• 386

Morocco - Tháng 6 Đến Tháng 12 Năm 1959


Số từ: 5027
Nguồn: isach
Dịch giả: Trịnh Lữ
NXB Văn Học
Chúng tôi không thể đi bằng máy bay, rõ ràng rồi, mà thậm chí đi bằng tàu thuỷ cũng không xong. Dona Cotinha liền đi Rio Grande và nói chuyện với một người họ hàng xa vốn là thuyền trưởng một tàu chở hàng. Ông này là một thuỷ thủ già đời mà ai cũng không thể tin được câu chuyện của bà, cứ tưởng là chuyện đùa. Dona Cotinha cho ông ta xem một bức ảnh chụp chúng tôi (họ đã chụp mặc dù tôi rất ngần ngại) chỉ cốt để thuyết phục ông ta. Bị ấn tượng rất mạnh, ông đồng ý cho chúng tôi đi với điều kiện phải ẩn náu dưới một khoang tàu mà ông ta sẽ cho làm riêng ra thành một chỗ ở đặc biệt và không được bước ra đến ngoài. Dona Cotinha đưa cho ông ta rất nhiều tiền và ông đồng ý cho thêm vài thứ tiện nghi như nệm mút cao-su, quạt gió, một cái tủ lạnh, một cái cầu tiêu sử dụng hoá chất. Chỗ ẩn náu của chúng tôi chẳng nhờ vậy mà đàng hoàng được bao nhiêu. Nhưng chúng tôi muốn đến Morocco ngay lập tức, vì đã có hẹn với người bác sỹ giải phẫu. Chúng tôi đã thu xếp mọi việc với ông ta qua thư từ.
Đầu tiên, chúng tôi cần đến được Rio Grande, cách gần hai trăm dặm. Dona Cotinha thuê một chiếc xe tải dùng để chở súc vật; ông đốc công sẽ là lái xe. Để tránh gây chú ý, chiếc xe sẽ chở cả mấy con ngựa của Zeca Fagundes trước đây. Như thế ta cũng tống táng được chúng đi, Dona Cotinha nói, trong bụng bà rất ghét những con vật tội nghiệp kia. Mọi việc sẽ đều làm vào ban đêm.
Chúng tôi chào tạm biệt Dona Cotinha, bà rất xúc động, và Tita khóc. Chúng tôi trèo lên thùng xe. Bọn ngựa đã ở trên đó. Ông đốc công nổ máy và chúng tôi lên đường.
Thật căng thẳng. Đó là lần đầu tiên Tita rời khu trại, nhưng không phải như một chuyến đi chơi, và nàng không thấy vui thú gì trong lòng. Thực sự là nàng gần như hoảng hốt, phải gắng hết sức để bình tĩnh. Luồng đèn pha của những xe cộ chạy ngược chiều chiếu lọt qua khe rào thùng xe, rọi lên gương mặt tái nhợt và cặp mắt mở to của nàng.
Bầy ngựa đứng im lặng. Tôi rất sợ chúng lồng lộn lên, quăng quật mình mẩy và giẫm đạp lên chúng tôi. Tôi sợ là có lý do: một trong mấy con ngựa ấy là con Sultan, một con nữa cứ nhìn tôi như con Pasha ngày trước, con này già hơn Pasha, nhưng vẫn còn sung sức lắm. Sultan và Pasha, một cặp đáng sợ, liệu chúng tôi có địch lại được không? Hai con ấy và cả những con khác trong bầy? Không thể được. May sao, lũ ngựa không giở trò gì.
Chúng tôi đến Rio Grande vào tảng sáng và được lén lút đưa lên tàu. Chỉ có thuyền trưởng, viên sỹ quan chỉ huy, và một người thuỷ thủ chịu trách nhiệm chăm sóc chúng tôi biết sự có mặt của chúng tôi ở trên tàu. Chúng tôi vừa ổn định chỗ ẩn náu là chiếc tàu nhổ neo và lên đường.
Chao ôi là một chuyến đi! Nóng đến ngạt thở, khoang tàu hôi hám, biển động liên hồi. Tàu vừa rời bến là Tita đã bắt đầu say sóng. Nàng có những cơn ác mộng và thấy những thuỷ quái lao mình đập vào thành tàu. Tôi tỉnh thức, đánh đuổi bọn chuột cứ xông vào định gặm đuôi chúng tôi. Một cuộc chiến không cân sức: chúng đông quá, lại nhanh nhẹn, không biết sợ là gì, và rất khôn ngoan sau hàng chục năm sống đời chuột dưới khoang tàu. Chúng thoăn thoắt chạy quanh khoang tàu, trèo lên những sợi dây chăng giữa các xà thép, hễ chúng tôi nhãng đi một cái hoặc ngủ thiếp đi là chúng lập tức nhảy ào xuống đầu xuống cổ. Những cái móng ngựa của chúng tôi chẳng làm gì được chúng; ấy vậy mà thỉnh thoảng tôi cũng giẫm bét được một con dưới chân, và thấy rất hài lòng: Mày có chạy đằng trời, đồ chuột bọ!
Tôi cố giữ tinh thần cho Tita. Lần sau đi lại con đường này, tôi nói, chúng mình sẽ đi bằng máy bay. Hoặc lấy vé hạng nhất trên một con tàu khách sang trọng, có bể bơi và đủ các thứ khác. Nàng mỉm cười yếu ớt: Bể bơi hả Guedali? Nhân mã trong bể bơi ư? Chẳng mấy chốc mình sẽ không còn là nhân mã nữa, tôi nói, cố tin vào lời nói của chính mình.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến nơi. Qua lỗ cửa sổ khoang tàu, chúng tôi có thể thấy bờ biển châu Phi: một thành phố với những ngôi nhà trắng chói chang dưới nắng mặt trời. Điều gì đang chờ đợi chúng tôi ở đó?
Đêm đến, chúng tôi được đưa xuống tàu. Một trợ lý của ông bác sỹ đón chúng tôi, một người đàn ông cao lớn choàng một tấm áo chùng rất dài. Ông ta dẫn chúng tôi tới một chiếc xe thùng kín mít màu đen, tương tự một cách khó chịu với một cỗ xe tang. Phải thế để không ai để ý, ông ta nói tiếng Tây Ban Nha rất dở, rồi chỉ cho chúng tôi lên xe từ phía sau. Hai cánh cửa kim loại đóng sầm lại và chiếc xe thùng lao đi, phóng hết tốc lực. Tita túm chặt lấy cổ tôi. Nửa tiếng sau, chúng tôi đến phòng mạch của ông bác sỹ ở ngoại ô thành phố: một cụm những toà nhà trắng sau một vòng tường bao quanh có người gác cửa mang vũ khí.
Ông bác sỹ người Morocco không gây được mấy tin cậy: một người nhỏ bé, da nâu, không thể đoán tuổi và quần áo đỏm dáng, có mái tóc chải rất kỹ lật hết về phía sau. Ông đeo kính râm, móng tay mài giũa cẩn thận, và phảng phất một nụ cười giễu cợt trên cặp môi dày. Ông nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Xin chào các vị đã đến bệnh viện của tôi, ông nói, nhìn chúng tôi với vẻ đầy thú vị. Đúng như tôi tưởng tượng, ông nói thêm, đúng vậy, quí vị quả là… một trường hợp rất… rất đặc biệt.
Lúc đó đã muộn và chúng tôi rất mệt, nhưng ông ta vẫn khăng khăng đòi khám chúng tôi ngay: ban đêm tôi làm việc tốt hơn, ông ta giải thích. Ông dẫn chúng tôi vào một nơi giống như một phòng nghiên cứu, bật hết các đèn rọi lên, lấy một cái máy ảnh và chụp tôi trong nhiều tư thế khác nhau. Đến lượt Tita, ông ta đề nghị nàng cởi bỏ áo chùm; nàng từ chối vì ngượng, nhưng ông bác sỹ cương quyết đề nghị, bảo là cần cho hồ sơ bệnh án. Cứ làm theo lời bác sỹ, Tita à, tôi nói.
Xong phần chụp ảnh, ông đưa chúng tôi vào khu tạm trú, một gian nhà biệt lập với các toà nhà khác, Ở đây sẽ không có ai làm phiền anh chị, ông ta cam đoan, rồi mở cửa. Đó là một gian phòng rộng rãi, hầu như không có gì bên trong. Có nệm trải dưới đất và hai tủ quần áo nhỏ. Ở đó, ông ta làm nốt việc khám chúng tôi, nghe ngóng và bắt mạch. Lạ thật, ông ta luôn mồm nhắc đi nhắc lại, cực kỳ là lạ; tôi đã thấy nhiều trường hợp dị thường, nhưng anh chị là ca dị thường nhất từ trước tới nay. Ông nói gì đó với người trợ lý, rồi quay lại phía chúng tôi. Tôi sẽ cho chụp một loạt phim quang tuyến, chúng sẽ rất quan trọng trong việc quyết định sẽ phải giải phẫu theo cách nào.
Ông ta đang bước ra cửa thì tôi túm lấy tay ông giữ lại. Liệu có thành công không, bác sỹ, cuộc giải phẫu ấy mà? Ông mỉm cười: Ôi dào, chắc chắn là thành công chứ lại, tất cả các cuộc giải phẫu của tôi đều thành công hết. Ông vỗ nhè nhẹ lên hông sau của tôi. Một ca rất, rất thú vị đây. Nhất định rồi, sẽ đâu vào đó cả thôi.
Khi chúng tôi còn lại một mình, Tita bảo, em không thích con người này tí nào. Em rất sợ cuộc giải phẫu này, anh Guedali. Tôi cố trấn an nàng, những thực sự là tôi cũng thấy sợ. Tôi quyết định tôi sẽ mổ trước. Nếu tôi chết, Tita sẽ trở về trại, vẫn là nhân mã thôi, nhưng mà còn sống.
Chết. Ý nghĩ ấy nhẽ ra không nên xa lạ với tôi. Nửa ngựa với nửa người thì có gì khác nhau? Nhưng sự thật là: tôi muốn sống. Đời tôi lạ lẫm và khốn khổ, nhưng nó là của tôi. Và bây giờ tôi còn có thêm Tita. Nhìn nàng nằm ngủ trên nệm, tôi chợt nghĩ: Không, tôi không muốn chết. Đột nhiên một làn sóng lạc quan xâm chiếm tôi: Chết ư? Làm gì có chuyện vô lý ấy, tại sao lại nghĩ đến cái chết? Chúng tôi sẽ không thể chết được. Ca mổ sẽ thành công, ông bác sỹ sẽ cắt bỏ những phần thừa ấy, nào đuôi, nào móng, như thể chúng là những cái mụn cơm, những cái mụn cơm khổng lồ nhưng hoàn toàn có thể cắt bỏ được.
Thế rồi tôi lại có một cảm giác là lạ, bí hiểm, giống như một cảm hoài êm ái, một thứ luyến tiếc cho những gì sắp mất đi. Không, đó không phải là những mụn cơm trên thân thể chúng tôi. Chúng là những phần ngoài phát của bản thể chúng tôi, tự bên trong, chúng tôi đã là nhân mã rồi, tôi ngẫm nghĩ, tay mân mê đuôi mình, mặc cho những sợi dài tuột giữa những ngón tay. Một cái đuôi dày, thật đẹp. Dầu dưỡng tóc tôi dùng cho nó đã khiến nó mềm mại và óng mượt như lụa. Còn bộ giò của tôi, chúng chưa bao giờ trục trặc, chưa một lần phản lại tôi trong những lần nước đại đường dài. Thì đúng là chúng kết thúc bằng những móng ngựa, nhưng còn anh chàng ném dao găm trong gánh xiếc thì sao, anh ta để móng ngón tay út mọc dài loằng ngoằng đến phát sợ. Đuôi tôi, móng tôi, chúng là tôi, cũng như bản ngã thể chất và tâm linh của tôi vậy. Nhưng dù sao, tôi cũng đã quyết không trở lại với chúng nữa rồi. Xin giã biệt nhé, móng ơi, tôi thở dài. Xin giã biêt, bộ giò mạnh mẽ của tôi. Xin giã biệt, chiếc đuôi đẹp đẽ của tôi. Bộ da bụng của tôi ơi, màu sắc mày đáng yêu làm sao, xin giã biệt. Chẳng mấy lúc những cái đó sẽ không còn là một phần của tôi nữ. Ông bác sỹ Morocco đã chụp ảnh tôi; lần chụp sau, tôi sẽ xuất hiện với một chiếc quần dài, miệng mỉm cười. Trước và sau, cũng hệt như trong quảng cáo vậy.
Đêm đó tôi đã nghĩ đến biết bao nhiêu thứ, buồn có, vui có. Nhưng cuối cùng tôi thấy mình chẳng buồn chẳng vui, chẳng tuyệt vọng cũng chẳng vui sướng, không khóc không cười, chẳng gì cả. Kết quả cuối cùng là một giấc ngủ - một giấc ngủ sâu, nặng và mạnh mẽ đến độ nuốt chửng toàn bộ thân thể thôi như một đầm lầy lôi tôi chìm nghỉm với toàn bộ chân cẳng, móng, đuôi, mắt mũi, mồm miệng, tất cả.
Theo lời khuyến nghị của ông bác sĩ, chúng tôi suốt ngày ở trong phòng. Không nên để cho các bệnh nhân khác nhìn thấy anh chị, ông ta nói vậy.
Mà chúng tôi cũng không nhìn thấy các bệnh nhân khác. Nhìn qua khuôn cửa sổ nhỏ bé ra phía sau những mảnh vườn, những mảnh vườn đáng yêu với những bụi hoa hồng trồng thành từng dãy và một cái bể phun nước tí tách rì rào rất êm ái. Chúng tôi chỉ thấy những lối đi vắng vẻ, thỉnh thoảng lắm mới có một gia nhân khác tạp dề trắng rảo bước qua lại. Toàn những nhân vật quan trọng ở đó, người trợ lý của ông bác sỹ nói ngấp ngứ bằng tiếng Tây Ban Nha, tay chỉ về phía các gian nhà khác. Những người rất quan trọng, họ không thể để ai nhìn thấy mình. Mà quả có thế.
Những cuộc khám nghiệm nối đuôi nhau diễn ra mãi. Thử máu và nước tiểu, những cuộc điện tâm đồ, và nhất là những lần chụp quang tuyến X. Cơ sở của ông bác sĩ được trang bị thật hoàn hảo. Họ bắt chúng tôi qua đủ các kiểu chụp quang tuyến X. Tôi cần biết rõ sẽ gặp phải những gì ở bên trong cơ thể của anh chị, ông bác sĩ nói, ví dụ anh chị có bộ gan người hay là gan ngựa? Ông ta tiết lộ rằng khi mổ ông sẽ có sự trợ giúp của hai bác sĩ thú y. Toàn người Pháp cả, ông tự hào nói, đội cộng sự của tôi toàn các nhân vật đầu bảng.
Đêm đến, mệt lả sau những khám nghiệm, chúng tôi trở về phòng mình. Chúng tôi đi nằm, tắt đèn, nhưng giấc ngủ không đến. Chúng tôi nghe thấy, mặc dù hầu như bị dìm đi trong tiếng nước chảy của bể phun ngoài hiên, những âm thanh vang vọng của tiếng trống xa: Châu Phi đấy. Bên ngoài bức tường trắng kia là hoang mạc đá sỏi: những con người đen đủi choàng áo thụng ngồi trên lưng lạc đà; những con khỉ trên tàu cọ, những con nhân sư. Sông Zamberi. Núi Kilimanjaro. Những người Zulu. Những thầy lang đeo mặt nạ của bộ lạc. Đêm tối đầy nhóc những quái vật cứ thi nhau nhảy ra từ trí tưởng tượng của hai con nhân mã mất ngủ tội nghiệp
Tôi không nhớ rõ lắm cái đêm trước ca mổ. Tôi biết rằng một trong những trợ tá của ông bác sỹ đến tiêm cho tôi một mũi để ngủ, anh ta giải thích. Sau đó tôi lờ mờ nhận thấy có người khiêng tôi ra khỏi tấm nệm và đặt tôi vào một thứ toa xe: đã đến lúc rồi. Tita đứng cạnh tôi. Tôi muốn chào tạm biệt nàng, bảo nàng đừng lo, rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp, nhưng không thể cất giọng được. Nàng cúi xuống và hôn tôi. Trong một giây ngắn ngủi tôi đã thấy cặp mắt nàng, màu trắng đờ đẫn trong mắt nàng, và rồi cánh cửa mở ra vào một bầu trời rạng ngày xam xám, một hành lang dài, rồi phòng mổ. Họ đặt tôi lên một cái bàn lớn, và buộc chặt tay chân với đuôi tôi xuống bàn. Ánh sáng của một bóng đèn lớn chói loà mắt tôi. Ông bác sỹ Morocco đến gần, đã mặc áo choàng, đội mũ chụp, và đeo khẩu trang. Ông ta nói nhỏ điều gì đó. Tôi cảm thấy một mũi kim chích vào cánh tay, rồi không thấy gì nữa.
Rồi tôi nằm trong phòng hồi sức, thực sự vẫn chưa tỉnh hẳn. Những nhãn ảnh lẫn lộn: những bộ mặt cúi xuống trên tôi, những đám mây xáo động, và giữa chúng, một con ngựa bay đang vỗ cánh.
Đau. Đau khủng khiếp, không thể tưởng tượng được, xé da cắt thịt. Ôi cha ơi, ối mẹ ơi, cứu con với, tôi rên rỉ.
Vì tôi nằm nghiêng, cánh tay phải của tôi bị đè vặn dưới người, lại cũng đau chẳng kém gì những phần thân thể đã phải mổ. Tôi cố gọi ai đó, nhưng cổ họng mất hết tiếng. Tôi với cánh tay trái, mãi mới nắm được vào thanh ngang đầu giường. Cố hết sức bình sinh, tôi lật lại mình. Hàng ngàn mũi nhọn đâm nhoi nhói dưới lưng, nhưng ngay lúc ấy tôi chợt nhận ra rằng lần đầu tiên trong đời tôi đang nằm ngửa trên lưng mình. Nằm ngửa! Giống như cha mẹ tôi trên chiếc giường đôi của họ vào những sáng thứ Bảy. Giống như Deborah, Mina, Bernardo, Pedro Bento, và cô gái trong khu nhà lớn nọ. Giống như hai anh lùn, bà dạy sư tử, và Dona Cotinha, như tất cả mọi người. Nằm ngửa. Tôi nhìn mãi lên trần nhà, tuyệt vời biết bao cái việc nằm ngửa nhìn lên trần nhà như thế. Chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một cái trần nhà màu trắng, song tôi nghiên cứu nó với một tình cảm âu yếm cực kỳ. Tôi muốn cười phá lên; tất nhiên là không thể được vì tôi còn rất đau, nhưng tôi thực sự muốn được cười thật to cho thoả nỗi vui sướng thấy mình vẫn sống, đã qua được cuộc giải phẫu, và thực ra, nhất là vì tôi đang có thể nằm ngửa được trên lưng mình. Tôi thận trọng đưa tay ra sờ chính mình. Thật khó chịu khi tôi vẫn sờ thấy lớp lông ngựa quen thuộc ở hai chân, nhưng trên đó, bắt đầu từ đùi, tôi chỉ sờ thấy bông băng. Từ hai đùi trở lên, tôi bị băng kín mít, rất nhiều băng gạc. Băng gạc, nhưng không thấy hai chân sau đâu nữa; băng gạc, nhưng không thấy đuôi nữa; băng gạc, nhưng không còn cái bụng khổng lồ nữa. Được cuốn trong băng gạc mới thích làm sao, hết lớp này đến lớp khác. Chắc hẳn trông tôi giống một cái xác ướp Ai Cập, tôi nghĩ bụng và lại muốn phá lên cười.
"Buenos Dias!" (31) Ấy là ông bác sỹ Morocco, mặt cười tươi. Ông nhấc bỏ tấm vải phủ trên người tôi, kiểm tra mọi thứ, và rất hài lòng. Ông mô tả cuộc phẫu thuật cho tôi nghe, khi không tìm được chữ thì làm điệu bộ bắt chước những gì đã xảy ra, và cứ hăng hái loay hoay như thế suốt. Từ những gì tôi hiểu được thì trong khi mổ ông đã phát hiện tôi có hai bộ phủ tạng, một của ngựa và một của người, cho nên ông mới có thể cắt bỏ hoàn toàn phần ngựa, chỉ trừ hai chân trước, mà không bị rủi ro gì.
"Thế phần cắt bỏ ấy ra sao rồi?" Tôi hỏi.
Câu hỏi ấy khiến ông lúng túng. Đầu tiên ông nói đã cho ném tất cả, móng, đuôi, da, ruột gan, xuống biển; rồi thì ông lại tự mâu thuẫn với mình: không,ông đã không cho ném chúng xuống biển, mà cho đốt đi cả rồi.
Cuối cùng thì ông thú thực là ông đã bán hết những phần ngựa ấy cho dân bản địa. Thịt ngựa ở đây rất hiếm, ông nói, mà anh thì dinh dưỡng đầy đủ. Thực tế là, ông nói tiếp, dân địa phương chẳng bỏ đi một thứ ngựa gì của tôi: da thì họ dùng căng mặt trống lễ hội, xương thì họ làm phân bón. Móng thì họ làm thành những cái gạt tàn thuốc lá và những đồ mỹ nghệ khác, còn cái đuôi thì họ làm thành một thứ phất trần đuổi ruồi hạng sang bán cho quan chức cao cấp. Tôi thực tâm hy vọng anh không phản đối, ông nói thêm. Không, tôi thì thầm, không sao đâu.
Một chút im lặng. Tôi lại nhìn lên trần nhà, chỗ có một con ruồi to tướng đang đậu trên mặt vôi trắng. Có phải loài ruồi đốt ai sẽ làm cho người đó mắc chứng ngủ không dậy được đó chăng? (32) À, ông bác sỹ đột ngột lên tiếng, tôi quên chưa nói với anh phần quan trọng nhất!
Mặt ông sáng bừng lên, và ông bắt đầu mô tả việc chuyển vị trí cái dái ngựa của tôi vào chỗ bình thường của người, tức là vào giữa hai chân trước. Kết quả tuyệt đẹp, ông kêu lên, rồi cười khúc khích: thật là một cái dái, có phải không nào? Một cái dái kỳ diệu! Rồi ông nháy mắt: tôi phát ghen với anh đấy, anh bạn ạ, tôi thực sự ghen với anh đấy.
Rồi vừa đứng lên, ông vừa nói, "Tôi sẽ báo tin kết quả ca mổ này cho... a, vợ anh biết. Tất nhiên cô ấy chưa thể vào thăm anh, nhưng tôi sẽ nói cho cô ấy biết mọi việc đều đã tốt đẹp cả rồi."
Đêm đó tôi không sao ngủ được. Tôi nghe mãi tiếng trống văng vẳng ngoài hoang mạc xa xôi. Những bàn tay to lớn đang vỗ trên mặt da căng thẳng của tôi đấy; âm thanh trống rỗng vang dội mãi trong đầu tôi, không thể nào ngăn lại được. Mãi đến lúc rạng ngày tôi mới mệt nhọc thiếp đi.
Ca mổ của Tita vài ngày sau đó cũng diễn ra rất tốt đẹp. Lúc ấy tôi đã có thể ngồi trong một chiếc xe lăn, vẫn còn đau, nhưng đã khá hơn nhiều. Đêm hôm sau ca mổ của Tita, ông bác sĩ Morocco vào phòng tôi. Tôi muốn cho anh xem mấy thứ, ông nói. Rồi ông đưa tôi vào nhà bếp của bệnh viện, vào giờ ấy không có một ai, và mở cửa gian phòng đông lạnh.
"Tôi buộc lòng phải để ở đây, chẳng còn chỗ nào khác."
Đó là phần thân sau đẫm máu của Tita, treo trên một cái móc. Trên một cái móc khác là những bộ phận phủ tạng.
"Tôi phải làm gì với chúng đây?" Ông hỏi, giọng chẳng lịch sự chút nào. Có thể thấy ông đã chẳng vui tí nào khi tôi có vẻ không đồng tình với cách ông xử trí cái phần ngựa của tôi, nhưng dù sao thì ông vẫn công nhận cái quyền của tôi đối với những di hài đang lủng lẳng trong gian phòng đông lạnh này.
Tôi đề nghị cho hoả táng chúng rồi rắc hết tro ra ngoài đại dương. Chính tôi đã đích thân trông coi việc ấy, phớt lờ những vẻ ác cảm của tay trợ lý, là người phải im lặng thừa hành việc này trong đêm tối.
Ông bác sĩ tuyên bố chúng tôi sẽ được chuyển khỏi gian nhà lẻ để vào những phòng bên trong bệnh viện, chúng tôi không còn phải ẩn náu nữa.
Ngay hôm đó chúng tôi chuyển phòng, ngồi trên xe đẩy. Thứ đầu tiên chúng tôi để ý trong căn phòng mới của mình là cái giường - một cái giường đôi rộng rãi. Nó được phủ bằng một tấm chăn thêu với những hình trang trí vui mắt, tương tự như những tấm thảm tranh của Dona Cotinha. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, Tita và tôi, rồi cùng mỉm cười: đó là chiếc giường đầu tiên chúng tôi được nằm trong đời.
Với sự giúp đỡ của hộ lý, chúng tôi cởi quần áo và nằm xuống giường, đối diện nhau, nhìn mãi vào mắt nhau và không ngừng mỉm cười. Tita nói nàng thấy buồn ngủ, rồi trở mình sang bên kia. Tôi ôm nàng từ sau lưng, hai bàn tay nâng hai bầu vú nàn, và hôn lên gáy nàng.
(Ở dưới, chúng tôi vẫn còn cặp móng nhân mã, nhưng phần có da người như tay, ngực, cổ... bây giờ đã nhiều hơn phần có da ngựa. Liệu sẽ có ngày da người lan ra thay thế hết da ngựa hay chăng?)
Tôi thở dài. Mọi việc đều ổn cả, thực sự là mọi việc đều ổn cả. Duy có một thứ vẫn quấy nhiễu tôi: ấy là âm thanh của tiếng trống đổ dồn, nhưng rồi cả cái đó nữa cũng mỗi lúc mỗi xa xôi dần. Còn tiếng đập cánh thì không còn một tí gì nữa.
Khi những sẹo mổ đã lành, chúng tôi được giao cho một đội các nhà vật lý trị liệu phụ trách việc huấn luyện chúng tôi cách đi đứng như người bình thường.
Việc đó không phải dễ. Đầu tiên, họ làm những đôi giày đặc biệt cho chúng tôi: những đôi ủng cao cổ có đế rộng, có thể giúp chúng tôi đi đứng rất vững chãi ổn định. Bên trong ủng có những lót đặc biệt để ôm thật vừa quanh móng ngựa của chúng tôi.
Chúng tôi luyện tập trong nhiều tuần, lúc đầu đi bám trên hai xà ngang, rồi chống nạng, rồi chống gậy. Chúng tôi ngã lên ngã xuống, có lúc thật nản lòng, còn Tita thì khóc. Tuy nhiên, ông bác sĩ Morocco luôn động viên tinh thần chúng tôi, và cuối cùng cũng đến ngày chúng tôi tự mình đi những bước đầu tiên, tay nắm tay. Thật là một giây phút sung sướng! Nó chỉ thua có giây phút chúng tôi nhảy điệu vanxơ đầu tiên với nhau, được tất cả mọi người trong bệnh viện nhiệt liệt hoan hô.
Thấy tôi đi mỗi ngày một chắc chắn tự tin, ông bác sĩ nói: chẳng mấy chốc anh sẽ là một cầu thủ bóng đá vô địch ở quê nhà. Ông ta rất tò mò về nước Brazil: họ bảo có thể kiếm tiền rất nhanh ở đó có phải không? Tôi trả lời qua quýt, cố tránh chủ đề ấy, và chỉ khiến cho ông ta thêm tò mò (và thèm muốn hơn, có thể thấy rõ điều ấy). Một hôm ông đưa tôi đến văn phòng của ông trong thành phố và giới thiệu tôi với những người đàn ông ăn vận rất lịch sự, có người Morocco, có người Châu Âu, ai cũng đeo kính đen. Đây là một số thương nhân rất quan tâm đến Brazil, ông nói.
Họ muốn đầu tư vào xuất nhập khẩu, và cần có thông tin. Tôi nói những gì mình biết cho họ nghe, chẳng được là bao. Tuy nhiên, vì những lý do gì đó, họ đều có ấn tượng tốt về tôi. Họ đưa danh thiếp cho tôi, đề nghị tôi viết thư liên lạc với họ.
Tháng 12 năm 1959, chúng tôi đã sẵn sàng trở về Brazil. Đúng lúc đó chúng tôi nhận được một lá thư của người đốc công ở trại nhà, báo tin Dona Cotinha đã đột ngột qua đời. Chúng tôi buồn rầu vô hạn. Dù sao, chúng tôi cũng đã liên lạc thường xuyên và thông báo liên tục cho bà về tình hình của chúng tôi, gửi cả ảnh chụp chúng tôi, đứng trong vườn bệnh viện, trong một khu chợ Ả rập, cùng với ông bác sĩ. Tội nghiệp Dona Cotinha, bà không còn được thấy chúng tôi đi đứng như những con người bình thường nữa, mà đó đã là mong ước lớn nhất của bà. (Sau này chúng tôi cực kỳ xúc động được biết bà đã để lại cho chúng tôi một phần lớn gia sản của bà, phần còn lại chia cho người con trai, ông đốc công, những tá điền trong trại và cả đám đàn bà xưa kia của chồng bà.)
Kế hoạch của chúng tôi phải thay đổi. Sống ở trại mà không có Dona Cotinha chẳng có gì hấp dẫn nữa; hơn nữa, người con trai bà đã dọn về sống ở trại nhà. Liệu chúng tôi có nên chuyển về sống ở Porto Alegre?
Tôi viết bức thư đầu tiên cho cha mẹ sau nhiều năm im lặng. Tôi kể về cuộc giải phẫu, về Tita, và cho họ biết ý định muốn về sống ở Porto Alegre. Về đi các con, cha mẹ tôi viết trả lời, về sớm đi, chúng ta đang nóng lòng chờ mong các con.
Thế là, vào đúng đêm Giáng sinh năm 1959, chúng tôi lên máy bay trở về Brazil. Ở sân bay mọi người đều để ý đến vóc dáng cao ráo và điệu bộ trang nhã của chúng tôi. Tôi mặc quần nhung kẻ và áo sơ-mi có in hoa, Tita thì vận một chiếc áo cánh lụa và quần jean, từ đó trở đi sẽ là bộ trang phục điển hình của nàng. Và tất nhiên chúng tôi đều đi ủng, những đôi ủng mà chúng tôi sẽ phải đi lâu dài, có thể là mãi mãi. Thì đã làm sao! Tita nói, gương mặt rạng rỡ, lúc nàng đang nhìn qua cửa sổ khi máy bay cất cánh.
Tôi ngả người vào lưng ghế và nhắm mắt lại. Máy bay lướt qua những đám mây; tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Không bao giờ chúng tôi còn phải để người ta chuyên chở mình trên xe tải và rơ-moóc nữa. Không bao giờ chúng tôi còn phải ẩn náu, trong một khoang tàu thuỷ hoặc bất kỳ nơi nào nữa. Không bao giờ chúng tôi còn phải phi nước đại nữa.
Đột nhiên tôi giật nảy mình vì một cảm giác lạ lùng. Tôi mở mắt và nhìn qua cửa sổ. Mây, đúng thế, có những đám mây hình dáng lạ lẫm có vẻ giống con vật này con vật nọ. Nhưng một con ngựa bay có cánh thì không.
Chú thích
(31) "Chúc một ngày tốt lành" - câu chào khi gặp nhau trong tiếng Tây Ban Nha. (ND)
(32) Nguyên văn là "tsetse", một loài ruồi mạng bệnh gây ngủ. (ND)
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Con Nhân Mã Ở Trong Vườn.