• 912

Q.3 - Chương 182: Oan Gia Ngõ Hẹp


Số từ: 4763
Nguồn: Vip Văn Đàn
Bến thuyền Thanh Khâu ở Hoàng Hà đang bị phong tỏa, chờ đợi Vệ phu nhân Nam Tử qua sông. Các thương buôn hành khách phương xa chỉ còn cách chờ đợi quanh đó, xung quanh bến thuyền được dọn trống một khoảng đất rộng, vệ binh đứng canh gác nghiêm ngặt, các xe buôn đến đây không chỗ dừng đậu, người ngựa xe cộ chen chúc rối rắm lẫn nhau, buộc phải dừng xe xa xa hứng chịu cơn gió rét lạnh căm, ngồi tán dóc cho thời gian mau trôi.
Trong đám đông, một thiếu niên ngó mắt láo liên tứ phía, sau đó mỉm cười hỏi thăm một thương buôn ngoài bốn mươi đứng bên cạnh:
Đại thúc, sao bến thuyền lại bị phong tỏa vậy? Đã xảy ra chuyện gì thế?

Tên thương buôn này đang hớn hở kể chuyện gặp được mỹ nhân trong thành Khuyển Khâu hôm qua với đám bạn đường, bị người khác chen vào làm mất hứng nên cảm thấy hơi chút bực bội, nhưng hắn cũng quay đầu qua nhìn vào chàng thiếu niên, thấy chàng ta tuy toàn thân mặc chiếc áo vải thô, nhưng mắt thanh mày tú khá là khôi ngô, khí khái bất phàm, thoáng chốc hắn thu lại vẻ mặt hậm hực, trả lời:
Tiểu huynh đệ không biết ư? Vệ quốc phu nhân Nam Tử muốn qua sông tại bến thuyền này, về Tống quốc thăm thân nhân, người ta là quý nhân mà, đợi quân phu nhân qua sông rồi chúng ta mới được đi tiếp.

Chàng thiếu niên như mới hiểu ra:
Thì ra là vậy, đa tạ đại thúc.

Biết không phải xảy ra chuyện gì nghiêm trọng mới phong tỏa bến thuyền, chàng thiếu niên mới hết lo lắng, hắn len lỏi vào đám đông chen chúc gần bến thuyền, nhìn vào dòng sông Hoàng Hà sóng nước cuồn cuộn đằng xa, thở một hơi dài ngao ngán. Chỉ nghe thấy bên cạnh hai tên thuyền phu đang nói chuyện với nhau:
Này, huynh nghe nói gì chưa? Quân Ngô đánh vào Sở quốc rồi đó.

Tên còn lại hứ một tiếng rõ to:
Thế có gì lạ đâu chứ? Quân Ngô đánh Sở đã hơn nửa năm nay rồi, chiếm cứ được rất nhiều thành trì, cũng không thấy Sở đưa quân ra ứng chiến. Hừ! Tân quân mới có mười một tuổi, chẳng làm nên trò trống gì đâu, đường đường là Sở quốc có mấy mươi vạn hùng binh, bị người khác ức hiếp tới tận cửa nhà cũng không dám kháng cự, lại kêu Yểm Dư, Chúc Dung của Ngô ra chống đỡ giúp, thật là làm trò cười cho thiên hạ.

Gã kia cười chế giễu:
Tin tức của huynh là từ lúc nào rồi? Ta mới đi thuyền từ hạ du lên đây, nghe các thương buôn dọc đường nói, Yểm Dư, Chúc Dung đã thua trận tan tác giờ không biết biến đi đâu mất, quân Ngô thừa thắng truy kích, giờ đã chiếm được Bá Cử, đang tiến quân về phía Mộng Trạch rồi.

Chàng thiếu niên nghe vậy lộ vẻ lo lắng trên khuôn mặt thanh tú, hắn đưa mắt về bờ bên kia Hoàng Hà, bỗng khóe miệng nở ra một nụ cười vui mừng:
Chàng ấy dẫn quân từ Ngô quốc xuất chiến, đâu giống tên Cơ Quang chỉ dám dùng thích khách giành thắng lợi, Yểm Dư Chúc Dung càng không thể so sánh với chàng, lang quân của ta là anh hùng cái thế, tuy nói là Yểm Dư Chúc Dung bại trận không có lợi cho chàng, nhưng với bản lĩnh của chàng, tháng ba năm sau chắc chắn sẽ đánh về Ngô quốc.

Bến sông gió rít lạnh căm, tấm áo bào của chàng thiếu niên bị thổi tung phấp phới, nhưng nghĩ về lang quân trong lòng, hắn lại cảm thấy ấm áp hơn bao giờ hết, như không hề cảm nhận được tiết trời đang lạnh đến nỗi cắt da cắt thịt. Ánh mắt không ngừng trông theo bờ bên kia, chốc chốc trên môi lại nở một nụ cười đắm đuối, trong lòng đang phấn khởi:
Thiếp vượt đường xa vạn dặm đến gặp chàng, cô nương nhà Quý Tôn không chịu lấy quốc quân dám bỏ nhà ra đi, Diêu Quang của chàng có lang quân yêu quý, chẳng lẽ lại không làm được như vậy, không dám bỏ đi gặp chàng sao? Sau này, thiếp cứ ở bên chàng, cùng nhau xông pha trận mạc, cùng nhau phạt Ngô phục quốc, chàng có vui khi thiếp vì chàng dám làm vậy không?

Chàng thiếu niên đó chính là Thúc Tôn Diêu Quang đang cải nam trang lén bỏ nhà đi tìm Khánh Kỵ.
Khánh Kỵ dẫn theo bốn thị vệ, cải trang làm thương buôn đi xuống phương Nam, qua Hoàng Hà, vượt Hán Thủy, Trường Giang vào lãnh thổ Sở quốc. Khi hắn đi ngang lãnh thổ Vệ quốc, gió rét lạnh căm, tuyết phủ khắp nơi, nhưng càng đi về phương Nam thì thời tiết càng ấm áp, sau khi vào Sở đã không phải mặc áo lông dày cộm giữ ấm nữa. Sông nước phong cảnh nơi đây cũng khác xa với phương Bắc, sông hồ ở Vệ quốc giờ đã đóng băng nhưng nơi đây dòng nước lại trong veo róc rách, cây lá xanh tươi mơn mởn.
Sở quốc nằm ở lưu vực Trường Giang khác với các nước chư hầu, dù cho là cách bố trí quan lại, đặc điểm văn hóa hay lịch sử phát triển, đã sớm bắt nguồn từ nền văn minh lưu vực Trường Giang vào thời thượng cổ, thời đại của Tam hoàng Ngũ đế. Bọn họ còn là người đầu tiên phát minh ra thuật luyện kim, trong trận chiến xa xưa, Hoàng đế Diêm đế liên kết với nhau đánh bại bộ lạc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ là bộ lạc Xi Vưu, kẻ bại trận buộc phải rút lui về phương Nam là vùng đất của Sở hiện nay, họ chính là Nam Man mà người Chu từng nói đến.
Tất nhiên với người Sở thì coi đám thổ dân sống phía Nam của họ mới là Nam Man. Man nhân cũng có phân biệt giai cấp, người Sở tôn thờ hỏa thần Chúc Dung (Không phải là Chúc Dung của Ngô đâu, ở đây là từ hán việt đồng âm), cúng bái Đông Nghi Đại Vũ, lấy phượng hoàng làm biểu tượng, ngay cả cách ăn mặc, tập tục lễ hội cũng khác với người Chu, người Chu xem bên trái là thấp hèn, người Sở ngược lại kính trọng bề trên ngồi vào bên trái. Chức tể tướng ở Sở gọi là Lệnh doãn, các chức quan khác cũng có tên gọi khác với người Chu.
Vì thế người Sở bị người Chu coi là Nam man dị tộc, các gì mà mua viên ngọc trả lại hộp gấm, khắc lên thuyền tìm lại thanh gươm, vẽ rắn thêm chân, lấy mâu của mình đâm thuẫn mình bán, tất cả những chuyện ngu ngốc này đều gán lên trên đầu người Sở, người Sở bị người Chu khinh miệt như một bọn người chưa tiếp cận nền văn minh vậy.
Người Sở bị kì thị đủ mọi mặt, quân chủ đầu tiên khai sinh nước Sở là Hùng Dịch, khi nhận sắc phong thành một nước chư hầu lúc đó chỉ là tử tước, không như nước Tống mới lập quốc đã là nhất đẳng công tước, hơn nữa lãnh thổ được phong tặng phần lớn là vùng đất hoang sơ chưa được khai phá, khắp nơi lại là thổ dân không dễ thuần phục, địa bàn thật sự kiểm soát được trong tay chỉ có vỏn vẹn vài trăm dặm, vùng đất ấy nghèo nàn đến độ lễ vật cống nạp lên cho Chu thiên tử chỉ là vài búp măng và mấy con nhím săn bắn được. So với các chư hầu trung nguyên, Hùng Dịch chả có địa vị gì cả, mỗi khi vào triều cống yết kiến Chu thiên tử, cùng là chư hầu được sắc phong nhưng Hùng Dịch bị cho ngồi ngoài điện, phải làm tạp dịch trông lò lửa, chẳng khác nào một tên nô lệ.
Nhưng từ một vùng đất nhỏ bé bị khinh thường, Hùng Dịch không ngừng mở mang bờ cõi, lãnh thổ Sở quốc ngày càng trở nên rộng lớn, trở thành mối đe dọa cho các chư hầu trung nguyên, Sở vương đến đời Hùng Thông đã bắt đầu được xưng là Vũ Vương, từ một chức tử tước nhỏ nhoi thăng lên vương tước ngang hàng cả với Chu thiên tử, chỉ vì Sở quốc lúc đó binh mã hùng mạnh, chư hầu thiên hạ thấy tức giận nhưng chả dám làm gì cả. Thứ mà các chư hầu làm được chỉ là liên kết với nhau không công nhận chức vương tước của Sở vương, vẫn gọi Sở vương là Sở tử (cách gọi khinh miệt,
tử
mang nghĩa là thằng nhóc con).
Người Sở có rất nhiều thành tựu đáng khen ngợi, chính họ phát minh ra nỏ, kiếm đồng mà họ đúc dài hơn gấp đôi kiếm đồng của người trung nguyên, thuật luyện kim của người trung nguyên kém xa người Sở. Người Sở còn sáng lập ra bộ máy nhà nước hành chánh chia theo quận huyện mà Trung Quốc còn sử dụng đến ngày nay, đe dọa chế độ sắc phong chư hầu của người Chu, tạo ra một mô hình chính trị mới cho người đời sau tham khảo. Từ đời Sở Vũ Vương trở về sau, người Sở đã tiêu diệt ba bốn mươi nước nhỏ xung quanh, nhiều hơn cả các nước bị nước Tề phương Đông tiêu diệt, mỗi khi diệt được một nước lại thiết lập một huyện, phái một viên quan đến cai quản, đến nay đã hơn hai trăm năm trôi qua.
Sau đó, quá khứ huy hoàng của người Sở trượt dài xuống dốc vì các đời Sở vương cai trị ngu ngốc. Lúc Sở Bình Vương tại vị, vì muốn thâu tóm quyền lực, lại ra tay diệt trừ các gia tộc trung thành có thế lực đời đời làm quan ở Sở như Ngũ gia, Bá gia, đám nịnh thần Nang Ngõa, Phí Vô Cực, Yên Tương Sư lại được trọng dụng, triều chính Sở quốc bị chúng làm cho rối tung cả lên, cách cai trị hủ bại của triều đình khiến nước Sở giờ đây ngày càng suy yếu.
Đợi đến khi tân quân đăng cơ, gian thần hoành hành, quốc vương nhỏ tuổi chưa thể làm gì, triều chính Sở quốc càng thêm phức tạp, nếu không cũng không làm ra chuyện mặc cho quân Ngô và Yểm Dư, Chúc Dung giao chiến trên lãnh thổ của mình rồi. Nhưng chính vì vậy, với quốc gia hủ bại này cần cho một liều thuốc mạnh mới ép họ buộc phải hợp tác với mình, cùng nhau tác chiến được.
Khánh Kỵ dọc đường đi cứ suy ngẫm về tình hình Sở quốc hiện nay:
Thời này đưa tin qua lại khó như lên trời, không biết hai vị hoàng thúc có theo kế hoạch dẫn dụ quân Ngô đến cướp thành trì của người Sở không, nếu không gây chút đau thương cho người Sở, e khó thuyết phục được họ xuất quân phạt Ngô cùng ta.

Phía trước người ngựa qua lại đông đúc, Khánh Kỵ buông rèm cửa xuống, không nhìn ra ngoài nữa. Hắn nhắm mắt nghỉ ngơi giây lát, nghe bên ngoài huyên náo không ngớt, đột nhiên thấy rạo rực trong lòng, hình như có gì đó không ổn. Bây giờ là mùa đông, tuy phía lưu vực Trường Giang này không lạnh lắm, nhưng do phương Bắc lạnh giá, thương buôn đi lại vào mùa đông vì thế giảm đi không ít, sao bây giờ ở đây lại náo nhiệt thế này?
Khánh Kỵ vén rèm cửa lên nhìn ra bên ngoài, người ngựa qua lại tấp nập, già trẻ lớn bé, tay xách nách mang, ai nấy đều vội vội vàng vàng, Khánh Kỵ gõ vào xe ngựa, hét tên phu xe:
Dừng xe, dừng xe.

Đợi khi xe ngựa dừng hẳn lại, Khánh Kỵ nhảy phóc xuống xe, một ông lão vai đeo tay nải chạy khập khiểng đụng vào người hắn, Khánh Kỵ đỡ lấy ông ta hỏi:
Lão nhân gia, tại hạ là thương buôn đến từ Tấn quốc, mọi năm qua đây thấy không nhiều người thế này, sao bây giờ lại huyên náo vậy?

Ông lão có chút nặng tai, ngửa tai lên hét lớn:
Ngươi nói gì?

Khánh Kỵ ngao ngán, muốn tìm người khác để hỏi, nhưng cảm thấy làm vậy không hay cho lắm, chỉ còn cách gào to lên hỏi thêm một lần nữa, ông lão đó nghe xong vội xua tay lắc đầu:
Quay về đi, quay về đi, đừng đi về hướng đó nữa, bọn ta không phải là thương buôn, bọn ta đang chạy nạn đó.

Khánh Kỵ lại phải gào to:
Chạy nạn? Sao mà phải chạy nạn? Đã xảy ra chuyện gì?

Khánh Kỵ lại phải gào to:
Chạy nạn? Sao mà phải chạy nạn? Đã xảy ra chuyện gì?

Ông lão to tiếng trả lời:
Quân Ngô đánh đến nơi rồi, dọc đường giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ, thật là một bọn cường tặc, Dĩnh Đô e là không giữ được rồi, các công khanh đại phu chạy còn nhanh hơn bọn ta nữa, ngươi qua đó muốn chết hay sao? Chạy đi, mau rời khỏi đây, chạy càng xa càng tốt.
Nói xong ông lão vội vàng hòa vào dòng người chạy nạn mất hút, Khánh Kỵ nghe tin chết lặng, binh mã của Cơ Quang đã tiến đánh vào tận Dĩnh Đô rồi à? Sao lại thế này được?
Một thiếu phụ đang ôm con nhỏ chạy ngang kế bên nhìn thấy Khánh Kỵ trẻ tuổi tuấn tú, trong lòng không nỡ, lên tiếng khuyên nhủ:
Tiểu huynh đệ, đừng đi về phía trước nữa, khắp nơi hoang tàn, quân Ngô sắp đánh vào Dĩnh Đô rồi, tạm thời trốn đi đâu lánh nạn đi đã.


Quân Ngô đánh tận Dĩnh Đô ư? Với sức của Ngô quốc, sao mà chống chọi được với mấy mươi vạn đại quân của Sở? Rốt cuộc ở đây đã xảy ra chuyện gì rồi?
Khánh Kỵ nghĩ mãi không ra, có hỏi tiếp đám dân chạy nạn này chắc cũng không hỏi thêm được gì, vì bọn dân đen chưa chắc nhìn thấy bóng dáng quân Ngô, có lẽ chỉ là đồn nhau người Ngô đánh đến tận đây, giết người cướp của hãm hiếp khắp nơi nên dắt díu nhau rời bỏ quê hương chạy nạn.
Khánh Kỵ mặc kệ đám người chạy nạn tiếp tục đi về phía trước, cho đến giữa trưa trước mặt xuất hiện một thành trì nhỏ, ngoài cửa thành đang có mười mấy tên lính đứng đó, một nam tử mặc áo bào rộng đội mũ cao đeo trường kiếm đang gào to, ra sức trấn an đám dân đen chạy nạn đang chen chúc ùa ra ngoài cổng thành:
Các hương thân phụ lão nghe đây, quân Ngô số lượng có hạn, cho dù tấn công vào Dĩnh Đô cũng không đủ sức chia quân đánh khắp Sở quốc rộng lớn, triều đình đang điều động quân đội phản công, mọi người không cần hoảng loạn lên đâu, cứ ở lại trong thành đi, một khi nhận được tin, ta sẽ dẫn mọi người trốn vào ngọn núi gần đây, quân Ngô không làm hại chúng ta được đâu.

Tiếc là dù hắn có gào to đến mấy cũng không ai đoái hoài gì tới hắn, đám dân chạy nạn càng chạy nhanh hơn. Khánh Kỵ nhìn gã nam tử này, khoảng hai mươi bốn hai mươi năm tuổi, thân hình cân đối, mắt sáng mũi cao, khuôn mặt thanh tao, có vẻ là người có chức quan gì đấy, bèn bước xuống xe đi về phía hắn hỏi chuyện.
Người đó nghe Khánh Kỵ tự giới thiệu là thương buôn Tấn quốc, cười khổ:
Thì ra là thương buôn từ phương xa đến, tại hạ họ Phạm tên Lãi, tự Thiếu Bá, chính là huyện đại phu ở đây, quân Ngô tiến vào lãnh thổ, lòng dân hoang mang, tình hình cụ thể như thế nào thật ra bổn đại phu cũng không được rõ lắm, khách quý chi bằng cứ ở lại trong thành đã, đợi khi có tin chính xác hẵng tính tiếp.

Dịch giả nói thêm: Thế là Phạm Lãi đã xuất hiện (âm hán việt là Lễ, nhưng thấy người Việt mình quen gọi là Phạm Lãi rồi), chỗ này tác giả đã cho Phạm Lãi sinh ra trước mấy chục năm, thật ra trong lịch sử đợi khi Hạp Lư chết, con trai hắn là Phù Sai kế vị chiếm nước Việt, lúc đó Phạm Lãi mới xuất hiện dâng kế cứu nước. Hix…nghĩ mà khâm phục cho tấm lòng hy sinh của Phạm Lãi, dám hy sinh hiến người yêu là Tây Thi cho Phù Sai để cứu quốc, giai thoại này là có thật, chắc rất nhiều đọc giả cũng đã biết qua phim truyện. Chà! Không biết mấy chương tới một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa là Tây Thi (Tương truyền Tây Thi đẹp đến độ ra suối rửa mặt, mấy con cá lo ngắm nhìn nàng quên cả bơi lội bị chìm xuống đáy hồ, câu
Chim sa cá lặn
xuất phát từ đấy.) có xuất hiện không nhỉ?...

Nếu đã vậy, xin đa tạ Phạm đại phu!
Khánh Kỵ chắp tay hành lễ, chưa kịp đứng thẳng người lên đột nhiên nhớ ra điều gì, thất thanh kêu lên:
Huynh…huynh vừa mới nói gì? Huynh tên là gì?

Vị đại phu kia có chút kinh ngạc, vội đưa tay lên vuốt mặt xem mình có chỗ nào không ổn không. Lát sau mới trả lời:
Bổn đại phu là Phạm Lãi, gì vậy, vị khách này quen biết tại hạ sao?

Khánh Kỵ mừng rơn:
Phạm Lãi, huynh chính là Phạm Lãi?


Thì là bổn đại phu đây, có gì không đúng à?

Khánh Kỵ hít một hơi dài, cố chế ngự nỗi ngạc nhiên trong lòng, theo như lịch sử mà hắn biết, Phạm Lãi trở thành nhân vật lịch sử nổi tiếng là vì công trạng ở Việt quốc, còn về chi tiết hắn làm quan ở Sở thì không được biết, hắn cứ ngỡ giờ này Phạm Lãi đang ở Việt quốc mới phải, đâu biết rằng Phạm Lãi vì sau khi quân Ngô công phá Dĩnh Đô của Sở quốc, triều đình hủ bại, quân vương vô dụng, hắn nản lòng mới chạy sang Việt quốc. Khánh Kỵ không biết người tên là Phạm Lãi đứng trước mặt là Phạm Lãi hắn biết qua sử sách hay chỉ là trùng tên, để tránh nhận lầm người, Khánh Kỵ vội hỏi:
Nếu vậy, huynh có quen biết với Văn Chủng đại phu không?

Phạm Lãi nghe xong, nét nghi ngờ cảnh giác trên mặt liền tan biến, hòa nhã nói:
Thì ra huynh là bằng hữu của Tử Cầm, là huynh ấy đã kể về ta đúng không? Tử Cầm là bằng hữu tốt của Phạm Lãi, hiện đang làm quan ở Dĩnh Đô…

Nói đến đây Phạm Lãi lộ vẻ lo lắng, thở nhẹ:
Hiện giờ lời đồn khắp nơi, người của bổn đại phu phái đi vẫn chưa quay về, ta cũng không biết tình hình ở Dĩnh Đô thế nào rồi, không biết Tử Cầm có an toàn không?

Khánh Kỵ lần này đến Sở là vì muốn gặp mặt Sở vương, nhưng giờ nước Sở hỗn loạn như thế, e không thể đi đến Dĩnh Đô được rồi. Giờ gặp được vị đại phu Sở quốc này, Khánh Kỵ không che giấu thân phận của mình nữa, Khánh Kỵ nghiêm mặt nói:
Thật không dám giấu, bổn công tử không quen biết Văn Chủng đại phu, chỉ là hai vị tuổi trẻ tài cao, danh tiếng đồn xa, bổn công tử đã ngưỡng mộ đại danh từ lâu.

Sở quốc rộng lớn, chức quan nhỏ như Phạm Lãi, Văn Chủng ai mà biết đến chứ? Vả lại nếu nói về danh tiếng, lúc này Phạm Lãi, Văn Chủng vẫn chưa sang Việt quốc, giờ này hai người chưa có công trạng hiển hách gì cả, Khánh Kỵ nói nghe danh tiếng của họ ở Tấn quốc, vậy đó là lời nói dối. Hơn nữa hắn tự xưng là công tử, càng làm cho Phạm Lãi thêm nghi hoặc, Phạm Lãi ngập ngừng hỏi:
Không biết các hạ…các hạ rốt cuộc là có thân phận gì?

Khánh Kỵ đảo mắt nhìn xung quanh, thấy chỉ còn vệ sĩ của mình và binh lính của Phạm Lãi đứng đó, không sợ bị người khác nghe trộm, mới nghiêm nghị đáp lời:
Bổn công tử chính là Khánh Kỵ, vương tử của tiên vương Ngô quốc, lần này đến Sở mong được gặp mặt Sở vương điện hạ, cùng bàn đại kế thảo phạt Cơ Quang.


Này, lễ độ với ta chút đi, đừng có xô đẩy chứ.


Đừng nhiều lời, Kinh tướng quân, Ngải tướng quân đã dặn dò kĩ, quân doanh trọng địa, người ngoài ai cũng không được lại gần, ngươi lén la lén lút chui vào đây làm gì, có gì cứ đợi khi gặp mặt tướng quân rồi nói.

Thúc Tôn Diêu Quang tức tối la lên:
Cái gì mà Kinh tướng quân, Ngải tướng quân, ngươi kêu Khánh Kỵ đến gặp ta, hứ, chàng gặp ta tự khắc biết ta là ai.

Thúc Tôn Diêu Quang ra vẻ ngạo mạn, lập tức bị tên lính thô lỗ đẩy cho một cái chúi nhủi, nàng vừa tức giận vừa thấy tức cười, nhưng thấy quân lính dưới trướng Khánh Kỵ tận trung như thế, trong lòng nàng cảm thấy vui nhiều hơn giận.
Từ khi Quý Tôn Tiểu Man bỏ nhà ra đi, Cơ Tống tức giận sôi gan, chuyện này quả thật làm hắn mất mặt trước bá quan văn võ, nhưng hắn ý thức được ngôi báu của mình không danh chính ngôn thuận, Quý Tôn Ý Như cũng tức giận không kém, định tìm một cô gái khác trong gia tộc kết thân với Cơ Tống, nhằm đảm bảo quan hệ mật thiết của hắn và quốc quân.
Khổng Khâu giờ đây là người được tin cậy nhất bên cạnh Cơ Tống, hắn tuân thủ Chu lễ, sao lại ngồi yên nhìn quốc quân kết thân cùng dòng họ, làm ra chuyện mất lễ nghi được? Nhưng Khổng Khâu cũng nhìn ra tâm địa của Tam hoàn, nên bề ngoài vẫn cứ giả bộ chọn phu nhân giùm quốc quân trong nhà các công khanh đại thần Lỗ quốc, mặt khác lại bí mật phái sứ giả đi liên lạc các nước chư hầu, hy vọng tìm được một công chúa thích hợp từ nước khác làm phu nhân của Cơ Tống, làm vậy có thể nâng cao thực lực của quốc quân, giúp Cơ Tống chiếm ưu thế trong chế ngự tam giác quyền lực của Tam hoàn.
Tam hoàn không biết được dụng ý sâu xa của Khổng Khâu, Thúc Tôn Ngọc nghe Mạnh Tôn Tử Uyên khuyên nhủ, lại cảm thấy gả con gái cho Cơ Tống làm Lỗ quốc phu nhân, dù là đối với con gái hay cả gia tộc Thúc Tôn thị đều có thích hợp hơn cả, hơn nữa việc Khánh Kỵ có phục quốc thành công hay không còn chưa biết chắc được. Điều không ngờ là Thúc Tôn Ngọc vừa trình bày ý định với con gái, Thúc Tôn Diêu Quang đã kịch liệt phản đối, hai cha con cãi nhau một trận nảy lửa, Thúc Tôn Ngọc nổi giận nhốt con gái lại định từ từ khuyên nhủ, ai ngờ Thúc Tôn Diêu Quang lại học theo Quý Tôn Tiểu Man, cũng bỏ nhà ra đi tìm Khánh Kỵ.

Này, ngươi đừng thô lỗ thế, nói không chừng là người quen biết với công tử đó.

Thúc Tôn Diêu Quang bước đi chậm rãi, phía sau là mấy tên lính áp giải nàng đang to nhỏ nói chuyện với nhau.

Ta thấy giống gian tế hơn.


Hi hi, vậy thì chưa chắc, ta vừa mới để ý thấy người này không có hạch ở cổ, hắn chắc là một cô gái.


Ta thì nói ở đâu ra mà lắm mỹ nam tử thế này. Cô gái ư? … hay là công tử nhà ta dính món nợ phong lưu nào đó ở bên ngoài, giờ người ta tìm đến tận đây không nhỉ?

Một tên lính khác lo lắng nói nhỏ:
Nếu để Ngải tướng quân nhìn thấy thì nguy to, hí hí, cả hai người đều quen biết với công tử, gặp nhau có mà ghen tuông đánh nhau…
Mấy tên lính nói cười sau lưng Thúc Tôn Diêu Quang bị nàng nghe thấy, trong lòng tức tối:
Nữ nhân? Mới rời khỏi có mấy tháng, chàng đã không chịu được cô đơn, tìm một nữ nhân khác rồi ư?

Tuy sớm biết Khánh Kỵ không chỉ có một mình nàng, nhưng nghĩ lại Thúc Tôn Diêu Quang cũng cảm thấy ấm ức trong lòng. Nhất là…Ngải tướng quân gì đó? Chẳng lẽ đó là một nam nhân? Người Lỗ ít ai đồng tính như người Vệ, Thúc Tôn Diêu Quang thử tưởng tượng cảnh ân ái giữa Khánh Kỵ và một tên nam nhân, thấy ghê tởm trong đầu.
Đi dọc theo con đường lớn trong Ngải thành hồi lâu, phía trước một tướng quân đeo kiếm dẫn theo hai tên lính đang bước tới trước mặt, nhìn thấy mấy tên lính đang áp giải một thiếu niên đi qua, vị tướng quân đó dừng bước hét lên hỏi:
Hắn là ai?

Tên lính đứng kế bên Thúc Tôn Diêu Quang vội bước lên hành lễ trả lời:
Hồi bẩm Ngải tướng quân, theo lệnh tướng quân khắp quân doanh đã được canh phòng nghiêm ngặt, người này lén la lén lút lại gần Ngải thành, bị chúng thuộc hạ phát hiện bắt giữ lại không chịu nói rõ thân phận, chỉ là luôn miệng đòi gặp công tử, thuộc hạ thấy khả nghi nên dẫn tới cho tướng quân tra hỏi.


Hử?
Quý Tôn Tiểu Man nhìn khắp người Thúc Tôn Diêu Quang một lượt, cảm thấy người này rất là quen thuộc, nhưng nhất thời không nhớ ra hắn là ai. Thúc Tôn Diêu Quang thì nghe nói người này chính là Ngải tướng quân, nhìn dáng vẻ đúng là nhu mì, nếu thay đồ nữ nhi lên chắc đẹp hơn rất nhiều nữ nhân, e là Khánh Kỵ đúng như lời của bọn lính đã … với hắn, nghĩ vậy Diêu Quang tức giận tím mặt.

Hắn là nữ nhân!
Quý Tôn Tiểu Man chỉ gặp qua Thúc Tôn Diêu Quang mấy lần, vả lại chỉ nhìn thấy từ xa, lúc đó Diêu Quang mặc đồ nữ nhi, vì thế thấy quen thuộc chứ không nghĩ ra người này chính là Thúc Tôn Diêu Quang, nhưng chỉ nhìn thoáng qua là Tiểu Man lập tức nhận ra Diêu Quang đang cải nam trang, hơn nữa còn là một cô nương nhan sắc mặn mà.
Một ngọn lửa ghen tuông nổi lên đốt cháy lồng ngực Tiểu Man, còn về phía Diêu Quang, nhìn thấy một tướng quân nhu mì xinh đẹp hơn cả nữ nhân, nhớ lại những lời mấy tên lính vừa nãy, ngọn lửa ghen tuông đỏ rực gấp mười lần như sắp phun trào ra từ ánh mắt nàng…
Một cơn gió thoảng qua, tên lính đứng gần nhất với hai cô nương này thấy ớn lạnh vội vàng lùi lại mấy bước.

Có sát khí! Sát khí ngùn ngụt!
Những tên lính quanh đó đều cảm nhận được bầu không khí căng thẳng khi hai người gườm nhau, trong lòng len lỏi một cảm giác lo âu…
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đại Tranh Chi Thế.