• 381

CHƯƠNG 7


Số từ: 1234
Nguồn: isach.info
Các trận mưa đã kết thúc, và giữa bầu trời xanh trong sáng và mặt đất ẩm ướt, không khí ngạt ngào mùi thơm của hoa và quả dại sum suê. Những buổi sáng sớm vang dội tiếng chày của phụ nữ giã kê, kiều mạch và lạc - không phải do thu hoạch vụ mùa chính mà là những hạt giống mọc sớm mà vụ gặt năm ngoái còn để sót lại trong lòng đất. Đàn ông đi săn mang về những con linh dương béo đẹp và sau khi chia thịt họ nạo và ướp da để phơi khô. Còn đàn bà thì bận bịu lượm những trái mangkanô chín đỏ mọng, rũ những nhành cây trên những tấm vải trải ở phía dưới và đem những trái đó phơi nắng trước khi đem giã để tách rời thứ bột futô ngon lành với hạt. Không một chút gì bị phí phạm. Đem ngâm và đun sôi với kê đã giã, những hạt này được nấu thành một thứ cháo ăn sáng ngọt lờ lợ mà Kunta và mọi người khác đều hoan nghênh, coi như một sự đổi món để thỉnh thoảng thay thế cái bữa sáng thường lệ bằng cháo mạch kê đặc.
Vì mỗi ngày đồ ăn thức uống một nhiều thêm, cuộc sống mới trào vào làng Jufurê một cách rõ ràng, trông thấy và nghe thấy được. Đàn ông bắt đầu đi lại nhanh nhẹn hơn, ra trại và ở trại trở về, hãnh diện kiểm tra mùa màng tươi tốt chẳng bao lâu sẽ có thể thu hoạch. Giờ đây, nước sông mùa lũ đang rút nhanh, cánh phụ nữ hàng ngày chèo xuồng đến khu đồng lầy nhổ nốt những đám cỏ cuối cùng mọc lẫn giữa những hàng lúa cao, xanh rờn.
Và làng xóm lại vang lên tiếng hò la, cười đùa của lũ trẻ trở lại nô nghịch sau mùa đói kém dài đằng đẵng. Những cái bụng giờ đây đầy thứ dinh dưỡng, những vết đau lở đã đóng vẩy và tróc đi, chúng đùa rỡn, nhào tới nhào lui như điên. Một hôm, chúng bắt được mấy con bọ hung, đem sắp thành hàng cho chạy thi và lấy que động viên con nào chạy nhanh nhất ra khỏi một vòng tròn vạch trong đống rác. Một hôm khác, Kunta và Xitafa Xila, thằng bạn đặc biệt của nó ở cạnh lều Binta, tiến công một gò đất, đào lên trục xuất lũ mối mù lòa, không có cánh, sống trong đó và ngắm nhìn chúng túa ra hàng nghìn con, cuống cuồng tháo chạy.
Đôi khi, bọn trẻ xua xục những con sóc nhỏ và rượt đuổi chúng vào tận rừng bụi rậm. Và bọn chúng không khoái gì hơn là vừa la thét vừa ném đá vào những bầy khỉ nhỏ lông nâu, đuôi dài, kéo nhau đi qua, có khi một vài con ném trở lại một hòn đá rồi mới quăng mình theo anh em chúng đang kêu chí chóe, lên những cành cây cao nhất. Ngày nào bọn trẻ con trai cũng đánh vật, túm lấy nhau, gầm gừ, giành từng miếng xoài ra rồi lại bật dậy bắt đầu keo khác, mỗi đứa đều mơ tới ngày trở thành một tay đô vật vô địch của làng Jufurê và được chọn đi dự những cuộc giao đấu kịch liệt với các kiện tướng các làng khác trong những dịp hội mùa.
Những người lớn đi ngang qua bất kỳ chỗ nào gần đám nhóc thường trịnh trọng làm ra vẻ không nhìn thấy hoặc nghe thấy gì, trong khi Xitafa, Kunta và những dứa cùng lứa tuổi gầm thét như sư tử, như voi và hầm hè như lợn rừng, hoặc trong khi bọn con gái - chơi nấu nướng, chăm chút những con búp bê và giã mạch kê - đóng vai những người mẹ, người vợ. Nhưng dù đang chơi hăng đến đâu, bọn trẻ cũng không khi nào thiếu tôn kính đối với mọi người lớn, sự tôn kính mà mẹ chúng đã dạy là bao giờ cũng phải bày tỏ với các bậc cha anh. Lễ phép nhìn thẳng vào mắt những người lớn, lũ trẻ hỏi: Kêrabê? (ông, hoặc bà, chú, bác, cô dì v.v… có được bằng an không ạ) và người lớn bèn đáp: Kêra dorong (vừa đủ, bằng an). Và nếu một người lớn chìa tay ra, lần lượt mỗi đứa trẻ phải đưa cả hai tay xiết chặt lấy, rồi đứng chắp lòng bàn tay lên ngực cho đến khi người lớn đó đi qua.
Việc dạy dỗ Kunta trong gia đình chặt chẽ đến nỗi nó cảm giác là nhất cử nhất động của nó đều khiến Binta bực dọc bật ngót tay tanh tách - nếu không phải là thực sự túm cổ và quất cho một chầu nên thân. Đang ăn mà Binta bắt được cu cậu để mắt vào cái gì khác ngoài thức ăn của mình là y rằng nó xơi liền một cái củng vào đầu. Và nếu sau một ngày chơi đùa miết, trở về lều mà không rửa sạch từng vết lấm bẩn trên mình, là Binta liền vớ lấy búi cây khô lởm chởm dùng thay đá kỳ và bánh xà phòng nhà làm lấy, cọ cho Kunta khiến nó tưởng như sắp bị lột da.
Hễ có giương mắt nhìn chòng chọc vào mẹ, hay bố, hay bất kỳ người đứng tuổi nào khác là ăn một cái tát ngay tắp lự, ý như nó phạm cái tội không kém nghiêm trọng là ngắt quãng câu chuyện của bất cứ người lớn nào. Và đối với nó, nói bất cứ điều gì ngoài sự thật là chuyện không thể tưởng tượng được. Vì xem ra nó chẳng bao giờ có lý do gì để nói dối, nên nó không khi nào làm thế.
Mặc dù Binta dường như không cho là thế, Kunta vẫn cố hết sức là một chú bé ngoan và sớm bắt đầu thực hành những bài học giáo dục gia đình với những đứa trẻ khác. Khi trong bọn chúng, có chuyện bất hòa, như vẫn thường xảy ra luôn - đôi khi phát triển đến mức nặng lời nhiếc móc nhau và bật ngón tay tanh tách vào mặt nhau - Kunta bao giờ cũng quay lưng và đi khỏi, tỏ rõ cái tư cách và sự tự chủ mà mẹ nó đã dạy là những đặc điểm đáng tự hào nhất của bộ lạc Manđinka.
Nhưng hầu như đêm nào Kunta cũng bị phát vào đít vì giở một trò gì xấu với đứa em trai nhỏ - thường thường là nạt em bằng cách gầm gừ dữ tợn hoặc bò bốn chân như con khỉ đầu chó, mắt long xòng xọc và giậm giậm nắm tay xuống đất như hai chân trước đầy móng vuốt của thú rừng. "Tao thì đưa bọn tubôp đến bây giờ!" Binta thường rít lên như vậy với Kunta những khi nó khiến chị mất hết kiên nhẫn nổi xung lên, làm Kunta sợ hết vía, vì các bà già thường hay nói đến những tên da trắng lông lá xồm xoàm, mặt đỏ bự, bộ dạng kỳ lạ, có những chiếc xuồng lớn vẫn lén đến bắt người mang đi khỏi nhà.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cội rễ.