Chương 5
-
Đất khách quê người
- Mario Puzo
- 3498 chữ
- 2020-05-09 03:10:09
Số từ: 3483
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Đánh máy: Tumbleweed
Nguồn: Nhà xuất bản Phương Đông
Cuối tháng tám, trừ trẻ con không ai chịu nổi cái nóng mùa hè. Cả ngày nồng nặc mùi nhựa đường, xăng dầu, hơi nóng từ vỉa hè lát đá, lại thêm mùi phân ngựa kéo rau quả bán rong, thải xuống đường. Phía tây thành phố, khu nhà gia đình Angeluzzi-Corbos, lúc nào cũng lửng lơ những đám khói tàu, bụi than bay mù mịt. Nhưng hôm nay là chủ nhật, những toa tàu vàng, đen, nâu nằm im lìm dưới nắng vàng, giữa đống ngổn ngang sắt thép, gạch đá như một khu rừng. Những đường tàu sắt lấp loáng như bầy rắn trườn mình.
Đại lộ Số Mười chạy thẳng ra bờ sông, chẳng có một mái hiên nào, chói chang nắng suốt ngày. Lúc này ngoài đường vắng ngắt. Trong buổi trưa chủ nhật nắng thế này, những bữa ăn trưa, chè chén trong gia đình kéo dài tới bốn giờ chiều. Nhiều người đi thăm bà con khá giả đã dọn nhà đến Long Island hay Jersey. Có người tranh thủ ngày nghỉ để đi đám ma, đám cưới, rửa tội…hoặc đem quà bánh thăm thân nhân đau ốm đang nằm trong bệnh viện Bellevue.
Những gia đình ăn chơi theo kiểu Mỹ một tí, thì đưa con cái ra đảo Coney, nhưng mỗi năm chỉ được một lần. Vì dù có xách theo đồ ăn từ nhà, nhưng đường xa, tiền "rắc đường rải chợ" cũng tốn kém lắm. Cánh đàn ông chẳng thích đi đâu, ngày nào cũng quần quật phơi nắng kiếm tiền, được ngày nghỉ tội gì tốn kém đi xa xôi, tới tận bờ biển mà phơi thây cho khổ. Chủ nhật nằm nhà là sướng nhất, vợ con không bắt các ông phải động móng tay. Đánh bài, nhậu nhẹt, nghe các bà tán nhảm còn khoái hơn nhiều.
Sướng nhất là có một ngày chủ nhật rảnh rỗi. Trẻ con đi xem phim, ba mẹ ăn bữa trưa no ễnh bụng, đánh một giấc ngủ rồi thoải mái yêu nhau trong căn nhà vắng vẻ. Sức lực trở lại dồi dào, gia đình thêm thắm thiết. Đúng là một ngày của Chúa ban cho.
Đường phố quanh đại lộ Số Mười sạch sẽ, tươm tất, vắng vẻ. Dân ở mấy khu này còn quá nghèo, chưa sắm nổi ô tô, lòng đường, hè phố lát đá chưa bị hư hại. Mặt đường trải nhựa phẳng phiu, hàng rào sắt, bậc đá nâu trước nhà long lanh trong ánh nắng. Tất cả như chói chang khoe mình trong một ngày không có khói phun ra từ những ống khói của các nhà máy.
Và bà Lucia Santa chọn ngày hôm nay để bắt tận tay, day tận mặt kẻ thù một cách bất ngờ, đó là mụ Le Cinglata.
Hôm nay, bà không bận bịu gì. Octavia đưa thằng Sal và con bé Lena đi chơi. Vincenzo và Gino đi xem phim.
Con trai lớn của bà là thằng Lorenzo, kẻ đứng mũi chịu sào, chăm lo cho cái gia đình mồ côi cha, đã tỏ ra bất hiếu với bà. Nó đi biền biệt hai đêm rồi. Chủ nhật cũng chẳng thèm về ăn cơm. Mỗi sáng chỉ đảo qua nhà bảo phải làm tới khuya, nên ngủ nhờ chuồng ngựa trong Sở Đường Sắt. Nhưng tủ áo của nó mất tiêu bộ đồ vét xịn nhất, hai áo sơ mi trắng và cái va li nhỏ. Vậy là bà đủ biết rồi. Thằng khốn kiếp, bà phải cho nó một trận mới xong.
Con bà chưa tới mười tám tuổi, chưa vợ, chưa có một mái nhà riêng, vậy mà dám bỏ nhà đi ngủ hoang. Nhục cho gia đình chưa? Nó bêu riếu bà với xóm giềng như vậy đó. Nó định làm loạn à? Làm loạn thì bà cho biết tay!
Trong bộ đồ đen, mũ có mạng, ví da cầm tay, đúng là một người đàn bà nghiêm túc, vừa đi tới nhà Le Cinglata, bà càng tức, thầm tính toán những điều sẽ nói vào mặt mụ ta. Hừ, hai mươi năm trước, con đĩ non làm bộ làm tịch, rấm rứt khóc lóc vì sắp phải ngủ với thằng chồng chưa hề biết mặt – bà mỉm cười chua chát – ai ngờ nó là con dâm phụ từ trong xương tuỷ. Vậy mà vợ chồng nó cứ vác mặt lên với thiên hạ. Vợ chồng người ta ăn ở với nhau, đầy đủ phép đời, phép đạo, ấy mới là điều quan trọng, dù giàu hay nghèo, cũng vẫn hiên ngang nhìn thẳng người khác. Kẻ nào làm nhục mình, thì nện ngay. Nhưng đó là nói chuyện khi còn ở quê nhà cơ. Đây là đất Mỹ, mụ ta nay đã là bà Le Cinglata.
Nhưng còn thằng con bà? Chẳng Mỹ thì đừng, mới mười bảy tuổi hơn, hỗn láo không vâng theo lời mẹ là ăn tát. Ôi! Phải chi ba ruột nó còn sống, đời nào nó dám bỏ nhà đi như vậy.
Lucia Santa đứng nghỉ trong cái hàng lang tăm tối, hôi mốc của nhà Le Cinglata để lấy sức leo cầu thang và lâm chiến với mụ kia. Trong một thoáng bà cảm thấy thương cảm cho thân phận mình: đám con thì xa cách từ lối sống đến ngôn ngữ, ông chồng thì gàn bướng, dở hơi…
Nhưng những ý nghĩ đó càng làm bà thêm quyết tâm không để một thằng con nào trở thành du đãng hay trơ trẽn không biết nhục khi bám váy một mụ đàn bà. Bà khiếp đảm nghĩ tới hình ảnh cái ghế điện, hình ảnh con trai bà đầm đìa máu, bị đâm bởi một lão chồng Sicily lên cơn ghen.
Cánh cửa nhà Le Cinglata vừa mở. Lucia Santa sững người nhìn lão chồng mụ ta, sơ mi trắng, quần đen, bộ râu xám rậm rì thằng thớm.
Ở tù ra mà trông hắn chẳng xanh xao chút nào.
Bà đâm ra nghi ngại, lão chồng có mặt ở nhà, làm sao con trai bà dám ở đây? hay chỉ toàn tin đồn nhảm? Nhưng vừa thấy mặt mụ vợ câng câng nhìn bà, bà hết cả hồ nghi.
Mụ cũng mặc đồ đen, nhưng ốm hơn, trẻ hơn bà. Tuy nhiên cũng đáng tuổi mẹ thằng Lorenzo. Từng ấy tuổi mà dám dụ dỗ một đứa trẻ con à?
Lão Le Cinglata xởi lởi:
- A, chị Lucia. Mời vào, uống tí rượu nhé.
Lão dẫn bà tới cái bàn nhôm trắng, rồi rót rượu nói:
- Rượu này không để bán đâu nhé.
Ý lão muốn bảo đó là thứ rượu chỉ để đãi khách quý như bà thôi.
- Năm ngoái nho tốt quá, mùi rượu cứ y như ở quê mình ấy.
Mụ vợ đặt lên bàn đĩa bánh cay rồi ngồi khoanh tay. Mụ không uống rượu. Lão chồng tự rót cho mình rồi nâng ly mời, rất nhiệt tình, thân thiết. Lucia Santa nhấp rượu rồi nhẹ nhàng nói:
- Tôi đi qua, tưởng cháu Lorenzo đang giúp bà nhà bán hàng…
Lão chồng cười nói:
- Ồ không, không. Chúng tôi nghỉ chiều chủ nhật. Tối mới bán lại. Dân mình dù sao cũng không đến nỗi hám tiền như dân Do Thái đâu.
- Mong ông hiểu cho lòng dạ của một người mẹ, mà tha lỗi cho tôi, khi phải nói ra điều này. Thằng Lorenzo nhà tôi còn quá nhỏ, đối với công việc này của ông bà, nó còn dại lắm. Có tối nó đã đánh một người bằng tuổi ba nó đấy. Mà lại là một lão người Sicily, lão có thể giết thằng bé ấy chứ. Bà nhà biết rõ chuyện này mà.
- À, vâng, tôi biết. Thằng bé giỏi thật đấy. Chị khéo nuôi dạy cháu đúng là một thanh niên Ý. Chẳng nề hà giúp đỡ người già. Tôi còn biết là tiền cháu kiếm được ở đây, đều đưa hết cho mẹ. Bởi vậy, tôi chỉ dám tin cẩn, giao cửa nhà cho Lorenzo thôi. Mặt thằng bé mới thật thà làm sao chớ.
Rồi lão tiếp tục lải nhải ca tụng thằng Lorenzo. Lucia không nhịn được nữa, bật nói:
- Nhưng nó đâu phải ông thánh từ trời xuống, phải không ạ? Nó là con tôi, phải nghe lời tôi. Giờ thì quần áo của nó cũng biến khỏi nhà. Vì vậy, tôi nghĩ chắc ông biết, có khi nó ngủ đêm ở đây?
- Con chị lớn khôn rồi, nó kiếm được miếng ăn cho nó và các em nó. Chúng ta đâu phải đang ở Ý. Chị khắt khe với nó quá đó.
Á à, con mụ này lầm rồi, tử tế còn đỡ, giở giọng thô bỉ ra với Lucia Santa là không xong. Bà vẫn ngọt ngào:
- Chị này, chị không biết những phiền toái trẻ con gây ra đâu. Làm sao chị biết được, vì chị may mắn chẳng có đứa con nào. Làm sao chị biết những lo âu, nhọc nhằn vì con, như vác thánh giá vậy. Nhưng để tôi nói chị nghe. Chẳng Mỹ Mẽo, Châu Phi, Ăng lê gì ráo, ở đâu cũng chẳng là cái gia đình gì. Con cái tôi phải ngủ dưới mái nhà tôi, cho đến khi lấy vợ, lấy chồng. Con tôi không phải thứ đồ say xỉn hay đánh lộn với dân bét nhè để vào nhà đá hay lên ghế điện mà ngồi.
Mụ ta cũng không phải tay vừa, ong óng cái mồm:
- Sao? Chị bảo sao? Chị bảo chúng tôi là những người không đáng để con chị giao du hả? nhưng chị là gì? Chị xuất thân nơi nào trên đất Ý vậy? Cả xứ nhà tôi, tuốt cái làng nhà chị có cái họ quý tộc nào là Angeluzzi hay Corbo không? Chồng tôi là bạn thân nhất, là đồng nghiệp của chồng chị, của ba ruột thằng Lorenzo. Chồng tôi cũng như ông già của nó. Ông ấy không đáng để con chị kết thân, ý chị là vậy, phải không?
Lucia rủa thầm con mụ lưu manh. Bà bị kẹt. Bà muốn đốp lại, là chỉ cấm con bà giao du với mụ, chớ không phải người chồng. Nhưng bà không dám. Thằng chồng hiểu ra mà lên cơn ghen sẽ xử "đẹp" cả con vợ lẫn thằng tình nhân. Bà đành phải nói:
- Không, ý tôi là nó vẫn đến thăm anh chị. Nhưng làm việc thì không. Không được ở lại quá khuya, loanh quanh bên mấy thằng cha say xỉn chửi nhau suốt. Nghĩa là không được ngủ lại ở đây.
Mụ vợ cười cười:
- Chồng tôi biết con trai chị ngủ đây mà. Anh ấy đâu thèm nghe những chuyện ngồi lê đôi mách. Làm sao anh ấy có thể tin vợ mình làm mất phẩm giá với một thằng ranh con. Chồng tôi rất cám ơn việc thằng bé bảo vệ hàng quán khi anh ấy vắng nhà. Ông ấy trả cho nó hai mươi đô la đấy. Nào, chị nói thử xem, là mẹ ruột, chị tin nó xấu xa vậy à?
Lão chồng mụ trừng trừng nhìn cổ họng bà. Lucia vội nói:
- Không, không. Nhưng thiên hạ nói lung tung sợ anh ấy hiểu lầm. Nhờ trời, anh ấy biết phải, biết trái.
Nhưng trong đầu bà nghĩ, "Đồ già đầu còn ngu". Nhưng vì lo sợ cho con, bà đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Ngay lúc đó, chẳng hề gõ cửa, thằng âm binh lù lù tiến vào, cứ tự nhiên như nhà nó vậy. Lorenzo khựng lại. Nhìn cớ sự này, mẹ nó đã đóan ra tất cả.
Nó cười ngỏn ngoẻn với mẹ, với con dâm phụ, cho tới thằng chồng bị nó cắm sừng. Mọi người cười lại. Nhưng bà mẹ bắt gặp cái cười giả tạo của người chồng, nụ cười của người không dễ gì bị dối gạt. Trong khi người vợ đầu mày cuối mắt, cứ như dán lấy thằng bé.
Lucia Satna cay đắng nhìn thằng con đẹp trai, tóc đen mượt như nhung, thân hình như tượng đồng, mũi to cao đầy nam tính, da láng bóng, không một cái mụn trứng cá dậy thì. Thằng xỏ lá nhìn mẹ âu yếm đến không ngờ, nó đặt va li xuống, hỏi bà mẹ.
- Mẹ làm gì ở đây vậy? Về nhà không gặp mẹ con buồn quá.
Thằng đểu núp đâu đó, chờ bà ra khỏi nhà, nó lẻn vào nhà, lấy thêm mấy bộ quần áo. Không ngờ con trai bà lại lá mặt lá trái đến vậy. Bà mát mẻ hỏi:
- Con dọn về nhà mới đấy à? Ông bà Le Cinglata nuôi con, phải không? Mẹ nấu ăn, con không vừa miệng, hay chị em con làm con buồn?
Nó cười hô hố:
- Mẹ ơi, mẹ đừng đùa nữa mà. Con đã bảo con đến đây giúp ông bà chủ một thời gian thôi. Con muốn kiếm thêm chút tiền cho mẹ. Chú Le Cinglata phải ra hầu toà rồi còn về quê thu mua nho nữa. Đừng lo mẹ à, bao nhiêu tiền kiếm được con đưa mẹ hết.
- Grazia!
Bà nói cám ơn bằng tiếng mẹ đẻ. Mọi người đều cười, vì thằng ranh rất khôn, gọi lão chồng mọc sừng bằng "chú".
Lão chồng lên tiếng:
- Chị Lucia ạ, tôi coi Lorenzo như con ruột của tôi vậy. Ôi, thật bất hạnh, chúng tôi chẳng có đứa con nào. Khi tôi xa nhà, chẳng có ai lo. Cái công việc này coi vậy chớ vất vả, nguy hiểm lắm, đàn bà lo sao nổi. Phải có một người đàn ông khoẻ mạnh cánh đáng. Lorenzo đã có việc ổn định trong đường sắt. Sau đó nó về đây, làm tới sáng. Ban ngày tha hồ ngủ, khỏi sợ mấy đứa em nó quấy rầy. Tại sao nó không thể nghỉ ngơi ở đây chớ? Tôi tin tưởng tuyệt đối thằng bé, để ý làm gì mấy chuyện nhảm nhí ngồi lê. Một con người bù đầu kiếm tiền như tôi, chẳng hơi đâu quan tâm tới chuyện hàng xóm.
Vậy là quá rõ. Đúng là lũ bỉ ổi. Một thằng chồng, mà lại là dân Ý, chỉ vì tiền, sẵn lòng để con vợ cắm sừng. Một con vợ biết chồng quý tiền hơn quý vợ và danh dự của mụ ta, sẵn lòng để vợ làm con điếm. Thật kinh tởm.
Để con trai bà sống với những con người này, nó sẽ ra sao? Bà bình tĩnh bảo con:
- Thu xếp tất cả đồ đạc của con. Mẹ không ra khỏi đây, nếu con không về nhà.
- Thôi mà, mẹ. Con đi làm kiếm tiền năm năm rồi. Đâu phải trẻ con.
- Mẹ là mẹ của con. Con cãi mẹ trước mặt người lạ sao?
Mụ Le Cinglata khinh miệt bảo nó:
- Đi, về với mẹ đi. Mẹ gọi, trẻ con phải bám váy mà theo.
Mặt Larry đỏ bừng. Người mẹ nhìn thấy sự giận dữ đầy chất đàn ông trong mắt nó. Trông nó giống hệt thằng cha quá cố của nó. Larry bảo:
- Tôi chẳng về đâu hết.
Bà tiến lại, vả vào mặt nó. Larry xô bà ra, làm mẹ nó loạng choạng đụng phải cái bàn.
Vợ chồng Le Cinlgata giật mình, hốt hoảng. Chuyện to rồi. Cả hai vợ chồng đứng chặn giữa hai mẹ con.
Lucia hít vào một hơi dài.
- À, à! Thằng con đánh mẹ! Đồ súc sinh! Trâu sanh chó đẻ! Nhờ trời ba mày chết rồi. Tạ ơn Chúa, ông ấy không phải thấy thằng con ông ấy đánh mẹ ruột nó vì bênh người ngoài.
Mặt Larry còn hằn vết năm ngón tay, nhưng nó không còn tức giận mẹ. Nó nhăn nhó bảo:
- Kìa mẹ, con chỉ xô mẹ ra thôi mà.
Nó cảm thấy có tội, lương tâm cắn rứt, khi nhìn những giọt nước mắt tủi hổ của bà.
Lucia Santa quay lại vợ chồng Le Cinglata:
- Các người vừa lòng rồi chớ? Thôi được. Nhưng tôi nói cho bà biết. Nó có thể ở lại đây. Riêng đêm nay thì nó phải về nhà. Nếu không, tôi sẽ đi báo cảnh sát. Nó còn dưới tuổi thành niên mà. Tôi sẽ tống nó vào trường cải tạo và các người thì ngồi tù. Phải, chị nói đúng, chúng ta đâu phải đang sống trên đất Ý.
Bà bảo thằng con:
- Còn mày, đứng lại đây với những người thân của mày. Tao không muốn thấy mày vác mặt cùng tao ra phố. Nhưng con yêu quý ạ, đêm nay con phải ngủ ở nhà, bằng không đừng bao giờ vác mặt về nữa.
Nói xong bà đi thẳng ra cửa. Trên đường về, Lucia chua chát nghĩ, thì ra chúng tạo dựng tài sản như vậy đấy. Tiền là trên hết. Đồ cặn bã, lũ súc sinh! Kiếm tiền bỉ ổi vậy mà cứ vác mặt lên với thiên hạ.
Đêm đó, sau khi lũ trẻ đi ngủ, Octavia và mẹ ngồi uống cà phê trong bếp. Vẫn chưa thấy bóng dáng thằng Larry đâu. Cô hơi ớn vì mẹ quyết định đưa thằng Larry vào trường cải tạo. Vậy là ngày mai cô lại mất buổi làm, để đi cùng bà đến đồn cảnh sát làm đơn ký tờ cam kết. Cô chẳng bao giờ thấy mẹ cứng rắn, tàn nhẫn như vậy. Cô không ngờ bà coi rẻ đồng tiền thằng em cô kiếm thêm tại nhà Le Cinglata như vậy.
Bỗng cả hai mẹ con đều giật mình vì tiếng gõ cửa. Octavia vừa mở cánh cửa, một người đàn ông bảnh bao, cao lớn, ăn mặc như diễn viên điện ảnh, mỉm cười chào cô. Hắn hỏi bằng tiếng Ý rất hoàn hảo.
- Thưa, đây có phải là nhà bà Corbo không ạ? Tôi là luật sư của nhà Le Cinglata, họ yêu cầu tôi đến gặp gia đình cô.
Dù là bạn hay thù cũng phải tỏ ra lịch sự, Octavia rót cà phê mời khách.
- Thưa bà Corbo, bà quá giận nên mất khôn về cậu con trai. Còn chuyện rượu lậu có đáng gì đâu. Ai chẳng uống rượu lậu. Ngay cả tổng thống cũng lai rai chút đỉnh đó thôi.
- Ông luật sư, tôi chẳng cần biết ông nói cái gì, nói ra sao. Tôi chỉ biết con tôi dưới tuổi thành niên, nó phải ngủ dưới mái nhà này với mẹ, chị em nó, cho tới khi nó lấy vợ. Nếu không thì vào trường cải tạo. Khi đủ mười tám tuổi, nó muốn làm gì, mặc xác. Còn bây giờ, tôi chẳng còn cách nào khác. Tôi không muốn bất kỳ đứa con nào của tôi làm ma cô, đĩ đực, giết người, tù tội…
Gã luật sư tròn xoe mắt nhìn bà rồi hồ hởi nói:
- Tốt. Vậy là chúng ta đã cùng thông suốt vấn đề. Nhưng thưa bà Corbo, chuyện này đâu cần thiết phải đưa nhau ra đồn bót. Tôi xin hứa là ngày mai chắc chắn con bà sẽ về nhà. Những rắc rối như vầy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Như vậy là ổn cả chứ ạ?
- Nó phải về ngay đêm nay.
- Thôi mà, bà làm tôi thất vọng đó. Một bà mẹ khôn ngoan như bà, chắc phải hiểu, đến Chúa Jesus cũng chẳng bắt cậu ấy về đêm nay được. Tự ái tuổi trẻ mà. Cậu ấy cho mình là người lớn rồi. Thôi, cứ để chàng ta say men chiến thắng tí ti.
Bà mẹ hả lòng hả dạ và thấy chàng luật sư nói cũng phải, nên đồng ý.
Gã luật sư vừa đi khỏi, bà ta thì thầm đầy nghiêm trọng:
- Cô thấy không? Tôi vừa cứu thằng em cô thoát nạn đấy.
Octavia ngẩn ra, chẳng hiểu gì. Bà mẹ khoái trá, cười ha hả:
- Ngốc thế? Luật sư gì ngữ đó. Tụi Bàn Tay Đen đó. Mặt nó đầy tử khí, mày không thấy à?
Octavia rũ ra cười:
- Trời ạ, mẹ điên thật rồi.
Rồi cô nhìn mẹ đầy yêu thương, kính trọng. Thì ra mẹ cô, người nông dân chân chất, tưởng mình vừa đụng độ với một tên sát nhân nguy hiểm, vậy mà bà vẫn tỏ ra tỉnh táo, không chút sợ sệt. Cô hỏi:
- Ngày mai con đi làm được chứ?
- Phải, phải đi làm chớ con. Đừng để mất một ngày lương. Kiểu nhà mình bao giờ giàu nổi mà phung phí.