• 546

Chương 26


Số từ: 1504
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ
Nhưng dù thế giới buồn tẻ hay vui nhộn, con người ta cũng cần phải có cơm để ăn. Tôi lại đang gặp khó khăn về chuyện đó.
Những tháng đầu tiên sau giải phóng, mẹ tôi còn gởi tiền cơm vào cho tôi nhưng thời gian gần đây thì ngưng hẳn. Tôi biết gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Ba tôi vắng nhà, mẹ tôi một mình nuôi sáu đứa con hẳn là vất vả, gian nan, nhất là từ trước đến nay mẹ tôi chỉ biết trông nom nhà cửa, con cái, đâu có quen cày cuốc như công việc hiện nay.
Dượng tôi vẫn đi làm ở cơ quan cũ, dì tôi công tác ở hội phụ nữ, trong nhà chẳng dư dả gì. Do đó, tôi luôn cảm thấy áy náy về tình trạng "ăn theo" của mình.
Thường thường để nhẹ gánh cho gia đình dì tôi, tôi chỉ ăn cơm ở nhà bữa tối. Còn bữa trưa, tôi ăn ké với mấy đứa bạn trong trường.
Đứa nào muốn ăn cơm tập thể thì mua phiếu. Tới bữa, cứ gom đủ bốn phiếu, bếp ăn phát một mâm. Khi lãnh cơm, thay vì lấy bốn cái chén, thằng Bảo lấy dư ra một cái cho tôi ăn ké.
Tôi sống như vậy được một tuần thì Kim Dung can thiệp.
Kim Dung cũng ở lại trường buổi trưa nhưng nó ăn cơm trong lon guigoz đem theo. Trong khi đám con trai tụi tôi xúm xít ở nhà ăn tập thể thì Kim Dung và mấy đứa con gái khác ngồi dựa lưng vô cột, giở cơm ra ăn.
Một buổi trưa, lúc tôi chuẩn bị đi ăn với tụi thằng Bảo thì Kim Dung ngoắc tôi:
- Ông lại đây tôi nhờ cái này chút !
Tôi bước lại. Kim Dung đưa lon guigoz cơm cho tôi:
- Phần của ông nè !
Thấy tôi ngần ngừ, nó nhấn lon cơm vào tay tôi:
- Cầm đi ! Tôi có phần đây rồi !
Vừa nói, nó vừa lấy từ trong giỏ ra một lon cơm khác.
Lâu nay, Kim Dung đã tập cho tôi có "bản lĩnh" trong chuyện này nên tôi cầm lấy lon cơm ăn tỉnh, chẳng mắc cỡ gì hết. Tôi giở lon cơm thấy có mấy con tép, ăn một hồi thấy phía dưới toàn chả lụa. Tôi liếc nó:
- Làm gì mà chôn kỹ vậy ?
Nó cười:
- Để phía trên ông ăn hết, lát nữa lấy gì ăn cơm !
Kể từ bữa đó, trưa nào Kim Dung cũng "nuôi" tôi. Mãi đến khi tôi ra trường.
Nhưng không vì vậy mà tôi không nghĩ đến chuyện kiếm việc làm thêm, mặc dù tôi chưa biết mình sẽ làm được những việc gì.
Một hôm, thằng Bảo khoe tôi:
- Tao tìm được việc làm rồi ! Mày làm không ?
Tôi mừng rỡ:
- Làm gì vậy ?
- Đạp xích-lô !
Tôi xịu mặt:
- Mày giỡn hoài !
Nó nhướng mắt:
- Tao nói thật chứ nói chơi với mày sao !
Tôi nhìn nó, vẻ nghi ngờ:
- Tụi mình làm sao đạp xích-lô nổi ?
Nó cười toe:
- Sao không nổi ! Tao đạp mấy ngày nay rồi !
Tôi nhếch mép:
- Xạo đi mày !
Nó khoát tay:
- Mày không tin thì tối nay tao ghé !
Tối đó, thằng Bảo đạp xích-lô đến nhà tôi thật. Nó để xích-lô ngoài hẻm rồi chạy vào kêu tôi. Chưa thấy xe đâu, chỉ mới nhìn thấy nó, tôi đã tin liền. Không biết nó kiếm ở đâu một cái áo màu cháo lòng cũ xì, cái quần vá chằng vá đụp lại thêm cái mũ ka-ki của lính, trông nó giống hệt mấy tay đạp xích-lô chuyên nghiệp. Dòm nó, tôi không nhịn được cười.
Nó dẫn tôi ra "tham quan" chiếc xích-lô. Vừa chỉ chỏ, nó vừa dẫn giải:
- Tụi mình đi học ban ngày, chỉ có thể chạy xe vào ban đêm, từ năm giờ chiều trở đi Xe thuê bên cầu chữ Y, đáng lẽ phải đặt tiền cọc nhưng chỗ này tao quen nên người ta thông cảm không bắt đóng.
Tôi vừa rờ rẫm chiếc xe vừa nghe nó hùng hồn thuyết minh, trong bụng đã thấy khoai khoái.
Lát sau, Bảo bắt tôi leo lên xe để nó hướng dẫn thực tập. Nó dạy tôi cách bẻ lái, quay đầu, bóp thắng.
Thoạt đầu, tôi chạy tới chạy lui trong hẻm. Sau thấy dễ, tôi phóng ra đường, thằng Bảo chạy kè kè bên cạnh, miệng la inh ỏi:
- Chầm chậm chút ! Chầm chậm chút !
Khi quành về đến nhà, tôi nói với nó:
- Vậy là ngày mai tao hành nghề được rồi !
Nó khịt mũi:
- Chưa đâu ! Mày phải học thuộc các địa danh đã !
- Địa danh gì ? Người ta kêu chở đi đâu thì tao cứ địa chỉ đó mà chở đi chứ lo gì !
Nó nhăn mặt:
- Khổ quá ! Ông không biết gì hết ! Mấy bữa nay con chạy xe, con mới phát hiện ra một điều là thiên hạ ít bao giờ nói số nhà và tên đường ra cả. Họ chỉ bảo "về ngã ba ông Tạ" hay "tới công trường Cộng Hoà" gọn lỏn thế thôi ! Nếu ông hỏi lại chỗ đó là chỗ nào thì người ta cho ông là gà mờ, không đáng tin cậy và họ sẽ đón xe khác ngay.
Hoá ra đạp xích-lô mà cũng phức tạp gớm !
Ngày hôm sau, thằng Bảo đưa tôi một tấm bản đồ địa lý dành riêng cho dân đạp xích-lô do nó biên soạn, trong đó chỉ rõ cổng xe lửa số 6 ở chỗ nào, ngã tư Nancy ở đâu ...
Tôi bỏ mất ba ngày để học "địa lý", mồm lúc nào cũng lẩm bẩm: Xóm Gà, Xóm Chiếu, Cây Sứ, Cây Điệp, Lăng Ông, Lăng Cha ... đến sái cả quai hàm.
Học "địa lý" xong, tôi còn phải học "kinh tế": chở từ đâu đến đâu lấy bao nhiêu tiền ! Rồi chở một người thì sao, hai người thì sao, ba người thì sao ...
Thằng Bảo "dạy" cái gì, tôi lấy sổ tay ghi chép cái đó, mặc dù tôi nhẩm sức mình chỉ chở nổi hai người là cùng, mà trong hai người đó phải có một người là ... con nít kia !
Chỉ có một chiếc xe nên tôi với thằng Bảo phải thay phiên nhau đạp, nó một ngày tôi một ngày.
Buổi xuất hành đầu tiên của tôi, nó đạp xe đạp theo hộ tống và xem có sai sót gì về nghiệp vụ thì uốn nắn kịp thời.
Đi ngang một ngã ba, thấy có hai người đang đứng trên lề đường, tôi thắng xe lại, hỏi:
- Anh chị về đâu ?
Hai người lắc đầu làm tôi cụt hứng, đạp đi luôn.
Thằng Bảo chạy rề rề theo, cao giọng lên lớp:
Dân trong nghề không bao giờ gọi khách là "anh chị" mà phải nói "thầy Hai về đâu ?" mới đúng điệu !
Thằng Bảo nói làm tôi nhớ lại ngày đầu tiên tôi đến Sài Gòn, người ta kêu tôi là thầy Hai khiến tôi sướng rơn trong bụng.
- Mà nếu người ta muốn đi thì người ta tự động kêu mày, không việc gì phải hỏi thẳng vào mặt họ như vậy ! - Bảo tiếp tục bài giảng - Thay vì dừng xe lại thì mày thả tà tà ngang qua mặt họ. Nếu họ không thấy mày thì mày gõ cái thắng tay kêu "lắc cắc" để họ chú ý.
Tôi vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm cho nhớ những lời dặn dò vàng ngọc của nó.
Bữa đó, rảo đến khoảng chín giờ tối, tôi cũng chạy được mấy cuốc xe ra trò.
Thằng Bảo theo tôi đến sáu giờ thì bỏ về. Trước khi chia tay, nó nói:
- Tao có để chai nước với sợi xích sắt sau nệm xe cho mày đó !
- Chi vậy ?
- Chai nước để uống khi nào khát, còn sợi xích để đánh lộn.
Tôi há hốc miệng:
- Đánh lộn ?
- Chứ sao ! Tao giấu sợi xích ở đó để đề phòng khi bị giựt xe, mình có vũ khí mà chiến đấu.
Tôi rụt vai:
- Ốm nhom như tao mà chiến đấu cái mốc gì ! Hễ tụi nào xông vào giựt xe là tao bỏ chạy trước !
- Không được ! Mày phải chiến đấu đến ... giọt máu cuối cùng ! Mày làm mất xe là tao đi tù liền !
May mà suốt thời gian đạp xích-lô, tôi chưa bị giựt xe lần nào. Chắc là thằng Bảo chưa đến số đi tù !
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Còn Chút Gì Để Nhớ.