CHƯƠNG 114
-
Cội rễ
- Alex Haley
- 2715 chữ
- 2020-05-09 04:31:30
Số từ: 2748
Nguồn: isach.info
Chỗ này à?" Tôm hỏi.
"Miền Đất Hứa đây ư?" Matilđa hỏi.
"Thế dững con lợn mấy lị bí ngô vọt ra khỏi mặt đất đâu?" một đứa trong bọn trẻ con hỏi khi Joóc-Gà ghìm cương cho ngựa đứng lại.
Trước mắt họ là một khoảng trống trong rừng, với một số cửa hàng bằng gỗ ở chỗ giao nhau giữa con đường ghập ghềnh họ đang đi với một con đường thẳng góc với nó. Ba người đàn ông da trắng - một người ngồi trên một chiếc thùng đinh, một người khác trên một chiếc ghế xích đu, người thứ ba ngật ngưỡng trên hai chân sau một chiếc ghế đẩu, lưng tựa vào một bức tường có ván che và chân gác lên một cái cọc buộc ngựa - khẽ huých nhau và hất hàm về phía đoàn xe bụi bặm cùng những hành khách trên đó. Hai thằng bé da trắng đang đánh vòng đứng sững lại và giương mắt nhìn, chiếc vòng tiếp tục lăn quá chỗ chúng ra đến giữa đường, quay vài lượt nữa rồi đổ kềnh. Một người da đen lớn tuổi đang lom khom, đứng thẳng dậy, thản nhiên nhìn họ hồi lâu, rồi từ từ nhoẻn miệng cười. Một con chó lớn đang gãi bên một thùng hứng nước mưa cũng ngừng lại, chân vẫn giơ lên, nghển đầu nhìn họ, rồi lại tiếp tục gãi.
"Ta đã biểu mấy tất cả đây là một khu định cư mới", Joóc-Gà nói nhanh. "Họ chỉ mới có độ một trăm người da trắng gì đó, và ngay cả với số mười lăm xe còn lại của chúng ta sau khi dững xe khác rẽ ngang trên đường đi tới đây, chúng ta cũng chỉ gần gần tăng gấp đôi dân số mà thôi. Chúng ta đang đi vào cái nền của một đô thị đang mọc lên".
"Ờ, nó chỉ còn mỗi cách mọc lên chứ còn làm gì khác được nữa, đấy là cái chắc" Joóc-con nói, không hề mỉm cười.
"Cứ chờ lúc các người thấy vùng đất nhất đẳng điển của họ mà xem", ông bố nói, vẻ rạng rỡ, hai tay xoa vào nhau hình dung trước lúc đến đó.
"Có khi lại là đầm lầy" Asfođ lầm bầm, cũng đủ khôn ngoan để không nói to cho Joóc-Gà nghe thấy.
Nhưng quả là loại đất thượng hảo hạng thật - màu mỡ và nhiều mùn, mỗi gia đình được ba mươi "âycơ", rải rác trên những khoảnh ô bàn cờ từ ven đô kéo suốt đến những trại của người da trắng đã chiếm vùng đất tốt nhất ở quận Laođơđêl, trên hai bờ sông Hatai cách sáu dặm về phía Bắc. Nhiều trại của người da trắng rộng bằng tất cả số đất của họ cộng lại, nhưng ba mươi "âycơ" cũng đã gấp ba mươi lần những gì họ từng mong có trước đây và chừng này, họ đã thấy đầy tay rồi.
Vẫn cứ ở chen chúc trên xe, các gia đình bắt đầu đào bật những gốc cụt và phát bụi rậm ngay từ sáng hôm sau. Chẳng bao lâu, đất đã được cầy thành luống và gieo trồng vụ đầu tiên - phần lớn là bông, một ít ngô, với những mảnh vườn rau và một vạt trồng hoa. Khi mọi người chuyển sang công việc tiếp theo là hạ cây và sẻ gỗ dựng nhà, Joóc-Gà cưỡi ngựa từ trại này sang trại khác, tình nguyện góp ý kiến về cách thức xây dựng và ồn ào kể công mình đã đổi đời họ như thế nào. Ngay cả giữa đám những da trắng đến lập nghiệp ở Henning, ông cũng khoe khoang là những người ông đưa tới đây sẽ góp phần làm cho thị xã lớn lên và phồn thịnh như thế nào, không quên nói rằng con trai giữa của ông là Tôm sắp tới sẽ mở cửa hiệu rèn đầu tiên của vùng này.
Sau đó không bao lâu, một hôm, ba người da trắng cưỡi ngựa tới lô đất của Tôm trong khi anh đang cùng các con trai trộn bùn với lông lợn để trát vách cho căn lều đã xong một nửa của mình.
"Ai trong số các anh là thợ rèn?" một người hỏi to từ trên lưng ngựa. Đoán chắc là những khách hàng đầu tiên đã tới ngay cả trước khi anh kịp xây dựng cơ sở để hành nghề, Tôm hãnh diện bước ra.
"Chúng ta nghe nói anh định mở một cửa hiệu rèn ở thị xã này", một người nói.
"Vâng, thưa ông. Tui đang ngắm xem chỗ nào tốt nhất để dựng nó. Có thể là cái chỗ trống ở cạnh nhà máy cưa, nếu chưa có ai khác để mắt tới".
Ba người kia đưa mắt nhìn nhau. "Này người anh em", người thứ hai nói tiếp, "không cần phải mất thì giờ vô ích, chúng tôi sẽ nói thẳng vào vấn đề. Anh biết nghề rèn tốt thôi. Nhưng nếu anh muốn hành nghề ở thị xã này, anh sẽ phải làm việc cho một người da trắng làm chủ hiệu. Anh đã nghĩ đến chuyện đó chưa?".
Một cơn giận điên người dâng lên trong Tôm đến nỗi phải gần một phút sau, anh mới bình tĩnh lại để nói: "Không, thưa ông, tui chưa nghĩ đến", anh chậm rãi nói: "Tui và gia đình tui bì giờ là dững người tự do, bọn tui chỉ mong kiếm sống dư mọi người khác, bằng cách cần cù làm dững cái gì mình biết làm". Anh nhìn thẳng vào mắt bọn kia. "Nếu tui không được làm chủ dững gì tui làm ra bằng hai bàn tay mình, vậy đây không phải là chỗ cho bọn tui".
Người da trắng thứ ba nói: "Nếu anh cảm thấy dư thế thì ta e rằng anh phải rong ruổi đường trường nhiều nữa mới mong kiếm được nơi thích hợp, cu ạ".
"À, bọn tui quen đi đây đi đó rồi", Tôm nói. "Tui chả muốn gây rắc rối ở đâu, dưng mà tui cần phải là một con người. Tui chỉ ước là giá tui biết trước tình cảm của các ông ở đây để gia đình tui khỏi dừng lại làm phiền các ông".
"Được, cứ nghĩ thế đi", người da trắng thứ hai nói. "Đó là việc của anh".
"Bọn các anh phải học sao cho cái thói luôn mồm nói đến tự do đừng có bốc lên đầu", người thứ nhất nói.
Thúc ngựa quay đằng sau, không nói thêm lời nào, họ phóng đi.
Khi cái tin đó truyền đi chớp nhoáng qua các trại, các chủ gia đinh vội đến gặp Tôm.
"Con trai ạ" Joóc-Gà nói. "Cả đời mày đã biết người da trắng dư thế nào rồi còn gì. Tránh voi chả xấu mặt nào, con cứ né khỏi đường họ. Rồi thì tay rèn cừ dư con, chả bao lâu họ sẽ phải quay lại thôi".
"Đi cùng đường, rồi bi giờ lại phải khăn gói gió đưa!" Matilđa kêu lên. "Đừng có bắt gia đình phải thế, con giai!".
Airin phụ họa: "Tôm, em xin anh! Em mỏi mệt rồi! Mệt bã rồi!".
Nhưng mặt Tôm lầm lầm "Sự vật không bao giờ tự nó tốt lên trừ phi ta làm cho nó tốt lên!" anh nói. "Tui không ở lại nơi nào tui không thể làm dững gì một con người tự do có quyền làm. Tui không yêu cầu ai khác đi mấy bầy tui, dưng mà bầy tui sẽ chất đồ lên xe và mai đi luôn".
"Tui cũng đi!" Asfođ tức tối nói.
Đêm ấy, Tôm ra ngoài đi dạo một mình, lòng nặng trĩu cái cảm giác phạm tội, về nỗi gian truân mới mà anh đang buộc gia đình mình phải chịu đựng. Anh ôn lại trong đầu cuộc thử thách mà tất cả đã trải qua trên những chiếc xe lăn bánh hàng mấy tuần liền... và anh nghĩ tới điều Matilđa thường hay nói: "Cứ dò tìm kỹ trong cái xấu, thể nào cũng thấy cái gì tốt".
Khi cái ý đó đập vào óc anh, Tôm tiếp tục đi dạo một tiếng đồng hồ nữa, để cho kế hoạch hiện hình rõ nét trong tâm trí. Rồi anh rảo bước về xe, nơi gia đình anh đang yên giấc và vào giường ngủ.
Sáng ra, Tôm bảo Jêimz và Luyx dựng tạm hộ những lán một mái cho Airin và bọn trẻ làm chỗ ngủ vì anh sẽ cần đến xe. Trong khi gia đình đứng quanh, ngỡ ngàng nhìn anh - Asfođ thì mỗi lúc một thêm nghi hoặc và tức giận - anh nhờ Vơjơl giúp một tay, đỡ chiếc đe nặng đem lắp lên trên gốc cây cụt mới cưa. Đến trưa, anh đã dựng xong một cái lò bễ tạm thời. Tiếp đến trước mắt mọi người vẫn theo dõi, anh tháo tấm vải mui xe, rồi những tấm ván hai bên thành để trơ sàn xe, trên đó giờ đây anh bắt tay vào việc với những dụng cụ nặng nhất của mình. Dần dần, họ bắt đầu hiểu ra ý kỳ lạ mà Tôm đang biến thành một hiện thực.
Cuối tuần ấy, Tôm lái thẳng qua thị xã với lò rèn lưu động của mình và tất cả không trừ một ai - đàn ông, đàn bà hay trẻ con đều đứng há hốc miệng nhìn cái đe, cái lò bễ, cái chậu nước nhúng cùng những giá để gọn gàng một loạt dụng cụ rèn, tất cả lắp chắc chắn trên sàn xe được tăng cường thêm những thanh hỗ trợ.
Lễ phép gật đầu chào tất cả những người anh gặp - cả da trắng lẫn da đen - Tôm hỏi xem họ có đồ gì cần rèn với giá phải chăng. Trong vòng một thời gian, số trang trại yêu cầu anh tới phục vụ mỗi lúc một nhiều, vì không ai có thể nghĩ đến một lý do gì xác đáng để buộc một người da đen không được hành nghề trên một chiếc xe. Đến lúc họ nhận ra rằng với cái lò rèn lưu động, anh lại làm ăn khá hơn nhiều so với một cửa hiệu tĩnh tại, thì Tôm đã tự tạo cho mình trở thành cần thiết cho khắp thị xã đến nỗi họ không thể kiếm cách nào phản đối, ngay cả nếu họ muốn thế. Song, tình thật, họ không muốn thế, vì họ thấy Tôm là loại người làm tốt công việc của mình và không chõ vào việc của người khác, và họ không thể không trọng thị đức tính đó. Trên thực tế, cả gia đình đã mau chóng tự khẳng định mình là những Cơđốc đứng đắn, làm tròn nghĩa vụ, không giao du với bên ngoài - và "yên phận thủ thường", như một nhóm người da trắng đã nói trong một cuộc trò chuyện mà lão Joóc Jonxơn nghe lỏm được tại cửa hàng tổng hợp.
Nhưng lão Joóc cũng bị đối xử như là một kẻ trong "bọn ấy" - bị xa lánh trong môi trường xã giao, phải chờ đợi ở các cửa hàng cho đến khi tất cả các khách hàng da trắng khác đã được phục vụ xong xuôi, thậm chí có lần bị một lái buôn bắt phải mua một chiếc mũ mà anh đã thử và để trả lại trên giá khi thấy nó chật quá. Sau đó, anh kể chuyện lại cho gia đình Joóc-Gà nghe, để chiếc mũ đậu toòng teng trên đầu cho mọi người coi và ai nấy đều cười rộ như anh. "Tui lấy làm lạ là sao chiếc mũ í không vừa", Joóc-con nói đùa, "khi mà cậu thộn đến nỗi đi thử nó ở cái cửa hàng í". Asfođ thì tất nhiên phẫn nộ đến nỗi lớn tiếng dọa - dọa suông thôi - sẽ xuống đó tọng cái mũ vào cổ họng thằng cha da trắng í".
Mặc dù đám cộng đồng da trắng không cần đến họ mấy - và ngược lại - Tôm và bà con biết rất rõ là cánh thương nhân ở thị xã khó có thể nén nổi niềm phấn khởi trước sự gia tăng vùn vụt trong kinh doanh do họ tạo nên. Tuy họ tự may lấy hầu hết quần áo cho bản thân, tự túc phần lớn thực phẩm và chặt hạ phần lớn gỗ làm nhà, số lượng đinh, sắt tây và dây kẽm gai họ đã mua trong hai năm sau đó chứng tỏ nhịp độ trưởng thành của cộng đồng da đen.
Đến năm 1874, khi nhà cửa, chuồng ngựa, chuồng bò và hàng rào đã xây dựng đầy đủ, gia đình - dưới sự chỉ đạo của Matilđa - chuyển hướng chú ý sang một công cuộc mà họ coi không kém phần quan trọng đối với sự an lạc của mình: xây dựng một nhà thờ thay thế những gốc cây vẫn dùng làm nơi cúng lễ tạm bợ. Việc đó làm mất một năm và ngốn một phần lớn tiền dành dụm của họ, nhưng khi Tôm và các anh em trai cùng đám con trai của họ hoàn thành chiếc ghế dài cuối cùng trong nhà thờ và tấm vải trắng đẹp với hình thánh giá màu đỏ tía do Airin dệt tay đã được phủ trên bục giảng kinh trước cái cửa sổ bằng kính màu giá 250 đôla đặt ở hãng Xia, Râubắc, tận Tsicơgâu, thì tất cả đều nhất trí rằng ngôi nhà thờ Tân Giáo Giám Lý cho người da màu mang tên Niềm Hy Vọng Mới quả là đáng bỏ công sức, thời gian và tiền bạc ra để xây dựng.
Buổi lễ chầu ngày chủ nhật đầu tiên, tín đồ ùn ùn kéo đến - hầu hết những người da đen ở trong vòng hai mươi dặm có thể đi được hoặc cáng theo - đông đến nỗi tràn cả ra cửa lớn và cửa sổ, đứng cả ở bãi cỏ quanh nhà thờ. Nhưng ai nấy đều dễ dàng nghe rõ từng lời bài giảng kinh vang vang của đức cha Xailơx Henninh, trước là nô lệ của bác sĩ Đ.C Henninh một ủy viên chấp hành Hỏa xa Trung ương, bang Ilinoi, có rất nhiều ruộng đất quanh thị xã.
Sau bài đồng ca não lòng cuối cùng. "Cây Thánh giá cũ xù xì", một lần nữa, giáo đoàn do Matilđa dẫn đầu - Joóc-Gà chưa bao giờ thấy bà rạng rỡ như thế - lau nước mắt và sắp hàng đi qua trước mặt cha giảng đạo, xiết chặt tay và vỗ vỗ vào lưng cha. Đặt những giỏ thức ăn nơi cổng nhà thờ, họ rải những tấm khăn rộng lên bãi cỏ và bắt đầu thưởng thức các món gà rán, xăngđuých kẹp sườn lợn, trứng rán tẩm tiêu ớt, xà lách khoai tây, xà lách cải bắp, dưa góp, bánh ngô, nước chanh chai và nhiều nước ngọt, bánh nướng đến nỗi cả Joóc-con cũng phải há miệng thở sau khi ăn xong miếng cuối cùng.
Trong khi mọi người ngồi trò chuyện hoặc tha thẩn dạo quanh - cánh đàn ông và con trai mặc véttông, đeo càvạt, các bà có tuổi vận toàn trắng, các cô gái mặc áo váy màu sáng có dải băng ở eo - bà Matilđa mắt nhòa lệ, ngắm đàn cháu chơi chạy đuổi lăng xăng quanh đấy không biết mệt. Cuối cùng, quay lại phía chồng và đặt tay lên bàn tay sần sùi những sẹo do gà chọi cào, bà dịu dàng nói: "Joóc ạ, tui sẽ không bao giờ quên ngày hôm nay. Chúng mình đã đi một chặng đường dài, kể từ lúc ông đến tán tỉnh tui lần đầu với cái mũ quả dưa í của ông. Con cái chúng ta đã khôn nhớn cả, chúng nó lại sinh con đẻ cái và Chúa thương, cho tất cả chúng ta đoàn tụ một nhà. Tui chỉ ước có mỗi một điều là mẹ Kitzi của ông có ở đây để trông thấy cánh này với chúng ta".
Nước mắt lưng tròng, ông Joóc-Gà nhìn lại vợ: "Mẹ đang nhìn đấy, em ạ. Rành là mẹ đang nhìn!".