• 2,925

Phần XVII - Chương 7


Số từ: 1788
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Khi một biến cố xảy ra người ta bày ý kiến và ước mong của mình về biến cố này, và vì biến cố bắt nguồn từ hành động chung của nhiều người, nên thế nào cũng có một ý kiến hay một ước mong được thực hiện, ít nhất là một cách đại khái. Khi một ý kiến phát biểu được thực hiện, trong trí óc ta ý kiến này gắn liền với biến cố, và được coi là mệnh lệnh đi trước biến cố ấy.
Mấy người kéo một cây gỗ. Mỗi người phát biểu ý klến của mình về cách kéo nó và nơi đặt nó. Công việc đã xong và người ta thấy nó được tiến hành như một người trong bọn đã nói. Thế nghĩa là người này đã ra lệnh: mệnh lệnh và quyền lực ở dạng nguyên thuỷ của nó là như vậy.
Kẻ làm việc bằng tay nhiều hơn thì có thể ít suy nghĩ đến việc mmh làm hơn, ít suy tính đến kết quả của hành động chung hơn, và ít ra lệnh hơn. Người nào chỉ huy nhiều hơn thì dĩ nhiên có thể ít vận dụng đôi tay hơn, vì anh ta chuyên dùng ngôn ngữ. Số người tập trung để hướng hoạt động của họ vào một mục đích duy nhất càng đông, thì càng nổi bật những hạng người ít tham dự trực tiếp vào những hoạt động chung và hoạt động của họ càng hướng vào việc ra mệnh lệnh.
Khi một con người hoạt động đơn độc thì bao giờ nó cũng có một số lý do, mà nó cho là đã chỉ huy hoạt động trước đây của nó, biện hộ cho hoạt động hiện tại của nó và hướng dẫn nó trong việc dự định những hành động sau này. Các tập thể người cũng làm đúng như vậy, khi giao cho những người không tham gia hành động cái nhiệm vụ nghĩ ra những nguyên do, những lý lẽ để biện hộ và những dự định cho hành động chung của họ.
Vì những lý do mà ta biết rõ hay không biết rõ, người Pháp bắt đầu dìm nhau chết đuối và chém giết nhau. Thế rồi biến cố kéo theo cách biện hộ của nó: đó là sự biểu hiện ý muốn của những con người cho rằng điều đó là quyền lợi của nước Pháp, cho tự do, và bình đẳng. Người ta thôi giết nhau, và biến cố này kéo dài theo cách biện hộ của nó: đó là sự cần thiết phải tập trung quyền lực, phải chống lại châu Âu v.v… Người ta đi từ Tây sang Đông để tàn sát đồng loại, và những biến cố này kéo theo những lý lẽ biện hộ nói về vinh quang của nước Pháp về sự hèn hạ của nước Anh v.v… lịch sử đã cho thấy rằng những cách bào chữa cho các biến cố như vậy không có một giá trị khách quan nào hết, nó mâu thuẫn với bản thân cũng nhự nói rằng giết người là để bảo vệ nhân quyền, tàn sát hàng triệu con người ở nước Nga là để làm nhục nước Anh. Nhưng những lời biện hộ này đối với những người đường thời có một tác dụng không thể thiếu được. Những lời biện hộ này làm cho những người đã gây ra các biến cố khỏi chịu trách nhiệm về tinh thần.
Những mục đích tạm thời này cũng giống như cái gạt đặt ở phía trước đầu máy tàu hoả để dọn đường sắt: nó dọn đường cho trách nhiệm tinh thần của con người. Nếu không có những lời biện hộ này thì người ta không thể trả lời câu hỏi đơn giản nhất được nêu ra khi xét đến bất kỳ biến cố gì: tại sao hàng triệu con người lại có thể phạm những tội ác tập thể, chiến tranh, tàn sát v.v?
Trong những hình thức sinh hoạt chính trị và xã hôi phức tạp ở châu Âu có thể nào tưởng tượng một biến cố nào mà lại không được các quốc vương, các bộ trưởng, các quốc hội, các báo chí, dự kiến, chị thị, ra lệnh? Có thể nào có một hoạt động tập thể mà lại không tìm thấy lý dữ biện hộ cho nó trong sự thống nhất của quốc gia, trong nhiệm vụ bảo vệ văn minh, trong thế quân bình của châu Âu, kết quả là bất kỳ biến cố nào đã xảy ra cũng đều phù hợp với một nguyện vọng được phát biểu, và một khi đã được biện hộ, thì nó được xem xét như sản phẩm của ý muốn một người hay nhiều người.
Bất kỳ chiếc tàu thuỷ đi về hướng nào bao giờ người ta cũng thấy ở trước tàu những làn sóng bị chiếc tàu rẽ ra. Đối với những người đứng trên tàu thì sự vận động của những làn sóng này sẽ là sự vận động duy nhất có thể thấy được.
Chỉ khi nào quan sát gần, từng thời từng khắc; sự vận động của những làn sóng ấy và so sánh nó với sự vận động của chiếc tàu thì ta mới hiểu rằng sự vận động của mỗi làn sóng lúc nào cũng bị sự vận động của chiếc tàu quy định và sở dĩ ta lầm là vì ta không thấy mình đang chuyển động.
Ta cũng sẽ thấy như vậy nếu theo dõi từng bước sự vận động của các nhân vật lịch sử (tức là nếu ta phục hồi lại điều kiện tất yếu của tất cả những gì đã xảy ra: tính liên tục của sự vận động trong thời gian) mà không bỏ qua mối liên hệ tất yếu giữa nhân vật lịch sử với quần chúng.
Khi chiếc tàu vẫn đi theo một hướng duy nhất thì ở đằng trước vẫn thấy có một làn sóng như cũ nổi lên, khi nó đổi hướng luôn thì những làn sóng chạy ở trước mũi cũng đổi hướng luôn. Nhưng bất kỳ nó quay vể hướng nào, ở phía trước bao giờ cũng sẽ có một làn sóng.
Dù có việc gì xảy ra, bao giờ ta cũng thấy đó là việc đã được dự kiến và được ra lệnh. Dù cho chiếc tàu đi về hướng nào nhưng làn sóng tuy không chỉ huy mà cũng làm cho sự vận động của chiếc tàu nhanh hơn, vẫn cuộn lên ở trước mũi tàu, và nếu đứng ở đằng xa mà nhìn thì sẽ tưởng rằng không những nó có một sự vận động độc lập mà chính nó đã chỉ huy sự vận động của chiếc tàu.
Vì chỉ nghiên cứu những biểu hiện ý muốn nào của các nhân vật lịch sử, ta có thể coi là những mệnh lệnh đối với các biến cố, các sử gia tưởng rằng các biến cố lệ thuộc vào những mệnh lệnh này. Nhưng nếu quan sát bản thân của các biến cố và mối liên hệ giữa các nhân vật lịch sử với quần chúng thì ta nhận thấy nhân vật lịch sử cũng như mệnh lệnh của họ đều lệ thuộc vào các biến cố.
Chứng cớ hiển nhiên của kết luận này là dù có bao nhiêu mệnh lệnh chăng nữa, biến cố vẫn không xảy ra, bất luận đó là biến cố gì - thì trong số những ý muốn không ngừng được các nhân vật phát biểu ra thế nào cũng sẽ có những ý muốn mà cứ xét ý nghĩa và thời gian thì có thể coi là những mệnh lệnh đối với biến cố này.
Khi đã đi đến kết luận này, ta có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng và chắc chắn về hai vấn đề chủ yếu của lịch sử:
Quyền lực là gì?
Sức mạnh gì gây nên sự vận động của các dân tộc?
Quyền lực là mối quan hệ của một nhân vật nhất định với những nhân vật khác dưới những hình thức dưới đây: một nhân vật càng ít tham dự vào hành động thì càng phát biểu nhiều ý kiến, nhiều giả định và nhiều cách biện hộ chung cho hành động đang tiến hành.
Sự vận động của các dân tộc không phải là sản phẩm của quyền lực cũng như của hoạt động trí tuệ, thậm chí cũng không phải là sản phẩm của sự kết hợp giữa hai nhân tố này, như các sử gia vẫn tưởng, mà là hoạt động của tất cả những người đã tham dự vào biến cố và họ bao giờ cũng tập hợp lại dưới hình thức này: những người tham dự trực tiếp nhất vào biến cố là những người ít chịu trách nhiệm nhất và ngược lại.
Xét về mặt tinh thần thì nguyên nhân của biến cố dường như là quyền lực, xét về mặt vật chất, thì những người phục tùng quyền lực dường như là nguyên nhân của biến cố. Nhưng vì hoạt động tinh thần không thể quan niệm được nếu không có hoạt động vật chất, cho nên nguyên nhân của biến cố không nằm trong hoạt động tinh thần, cũng không nằm trong hoạt động vất chất mà chính là nằm trong sự kết hợp của cả hai.
Hay nói khác đi, khái niệm nguyên nhân không thể áp dụng cho hiện tượng đang được xét. xét cho cùng, ta đi đến cái vòng luẩn quẩn muôn thuở đi đến biên giới cuối cùng mà trí tuệ con người đạt đến trong bất kỳ lĩnh vực nào của tư tưởng, nếu nó không đối đầu với đối tượng của nó: Điện tạo ra sức nóng, sức nóng tạo ra điện. Các nguyên tở hút nhau, các nguyên tử đẩy nhau.
Khi nói đến tác dụng đơn giản nhất của nhiệt, của điện hay của các nguyên tử, ta không thể nói cái gì là nguyên nhân, cho nên ta nói rằng bản chất của các hiện tượng này là như vậy, rằng đó là quy luật cảa nó. Đối với các hiện tượng lịch sử, vấn đề cũng như vậy.
Tại sao lại xảy ra một cuộc chiến tranh hay một cuộc cách mạng?
Ta không biết, ta chỉ biết rằng để thực hiện một hành động nào đó, người ta tập hợp thành một tập thể nào đó mà mọi người đều tham dự, thế rồi ta nói rằng bản chất của con người là như vậy, rằng đó là quy luật
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.