• 2,973

Phần XVI - Chương 8 9


Số từ: 4536
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Điều duy nhất đôi khi làm cho Nikolai bị dằn vặt khổ sở trong công việc điền trang của chàng là cái tính nỏng nảy kết hợp với cái thói hay đánh người ngày xưa của một sĩ quan phiêu kỵ. Lúc đầu chàng đều thấy đó chẳng có gì đáng chê trách, nhưng chàng lấy vợ được một năm thì cách nhìn của chàng đối với lối trừng phạt ấy bỗng thay đổi.
Một hôm vào mùa hạ, chàng sai gọi viên thôn trưởng đã thế chân mồ ma lão Dron từ Bogutsarovo đến. Hắn bị báo là ăn cắp và làm việc cẩu thả, Nikolai ra gặp hắn ở trước thềm, và hắn mới trả lời được mấy câu thì ngoài hiên đã nghe những tiếng kêu la và tiếng đấm huỳnh huỵch. Khi trở về nhà ăn trưa, Nikolai đến cạnh vợ đang ngồi cúi đầu bên trước khung thêu.
Chàng bắt đầu kể lại theo như thường lệ những việc chàng đã làm lúc ban sáng và nhân thể nhắc đến viên thôn trưởng ở Bogutsarovo. Bá tước phu nhân Maria mặt đỏ bừng lên rồi lại tái xanh đi, hai môi mím chặt, vẫn ngồi cúi đầu như cũ không đáp lấy một lời.
- Thằng khốn nạn thật là láo xược! - chàng nói, chỉ nhớ lại thôi mà chàng cũng đã nổi nóng - Giá nó nói với tôi là nó say rượu, là nó chẳng nhìn thấy cái gì cả. Kìa Maria em làm sao thế? - Chàng bỗng hỏi.
Bá tước phu nhân Maria ngẩng đầu lên, định nói điều gì nhưng lại vội cúi xuống, môi mím chặt.
- Việc gì thế em? Em làm sao thế? Em của anh.
Tuy không có nhan sắc, bá tước phu nhân Maria bao giờ cũng đẹp hẳn lên khi nàng khóc. Nàng không bao giờ khóc vì bực dọc hay đau đớn về thể xác mà bao giờ cũng vì thương xót và buồn rầu. Và mỗi khi nàng khóc đôi mắt trong sáng của nàng bao giờ cũng có sức hẫp dẫn không sao cưỡng được.
Khi Nikolai nắm lấy tay nàng, nàng không còn đủ sức tự chủ nữa và khóc oà lên.
- Anh Nikolai, em đã thấy rõ - ông ấy có lỗi, nhưng anh - tại sao anh lại.? Nikolai! Anh Nikolai - và nàng đưa tay lên bưng mặt.
Nikolai im bặt, mặt đỏ bừng, và rời nàng ra, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, không nói nửa lời. Chàng đã hiểu tại sao nàng khóc, nhưng lòng chàng không thể nào ngay một lúc đồng ý với nàng để thừa nhận rằng cái việc chàng vẫn quen làm từ hồi còn nhỏ, cái việc mà chàng cho là hết sức bình thường kia lại là một điều đáng trách.
"Đó là những trò thương cảm vẩn vơ, những chuyện đàn bà, hay là nàng nói đúng?" - Chàng tự hỏi, trong thâm tâm, chàng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, nhưng khi liếc nhìn khuôn mặt đau khổ và đáng yêu của nàng lần thứ hai, chàng chợt hiểu ra rằng chính nàng có lý và từ lâu chàng đã có lỗi đối với bản thân mình.
- Maria! - Chàng đến cạnh nàng nói khẽ, - Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, anh cam đoan với em. Không bao giờ nữa, - chàng nhắc lại, giọng run run như một đứa trẻ xin lỗi.
Nước mắt chảy giàn giụa từ khoé mắt của bá tước phu nhân. Nàng nắm lấy bàn tay chàng mà hôn.
- Anh Nikolai, anh làm vỡ cái mặt ngọc trạm nổi lúc nào thế?
Nàng nói để chuyển sang chuyện khác, mắt nhìn bàn tay của chồng có đeo một chiếc nhẫn trạm đầu Laocoon.
- Vừa hôm nay đấy, cũng vì chuyện ấy cả. Maria, em đừng nhắc anh chuyện ấy nữa. - Chàng lại đỏ mặt. - Anh thề với em rằng việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa và cái này sẽ mãi mãi nhắc nhở anh - chàng nói và chỉ cái mặt nhẫn bị vỡ.
Từ đó, trong lúc bàn bạc với những người thôn trưởng và người quản gia. Mỗi khi máu chàng đổ dồn lên mặt và bàn tay bắt đầu nắm chặt lại, Nikolai lại mâm mê cái mặt nhẫn vỡ trên ngón tay và cúi mặt trước con người làm chàng nổi giận. Tuy vậy, mỗi năm cũng có một đôi lần chàng không tự chủ nổi và mỗi lần như vậy chàng lại trở về tìm vợ để thú nhận và lại hứa lần này đúng là lần cuối cùng.
- Maria. Chắc là em khinh anh? - Chàng nói với vợ - Anh đáng thế lắm.
- Anh phải bỏ đi nơi khác, mỗi khi anh cảm thấy không đủ sức tự kiềm chế thì anh phải bỏ đi ngay, - bá tước phu nhân Maria nói, giọng buồn rầu và lựa lời an ủi chồng.
Trong giới quí tộc ở tỉnh này, Nikolai được người ta kính trọng nhưng không được người ta yêu mến. Những hứng thú của giới quí tộc không khiến chàng quan tâm. Vì vậy có người cho chàng là kiêu ngạo có người lại cho chàng là ngốc. Suốt mùa hạ, kể từ khi gieo giống mùa xuân, cho tới khi gặt hái, lúc nào chàng cũng bận túi bụi với những công việc điền trang. Mùa thu, cũng với cách làm việc chăm chỉ và chu đáo như trong việc quản lý nông nghiệp, chàng rời khỏi nhà một hai tháng đi săn với đàn chó của chàng. Mùa đông, chàng đi thăm các làng khác hay ngồi đọc sách. Sách chàng đọc phần lớn là sách lịch sử, đặt mua từng năm, với số tiền nhất định. Như chàng thường nói, chàng đã tập hợp được một tủ sách đứng đắn và nêu thành một nguyên tắc là đã mua sách về thì phải đọc cho hết. Chàng trang trọng ngồi vào phòng làm việc rồi giở sách ra đọc, lúc đầu còn xem đó là một nhiệm vụ phải làm, nhưng về sau việc này đã thành một thói quen, đưa lại cho chàng một niềm vui đặc biệt và cái ý thức là mình đang làm một việc nghiêm trang.
Trừ những lúc ra đi vì công việc, vào mùa đông chàng thường ở nhà gần gũi gia đình và dự phần nào những quan hệ nhỏ nhất giữa các con và mẹ chúng. Chàng ngày càng thấy gần gũi vợ và mỗi ngày lại tìm thấy ở nàng những giá trị tinh thần mới.
Từ khi Nikolai lấy vợ, Sonya vẫn ở trong nhà. Trước khi cưới, Nikolai đã kể lại cho vợ biết tất cả những điều xảy ra giữa chàng và Sonya, và trong lúc kể lại chàng đã tự trách mình và ca ngợi Sonya. Chàng đã xin công tước tiểu thư Maria đối xử dịu dàng và nhân hậu với cô em họ của chàng. Bá tước phu nhân Maria thấy hết lỗi của chồng và cũng thấy có lỗi của mình đối với Sonya, nàng nghĩ rằng gia sản của mình có ảnh hưởng đến việc lựa chọn của Nikolai, nàng không có điều gì phải trách Sonya, và muốn yêu Sonya, tuy vậy không những nàng không yêu Sonya mà lại thường thấy trong lòng mình có những mối ác cảm đối với Sonya mà nàng không sao khắc phục nổi.
Một hôm, nàng nói chuyện với Natasa về Sonya và về sự bất công của mình đối với nàng. Natasa nói:
- Chị đọc Phúc âm nhiều thế, chị có biết trong ấy có đoạn thật đúng với Sonya không?
- Đoạn nào? - Bá tước phu nhân Maria kinh ngạc hỏi.
"Kẻ nào có sẽ được cấp thêm, còn kẻ nào không có gì sẽ bị tước hết" chị nhớ đoạn ấy chứ? Chị ấy là con người không có gì. Tại sao? Em không biết, có lẽ vì chị ấy không ích kỷ, em cũng chẳng rõ nữa, nhưng người ta sẽ tước mất của chị ấy, và chị ấy đã bị tước hết. Đôi khi em rất thương chị ấy. Trước kia em tha thiết mong anh Nikolai lấy chị ấy, nhưng bao giờ em cũng linh cảm thấy rằng điều đó sẽ không thực hiện được. Chị ấy là một bông hoa không kết quả như chị vẫn thấy ở trên cây dâu tây. Đôi khi em rất thương chị ấy nhưng đôi khi em cảm thấy hình như chị ấy không cảm thấy tủi như chúng mình sẽ cảm thấy nếu ở vào địa vị chị ấy.
Tuy bá tước phu nhân Maria giảng giải cho Natasa rằng cần phải hiểu những câu Phúc âm thầm này là một cách khác, nhưng khi nhìn Sonya nàng cũng đồng ý với lời giải thích của Natasa.
Thật vậy nàng thấy hình như Sonya không đau khổ về hoàn cảnh của mình và hoàn toàn cam tâm chịu đựng số phận của một bông hoa không kết quả, hình như nàng quí chuộng những người trong nhà thì ít, mà quí chuộng cả gia đình thì nhiều hơn. Cũng như một con mèo, nàng không phải gắn bó với người mà gắn bó với cái nhà.
Nàng săn sóc bá tước phu nhân, nâng niu chiều chuộng bọn trẻ và bao giờ cũng sẵn sàng làm giúp những việc nhỏ mà nàng có thể làm, nhưng người ta bất giác chấp nhận những cái đó một cách quá tự nhiên, chẳng biết ơn nàng mấy đỗi.
Những ngôi nhà ở Lưxye Gorư đã được xây lại nhưng không theo quy mô của cố công tước. Các công trình kiến trúc đều bắt đầu làm lúc còn túng thiếu nên hết sức sơ sài. Toà nhà lớn dựng trên cái nền đá cũ, tường bằng gỗ chỉ trát vữa bên trong. Những căn phòng rộng rãi sàn bằng thứ gỗ bạch dương của rừng nhà và do thợ nhà đóng. Toà nhà khá rộng rãi, có những gian dành cho gia nhân và những căn phòng dành cho khách. Họ hàng thân thích của gia đình Roxtov và gia đình Bolkonxki đôi khi đến chơi Lưxye Gorư với hàng mười sáu con ngựa, hàng chục gia nhân và ở lại đây hàng tháng. Ngoài ra, mỗi năm bốn lần, nhân những ngày lễ thánh và lễ sinh nhật của các gia chủ, trong một hai ngày nhà có đến hàng trăm mâm khách. Còn những thời gian còn lại trong năm thì cuộc sống trôi qua đều đều và không thay đổi, với những công việc hàng ngày, những buổi dùng trà, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối toàn dọn những sản vật của điền trang.
9.
Hôm ấy là hôm trước lễ thánh Nikolai vào mùa đông, ngày mồng năm tháng mười bai năm 1820. Năm ấy Natasa cùng với chồng và các con đến ở tại nhà anh nàng từ đầu mùa thu. Piotr đã đi Petersburg vắng vì những công việc riêng như chàng vẫn nói, định sẽ
Ở lại đấy ba tuần lễ, nhưng kể đến bây giờ chàng đi đã được sáu tuần rồi. Trong nhà đang đợi chàng về từng giờ từng phút.
Ngày mồng năm tháng mười hai, ngoài gia đình Bezukhov ra, gia đình Roxtov còn có một người khách nữa là ông bạn cũ của Nikolai, vị tướng về hưu Vaxili Fiodorovich Denixov.
Ngày mồng sáu là ngày long trọng, sẽ có nhiều tân khách đến.
Nikolai biết rằng mình sẽ phải bỏ chiếc áo Besmet, khoác chiếc áo đuôi tôm, đi những đôi giày chật nhọn mũi và đến ngôi nhà thờ mà chàng vừa xây xong, rồi nhận những lời chúc tụng, mời khách ăn uống và nói chuyện về cuộc tuyển cử của quý tộc và công việc mùa màng, nhưng trước đấy một hôm chàng cho rằng mình vẫn có quyền sống như mọi ngày. Trước bữa ăn chiều, Nikolai kiểm soát lại sổ sách của nhân viên quản lí điền trang ở một làng trong tỉnh Ryazan thuộc quyền sở hữu đứa cháu trai của vợ, chàng viết hai bức thư về công việc và đi một vòng đến xem sân đập lúa, các chuồng bò và tàu ngựa. Sau khi đã thi hành những biện pháp nhằm đề phòng tình trạng mọi người say xưa tuý luý nhân ngày lễ của giao khu ngày mai, chàng trở về ăn chiều, và không kịp có thì giờ nói chuyện riêng với vợ, chàng đến ngồi ở cái bàn có hai mươi bộ dao dĩa. Quanh bàn mọi người đều đã tề tựu đông đủ: mẹ chàng, bà già Belova ít lâu nay đến ở với mẹ chàng, vợ chàng, ba đứa con của chàng, chị giữ trẻ, người gia sư, cháu trai của chàng với ông Dexal, Sonya, Natasa và ba đứa con của nàng, người bảo mẫu của chúng và ông già Mikhail Ivanyts, người kiến trúc sư của cố công tước nay vẫn sống an nhàn ở Lưxye Gorư.
Bá tước phu nhân Maria ngồi ở đầu kia bàn. Ngay từ khi Nikolai vừa ngồi vào chỗ, nhìn những cử chỉ của chàng khi lấy cái khăn và nhanh nhẹn sắp những cốc rượu mạnh đặt thành hàng trước mặt, nàng biết rằng chồng đang bực mình - điều này đôi khi vẫn xảy ra, nhất là khi chàng vừa ở ngoài đồng về ngồi ngay vào bàn ăn.
Bá tước phu nhân Maria biết rất rõ tâm trạng ấy của chồng và những khi đang vui thì nàng lặng lẽ chờ đợi chàng ăn cho xong đĩa xúp rồi mới bắt chuyện, và bắt chàng thú nhận rằng chàng chẳng có lý do gì mà bực mình hết. Nhưng hôm nay nàng quên hẳn điều đó, nàng chạnh lòng vì thấy chàng giận mình tuy chẳng có lí do gì, và nàng cảm thấy khổ sở. Nàng hỏi chàng ở đâu về. Chàng đáp lại.
Nàng lại hỏi xem mọi việc ở trong điền trang có đâu vào đâu không. Giọng nói không tự nhiên của nàng làm chàng cau mày khó chịu, chàng vội vã trả lời cho xong.
"Thế là mình nghĩ không sai, - bá tước phu nhân Maria nghĩ thầm - Nhưng tại sao anh ấy lại giận mình?" - Trong giọng nói của chàng đáp lại câu hỏi của mình, bá tước phu nhân thấy chàng bực bội với nàng và có ý muốn chấm dứt câu chuyện. Nàng cảm thấy những lời nói của mình thiếu tự nhiên, nhưng nàng không thể nào tự kiềm chế mình không hỏi thêm vài câu nữa.
Câu chuyện trong bữa ăn nhờ có Denixov nên chỉ trong chốc lát đã lôi cuốn mọi người và trở nên rôm rả, và bá tước phu nhân Maria không nói với chồng nữa. Khi mọi người rời bàn ăn đứng dậy đến gặp lão bá tước phu nhân để cảm ơn, đưa tay cho chồng hôn và hỏi tại sao chàng lại giận mình.
- Em bao giờ cũng có những ý nghĩ kỳ quặc: anh có giận gì đâu? - Chàng nói.
Nhưng hai chữ "bao giờ" đối với bá tước phu nhân Maria có nghĩa là: Phải, tôi giận đấy, nhưng tôi không muốn nói tại sao.
Nikolai sống với vợ hoà thuận đến nỗi Sonya và lão bá tước phu nhân, tuy chỉ vì ghen tị, cứ mong cho hai vợ chồng có chuyện bất hoà, cũng không thể nào tìm thấy điều gì có thể chê trách, nhưng giữa hai người đôi khi cũng vẫn có những phút bất hoà. Đôi khi đặc biệt là sau những thời kỳ hạnh phúc nhất, họ bỗng cảm thấy xa nhau và có ác cảm với nhau, tình trạng ấy thường xảy trong những thời kỳ bá tước phu nhân Maria có mang. Bây giờ đang là một thời kỳ như thế.
- Thưa các ông các bà - Nikolai nói to với một giọng dường như vui vẻ (bá tước phu nhân có cảm tưởng cái giọng ấy cốt là để trêu tức mình) - Sáng nay tôi dậy từ sáu giờ. Ngày mai thì đành phải chịu đựng nhưng hôm nay tôi xin đi nghỉ. - Và không nói gì với bá tước phu nhân Maria nữa, chàng vào gian phòng khách nhỏ rồi ngả mình trên đi-văng.
"Đấy bao giờ cũng cứ thế - bá tước phu nhân Maria nghĩ thầm - Chàng nói với mọi người, chỉ có mình là chàng lờ đi. Mình thấy, mình thấy rõ rằng chàng chán ghét mình. Nhất là khi mình ở trong tình trạng này" - Nàng nhìn xuống cái bụng to rồi nhìn vào khuôn mặt gầy gò, vàng bủng trong gương với đôi mắt to hơn bao giờ hết.
Thế rồi tất cả đối với nàng bỗng trở thành khó chịu, tiếng nói cười của Denixov, tiếng nói chuyện của Natasa, nhất là cái nhìn của Sonya đưa nhanh về phía nàng.
Bây giờ Sonya cũng là duyên cớ đầu tiên mà bá tước phu nhân Maria chọn mỗi khi phải tìm một duyên cớ để cáu gắt.
Sau khi ngồi lại vài phút với các tân khách nhưng không hiểu họ nói gì, nàng rón rén bước ra và sang phòng các con.
Mấy đứa trẻ đang ngồi ghế để đi Moskva và mời nàng cùng đi du lịch với chúng. Nàng ngồi chơi với con nhưng vẫn đang day dứt nghĩ đến chồng và nỗi bực dọc vô cớ của chàng. Nàng đứng lên và mệt nhọc nhón chân sang phòng khách nhỏ.
"Có lẽ chàng chưa ngủ, mình sẽ phân trần với chàng" - nàng tự nhủ. Andriusa, đứa con đầu lòng của nàng, cũng bắt chước mẹ nhón chân rón rén đi theo sau. Bá tước phu nhân Maria không để ý thấy nó.
- Chị Maria, hình như anh ấy đang ngủ, anh ấy mệt lắm - Sonya gặp nàng trong phòng khách liền nói (nàng có cảm tưởng rằng ở chỗ nào cũng gặp phải cái cô Sonya này) - cháu Andriusa sẽ làm anh ấy thức giấc mất.
Bá tước phu nhân quay lại, nhận ra thằng bé Andriusa đang đi theo sau, thấy Sonya có lý và chính vì thế, nàng đỏ mặt và rõ ràng là phải cố gắng lắm mới khỏi buông ra một lời cay độc. Nàng không nói gì, và để khỏi nghe lời Sonya nàng ra hiệu cho Andriusa đừng làm ồn nhưng vẫn cứ đi theo nàng rồi đến gần cánh cửa phòng Nikolai, Sonya ra một cửa khác. Từ căn phòng Nikolai ngủ đưa ra một tiếng thở đều đều, quen thuộc đối với vợ chàng cho đến từng sắc thái nhỏ nhặt nhất.
Nàng lắng nghe hơi thở ấy, trông thấy cả gương mặt của chàng mà nàng đã bao lần ngắm trông hàng giờ những khi chàng ngủ, trong đêm yên tĩnh, Nikolai bỗng cựa nình và ho khe khẽ. Ngay lúc ấy Andriusa đứng đằng sau cánh cửa kêu lên:
- Ba ơi, mẹ đứng ở đây này.
Bá tước phu nhân Maria sợ tái mặt đi. Nàng bắt đầu ra hiệu cho con. Nó im bặt, và một phút yên lặng trôi qua, một phút hãi hùng đối với nàng. Nàng biết rằng Nikolai không thích người ta đánh thức mình dậy. Đột nhiên đằng sau cánh cửa lại nghe tiếng ho húng hắng, tiếng cựa mình và giọng nói bực dọc của Nikolai:
- Chẳng có cách gì yên lấy được một phút. Maria em đấy à? Em đưa nó đến đây làm gì?
- Em chỉ ghé qua một chút xem thử, em không để ý thấy nó theo em… xin lỗi.
Nikolai ho húng hắng mấy tiếng rồi im lặng. Bá tước phu nhân Maria đi ra cửa đưa con trai về phòng trẻ.
Năm phút sau, cô bé Natasa lên ba có cặp mắt đen, con cưng của bố Nikolai, nghe anh nói là bố đang ngủ còn mẹ thì đang ngồi ở phòng đi-văng, liền lén mẹ chạy đến tìm bố. Con bé mắt đen mạnh dạn đẩy cửa nghe tiếng kẹt một cái, đôi chân nhỏ xíu và vụng về bước quả quyết đến gần đi-văng, nó đứng nhìn bố đang ngủ quay lưng về phía nó, kiễng chân hôn lên bàn tay của bố gối ở dưới đầu.
Nikolai quay lại, trên gương mặt nở một nụ cười trìu mến.
- Natasa! Natasa! - Ở ngoài cửa có tiếng thì thào hốt hoảng của bá tước phu nhân Maria - Để ba ngủ.
- Không mẹ ạ, ba không ngủ đâu - bé Natasa đáp, giọng quả quyết - Ba đang cười.
Nikolai bỏ chân xuống đất, đứng dậy bế con lên.
- Masa, em vào đi, - chàng bảo vợ. Bá tước phu nhân Maria bước vào phòng và ngồi xuống cạnh chồng.
- Em không biết là nó chạy theo theo em, - nàng nói, giọng rụt rè - Em chỉ ghé qua một chút.
Nikolai, một tay bế con gái, đưa mắt nhìn vợ, và nhận thấy vợ mặt nàng ngượng ngùng như người có lỗi, chàng giơ cánh tay kia ra ôm lấy người nàng và hôn lên tóc nàng.
- Con có cho ba hôn mẹ không nào? - chàng hỏi Natasa. Bé Natasa mỉm cười bẽn lẽn.
- Hôn nữa đi, - nó vừa nói vừa giơ tay chỉ vào chỗ Nikolai vừa hôn vợ, như để ra lệnh.
- Anh không hiểu tại sao em lại nghĩ rằng anh cáu, - Nikolai nói, trả lời câu hỏi mà chàng biết là đang khiến vợ bận tâm.
- Anh không thể hình dung được em khổ sở, cô đơn như thế nào mỗi khi anh như thế. Em cứ có cảm giác…
- Mari! Thôi đi, em chỉ vớ vẩn! Sao em không biết xấu! - Chàng vui vẻ nói.
- Em cảm thấy anh không thể nào yêu em được, vì em xấu xí thế này… Bao giờ cũng… Mà bây giờ thì trong tình trạng.
- Em rõ buồn cười! Người ta đáng yêu không phải vì đẹp, người ta đẹp vì đáng yêu. Chỉ có những thứ người như Malvina thì người ta mới yêu vì sắc đẹp, còn anh có yêu vợ không? Anh không yêu, nhưng thế đấy, anh chẳng biết nói như thế nào cho em hiểu. Khi nào không có em, khi nào giữa chúng ta có một chút bất hoà như lúc này, anh cảm thấy mình như nguy khốn đến nơi, và không làm gì được nữa. Em xem anh có yêu ngón tay của anh không? Anh không yêu, nhưng cứ thử chặt nó đi xem.
- Không, em không phải như thế, nhưng em hiểu. Thế anh không giận em chứ?
- Giận ghê lắm… - chàng mỉm cười nói đoạn đứng dậy vuốt lại mái tóc và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. - Maria ạ, em có biết anh vừa nghĩ gì không?
Chàng bắt đầu nói, bây giờ hai vợ chồng đã làm lành với nhau, chàng lập tức theo thói quen nói to những ý nghĩ của mình lên. Chàng không hỏi xem nàng có sẵn lòng nghe chàng nói hay không, đối với chàng điều đó không quan trọng. Chàng đã nảy ra một ý nghĩ, thì ý nghĩ ấy cũng phải là của nàng nữa. Và chàng kể cho vợ nghe rằng chàng có ý định mời Piotr ở lại với họ cho đến mùa xuân.
Bá tước phu nhân Maria lắng nghe, đưa ra những lời nhận xét và đến lượt nàng cũng nói to những điều mình đang nghĩ lên. Bây giờ nàng đang nói đến con.
- Xem nó đã ra vẻ con gái chưa, - nàng chỉ bé Natasa nói bằng tiếng Pháp. - Anh cứ trách đàn bà chúng em thiếu lo-gich. Đấy là lo-gich của chúng em đấy. Em nói: ba muốn ngủ, còn nó thì đáp: không ba cười. Thế mà nó nói đúng đấy - Bá tước phu nhân Maria nói, miệng nở một nụ cười sung sướng.
- Đúng, đúng đấy, - Và Nikolai bế con gái trên cánh tay lực lưỡng, nhấc bổng nó lên, cho nó ngồi trên cổ, nắm lấy đôi chân nhỏ xíu của nó và bắt đầu cõng nó đi đi lại lại trong phòng. Trên gương mặt của hai cha con đều có một vẻ vui sướng ngây thơ như nhau.
- Này anh, khéo mà thiên vị đấy nhé. Anh nuông con này quá, - bá tước phu nhân Maria thì thầm nói bằng tiếng Pháp.
- Đúng thế, nhưng biết làm thế nào bây giờ? - Anh cũng cố gắng không lộ ra ngoài.
Trong lúc ấy ngoài hành lang và phòng trước nghe có tiếng cửa mở và tiếng bước chân như có ai vào nhà.
- Có người nào vừa đến ấy.
- Em chắc là Piotr. Để em ra xem - bá tước phu nhân Maria nói đoạn ra khỏi phòng.
Nhân khi vắng mặt vợ, Nikolai liền bầy trò làm ngựa cõng con phi quanh phòng. Thở hổn hển, chàng nhanh nhẹn tung con bé lên khiến nó cười khanh khách, và ghì nó vào ngực. Những bước nhảy của chàng nhắc chàng nhớ đến những điệu khiêu vũ, và đưa mắt nhìn cái khuôn mặt tròn trĩnh vui sướng của con gái, chàng thử hình dung sau này nó sẽ như thế nào khi mình đã già, dẫn nó vào nơi giao tế và khiêu vũ với nó điệu mazarka như cha chàng xưa kia đã khiêu vũ với con gái điệu Danilo Cuper.
- Đúng cậu ấy rồi, anh Nikolai ạ! - Vài phút sau bá tước phu nhân Maria quay trở lại vào nói - Bây giờ thì Natasa nhà ta tha hồ mừng. Cô ta cứ cuống lên, và chàng Piotr bị một chầu nên thân về tội không đúng hẹn! Nào ta ra nhanh đi, đi? Thôi buông nhau ra chứ, - nàng mỉm cười nhìn cô con gái đang bám chặt lấy cha.
Nikolai đi ra, tay dắt con gái. Bá tước phu nhân ở lại phòng đi văng.
"Không bao giờ, không bao giờ mình có thể tin - nàng thì thầm tự nhủ rằng người ta có thể hạnh phúc đến thể. Gương mặt nàng bừng sáng lên trong nụ cười rạng rỡ, nhưng ngay lúc ấy nàng bỗng thở dài và một nỗi buồn lặng lẽ hiện lên trong khoé nhìn sâu thẳm của nàng. Dường như ngoài cái hạnh phúc mà nàng đang hưởng còn có một hạnh phúc khác, không thể có được ở trong cuộc đời này, và trong một giây phút này nàng bất giác sực nhớ đến nó.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.