• 328

Chương 17


Số từ: 1989
Tác giả: Nguyễn Minh Châu
Thể loại: Tiểu Thuyết, Văn Học Việt Nam
NXB Văn Học
Nguồn: Isach
Trung đoàn 5 sau một thời gian củng cố và được bổ sung thêm quân số lại tiếp tục bước vào chiến đấu.
Sau cuộc đổ quân của lữ đoàn Kỵ binh bay nhằm mục đích giải vây đã thất bại, vòng vây càng khép chặt. Quân Mỹ đã lâm vào thế bí và đang đứng trước nguy cơ có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuối cùng bao nhiêu lời cam kết "bọc bằng thép" của bọn cầm đầu nước Mỹ đã phải tính đến bước đường tháo chạy khỏi thung lũng Khe Sanh. Cuối tháng sáu trung đoàn lính thủy đánh bộ số 4 từ Đà Nẵng được chúng điều ra để làm nhiệm vụ đánh tháo cho "chiếc tàu chiến đang thả neo ở vùng rừng núi phía Bắc".
Một lần nữa, suốt cuối tháng sáu sang đầu tháng bảy, trung đoàn của Kinh cùng các đơn vị mới tham chiến lại tổ chức những trận đánh tập kích liên tiếp. Bây giờ địch muốn "cõng" nhau tháo chạy cũng khó khăn chẳng kém gì nằm lại ở đây. Lại thêm hàng ngàn tên khác phơi xác trên các điểm cao trước khi những thằng còn sống rút được bàn chân ra khỏi cái "vùng rùng núi độc địa". Cuộc rút chạy đã được các tờ báo hàng ngày và các đài phát thanh phương Tây mô tả rất tỉ mỉ. Suốt hàng tháng trời, lính thủy đánh bộ giữ căn cứ chen chúc trong các đường hầm ẩm ướt và tối tăm chung quanh sân bay. Trong khi chờ trực thăng tới "hốt" đi, chúng ngồi vuốt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, có đứa nhặt đá ném những con chuột đang sục mõm vào các đống rác rưởi và xác chết. Mỗi khi đạn pháo binh từ bên ngoài bắn vào tụi phi công trực thăng liền vội vã hốt hoảng lái máy bay bay lên, để lại dưới đất những lời nguyền rủa. Trong khi đó những xác máy bay bị bắn cháy nằm ngổn ngang cuối đường băng, những xe cộ, công sự, máy móc, trận địa pháo, trung tâm thông tin, sở chỉ huy, tất cả đang được xe ủi đất ngày đêm san phẳng hoặc xúc đổ xuống các hầm hố. Một hãng Pháp bình luận: Tất cả mọi thứ ở cái căn cứ chiếm đóng nổi tiếng này đã được xe ủi đất và các đội phá hoại san bằng địa. Nhưng không có xe ủi đất nào có thể xóa nhòa được trong ký ức những người lính Mỹ mặc áo cổ da hình ảnh sinh động của một cuộc phòng thủ bi thảm.
Sang tháng bảy, một hành lang vận chuyển tiếp tế quan trọng đã được mở ra. Chỉ mấy ngày sau khi quân Mỹ trong căn cứ Tà Cơn và ngoài các điểm cao phía Tây Bắc bị quét sạch, những trung đoàn bộ binh, những tiểu đoàn bộ đội vận tải, những đơn vị dân công mang hàng từ ngoài vào đã có thể đi theo một con đường gần nhất để chọc thẳng xuống phía nam đường 9. Đó là con đường từ các cánh rừng già phía bắc, băng qua giữa đỉnh Đồi không tên rồi đi men dưới chân điểm cao 475. Con đường mới được đánh thông nằm giữa một vùng đồi núi đỏ loét như sắc máu. Một khu vực kho hàng tiếp tế cũng vừa được thiết lập trên đường 9, đoạn giữa thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo.
Không khí chiến thắng tràn ngập khắp thung lũng.
Lượng mới ở trạm điều trị ra. Anh đang trở về đơn vị.
Sau mấy tháng nằm quân y được bồi dưỡng nhưng anh vẫn chẳng béo tốt lên được bao nhiêu, dáng vẫn chậm chạp, nước da hơi mai mái. Chỉ có con mắt lầm lỳ có vẻ đầm ấm hơn. Anh nhìn quanh cảnh chung quanh vừa quen thuộc vừa xa lạ.
Lượng đang đi lẫn giữa đoàn người như ngày hội.
Anh đi giữa một đơn vị dân công vận tải toàn người dân tộc Vân Kiều và Tà Ôi, đa số là nữ. Các cô gái mặc váy xanh áo đen, đi chân đất, bàn chân người nào cũng nứt nẻ. Các cô gái mang hàng rất nặng trên lưng nhưng trông họ đi đứng chẳng chút nào nặng nhọc, chân bước nhẹ nhàng, những cánh tay trần rám đen chống ngang sườn hơi ngoặt về phía sau. Đi bên cạnh Lượng là một cô nước da đen giòn, môi ướt, bên mép hơi phơn phớt một ánh xanh như có râu, lông mày lưỡi mác đặt thẳng trên cặp mắt hình quả trám, cái nhìn ngang sắc và dữ dội.
Cô gái đeo trước ngực một chiếc đàn đẽo bằng gỗ phím rất ngắn.
- Các o đi vận tải phục vụ bộ đội có vui không? - Lượng hỏi cô gái khi cô ta hỏi mượn anh chiếc bật lửa châm thuốc.
- Vui hung, ta chiến thắng to, vui hung! - Cô gái hỏi: - Anh giải phóng có biết hút thuốc lá "đồng bào" mình quấn cho một điếu?
Lượng lắc đầu;
- Tôi không biết hút...
- Chê à?
- Thuốc nặng hút vào thì sặc, không quen thôi - Lượng đề nghị - O gảy đàn đi nghe cho vui?
- Mình gảy đàn cho anh Giải phóng nghe hỉ?
Cô gái vừa so dây đàn. Hai sợi dây xe bằng chỉ gai chuốt nhựa thông rung lên. Tiếng dây đàn trầm đục dội xuống mặt gỗ, nghe ấm áp và mộc mạc. Khuôn mặt người con gái ngước nhìn ra xa mỗi lúc một sinh động lên, như đang ngóng đợi một điều gì đó. Những ngón tay nhảy nhót trên hàng phím, tiếng đàn bỗng trở nên vội vã, náo nức, xoắn xít...
Đàn xong một bài, cô gái quay sang hỏi thăm Lượng:
- Anh có biết anh bộ đội nào tên là Nghim không?
- Ở đơn vị nào?
- Ở trung đoàn pháo binh mà!
- Anh o hả?
- Chồng mình...
- Tôi không biết. Nhưng o cứ hỏi thăm nhất định sẽ gặp người của trung đoàn pháo binh. Lúc ấy sẽ hỏi thăm anh Nghim.
Đến một cái ngã ba, Lượng chia tay với đoàn dân công địa phương. Cô gái gùi hàng có cặp lông mày lưỡi mác vẫn ôm chiếc đàn trước ngực. Đi một quãng ngắn Lượng lại nghe cô gái đang dừng lại hỏi thăm anh bộ đội khác: "Anh có biết anh bộ đội nào tên là Nghim không?"
Lượng đã về đến trung đoàn 5.
Anh lại nhận quyết định trở về sở chỉ huy đại đội trinh sát. Khuê chuẩn bị đi học. Khuê được lệnh bàn giao công việc đại đội lại cho Lượng để trở về ban tham mưu trung đoàn. Trong thời gian đợi đi học, Khuê vẫn công tác ở ban tham mưu với cương vị phái viên tác chiến như cũ. Sau một thời gian xa nhau, Lượng và Khuê gặp lại và ôm lấy nhau. Hai người nói chuyện rất vui vẻ, Khuê nhận được lá thư của Nết, do Lượng cầm về hộ. Hai người bàn giao công tác tỉ mỉ và rất lâu nhưng những việc thuộc về đời riêng cũng chỉ có thì giờ nói với nhau chút đỉnh, và cũng chưa phải đã đến lúc Lượng có thể nói hết mọi chuyện với Khuê được.
Một buổi sáng sớm, Khuê cùng chính ủy Kinh, hai "thầy trò" từ sở chỉ huy trung đoàn men theo bờ con đường hào trục ngày xưa để đi thăm một số phân đội bộ binh làm nhiệm vụ cảnh giới địch và thu dọn chiến rường. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Máy bay trinh sát lượn đi lượn lại đến sốt ruột rồi thả từng chùm pháo sáng giăng chênh chếch trên các cửa rừng. Một tốp phản lực đang bắn đạn 20 ly sau khi bỏ mấy loạt bom xuống một khu vực cửa rừng phía Tây Bắc. Sau một đêm, cả bốn phía chân trời chung quanh thung lũng Khe Sanh đầy những vệt khói đèn dù. Trên vòm trời rất cao giữa thung lũng, ánh sáng ban ngày dần hiện ra, nhưng chỉ có một khoảng mây trên cao đang thay đổi màu sắc, mặt đất vẫn còn đắm trong giấc ngủ. Tiếng quạ và vẹt kêu trên những thân cây cà phê đã chết khô. Một cánh chim bay qua đỉnh 475, cái yên ngựa giữa hai mỏm đồi cao in bật trên nền trời một đường viền đen sẫm. Kinh nghe tiếng đế giày vải của mình và đế đôi giày da của Khuê chạm trên từng hòn đất cứng như gang. Phía trên trung tâm căn cứ Tà Cơn cũ nơi làn ánh sáng xanh biếc đang trùm lên một bãi đất mấp mô ngổn ngang nằm im phăng phắc, trông giống như một cánh đồng nông trường ở hậu phương sau vụ cày ải bằng máy cày.
"Mới đấy mà sáng nay đã yên tĩnh thế này ư?". Không biết Khuê vừa hỏi, hay Kinh đang tự lắng nghe một cảm giác quen thuộc mỗi lần đứng trước một vài cái vị trí địch vừa giải quyết xong. Kinh tự hỏi: Vừa qua có phải là giai đoạn "động" nhất trong cuộc đời mình? Có phải trung đoàn ông và bản thân ông vừa trải qua một cuộc thử thách gay gắt nhất, và bây giờ tất cả đã trở lại yên tĩnh? Lúc này đứng ở đây Kinh nhớ từng chiến sĩ và cán bộ trong trung đoàn, những người ông đã đem hết lòng yêu mến, và họ đã đem cả cuộc đời để làm nên chiến thắng ngày hôm nay. Chỉ có mấy tháng trong một chiến dịch, Kinh đã hiểu biết thêm về những người chiến sĩ trẻ tuổi như bằng cả một đời người, nhưng ông không khỏi nhận thấy không thể hiện và đánh giá hết lòng hy sinh quả cảm, sức lực và tài trí của từng người đã cùng ông lăn lộn trên mảnh đất này. Và cả đứa con trai của ông đã hy sinh, cho đến hôm nay những điều gì ông đã biết về nó và những điều gì chưa biết? Ông đã biết những gì xảy ra trong cuộc đời mới hai mươi tuổi của nó?
Kinh nheo cặp mắt đầy những vết dăn deo chung quanh vành mi, cặp mắt của một người già. Ông ngắm cái dáng nhỏ bé và lanh lợi của Khuê đang đi bên cạnh. Cái nhìn của Kinh không thể giấu một vẻ thích thú và sung sướng.
Trong lòng ông tràn ngập niềm yêu thương và hy vọng của một người cha.
Những tia nắng sớm đầu tiên đã ửng trên mỏm đá "Đầu gà". Con đường hành lang vận chuyển chiến lược vừa mở ra dưới chân điểm 475 nhìn xa như một nét chì đỏ. Mặt trời đã mọc. Lúc bấy giờ toàn bộ khung cảnh chiến trường Khe Sanh trở nên rực rỡ dưới ánh mặt trời buổi sáng. Trên lưng một quả đồi phía đông trơ trụi không một ngọn cỏ, hàng hàng những mũ sắt và nòng súng trường nhấp nhô của một sư đoàn bộ binh đang trẩy về phía nam, lại nghe tiếng nói, tiếng cười đùa ồn ào của những chiến sĩ mới vào chiến trường, lại nghe tiếng nói lanh lảnh của một anh chàng nào đó đang cao hứng: "Làng tớ ấy à?...".
Bên phía Đồi không tên, một tiểu đội dân công vận chuyển hỏa tuyến vừa dừng lại bắc bếp thổi nấu, khói bếp bay chờn vờn trên nóc mấy chiếc hầm chữ Y đã bị bom đánh sập.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dấu Chân Người Lính.