Gánh Xiếc - 1953-1954
-
Con Nhân Mã Ở Trong Vườn
- Moacyr Scliar
- 4331 chữ
- 2020-05-09 02:02:36
Số từ: 4391
Nguồn: isach
Dịch giả: Trịnh Lữ
NXB Văn Học
(Tôi tưởng tượng mình đang lang thang, không phải trong hoang mạc như những người Do Thái, mà là trên một cao nguyên ngập tuyết. Những bộ móng ngựa của tôi ngập trong tuyết và những cẳng chân tôi tê buốt, hầu như không đủ sức làm theo ý tôi nữa, nhưng tôi vẫn đi tới, đầu ngẩng cao, bất chấp tất cả. Tôi đã chiến thắng: đột nhiên, toàn bộ phần sau của thân thể tôi tuột ra và nằm lại đó, những bộ móng ngựa vùi trong tuyết, còn phần trước của tôi, không còn vướng víu gì nữa, tiếp tục tiến lên về phía chân trời và biến mất.)
Tôi phi nước đại ban đêm và ẩn náu ban ngày. Khi chỗ thức ăn mang theo đã hết, tôi bắt đầu ăn trộm. Tôi lẻn vào các khu vườn và chạy ra với hàng ôm xà-lách. Tôi nhón trứng trong các bu gà; khi đêm đen nín lặng, tôi vắt sữa những con bò sổng chuồng. Có không ít những lần tôi chạm trán những con chó giữ nhà dữ tợn và phải đá chúng với bộ móng ngựa của mình. Có đôi ba lần người ta nổ súng bắn tôi; phúc đức cho tôi là họ đều là những người bắn rất kém. Có một hôm tôi phải dầm mình suốt ngày dưới đầm, chỉ thò đầu lên thở, trong khi những người chủ trại săn lùng để xử tôi theo kiểu tàn bạo không xét xử với những nô lệ da đen ngày xưa. Một lần, tôi đã trèo lên một toa tàu hỏa chở trâu bò để chạy trốn. Tôi náu mình giữa đám gia súc, gấp hai chân trước và cúi người thật thấp để chỉ có phần sau của tôi lộ ra ngoài, làm như mình là một trong số những trâu bò ấy. Lúc đoàn tàu ấy xuất phát, tôi giật thót mình,đã tưởng tượng cảnh mình bị đem vào lò mổ. Tuy nhiên, tôi đã nhảy xuống được đúng lúc. Nhìn sao trời, tôi biết chắc mình đang đi về phương nam, đúng như mong muốn. Tôi qua rất nhiều nơi, thấy nhiều loại người. Ví dụ người da đen. Đọc sách biết là có họ trên đời, xong tôi không thể biết người đen thật trông sẽ ra sao, đi đứng cười nói thế nào. Tôi đã thỏa mãn được cái tò mò ấy: một đêm tôi đã thấy bốn người đen đi trên đường, cười nói đàng hoàng. (Còn nhân mã đen thì sao? Có chúng không nhỉ?)
Tôi thấy đà điểu ngoài cánh đồng. Thấy một cái nhà cháy. Thấy một đám rước ban đêm: người ta đi cầu đảo xin mưa.
Những bước phi nước đại mạnh mẽ đầy quyết tâm và tự do đã có tác dụng tốt. Tôi đang bỏ lại sau mình những kí ức đớn đau, kể cả mối tình không thành ấy. Nhưng tôi cũng nhớ nhiều thứ: mọi người trong nhà, gian phòng của tôi, sách vở, đĩa hát, và cả ống kính viễn vọng của tôi nữa. Trong thời gian đó tôi cầu nguyện rất nhiều; khi đêm tới tôi thường hướng về phía đông, về phía thành Jerusalem xa xôi, và thì thầm đọc những bài kinh cầu nguyện mà cha tôi đã dạy. Tôi không thực sự cầu khẩn đức Jehovah; không phải tôi đang thực sự thực hành tôn giáo, mà chỉ là một hành động tình cảm hoài niệm. Tôi đang bái vọng chính thời thơ ấu của mình.
Tôi cầu nguyện, và tôi tiếp tục đi về phương nam.
Một sáng khi trời còn rất sớm, tôi bỗng thấy mệt mỏi lắm. Lúc ấy tôi đang ở gần một thị trấn nhỏ, nghỉ lại chỗ đó sẽ rất nguy hiểm, nhưng tôi không thể bước tiếp được nữa. Người tôi đầm đìa mồ hôi và chân tôi lẩy bẩy dưới sức nặng thân thể của chính mình. Tệ nhất là vùng ấy toàn đất bằng, phẳng phiu hoàn toàn, không cây cối gì cả. Tôi tìm được một cái rãnh sâu, liền nằm xuống đó, phủ mình bằng ít cỏ lác, rồi ngủ thiếp đi.
Tôi giật mình thức giấc giữa một cảnh náo loạn khủng khiếp. Trống đổ dồn, âm thanh chói tai của một cái kèn đi săn, tiếng người ầm ĩ và tiếng búa đập vang dội. Tôi nhảy bật dậy, toàn thân run bắn. Khắp xung quanh tôi là một mớ hỗn độn không thể tưởng tượng nổi: những cái chuồng thú, những chiếc xe tải, thùng gỗ to, và nhiều người đang dựng một cái lều khổng lồ.
Một gánh xiếc.
Hai anh lùn mặc quần áo ngủ đang ngây người nhìn tôi rất chăm chú. Nó là tiết mục mới đấy à? Một anh hỏi, giọng nghe như tiếng chuột chí chóe. Có lẽ thế, anh kia đáp. Rồi hỏi tôi: Này, bồ là tiết mục mới đấy hả? À, còn phải xem sao đã, tôi thận trọng lựa lời, và vừa sợ vừa buồn cười, tôi thấy mình bụng bảo dạ, ừ nhỉ, sao lại không chứ? Tôi nhìn một con lạc đà đi ngang. Sao lại không nhỉ? Con voi đang bị xích vào một cây cọc. Sao lại không nhỉ?
Tớ muốn nói chuyện với ông chủ đã, tôi nói thêm. Anh lùn nhún vai. Ông chủ đã phải nằm nhà thương rồi, còn vợ ông ta, người thường thay quyền ông, thì đã chuồn cùng với một chàng diễn viên đi trên dây. Có vẻ nhân vật duy nhất có trách nhiệm bây giờ là người dạy sư tử, một người đàn bà.
Tôi gặp bà ta ở cạnh chuồng sư tử. Với bộ mặt đau buồn, bà đang nhìn con mèo khổng lồ nằm bẹp rúm, trông đúng là đang ốm. Tôi nói, tôi là tiết mục mới đây.
Bà quay người lại nhìn tôi, kinh ngạc và ngờ vực. Ngờ vực hơn là kinh ngạc; có lẽ bà đã quen với nhiều loại sinh vật lạ lùng.
"Á à... cái quái quỷ gì thế này nhỉ?" Bà hỏi.
Bà là một người đàn bà cao lớn, khỏe mạnh, đã vào độ trung tuần. Vẫn còn xinh: một gương mặt với những nét rõ ràng, giống như những bức hình của Greta Garbo trong một cuốn sách của tôi. Bà đeo kính đen, cái áo sơ-mi có cầu vai, một cái gi-lê chẽn lấy người, và đi ủng, khiến cho vẻ uy quyền của bà nổi bật hẳn lên. Tôi là tiết mục mới, tôi nhắc lại, tôi diễn màn nhân mã. Bà chau mày: Màn gì thế? Một con nhân mã, tôi nói, một loài huyền thoại, nửa người nửa ngựa. À phải rồi, đúng thế, bà nói, tôi có nghe về chúng.
Bà bỏ kính ra, cặp mắt bà lạnh lùng, nhợt nhạt, và chăm chú dò xét tôi. Bà ra lệnh cho tôi đi vòng quanh. Làm giỏi lắm, bộ giả trang của anh ấy, bà nhận xét. Làm bằng da thật à? Da ngựa chính cống, tôi đáp, lòng phấn khởi vì thấy bà có vẻ thích thú. Bà tiếp tục xét đoán tôi.
"Thế ai ở trong đó?" Bà hỏi đột ngột.
"Em trai tôi," tôi đáp, rồi vội nói thêm, "nó không muốn ai thấy nó. Nó vừa câm vừa điếc, mặt nó còn bị bỏng hết cả vì một người đàn bà đã hắt axit vào nó." "Cậu ấy có rắc rối gì với cảnh sát không?" Bà tra hỏi, đầy nghi ngờ. "Tôi không muốn có chuyện rắc rối gì ở đây hết." "Ồ không, làm gì có thế," tôi nói, "chẳng dính gì đến cảnh sát cả. Nó không muốn ai nhìn thấy nó, thế thôi."
Bà chăm chú nhìn tôi. Câu chuyện có vẻ không ổn với bà, rõ ràng là thế. Nhưng tôi vẫn mặc kệ, bình thản trước cái nhìn soi mói kia của bà.
"Thế anh với em trai anh làm được trò gì?" Bà hỏi.
"Chúng tôi chạy quanh sân khấu," tôi đáp, "nhảy qua các vật chướng ngại; và tôi còn đọc được thơ, kể được chuyện, chơi được vĩ cầm. Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng phải dùng đến những cái đó. Chúng tôi cứ ra sân khấu là mọi người đã cười đến chết rồi." "Tôi cũng nghĩ thế," bà nói. "Bộ cánh hóa trang của anh thực là tuyệt."
Bà lấy trong túi áo sơ-mi ra một bao thuốc lá.
"Hút thuốc không?"
Tôi chưa bao giờ hút thuốc lá trong đời, nhưng tôi nhận lời mời ấy. Suýt nữa thì tôi chết ngạt ngay ở hơi thuốc đầu tiên, và tôi ho rũ rượi. "Có lẽ nhân mã không nên hút thuốc lá," tôi nói. Bà cười phá lên.
"Ok," bà nói. "Nhưng có một vấn đề này. Nghiêm trọng đấy. Tôi không biết thỏa thuận với chủ trước của anh thế nào, nhưng gánh xiếc này đang phá sản. Tôi không thể trả công cho anh được."
"Không sao," tôi nói ngay. "Tôi có thể làm việc để được ăn uống thôi, ít nhất là trong một thời gian. Sau này ta có thể giải quyết với nhau được mà."
"Tốt. Nếu vậy thì anh có thể bắt đầu ngay từ hôm nay. Tên anh là gì ấy nhỉ?"
"Silva," tôi nói. "Cả tôi và em tôi đều mang cái tên đó."
Bà đưa tay cho tôi.
"Anh hay lắm, Silva." Khi chúng tôi bắt tay, bàn tay bà chần chừ trong bàn tay tôi. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ hợp nhau." Bà liếc nhìn đồng hồ đeo tay - một cái đồng hồ to tướng kiểu đàn ông. "Thế nhé, tôi phải đi xem mọi việc thế nào. Đêm nay là đêm mở màn. Tiết mục của anh là thứ hai."
Qua một lỗ thủng trên tấm màn sân khấu rách tả tơi, tôi lén nhìn đám đông đang ngồi chật khán đài. Những con người nghèo khổ: tá điền trong những nông trại quanh vùng, thợ nhà máy, lính tráng, gia nhân. Đám đàn bà vú sệ, trẻ con sún răng. (Còn Pedro Bento? Liệu nó có tình cờ ở trong đám này không?) Những người nông dân cục cằn. (Có Peri không nhỉ?)
Toàn những kẻ xa lạ, ngoại đạo. Một số trông rất dữ dằn, như những quân kẻ cướp. Tôi những muốn bỏ chạy; ước gì được ở nhà với cha với mẹ. Ý nghĩ đó làm tôi tức giận với chính mình. Hãy ở nguyên đấy, tôi tự nhủ, cứng rắn lên, đồ hèn nhát.
Mấy anh lùn từ sàn diễn chạy vào. "Đến lượt anh đấy," một giọng nói ngay đằng sau tôi. Tôi quay lại: đó là người dạy sư tử, đã đóng bộ từ đầu đến chân thành nhân vật điều khiển chương trình. Ngực áo hồ cứng, áo khoác đuôi tôm, một cây roi trong tay này và một cái ba-toong trong tay kia. Bà mỉm cười và nháy mắt với tôi. "Cố hết sức vào, Silva, tôi sẽ cổ vũ cho anh." Trống đổ dồn, cái kèn đi săn váng lên một hồi mời chào lạc điệu. "May mắn nhé," bà nói, tay sửa lại cái mảnh vải thêu vàng phủ trên thân sau của tôi. Nào thì ra, tôi lẩm bẩm, rồi chập chững chạy nước đại vào vòng diễn.
Ánh sáng của những cái đèn làm tôi chói lòa; tiếng ầm ĩ nổi lên điếc hết cả tai. Một nỗi hãi hùng xâm chiếm tôi, và tôi tưởng như mình sắp ngất đến nơi, nhưng tôi vẫn tiếp tục chạy nước đại, bộ giò của tôi kéo tôi đi như thuở tôi còn là đứa hài nhi, ba, bốn, năm vòng quanh sàn diễn. Cuối cùng, theo như dự định, tôi vào giữa vòng diễn, chồm thẳng người lên hai chân sau, và ngỏ lời chào khán giả.
"Xin chào các quý bà, quý ông!" Giọng tôi nghe nhỏ xíu, rất lạ, nhưng họ đáp lại bằng một loạt pháo tay. Thế rồi tôi ngạc nhiên nghe thấy mình nói bằng một giọng rất tự tin và bén tiếng: "Tôi chưa nghe thấy gì! Xin nói to nữa lên! Tôi xin chào mừng các quý bà, quý ông!"
"Xin chào!" Họ nhất loạt gào lên, và tôi đứng đó mỉm cười trong lúc bà chủ sàn diễn nói lời giới thiệu tôi là ai, một con nhân mã từ những đỉnh núi xứ Tunisia, mẫu vật còn sống sót cuối cùng của một loài đã gần như tuyệt chủng. Rồi bà quay sang phía tôi:
"Nhân mã hỡi, người bạn của ta! Hãy cho mọi người thấy bạn làm được những gì!"
Tôi chạy vài vòng nữa quanh sàn diễn, nhảy qua các vật chướng ngại. Và khi tôi nhảy một điệu polka theo tiếng nhạc đệm của một cây phong cầm, móng chân đập lẫn vào nhau, thì cả rạp xiếc như sụp đổ vì tiếng hoan hô và vỗ tay. Khán giả reo hò như điên. Tôi phải diễn lại tiết mục của mình hai, ba lần. Cuối cùng, tôi chạy khỏi sàn diễn, mồ hôi sũng người và mệt lử. Bà dạy sư tử đang đợi tôi, miệng mỉm cười. Tôi đã bảo mà, Silva, tiết mục của anh sẽ thành công lớn mà, có đúng không nào? Những người trong gánh xiếc vây lấy tôi, khen ngợi tôi. Cuối cùng thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ lại có miếng ăn, hai anh lùn nói. Họ đề nghị được quay lại sàn diễn nhưng cưỡi trên lưng tôi; người nghệ sĩ nhào lộn cũng muốn có một tiết mục chung với tôi: "Nhân mã Bay". Tất cả những lời khen ngợi ấy đều rất hay, nhưng ngần ấy tay chân đụng vào tôi, vỗ về tôi, đã bắt đầu làm tôi hoảng. Nhỡ mà họ nhận ra ngay trong không khí vui mừng ấy rằng bên trong bộ da này không phải là một tay Silva câm điếc có bộ mặt bỏng rộp, mà là phủ tạng, gan, thận, ruột của một con ngựa thì sao? Tôi quay người nói với lại đằng sau: Thôi nào, người anh em, ta hãy đi tắm một cái đã nào. Họ cười ồ cả lên. Tắm ư? Nhân mã có biết tắm hương sen không hả? Nhưng tôi đã nhanh chóng lẩn đi rồi.
Gánh xiếc bắt đầu thu hút đông người đến xem. Khán đài luôn chật ních, và màn trình diễn của tôi là hấp dẫn chính của chương trình. Không bằng lòng với thành công đã đạt được, tôi thêm các biến tấu vào tiết mục của mình. Tôi chạy đua với một chú lạc đà, khiến cho khán giả sướng phát rồ lên. Tôi lại học cả tung hứng. Rồi tôi nhảy qua vòng lửa: hoan hô, hoan hô.
Tất nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng ổn cả. Bọn ngốc thường thích kéo đuôi tôi; nhiều lần bọn say rượu còn cố nhảy lên lưng tôi. Phải cố nhịn lắm tôi mới không đá cho chúng một trận. Đừng nổi cáu làm gì, hai anh lùn nói, cả lũ họ chỉ là đồ quê mùa cục mịch ý mà.
Anh em trong gánh xiếc thích tôi lắm, nhất là hai anh lùn, ít khi rời mắt khỏi tôi. Điều đó khiến tôi lo lắng; tôi phải càng được một mình càng tốt. Tôi hỏi xin một toa rơ-moóc cho riêng mình, và bà dạy sư tử nhanh chóng đáp ứng ngay. Anh không phải xin, cứ việc ra lệnh cho tôi, bà ta nói với một cái nháy mắt đầy ẩn ý.
Cái rơ-moóc rất sang trọng, thật là một sự cải thiện lớn lao, nhưng nó được thu xếp cho người ở chứ không phải cho nhân mã. Tôi không thể đứng thẳng người lên trong đó; ngoài ra, không có một cái nệm rộng rãi cho tôi như hồi còn ở nhà, mà là hai cái giường cá nhân hẹp cho tôi và em trai tôi, chắc thế. Dù sao, tôi vẫn ở trong đó và đọc sách hầu hết thời gian của mình. Khi ra ngoài, tôi phủ kín phần thân sau bằng một tấm vải diềm bâu lớn chạm xuống đến tận đất. Tôi giải thích rằng không muốn bị dây bẩn vào bộ quần áo hoá trang rất đắt tiền của tôi, và rằng tôi không muốn bị ai sờ xịt vào nó.
Họ để mặc tôi theo ý mình. Họ thấy tôi là lạ, những chắc chắn là không lạ bằng một vài nhân vật khác trong đoàn: anh chàng ném dao găm lúc nào cũng nói chuyện một mình, anh hề không thể chơi được với ai, và anh nhào lộn lúc nào cũng nhăm nhăm rình nhét nhện và gián vào túi quần túi áo của hai anh lùn.
Con khoẻ, tôi viết về cho cha mẹ. Con ăn uống tốt, và vui vẻ, không còn bị sốt nữa. Lúc này con hưa thể nói mình đang sống ở đâu, nhưng cha mẹ đúng lo, mọi chuyện đang ổn cả.
Nói cho đúng ra, mọi việc đã ổn cả. Thậm chí tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình đã có chỗ đứng trong xã hội loài người. Có móng ngựa hay không móng ngựa, có đuôi hay không có đuôi cũng vậy thôi. Tiếng cười của khán giả và tình bạn của đồng nghiệp an ủi tôi. Nhưng chỉ có cái nhìn của bà dạy sư tử dành cho tôi là có vẻ không ổn.
Hai anh lùn nói vè bà ta với một tình cảm lẫn lộn, vừa khâm phục vừa sợ hãi: một nhà độc tài, họ nói, cai trị gánh xiếc với hai bàn tay sắt. Và rất máu nữa: không có đàn ông nào thoả mãn được bà. Anh nhào lộn, anh ném dao, anh hề, tất cả đều đã ngủ với bà và bị bà khinh miệt đuổi đi vì làm ăn chẳng ra sao. Bà bảo họ đèu không đủ chất đàn ông đối với bà. Lúc này thì bà chưa có nhân tình nào cả, và điều đó làm cho cả gánh xiếc lo lắng, vì trong những thời kỳ như vậy bà sẽ thành rất vô lý và không ai có thể chịu nổi bà.
Bà theo dõi tôi. Bà ngắm nghía tôi rất nhiều. Bà thường nhìn tôi từ bên trong chuồng sư tử, trong lúc đang nằm cạnh con mèo vĩ đại ấy, vừa nhìn tôi, bà sẽ vừa âu yếm ôm chonàg lấy nó, rồi hôn cả vào miệng nó. Chao ôi, bà sẽ kêu lên, ước gì tôi gặp được một người đàn ông như con mãnh sư này! Rồi bà nháy mắt với tôi. Tôi sẽ mỉm cười và đi ra chỗ khác, trong lòng bối rối. Nhưng sự thật là suốt ngày tôi chỉ nghĩ đến bà. Tôi không ngủ nổi; cái dái ngựa khổng lồ của tôi dựng đứng, tôi chỉ biết lăn lộn dưới sàn, không thể nằm yên. Nếu bà thích sư tử đến thế, thì thích nhân mã cũng được chứ sao?
Các cô gái đến xem xiếc nhìn tôi khâm phục. Anh ấy mới đẹp trai làm sao! Họ sẽ xin được sờ tay vào tôi, và điều đó làm bà dạy sử tử nổi giận, còn tôi thì lo lắng hơn bao giờ hết.
Tôi đã dự cảm được điều gì sẽ xảy ra rồi.
o O o
Một đêm, tôi không thể ngủ được, bên trong cái rơ-moóc rất nóng bức, ngột ngạt khó chịu. Tôi vục mặt vào chậu nước, lăn mình trên khăn ướt, mà chẳng ăn thua gì. Cuối cùng tôi đi ra ngoài.
Tôi bước nhẹ nhàng giữa những chuồng thú. Chúng im lặng nhìn tôi, mắt sáng ngời trong bóng tối. Con voi, đang đứng, cứ thế lắc lư bên này bên kia. Những con vật tội nghiệp, tôi rất hiểu chúng. Nội tạng của tôi là nội tạng của các bạn, mặc dù số phận của tôi không phải là số phận của các bạn.
"Đi đâu thế anh bạn thân mến?"
Giật nảy mình, tôi quay phắt lại và chạm ngay mặt bà dạy sư tử. Đang đứng dựa chuồng sư tử, bà nhìn tôi ngây dại, miệng mỉm cười.
"Ra ngoài đi dạo đấy à?"
"Cho nó có không khí một tí," tôi nói, giọng nghe rất lạ.
Bà nhìn quanh. Không có ai, mọi người đều đang ngủ cả. Lại đây, bà thì thầm. Tôi đến gần bà. Tôi thấy sự thèm muốn trong mắt bà, trong cặp môi mở hé của bà. Còn tôi, cổ tôi khô ra và lòng tôi sợ hãi, nhưng tôi không thể nhìn được nữa, tôi ôm choàng lấy bà.
"Gượm đã," bà nói, "không phải ở đây."
Tôi ôm bà trong tay. Chúng tôi cùng vào trong chiếc rơ-moóc. Rồi tôi hôn bà mãnh liệt, miệng bà, mắt bà, cổ bà. Nhẹ thôi nào, anh yêu, bà nói, để em cởi quần áo đã. Tôi buông bà ra. Run lẩy bẩy vì thèm muốn, tôi ngắm nhìn bà cởi cúc áo, tháo bỏ ủng.
Còn cậu em thì sao? Bà hỏi, cậu ấy không giận chứ? Một ý nghĩ chợt đến với bà. Nếu anh muốn, cả hai anh em đều yêu em cùng một lúc cũng được. Không! tôi đáp, gần như hét lên, "Ừ, nó... chú em tôi... không tham gia những việc thế này. Nhưng chú ấy chẳng để tâm... đến việc tôi làm đâu."
"Ô thế à, ôkê," bà nói. Bà cởi xong quần áo trong bóng tối nủa vời, tôi thể thấy bà có một thân hình đẹp, rồi bà nằm xuống giường.
"Nào, lại đây anh yêu." bà thì thầm, "Lại đây, con nhân mã yêu quý của em."
Chân tôi gập lại. Tôi cúi xuống và hôn bà, hôn bà như điên như dại, miệng bà, đôi vú bà, cặp đùi bà. Ôi anh làm em phát điên lên mất, bà rên rỉ, điên đi, điên đi! Nào, anh yêu, nào, bỏ hoá trang ra đi anh, nhanh lên!
Thế rồi, một trận núi lở ào xuống, một dòng thác phá vỡ tất cả những cửa đập, tôi quăng mình lên bà và không còn nhìn thấy gì hết. Bối rối, tôi nghe tiếng bà kêu cứu. "Cứu tôi với, nó đang tấn công tôi, nó là một con quái vật!" Tôi ngăn bà lại, bịt lất miệng bà, cố xâm nhập vào bà mà không được, phụt hết lên đùi bà. Rồi tôi kiệt sức ngã sang một bên. Bà nhảy vọt ra khỏi giường, chạy một mạch, miệng la hét, "Nó là ngựa! Một con ngựa thật sự!"
Tôi đứng dậy, chóng mặt, bước ra ngoài. Tiếng người hối hả vọng qua đêm tối, những ánh đèn sáng bừng lên. Bọn sư tử gầm gào, lũ khỉ chí choé. Không thể chần chừ được nữa. Tôi vùng chạy và lấy ngay nước đại.
(Cái nước đại đó. Cái nước đại giữa đêm hôm đó, qua những cánh đồng rộng, qua những đầm lầy in vầng trăng nhợt nhạt, cái nước đại ấy in sâu vào kí ức tôi trong nhiều năm trời. Bây giờ tôi vẫn thèm nhớ lại những lần tôi có thể phi nước địa thật phóng túng như thế, như cái đêm đó, mặc dù lúc ấy tôi hoảng sợ biết bao, móng tôi giẫm chết nhoét những con ếch nhái và thân thể tôi bị những cành cây thấp trên đồng cỏ cào xước khắp nơi.
Hay biết mấy khi được chạy như thế. Bạn bè tôi vẫn chạy đều hàng sáng. Họ chạy ít nhất là sáu vòng quanh công viên, tin rằng làm thế sẽ tránh được những cơn đau tim. Họ cũng bảo rằng chạy giúp cho đầu óc minh mẫn, rằng bộ óc lúc chạy được kích thích bên trong hộp sọ sẽ vứt bỏ hết những lo lắng và ám ảnh, ta có thể nhìn thấy một đám hơi nhỏ bốc lên từ đỉnh đầu của những người chạy giỏi.
Nhưng tôi biết đó không phải là những lý do duy nhất. Họ chạy để mà chạy, vì chạy là tốt. Nếu không vì những hạn chế về thời gian, không gian và trách nhiệm gia đình, vân vân và vân vân, họ sẽ chạy thật xa, thành một hàng thẳng tắp cho mãi đến tận thiên đàng của những người chạy vui cười, một nơi không bao giờ hạn hẹp cho dù ta có chạy xe đến mấy, một nơi mà tất cả mọi người lúc nào cũng chạy, người thì mặc áo chẽn xanh nước biển, người thì mặc quần soóc trắng, có người đi giày đánh tennis, có người chân không, có người chạy một mình, có người chạy thành nhóm, vừa chạy vừa nói chuyện, vừa chạy vừa ăn bánh kẹp, vừa chạy vừa ỉa đái, chạy không ngừng như tôi đã chạy đêm hôm đó, nhưng mà hạnh phúc, không sợ hãi như tôi đã bị đêm hôm đó.)
Đến sáng thì tôi đã ở xa lắm rồi. Từ vị trí của mặt trời tôi có thể khẳng định mình vẫn đang đi về phương nam, như tôi vãn luôn dự đinh. Mặc dù tôi đang đi ngược hướng tới Thessaly và Arcadia, tôi phải tìm cho ra xứ sở truyền kỳ của loài nhân mã. Những vị vua nhân mã, thần dân nhân mã, trại chủ nhân mã, văn sỹ nhân mã và những con nhân mã cái.
Hoặc giả tôi sẽ đi đến Nam Cực, đến khối băng vĩnh cửu có thểlưu giữ nguyên vẹn những thân xác của tổ tiên bốn chân của chúng tôi.
Tôi phi nước đại vào ban đêm, như tôi vẫn làm trước đó. Tôi hái trộm hoa quả và rau tươi, như trước, và trộm thức ăn từ những chiếc xe tải đỗ ven đường. Cũng như trước, tôi ngủ vào ban ngày, nhưng giờ chỉ chọn những chỗ rất an toàn và kín đáo mà thôi.
Tôi đã đi xa lắm.