Q2 - Chương 3: Alibaba
-
Chuyện Xứ Lang Biang
- Nguyễn Nhật Ánh
- 5617 chữ
- 2020-05-09 04:13:41
Số từ: 5605
Quyển 2: Biến cố ở trường Đămri
Nguồn: NXB Trẻ
Hôm đó, Suku, K’Tub và Kăply bị bà Êmô giũa te tua khi cuối buổi chiều, sau một thời gian dài ngóng đến gãy cổ, Êmê sốt ruột đi lòng vòng quanh tòa lâu đài và bất ngờ phát hiện ra tụi nó đang nằm ngáy khò khò ở phía sau cổng rào, mặt mũi phờ phạc, áo quần xốc xếch và mồm đứa nào đứa nấy hơi men nồng nặc y chang ba vò rượu mở nắp.
– Thiệt hư đốn quá sức! – Bà Êmô lắc lắc đầu, chiếc mũi hếch của bà khịt khịt như đánh hơi – Tụi con uống bao nhiêu bia mà người ngợm mềm oặt thế hả?
– Dạ, có một hai chai thôi, dì. – K’Tub hấp háy đôi mắt mở hoài không lên.
– Hừm, một hai chai mà biến thành những miếng giẻ rách như thế này! – Bà Êmô thở đánh thượt một cái, lại lắc lắc đầu, giọng áy náy – Biết vậy hồi trưa ta không cho tụi con uống. Mới nhúng môi vào bia có một tý, lại lẻn đi uống tiếp rồi. Đúng là một lũ bợm!
Đối diện với bà Êmô, bọn Kăply trưng ra bộ mặt ủ rũ trông rất chi là hối lỗi về cái tội say sưa của mình nhưng khi bà vừa đi khuất, tụi nó hăm hở phun ra toàn bộ sự thật với Êmê.
– Chị biết không, chị Êmê. – K’Tub nghiến răng trèo trẹo – Cái mụ Kibo thiệt y chang một con quạ già. Mặt mày mụ dơ dáy như cục cứt chuột mà mụ làm tàng kinh khủng…
– Thôi, được rồi! – Êmê nóng nảy cắt ngang – Tóm lại là em có thuê được cây chổi nào không?
– Nếu được thì tụi em đã chẳng bét nhè như thế này! – K’Tub quạu quọ đáp.
– Lại nói linh tinh rồi! – Êmê bĩu môi – Hai chuyện đó đâu có ăn nhập gì với nhau.
– Có đấy, Êmê. – Kăply hắng giọng, có vẻ đã bắt đầu đuổi được hơi men ra khỏi người – Tụi anh kéo vô tiệm CÁI CỐC VÀNG uống bia chỉ để hy vọng vớ được vài cây Wind XP thôi.
– Hãng bia Concop đang khuyến mãi chổi bay mà, chị Êmê. – Suku vội vàng giải thích rõ hơn – Nhưng anh K’Brêt, thằng K’Tub và em uống hơn một thùng Concop, rốt cuộc chỉ vớ được mấy miếng giẻ lau chổi thôi hà.
– Đúng là làm chuyện mò kim đáy bể! Thiệt tình! – Êmê lúc lắc mái tóc vàng và nhìn bọn Suku bằng ánh mắt thương hại như nhìn một lũ dở hơi.
– Nhưng em kịp nghĩ lại rồi. – Làm như không trông thấy vẻ mặt của Êmê, Suku hăng hái trình bày kế hoạch – Chúng ta tất cả là sáu người, có kiếm được hai cây Wind XP cũng đâu có ngồi đủ. Sáng mai em sẽ tới chỗ lão Alibaba…
– Hay lắm, Suku. Tự nhiên tao quên mất lão này. – K’Tub vỗ tay bôm bốp, mặt rạng rỡ như thể núi Lưng Chừng mọc ngay trong nhà lão Alibaba – Thảm bay của lão chất cả chục người cũng còn rộng rãi chán.
oOo
K’Tub hào hứng là thế nhưng sáng hôm sau, nó không dám bỏ học ngang, đành phải ấm ức theo chân Êmê và Păng Ting đến trường. Rốt cuộc chỉ có Nguyên và Kăply cùng đi với Suku đến nhà lão Alibaba; phải nói là hai đứa vô cùng sung sướng khi nhớ ra ngày hôm đó không đụng nhằm giờ Thần chú chiến đấu của thầy Haifai.
Hóa ra tìm nhà lão Alibaba cũng khó ngang ngửa với tìm đường đến núi Lưng Chừng. Lão dời nhà xoành xoạch. Cứ mỗi lần mò tới một địa chỉ mới, bọn trẻ lại thất vọng nghe hàng xóm bảo lão vừa dọn đi.
– Cái lão này mắc chứng gì vậy hả? – Suku lằm bằm khi bước ra khỏi ngôi nhà thứ tư – Làm gì mà lão cứ chạy nhắng lên thế không biết.
– Hay là chúng ta về quách! – Kăply xịu mặt, giọng rất giống van xin – Cặp giò anh muốn rụng rồi, Suku.
– Cố thêm lần nữa đi, anh K’Brêt. – Suku nói như dỗ dành, chuyện đó thiệt ngược đời khi nó nhỏ hơn Kăply tới ba tuổi – Chỉ có tấm thảm bay của lão, may ra chúng ta mới đến được núi Lưng Chừng.
Suku nói xong, vội vượt lên trước, cốt để tránh xa những lời than vãn rất dễ làm xiêu lòng của Kăply. Lần này, bọn trẻ đi xuyên qua không biết bao nhiêu là ngõ ngách và xét theo cái bát quái trận đồ quanh co khúc khuỷu mà tụi nó đang sa vào, có thể tin rằng lão Alibaba đang nợ ngập đầu và cái lối liên tục di chuyển chỗ ở của lão rõ ràng có một cái vẻ không thể nhầm lẫn được của một kẻ đang trốn nợ.
Cuối cùng, sau khi ngoặt phải tám lần và ngoặt trái mười hai lần, Suku, Nguyên và Kăply ngơ ngác nhận ra tụi nó đang đứng trước một căn nhà lụp xụp, cửa đóng kín mít và qua kẽ hở giữa các tấm ván xù xì của bức vách, có thể thấy bên trong tối om om như một hang động thời tiền sử.
– Đúng là nhà này không, Suku? – Nguyên hỏi giọng nghi ngờ – Sao anh thấy chẳng giống một cửa tiệm chút xíu nào.
– Đúng là đây rồi. – Suku vuốt tóc, mắt nhìn chằm chằm vào cánh cửa xập xệ – Chỉ cầu trời cho lão chưa kịp dời đi nơi khác.
Kăply sốt ruột lao tới bên cánh cửa, đưa tay gõ lộc cộc.
Thoạt đầu Kăply gõ nhè nhẹ, nhưng mãi chẳng thấy ai ra mở cửa, nó bắt đầu nện mạnh hơn, cuối cùng không nhịn được nó nghiến răng dộng rầm rầm bằng cả hai nắm đấm.
Bọn trẻ ngạc nhiên thấy cánh cửa rung bần bật như sắp bung ra nhưng trong nhà vẫn im ru bà rù. Cứ như thể chẳng có ai ở trỏng.
– Hay là lại dọn đi rồi? – Nguyên nhìn Suku qua khóe mắt, thở đánh thượt một cái.
Mặt Suku ửng lên sau câu nói của Nguyên. Nó bước tới cạnh Kăply, bắt hai tay lên miệng làm loa, chĩa vào cánh cửa, kêu lớn:
– Lão Alibaba ơi! Lão có nhà không vậy?
Tiếng kêu lồng lộng của Suku đến kẻ ngủ mê cũng phải giật mình nhảy nhổm, nhưng bên trong vẫn là một sự im lặng kéo dài. Khẽ liếc bộ mặt ngán ngẩm của hai đứa bạn, nó lại quay vào trong gân cổ gào tiếp:
– Lão Alibaba, lão mở cửa đi! Tôi là Suku đây mà.
Suku gào rất to nhưng Nguyên và Kăply vẫn nhận ra sự tuyệt vọng trong âm sắc của nó.
Đúng vào lúc bọn trẻ đã tiêu nhẵn tới gam nhẫn nại cuối cùng và chuẩn bị bỏ đi thì trong nhà bất thần vang lên những tiếng động lịch kịch. Cả ba đứa vội vàng cắm mắt vào cánh cửa đang từ từ mở hé từng chút một, chỉ ngừng lại khi đủ rộng cho một bộ râu quai nón rậm rạp thò ra.
Lão Alibaba đưa tay chỉnh lại chiếc khăn chít ngang đầu, thở phì:
– Đúng là Suku thật. Thế nào, ông cậu có khỏe không?
Mặt lão tươi dần lên theo câu nói.
– Lão thừa biết là cả mấy trăm năm nay ông tôi lúc nào cũng khỏe mà. – Suku cau mày đáp, nó nóng nảy phẩy tay – Lão làm gì mà nấp nấp lén lén vậy? Mở rộng cửa cho tụi tôi vào đi chứ.
Lão Alibaba mở rộng cửa ra thêm một chút nhưng vẫn án ngữ ngay chính giữa.
– Hai cậu này là…
Ánh mắt lão quét qua Nguyên và Kăply, giọng cảnh giác.
– Bạn tôi đó. – Suku xẵng giọng, có vẻ đã muốn nổi khùng lắm rồi – K’Brăk và K’Brêt nhà K’Rahlan.
– Trời đất! – Lão Alibaba hét lên đầy phấn khích, miệng ngoác tới mang tai – Toàn phe ta cả. Nào, xin lỗi nhé. Mời vào, mời vào!
Vừa nói lão vừa đẩy mạnh hai cánh cửa và nép người sang một bên, nhường đường cho bọn trẻ.
Nguyên, Kăply và Suku vừa định ngồi xuống mấy chiếc ghế dơ hầy kê ngay giữa nhà, đã thấy lão Alibaba xua tay lia lịa:
– Đừng ngồi đó. Mấy cậu đi theo tôi.
Lão Alibaba dẫn bọn trẻ đi xuyên qua một hành lang tối thui, quanh quanh quẹo quẹo và dài dằng dặc, y chang con đường rối rắm dẫn vào nhà lão.
Cho tới khi đến được cái phòng khách nằm tuốt luốt ở cuối cuộc hành quân thì Kăply nhận ra là mình đã muốn khuỵu xuống lắm rồi.
– Chắc lão nợ nần nhiều quá nên mới dời nhà liên tục và bây giờ chui vào cái xó này để người ta khỏi tóm lấy râu của lão phải không? – Vừa đặt người xuống ghế, Suku đã
xì
ngay một tràng, chẳng thèm nể nang gì hết.
– Cậu đừng có nghĩ oan cho tôi! – Lão Alibaba nghiêm nghị đáp, vừa nói lão vừa dè dặt liếc về phía Nguyên và Kăply – Vợ chồng pháp sư K’Rahlan – Ka Ming mà bị phe Hắc Ám hãm hại thì tôi phải xấc bấc xang bang thôi.
– Làm gì lão sợ trùm Bastu dữ vậy? – Suku hừ mũi, đôi mắt sáng của nó xoáy vào mặt lão già tội nghiệp.
– Bộ cậu quên tuyên bố của hắn rồi sao? – Lão Alibaba ngoảnh cổ dòm dáo dác, giọng thấp xuống như sợ ai nghe lỏm – Ngay từ hồi chủ nhân lâu đài K’Rahlan còn sống, trùm Bastu đã đe rồi. Hắn bảo cái ngày mà hắn thống trị được xứ Lang Biang thì việc đầu tiên hắn làm là tống cái thứ dân nhập cư như tôi vô trại tập trung hết ráo.
Trong khi Nguyên và Kăply tò mò ngắm khuôn mặt ngăm ngăm của lão Alibaba, thấy nó quả thật không có chút gì bà con với nước da trắng bóc của dân Lang Biang thì Suku buột ra tiếng cười khảy:
– Hắn nói khoác vậy thôi, chứ hắn đã thống trị được xứ Lang Biang đâu.
– Ai mà biết được. – Da mặt lão Alibaba càng lúc càng rúm lại – Thế nào rồi cũng tới cái ngày đen tối đó, cậu Suku à. Vợ chồng K’Rahlan chết rồi thì ai mà chặn tay hắn chứ.
Suku định phun ra cái tên của ông nó nhưng rồi nó kềm lại được. Mackeno, Pi Năng Súp, Păng Sur thì già trẻ lớn bé gì cũng đều trọng vọng nhưng ai cũng biết rằng không thể trông mong gì ở họ. Có lúc nó định trấn an lão Alibaba bằng cách khoe khoang hai chiến binh giữ đền đời thứ ba của xứ Lang Biang đang ngồi chình ình trước mặt lão, nhưng rồi nó cũng nhanh chóng dẹp bỏ ngay sự cao hứng đó. Nó biết một khi K’Brăk và K’Brêt còn chưa ăn được những quả táo vàng ở núi Lưng Chừng thì nó có quảng cáo đến sùi bọt mép cũng chẳng ai tin.
Suku đưa mắt nhìn quanh, mắt tối lại như thể nó đang nghĩ căn phòng khách toen hoẻn có mấy mét vuông của lão Alibaba là một thứ xó xỉnh hôi hám gì đó:
– Lão chui nhủi vô cái hốc bà tó này thì khách hàng làm sao biết mà mò đến?
– Bây giờ tôi chỉ tiếp khách quen như cậu thôi, cậu Suku à. – Lão Alibaba nhún vai, giọng cam chịu – Công việc làm ăn nói chung cũng không đến nỗi bệ rạc, nhưng dĩ nhiên là không bằng hồi trước được.
Như sực nhớ ra, lão dán mắt vào mặt thằng nhóc:
– Ủa, hôm nay cậu đến đây có việc gì vậy?
– Tụi tôi muốn thuê một tấm thảm bay. Chừng một hai ngày thôi.
Lão Alibaba gật đầu:
– Được thôi. Cậu thì khỏi cần đặt cọc. – Đang nói, mày lão bỗng nhíu lại – Nhưng có ai trong ba cậu có bằng lái không?
– Bằng lái à?
– Lái chổi thì khỏi cần. Nhưng lái thảm bay nếu không có bằng, mấy cậu sẽ bị bọn phù thủy tuần tra phạt cho méo mặt đấy.
Suku lắc đầu làm cho mấy lọn tóc trước trán lăn qua lăn lại:
– Nói thiệt với lão là chưa có đứa nào trong tụi tôi học tới lớp Hướng nghiệp hết. Cho nên tụi tôi không những không có bằng lái mà ngay đến lái cũng hổng biết luôn.
– Không có vấn đề gì. – Lão Alibaba khoát tay, dễ dãi – Tôi sẽ cho cậu thuê luôn tài xế. Chừng nào cậu bắt đầu khởi hành?
– Ờ, chắc là… chiều nay.
Lúc tiễn bọn trẻ ra cửa, lão Alibaba ân cần nói thêm:
– Chiều nay các cậu ở đâu, tôi sẽ kêu tài xế lái thảm tới đón.
– Khỏi khỏi. – Suku rối rít xua tay – Cảm ơn lão. Lão cứ bảo tài xế ở đây đợi, tụi tôi sẽ tự đến.
Từ khi bước vô nhà lão Alibaba cho tới lúc quay trở ra, Nguyên và Kăply tịnh không hé môi lấy một tiếng, mặc cho Suku đối đáp. Nhưng trên đường về thì Nguyên không cách gì giữ cho cái đầu bình tĩnh được nữa. Nó rít qua quai hàm nghiến chặt:
– Thiệt là cái thứ chẳng ra gì!
– Mình phải thông cảm cho lão, anh K’Brăk à. – Suku lên tiếng phân trần – Tình cảnh của lão nói chung là rất tội nghiệp. Từ ngày ba mẹ anh bị hại, lão hoảng sợ đến nỗi bắt lũ con nghỉ học luôn. Lão sợ chúng đi láng cháng ngoài đường, nhỡ gặp…
– Anh không nói lão Alibaba! – Nguyên quạu quọ cắt ngang lời thằng nhóc – Anh đang nói đến trùm Bastu. Hừm, hắn dựa vô cái gì mà ngang ngược vậy chớ?
– Ờ, – Kăply cất giọng cảm khái – ngó căn nhà của lão Alibaba giống y chang cái hang chuột, thấy tội cho lão ghê.
– Tại mấy anh chưa đọc cuốn Thế giới thuộc về một người của Macketa. – Suku nói giọng rầu rầu – Cuốn này được coi là sách gối đầu giường của các lãnh tụ phe Hắc Ám. Macketa không những kêu gọi tẩy chay người ngoại quốc mà còn đưa ra nhiều đề nghị rất quái gở. Hổng biết căn cứ vào đâu, hắn khơi khơi chia thế giới ra làm hai loại: chủng tộc thượng đẳng và chủng tộc hạ đẳng. Hắn chủ trương gom hết loại người mà hắn cho là chủng tộc hạ đẳng vào một chỗ như chúng ta gom rác rồi cho banh ta lông hết. Hắn bảo phải làm thẳng tay như vậy thì xứ Lang Biang mới còn lại toàn loại người ưu tú.
– Đúng là hắn điên rồi!
Nguyên cau mày lẩm bẩm, rồi như muốn cho qua phứt cái đề tài tồi tệ này, nó lảng sang chuyện khác:
– Suku nè, cái lớp Hướng nghiệp em nói khi nãy là cái lớp gì vậy? Hôm trước tụi anh có nghe thầy Haifai nhắc tới một lần nhưng hổng biết nó là thứ quái quỷ gì.
– Đó là lớp dành cho học sinh đã học xong lớp Cao cấp 2. Lớp Cao cấp 2 là lớp cao nhất ở trường Đămri. Nhưng trước khi tốt nghiệp ra trường, học sinh bắt buộc phải qua lớp Hướng nghiệp. Chà, lên tới lớp này là thành sinh viên rồi, oai lắm đó, anh K’Brăk. Anh và anh K’Brêt ráng lên đi!
– Chắc đây là lớp dạy nghề chứ gì? – Kăply ra vẻ hiểu biết, thỉnh thoảng nó vẫn muốn khác cục gạch chút xíu.
– Anh đoán đúng đó, anh K’Brêt. – Suku gật đầu – Lớp Hướng nghiệp dạy đủ mọi ngành nghề. Ai muốn làm thầy lang thì học ngành y, ai muốn trở thành thầy cúng, thầy mo thì học ngành cúng tế, còn ai muốn sau này về dạy ở trường Đămri thì học sư phạm. Ngoài ra còn có các ngành lịch sử, kiến trúc, xây dựng, báo chí, luật pháp… Lớp này còn dạy cả kỹ năng lái thảm bay, gò hàn các loại vạc, sản xuất bia, làm bánh kẹo…
– Nhưng cái lớp này nằm ở đâu sao anh hổng thấy? – Nguyên cắt ngang sự liệt kê của thằng nhóc.
– Nó nằm ở cuối khu rừng thưa phía Bắc. Chẳng qua thầy N’Trang Long không muốn sinh viên lớp Hướng nghiệp bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của bọn học trò nhóc tỳ. Ngay cả các giáo sư dạy ở lớp này cũng không phải là giáo sư trong trường mà tất cả đều là giáo sư thỉnh giảng. Toàn là nhà báo, luật gia, thầy thuốc, kiến trúc sư uy tín của xứ Lang Biang cả đấy.
Kăply nhìn Suku bằng ánh mắt nghi ngờ:
– Em chưa được đi học ngày nào sao có vẻ rành trường Đămri quá vậy?
Suku thản nhiên:
– Tất cả những điều đó đều có ghi trong cuốn Kỷ yếu giáo dục và cuốn Trường Đămri qua các thời kỳ. Thậm chí em còn biết thầy N’Trang Long là người duy nhất làm hiệu trưởng trường Đămri tới hai lần nữa đó.
Suku nói tới đây thì Kăply không thể không tin. Hôm qua, chính tai nó nghe thầy N’Trang Long đả động đến chi tiết này, mặc dù thầy chỉ nói phớt qua với cái vẻ rất chi là lơ đễnh.
Từ lúc đó cho đến khi về tới lâu đài K’Rahlan, Nguyên và Kăply hầu như không đứa nào nói thêm tiếng nào nữa. Mặc dù chuyện thảm bay đã được giải quyết ổn thỏa, tụi nó vẫn chẳng thấy vui lên chút nào, ngược lại ngực cứ nặng trình trịch mỗi khi nghĩ đến cuộc sống lén lút và quanh năm ngập trong sợ hãi của lão Alibaba. Hình ảnh một lão già khốn khổ rón rén hé cửa, rón rén dẫn tụi nó luồn sâu vào cái hang của lão rồi rón rén trò chuyện ngay trong chính nhà mình khiến tụi nó cảm thấy một cách rõ rệt số phận của lão y chang một con giun đang bị trùm Bastu ghim chặt xuống đất, không làm sao cựa quậy được.
Nguyên càng nhận ra ngày hôm nay không phải là ngày thanh thản dành cho mình khi vừa lê bước về đến nhà, nó đã chạm ngay bộ mặt chầm dầm của Êmê.
– Anh nói thiệt đi, anh K’Brăk! – Êmê như rình ngay sau cổng rào, chặn Nguyên lại bằng một tràng chua như giấm – Anh đã bắt đầu thích con nhỏ Bolobala rồi phải không?
Nguyên đáp trả câu chất vấn của cô bạn bằng cách trố mắt lên, bật ra một tiếng
ơ
theo cái kiểu của người bị nhét giẻ vào miệng.
– Anh đừng có làm bộ ta đây không có gì đó nha. – Êmê gầm gừ, chiếc mũi hếch chĩa ngay mặt Nguyên lúc này trông giống một khẩu súng ngắn kinh khủng.
– Anh không có gì thật mà. – Nguyên nhăn nhó và thò tay dứt mạnh một sợi tóc.
Môi Êmê dài ra, nếu nó kêu càm cạp vài tiếng thì y chang một con ngỗng:
– Không có gì sao hôm qua anh cặp kè với nó thân mật dữ vậy? Đã vậy, sáng nay con nhỏ vô duyên đó cứ xoắn lấy em hỏi tùm lum thứ về anh, còn đòi về đây chơi nữa.
– Trời đất.
Nguyên lại kêu lên và lại nhổ thêm một cọng tóc khiến Kăply đứng cạnh thấp thỏm không yên, nó sợ Êmê hoạnh họe thêm vài chục câu nữa cái đầu thằng bạn nó sẽ trở thành đối thủ xứng đáng với cái đầu loe hoe tóc của thầy Haifai mất.
– Lạ thiệt à nha. – Có tiếng cười híc híc phía sau lưng Êmê, nghe rõ là tiếng thằng K’Tub mặc dù không ai nhận ra nó xuất hiện từ lúc nào – Hôm trước có người vô cớ hằm hè với chị Mua, bữa nay lại sừng sộ với chị Bolobala, mày ráng nhớ xem mày có làm rớt lá bùa gây gổ nào ở quanh đây không, Suku.
– Im đi, K’Tub! – Êmê ngoảnh đầu nạt thằng nhóc, màu đỏ trên mặt lan ra tới cổ.
– Em hiểu lầm rồi, Êmê. – Kăply mỉm cười nói, cố lấy giọng êm như ru – Bolobala chỉ ngưỡng mộ K’Brăk thôi. Em cũng biết rồi đó, một người từng thoát chết dưới tay Buriăk, tiếp theo lại đánh bại Baltalon, ai mà chẳng khâm phục và lân la muốn làm quen. Thậm chí thằng Hailibato lớp anh còn đề nghị tặng huân chương Hiệp sĩ Lang Biang cho K’Brăk nữa đó.
– Em không tin! – Êmê hét lên, ngưng một chút để ngẫm nghĩ rồi hét tiếp – Không tin, không tin, không tin!
Vừa hét Êmê vừa lúc lắc mái tóc vàng như để đánh nhịp cho tràng tru tréo mà theo Kăply thì nghe rất giống nhạc rap.
– Ở trên trường, đâu chỉ có mỗi Bolobala ái mộ anh, – Êmê dán đôi mắt đen láy đã bắt đầu ngân ngấn nước vào mặt Nguyên, sụt sịt hỏi – nhưng tại sao chỉ có con nhỏ đó là cứ lăm le sán lại bên anh?
Nguyên lo lắng nhìn Êmê, có cảm giác chiếc áo của nhỏ bạn phồng lên sau mỗi câu hỏi, vẻ như sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào. Nhưng khổ nỗi là nó cũng không biết làm sao trả lời cho trôi chảy những thắc mắc càng lúc càng hóc búa của Êmê, mặc dù nó rất muốn làm cho Êmê dịu xuống càng nhanh càng tốt.
Trong khi cả bọn phát hoảng trước bộ mặt nhão nhè nhão nhẹt của Êmê thì tiếng bà Êmô từ bên trong vọng ra cực kỳ đúng lúc, và đối với một kẻ đang ở trong tâm trạng rối bời như Nguyên thì cái giọng nói đó lọt vào tai nghe du dương không có thứ âm nhạc nào bằng:
– Vào ăn cơm đi tụi con. Làm gì cứ xớ rớ mãi ngoài đó thế.
oOo
Cho đến lúc cả sáu đứa chất lên tấm thảm bay cũ mèm nhưng nom sặc sỡ như một tấm thảm treo tường và gã Mustafa ra lệnh cho tấm thảm lao lên không khiến cả bọn bất ngờ ngã dúi vào nhau chẳng còn tâm trí đâu để đề cập tới Bolobala, và điều đó quả tình khiến Nguyên thấy cuộc sống thiệt là dễ chịu.
Gió thổi lồng lộng, mát rượi hai bên má, cảnh vật lao vùn vụt và nhanh chóng mất hút dưới tầm mắt, tất cả những chuyện đó đối với Nguyên và Kăply y như thể trong mơ. Trong một tâm trạng vừa phấn khích vừa sợ sệt, tụi nó nhoài người ra mép thảm cúi đầu ngó xuống, khoái chí thấy nhà cửa, phố xá, làng mạc, núi đồi đang từ từ bé lại như vừa lãnh đủ lời nguyền Không tha thứ của Baltalon.
– Đi hướng nào đây, các bạn trẻ? – Mustafa cất tiếng hỏi, lúc này đã ngồi xếp bằng ngay ở đầu tấm thảm, với cái vẻ nghiêm trang của một tài xế đang ngồi trong buồng lái.
Suku liếc nước da ngăm đen, bộ râu quai nón và chiếc khăn chít ngang đầu của Mustafa, thấy gã y chang một phiên bản của lão Alibaba tội nghiệp.
– Ờ, chú bay về… hướng Bắc.
Suku ấp úng đáp bừa, thắc mắc không biết hồi trước Đại tiên ông Mackeno đã làm cái quái gì để có thể gặp được núi Lưng Chừng.
Với một tiếng rì rầm khe khẽ, Mustafa đột ngột đổi hướng bay khiến tấm thảm tụt xuống một quãng y như máy bay chui vào vùng không khí loãng nhưng rồi nó nhanh chóng lấy lại độ cao và hăm hở lướt về phía trước.
Trong suốt một lúc lâu tấm thảm lặng lẽ lao đi với vẻ kiên trì đáng phục.
– Tấm thảm này ngó cũ xì mà bay êm ghê há? – Kăply tìm cách gợi chuyện gã tài xế.
– Cậu không nên đánh giá sự vật qua bề ngoài. – Gã Mustafa hắng giọng, mắt vẫn nhìn tới trước, và Kăply giật mình thấy cái câu gã nói giống hệt cái câu mà thầy N’Trang Long vẫn dùng để xài xể nó.
Gã tài xế vỗ tay lên tấm thảm, nói tiếp với vẻ tự hào:
– Tôi đã lái tấm thảm này từ hồi nó mới được sản xuất. Cũng cả trăm năm rồi. Nói thiệt, trông nó cũ kỹ, thô kệch nhưng có lẽ không tấm thảm đời mới nào hơn được nó.
Gã Mustafa lướt những đầu ngón tay lên tấm thảm theo cái cách người ta vuốt ve một con mèo, giọng đã bắt đầu giống thằng Suku lúc quảng cáo sản phẩm:
– Đây là loại thảm dùng để bay trong mọi khí hậu, mọi thời tiết. Nó có thể bay xuyên tâm bão mà chẳng hề hấn gì. Tiếc là sau này thiên hạ chuộng các loại thảm cầu kỳ, trông thì đẹp mắt nhưng chỉ cần gặp một cơn dông nhỏ là lật gọng ngay.
Trong lúc Kăply trò chuyện với gã Mustafa, những đứa còn lại thấp thỏm đưa mắt nhìn quanh. Nhưng sau một hồi ngoảnh tới ngoảnh lui muốn sái cổ, bọn trẻ vô cùng thất vọng khi chẳng phát hiện ra thứ gì từa tựa một hòn núi, ngoài những cánh chim chao liệng xa xa.
Păng Ting ngước nhìn lên đám mây lơ lửng trên đầu:
– Có bao giờ nó ở tuốt trên kia không há?
– Ờ, dám lắm à. – Êmê quay nhìn Suku, phụ họa bằng giọng không được quả quyết lắm.
Bắt gặp ánh mắt như ra lệnh của Êmê, Suku gân cổ:
– Chú Mustafa ơi, chú cho tấm thảm bay cao lên nữa được không? Lên trên đám mây ấy.
– Chuyện nhỏ! – Mustafa đáp, không ngoảnh cổ lại – Nhưng tôi nói trước, trên đó lạnh lắm à nha.
Gần như cùng lúc với câu trả lời của gã tài xế, tấm thảm từ từ cất lên cao. Trong một lúc, Nguyên và Kăply như ngợp trong một cảm giác rạo rực kỳ lạ khi cả bọn chui vào đám mây trắng xốp, mờ mờ như sương và lạnh buốt da. Đám mây dày đến mức tấm thảm cất mình một lúc lâu vẫn chưa ra khỏi vùng trắng đùng đục đang vây phủ tầng tầng lớp lớp chung quanh. Mọi người lúc này hầu như không nhìn thấy nhau.
– Thôi, xuống đi chú Mustafa. – K’Tub run rẩy cất tiếng, răng va vào nhau lập cập – Hổng có gì trên này đâu!
– Các cô các cậu tìm thứ gì mà lên tuốt trên này vậy? – Thắc mắc của gã Mustafa vọng ra từ chỗ nào đó trong màn sương, nghe xa lăng lắc.
– Tụi tôi đi tìm núi Lưng Chừng. – K’Tub vọt miệng nhanh đến mức chẳng đứa nào ngăn kịp.
– Quay về đi. Chẳng ai ngốc đến mức đi tìm núi Lưng Chừng bằng thảm bay.
– Sao cơ? – K’Tub ngạc nhiên.
– Muốn đến núi Lưng Chừng, chỉ có cách duy nhất là tìm cho bằng được Tam phù thủy.
Tiết lộ của Mustafa khiến bọn trẻ há hốc miệng. Điều vừa xảy ra kỳ quái đến mức ngay cả
nhà thông thái
Suku cũng không thể tin bất cứ cái tai nào của mình. Làm sao mà một gã tài xế quèn như Mustafa lại có thể biết được cái điều mà cả xứ Lang Biang đều mù tịt?
Cho đến khi tấm thảm đã hạ độ cao và ra khỏi đám mây, bọn trẻ vẫn chưa ra khỏi sự sửng sốt vừa ập đến mặc dù chung quanh lập tức sáng bừng lên, và tụi nó hoàn toàn có thể đọc thấy điều đó trong các bộ mặt đang nghệt ra dưới ánh nắng chói chang.
– Chú nói thật đó hả, chú Mustafa? – Suku rọi cặp mắt sáng trưng vào gã tài xế, bàng hoàng hỏi.
– Nói thật chuyện gì, cậu Suku? – Gã tài xế hỏi lại, vẫn quay lưng về phía bọn trẻ.
– Chuyện về Tam phù thủy đó. – Suku liếm đôi môi khô rang – Chú vừa nói muốn đến núi Lưng Chừng phải tìm gặp Tam phù thủy mà?
Có cả đống vành tai vểnh lên sau câu hỏi của Suku. Cả bọn như ngừng thở, mười ánh mắt hau háu dán vào người Mustafa như thể những con bạc đang chờ nhà cái giở bát trong trò chơi xóc đĩa.
– Khi nãy tôi có nói gì đâu, cậu Suku. – Gã Mustafa đáp, lần này thì gã xoay hẳn người lại đối diện với bọn trẻ.
Câu trả lời của gã tài xế lạ lùng đến mức phải mất mấy giây sau ý nghĩa của câu nói mới ngấm được vào đầu Suku, và khi hiểu ra gã vừa nói gì, nó giật bắn người lên như tấm thảm vừa bốc cháy dưới mông:
– Cái gì? Mấy câu vừa rồi không phải do chú thốt ra sao?
– Tôi chỉ hỏi các cậu đi đâu mà đòi lên tuốt trên mây thôi. – Gã Mustafa ngơ ngác nói – Còn những câu đối đáp sau đó, tôi tưởng các cậu trò chuyện với nhau chứ.
– Chú không hề nói gì về núi Lưng Chừng?
– Không.
– Cũng không nói gì đến Tam phù thủy?
– Không.
– Thế ai đã nói mấy câu đó?
Suku ré lên và quay đầu nhìn quanh, thấy tụi bạn cũng đang trố mắt ra nhìn nó với vẻ hoang mang cực độ.
– Không phải chị đâu, nhóc. – Păng Ting nhăn nhó nói, có vẻ như nó đang ước ao giá mà nó đừng qua lại với bọn Tam phù thủy để khỏi bị Suku soi mói như lúc này.
Êmê lúc lắc những lọn tóc vàng:
– Trong màn sương dày đặc và ẩm ướt như vừa rồi, giọng nói bị biến đổi, rất khó nhận ra. Nhưng chị có thể khẳng định là không ai trong chúng ta nói những câu đó, Suku à.
K’Tub đột nhiên hạ giọng:
– Em có cảm tưởng giọng nói này quen quen.
Nó lấm lét đánh mắt sang Nguyên:
– Nghe giông giống giọng… anh K’Brăk.
– Làm sao là anh được, K’Tub. – Nguyên mếu xệch miệng – Nếu là anh, chẳng việc gì anh phải làm ra vẻ thần bí như thế.
– Hổng lẽ gã Mustafa cố ý trêu bọn mình.
Kăply vừa thì thầm vừa liếc về phía sau. Nhưng gã tài xế rõ ràng không chú ý gì đến bọn nhóc. Lúc này, gã ngồi thẳng lưng, nhướn cao cổ và đưa tay lên che trán như đang theo dõi một vật gì ở tít đằng xa.
Kăply ngoảnh theo hướng nhìn của Mustafa, thảng thốt kêu lên:
– Chổi bay! Một chiếc chổi bay!
Gần như đồng thời với tiếng hô hoán của Kăply, những đứa kia cũng kịp nhìn thấy một người đang cỡi chổi phóng hết tốc lực, với cái vẻ không thể nhầm được của một kẻ đang chạy trốn, chiếc áo chùng bọc gió từ xa trông như một chấm vàng nhạt lướt vun vút trong mây. Có lẽ không chiếc chổi nào trên đời bay nhanh được như thế: kẻ khả nghi lấp loáng trong nắng như sao xẹt, chớp mắt đã mất hút ở cuối chân trời.
– Ai thế, chú Mustafa? – Suku chột dạ hỏi.
– Tôi không biết. Nhưng có lẽ hắn chính là người đã thốt lên những câu nói mà chúng ta nghe được. Khi nãy, lợi dụng màn sương dày đặc, hắn đã lẳng lặng bay bên cạnh chúng ta…
Như sực nghĩ ra điều gì, gã Mustafa chợt rúm người lại, mặt tái nhợt, câu nói đột ngột bị rơi mất khúc sau.
Lời phỏng đoán của Mustafa rõ ràng nặng ngang một nhát búa. Bọn trẻ như bị đóng đinh vào nỗi khiếp đảm, choáng váng nhìn nhau, quai hàm cứng như gỗ, hoàn toàn mất hết cảm giác.
Bụng quặn lên, Suku cố mãi mới rặn được ba tiếng ngắn ngủn, giọng lạc đi và thiệt tình thì lúc này trông nó rất giống một kẻ mắc tật cà lăm:
– Về… về… đi… thôi… ôi!