Chương 27
-
Đất khách quê người
- Mario Puzo
- 2167 chữ
- 2020-05-09 03:10:19
Số từ: 2152
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Đánh máy: Tumbleweed
Nguồn: Nhà xuất bản Phương Đông
Trong khi chiến tranh bùng nổ dữ dội khắp thế giới, dân Ý sống tại khu tây thành phố tha hồ vung tay thu hoạcho cho thoả giấc mơ Mỹ quốc. Tiền bạc tràn vào nhà như nước. Trong Sở Đường Sắt, người ta làm thêm giờ, gấp đôi giờ thường lệ. Những người có con cái chết hay bị thương còn làm nhiều hơn cả những người khác, vì họ biết rằng đã đau khổ, mà lại nghèo nữa thì không sao chịu nổi.
Đây là thời vàng son của nhà Lucia Santa. Bà mua nhà bên Long Island bằng tiền mặt. Ngôi nhà song lập mua lại của mấy tay phá sản vì chiến tranh. Như vậy vợ chồng, con cái Larry và Louisa ở sát bên mẹ để bà nội săn sóc các cháu. Căn nào cũng có nhiều phòng biệt lập, có cả một phòng để khi hết chiến tranh, Gino về ở.
Ngày cuối cùng, Lucia không còn đủ sức giúp các con thu dọn. Vì đêm qua, nằm một mình trong giường, bà không thể nào chợp mắt. Gió lùa qua những khe cửa sổ, nơi trước đây vẫn có màn che. Những ô tường có màu vôi sáng hơn chung quanh, là nơi vẫn treo những tấm ảnh, khung kính thường sáng lên trong bóng tối. Khắp nhà như có những âm thanh kỳ lạ, dường như hồn ma của suốt bốn chục năm qua vừa thoát ra từ những kệ, những ngăn tủ trống rỗng.
Nhìn trừng trừng lên trần nhà, bà lơ mơ chìm trong những cơn mộng mị. Bà thấy mình choàng tay ôm đứa con nhỏ nằm sát tường. Lắng nghe tiếng Gino và Vincenzo vào giường và tiếng bước chân của Frank Corbo, chồng bà, bước qua ngưỡng cửa. Rồi lại thấy thằng Lorenzo ra đi. Trong mơ, bà bảo con bé Octavia "Đừng sợ. Mẹ còn sống thì không ai làm hại được con cái mẹ". Rồi bà run rẩy đứng trước bố khóc lóc nài nỉ xin chiếc áo cưới. Ôngkhông nói một lời an ủi, làm bà cảm thấy bơ vơ suốt đời.
Bà có bao giờ muốn làm một kẻ hành hương, xa lìa làng xóm, để vượt qua đại dương đầy hãi hùng kia đâu.
Căn phòng lạnh ngắt làm bà chợt tỉnh. Trong bóng tối bà thay quần áo, lấy cái gối đặt bên thành cửa sổ, nhìn xuống đại lộ Số Mười, chờ sáng. Đây là lần đầu trong suốt bao nhiêu năm, bà mới thực sự nghe tiếng đầu máy tàu dồn toa và tiếng rin rít trên đường sắt. Xa xa, nơi bến Jersey, chìm trong bóng tối, vì chiến tranh không được bật đèn, chỉ có những vì sao nhấp nháy trên nền trời đêm.
Buổi sáng, cả nhà phải chờ đoàn xe chở đồ. Bà tiếp những người hàng xóm đến chào. Chẳng có người bạn cũ nào, vì chẳng còn ai ở lại khu phố này. Thằng Guido bị thương nặng trong khi đứng lò bánh, ông Panettiere đã bán lại cửa hàng, dọn đến Long Island. Lão cắt tóc dở hơi với một bầy toàn con gái, cũng dọn đến gần lão Panettiere để mỗi chủ nhật còn có bạn đánh bài. Những người khác, mỗi người tới một nơi, những nơi họ thường ao ước nhưng bây giờ mới được toại nguyện.
Người gây kinh ngạc nhất là bác sĩ Barbato, tình nguyện vào quân đội và trở thành người hùng tại châu Phi. Những tin tức và hình ảnh của ông bác sĩ đăng trên báo, làm ông già nổi giận đùng đùng vì thằng con dại dột. Mụ Teresina khốn khổ thì không ló mặt ra khỏi nhà. Mụ khư khư canh gác cả đống hộp mỡ và dầu ô liu, để đợi ngày có tiền chuộc mấy thằng con, từ tay tử thần. Thằng Joey, bạn hồi bé của Gino, khôn ngoan trốn lính. Chẳng ai biết bằng cách nào mà bây giờ nó giàu sụ, mua nhà to như lâu đài cho cha mẹ ở New Jersey. Vì thế thực sự nhà Lucia Santa đã đến lúc nên đi khỏi nơi này.
Cuối cùng thì lão Piero Santini cũng tới với đoàn xe tải từ Tuckahoe. Thời chiến chuyện xe cộ là rất khó khăn, nhưng lão sẵn sàng làm vui lòng người bà con quê cũ.
Bà pha cà phê rồi cùng đứng bên cửa sổ với lão, vừa uống vừa ngó xuống đường. Octavia, Sal và Lena chuyển những gói nhỏ xuống xe tải trước. Trong khi hai lão già Ý lực lưỡng vừa càu nhàu vừa cõng, tủ, giường xuống sau.
Một lúc sau, căn hộ chỉ còn trơ lại cái ghế đẩu chẳng đáng giá để đem về ngôi nhà mới sang trọng bên Long Island. Louisa dắt ba đứa con lên chờ mọi người cùng đi. Mấy nhóc len lỏi trong đống quần áo bỏ đi, giấy báo cũ….
Rồi giây phút cuối cùng cũng tới, Larry ngồi chờ trong xe mua lại của xếp di Lucca. Octavia bảo:
- Đi thôi, mẹ. Ra khỏi đống rác này thôi chớ.
Nhưng tất cả đều kinh ngạc, Lucia mặt thẫn thờ, như chẳng thể nào thực sự tin có ngày bà phải rời xa nơi này mãi mãi. Rồi thay vì đi ra phía cửa, bà ngồi thụp xuống ghế đẩu mà khóc.
Octavia xua mẹ con Louisa xuống cầu thang rồi trở lại nhăn nhó hỏi:
- Mẹ hay nhỉ. Muốn khóc thì lên xe khóc cũng được. Mọi người đang chờ kia.
Lucia úp mặt vào hai bàn tay, nức nở. Bà không thể ngăn được nước mắt. Bà nghe tiếng con Lena gắt chị:
- Để mẹ yên đi mà.
Ít lời như thằng Sal mà cũng lên tiếng:
- Chị đi trước đi, chúng em sẽ đưa mẹ xuống.
Octavia xuống cầu thang. Bà ngẩng đầu nhìn hai con. Hai đứa đứng trước mặt mẹ. Bà không ngờ chúng đã lớn thế. Lena thật xinh đẹp, da ngăm, mắt xanh giống bố, nhưng mặt lại giống Gino. Thằng Sal đặt tay lên vai mẹ, nó có đôi mắt của một người chẳng bao giờ biết giận hờn. Khoảnh khắc này làm bà nhớ lại đã bao lần Sal và Lena lặng lẽ một góc nhà nhìn ngắm mọi người đối xử với nhau, chắc chắn chúng đã kết án tất cả người trong nhà này. Nhưng bà đâu có biết, dưới mắt chúng bà là một nữ anh hùng trong một vở kịch đầy khiếp đảm. Chúng đã chứng kiến những khổ đau trong đời bà, những cơn thịnh nộ, điên cuồng của bố, những lần đấu tranh một cách tuyệt vọng của bà với Larry và Gino và nỗi đau đớn thê thảm vì cái chết của Vincent. Bà đưa tay vuốt ve hai con và bà biết rằng chúng đã phán xét bà và hiểu ra rằng bà vô tội.
Vậy thì tại sao Lucia Santa phải ngồi khóc trong căn hộ trống trơn này? Còn ai sung sướng hơn bà nữa?
Dọn về nhà mới, cháu nội quấn quýt bên mình, Sal và Lena sắp thành bác sĩ, giáo sư. Con gái lớn làm cai trong hiệu may lớn. Lorenzo làm chủ tịch nghiệp đoàn, ban phát việc làm như một ông hoàng bên Ý. Thằng Gino vẫn mạnh khoẻ, trong khi cả triệu người chết trong chiến tranh. Tuổi già lúc nào cũng được vây quanh một bầy con cháu. Tiền bạc, ăn uống chẳng thiếu gì. Còn ai sướng hơn nữa chớ?
Bốn mươi năm trước, còn ở quê nhà, có bao giờ bà dám mơ cao đến vậy. Nhưng lúc này, hàng triệu giọng nói vang vang trong bà "Lucia Santa ơi! Mi giàu có, thành đạt trên đất Mỹ rồi đó!"
Bà muốn ngẩng đầu cãi lại:
- Nhưng tôi muốn có tất cả những điều này mà không phải chịu đau khổ. Không phải khóc hai người chồng và đứa con yêu quí. Không bị căm ghét bởi chính đứa con trai tôi đã mang thai bằng một tình yêu chân thật. Tôi muốn có tất cả mà không mắc tội lỗi, ân hận và không hãi hùng khiếp đảm trong ngày phán xét sau cùng. Tôi muốn được hoàn toàn vô tội.
Ôi nước Mỹ! Mi là một giấc mơ cay nghiệt. Ban phát hào phóng vậy, tại sao còn bắt người ta khổ đau mới được nhận. Bà khóc cho những tội lỗi không thể nào tránh được. Trong thế giới tuổi thơ của bà, giấc mơ to lớn nhất là chỉ thoát cảnh đói nghèo, bệnh tật, thiên tai. Mơ được sống là đủ. Chẳng ai mơ mộng cao xa gì. Nhưng tại nước Mỹ, có những ước mơ mà bà không ngờ là có thật. Chuyện miếng ăn, chỗ ở không là tất cả.
Octavia mơ làm cô giáo. Còn Vincent mơ gì? Gino nữa, có những ước mơ gì? Chắc nó phải mơ cao xa hơn tất cả anh chị em nó. Nmhưng lúc này, nước mắt đầm đìa, lòng đau như cắt, bà cảm thấy căm giận nó kinh khủng. Điều mong ước lớn nhất của nó là bản thân sung sướng. Nó muốn sống như một đứa con nhà giàu. Rồi bà lại nhớ, bà đã làm người cha ruột đau lòng đến cỡ nào khi nằng nặc đòi áo cưới.
Bà biết rõ, dù hết chiến tranh, Gino cũng sẽ không trở về. Nó căm ghét bà như bà đã căm ghét người cha ruột. Nó sẽ trở thành một khách hành hương đi tìm những nước Mỹ xa lạ khác trong mơ của nó.
Lần đầu tiên Lucia Santa cầu nguyện:
- Xin cho con được nghe tiếng bước chân nó trở về. Con xin sống lại bốn mươi năm đau khổ cay đắng. Con lại vượt qua đại dương hãi hùng. Lại để chồng chết. Lại đứng trước cửa ngôi nhà ở Jersey, tay bế Vincent miệng chửi rủa Filomena. Lại khóc bên quan tài con trai con. Con xin làm lại những điều đau đớn đó. Xin run rủi nó quay về…
Rồi bà nhìn Sal và Lena đang đứng bên cạnh đầy lo lắng. Thấy hai bộ mặt trẻ con, nghiêm túc của chúng làm bà mỉm cười. Hai con bà xinh đẹp quá. Trông chúng hoàn toàn Mỹ, không hiểu sao bà lại thấy vui, dường như chúng đã thoát khỏi bà và toàn thể gia đình.
Sal mở áo khoác, nâng cao để mẹ xỏ tay vào. Lena nói nhỏ:
- Về nhà mới, con sẽ gởi địa chỉ cho anh Gino ngay.
Bà nhìn con gái út, nó giống Gino làm bà phát khóc. Bà nhìn lần cuối những bức tường trần trụi rồi bước ra khỏi ngôi nhà đã ở suốt bốn mươi năm.
Ba bà hàng xóm đang đứng ngoài đường, khoanh tay chờ. Một bà đưa bàn tay khô héo lên chào nói "Chúc may mắn nhé, Lucia!"
Lời chúc rất chân tình, nhưng cũng hàm ý "Thận trọng nhé, đời còn dài, chẳng ai biết được ngày mai đâu".
Lucia Santa cúi đầu cám ơn.
Mọi người lục đục vào xe, trong khi Larry nhịp tay trên bánh lái, vẻ sốt ruột. Rồi nó lái xe chạy chầm chậm để mấy xe chở đồ theo kịp, hướng về phía cầu Queensborough. Lúc đầu, vì bà mẹ cứ lặng lẽ khóc, nên không khí thật nặng nề, cho đến khi lũ nhóc chí choé đánh nhau, Louisa phải tát mỗi đứa mấy cái, chúng mới chịu ngồi yên. Tất cả thoải mái hẳn ra. Larry bảo một tiếng nữa mới tới nơi. Mọi người quay qua nói chuyện hai ngôi nhà mới. Mấy đứa bé luôn miệng nói "Tới Long Island chưa vậy?" Chú Sal hoặc cô Lena cũng luôn miệng trả lời "Chưa đâu".
Bà mẹ hạ kính cửa xe cho mát. Bà bế một đứa cháu lên lòng. Larry cười cười tán:
- Cả nhà gần nhau là nhất, mẹ nhỉ.
Bà bắt gặp ánh nhìn của Lena, con bé này giống Gino, rất hiểu ý mẹ. Octavia cũng mỉm cười. Hai mẹ con đều quá hiểu thằng Larry. Nó hí hởn vì ở gần gia đình, thì vợ con nó có người lo, thằng súc sinh tha hồ đi ve vãn mấy đứa con gái đang chết đói vì chiến tranh.
Xe xuống dốc cầu Queensborough, vùn vụt lướt qua những dây cáp treo. Tụi nhóc đứng dậy để nhìn làn nước xám xì phía dưới. Rồi xe qua khỏi cầu, tiến vào một đại lộ mênh mông với ba làn xe chạy. Đám nhóc bắt đầu hú hí và bà nội lên tiếng bảo, đúng rồi đấy, chúng ta đã tới Long Island.
Hết