• 553

Chương 39: Sương mù


Dịch: Lê Thị Hồng Lam
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Nguồn: luv-ebook.com
Tôi nhắm mắt, đầu óc trống rỗng, cảm giác mình sắp ngã xuống hoặc sắp sùi bọt mép rồi chết luôn, cảm giác ấy đến tận giờ nhớ lại tôi vẫn thấy rất khó giải thích. Tôi bất ngờ bởi điều mình nghĩ tới trước lúc chết lại không phải là cái chết.
Đương nhiên sau đó tôi đã không chết, bởi vì tôi đang ngồi đây để kể lại những trải nghiệm đã qua cho các bạn nghe, chắc chắn các bạn cũng suy luận ra được chuyện này. Sở dĩ tôi có thể nhớ rõ ràng tất cả những gì đã trải qua là vì thời điểm ấy ảnh hưởng đến tôi một cách mạnh mẽ, cũng có thể nói nó trở thành động lực lớn cho suốt cuộc đời sau này, không hẳn là điều gì ghê gớm lắm, nhưng ít nhất nó cũng khiến tôi trưởng thành lên rất nhiều. Thực ra, mãi sau khi trải qua chuyện này tôi mới hiểu để rèn rũa nên một anh Miêu điềm tĩnh chín chắn vậy, nhất định anh phải trả giá rất nhiều cho đời mình.
Hẳn bạn đang thắc mắc vậy chuyện gì đã xảy ra vào thời điểm đó? Tại sao tôi lại không chết?
Tôi nằm đợi chết trong đám sương mù mười mấy phút thì cảm thấy có một chút khác biệt, đó là cảm giác lạnh lẽo bắt đầu xâm chiếm toàn bộ con người tôi, các lỗ chân lông trên người đều co hết lại, nhiệt lượng cơ thể như bị rút đi hết.
Ban đầu tôi cứ tưởng đó là cảm giác trước khi chết, nhưng về sau càng ngày càng cảm thấy lạnh, cuối cùng sau khi hắt hơi một cái, tôi liền hiểu ra vấn đề. Sau đó tôi mở mắt ra nhìn, phát hiện ra mây mù bao quanh người mình đã dần tan đi, tôi đã có thể nhìn rõ mọi vật trước mặt, Mã Tại Hải đang đỡ đội phó đứng canh cánh cửa trên mặt lộ rõ vẻ nghi ngờ.
Không có khí độc! Đó là suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi lúc đó, sau đó bất giác tôi cảm thấy thật nực cười, sao lại thế này, lẽ nào chúng tôi đang tự đấu tranh với những huyễn tưởng của chính mình?
Nhưng đúng là đám mây trước mặt có mỏng đi thực, hơn nữa lại lạnh đến run người, cảm giác không chịu nổi.
Chỗ cửa ra vào chắc cũng lạnh như thế, tôi thấy Mã Tại Hải đang co rúm người, nhìn sang tôi rồi từ từ mở rộng cánh cửa ra, ánh đèn chiếu sáng không gian phía sau cánh cửa.
Mây mù cuồn cuộn, ánh đèn không thể soi rõ vật gì, trước mặt chỉ thấy mây đen, ngoài ra không thể thấy vật gì khác.
Rõ ràng đám mây mù đó không độc, đội phó bị ngất đi chắc do kiệt sức mà thôi. Trên suốt chặng đường đã qua, anh ấy liên tục bị sức ép cả về tinh thần và thể xác, lại còn bị thương, cho nên đến lúc mở cửa, không hiểu điều gì sẽ đón đợi mình nên căng thẳng quá lăn ra ngất luôn.
Mã Tại Hải cõng đội phó, chúng tôi thu dọn vật dụng, người trước kẻ sau đi ra khỏi buồng sắt, lội vào giữa đám mây mù.
Tôi không thể hình dung mình sẽ nhìn thấy cái gì, bởi lẽ xung quanh là màn sương dày đặc, ánh đèn chiếu đi chỉ được vài mét, hơn nữa lúc đó pin đèn cũng sắp đến lúc cạn kiệt, nên với chất lượng ánh sáng lúc này thì dù không có màn sương mù kia chưa chắc tôi đã nhìn thấy gì.
Đám sương mù tập trung dày đặc nhất từ đầu gối trở xuống, còn bên trên thì đã nhanh chóng mỏng dần đi. Chúng tôi di chuyển khiến đám sương mù cũng bị cuốn theo, giống như đang đi giữa chín tầng mây. Thêm nữa, bên ngoài rất lạnh, lạnh tới mức vừa đi được vài bước tôi đã cảm thấy hai chân mất hết cảm giác, lạnh tới mức tôi phải đi lại mới cảm nhận được đôi chân mình còn tồn tại. So với nơi đây thì cái lạnh của dòng sông ngầm mà chúng tôi lội qua lúc trước không thể sánh nổi, chúng tôi co rúm người, sợ hãi nhìn xung quanh. Cái lạnh bất thường khiến các giác quan của chúng tôi nhanh chóng hồi phục, mặc dù chỉ là cảm giác, tôi phát hiện ra đám mù sương này không phải là đám sương đen chúng tôi nhìn thấy qua ô cửa lúc trước, nó giống như hơi lạnh thường thấy trong các hầm giữ lạnh. Có điều nhiệt độ ở đây lạnh hơn rất nhiều so với các hầm lạnh.
Chúng tôi gỡ túi ngủ ra quấn lên người mới thấy ấm hơn đôi chút, tôi giậm mạnh chân, cảm giác như dưới chân là lớp lưới sắt rất trơn, dường như đã bị đóng băng. Tiếng bước chân phát ra không hề nghe thấy tiếng vọng trở lại, rõ ràng không gian nơi này rất rộng.
Đây là đâu? Càng ngày tôi càng mất phương hướng, bên dưới cái đập rốt cuộc có gì, chẳng phải là nơi chứa tua bin thủy lực và máy phát điện ư? Nhưng sao tôi có cảm giác nó giống hầm lạnh thế này?
Chúng tôi cẩn thận mò mẫm đi về phía trước, tấm lưới có nẹp miếng sắt dưới chân rung lên thành nhịp, càng đi về trước sương mù càng mỏng dần. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã nhìn thấy sàn nhà dưới chân, đó là hành lang làm bằng lưới sắt, hai bên vách là bức tường bê tông hõm sâu xuống dưới giống hệt cái bể chứa bằng bê tông lúc trước, trông chúng rất giống lò vôi, có điều được xây dựng chính quy hơn nhiều, bên dưới đó chắc toàn là băng, dưới lớp băng có những bóng mờ mờ, từng cái từng cái một trông to lù lù, chẳng hiểu là thứ chết tiệt gì. Ánh đèn không thể chiếu tới nơi, tôi lại gần xem, thấy chúng đã đóng băng hết cả. Lớp băng phải dày chừng hai mét, nên tôi không đoán ra được những thứ ấy rốt cuộc là vật gì.
Chúng tôi cứ thế tiếp tục đi lên trước, càng đi càng lạnh, đi được chừng năm mươi mét, tôi đã muốn quay trở lại. Mã Tại Hải cũng rét run lập cập. Nhưng đúng lúc đó, tôi nhìn thấy điểm tận cùng của vạt lưới sắt, ở phía trên cái hố xuất hiện một bức tường giống hệt bức tường chúng tôi gặp lúc trước, trên đó cũng có một cánh cửa sắt kín mít.
Chỉ khác là trên cánh cửa bám lớp băng dày, nền nhà vun đống những mảnh băng vụn, còn có một cái xà beng dựng ngay vách, chắc chắn cách đây không lâu có người đã dùng nó định phá lớp băng này.
Tôi xem lại những mảnh băng vụn trên sàn, chắc chắn nó vừa mới được tạo ra cách đây không lâu, bèn thở phào nhẹ nhõm, thầm đoán phải chăng Viên Hỷ Lạc đã quay lại đây? Cánh cửa này là do cô ấy đã mở chăng?
Tôi cầm xà beng, đang định nạy chốt cửa, bỗng nhiên thấy chốt khóa tự nhiên lạch cạch chuyển động.
Tôi giật nảy mình, tiếp đó bánh răng khóa cửa bỗng xoay từ từ, tôi chợt nhận ra phía sau cánh cửa có người!
Tôi giật mình, cùng Mã Tại Hải vội vã lui về sau một bước, phản ứng tự vệ tức thời của tôi là giơ xà beng lên để phòng vệ, còn Mã Tại Hải thì co ngươi lại, đứng nép vào một bên cánh cửa.
Cánh cửa từ từ mở ra, trong lúc chúng tôi đang đoán già đoán non không biết phía sau cánh cửa là Viên Hỷ Lạc hay Trần Lạc Hộ, thì một khuôn mặt tròn ủng như cái bánh quy và đen sì sì thò vào nhìn chúng tôi. Hai bên vừa nhìn thấy nhau liền ngẩn người ngạc nhiên.
Mất vài phút sau, tôi mới nhận ra khuôn mặt đen sì kia chính là Vương Tứ Xuyên, không phải tại tôi đãng trí không nhận ra mà tại cậu ta thay đổi nhiều quá, cả người lầm lem như vừa bước ra từ lò mổ, trên mặt đầy vết máu, phần da trên trán nhăn lại, khuôn mặt đen đi một cách khó hiểu.
Cậu ta nhìn chúng tôi, không thốt nên lời, mãi hồi lâu sau mới hét lên:
Tiên sư thằng Ngô, cậu vẫn chưa chết sao?

Tôi bước vội lên ôm chặt lấy cậu ta, nước mắt bất giác trào ra, sau đó Mã Tại Hải nhận ra Vương Tứ Xuyên, cũng khóc òa lên. Hình như Vương Tứ Xuyên bị thương nên bị tôi ôm đau quá, cậu ta liền hét ầm lên.
Trong tình cảnh ấy, gặp lại Vương Tứ Xuyên, tôi cảm thấy hạnh phúc tuôn trào như thể người ta vừa trúng số độc đắc vậy. Nhưng đàn ông khóc quả thực cũng chẳng phải chuyện vẻ vang gì, tôi vội vàng lấy tay áo quệt nước mắt, ngắm nghía cậu ấy hồi lâu rồi hỏi han xem chuyện gì đã xảy ra với cậu ta.
Khắp người cậu ta đầy thương tích giống hệt khuôn mặt. Lúc ôm cậu ta, tôi còn ngửi thấy mùi khen khét, cậu ta vừa chửi đổng, vừa kể lại rằng lúc ở trong phòng để máy phát điện không may giẫm phải đoạn cáp đứt, suýt thì chết cháy.
Những gì sau đó cậu ta đã trải qua đại khái cũng giống chúng tôi, nhưng hình như Vương Tứ Xuyên đã leo lên đầu bên kia của con đập, ở đó có một cái tháp bằng xi măng cao ba tầng, trên đỉnh gắn đèn pha, một loại đèn chiếu chuyên dụng. Trên đỉnh tháp còn có chiếc cầu bằng sắt nối với cánh cửa sắt thông lên đỉnh tháp, bên trong là một căn phòng giống căn phòng chúng tôi đã từng vào.
Có điều, căn phòng cậu ta chui vào dường như là phòng phân phối điện, bên trong có rất nhiều dây cáp cũ kỹ chạy ngang dọc khắp nơi, vỏ cách điện đều bị đông cứng và nứt toác. Vương Tứ Xuyên bất cẩn nghĩ rằng đã từng ấy năm trôi qua thì làm gì còn có điện chạy trong dây cáp nữa, nên giẫm chân bước qua, nhưng không ngờ vừa chạm vào một cái, cậu ta đã bị điện giật ngã ngừa ra sau, xém chút nữa thì về chầu ông vải.
Cậu ta kể lại câu chuyện bằng giọng điệu rất hài hước. Vương Tứ Xuyên bảo ban đầu cậu ta ngửi thấy mùi thịt nướng, sau đó thấy cả người mình bỗng nhiên giật nảy lên, cảm giác tê dại từ chân lên đến đầu, tiếp đó người giống như bị trúng đạn, ngã nhào xuống đất, có lẽ lúc ấy cũng rất đau, nhưng cậu ta chẳng cảm thấy gì bởi trong đầu chỉ vương vấn mỗi mùi thịt nướng, hóa ra là do mình quá đói.
Tôi nhìn đoạn dây điện Vương Tứ Xuyên đưa cho mình. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy có vẩn đề, bởi chúng tôi vốn cho rằng nơi này chỉ là một con đập tạm bợ, một bộ máy phát điện nhỏ là có thể chiếu sáng và cung cấp cho tất cả các nhu cầu khác ở đây, nhưng theo Vương Tứ Xuyên mô tả, thì sợi cáp to như vậy chứng tỏ công suất của máy phát điện phải rất lớn. Điều khiến tôi băn khoăn nhất là nơi này cần nhiều điện đến thế để làm gì? Lượng điện thừa quá lớn ấy rốt cuộc được dẫn tới đâu? Tuy nhiên vì mới trải qua quá nhiều những chuyện kì quái, nên tôi cũng không đi sâu vào vấn đề này lắm.
Vương Tứ Xuyên may mắn không bị điện giật chết, sau đó tiếp tục gặp phải các hiện tượng giống chúng tôi từng gặp như xả lũ, tiếng còi cảnh báo...và trong căn phòng phát điện đó cũng có một bức tường sắt giống trong căn phòng của chúng tôi, sau khi bị điện giật cậu ta luôn cảm thấy buồn nôn, người lúc nào cũng quay cuồng chực ngã, đành phải nằm lại trong buồng sắt nghỉ ngơi, sau đó cũng trải qua một số chuyện khác, mãi tới khi nãy, vừa định mở cửa thì gặp lại được chúng tôi.
Tôi nghe xong liền ôm Vương Tứ Xuyên cảm ơn trời phật, cậu ta đúng là lớn mạng, mà cũng nhờ vóc người cậu ta to cao, sức khỏe hơn người nên mới tai qua nạn khỏi, chứ nếu là tôi thì đừng nói sống nổi một ngày, có khi ngay lúc ấy đã cháy thành than rồi.
Mấy người chúng tôi một lần nữa cảm tạ trời đất, nói thật, sau khi gặp lại Vương Tứ Xuyên, tôi như được giải thoát khỏi những mệt mỏi căng thẳng. Trong cái đội nhỏ này, tôi không thể tin tưởng được cậu tân binh Mã Tại Hải, mà đội phó thì đang bị thương, cho dù đội phó là người chịu trách nhiệm chính ở đây, nhưng khả năng ứng phó của anh ấy lại không được tốt lắm, có thể nói lúc này tôi cảm thấy mình mới là người chịu trách nhiệm chính, phải gánh vác trên vai một áp lực vô hình rất lớn.
Giờ gặp được Vương Tứ Xuyên, tôi cảm giác như mình vừa được sẻ chia bớt gánh nặng và trách nhiệm, bởi vậy lúc này tâm trạng tôi rất phấn khởi.
Vương Tứ Xuyên sau khi gặp lại tôi, tinh thần cũng thay đổi hẳn, kể chuyện xong cậu ta liền hỏi tình hình của chúng tôi. Tôi kể lại từng li từng tí những gì đã trải qua, nghe đến chuyện của Viên Hỷ Lạc, Vương Tứ Xuyên thần người ra, chúng tôi đều thấy chuyện này thần bí kì dị ngoài sức tưởng tượng. Cậu ta không muốn tin đó là sự thực, nhưng trong trường hợp này không muốn tin cũng phải tin.
Tôi cũng không biết nên giải thích thế nào cho rõ, bởi vì thực tế những chuyện liên quan đến Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ, tôi và cậu ta đủ biết như nhau. Tôi bảo Vương Tứ Xuyên chuyện quan trọng lúc này là phải xác định xem chúng ta đang ở chỗ nào trong đập.
Nghe qua những gì Vương Tứ Xuyên kể, tôi có càm giác cái đập này có kết cấu đối xứng, hai bên đập đều có thang máy
buồng lặn
, chứng tỏ hai bên thành đập đều bố trí phòng kĩ thuật điện cơ nằm sâu dưới nước. Tôi đoán mỗi bên có ít nhất hai chiếc chiếc máy phát điện, một chính, một phụ, hai bên tổng cộng là bốn chiếc. Xét tình hình lúc đó thì nền công nghiệp ở Trung Quốc vô cùng lạc hậu, thậm chí còn không có cả đèn điện; bạn có thể thấy ở cảnh vùng quê trong phim
Cậu lính trẻ Trươmg Ca
, nội dung bộ phim phản ánh vô cùng chân thực, phải một thời gian dài sau khi giải phóng, cuộc sống của chúng tôi vẫn cực khổ giống như trước đó; trong khi đó, lượng điện ở dưới này đủ duy trì cho cả một thị trấn.
Mã Tại Hải bảo, với kiểu đập như thế này thì có thể người ta đã xây từ hai phía xây lại, rồi uốn cho chúng khớp vào với nhau, hồi cậu ta ở Liên Xô đã từng nghe nói đến cách này.
Vương Tứ Xuyên bồn chồn suy nghĩ, đoạn quay sang hỏi tôi xem cả hội đang ở vị trí nào của con đập?
Tôi nghĩ thang máy chỉ có thế đi xuống tầng hầm của con đập, vậy bây giờ chúng tôi chắc đang ở dưới đó, có lẽ là ở chỗ để máy trộn bê tông. Nhưng lúc trước chúng tôi đi quanh xem xét, lại thấy không phải vậy, không gian rộng lớn ở bên ngoài giống như một cái hầm lạnh, nhưng không biết họ làm lạnh thứ gì.
Tôi và hội Vương Tứ Xuyên quen nhau chưa đầy một tháng, nên lúc ấy chưa thể nhắc đến bốn chữ
tình bạn chân chính
khi nói về mối quan hệ giữa chúng tôi. Nhưng có thể nói mối quan hệ bền chặt sau này là hệ quả của những tháng ngày kề vai sát cánh bên nhau thuở ấy. Bởi vậy, khi viết về những người anh em cùng vào sinh ra tử năm xưa, tôi không thể không nhắc đến kỉ niệm đó. Sau này về hưu hồi tưởng lại quá khứ, nhớ về những đồng đội người còn sống kẻ đã chết, tôi mới phát hiện hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mình chính là có được những dòng hồi ức đáng giá ấy. Đôi khi tôi cảm khái ngẫm ngợi thấy - bất luận thời thanh xuân xông pha sóng gió đến đâu, nhưng khi đã bước vào tuổi xế chiều, thì ta chỉ mưu cầu một gian phòng nho nhỏ, đủ chỗ cho mình ngồi viết lách và kể lại những trải nghiệm của đời mình. Thực sự việc ta có thể làm chỉ được đến chừng ấy mà thôi.
Quay lại chủ đề cũ, có thể nói việc gặp lại Vương Tứ Xuyên thực ra vừa là tình cờ vừa là tất nhiên. Bởi kết cấu của con đập ăn thông với nhau, nên trừ phi cậu ta bị chết đuối dưới sông ngầm, còn nếu đã leo lên được bờ đập, thì sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ gặp nhau, vấn đề còn lại chỉ là tôi gặp cậu ta hay cậu ta gặp tôi mà thôi. Có điều, ngay lúc đấy tôi không nghĩ ra lý lẽ này.
Song Vương Tứ Xuyên không phải là cứu tinh của chúng tôi, tuy về mặt tinh thần cậu ta đã giúp chúng tôi giải thoát khá nhiều áp lực, nhưng về mặt nghiệp vụ thì cậu ta không mang tới được cải biến gì. Tuy nhiên, có cậu ta ở bên cạnh, tôi thấy vững tâm hơn nhiều. Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ xem tiếp theo nên làm gì.
Những người còn sống sót ở đây, người thì bị thương, kẻ thì hôn mê, người không bị thương không hôn mê thì lại rơi vào tình cảnh đói khát, nói không ngoa, nếu các trẻ bây giờ rơi vào tình trạng của chúng tôi lúc đó thì chắc chắn các bạn sẽ gục ngã. Nhưng tất cả những đau đớn mỏi mệt và đói khát ấy, chúng tôi đều cố gắng chịu đựng vượt qua, đem so với điều kiện vật chất của thời đại ngày nay thì hoàn cảnh lúc đó quả thực vô cùng gian khổ, hơn nữa chúng tôi lại rơi vào tình trạng hoàn toàn không xác định được điều gì đang đón chờ mình phía trước. Ngắm thì ai biết được tất thảy những suy đoán hoặc kết luận của chúng tôi là đúng hay sai, nơi này liệu có phải tầng đáy của con đập không hay nó chính là địa ngục?
Sau khi đã bình tĩnh trở lại, suy nghĩ đầu tiên của tôi là nhất định phải lên được phía trên con đập, lúc đó mây độc chắc chắn đã tan hết, cả hội phải tìm lại địa điểm lúc trước đã phát hiện thấy Viên Hỷ Lạc, từ đây đến chỗ hố sụt trên dòng sông ngầm không xa, chắc chúng tôi có thể làm được, chỉ cần không mất trí giống Viên Hỷ Lạc thì khả năng có thể quay trở về của chúng tôi là rất cao.
Tôi nghĩ đơn giản rằng nếu thang máy đã có thể hạ xuống bên dưới thì cũng có thể đi lên trên được. Tôi liền hỏi Vương Tứ Xuyên xem trước đó cậu ta đã khởi động cái
buồng lặn
như thế nào, nhưng cậu ta bảo mình chưa hề động đến nó. Câu trả lời khiến tôi giật mình nhớ ra một vân đề quan trọng - thang máy đã được khởi động bằng cách nào? Bất kì chiếc thang máy nào cũng có một cầu dao điện khởi động, thế nhưng nhìn bức tường chúng tôi ngồi trong căn phòng kín mít suy nghĩ rất lâu, cuối cùng cách giải thích của Vương Tứ Xuyên đã thức tỉnh tôi. Cậu ta nói theo những gì tôi vừa kể thì chỉ có một cách giải thích mang tính duy vật về sự mất tích của Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ là họ đã chạy xuống tầng dưới của căn phòng, có điều họ lại không chui vào khoang sắt số 2, nên có thể suy ra họ có lẽ đang ở bên ngoài. Chúng ta phải đi tìm họ ngay.
Thái độ đầy trách nhiệm của Vương Tứ Xuyên là phẩm chất tôi khâm phục nhất, đó cũng chính là phẩm chất không thể thiếu trong con người của cậu ấy, nó khiến tôi cảm thấy an toàn khi ở bên cậu, thế nhưng trong hoàn cảnh lúc đó tôi nhận thấy việc đi tìm Viên Hỷ Lạc không phải là cách hay, bởi vì tôi nghĩ không phải do chúng tôi để lạc mất họ mà là họ tự ý bỏ rơi chúng tôi.
Rất có thể thang máy này sẽ không thể đi lên được nữa, vậy bất luận có nghĩ gì lúc này, cách duy nhất chúng tôi cần làm là phải đi khảo sát không gian bên ngoài ở phần dưới đáy đập. Chúng tôi cần tìm xem liệu có đường để thoát khỏi nơi này không.
Vương Tứ Xuyên hoàn toàn đồng ý với phán đoán của tôi, tôi đã hình dung được hành vi của Viên Hỷ Lạc, chắc chắn cô ấy đã từng đi qua nơi này, bây giờ thần kinh của cô ấy lại không minh mẫn, chứng tỏ hành động chạy trốn đó chỉ là một thói quen, một quá trình lặp lại vô thức, nếu chúng tôi tìm ra cô ấy thì biết đâu cô ấy sẽ đưa được chúng tôi thoát ra khỏi nơi này. Những lời giải thích này khá hợp lý, vậy nên lúc đó nghe theo lời Vương Tứ Xuyên, chúng tôi quyết định vừa đi tìm Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ vừa đi khảo sát bên dưới của cái tháp.
Lúc đó, đội phó vẫn đang còn hôn mê chưa tỉnh, chúng tôi biết tình trạng của anh ấy lúc đó không thể chịu được lạnh, tôi nhận thấy nếu để Vương Tử Xuyên ở lại chăm sóc đội phó thì không an tâm nên tôi bảo Mã Tại Hải ở lại, còn tôi và Vươrng Tứ Xuyên sẽ đi khảo sát. Ít người hành sự càng nhanh.
Sắp xếp xong xuôi, chúng tôi ăn uống qua loa một chút rồi khoác túi ngủ lên làm áo choàng, tập trung mấy cái đèn pin lại sau đó chính thức khởi hành.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đại Mạc Thương Lang.