• 2,476

Cách loại bỏ hoàn toàn những phiền muộn trong quan hệ giữa người với người


Số từ: 1198
Dịch: Nguyễn Thanh Vân
Nguồn text: sachvui.com
Nhà xuất bản Lao Động
Chàng thanh niên: ... Tôi vẫn chưa thấy thuyết phục.
Triết gia: Vậy thì hãy giả định rằng bố mẹ cậu phản đối quyết liệt lựa chọn công việc của cậu. Thực tế thì đúng là họ có phản đối phải không?
Chàng thanh niên: Vâng, ngoài mặt thì không đến mức gay gắt, nhưng trong từng lời nói đều hàm ý không thích.
Triết gia: Vậy để tiện cho ta thảo luận, cứ cho là họ phản ứng gay gắt hơn mức đó. Bố cậu thì quát tháo, mẹ cậu thì khóc lóc. Họ không chấp nhận cậu làm thủ thư ở thư viện, thậm chí dọa rằng sẽ từ cậu nếu không nối nghiệp gia đình như anh trai. Nhưng việc khắc phục cảm xúc "không chấp nhận" như thế nào là nhiệm vụ của bố mẹ cậu chứ không phải nhiệm vụ của cậu. Không phải là điều cậu cần bận tâm.
Chàng thanh niên: Không, khoan đã! Nghĩa là thầy nói rằng "có làm bố mẹ buồn đến mấy cũng chẳng quan trọng" sao?
Triết gia: Chẳng quan trọng.
Chàng thanh niên: Thầy đùa tôi chắc! Làm gì có cái thứ triết học khuyến khích người ta bất hiểu chứ!
Triết gia: Điều duy nhất cậu có thể làm được cho cuộc đời của mình là lựa chọn con đường tốt nhất mà mình tin tưởng, chỉ vậy thôi. Trong khi đó, người khác đánh giá thế nào về lựa chọn đó lại là nhiệm vụ của họ, cậu chẳng làm gì được.
Chàng thanh niên: Đối phương nghĩ mình thế nào, yêu quý hay ghét mình là nhiệm vụ của đối phương, không phải là nhiệm vụ của mình. Ý thầy nói vậy sao?
Triết gia: Phân chia ra thì chính là như thế. Cậu quá bận tâm đến ánh mắt của người khác, bận tâm đến đánh giá của người khác, nên không ngừng mong muốn được người khác thừa nhận. Vậy tại sao cậu bận tâm đến ánh mắt của người khác? Câu trả lời của tâm lý học Adler thật đơn giản: Là vì cậu vẫn chưa biết phân chia nhiệm vụ. Cậu ngộ nhận cả những nhiệm vụ vốn là của đối phương là "nhiệm vụ của bản thân".
Hãy nhớ lại câu nói của người bà "Chỉ cháu là để ý đến khuôn mặt mình thôi". Câu nói ấy đã chạm đến cốt lõi của việc phân chia nhiệm vụ. Người khác nghĩ gì khi nhìn khuôn mặt của cậu, đó là nhiệm vụ của người khác, cậu không thể làm gì được.
Chàng thanh niên: ... Ờ, về mặt lý thuyết thì tôi hiểu, về lý trí cũng có thể chấp nhận được! Nhưng, về mặt tình cảm, tôi lại không theo kịp quan điểm áp chế đó!
Triết gia: Vậy hãy suy nghĩ theo một góc độ khác. Chẳng hạn, có một người đang phiền muộn về mối quan hệ trong công ty. Cấp trên hoàn toàn không hiểu mình, cứ động đến chuyện gì cũng quát tháo. Có cố gắng đến mấy cũng không được cấp trên công nhận, thậm chí cấp trên cũng chẳng để tâm nghe anh ta nói chuyện nữa
Chàng thanh niên: Sếp của tôi chính là một người như thế.
Triết gia: "Tuy nhiên, liệu được người cấp trên đó công nhận có phải là "công việc" cậu cần ưu tiên số một không? Công việc giao cho cậu chắc chắn không phải là lấy lòng mọi người trong công ty.
Cấp trên ghét cậu. Không những thế rõ ràng là ghét vô cớ. Thế thì cậu chẳng cần phải làm thân làm gì."
Chàng thanh niên: Về lý thuyết là thế, nhưng đối phương là cấp trên của mình đấy? Bị cấp trên trực tiếp ghét thì làm sao mà làm việc được.
Triết gia: Đó lại là "lời nói dối cuộc đời" mà Adler nói đến. Bị cấp trên ghét nên không làm được việc. Công việc của mình không diễn ra suôn sẽ là tại cấp trên. Những người nói như vậy đang lấy sự tồn tại của cấp trên làm cái cớ cho "công việc không suôn sẻ". Cũng giống như cô gái bị bệnh đỏ mặt, cậu cần sự tồn tại của "người cấp trên đáng ghét", để nghĩ rằng chỉ cần không có người này, mình sẽ làm việc tốt hơn.
Chàng thanh niên: Không, thầy đâu có hiểu được quan hệ của tôi với cấp trên! Mong thầy đừng suy đoán tùy tiện!
Triết gia: Đây là điểm liên quan mật thiết tới nền tảng của tâm lý học Adler. Nếu cáu giận cậu sẽ chẳng thể bình tĩnh suy xét được. Nghĩ rằng "tại có người cấp trên đó nên mình không làm được việc", đấy hoàn toàn là thuyết nguyên nhân. Đừng nghĩ như thế mà hãy nhận ra điều ngược lại là "không muốn làm việc nên tạo ra một cấp trên đáng ghét". Hoặc "không muốn thừa nhận cái bản thân không làm được việc nên tạo ra một cấp trên đáng ghét". Đây là cách nghĩ của thuyết mục đích.
Chàng thanh niên: Nếu suy nghĩ theo quan điểm của thuyết mục đích mà thầy chủ trương thì có thể sẽ thành ra như thế. Nhưng trường hợp của tôi lại khác!
Triết gia: Vậy nếu cậu phân chia rạch ròi được các nhiệm vụ thì sẽ như thế nào? Sẽ là, cho dù cấp trên tức giận vô cớ đến mấy thì đó cũng không phải là nhiệm vụ của "mình". Ngang ngược vô lý là nhiệm vụ tự cấp trên phải giải quyết, chẳng cần cậu làm thân cũng chẳng cần nhẫn nhịn hạ mình, điều cậu cần làm chỉ là đối mặt với cuộc đời mình mà không nói dối, xử lý đúng các nhiệm vụ của mình. Nếu cậu hiểu được như thế thì mọi chuyện sẽ khác hẳn.
Chàng thanh niên: Nhưng, điều đó...
Triết gia: Chúng ta đều khổ sở vì mối quan hệ giữa người với người. Đó có thể là quan hệ với cha mẹ hoặc anh trai, có thể là quan hệ với những đồng nghiệp tại nơi làm việc. Và lần trước cậu đã nói là muốn một giải pháp cụ thể hơn nhỉ?
Đề xuất của tôi thế này. Trước hết, hãy nghĩ "đây là nhiệm vụ của ai?". Rồi phân chia nhiệm vụ, bình tĩnh vạch ranh giới từ đâu trở đi là nhiệm vụ của mình, từ đâu trở đi là nhiệm vụ của người khác. Và không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác cũng không để bất cứ ai can thiệp vào nhiệm vụ của mình. Đây là một quan điểm cụ thể và mới mẻ triệt để của tâm lý học Adler, có thể thay đổi hoàn toàn những phiền muộn từ mối quan hệ giữa người với người
Chàng thanh niên: Ha ha, đúng thế, lúc trước thầy nói luận điểm của hôm nay là "tự do", hiện giờ tôi đã dần nhận ra điểm đó rồi.
Triết gia: Đúng vậy, chúng ta sẽ bàn tới "tự do" ngay đây.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dám Bị Ghét.