• 381

CHƯƠNG 32


Số từ: 2983
Nguồn: isach.info
Trong thửa ruộng lạc chín vằng vặc ánh trăng, Kunta leo lên cây cột có khoét nấc và ngồi khoanh chân trên chòi canh dựng thành chạc vững chãi, cao vọt khỏi mặt đất. Đặt vũ khí bên ngoài cạnh mình - cùng với chiếc rìu mà anh dự định sáng hôm sau sẽ dùng để đẵn gỗ làm khum trống - Kunta theo dõi con chó Uôlô vừa khịt khịt vừa chạy lăng xăng đây đó trong cánh đồng bên dưới. Kunta nhớ lại cách đây mấy vụ mưa, trong những tuần trăng đầu tiên làm nhiệm vụ canh phòng chỉ một con chuột lạo xạo trong đám cỏ là anh đã vội nắm chặt cây giáo. Mỗi cái bóng lại tưởng một con khỉ; mỗi con khỉ tưởng là một con báo và mỗi con báo ngỡ là một tên tubốp, cứ thế cho đên khi tai mắt trở nên dày dạn với nhiệm vụ. Đến một độ nào anh thấy mình có thể phân biệt được tiếng su tử gầm với tiếng báo rống. Tuy nhiên, anh phải mất nhiều thời gian hơn mới học được cách luôn luôn tỉnh táo cảnh gác suốt những đêm dài đó. Khi những ý nghĩ của anh bắt đầu hướng vào nội tâm; như vẫn xảy ra luôn luôn, anh thường quên bẵng mình đang ở đâu và có nhiệm vụ phải làm gì. Song cuối cùng anh học được cách tiếp tục cảnh giác bằng một nửa đầu, còn nửa kia vẫn khơi sâu những ý nghĩ riêng tư.
Đêm nay anh đang nghĩ về mối tình ngoại hôn thú mà Hội đồng Bô lão đã chấp thuận cho hai thằng bạn. Trong nhiều tuần trăng, chúng đã bảo với Kunta và bạn bè rằng chúng sẽ đem vấn đề của mình ra trình trước Hội đồng, song không ai thực sự tin cả. Và giờ đây, việc đó đã xong xuôi. Có lẽ chính lúc này đây, anh nghĩ bụng, chúng đang làm cái hành động ngoại hôn thú trên giường với hai nàng góa của chúng cũng nên. Bỗng nhiên, Kunta ngồi thẳng người cố gắng hình dung cảnh đó ra sao.
Những điều ít ỏi Kunta được biết về chuyện bên dưới y phục đàn bà, chủ yếu là nghe qua các chuyện tán gẫu của các bạn cùng lứa Kafô. Anh biết trong việc thương thuyết cưới xin, các ông bố bên nhà gái phải bảo đảm con mình con trinh tiết để nâng giá cô dâu tới mức cao nhất. Và phụ nữ là dính dáng lôi thôi với một lô những thứ máu me, điều đó anh cũng biết. Mỗi một tuần trăng, họ lại ra máu, cả những lúc đẻ con, và cả cái đêm họ lấy chồng nữa. Mỗi người đều biết sáng hôm sau đó, hai bà mẹ của cặp vợ chồng mới cưới đến lều tân hôn, lấy tấm vải trắng lót dưới chỗ nằm, bỏ vào một cái làn ra sao, phô chỗ vấy máu cho Alimamô làm bằng chứng sự trinh tiết của cô gái như thế nào, và chỉ đến lúc đó vị trưởng lễ mới đi quanh làng gióng trống nói lên sự phù hộ của Chúa Ala đối với đám cưới đó. Nếu tấm vải không vấy máu - Kunta biết - người chồng mới sẽ giận dữ rời bỏ căn lều cùng với hai bà mẹ làm chứng và kêu to ba lần cho tất cả cùng nghe thấy: "Tôi ly dị cô!".
Song tình bạn ngoài hôn thú không dính dáng gì đến mọi thứ đó - chỉ là chuyện thanh niên mới trưởng thành ngủ với gái góa tự nguyện và ăn chung bếp. Trong một thoáng, Kunta nghĩ đến cái vẻ Jinna M’ Baki đã nhìn mình không cần giấu giếm ý đồ của chị ta, giữa đám đông xô đẩy chen chúc ngày hôm trước vào lúc phiên họp của Hội đồng kết thúc.
Tâm trí Kunta nhớ về một số thiếu nữ mà anh và Lamin đã gặp tại một làng trên đường trở về sau một cuộc hành trình săn vàng. Có khoảng mươi cô, Kunta phỏng chừng thế, tất cả đều đen giòn, xiêm áo chật căng, đeo chuỗi hạt đầy màu sắc và vòng tay, ngực vồng cao và những bím tóc nhỏ dỏng lên. Bọn này khi Kunta đi ngang qua, đã hành động thật kỳ lạ, đến nỗi Kunta phải mất một lúc mới hiểu ra rằng việc các cô ả làm bộ nguẩy đi nhìn ra chỗ khác bất cứ lúc nào thấy Kunta nhìn mình, không có nghĩa là các cô ả không quan tâm đến anh chàng, mà là muốn anh chàng phải quan tâm đến mình.
Giống cái thật đến rắc rối, Kunta nghĩ. Những thiếu nữ vào lứa tuổi Kunta ở Jufurê không bao giờ chú ý tới anh, dù chỉ đến mức vừa đủ để ngoảnh đi nhìn chỗ khác. Phải chăng là vì chúng đã biết Kunta thật sự là như thế nào? Hoặc giả, phải chăng là vì chúng biết cu cậu còn trẻ hơn bề ngoài nhiều - quá trẻ chưa đáng để chúng quan tâm? Có lẽ các cô gái ở làng nọ tưởng rằng không một lữ khách nào dắt theo một thằng bé lai có thể dưới hai mươi, hai lăm vụ mưa, nói chi đến chuyện cu cậu mới mười bảy. Nếu biết vậy, hẳn họ đã giễu cợt rồi. Ấy thế mà một quả phụ thừa biết anh trẻ như thế nào, vẫn đang cần anh đấy. Có khi anh không lớn tuổi hơn lại là điều may mắn cũng nên. Nếu anh lớn tuổi hơn, đám con gái ở Jufurê hẳn sẽ ngấm nguýt với anh như kiểu các cô ở làng nọ và anh biết cả cái đám ấy chỉ có độc một điều trong đầu: lấy chồng. Ít ra thì Jinna M’ Baki đã quá tuổi để tìm kiếm một cái gì vượt trên một tình bạn ngoại hôn thú. Tại sao một người đàn ông lại cần phải lấy vợ khi mà anh ta có thể được một người đàn bà nấu ăn cho mình, ngủ với mình mà không phải cưới xin gì cả? Chắc hẳn là phải có một lý do nào đó. Có lẽ bởi vì chỉ có thông qua hôn nhân, một người đàn ông mới có thể có con cái. Đó là một điều tốt đẹp. Song liệu anh ta có gì để dạy những đứa con đó, nếu anh ta chưa sống khá nhiều để học hỏi đôi chút về thế giới - không phải chỉ học ở cha đẻ mình, ở arafang, và ở kintangô, mà còn bằng cánh tự thám hiểm thế giới cho bản thân mình như các bác Kunta đã làm?
Các bác anh, thậm chí, vẫn chưa lấy vợ, mặc dầu lớn tuổi hơn cả cha anh và phần lớn đàn ông vào tuổi ấy đều đã lấy vợ hai. Chẳng biết Ômôrô có tính chuyện lấy vợ hai không? Ý nghĩ này làm cho Kunta giật mình đến nỗi cu cậu ngồi thẳng người lên. Và liệu rồi mẹ sẽ cảm thấy thế nào về chuyện ấy? Ờ, với tư cách là vợ cả, ít nhất Binta cũng có thể báo cho vợ hai biết bổn phận mình, bắt cô ta làm thật lực và quy định những lần cô ta được ngủ với Ômôrô. Liệu sẽ có chuyện rắc rối giữa hai người đàn bà không nhỉ? Không, anh chắc chắn Binta sẽ không như vợ cả của vị kintangô, bà này như mọi người đều biết, luôn quát tháo và chửi bới các vợ bé, làm cho họ đảo điên đến nỗi họa hoằn ông chồng mới được yên thân.
Kunta xoay thế ngồi, buông thõng chân một lúc qua mép cái sàn chòi nhỏ bé để cho bắp thịt khỏi bị chuột rút. Con chó Uôlô nằm cuộn tròn trên mặt đất bên dưới anh, bộ lông nâu mượt lấp lánh dưới ánh trăng, nhưng anh biết nó chỉ giả vờ ngủ, mũi và tai vẫn ngọ nguậy tỉnh táo rình từng mùi mơ hồ nhất hoặc từng tiếng động để chồm lên sủa và rượt theo những con khỉ đầu chó gần đây hầu như đêm nào cũng xuống phá ruộng lạc. Trong mỗi một phiên canh phòng dài dặc, ít có gì khiến Kunta thích thú hơn là những lúc - dễ thường một đêm có tới mươi mười hai lần như thế anh bị kéo bật ra khỏi dòng suy nghĩ bởi tiếng hầm hè đột ngột đằng xa của một con khỉ đầu chó nào đó bị báo vồ trong bụi rậm - nhất là nếu tiếng gầm gừ của con khỉ đầu chó chuyển thành tiếng rít lên rồi mau chóng câm bặt, có nghĩ là nó không chạy thoát.
Nhưng giờ đây, khi Kunta ngồi trên mép chòi, nhìn rộng ra khắp cánh đồng, tất cả đều ắng lặng. Dấu hiệu duy nhất của sự sống, trên thực tế, bên kia bãi cỏ cao, là ánh lửa vàng bập bùng của một mục đồng người Fulani ở phía xa, anh ta khoa bó đuốc cỏ khô để xua một con thú nào đó, có lẽ là một con linh cẩu, đang lảng vảng quá gần đàn bò của mình. Người Fulani chăn dắt gia súc khéo đến nỗi nhiều người cho rằng họ có thể nói chuyện thật sự với loài vật. Và Ômôrô đã từng kể cho Kunta là mỗi ngày, những người Fulani thường rút một ít máu ở cổ bò ra, trộn với sữa để uống, xem như một phần tiền công chăn dắt. Thật là một dân tộc kỳ lạ, Kunta nghĩ bụng: "Tuy không phải là nòi giống Manđinka, họ cũng gốc gác ở Gămbia như anh. Vậy những người - và phong tục - ở bên kia biên giới đất nước anh chắc hẳn còn kỳ lạ hơn biết bao nhiêu.
Trong vòng một tuần trăng sau khi cùng với Lamin đi săn vàng trở về, Kunta cứ háo hức muốn lên đường một lần nữa - mà lần này thì để làm một cuộc viễn du thật sự. Anh biết nhiều thanh niên khác cùng lứa kafô đang dự định du hành đến một nơi nào đó ngay sau khi thu hoạch lạc và mạch kê xong, nhưng không gã nào mạo hiểm đi xa. Còn Kunta thì muốn được nhìn thấy và đặt chân lên cái nơi xa xôi gọi là Mali, tại đó, trước đây khoảng ba, bốn trăm vụ mưa theo lời Ômôrô và các ông bác, thị tộc Kintê đã khởi lên. Theo anh nhớ, các ông tổ dòng họ Kintê đã nổi danh là những thợ rèn, những con người đã chinh phục lửa để làm ra những vũ khí bằng sắt từng giành thắng lợi trong nhiều cuộc chiến tranh và những công cụ sắt khiến cho công việc làm ruộng đỡ vất vả. Và từ cái gia đình Kintê ngọn nguồn đó, tất cả cháu con dòng dõi và tất cả những người làm việc cho họ đều lấy họ Kintê. Và một số người trong thị tộc ấy đã di truyền đến Moritanya, nơi chôn nhau cắt rốn của vị thánh nhân, ông nội Kunta.
Để cho không một người nào khác, kể cả Ômôrô, biết về dự định của mình trước khi công bố, Kunta đã hết sức bí mật thỉnh vấn Arafang, thăm dò con đường tốt nhất để đi đến Mali. Arafang vẽ một cái sơ đồ trên mặt đất, rồi, đưa ngón tay vạch theo đó, ông bảo Kunta rằng cứ đi theo bờ sông Kamby theo hướng cầu nguyện Chúa Ala độ sáu ngày thì sẽ tới đảo Xamô. Quá chỗ đó, dòng sông hẹp lại và quay ngoắt về bên phải, bắt đầu uốn khúc rồng rắn, với nhiều chi nhánh hỗn độn rẽ ngang, cũng rộng như sống chính, ven bờ lầy lội nhiều quãng không nhìn được vì những rặng đước dày đặc đôi chỗ mọc cao bằng đầu người. Chỗ nào nhìn thấy được bờ sông - thày giáo nói với anh - thường nhan nhản những khỉ, trâu nước, cá sấu to tương và hàng đàn khỉ đầu chó, mỗi đàn có tới dăm trăm con.
Nhưng hai hay ba ngày đi đường khó nhọc, như vậy sẽ đưa Kunta tới một hòn đảo lớn thứ hai, tại đó các bờ thấp, bùn lầy sẽ nhô lên thành những vách nhỏ rậm rì những bụi cây nhỏ. Con đường mòn ngoằn ngoèo theo dọc sông lúc này sẽ đưa anh qua các làng Banxang, Karantaba và Điabugu. Chẳng mấy chốc sau đó, anh sẽ qua biên giới phía đông của Gămbia và đi vào Vương quốc Fulađu, từ đó đi nửa ngày đường nữa sẽ tới làng Fatôtô. Kunta lấy trong túi săn ra một mảnh da thuộc mà Arafang đã đưa cho anh. Trên đó, có ghi tên một người bạn đồng nghiệp của Arafang; thầy bảo ông này sẽ chỉ dẫn cho Kunta về quãng đường từ mười hai đến mười bốn ngày tiếp theo, xuyên qua một vùng đất gọi là Xênêgal. Bên kia vùng này Arafang nói - là Mali và cái đích của Kunta, Kaba, địa điểm chính của đất này theo Arafang hình dung thì vừa đi vừa về phải mất khoảng một tuần trăng - chưa kể Kunta định ở lại Mali bao lâu.
Biết bao lần Kunta đã vẽ và nghiên cứu con đường ấy trên nền đất căn lều của mình - rồi lại xóa đi trước khi Binta mang cơm tới - đến nỗi anh hầu như có thể nhìn thấy nó hiện lên trước mặt trong khi ngồi trên chòi canh ở cánh đồng lạc lúc này. Nghĩ đến những phiêu lưu chờ đợi mình trên con đường ấy - và ở Mali - anh phải chật vật lắm mới kìm nỗi lòng hăm hở muốn ra đi. Anh cũng không kém hăm hở muốn nói với Lamin về kế hoạch của mình, không những vì muốn san sẻ điều bí mật riêng, mà còn vì anh đã quyết định đem thằng em đi theo nữa. Anh biết Lamin đã huênh hoang biết mấy về chuyến đi trước với anh trai. Từ đó đến nay, Lamin cũng đã trải qua rèn luyện trưởng thành và hẳn sẽ là một bạn đồng hành đáng tin cậy và giàu kinh nghiệm. Song lý do sâu xa nhất khiến Kunta quyết định mang nó đi chỉ đơn giản là anh cần có bầu bạn, Kunta phải thừa nhận thế.
Trong một lúc, Kunta ngồi trong bóng tối mỉm cười một mình, nghĩ đến bộ mặt của Lamin khi xét thấy đã đến lúc báo cho nó biết. Cố nhiên Kunta dự định đưa tin ấy ra một cách ngẫu nhiên, y như thể vừa mới chợt nghĩ đến thôi. Song trước lúc đó, anh phải nói với Ômôrô đã. Trên thực tế, anh chắc chắn rằng Ômôrô sẽ rất hài lòng và thậm chí cả Binta cũng sẽ đỡ bàng hoàng hơn trước, mặc dầu bà sẽ lo lắng. Kunta tự hỏi không biết có thể mang cái gì ở Mali về cho Binta để bà còn nâng niu quý báu hơn cả những cái lông đầy hạt vàng dạo trước. Có thể là mấy cái lọ độc bình quý hay súc vải đẹp; Ômôrô và các ông bác Kunta đã kể là các phụ nữ dòng họ Kintê ngày xưa ở Mali vốn nổi tiếng về tài nặn lọ và dệt những loại vải có họa tiết rực rỡ, cho nên có thể là phụ nữ dòng họ Kintê ở đó hiện vẫn còn làm những thứ đó.
Kunta nảy ra ý nghĩ là khi ở Mali trở về, anh sẽ vạch kế hoạch cho một chuyến đi khác vào vụ mưa sau. Thậm chí anh có thể du hành tới cái miền xa xăm bên kia những sa mạc bất tận, nơi mà các ông bác anh đã nói về hàng đoàn dài những con vật kỳ lạ chứa nước ở hai cái bướu trên lưng, Kalilu Contê và Xêtô Kêla có thể có những mụ góa già, xấu xí của chúng, còn anh, Kunta đây, anh sẽ làm cuộc hành hương đến tận đất thánh La Mêc. Tình cờ lúc đó mắt lại đăm đăm nhìn về hướng thành phố thần thánh ấy, Kunta chợt thấy một đốm lửa vàng nhỏ xíu, cháy đều đặn ở tít đầu đằng kia cánh đồng. Anh hiểu ra là gã mục đồng người Fulani ở đằng ấy đang nấu bữa điểm tâm. Kunta thậm chí không nhận thấy cả những tia sáng yếu ớt đầu tiên của rạng đông.
Với tay xuống nhặt vũ khí để về nhà, anh thấy cái rìu và nhớ đến việc lấy gỗ làm khung trống. Song anh nghĩ mình mệt rồi, có lẽ mai hẵng đốn gỗ. Không, anh đã đi được nửa đường tới rừng, nếu không làm luôn bây giờ, anh biết là có thể sẽ gác lại đến phiên gác sau, tức là mười hai ngày nữa. Vả lại, nhượng bộ sự mệt mỏi như vậy là không đáng mặt nam nhi. Cử động đôi chân để thử xem có bị chuột rút không và chẳng thấy cảm giác tê dại gì, anh tụt theo cây cột khoét nấc xuống đất, nơi con chó Uôlô đang đợi, sung sướng sủa nho nhỏ và vẫy đuôi. Sau khi quỳ xuống đọc kinh xuba, Kunta đứng dậy vươn vai, hít một hơi dài không khí mát mẻ và cất bước chạy tâng tâng về phía bờ sông.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cội rễ.