• 2,925

Phần II - Chương 20


Số từ: 2938
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Những trung đoàn bộ binh bị tấn công đột ngột ở trong rừng bỏ chạy tán loạn ra ngoài, và các đại đội lẫn lộn hàng ngũ kéo nhau đi thành một đám người hỗn độn. Một binh sĩ kinh hoảng thốt lên cái câu chẳng có nghĩa gì mà rất ghê sợ trong chicn tranh: "Chúng mình bị cắt đường rồi". Và câu này cùng với cảm giác hoảng sợ truyền vào lòng mọi người.
- Chúng mình bị vây rồi! Bị cắt dường rồi! Nguy to rồi - Những người bỏ chạy kêu lên.
Viên tướng chỉ huy trung đoàn, ngay giây phút nghe tiếng súng và tiếng kêu ở đằng sau, đã hiểu rằng trung đoàn ông gặp một điều gì khủng khiếp. Khi nghĩ rằng một sĩ quan gương mẫu như ông đã bao năm phục vụ, chẳng hề phạm lỗi gì mà nay có thể để cho cấp trên thấy mình sơ suất và chậm chạp, ông sửng sốt đến nỗi ngay giây phút ấy ông quên cả viên đại tá kỵ binh bướng bỉnh, quên cả cái uy thế của một vị tướng quân như mình, và đặc biệt là quên hẳn cả nguy hiểm và bản năng tự vệ, ông bám chặt lấy yên ngựa, thúc ngựa phi đến trung đoàn mình dưới làn mưa đạn, và may sao không bị viên đạn nào bắn trúng. Ông chỉ muốn có một điều: xem cho biết tình thế bây giờ ra sao và có sai lầm gì thì dù có thế nào cũng tìm cách bổ cứu và sửa chữa cho kỳ được, nếu đó là lỗi của ông, làm thế nào để con người gương mẫu như ông suốt hai mươi hai năm trời phục vụ chưa hề bị khiển trách, lần này cũng không phạm lỗi.
Sau khi đã bình yên vô sự phi ngựa qua đám quân Pháp, ông đến cánh đồng ở phía sau rừng. Quân ta cũng chạy qua cánh rừng này và lao xuống núi, không chịu nghe mệnh lệnh. Bây giờ là cái phút dao động tinh thần vẫn quyết định sự thắng bại của trận đánh: đám binh sĩ rối loạn này có vâng lời vị chỉ huy của họ hay không, hay là sau khi quay đầu nhìn ông ta một cái, họ lại tiếp tục chạy dài. Mặc dầu tiếng nói của viên chỉ huy mà xưa nay binh sĩ vẫn sợ đang gào lên một cách tuyệt vọng, mặc dầu mặt viên chỉ huy trung đoàn đỏ gay, biến sắc đi tức giận điên cuồng, mặc dầu ông ta hoa kiếm lên, binh sĩ vẫn cắm cổ chạy, gọi nhau, bắn lên trời và không chịu nghe mệnh lệnh. Phút dao động tinh thần quyết định sự thắng bại của trận đánh rõ rệt nghiêng về tình trạng hốt hoảng.
Viên tướng phát ho lên vì kêu gào quá nhiều và vì khói thuốc súng. Ông ta dừng lại, tuyệt vọng. Cơ sự rõ ràng là vô phương cứu vãn. Đột nhiên, không rõ vì sao, quân Pháp đang đuổi theo quân ta bỗng chạy lùi lại, rút ra khỏi ven rừng, và quân xạ kích Nga ở trong rừng hiện ra. Đó là đại đội Timokhin, đại đội duy nhất vẫn giữ được kỷ luật, nãy giờ vẫn mai phục dưới cái rãnh bên rừng, bất ngờ tấn công quân Pháp. Timokhin trong tay chỉ có độc một thanh kiếm nhỏ, thét lên một tiếng kinh hồn lao vào quân Pháp một cách quả quyết điên cuồng và say sưa, đến nỗi quân Pháp không kịp định thần, quăng vũ khí ù té chạy. Dolokhov chạy bên cạnh Timokhin dí súng vào người bắn chết một tên Pháp đầu hàng. Những người đang bỏ chạy quay trở lui, các tiểu đoàn tập hợp lại, và quân Pháp sau khi cắt cánh quân bên trái của ta làm hai phần, lại bị đánh lui trong giây lát. Những đơn vị hậu bị của ta có thì giờ hợp lại với nhau và những người chạy dừng lại. Viên tướng chỉ huy rung đoàn đang đứng cạnh thiếu tá Ekonomov ở bên cầu điều khiển những đại đội rút lui trước mặt mình, thì chợt có một binh sĩ đến cạnh ông ta, nắm lấy dây bàn đạp và gần như nép sát vào ông ta. Người này mặc áo khoác xanh nhạt may bằng một thứ da hảo hạng, không mang bạc đà không đội mũ, đầu quấn băng, ngang vai khoác một cái túi đạn của Pháp và tay cầm một thanh kiếm sĩ quan. Mặt anh tái xanh, cặp mắt biếc nhìn một cách xấc xược vào mặt viên chỉ huy trung đoàn, miệng mỉm cười. Mặc dầu viên chỉ huy trung đoàn đang bận ra lệnh cho viên thiếu tá Ekonomov, ông ta vẫn không thể không chú ý đến người lính này.
- Thưa ngài, đây là hai chiến lợi phẩm - Dolokhov chỉ vào thanh gươm và túi đạn nói - Tôi bắt được một võ quan làm tù binh.
- Tôi giữ đại đội lại - Dolokhov mệt quá thở hổn hển, nói đứt hơi từng quãng. Cả đại đội có thể làm chứng xác nhận điều đó. Xin ngài lưu ý cho!
- Tốt lắm, tốt lắm viên tướng đáp, đoạn quay lại nói chuyện với thiếu tá Ekonomov.
Nhưng Dolokhov không buông ông ta. Hắn tháo chiếc khăn quấn trên đầu ra và chỉ lớp máu dọng ở trong tóc nói:
- Tôi bị lưỡi lê dâm bị thương, nhưng vẫn không rời bỏ hàng ngũ. Xin ngài lưu lý cho.
Đại đội pháo binh của Tusin bị bỏ quên và mãi đến khi chiến sự kết thúc, nhận thấy đại bác của ta ở trung tâm vẫn còn bắn, công tước Bagration mới phái viên sĩ quan phụ tá với công tước Andrey đến để ra lệnh cho đại uý phải rút lui thật nhanh. Mặc dầu đơn vị yểm hộ bố trí gần các khẩu pháo của Tusin đã bỏ đi giữa chừng: theo mệnh lệnh của ai chẳng rõ, đại đội pháo binh vẫn tiếp tục bắn và sở dĩ quân Pháp chưa tóm được nó cũng chỉ vì họ không thể ngờ rằng bốn khẩu đại bác không có gì yểm hộ lại dám cả gan tiếp tục bắn một cách ngang nhiên như vậy. Trái lại, căn cứ vào hoả lực ác liệt của đại đội pháo binh này, quân địch cho rằng những lực lượng chính của Nga đều tập trung vào điểm này, tức là ở trung tâm. Đã hai lần họ tìm cách tấn công vào điểm này, nhưng lần nào cũng bị những loạt đạn ria của bốn khẩu súng đại bác đứng trơ trọi trên đồi cao bắn xả xuống nên phải rút lui.
Công tước Bagration vừa đi được một lát thì Tusin đã bắn cháy Songreben.
- Xem kìa, chúng rối loạn rồi! Cháy rồi! Khói bốc lên rồi! Bắn cừ lắm! Khá lắm! Khói! Khói! - toán lính pháo thủ phấn khời lên, nói nhao nhao.
Tất cả các khẩu pháo chẳng cần có lệnh gì, cứ nhằm phía đám cháy mà bắn. Còn các pháo thủ dường như muốn tiếp sức cho đám cháy cứ mỗi lần nổ súng lại gào lên: "Cừ lắm! Được đấy! Cứ cháy to lên!… Hay lắm!". Ngọn lửa được gió thổi lan ra rất nhanh.
Những đội quân Pháp tiến qua làng phải quay trở lại; nhưng rồi như thể để trả thù cho thất bại này, quân địch bố trí ở bên làng mười khẩu đại bác và bắt đầu nã vào đơn vị của Tusin.
Các pháo thủ của ta sung sướng như trẻ con khi thấy ngọn lửa bốc lên và súng mình bắn trúng quân Pháp, cho nên mãi đến khi hai phát đạn, và tiếp liền sau đó là bốn phát nữa rơi vào giữa máy khẩu pháo của họ, họ mới đế ý đến đơn vị pháo binh địch kia. Một phát đại bác địch bắn gục hai con ngựa, một phát khác bắn bay mất một chân của anh lính lái xe vận tải. Tuy nhiên, việc này không hề làm giảm sút tinh thần hăng hái của họ, nó chỉ làm cho thái độ của họ thay đổi. Những con ngựa chết được thay thế bằng những con khác lấy ở xe kéo dự trữ, những người bị thương được khiêng đi và bốn khẩu pháo quay về phía đội pháo binh của địch gồm mười khẩu mà bắn. Viên đại đội phó của Tusin, đã bị bắn chết khi trận giao chiến bắt đầu, và chỉ trong một tiếng đồng hồ, trong số bốn mươi pháo thủ đã thương vong mất mười bẩy người, nhưng những người còn lại cũng vẫn vui vẻ và hào hứng như trước. Đã hai lần, họ thấy quân Pháp xuất hiện ở dưới chân núi cách họ không xa, và hai lần họ xả đạn ria vào chúng.
Con người nhỏ bé kia với những cử chỉ yếu đuối và vụng về cứ luôn miệng bảo người lính cần vụ: "cho thêm một điếu nữa để mừng công" - như lời anh ta nói, rồi rít mạnh tẩu thuốc làm tán lửa bắn tung toé, anh ta chạy ra đằng trước và đưa bàn tay nhỏ nhắn lên che trên mắt để nhìn quân Pháp.
- Điều chỉnh lại, các cậu ơi! - anh ta vừa nói vừa tự mình nắm lấy bánh xe của cỗ pháo và vặn những đinh ốc điều chỉnh tầm pháo.
Trong khói súng mịt mù, giữa tiếng nổ inh tai không lúc nào ngớt, và mỗi lần nổ lại làm cho anh giật mình: Tusin không rời bỏ chiếc tẩu thuốc ngắn, vẫn chạy từ khẩu pháo này sang khẩu pháo khác, khi thì chỉ trỏ, khi thì tính lượng thuốc súng, khi thì sai thay những con ngựa chết và bị thương, luôn mồm quát với cái giọng yếu ớt thanh thanh và ngần ngại của mình. Mặt anh càng ngày càng phấn chấn lên. Chỉ khi nào thấy người của anh ta bị bắn chết hay bị thương, anh mới cau mày và quay đi để khỏi phải nhìn người bị đạn, rồi giận dữ quát mắng các đội viên chậm chạp chưa khiêng người bị thương hay người chết đi. Binh sĩ phần lớn là những thanh niên cường tráng (hình như có một cái lệ là trong đại đội pháo binh nào binh lính cũng cao hơn sĩ quan của họ hàng hai cái đầu và to gấp đôi) ai nấy đều nhìn viên chỉ huy như những đứa trẻ gặp lúc khó xử và vẻ mặt của Tusin bao giờ cũng được phản ánh y nguyên trên khuôn mặt họ.
Vì ở trong cảnh ồn ào náo động kinh khủng đó, lại phải chú ý và luôn luôn hoạt động. Tusin không hề cảm thấy sợ hãi khó chịu chút nào, thậm chí ý nghĩ mình có thể tử trận hay bị thương nặng cũng không hề nảy ra trong óc anh. Trái lại, mỗi lúc anh một vui thêm. Anh có cảm giác là cái phút anh trông thấy quân địch và bắn phát súng đầu tiên đã xa xôi lắm, có lẽ từ hôm qua thì phải, và cái mảnh đất trên đó anh đang đứng trở thành một nơi thân thiết quen thuộc từ lâu. Mặc đầu anh nhớ tất cả, nghĩ đến tất cả và làm tất cả những điều mà người sĩ quan ưu tú nhất gặp hoàn cảnh của ang có thể làm được, anh vẫn ở trong một tình trạng gần như mê sảng hay say rượu.
Tiếng nổ choáng tai của mấy khẩu đại bác của anh đặt ở bốn phía, tiếng đạn của địch bay vèo vèo và rơi xuống nổ ầm ầm, cạnh những người pháo thủ mặt đỏ gay mồ hôi nhễ nhại đang bận tíu tít bên mấy khẩu pháo, máu người và máu ngựa loạng lổ khắp nơi, quang cảnh những cột khói bốc lên từ trận địa quân địch (mỗi lần khói bốc lên như thế là một quả tạc đạn của địch bay đến và rơi xuống đất trúng vào một người, một khẩu pháo hay một con ngựa) - tất cả những cái đó đã tạo nên một thế giới huyền ảo trong óc Tusin làm cho anh ngây ngất. Đối với anh, pháo của địch không phải là pháo mà là những chiếc tẩu của một anh chàng hút thuốc vô hình nào, thỉnh thoảnh lại nhả ra một làn khói.
- Kìa, một hơi nữa! - Tusin nói lẩm bẩm một mình, trong khi một làn khói bốc lên khỏi núi và theo làn gió thổi, kéo thành một vết dài về phía trái. Bây giờ hãy đợi tạc đạn rơi xuống rồi ta sẽ trả lại.
- Trả lại cái gì thưa ngài? - viên pháo thủ đứng cạnh nghe anh ta nói lẩm bẩm nên hỏi.
- Có gì đâu, một quả tạc đạn thôi.
"Bây giờ đến lượt bà đấy, Bà Matvevna ạ" - Anh lẩm bẩm một mình, Matvevna tức là cái tên mà trí tưởng tượng của anh ta đặt cho khẩu pháo lớn kiểu cũ ở ngoài cùng. Quân Pháp ở bên cạnh những khẩu pháo được anh hình dung như là những con kiến. Còn anh pháo thủ số một phụ trách khẩu pháo thứ hai, một gã bảnh trai và bợm rượu, thì trong cái thế giới tưởng tượng của anh lại là "ông chứ". Tusin thường nhìn người này nhiều hơn những người khác và thích thú với những động tác của anh ta. Tiếng súng trường ở chân đồi cứ nổ ròn rồi lại dịu dần đối với anh là hơi thở của một sinh vật nào. Anh lắng tai nghe hơi thở kia, khi thì rốc lên, khi thì lại lắng xuống.
- Kìa nó lại thở rồi! - anh nói một mình.
Và anh tưởng tượng mình là một trang nam nhi dũng mãnh có vóc dáng khổng lồ đang dang hai tay ném tạc đạn vào quân Pháp.
- Nào, bà Matvevna đừng chịu lép vế đấy nhé - anh vừa nói vừa lùi ra khỏi khẩu pháo. Vừa lúc ấy, đâu từ phía trên đầu anh vang lên một tiếng nói lạ tai của một người không quen biết.
- Đại uý Tusin! Đại uý!
Tusin sợ hãi ngoái cổ lại. Đó chính là anh chàng sĩ quan tham mưu đã đuổi anh ở Grun và bây giờ đang hổn hển gọi anh.
- Anh làm cái gì thế, điên rồi à? Cấp trên đã hai lần ra lệnh cho anh phải rút lui, thế mà anh…
"Ô hay, tại sao họ cự mình thế này?" - Tusin nghĩ bụng về sợ hãi ngước mắt nhìn viên chỉ huy.
- Tôi… Có gì đâu… - anh lẩm bẩm và giơ hai ngón tay lên lưõi trai… - Tôi…
Nhưng viên đại tá không kịp nói hết những điều ông muốn nói. Một quả tạc đạn bay qua sát sàn sạt buộc ông ta cúi rạp trên lưng ngựa. Ông ta im bặt, và vừa mới định nói thêm điều gì nữa thì một quả tạc đạn thứ hai lại chặn ông ta lại. Ông ta quay ngựa bỏ chạy.
- Rút lui ngay! Tất cả rút lui! - Ông ta ra lệnh và có một sĩ quan phụ tá phi ngựa đến cùng với mệnh lệnh ấy.
Người này là công tước Andrey. Vật đầu tiên mà Andrey nhận thấy khi đến chỗ mấy khẩu pháo của Tusin chiếm lĩnh là một con ngựa bị bắn gẫy chân, yên và cương đã tháo ra, đang hí bên cạnh những con ngựa buộc vào xe chở pháo, xác người ngồn ngang. Đạn đại bác kế tiếp nhau bay vù vù ở trên đầu chàng, trong khi chàng cho ngựa đi vào trận pháo. Chàng rùng mình như thể có một luồng hơi lạnh luồn vào suốt xương sống. Nhưng chỉ riêng một ý nghĩ mình sợ cũng đủ cổ vũ chàng. "Ta không thể sợ được" - Chàng tự nhủ và khoan thai xuống ngựa ở giữa mấy khẩu pháo. Truyền đạt mệnh lệnh xong, chàng không rời đơn vị pháo. Chàng quyết định sẽ thân hành trông nom việc dỡ pháo ra khỏi vị trí và dẫn đội pháo binh rút lui. Dưới làn mưa đạn kinh khủng của địch, chàng cùng Tusin bước qua các xác chết, đốc thúc việc dỡ pháo.
- Ban nãy có một ông chỉ huy đến, ông ta tháo nhanh lắm - một pháo thủ nói với công tước Andrey - chứ không phải như ngài đâu.
Công tước Andrey không nói gì với Tusin. Cả hai đều bận bịu đến nỗi hình như chẳng trông thấy nhau nữa. Sau khi đã lắp được hai khẩu pháo nguyên vẹn vào trong xe trong số bốn khẩu (một khẩu pháo đã bị bắn vỡ và một khẩu độc giác bị bỏ lại) hai người xuống núi. Công tước Andrey đến trước mặt Tusin.
- Thôi, tạm biệt anh nhé! - Công tước Andrey vừa nói vừa bắt tay Tusin.
- Xin chào anh, anh bạn thân mến, anh bạn tốt của tôi.
- Thôi Andrey anh đí nhé, - Tusin nói, sao nước mắt rưng rưng, chẳng hiểu tại sao.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.