• 460

18.


Số từ: 2273
Dịch giả: Khắc Vinh
Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
Các mốc thời gian hầu như tuột khỏi ký ức của tôi. Tôi cho là có thể nhờ cháu ngoại tôi, Danielle, tìm được một số trong những hồ sơ báo chí cũ, nhưng ích gì? Dù sao thì mốc thời gian quan trọng nhất, thí dụ như ngày chúng tôi xuống xà lim của Delacroix và thấy con chuột ngồi trên vai gã, hoặc ngày William Wharton đến khu và suýt nữa giết chết Dean Stanton, sẽ không có trên báo. Có lẽ cứ tiếp tục như tôi đã viết thì hay hơn, cuối cùng tôi nghĩ các mốc thời gian không quan trọng lắm, nếu bạn có thể nhớ được những gì đã thấy và giữ chúng theo đúng trình tự.
Tôi biết rằng các sự kiện bị xoắn vào nhau một chút. Khi giấy tờ DOE của Delacroix sau cùng đến tay tôi từ văn phòng của Curtis Anderson, tôi ngạc nhiên khi thấy ngày hò hẹn của anh bạn Cajun của chúng tôi với Già Sparky đã được đẩy lên sớm hơn thời hạn chúng tôi tưởng, một sự kiện gần như không nghe nói đến, thậm chí vào những ngày khi bạn không phải quậy tung nửa thiên đường và toàn thể hạ giới để xử tử một con người. Đấy là vấn đề hai ngày, tôi nghĩ thế, từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 27. Đừng bắt bẻ tôi về tính chính xác, nhưng tôi biết thế là sát với sự thực; tôi còn nhớ đã nghĩ rằng Toot Toot sẽ lấy lại cái hộp Corona của lão thậm chí sớm hơn mong đợi.
Trong khi đó, Wharton lại đến với chúng tôi trễ hơn dự tính. Trước hết, thời hạn xét xử thằng nhóc lâu hơn so với thời hạn mà nguồn tin đáng tin cậy của Anderson đã dự đoán (khi sự việc dính liếu đến Wild Billy thì không có gì đáng tin cậy, điều này chúng tôi sẽ sớm phát hiện, bao gồm những phương pháp kiểm soát tù nhân đã được thử thách với thời gian và được xem là bền vững). Sau đó, khi bị xem là có tội - ít nhất chừng ấy theo nguyên văn - nó được đưa vào Bệnh Viện Tổng Quát Indianola để xét nghiệm. Nó đã bị một vài cơn tai biến giả định trong thời gian xét xử, hai lần trầm trọng đủ để vật nó lăn xuống đất, nơi nó nằm run rẩy, giẫy giụa và đập chân lên ván sàn. Luật sư của Wharton do Tòa chỉ định tuyên bố thằng nhóc mắc chứng
động kinh
và phạm tội trong tình trạng mất trí; công tố viên thì lên án chứng động kinh là thủ đoạn lừa đảo của một thằng hèn nhát, tuyệt vọng muốn giữ lại mạng sống. Sau khi trực tiếp quan sát cái gọi là
chứng động kinh
, hội thẩm đoàn quyết định những cú lên cơn chỉ là màn kịch. Chánh Án tán thành nhưng cho lệnh xét nghiệm tiền tuyên án một loạt sau khi bản luận tội được ban ra. Chúa mới hiểu tại sao; có lẽ chỉ vì ông ta tò mò.
Quả là điều kỳ diệu nếu Wharton không chạy trốn khỏi bệnh viện, nhưng gã không trốn. Người ta cho lính gác bủa vây gã, tôi cho là thế, và có lẽ vì gã vẫn còn hy vọng được tuyên bố không chịu trách nhiệm hình sự vì lý do động kinh.
Gã không bị động kinh. Các bác sĩ không tìm thấy điều gì bất thường trong bộ não gã - ít nhất về mặt sinh lý học - và Billy
the Kid
Wharton rốt cuộc lên đường đi Cold Mountain. Chuyện đó lẽ ra vào khoảng ngày 16 hoặc 18; tôi nhớ lại Wharton đến nơi khoảng hai tuần sau John Coffey, và một tuần trước khi Delacroix bước trên Dặm Đường Xanh.
Ngày gã tâm thần mới gia nhập với chúng tôi là một ngày đầy ắp sự kiện với tôi. Tôi tỉnh giấc vào 4 giờ sáng hôm ấy, hạ bộ đập thình thịch, cái của nợ nóng hổi, tắc nghẽn và sưng phù. Thậm chí trước khi tung chân ra khỏi giường, tôi đã biết chứng nhiễm trùng đường tiểu của mình không khá hơn, như đã hy vọng. Nó chỉ là một khúc quanh chóng vánh sang tình trạng tốt hơn, thế thôi, và nó đã chấm dứt.
Tôi ra ngoài nhà xí để giải quyết công việc của mình và chưa kịp đi xa hơn đống củi ở góc nhà thì nhận thấy không thể kiềm chế được nữa. Tôi tuột quần pyjama xuống ngày khi nước tiểu bắt đầu tuôn ra, và dòng nước đó được hộ tống bởi một cơn đau nặng nề nhất trong toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi đã tè ra một viên sỏi vào năm 1956, và tôi biết người ta nói đó là điều tệ hại nhất, nhưng viên sỏi đó chỉ như một chứng khó tiêu so với cơn đau tàn bạo này.
Đầu gối như long ra và tôi nặng nề khuỵu lên chúng, xé toan đũng quần pyjama khi dạng chân ra để giữ thăng bằng và đưa mặt hướng ngay vào vũng nước thải của chính mình. Tôi còn có thể ngã đập mặt vào đó nếu không kịp thời chụp vào đống củi bằng tay trái. Tất cả những gì tôi quan tâm đến là cơn đau đã thiêu đốt tôi; bụng dưới của tôi bốc cháy, và cái của nợ của tôi - một bộ phận mà tôi hầu như đã quên bẵng, ngoại trừ khi nó cung cấp cho tôi khoái cảm thể xác cực độ nhất mà một người đàn ông có thể hưởng - bây giờ có cảm giác như nó đang tan chảy, tôi chờ đợi khi nhìn xuống sẽ thấy máu trào ra từ đầu mút, nhưng vẫn là một dòng nước tiểu hoàn toàn bình thường.
Tôi bám vào đống củi bằng một bàn tay và bịt miệng bằng bàn tay kia, tập trung tinh thần để khóa miệng lại. Tôi không muốn làm vợ tôi hoảng sợ tỉnh giấc với một tiếng thét. Dường như tôi cứ tè ra mãi mãi, nhưng sau cùng dòng nước khô đi. Đến lúc ấy, cơn đau đã lún sâu vào dạ dày và tinh hoàn của tôi, cắn xé đau buốt như những cái răng cáu kỉnh. Trong một lúc lâu - có lẽ dài đến một phút - tôi mất khả năng sinh lý để đứng dậy. Sau cùng cơn đau bắt đầu dịu xuống và tôi cố sức đứng lên. Tôi nhìn bãi nước thải của mình đã thấm vào lòng đất, tự hỏi không hiểu vị Chúa Trời lành mạnh nào lại có thể sáng tạo ra một thế giới, ở đó chỉ một vũng ẩm ướt nhỏ nhoi như vậy lại phải trả giá bằng một cơn đau khủng khiếp đến thế.
Tôi sẽ gọi đến sở báo bệnh, tôi nghĩ, và rốt cuộc đi gặp bác sĩ Sadler. Tôi không ưa cái mùi hôi thối và gây buồn nôn của những viên thuốc sulfa của bác sĩ Sadler, nhưng bất cứ điều gì cũng tốt đẹp hơn là quỳ bên cạnh đống củi, cố nhịn không hét lên trong khi cái của nợ báo cáo rằng nó đang hiển nhiên bị nhúng dầu hỏa và thiêu đốt.
Sau đó, trong lúc nuốt viên aspirin trong nhà bếp của chúng tôi, và lắng nghe Jan nhẹ nhàng ngáy trong căn phòng kia, tôi nhớ lại hôm nay là ngày William Wharton được ấn định nhập Khu, và Brutal sẽ không có mặt - bảng phân công giao nhiệm vụ cho anh ta ở bên kia trại giam, giúp việc dọn nốt phần thư viện còn lại và một số thiết bị bệnh xá bỏ sót đến tòa nhà mới. Có một điều tôi đã không cảm nhận đúng mặc dù bị cơn đau, là bỏ mặc Wharton cho Dean và Harry. Họ là những người tốt, nhưng báo cáo của Curtis Anderson đã cho biết William Wharton là tin xấu khác thường. Thằng nhóc này cóc cần đời, anh ta đã viết như thế, gạch dưới để nhấn mạnh.
Lúc ấy cơn đau đã dịu đi một chút và tôi có thể suy nghĩ. Ý tưởng hay nhất, dường như đối với tôi, là sớm đến trại giam. Tôi có thể đến đó vào 6 giờ, là thời điểm giám thị Moores thường lệ bước vào. Ông ấy có thể cho Brutus Howell tái phân công sang Khu E đủ lâu để tiếp nhận Wharton, rồi tôi sẽ làm chuyến du hành quá hạn đã lâu để đến bác sĩ. Cold Mountain thực tế nằm trên lộ trình của tôi.
Hai lần trong chuyến đi dài 25 dặm đến trại gim, nhu cầu đi tiểu đã chiếm lĩnh tôi. Cả hai lần tôi đều có thể ghé xe vào lề và giải quyết vấn đề mà không tự gây bối rối cho bản thân. Cả hai lần tháo nước này đều không đau đớn bằng lần quét tôi té ngã trên đường đến nhà xí, nhưng cả hai lần, tôi đều phải bíu chặt lấy tay nắm cửa chiếc xe Ford nhỏ hai chỗ ngồi để giữ vững và cảm nhận mồ hôi tuôn xuống bộ mặt nóng bừng của mình.
Nhưng rồi tôi cũng đến được, lái xe vào trong qua cổng phía Nam, đỗ xe chỗ quen thuộc và đi thẳng đến gặp viên Giám thị. Lúc ấy đang là 6 giờ. Văn phòng của cô Hannah còn vắng - cô ta sẽ không đến trước giờ dân sự là 7 giờ - nhưng trong văn phòng của Moores có ánh sáng, tôi có thể nhìn thấy qua lớp kính nổi hạt. Tôi gõ cửa chiếu lệ và mở cửa. Moores ngước lên nhìn, ngạc nhiên thấy có người vào giờ bất thường này, và lẽ ra tôi sẽ nỗ lực rất lớn để không phải là người đến gặp ông ấy trong tình cảnh như thế. Mái tóc trắng của ông, thường lệ chải chuốt gọn gàng, nay tua tủa chĩa ra thành các túm và mớ rối tung, tay ông đang lùa vào trong ấy, giật và kéo khi tôi bước vào. Mắt ông đờ dại, làn da bên dưới phồng và sưng lên. Chứng run rẩy của ông là điều tệ hại nhất tôi chưa từng thấy, trông ông giống như người vừa được vào trong nhà sau khi đi bộ một quãng xa trong đêm lạnh buốt.
- Harry, xin lỗi ông. Tôi sẽ trở lại. - Tôi lên tiếng.
- Không. - Ông ấy nói. - Anh vui lòng, Paul. Vào đi. Đóng cửa lại rồi vào đi. Tôi đang cần có ai đó ngay lúc này, nếu từng có lúc cần ai đó trong suốt cuộc đời tôi. Đóng cửa lại rồi vào đi.
Tôi làm theo lời yêu cầu, làn đầu tiên quên mất cơn đau của chính mình kể từ lúc tỉnh giấc sáng hôm ấy.
- Chứng bướu não. - Moores nói. - Họ đã chụp X quang não. Thật sự có vẻ họ rất hài lòng về những bức ảnh. Một trong bọn họ đã nói có thể đấy là những bức ảnh rõ nhất mà bất cứ ai từng có được, ít nhất cho đến lúc này; họ nói sẽ ấn hành chúng trong tạp chí y khoa lớn nào đó tận New England. Kích thước nó bằng quả chanh, họ bảo thế, và lan sâu tận bên trong, nơi họ không thể giải phẫu. Họ nói vợ tôi sẽ chết vào Giáng Sinh. Tôi chưa nói cho bà ấy biết. Tôi không nghĩ ra cách nào. Tôi không nghĩ ra cách nào, dù phải chết.
Rồi ông ấy bắt đầu khóc, những tiếng nấc to, tắc nghẹn khiến tôi vừa thương xót vừa như kinh hoàng - khi một con người biết giữ mình nghiêm ngặt như Hal Moores rốt cuộc mất kiềm chế, quả là hãi hùng khi phải chứng kiến. Tôi đứng đó một lúc, rồi tiến đến và quàng tay quanh vai ông. Ông dò dẫm đưa cả hai tay ra tìm tôi, như một người chết đuối, và bắt đầu nức nở trên bụng tôi, tất cả những kiềm chế trôi sạch. Sau đó, khi tự trấn tĩnh lại được, ông xin lỗi. Ông ấy xin lỗi mà không nhìn mắt tôi, như một con người vẫn làm khi anh ta cảm thấy đã tự gây bối rối đáng sợ cho bản thân, có thể sâu đậm đến mức anh ta không bao giờ chịu đựng nổi. Một người có thể thôi ghét bỏ con người khi trông thấy anh ta trong tình trạng như vậy. Tôi nghĩ giám thị Moores tốt dẹp hơn thế, nhưng không nhớ lý do mà vì nó tôi đến đây, và khi rời khỏi văn phòng của Moores, tôi đi đến Khu E thay vì trở ra xe. Lúc ấy viên aspirin đang có tác dụng, và cơn đau trong phần giữa của tôi đã giảm xuống mức một tiếng đập khẽ. Cách nào đó, tôi sẽ qua được một ngày, tôi nhận xét, ổn định gã Wharton, kiểm tra lại với Hal Moores chiều hôm ấy, rồi xin nghỉ bệnh vào ngày mai. Điều tệ hại đã vượt qua được nhiều, tôi nghĩ, mà không mảy may biết rằng tai họa ngày hôm ấy thậm chí chưa bắt.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dặm Đường Xanh.