CHƯƠNG 12
-
Cội rễ
- Alex Haley
- 2664 chữ
- 2020-05-09 04:31:04
Số từ: 2676
Nguồn: isach.info
Kunta chồm dậy khi trống tôbalô vang lên vào lúc rạng đông. Rồi nó, Xitafa cùng các bạn chạy giữa đám người lớn đến cây bông gạo, nơi những tay trống của làng đã nện thì thùng, tay hoa lên loang loáng trên mặt da dê căng, vừa đánh vừa la hét, quát mắng những cái trống như thể chúng là những vật sống vậy. Đám đông dân làng mặc quần áo ngày hội đang từng người một tập hợp lại, chẳng mấy chốc đã bắt đầu hưởng ứng, từ từ nhún nhảy tay, chân, mình, rồi mỗi lúc một nhanh hơn cho đến khi hầu hết mọi người đều tham gia cuộc nhảy.
Kunta đã thấy những nghi lễ tương tự như thế vào nhiều vụ gieo trồng và gặt hái, vào dịp đàn ông xuất phát đi săn, vào những dịp cưới xin, sinh đẻ, ma chay, nhưng chưa bao giờ sự nhảy múa lại làm nó xúc động bằng lúc này - theo một cách nói không hiểu nổi mà cũng không bao giờ cưỡng lại được. Giữa đám người quay cuồng, nhảy nhót, uốn éo, một số lại đeo mặt nạ, Kunta hầu như không tin ở mắt mình khi nó trông thấy già Nyô Bôtô dẻo dai đột nhiên rít lên man dại, vung cả hai tay lên trước mặt, rồi loạng choạng chúi về đằng sau như khiếp sợ một vật ghê sợ gớm ghiếc vô hình nào đó. Rứt bỏ một gánh nặng tưởng tượng, bà vừa quật vừa đá vào không khí cho đến khi quỵ xuống.
Kunta quay hết bên nọ sang bên kia, trân trân ngó vào nhiều người nó quen biết trong đám khiêu vũ. Dưới một trong những cái mặt nạ gớm ghiếc, nó nhận ra alimamô đang văng mình oằn oại mãi như thể một con rắn quấn quanh một thân cây, Nó thấy một số người mà nó nghe nói là còn già hơn cả bà Nyô Bôtô cũng rời khỏi lều, chật chưỡng trên đôi chân ống sậy, lập cập đôi cánh tay nhăn nheo, hiêng hiếng cặp mắt kèm nhèm dưới ánh nắng, tới nhảy múa dăm ba bước loạng choạng. Rồi mắt Kunta trố ra khi bắt gặp bố mình. Hai đầu gối Ômôrô cất cao đảo đảo, chân giậm bụi mù lên. Với những tiếng kêu the thé, anh lùi lại đằng sau, các bắp thịt rung lên, rồi lao về phía trước, đấm thùm thụp vào ngực và nhảy chồm chồm, xoáy người trong không để rồi rơi bịch xuống với những tiếng ậm è nặng nhọc.
Tiếng trống nện đều đặn tựa nhịp tim đập dường như rộn lên thình thình không những ở tai Kunta mà cả ở trong tứ chi nó nữa. Hầu như một cách vô thức, tựa hồ trong cơn mơ, nó cảm thấy toàn thân bắt đầu run rẩy và đôi cánh tay đập đập, chẳng mấy chốc nó cũng nhảy chồm lên, hò hét cùng với những người khác mà nó thôi không buồn để ý tới nữa. Cuối cùng, nó vấp rúi và ngã xuống, kiệt lực.
Nó gượng dậy và rún đầu gối bước tới vạch biên - lòng cảm thấy một nỗi kỳ dị sâu sắc trước nay chưa từng biết tới. Bàng hoàng, sợ hãi và phấn khích, nó trông thấy không chỉ riêng Xitafa mà cả những đứa khác cùng lứa kafô đang nhảy múa ngoài đó giữa đám người lớn và Kunta lại nhảy. Từ đứa rất bé đến các cụ già lụ khụ, dân làng cứ nhảy múa hoài suốt cả ngày, những người nhảy và những tay trống có ngừng chăng cũng chẳng phải để ăn hoặc uống, mà chỉ để lấy hơi mà thôi. Nhưng đêm đó, khi Kunta gục xuống ngủ lịm, trống vẫn tiếp tục đổ hồi.
Ngày thứ hai của hội liên hoan mở đầu bằng một cuộc diễu hành của những nhân vật danh dự, ngay sau buổi trưa. Đi đầu đoàn diễu hành là arafang alimamô, các vị bô lão, các nhà đi săn, các đô vật và một số người khác mà Hội đồng Bô lão đã ghi tên vì những nghĩa cử quan trọng của họ từ hội mùa lần trước. Mọi người khác đi nối đuôi theo sau, ca hát và hoan hô trong khi các nhạc công dẫn họ thành một hàng ngoằn ngoèo rồng rắn ra quá ngoài làng. Và khi họ ngoặt vòng quanh cây lữ khách, Kunta và lứa kafô của nó lao lên, hình thành cuộc diễu hành riêng của bọn nó, rồi lũ lượt nhào tới nhào lui qua mặt đám người lớn đang đều bước, chúng vừa đi vừa cúi chào và mỉm cười, thoăn thoắt bước theo nhịp sáo, chuông và phách của chúng. Bọn trẻ diễu hành thay phiên nhau đóng vai trò danh dự, đến lượt Kunta, nó vênh vênh váo váo dạo quanh, đầu gối cất cao, thực sự cảm thấy mình rất quan trọng. Đi ngang qua đám người lớn, nó bất chợt thấy cả Ômôrô và Binta đều đưa mắt nhìn nó và biết hai người lấy làm hãnh diện vì con trai mình.
Bếp của tất cả phụ nữ trong làng đều bày ra hàng loạt thức ăn công khai mời bất cứ ai đi ngang muốn dừng lại một lúc và thưởng thức một món. Kunta và các bạn cùng lứa kafô chén đẫy tễ nhiều bát thịt hầm với gạo ngon tuyệt. Ngay cả thịt quay - dê và thú rừng - cũng ê hề, và bọn con gái có nhiệm vụ đặc biệt là giữ cho những giỏ tre luôn luôn đầy mọi thứ trái cây có thể kiếm được.
Khi không nhồi nhét dạ dày thì bọn con trai ùa ra cây lữ khách đón những người khách lạ phấn khởi kéo nhau vào làng. Một số ở lại qua đêm, nhưng phần lớn chỉ lưu lại mấy giờ, trước khi tiếp tục đến dự hội ở làng bên. Những khách từ Xênêgan dựng những quày sặc sỡ trưng bày các súc vải hoa. Nhiều người khác mang tới những bao tải nặng hạt dẻ kôla thượng hảo hạng miền Nigiêria, được định giá theo thứ bậc và cỡ to nhỏ của mỗi hạt. Cánh thương nhân đi ngược sông trên những thuyền chất nặng muối thỏi để đổi lấy củ nâu, da thú, sáp ong và mật ong. Đích thân già Nyô Bôtô cũng bận bịu bán những túm rễ cỏ chanh rửa sạch và tỉa gọn mỗi túm một đồng tiền vỏ ốc, thứ rễ này đem cọ răng thường xuyên sẽ giữ cho hơi thở thơm dịu và mát miệng.
Những thương nhân tà giáo đi qua Jufurê vội vội vàng vàng, thậm chí không dừng lại vì những hàng hóa của họ: thuốc lá, rượu, bia, chỉ dành cho bọn vô đạo mà thôi, còn người Manđinka theo đạo Hồi không bao giờ uống rượu hoặc hút thuốc, một số khác họa hoằn lắm mới dừng lại vì đích của họ là những làng lớn hơn, đó là đông đảo thanh niên tự do lông bông từ những làng khác tới - cũng như một số trai trẻ đã rời bỏ làng Jufurê trong mùa gặt. Phát hiện thấy họ đi qua trên con đường ngoài làng, Kunta và các bạn thường chạy theo bên cạnh họ một lúc, cố gắng xem thử họ mang gì trong những thúng tre nhỏ đội trên đầu. Đó thường thường là quần áo và những món quà nhỏ cho những bạn mới mà họ hy vọng gặp trên bước đường lang thang nay đây mai đó, trước khi trở về làng vào mùa gieo trồng tới.
Mỗi sáng, làng ngủ và thức dậy theo tiếng trống. Và mỗi ngày lại có thêm những nhạc công lưu động khác nhau tới - những tay thành thạo về kinh Koran, về đàn balafôn và trống. Và nếu họ khá phởn chí vì những quà tặng dồn dập cùng với cảnh nhảy múa, những tiếng hoan hô và vỗ tay của đám đông, họ có thể dừng lại và biểu diễn một lúc trước khi tiếp tục đi đến làng bên.
Khi các vị graiốt (1) một nhân vật đặc biệt ở nhiều nước châu Phi. Những ông già này là những pho truyện bất tận, tích lũy qua cuộc đời rất dài của họ. Người Châu Phi thường nói khi một người graiốt chết, cũng coi như cháy cả một thư viện. Trong quá trình 12 năm thu nhập tài liệu, tác giả cuốn sách này đã dựa khá nhiều vào các graiốt.) tới, dân làng mau chóng im bặt ngồi xuống quanh cây bao báp nghe kể về các vị vua và tộc họ ngày xưa, về các chiến tướng, các trận đánh lớn và các huyền thoại của quá khứ. Hoặc giả một graiốt tôn giáo xướng lên những câu sấm và báo cho hay rằng cần cầu xin Chúa Ala toàn năng nguôi giận, rồi tỏ ý vui lòng đáp lại một món quà nhỏ bằng cách tiến hành những nghi lễ cần thiết và giờ đây đã trở thành quen thuộc đối với Kunta. Bằng một âm độ cao, vị graiốt ngâm nga những câu thơ bất tận về những huy hoàng đã qua của các vương quốc Gana, Xoonggai và Mali cổ xưa, và khi đọc xong một số người trong làng thường bỏ tiền nhờ ông tới lều riêng hát ngợi ca cha mẹ già của mình. Và dân làng thường vỗ tay hoan hô khi các cụ già bước ra cửa và đứng hấp háy mắt dưới ánh nắng rực rỡ, há rộng miệng cười phô hai hàng lợi rụng hết răng. Làm xong công việc thiện của mình, vị graiốt nhắc mọi người nhớ rằng bất cứ khi nào cần hát ngợi ai trong những đám tang, đám cưới, hoặc những dịp đặc biệt khác, cứ gióng hiệu trống mời - cùng một lễ vật nhỏ - là ông sẽ mau chóng tới Jufurê. Nói đoạn, ông vội vã đi tiếp sang làng bên.
Vào chiều thứ sáu của hội mùa, đột nhiên một giọng trống lạ xuyên qua Jufurê. Nghe thấy những lời trống xúc phạm, Kunta chạy vội ra và nhập bọn với dân làng khi họ giận dữ tập hợp bên cạnh cây bao-báp. Tiếng trống rõ ràng đã đến rất gần, báo cho biết là những đô vật rất mạnh đang đến, cho nên mọi kẻ gọi là đô vật ở Jufurê biết điều thì trốn đi. Trong vòng mấy phút, dân Jufurê hoan hô vang khi tiếng trống làng của mình gay gắt trả lời rằng những kẻ lạ dại dột nọ hẳn đang xin được bẻ què chân tay, nếu không phải là tệ hại hơn.
Lúc này dân làng đổ xô tới bãi vật. Trong khi các đô vật trong làng Jufurê xỏ vào những đala (1) (khố vật) ngắn, hai bên sườn và mông có những cuộn vải cho đối phương níu tay, và xoa mình bằng một thứ bột trơn làm bằng lá bao-báp giã nhỏ trộn với tro củi, họ nghe thấy những tiếng hò la, có nghĩa là những kẻ thách đấu đã tới. Những kẻ lạ mặt vạm vỡ ấy không buồn ngó tới đám đông đang giễu cợt. Tất cả đằng sau tay trống của mình, họ đi thẳng đến bãi vật, mình đã mặc đala sẵn, và bắt đầu xoa bột trơn cho nhau. Khi các đô vật Jufurê xuất hiện đằng sau những tay trống của làng, đám đông hò hét, xô đẩy nhau mất trật tự đến nỗi các tay trống của cả đôi bên đều phải khẩn cầu họ bình tĩnh.
Rồi trống của cả đôi bên đều nói: "Sẵn sàng!" Hai đội giao đấu phân thành từng đôi, mỗi cặp đô vật cúi rạp và trừng trừng nhìn nhau, mặt đối mặt. "Nắm lấy nhau! Nắm lấy nhau!" trống ra lệnh, và mỗi cặp đô vật bắt đầu lượn vòng như mèo vờn. Lúc này các tay trống của cả đôi bên lăng xăng đây đó giữa những đấu thủ đang hiên ngang dạo miếng; mỗi tay trống nện mạnh kể tên các đô vật vô địch tổ tiên của làng mình mà hương hồn đang theo dõi trận đấu.
Với những động tác giả nhanh như chớp, cuối cùng, hết cặp này đến cặp khác nắm được nhau và bắt đầu vật. Chẳng mấy chốc, cả hai đội quần thảo giữa những đám bụi mù do chân họ hất tung lên, gần như che khuất họ khỏi đám khán giả đang hò hét điên cuồng. Ngả nghiêng hoặc trượt chân đều không tính, chỉ khi nào một đô vật kéo được người kia mất thăng bằng, bốc cả người anh ta lên và quật xuống đất, mới là thắng cuộc. Mỗi lần có một người bị quật ngã như vậy - đầu tiên là một kiện tướng của làng Jufurê, rồi đến một trong những kẻ thách thức - đám đông lại nhảy chồm lên la hét và một tay trống gõ rành rọt tên người thắng trận đó. Ngay ở vòng ngoài đám đông phấn khích tất nhiên là Kunta và các bạn cũng đang đánh vật với nhau.
Cuối cùng cuộc đấu kết thúc và đội Jufurê đã thắng, hơn đối phương có một keo. Họ được thưởng đôi sừng và bốn vó của một con bò mộng vừa mới mổ. Những tảng thịt lớn được đem quay trên một đống lửa và những chàn thách đấu dũng cảm được nồng nhiệt mời tiệc liên hoan. Dân làng ca ngợi sức mạnh của các vị khách và các cô gái chưa chồng buộc những chuông nhỏ quanh cổ chân và cánh tay trên của tất cả các đô vật. Và trong bữa tiệc tiếp theo đó, bọn con trai thuộc lứa kafô thứ ba quét lớp bụi đo đỏ ở bãi vật, dọn cho phẳng phiu để chuẩn bị cho một điệu nhảy xêôruba.
Mặt trời nóng ấm vừa mới bắt đầu lặn, dân làng đã lại tụ tập quanh bãi vật, lúc này tất cả đều mặc quần áo đẹp nhất. Trên nền tiếng trống đánh khe khẽ, cả hai đội vật nhảy vào vòng, bắt đầu rạp mình và rập rình lượn quanh, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, những chiếc chuông nhỏ kêu lanh tanh, trong khi khán giả chiêm ngưỡng sức mạnh và vẻ đẹp mềm mại của họ. Trống đột nhiên nện thật mạnh, lúc này các cô gái chạy vào vòng, e ấp xen giữa các đô vật trong khi mọi người vỗ tay theo nhịp. Rồi các tay trống bắt đầu đánh theo tiết tấu mạnh nhất và nhanh nhất và chân các cô gái nhảy theo nhịp ấy.
Hết cô này đến cô khác, vã mồ hôi và mệt nhoài, lảo đảo bước ra khỏi vòng, ném xuống đám bụi chiếc khăn chùm đầu tikô nhuộm nhiều màu của mình. Mọi con mắt hau háu theo dõi xem có chàng trai đến tuổi lấy vợ nào nhặt tấm khăn tikô lên, tỏ rõ sự đánh giá đặc biệt của mình đối với bài nhẩy của cô gái đó - vì như vậy có nghĩa là anh ta có thể sắp hỏi cha cô về giá cả cưới xin, tính bằng dê và bò. Kunta và các bạn còn quá nhỏ chưa hiểu những điều đó, tưởng là cuộc vui sôi nổi đã kết thúc bèn chạy đi bắn ná. Nhưng nó mới chỉ bắt đầu, vì một lát sau, mọi người há hốc miệng khi một trong những đô vật tới thăm nhặt một chiếc khăn tikô lên. Đó là một sự kiện quan trọng - và hạnh phúc - nhưng cô gái may mắn nọ không phải là người đầu tiên đi lấy chồng ở một làng khác.