• 546

Chương 14


Số từ: 1356
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ
Nói đi coi hát với Lan Anh là Quỳnh nói chọc tôi chơi chứ tối đó cô bé ở nhà.
Tôi qua chơi, thấy Quỳnh và Trâm đang ngồi học bài.
Quỳnh đang học Pháp Văn, gặp chỗ bí, day qua nhờ Trâm giảng. Lúc tôi bước vào, hai chị em đang ngồi châu đầu trên cuốn tập, cãi qua cãi lại, không ai chịu ai.
Thấy tôi, Trâm ngoắc:
- Anh Chương lại làm trọng tài giùm đi ! Con Quỳnh nó cãi dai quá !
Tôi dòm vô cuốn tập của Quỳnh. Đó là bài tập analyse.
Hai chị em đang cãi nhau về vai trò của chữ où trong câu thơ của Victor Hugo: "À l'heure où l'homme dort ...". Quỳnh bảo nó là adverbe. Đúng là cô bé chẳng hiểu gì hết. Trâm khá hơn, biết nó là pronom relatif nhưng thay vì complément de temps, Trâm lại bảo nó là complément de lieu !
Tôi liếc Quỳnh. Cô bé nhìn tôi bằng ánh mắt dò hỏi.
Tôi mỉm cười, tuyên bố: Trâm được 6 điểm, Quỳnh 3 điểm ! Lẽ ra Quỳnh đã bị điểm 0 nhưng vì cô bé thuộc ... đối tượng ưu tiên nên tôi vớt thêm 3 điểm.
Sau đó tôi bắt đầu giảng giải.
Nghe tôi giảng, Trâm hích tay Quỳnh:
- Tao nói đúng được phân nửa, 6 điểm là phải ! Còn mày nói trật lất, lại thêm tội cãi bướng, lẽ ra phải ăn hai con dê-rô mới đúng !
Rồi thình lình nó day qua tôi:
- Phải vậy không anh Chương ?
Cái kiểu hỏi "bắt bí" này của Trâm bao giờ cũng khiến tôi lúng túng. Nhưng lần này Quỳnh đã cứu tôi.
Phớt lờ sự châm chọc của bà chị quỉ quái, cô bé đẩy cuốn tập đến trước mặt tôi, hỏi:
- Còn câu này nghĩa là gì, anh Chương ?
Tôi nhìn vào tập: il naquit et grandit dans un village ...
- Nghĩa là, tôi nói, ông sinh ra và lớn lên trong một làng ...
- Naquit là sinh ra ?
- Ừ, đó là passé simple của động từ naitre.
Tối đó tôi ngồi suốt buổi để chỉ cho Trâm và Quỳnh học. Càng chỉ, tôi càng nhận ra hai chị em mất căn bản trầm trọng về môn Pháp văn. Hỏi ra mới biết từ hồi những lớp dưới, lúc bác Tám trai bị tù, mấy chị em phải cùng mẹ chạy vạy, xoay xở, buôn gánh bán bưng nên học hành chẳng ra ngô ra khoai gì. Bây giờ muốn đi học thêm thì lại không đủ tiền.
Trâm và Quỳnh ù ù cạc cạc, tôi dạy một lúc, thấy mệt phờ.
Cuối cùng, tôi gấp cuốn tập lại, thở ra:
- Thôi nghỉ đi ! Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ kèm Trâm và Quỳnh lại từ đầu !
Mặt Quỳnh rạng rỡ hẳn lên:
- Anh Chương nói thật chứ ?
- Thật.
- Em học dốt, anh không cốc đầu chứ ?
- Cốc ! - Tôi cười.
Quỳnh vùng vằng:
- Vậy em không học nữa đâu !
Trâm hỏi:
- Có đóng tiền không ?
- Không ! - Tôi đáp.
Nó trố mắt:
- Sao lại không ? Dạy tôi và con Quỳnh học, đúng ra anh phải đóng tiền chứ !
Con nhỏ này nó nói ngang như cua. Nhưng không phải không có lý. Rõ ràng ý nó muốn trêu tôi.
Nghe tôi nhận kèm cho Trâm và Quỳnh học, ba mẹ Quỳnh rất mừng. Dì dượng tôi cũng chẳng có ý kiến gì.
Học chung với Trâm và Quỳnh, còn có cả chị Kim. Chị bảo học cho vui. Vả lại làm nghề bán thuốc Tây, chị cũng muốn ôn lại tiếng Pháp để đọc toa thuốc.
Trước nay muốn đi học thêm không được, nay gặp ông thầy nhiệt tình qua dạy tận nhà, mấy chị em học rất chăm chỉ.
Tôi làm thầy, vừa giảng bài vừa ... liếc học trò.
Mỗi lần bắt gặp đôi mắt lúc nào cũng long lanh và đầy vẻ ngạc nhiên của Quỳnh ngước lên, lòng tôi lại mềm đi trong một cảm giác dễ chịu và lời giảng bài cũng trở nên dịu dàng và ấm áp hơn. Vào những lúc đó, tôi hiểu rằng sau này, mãi mãi sau này, tôi khó lòng say mê một đôi mắt nào khác.
Thoạt đầu, tôi kèm mấy chị em một tuần ba buổi tối. Về sau, tối nào tôi cũng qua. Thật khó mà biết được nhu cầu dạy của tôi và nhu cầu học của ba chị em Quỳnh, cái nào mạnh hơn.
Những buổi học vui vẻ và thân mật đó thường kết thúc bằng hương vị ngọt ngào của chè, trái cây hoặc bánh kẹo - thường là kẹo đậu phộng bởi vì gia đình bác Tám biết tôi rất thích thứ kẹo này.
Tôi thường ngồi nhai kẹo và tán gẫu với "học trò" cho đến khi cả nhà đi ngủ hết, chỉ còn có Trâm và Quỳnh ngồi lại. Lúc đó tôi mới đứng dậy cắp sách ra về.
Từ lâu, gia đình Quỳnh đối với tôi đã trở thành thân thuộc. Những buổi dạy kèm càng khiến cho mối quan hệ giữa gia đình Quỳnh như là gia đình của mình. Và tôi cảm thấy điều đó rất tự nhiên. Ngược lại, ba má Quỳnh cũng coi tôi như con. Chị Kim coi tôi như em. Thằng Tạo coi tôi như anh. Trâm có lẽ cũng coi tôi như anh. Chỉ có Quỳnh, nhân vật quan trọng nhất, coi tôi như ... thứ gì thì tôi lại không biết ! Chừng nào em mới nói cho anh biết em coi anh là gì của em, Quỳnh ơi ?
Nhưng Quỳnh chưa kịp nói thì mẹ Quỳnh đã nói trước.
Một hôm, dì tôi kêu tôi, nói:
- Bác Tám gái bảo cháu dễ thương, hiền lành, tốt bụng, lại sống xa gia đình, ý bác muốn nhận cháu làm con nuôi, cháu có bằng lòng không ?
Lời đề nghị bất ngờ của bác Tám làm tôi rất cảm động. Tôi hỏi lại dì tôi:
- Dì nghĩ sao ?
- Theo dì thì điều đó cũng tốt. Gia đình bác Tám là gia đình nề nếp, mấy đứa nhỏ cũng ngoan. Nhưng quyết định là do cháu.
Thấy tôi ngần ngừ, dì tôi lại hỏi:
- Cháu không chịu phải không ?
Tôi ấp úng:
- Không phải không chịu nhưng nếu cháu làm con nuôi bác Tám thì mối quan hệ giữa cháu và chị Kim, Trâm, Quỳnh, Tạo sẽ như thế nào ?
- Thì là anh chị em. Anh chị em nuôi !
- Nếu là anh em nuôi thì sau này lấy nhau được không ?
Dì tôi trợn mắt:
- Đâu có được ! Mà sao cháu lại hỏi vậy ?
Tôi đỏ mặt, không trả lời.
Dì tôi nhìn tôi dò xét:
- Cháu thích đứa nào bên đó phải không ?
Tôi vẫn im lặng.
Dì tôi lại hỏi, giọng dịu dàng:
- Trâm phải không, cháu ?
Tôi lắc đầu. Chẳng hiểu dì tôi căn cứ vào đâu mà nghĩ tôi thích Trâm. Chắc là dì thấy nó bằng tuổi với tôi. Trâm chuyên át giọng tôi, sống với nó, chắc nó quay tôi như quay dế.
Dì tôi gật gù:
- Vậy là cháu thích Quỳnh !
Lần này tôi cũng im re không đáp. Nhưng thấy tôi không lắc đầu, dì tôi biết tôi đã "nhận tội".
Dì tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi:
- Cháu lớn rồi, chuyện đó cũng tự nhiên thôi ! Miễn sao đừng để ảnh hưởng đến việc học tập !
Dì tôi đem chuyện đó nói với mẹ Quỳnh. Bác Tám gái chẳng tỏ ý gì cấm cản. Bác chỉ nói đợi tôi học xong đại học rồi tính.
Từ khi nghe dì tôi thuật lại như vậy, lúc nào tôi cũng mong chóng đến ngày ra trường.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Còn Chút Gì Để Nhớ.