• 381

CHƯƠNG 98


Số từ: 3633
Nguồn: isach.info
Bốn tuần sau, chiếc xe tải mới đã sẵn sàng giao cho người nhận ở Grinxborâu. Ông chủ đặt đóng nó thật hợp lý biết bao, Joóc-Gà ngẫm nghĩ trong khi hai thầy trò đi xe đến đó, vì họ cần đến Niu Oliânz, không phải trong cái mớ tùm hum xộc xệch cũ kỹ này, mà là trong cỗ xe tải đẹp nhất có thể bỏ tiền ra mua được - xứng hợp với một người chơi gà cự phách và tay luyện gà của ông ta. Cũng vì lý do ấy, trước khi rời Grinxborâu, anh phải vay ông chủ một đôla rưỡi để mua một chiếc mũ quả dưa đen mới cho hợp với chiếc khăn quàng xanh lục mới mà Matilđa đan đã gần xong. Anh cũng sẽ làm sao đảm bảo chắc chắn để Matilđa gói ghém cả hai bộ complê xanh và vàng, bộ dây đeo quần đỏ đẹp nhất, nhiều sơ mi, quần bít tất và mùi xoa, vì sau cuộc đấu, anh biết mình cần phải tốt mã khi mò ra tỉnh.
Trong mấy phút sau khi đến cửa hàng đóng xe, đứng ngoài chờ, Joóc bập bõm nghe thấy tiếng đôi co từ sau cánh cửa đóng kín. Anh biết ông chủ đã khá lâu để có thể đoán trước như thế, nên anh chả buồn nghe làm gì; anh đang quá bận bịu trong đầu, lựa lọc các nhiệm vụ anh phải lo liệu ở nhà, trước khi lên đường. Công việc gay nhất anh biết - là loại thêm bảy con gà trong số mười chín con mẫu mực tuyệt vời mà anh đã luyện cho những ngón sắc sảo để giết tươi đối thủ. Trong xe chỉ có chỗ cho mười hai con và chọn chúng là một thử thách không những với óc xét đoán của anh và của ông chủ, mà đối với cả sự phán định của bác Mingô nay đã lại đỡ, đi ra đi vô, dạo quanh được, vẫn chua chát và ác khẩu như bao giờ.
Bên trong cửa hàng, giọng mexừ Liơ đã cất cao thành tiếng la lối: sự chậm trễ không thể tha thứ được trong việc hoàn thành chiếc xe đã làm ông tốn tiền, cái đó phải khấu trừ vào giá. Người chủ hiệu quát lại rằng y đã thúc công việc nhanh hết mức và đáng lý giá phải cao hơn vì phí tổn về vật liệu đã tăng lên cùng những đòi hỏi quá quắt về lương lậu của bọn thợ da đen tự do. Nghe đoạn này Joóc-gà đoán rằng thực ra ông chủ không đến nỗi cáu như vẻ bề ngoài, mà chỉ thăm dò người chủ hiệu xe xem có thể cò kè bớt đi được ít ra là mấy đôla hay không.
Sau một lát, xem chừng trong nhà đã đi đến một kết quả gì đó và dường như đã kết thúc và chẳng mấy chốc mexừ Liơ cùng người chủ hiệu xe đi ra, mặt còn đỏ gay, nhưng giờ đây đã cư xử và trò chuyện một cách hữu hảo. Người thương gia gọi to về phía sau cửa hiệu và mấy phút sau, bốn người da đen ì ạch xuất hiện, gần như gập đôi người, kéo theo sau lưng chiếc xe tải mới nặng nề đóng theo kích thước đã đặt. Joóc tròn xoe mắt trước tay nghề tinh xảo và vẻ đẹp của chiếc xe. Anh có thể cảm thấy sức mạnh trong thân và khung gỗ sồi của nó. Ở khúc giữa thùng xe dài một cách bề thế, nhô lên những chóp của mười hai cái chuồng tháo lắp được. Các trụ xe bằng sắt và trục bánh xe rõ ràng là rất cân và được tra dầu mỡ trơn tru vì mặc dầu xe vừa to vừa nặng, anh không hề nghe tiếng cót két hoặc thậm chí tiếng cọ sát nào cả. Anh cũng chưa từng thấy mặt mexừ Liơ nở một nụ cười như thế này bao giờ.
"Đây là một trong những xe oách nhất mà chúng tôi từng sản xuất!" người chủ hiệu xe thốt lên. "Đẹp đến nỗi gần như tiếc không muốn đi!" Một cách cởi mở, mexừ Liơ nói: "Ờ, nó sắp sửa phải lăn bánh trên một chặng đường dài đấy!". Người chủ hiệu xe lắc đầu: "Niu Ôliânz! Một chuyến đi dài sáu tuần lễ đấy. Ai sẽ cùng đi với ông?"
Mexừ Liơ quay lại, khoát tay về phía Joóc-Gà đang ngồi trên ghế xà ích của chiếc xe cũ. "Tên nhọ kia của tôi và mười hai con gà."
Đón trước mệnh lệnh của ông chủ, Joóc-Gà nhảy xuống và quay lại tháo dây buộc đôi la thuê mà họ rong theo, rồi dẫn chúng đến chỗ chiếc xe tải mới. Một trong bốn người thợ da đen giúp anh thắng la vào xe, và quay lại nhập bọn với những người kia, họ không chú ý gì đến Joóc-Gà nữa, cũng như anh chẳng buồn quan tâm đến họ; nói cho cùng, họ là những người da đen tự do mà mexừ Liơ thường nói là ông thấy gai mắt không chịu nổi. Sau khi đi vòng quanh chiếc xe mấy lần với cặp mắt long lanh và bộ mặt nở rộng một nụ cười, ông chủ bắt tay người chủ hiệu xe, cảm ơn lão và hãnh diện leo len ghế ngồi. Miệng chúc ông may mắn, người chủ hiệu xe đứng đó lắc lư đầu thán phục công trình của chính mình, trong khi mexừ Liơ dẫn đầu ra khỏi khu đất, với Joóc-Gà theo sau trong chiếc xe cũ.
Trên quãng đường dài đánh xe về nhà - chiếc mũ quả dưa mới đặt trên ghế bên cạnh mình, cùng với đôi ghệt dạ sang trọng màu xám đã làm anh hụt đi một đôla - Joóc nhẩm nốt trong đầu danh sách những việc anh phải lo liệu trước khi đi Niu Oliânz và bắt đầu nghĩ đến những thứ cần làm để đảm bảo cho mọi sự vẫn trôi chảy trong khi họ đi xa. Tuy biết rằng vắng anh, việc nhà sẽ khó khăn, anh vẫn tin rằng Matilđa và Kitzi sẽ đủ sức đảm đương nhiệm vụ; và mặc dù bác Mingô không còn tháo vát lanh lợi như trước nữa, mỗi năm một thêm lẫn cẫn, Joóc vẫn chắc chắn rằng ông lão có thể chăm nom đàn gà chu toàn cho đến khi anh trở về. Nhưng anh biết, anh sẽ cần một sự trợ lực lớn hơn khả năng đang suy của bác Mingô.
Dù thế nào di nữa, anh cũng phải tìm cách vượt được sự mù lòa của vợ và mẹ mình trước cái cơ hội hiếm có mà anh cảm thấy có thể mở ra cho cu Vơjơl, nhất là vì thằng bé đã gần sáu tuổi, chẳng bao lâu sẽ phải bắt đầu ra làm đồng. Trong lúc vắng nhà, anh đã nảy ra ý nghĩ là có thể giao cho Vơjơl giúp bác Mingô trông nom đàn gà - rồi cứ tiếp tục công việc sau khi họ trở về, đơn giản thế thôi - song anh vừa nêu ý kiến đó ra, Matilđa đã đùng đùng phản đối: "Vậy thì để ông chủ mua đứa nào mà giúp bác í!" và Kitzi gay gắt xen vào: "Dững con gà í đã đánh cắp đi của gia đình này khá đủ rồi!" Không muốn để xảy ra một cuộc xung đột mới với họ, anh không cố ép, nhưng nhất định không muốn thấy ông chủ có thể mua một người nào đó hoàn toàn xa lạ để đột nhập vào địa phận riêng của anh và bác Mingô.
Tuy nhiên, ngay cả nếu ông chủ không dại gì mà đưa một người ngoài vào, Joóc cũng chưa dám chắc là bác Mingô có chấp nhận để Vơjơl giúp việc hay không, ông lão dường như ngày càng buồn bực từ khi gã phụ tá phát triển một quan hệ gần gũi với ông chủ hơn chính bản thân bác. Mới gần đây thôi, cay đắng vì nỗi không được phép cùng đi Niu Oliânz với họ, bác Mingô đã nói rằng: "Mầy mấy ông chủ ngỡ có thể giao cho tau nuôi gà trong khi thầy trò mầy đi hả?" Joóc ước sao bác Mingô hiểu cho rằng anh không dính gì vào những quyết định của ông chủ cả. Đồng thời, anh tự hỏi tại sao ông già lại không đơn giản nhìn thẳng vào cái thực tế là vào cái tuổi ngoài bảy mươi, ông chả còn hơi sức đâu mà đi ròng rã sáu tuần lễ, bất kể về hướng nào, gần như chắc chắn là bác sẽ ốm gục ở một quãng nào đó, đẻ thêm bao nhiêu vấn đề rắc rối cho anh và ông chủ. Joóc hết lòng ước ao sao biết được cách làm cho bác Mingô đỡ khổ sở hơn về chuyện này hoặc ít ra cũng thôi đừng đổ tội cho anh về mọi sự nữa.
Cuối cùng, hai cái xe rẽ khỏi đường cái lớn và lăn bánh xuôi theo lối vào đồn điền. Gần tới đại sảnh, anh ngạc nhiên thấy bà Liơ ra cửa trước và bước xuống bậc thềm. Lát sau, từ cửa sau, Malizi ló ra. Rồi anh trông thấy Matilđa cùng các con, mẹ Kitzi, cô Xerơ và bác Pompi hối hả từ các lều chạy tới. Cả bọn họ làm gì ở đây, vào chiều thứ năm - Joóc tự hỏi - trong khi đáng lẽ phải ở ngoài đồng? Phải chăng họ háo hức muốn xem cỗ xe mới, đẹp đẽ, đến nỗi sẵn sàng liều mạng chịu cơn nổi giận của ông chủ. Rồi anh trông thấy vẻ mặt họ và biết không một ai quan tâm gì đến bất cứ một cái xe mới nào.
Khi thấy bà Liơ tiếp tục bước tới chiếc xe của ông chủ, Joóc ghìm cương dừng xe mình lại và, từ chiếc ghế xà ích cao, vươn người ra đằng trước để nghe cho rõ hơn những điều bà nói với ông chủ. Joóc thấy người ông chủ giật nhổm lên thẳng đứng, trong khi bà chủ chạy trở lại phía nhà. Sững sờ, Joóc nhìn mexừ Liơ từ chiếc xe mới trèo xuống và chậm rãi, nặng nề bước lộn lại phía anh. Anh thấy bộ mặt tái nhợt đi vì xúc động đột ngột - và anh chợt hiểu ra! Câu nói của ông chủ vẳng tới anh như từ một chốn xa: "Mingô chết".
Sụp xuống tựa mạng sườn vào chiếc ghế xe, Joóc khóc tu tu lên như chưa từng khóc thế bao giờ. Anh chỉ mơ hồ cảm thấy ông chủ và bác Pompi gần như đánh vật để đỡ anh xuống đất. Rồi bác Pompi một bên, và Matilđa bên kia dìu anh về xóm nô, những người khác xung quanh thấy anh đau buồn thế lại khóc. Matilđa xốc anh loạng choạng vào trong lều, theo sau là Kitzi bế đứa bé.
Khi anh đã trấn tĩnh lại, mọi người bèn kể cho anh nghe điều đã xảy ra. "Anh với ông chủ đi sáng thứ hai." Matilđa nói, "và đêm í ở đây không ai ngủ yên. Tuồng dư sáng thứ ba, tất cả thức giấc cảm thấy dư nghe rõ hàng tràng cú rúc chó sủa. Thế rồi nghe thấy tiếng kêu thét…"
"Đấy là Malizi!" Kitzi thốt lên. "Lạy Chúa, bà í gào thiệt dữ! Bọn tui ào ra chỗ bà í đi cho lợn ăn. Và bác ta nằm đây, tội nghiệp cái linh hồn già sõng sượt trên đường cái, nom dư một đống giẻ!"
Lúc ấy, bác vẫn còn sống - Matilđa nói - nhưng "chỉ một bên miệng bác í động đậy. Em quỳ sụp ngay xuống ghé sát vào, chỉ hơi đoán ra lời bác í thì thào. "Chắc tui bị đột quỵ" bác biểu thế, "Giúp tui trông đàn gà… Tui không thể…".
"Lạy Chúa thương xót, không ai biết làm như thế nào cả!" Kitzi nói, nhưng rồi bác Pompi cố bế cái hình hài mềm oặt mà nặng nề lên. Bác không đủ sức và mọi người xúm lại, cuối cùng kéo được bác Mingô về xóm nô, đặt lên giường bác Pompi:
"Joóc ạ, bác í đã thúi dữ, sực mùi ốm trên người!" Matilđa nói. "Bọn tui bắt đầu quạt mặt bác í và bác í tiếp tục thì thào… dững con gà… tui phải quay về…"
"Bây giờ Malizi mới chạy đi thưa mấy bà chủ." Kitzi nói, "bà í đến, vặn vẹo tay, kêu khóc, làm bù lu bù loa lên! Dưng đâu phải là vì ông anh Mingô của tôi! Không! Tiên chưng bà í với hò rằng phải cắt ai xuống chỗ lũ gà kẻo ông chủ lên cơn mất! Thế là Matilđa gọi Vơjơl…"
"Rành là em chả xuống thế đâu!" Matilđa nói, "Anh biết ý em thế nào về chuyện í rồi đấy. Một người trong nhà ở dưới í với lũ gà là đủ rồi. Mấy lị, em đã nghe nói nào chó lạc, nào cáo, thậm chí là cả mèo rừng, lảng vảng tìm cách ăn thịt gà! Dưng mà Chúa phù hộ lái tim thằng bé! Nó sợ xanh mắt, dưng mà nó nói: "Mẹ ạ, con đi, con chỉ không biết làm thế nào thôi!" Bác Pompi bèn lấy một túi ngô mà rằng: Trông thấy con nào, cháu cứ ném một nắm này cho nó, rồi hễ lúc nào có thể, ông xuống đấy ngay…"
Vì không có cách nào nhắn được tới anh và ông chủ, trong khi Xerơ thì e rằng bệnh tình bác Mingô đã vượt quá giới hạn các thứ rễ cây của bà có thể chữa khỏi và thậm chí bà chủ cũng không biết xoay sở ra sao để tìm được bất kì một ông bác sĩ nào, nên bọn tui không thể làm gì khác, ngoại trừ chờ thầy trò anh về", họ nói với anh. Matilđa bỗng khóc và Joóc với tay ra nắm lấy tay cô.
"Nó khóc là vì lúc bọn tui quay về lều bác Pompi sau khi thưa chuyện bà chủ, thì bác Mingô đi rồi." Kitzi nói. "Lạy Chúa! Chỉ nhìn bác một cái là biết!" Lúc này chính bà cũng nức nở. "Tội nghiệp cái linh hồn già, chết thui thủi một mình!"
Khi bà Liơ được báo, Matilđa nói. "bà í bắt đầu la rầm lên rằng bà í thật chả biết làm thế nào mấy những người chết cả, chỉ nghe ông chủ nói là nếu giữ hơn một ngày là bắt đầu thối rữa. Bà í biểu khi thầy trò anh về thì đã quá hạn í lâu rồi, cho nên bà biểu bọn tui phải đào một cái hố…"
"Lạy Chúa!" Kitzi thốt lên. "Bên dưới rừng liễu đất khá mềm. Bọn tui lấy xẻng, bác Pompi mấy cả bọn lền bà chúng tui đào đào bới bới, luân phiên nhau mỗi người một lần, cho đến khi được một cái hố vừa để đặt bác í vào. Bọn tui quay về, rồi bác Pompi mới tắm rửa cho bác í."
"Bác Pompi bôi lên người bác í một ít sáp lixêrin cô Malizi xin của bà chủ", Matilđa nói " rồi rẩy lên ít nước hoa, thứ anh mang về cho em năm ngoái í mà".
"Chả có quần áo lành lặn tử tế mà mặc cho bác í", Kitzi kể tiếp, "cái bộ bác í đang mặc thì hôi quá, còn bác Pompi có lèo tèo mấy cái thì cái nào cũng quá chật, thành thử đành chỉ quấn bác í trong hai tấm khăn trải giường". Sau đó, bà nói, bác Pompi đã chặt hai cành cây xanh thẳng, trong khi đám phụ nữ tìm được số ván cũ và họ làm một cái cáng. "Về bà chủ, phải nói rằng khi bà í trông thấy bọn tui tất cả xúm lại khiêng bác í đến huyệt", Matilđa nói "thì bà í đã chạy đến với quyển Kinh Thánh nhà họ. Khi bọn tui đưa bác í đến đấy, bà í đọc mấy đoạn trong Thi Thiên, rồi em cầu nguyện, xin Thượng đế cứu rỗi cho linh hồn cụ Mingô an nghỉ… Thế rồi mọi người đặt thi thể xuống huyệt và lấp đất lên".
"Bọn tui đã lo cho bác í tốt đẹp nhất với sức mình có thể làm! Anh muốn bực thì mặc anh". Matilđa lớn tiếng, hiểu lầm vẻ đau đớn trên mặt chồng.
Níu lấy và ghì chặt vợ, anh cất giọng khàn khàn; "Chẳng ai bực giận cả…" Xúc động làm anh nghẹn lại không diễn đạt nên lời nỗi giận dữ với bản thân mình và ông chủ đã không có mặt ở đây sáng nay. Biết đâu họ chẳng có thể làm được chút gì khả dĩ cứu được bác.
Lát sau, anh rời khỏi căn lều, ngẫm nghĩ về chuyện chính những người vẫn nói ra miệng là không ưa Mingô, đã tỏ ra xiết bao quan tâm, lo lắng và thậm chí yêu thương đối với bác. Nom thấy bác Pompi, anh bước tới, riết chặt tay bác và hai người nói chuyện một lát. Bác Pompi cũng gần bằng tuổi bác Mingô; bác nói là bác vừa ở khu gà chọi về, để cu Vơjơl ở lại đó trông gà. "Cháu có thằng con trai ngoan lắm, rành là thế!" Rồi bác bảo "Khi nào cháu xuống đấy, vì rằng giời không mưa, cháu vẫn có thể thấy cái vệt ngoằn ngoèo trên bụi đường là dấu của ông anh Mingô lết mình trong đêm tối suốt từ đấy đến đây".
Joóc không muốn nhìn thấy cái đó. Chia tay với bác Pompi, anh chậm rãi bước tới rặng liễu. Phải mất một lúc, anh mới nhìn thẳng vào nắm đất mới đắp lên. Đi quanh quẩn như trong một cơn choáng, nhặt mấy hòn đá, anh xếp thành một hình trang trí quanh mộ. Anh cảm thấy mình không xứng đáng.
Để tránh cái vệt do bác Mingô để lại trên lớp bụi đường, anh đi tắt qua một cánh đồng đầy thân ngô gẫy đến khu gà chọi.
"Con đã làm một việc tốt, con trai ạ. Bi giờ, con đi về mấy mẹ thì hơn". Anh nói, bàn tay thô kệch vỗ vỗ đầu Vơjơl, làm thằng bé sướng rơn với lời khen đầu tiên của bố. Sau khi nó đi rồi Joóc ngồi xuống và mắt trừng trừng nhìn vào khoảng không, đầu óc lộn xộn những cảnh từ mười lăm năm nay, lắng nghe những vang vọng của con người vừa là thầy vừa là bạn, gần gũi anh nhất từ xưa đến nay, tựa hồ một người cha. Anh gần như nghe thấy cái giọng rạn vỡ ấy quát tháo ra lệnh, dịu xuống khi nói chuyện chọi gà, chua chát phàn nàn về nỗi bị gạt ra rìa. "Mầy mấy ông chủ ngỡ có thể giao cho tau nuôi gà trong khi thầy trò mầy đi hả?" Joóc cảm thấy mình ngợp chìm trong hối hận.
Những câu hỏi đến với anh: Bác Mingô ở đâu trước khi mexừ Liơ mua bác? Gia đình bác có những ai? Bác chẳng bao giờ nhắc đến người thân nào. Liệu bác có vợ con ở một nơi nào không? Joóc là người gần gũi bác nhất trên đời này, vậy mà anh biết quá ít về con người đã dạy anh mọi điều anh biết.
Joóc-Gà dạo bước: Lạy Chúa, đâu rồi, ông bạn già dáng đi lóng ngóng đã bao lần cùng anh giẫm gót lên từng tấc đất của nơi quen thuộc này?
Anh ở lại đó một mình suốt ngày và đêm hôm sau. Sáng thứ bảy, mexừ Liơ mới xuất hiện. Mặt ngơ ngác và u ám, ông đi thẳng vào vấn đề: "Tao nghĩ hết nước hết cái rồi. Trước hết, cứ đốt phăng cái lều của Mingô đi. Đó là cách tốt nhất để thanh toán chuyện này".
Mấy phút sau, họ đứng nhìn những ngọn lửa thiêu trụi căn nhà gỗ nhỏ đã từng là mái ấm che cho bác Mingô trong hơn bốn mươi năm trời. Joóc-Gà cảm thấy là ông chủ còn nghĩ một điều gì khác trong đầu, song khi ông nói ra, anh có phần bị bất ngờ.
"Tao đã nghĩ về chuyện đi Niu Oliânz", ông chủ nói, "Có quá nhiều bất trắc, trừ phi mọi cái được thu xếp ổn thỏa…" Ông nói chậm rãi, gần như là chuyện trò với bản thân. "Ta không thể đi mà không có ai trông nom gà ở nhà. Tìm người thì mất thì giờ quá, có khi lại phải dạy nghề nó nữa. Tao đi một mình thì không được rồi, phải lái xe ngần nấy đường đất, rồi lại còn chăm sóc mười hai con gà nữa. Đi dự chọi gà mà không nhằm mục đích thắng cuộc thì còn nghĩa lý quái gì. Bây giờ mà cứ đi thì chỉ là điên rồ…"
Joóc-Gà nuốt khan đánh ực. Ngần ấy tháng trời chuẩn bị…ngần ấy tiền ông chủ phải chi tiêu…bao nhiêu hy vọng của ông chủ nhằm lọt được vào giới chọi gà ưu tú nhất của miền Nam… những con gà luyện tuyệt vời đến thế để đánh bại bất kỳ đối thủ có cánh nào. Nuốt đánh ực lần thứ hai, anh nói: "Vâng, thưa ông chủ".
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cội rễ.