• 2,447

Mục đích của mối quan hệ giữa người với người là "cảm thức cộng đồng"


Số từ: 813
Dịch: Nguyễn Thanh Vân
Nguồn text: sachvui.com
Nhà xuất bản Lao Động
Chàng thanh niên: Cho phép tôi thắc mắc điều này. Xin thầy chỉ trả lời bằng kết luận đơn giản thôi. Thầy nói phân chia nhiệm vụ là xuất phát điểm của mối quan hệ giữa người với người. Vậy thì "mục đích" của mối quan hệ giữa người với người nằm ở đâu?
Triết gia: Nếu cậu bảo tôi chỉ trả lời bằng kết luận thì đó là "cảm thức cộng đồng".
Chàng thanh niên: Cảm thức cộng đồng?
Triết gia: Vâng. Đây là khái niệm mấu chốt của tâm lý học Adler, cũng là điểm gây tranh cãi nhiều nhất. Thực tế là, khi Adler khởi xướng khái niệm cảm thức cộng đồng, nhiều người đã từ bỏ lý thuyết của ông.
Chàng thanh niên: Thú vị thật! Khái niệm đó là gì vậy?
Triết gia: Hình như trong lần gặp thứ hai, chúng ta đã nói tới việc coi người khác là "kẻ thù" hay là "bạn" nhỉ?
Ở đây hãy nghĩ xa hơn một bước nữa. Nếu coi người khác là bạn, sống giữa những người bạn, có lẽ chúng ta sẽ tìm được "chỗ đứng" cho mình ở đó. Hơn nữa, có lẽ ta sẽ nghĩ đến việc cống hiến cho những người bạn ấy - nghĩa là cho cộng đồng, Ý nghĩ coi người khác là bạn, cảm nhận được ở đâu đó "có chỗ đứng cho mình", đấy gọi là cảm thức cộng đồng.
Chàng thanh niên: Sao lại có ý kiến không đồng tình được nhỉ? Đó là một quan điểm vô cùng đúng đắn còn gì.
Triết gia: Vấn đề là nội hàm của khái niệm "cộng đồng". Nghe từ "cộng đồng", cậu hình dung một hình ảnh như thế nào?
Chàng thanh niên: Thì là các dạng tổ chức như gia đình, trường học, nơi làm việc, địa phương.
Triết gia: Cộng đồng mà Adler nói đến không chỉ là gia đình, trường học, nơi làm việc hay địa phương mà là tất cả những tồn tại gồm cả quốc gia và nhân loại, trải ra trên trục thời gian từ quá khứ đến tương lai, thậm chí bao hàm cả động thực vật và vật vô sinh nữa.
Chàng thanh niên: Sao cơ?
Triết gia: Nghĩa là, ông đề xướng cộng đồng là tất cả theo đúng nghĩa đen, bao quát từ quá khứ đến tương lai, thậm chí toàn bộ vũ trụ, chứ không phải là "cộng đồng" trong một phạm vi giới hạn như chúng ta thường hình dung.
Chàng thanh niên: Không, không, tôi chẳng hiểu gì cả. Vũ trụ? Quá khứ và tương lai? Thầy đang nói chuyện gì vậy?
Triết gia: Hầu như ai nghe đến đó cũng đều có cùng một phản ứng như cậu. Có lẽ đấy là điều không thể hiểu được ngay lập tức. Đến mức bản thân Adler cũng công nhận cộng đồng mà mình đề xướng là "lý tưởng không thể đạt được".
Chàng thanh niên: Ha ha. Thế thì làm khó nhau rồi. Vậy tôi xin hỏi ngược lại. Thầy có hiểu rõ và công nhận cảm thức cộng đồng toàn vũ trụ đó không?
Triết gia: Tôi nghĩ là có. Thậm chí tôi cho rằng không hiểu điều này là chưa hiểu được tâm lý học Adler.
Chàng thanh niên: Chà, chà!
Triết gia: Như tôi đã nói suốt từ đầu đến giờ, tâm lý học Adler cho rằng "Mọi nỗi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người". Cội nguồn của bất hạnh chính là quan hệ giữa người với người. Nhưng nhìn theo cách khác thì cội nguồn của hạnh phúc cũng lại ở quan hệ giữa người với người.
Chàng thanh niên: Không sai.
Triết gia: Và cảm thức cộng đồng là chỉ số quan trọng nhất khi xem xét cách thức mối quan hệ để được hạnh phúc.
Chàng thanh niên: Tôi xin được nghe cụ thể hơn.
Triết gia: Để chỉ cảm thức cộng đồng, tiếng Anh còn dùng từ "social interest". Nghĩa là "quan tâm đến xã hội". Đến đây, tôi xin hỏi một câu, cậu có biết đơn vị nhỏ nhất của xã hội theo cách nhìn của xã hội học là gì không?
Chàng thanh niên: Đơn vị nhỏ nhất của xã hội? Có phải là gia đình?
Triết gia: Không, là tôi và anh. Chỉ cần có hai người là sẽ xuất hiện xã hội, xuất hiện cộng đồng. Để hiểu được cảm thức cộng đồng mà Adler nói đến thì trước hết hãy lấy "tôi và anh" làm khởi điểm
Chàng thanh niên: Khởi điểm để làm gì?
Triết gia: Để chuyển từ cố chấp vào bản thân (self interest) thành quan tâm đến người khác (social interest).
Chàng thanh niên: Cố chấp vào bản thân? Quan tâm đến người khác? Đó là gì vậy?
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dám Bị Ghét.