09.Nói một đường
-
Chuyện cổ tích dành cho người lớn
- Nguyễn Nhật Ánh
- 1496 chữ
- 2020-05-09 04:30:45
Số từ: 1491
NXB Trẻ
- Nè cậu, cậu hãy làm ơn bảo cho mình biết, khi gia đình có chuyện xung đột mình phải tự kiềm chế như thế nào?
Một anh bạn mang bộ mặt tím bầm đến gặp tôi và hỏi. Chả là anh ta biết tôi vốn nổi tiếng là một chuyên gia về chuyện gia đình và hiện nay đang viết một cuốn sách về cuộc sống lứa đôi. Gò má trái sưng vù khiến bộ mặt anh ta nom thật thảm hại. Hình ảnh đó làm tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười nhưng tôi cố dằn lòng.
- Chuyện thế nào mà lại đến nông nỗi này? - Tôi hỏi với vẻ nghiêm chỉnh.
- Có gì đâu! - Bạn tôi vò đầu, cái đầu dường như cũng chưa kịp nằm ngay ngắn trên cổ - Ðầu đuôi cũng tại thằng bé nhà tôi. Chả hiểu vợ tôi trông nó như thế nào mà lại để nó bôi bẩn cả cuốn sổ công tác của tôi. Khi phát giác ra, tôi quát ầm lên. Nếu lúc đó vợ tôi biết điều im lặng đi cho thì chả sao. Ðằng này, cô ta lại bướng, gân cổ cãi lại. Thế là đâm ra to chuyện. Ðến khi cô ta bảo tôi là hạng người vô trách nhiệm, suốt ngày cứ chúi mũi đọc sách, chả biết phụ vợ một tay thì tôi đâm cáu. Mặc dù những điều cô ta nói là có thật nhưng ai lại đi bảo thẳng vào mặt chồng mình vậy bao giờ. Thiếu gì cách tế nhị hơn. Có thể cô ta nhắn qua ai đó, hoặc là cô ta viết thư bỏ vào túi áo tôi lúc tôi ngủ, đằng nào tôi chả đọc được. Thế là đang cơn giận, tôi ném thẳng vào lưng cô ta...
- Dao à? - Tôi rùng mình.
- Ném dao có mà chết! - Bạn tôi rụt cổ - ở đây là cây thước kẻ. Sẵn cây thước kẻ trên bàn, tôi chộp lấy ném luôn.
- Anh ném vào lưng cô ta mà sao gò má anh lại sưng?
Bạn tôi nhăn mặt:
- Anh đừng có giả bộ trố mắt ra như thế! Ðể tôi kể nốt cho mà nghe! Tôi ném cây thước vào lưng cô ta một cái "bộp". Chả là lúc ấy cô ta đang lặt rau và ngồi quay lưng lại phía tôi. Khi cây thước rơi xuống đất, cô ta nhặt lên ném ngược lại đằng sau và nói : "Chả cần cây thước của anh tôi cũng lặt rau được". Tất nhiên là cô ta không cố ý ném tôi, bởi vì cô ta không quay đầu lại. Cô ta làm như vậy để cho hả tức thôi. Không ngờ cánh tay cô ta khỏe như cánh tay của vận động viên ném dĩa. Cây thước bay vèo như đạn xẹt, lại cứ nhằm mặt tôi mà lao tới. Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc ấy, tôi chỉ còn cách nhắm nghiền mắt lại và niệm Phật. "Bốp" một cái, tôi nghe nhói trên mặt và thế là... mọi sự như thế này đây!
Bạn tôi kết thúc câu chuyện bằng cách xoa tay lên gò má. Còn tôi thì cười sặc sụa.
- Tất cả là tại cậu thôi! - Tôi nói, sau khi lấy lại vẻ nghiêm trang - Nếu mình là cậu, khi phát hiện ra cuốn sổ bị bôi bẩn, mình sẽ im lặng.
- Im lặng mà chịu được à? - Bạn tôi phản đối.
Tôi gật đầu:
- Ðúng! Phải im lặng cho đến chừng nào cơn giận qua đi. Khi đã bình tĩnh, mình mới nói chuyện với vợ, lúc ấy đầu óc sáng suốt hơn và lời nói cũng có tác dụng hơn. Tục ngữ có câu "no mất ngon, giận mất khôn" mà ! Ðó là chưa kể sự nóng nẩy thường dẫn con người ta đến vực thẳm của sự sai lầm. Hành động của cậu đối với vợ là hành động vũ phu. Không ai đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa. Huống chi đó lại là vợ mình.
Bạn tôi gật gù tỏ vẻ hiểu ra, nhưng anh ta lại hỏi:
- Nhưng giả dụ mình không dằn được cơn giận thì sao?
- Thì tốt nhất cậu lỉnh đi chỗ khác, đừng giáp mặt vợ. Nếu trong nhà chật chội thì cậu tếch ra phố, đi lang thang đâu đó chờ cho nỗi bực dọc lắng xuống rồi hẵng quay về.
Ðến đây thì bạn tôi không còn thắc mắc gì nữa. Anh ta siết chặt tay tôi, cảm ơn rồi bỏ đi với vẻ phấn khởi.
Một tháng sau, gặp lại, anh ta hí hửng khoe với tôi:
- Mình đã làm theo lời cậu và kết quả tốt đẹp không thể tưởng tượng. Vợ chồng mình lúc này sống rất hòa thuận. Anh ta còn kể thêm:
- Mình còn phát hiện ra nước lạnh ngoài những công dụng đã biết còn có một đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình.
- Cậu té nước vào mặt vợ à? - Tôi đùa.
Bạn tôi cười:
- Mỗi khi có chuyện bực dọc trong nhà, mình bỏ đi tắm. Tắm xong, nhiệt độ trong đầu hạ xuống ngay.
Lần này anh ta gặp tôi chỉ để thông báo như thế, những dấu hiệu khả quan trong cuộc sống gia đình. Khi chia tay, một lần nữa, anh ta lại cảm ơn tôi.
Sau cuộc gặp gỡ thú vị này, tôi về nhà với ý định viết một truyện ngắn về câu chuyện của bạn tôi. Nhưng khi ngồi vào bàn, tôi phát hiện ra xấp giấy trắng đã biến mất. Rõ ràng hồi sáng, tôi để ở trên bàn, lại dằn dới máy đánh chữ hẳn hoi. Tôi lục tung các ngăn kéo nhng cũng chẳng thấy đâu. Thật là quái quỷ!
Có tiếng dao thớt lạch cạch ở sau nhà. Hẳn là vợ tôi đang làm bếp.
- Này, em có thấy xấp giấy của anh ở đâu không? - Tôi hỏi vọng xuống.
- Em không biết. - Tiếng vợ tôi vọng lên.
Câu trả lời thản nhiên của vợ khiến tôi nhăn nhó:
- Sao lại không biết? Anh để ngay trên bàn kia mà.
Tiếng vợ tôi xen lẫn tiếng dao thớt:
- Sáng giờ em không để ý. Anh tìm kỹ lại coi.
- Anh đã bới cả nhà lên rồi còn gì. - Vừa nói tôi vừa đi xuống bếp - Sáng giờ mắt em để đâu mà không biết?
Vợ tôi nhấm nhẳng:
- Sáng giờ em đi chợ chớ đâu có đi chơi như anh.
- Ai bảo cô là tôi đi chơi? - Tôi nổi nóng - Tôi đi công việc. Cô đừng có ăn nói hồ đồ!
- Hừ, công việc! Ngồi quán cà phê cho đã rồi về nhà quát tháo om sòm.
Tôi bắt đầu to tiếng:
- Cô cấm tôi uống cà phê hả? Ðồ đạc trong nhà biến đi đâu, cô cũng chẳng biết, vậy mà tôi quát cô không được hả?
- Không được.
Tôi tím mặt:
- Ðược! Nghìn lần được! Không những quát mà tôi còn...
- Còn gì? - Vợ tôi quay ngoắc lại:
- Gõ lên đầu cô chứ gì!
- Tôi thách anh đó! - Vợ tôi vênh mặt.
Bị chạm nọc, một cơn phẫn nộ điên cuồng cuộn lên trong lòng tôi. Hoàn toàn mất hết tự chủ, tôi vung tay giáng cho vợ một quả. Cú đánh của tôi mạnh đến nỗi nếu trúng đích có thể khiến cho đối phương thủng sọ như chơi. Trong một thoáng, tôi hiểu ra điều nghiêm trọng đó nhưng không làm sao rụt tay lại kịp. Nhưng vợ tôi là ngưười không thích chết lãng xẹt. Bằng phản xạ tự nhiên cô ta đưa tay lên ôm đầu. Ác một cái là bàn tay cô ta còn cầm chặt con dao. Cổ tay tôi va phải sống dao đánh "rốp" một cái và ngay lập tức, nhà cửa, đồ vật đều quay tròn quanh ông chủ của chúng.
Khoảng ba ngày sau, tức là vào thời điểm không thích hợp nhất, bạn tôi lại đến tìm tôi. Nhưng anh ta chưa kịp khoe với tôi những khám phá mới mẻ về phương pháp bảo vệ hạnh phúc gia đình thì đã giương mắt lên nhìn cánh tay bị băng kín mít và đang treo lủng lẳng trên cổ của tôi.
- Sao lại ra nông nỗi này? Cậu bị đụng xe à?
Tôi lắc đầu và kéo anh ta ra một chỗ vắng, thì thầm hỏi:
- Nè cậu, cậu hãy làm ơn bảo cho mình biết, khi gia đình có chuyện xung đột mình phải tự kiềm chế như thế nào?