từ hoa đực đến hoa cái, con ong làm cho hoa cái thụ tinh, và cho rằng đó chính là mục đích của ong. Một nhà thực vật học khác nhìn thấy hiện tượng di cư của thực vật nói rằng con ong góp phần vào sự di cư ấy, và người quan sát mới này có thể nói rằng đó chính là mục đích của ong. Nhưng mục đích cuối cùng của ong thì vẫn không thể quay về mục đích thứ nhất, thứ hai hay thứ ba mà trí tuệ con người có thể phát hiện được, trí tuệ con người càng được nâng cao trong việc phát hiện những mục đích này thì đối với nó mục đích cuối cùng lại càng hiển nhiên là không sao hiểu nổi.
Con người chỉ có thể quan sát sự tương quan giữa đời sống của ong với những hiện tượng khác của cuộc sống. Về những mục đích của các nhân vật lịch sử và của các dân tộc cũng cần phải nói như vậy.
5.
Đám cưới Natasa lấy Bezukhov năm 1813 là sự việc vui mừng cuối cùng trong gia đình Roxtov. Năm ấy, bá tước Ilya Andreyevich qua đời, và như sự thể vẫn thường thấy xưa nay, với cái chết của ông, gia đình cũ của họ Roxtov cũng tan rã.
Những biến cố năm vừa qua: vụ hoả hoạn Moskva, cuộc lánh nạn ra khỏi thành phố, cái chết của công tước Andrey và nỗi tuyệt vọng của Natasa, cái chết của Petya và nỗi đau buồn của bá tước phu nhân - tất cả những việc ấy cứ dồn dập giáng xuống đầu lão bá tước. Hình như ông ta không hiểu và cảm thấy mình không sao đủ sức hiểu nổi ý nghĩa của tất cả những biến cố này nên đành nhẫn nhục cúi mái đầu già nua xuống, dường như chờ đợi và cầu xin bồi thêm những đòn khác nữa để kết liễu đời mình. Khi thì ông có vẻ hoảng sợ và ngỡ ngàng, khi thì ông lại phấn chấn và hăng hái một cách thiếu tự nhiên.
Đám cưới Natasa, do những công việc lo toan về hình thức của nó đã làm cho ông bận rộn một dạo. Ông sai dọn những bữa ăn chiều, những bữa ăn tối để thết khách và hẳn là ông muốn làm ra vẻ vui nhưng cái vui của ông không lan sang người khác như xưa, trái lại có làm những người biết rõ và mến ông đâm ái ngại cho ông.
Sau khi Piotr đưa vợ đi, ông trở nên trầm lặng và bắt đầu kêu buồn. Được mấy ngày, ông ốm nằm liệt giường. Ngay từ những ngày đầu tiên lâm bệnh, mặc dầu các bác sĩ đã ra sức an ủi, ông vẫn hiểu rằng ông sẽ không bao giờ trở dậy nữa. Bá tước phu nhân suốt hai tuần lễ túc trực bên giường ông, ngồi trong chiếc ghế bành, không thay quần áo. Cứ mỗi lần phu nhân cho ông uống thuốc ông lại nghẹn ngào nén tiếng nấc và lặng lẽ hôn tay vợ. Ngày cuối cùng ông khóc rưng rức, xin vợ và người con trai vắng mặt tha thứ cho ông đã trót làm khuynh gia bại sản - đó là tội lỗi nặng nhất mà ông cảm thấy mình đã phạm. Sau khi làm lễ nhận mình Chúa và xức đầu thánh. Ông tắt thở một cách êm thấm, và ngày hôm sau đám người quen biết đến làm trọn bổn phận cuối cùng đối với người đã khuất đông chật cả căn nhà của gia đình Roxtov thuê ở. Tất cả những người quen biết kia đã bao nhiêu lần ăn uống ở nhà ông, đã bao lần chê cười ông, bây giờ đều có một cảm giác hối hận và mủi lòng như nhau, họ nói như để tự thanh minh cho mình trước một người khác:
"Phải, muốn nói gì thì nói chứ ông ta vẫn là một người hết sức quý giá, thời buổi này chẳng còn ai được như thế. Vả chăng ai mà chẳng có nhược điểm?".
Đúng vào lúc công việc tiền nong của bá tước rối ren đến nỗi không thể nào hình dung cơ sự rồi sẽ kết thúc ra sao nếu tình hình này cứ kéo dài một năm nữa thì ông ta chết một cách đột ngột.
Nikolai đang ở Paris với quân đội Nga thì nhận được tin cha chết. Chàng liền làm đơn xin giải ngũ rồi không đợi được phê chuẩn, chàng xin nghỉ phép và lập tức trở về Moskva. Tình hình tiền nong của gia đình một tháng sau khi bá tước chết đã lộ rõ hẳn ra và mọi người đều ngạc nhiên về số tiền khổng lồ gồm các khoản nợ lặt vặt mà không ai ngờ đến. Số tiền nợ lớn gấp đôi giá trị tài sản.
Họ hàng thân thích khuyên Nikolai từ chối việc thừa kế gia sản.
Nhưng Nikolai thấy từ chối như vậy là xúc phạm đến hương hồn cha cho nên một mực không nghe, và nhất định thừa kế di sản cùng với nghĩa vụ trả hết các món nợ.
Các chủ nợ mấy lâu nay im lặng vì sinh thời bá tước họ đều thấy ngần ngại trước tấm lòng đốn hậu bừa bãi của ông ta, vốn có một ảnh hưởng mơ hồ nhưng mạnh mẽ với họ, bây giờ bỗng nhiên kéo nhau đến đòi nợ. Và như thói đời vẫn thế, họ ganh đua nhau về chỗ ai sẽ được trả nợ trước, rồi chính những kẻ như Mityenka là những người chỉ có tấm hối phiếu cho tiền chứ không phải biên nợ, lại là những chủ nợ sách nhiễu nhất. Họ không cho Nikolai trì hoãn, không cho chàng thư thả lấy một phút, và những người ra về thương hại ông già đã làm cho họ thiệt thòi (nếu quả có thiệt thòi) thì bây giờ lại nhẫn tâm xô vào người thừa kế trẻ tuổi - con người hiển nhiên là chẳng có lỗi gì đối với họ và đã tình nguyện đảm đương việc trang trải nợ nần.
Những biện pháp dàn xếp của Nikolai đưa ra không thu được kết quả, những đất đai đem lại đấu giá chỉ bán được một nửa giá thật, thế mà một nửa số nợ vẫn chưa làm sao trả được. Nikolai nhận ba vạn rúp của em rể là Bezukhov gửi cho chàng để trả khoản nợ mà chàng cho là một món nợ thực sự và khẩn cấp, và để khỏi bị tù vì số nợ còn lại, như những người chủ nợ vẫn hăm doạ chàng, chàng lại xin nhận một chức vụ nhà nước.
Chàng không thể nào trở về quân ngũ tuy hễ có chỗ khuyết là chàng sẽ được thăng ngay trung đoàn trưởng, bởi vì mẹ chàng bây giờ cứ bám lấy chàng, lẽ sống cuối cùng của bà. Cũng vì vậy, tuy không muốn ở Moskva giữa những người đã quen biết mình từ trước tuy chán ghét cái nghề công chức, chàng vẫn phải nhận làm một chức vụ nhà nước ở Moskva, và sau khi cởi bỏ bộ quân phục yêu quí chàng cùng mẹ và Sonya đến ở căn phòng nhỏ hẹp trên đường Xitxev-Vrazok.
Natasa và Piotr hồi ấy ở Petersburg, họ không có được một khái niệm rõ ràng về tình cảnh của Nikolai. Nikolai vay tiền em rể nhưng vẫn tìm cách giấu không cho Piotr biết tình trạng quẫn bách của mình. Tình cảnh của Nikolai đặc biệt gay go là vì với một nghìn hai trăm rúp tiền lương không nhưng chàng vẫn phải lo nuôi sống mình, Sonya và mẹ chàng, mà còn phải phụng dưỡng mẹ như thế nào cho bà đừng nhận thấy trong nhà túng thiếu. Bá tước phu nhân không thể nào quan niệm cuộc sống không có những món xa hoa mà bà đã quen từ thuở nhỏ, và không hề biết cái đó khó khăn đến thế nào đối với con trai, bà cứ luôn luôn vòi vĩnh, khi thì với cỗ xe bây giờ không còn nữa để đi mời một bà bạn về, khi thì yêu cầu một món ăn đắt tiền cho mình hay là một chai rượu cho con trai, khi thì đòi tiền để mua một món quà bất ngờ cho Natasa, cho Sonya, hay cho cả Nikolai nữa.
Sonya trông coi việc nhà, chăm sóc bà cô, đọc sách cho bà nghe, chịu đựng cái tính khí bất thường và cái ác cảm thầm kín của bà, và giúp Nikolai che giấu không cho lão bá tước phu nhân biết tình cảnh túng thiếu của họ. Nikolai cảm thấy mình như một món nợ không sao trả được, chàng không phục tình cảm nhẫn nại và lòng tận tuỵ của nàng, nhưng lại cố xa lánh nàng.
Trong thâm tâm, chàng dường như có ý trách nàng rằng sao lại quá hoàn toàn như vậy. Ở nàng có đủ những cái khiến chàng phải yêu. Và chàng cảm thấy mình càng quý trọng nàng bao nhiêu thì chàng lại càng ít yêu nàng bấy nhiêu. Chàng tin vào những lời nàng đã viết trong bức thư nói rằng nàng trả lại tự do cho chàng, và bây giờ chàng đối xử với nàng như thể tất cả những gì đã xảy ra giữa hai người đều đã bị quên lãng từ thời nảo thời nao và dù sao cũng không bao giờ trở lại được nữa.
Tình cảnh Nikolai càng ngày càng sa sút. Ý nghĩ dành dụm tiền lương nay đã là một giấc mơ hão huyển. Không những chàng không dành dụm được gì, mà vì phải thoả mãn những đòi hỏi của mẹ, chàng còn mắc thêm những món nợ nhỏ. Chàng không thấy có lấy một lối thoát nào có thể đưa chàng ra khỏi tình cảnh này.
Ý nghĩ lấy một người con gái giàu có, điều mà những người thân thích thường bàn với chàng, chàng thấy nó kinh tởm quá. Một lối thoát khác ra khỏi tình cảnh này - cái chết của mẹ chàng - không bao giờ nảy ra trong óc chàng. Chàng không mong ước gì, không hy vọng vào cái gì hết, trong thâm tâm chàng chỉ có một khoái cảm u ám và khắc khổ trong khi chịu đựng tình cảnh của mình mà không hề than thở. Chàng tìm cách tránh những người quen cũ vì lòng ái ngại và những lời đề nghị giúp đỡ của họ khiến chàng thấy nhục, chàng tránh hết những trò tiêu khiển và những thú vui, ngay ở nhà chàng cũng không làm gì ngoài việc xếp bài với mẹ, im lặng thơ thẩn một mình trong phòng, hểt hết tẩu thuốc này đến tẩu thuốc khác. Chàng dường như trân trọng gin giữ tâm trạng ảo não này vì cảm thấy chính mình nhờ có nó chàng mới chịu đựng được tình cảnh của mình.
Chú thích:
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.