• 328

Chương 2


Số từ: 13253
Tác giả: Nguyễn Minh Châu
Thể loại: Tiểu Thuyết, Văn Học Việt Nam
NXB Văn Học
Nguồn: Isach
Ngày đó trung đoàn của Kinh sắp đi tới những chặng đường cuối cùng. Dọc con đường giao liên bấy giờ, khu rừng hai bên có những quãng dòng thác người tự nhiên cứ quẩn lại, phình to ra, đông đúc và ồn ào như dòng nước lũ chảy qua một cái xoáy lớn. Dọc theo dãy lèn đá cao ngất, thỉnh thoảng nổi bật lên một tòa cây xanh um mọc cheo leo giữa đỉnh, dưới chân là khu vực kho B. Tất cả các đơn vị đi đường ngắn và đường dài đang hội quân ở đây. Tất cả đều phải lấy thêm gạo, thức ăn và thuốc men để đi tiếp vào tận các chiến trường! Đông đúc quá? Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và rừng súng đạn. Người ta chỉ biết đông đúc và chật chội, là hơi nóng của hơi thở và mùi mồ hôi người, là tiếng ồn ào của cuộc sống, là đàn ong cần lao đang san một nửa tổ đi đánh giặc, là cơn giận dữ của đất nước lại một lần cầm lấy súng. Người ta không thể phân biệt hiện tại hay khung cảnh lịch sử hay là tương lai đang bước ra từ đây trên đôi bàn chân đất của người lính? Không thể nào tả hết những khuôn mặt chiến sĩ, những khuôn mặt chỉ huy, những khuôn mặt của tầng tầng lớp lớp người đang nối tiếp nhau hiện ra từ trên dốc, từ dưới suối, từ khắp các ngõ ngách của rừng. Khuôn mặt nào cũng đẫm mồ hôi và bừng bừng như say. Phần đông là những khuôn mặt còn trẻ măng cả. Nhìn bất cứ người nào cũng có thể đoán được khuôn mặt dòng dõi của bố mẹ, của người em, người anh, người chị ở nhà hoặc cũng ở một nơi nào đó. Tất cả đều đang bước đi. Các cặp mắt tất cả đang nhìn. Trong tất cả mọi người giữa dòng thác hôm nay, ai sẽ trở nên nhà chép sử sách, ai sẽ cầm bút viết văn, sẽ mô tả làm sống trở lại khung cảnh này?
Cả ba tiểu đoàn của trung đoàn 5 đã vượt gần hết khu vực tập trung đông người, chỉ một số đơn vị hậu cần và một tiểu đoàn pháo loại nhẹ vừa đến phối thuộc còn lẽo đẽo ở sau. Kinh đang đi theo tiểu đoàn 1. Nhưng tiểu đoàn này đi xong thì Kinh đứng lại để chờ tiểu đoàn pháo. Những người lính pháo mang vác, phần lớn là khiêng, cả tiểu đoàn đang cuộn mình leo lên một cái dốc chỉ dài khoảng một nghìn mét nhưng quanh co dốc thẳm. Anh em giao liên đã thấy đấy là cái dốc không phải dễ nên đã đánh thành bậc, ở mỗi bậc đều lát một khúc gỗ tròn để chèn cho đất khỏi lở. Những khúc gỗ được ghim chặt bằng hai thanh gỗ khác cắm sâu xuống. Tuy vậy, vì lâu ngày không biết bao nhiêu bàn chân giẫm lên, các khúc gỗ đã mòn lõm. Trên những thân cây hai bên, một vệt đỏ sậm do lớp vỏ bên ngoài bị tước xơ thành một đường thẳng từ thân cây này sang thân cây khác. Đó là chỗ bàn tay nhiều người đã vịn vào. Những người lính đều mặc quần đùi, mũ tai bèo cuộn gập bên cạp quần. Một anh dáng như học sinh giữ trên vai một đầu đòn khiêng thân pháo nặng gần một tạ, đứng chực sẵn ở chân dốc và đưa mắt ngắm những bàn chân như đang đứng tấn trên các bậc:
- Vợ tớ nó viết thư cho tớ đến là văn chương, em muốn cùng anh đi hết suối sâu và dốc cao...
- Vợ cậu làm gì ở nhà?
- Nó cũng đi làm đường Trường Sơn.
- Trường Sơn ơi, ta lại đến bên người...
- Lên hết cái dốc này rồi tha hồ mà khát nước các thầy ạ.
- Đi ta đi những cánh đại bàng, này, mấy năm vừa rồi tớ biết thế này thì tớ cóc ở nhà, tớ sẽ đi hết các dãy núi Trường Sơn, tớ trồng toàn là khế thôi các cậu ạ. Phen này thì tha hồ mà trèo nhé!
- Tớ thì tớ trồng dâu da hơn.
- Cậu là dân vó bè nước ngọt, cậu biết cây dâu da than nó ra làm sao nào?
- Cây dâu da vỏ đen, có vằn, lá nhỏ tí.
- Đó là cây sung đất.
Tất cả cười ồ.
- Nó ở dưới biển mới lên, mới tập mặc quần để đi bộ đội làm sao nó phân biệt được cây nào ra cây nào ở trên rừng. Cây sung đất là cái cây mọc ở quãng bờ suối chỗ tớ với cậu tắm, hôm nghỉ lại một ngày ở trạm giao liên 13 ấy.
- Đi, các ông tướng!
Những bắp chân bắt đầu săn lại thành múi. Các đường gân căng ra. Những chiếc đòn khiêng có chiếc vót đẽo nhẵn nhụi có chiếc vẫn nguyên cành cây và túm lá tươi phất phơ. Bốn năm bàn chân giậm lên nhau cùng một lúc giữa cái bậc. Những thân người và cánh tay tựa từng thân cây hai bên mà trườn lên. Những chiếc cổ và quai hàm bạnh ra quanh đòn khiêng. Kinh đứng trên đầu dốc nghe được cả tiểu đoàn pháo đang thở. Kinh mặc quần "soóc" dài gần chấm gối để lộ một cái đầu xương bánh chè vẫn còn chắc, bắp thịt dưới bụng chân rất săn, chiếc cổ áo vuông màu vàng của anh đã ướt đẫm mồ hôi. Hai bàn tay ông đặt úp lên nhau, ôm lấy đầu một con sóc gọt bằng gỗ đã nhẵn bóng cắm trên đầu một chiếu cậy song rất dài. Vừa trông thấy những người lính pháo đi đầu nhô lên ở một quãng dốc ngoặt, Kinh liền kẹp chiếc gậy vào nách, đặt hai bàn tay lên miệng:
- K.13, các cậu đi thần tốc địch với quân Nguyễn Huệ rồi đấy! Anh nuôi K.13 đã lên trước chưa?
- Anh nuôi K.13 còn lẽo đẽo, lững thững ở đây!
- Chính ủy làm thơ đi chính ủy ơi - Mấy chiến sĩ cấp dưỡng tiểu đoàn pháo cao hứng thốt lên.
Một đại đội bộ binh của trung đoàn nào chẳng biết, cũng mang vác kềnh càng, đi rải từng khúc chêm vào giữa đội hình pháo. Những chiến sĩ xa lạ nhác trông thấy Kinh chống gậy đứng trên dốc vội la tướng:
- A, thầy Đường Tăng!
- Chào thầy Đường Tăng sang nước Việt Nam lấy...đầu Mỹ anh em ơi!
- Thầy có chú tiểu đồng kháu ra kháu!
Những khuôn mặt pháo lầm lì. Những khuôn mặt bộ binh nhẹ nhõm. Tiếng bộ binh và tiếng nói của pháo đan nhau:
- Chào cậu Khuê, cậu ở trung đoàn này ư?
- Tớ có một đứa em gái mắt sắc như dao đang công tác trong khu rừng này, cậu nào bên ấy khao tớ một điếu thuốc lào tớ gả ngay cho bây giờ?
- Chỉ tán phét là giỏi, leo dốc vã mồ hôi dái ra còn tán.
- Mẹ ơi, bao giờ hết giặc con về mẹ vui?
- Cha ôi, nước mình thật lắm tung!
- Ta đi đây lòng ta như bay! (Thơ Tố Hữu)
- Dốc này tên là dốc gì nhỉ?
- Dốc Bà Định đấy!
- Bà Định ơi, phen này bà cho cánh chúng tôi kiếm ăn ở đâu đây?
Quân cứ nghìn nghịt như thế mà đổ lên. Tiếng máy bay ỳ ầm trên đầu. Tiếng phản lực vừa dứt lại một đôi cánh bằng đi lùng rừng, tiếng kêu rè rè, bay thấp và chậm như sên bò từng nấc trên đá. Con đường đổ sang bên kia dốc lại gặp một cánh quân khác, lính đội toàn mũ sắt, người nào người nấy da đỏ au. Hai cánh quân gặp nhau liền tung mũ và reo hò. Ở một chỗ, hai người đang vặc nhau, anh này bảo anh kia lấn vào hàng của mình, và anh kia cũng vặc lại anh này như thế.
Kinh đưa đầu gậy chỉ về phía trước:
- Ông đã trông thấy cảnh này bao giờ chưa hả ông Khuê?
- Tôi đã trông thấy hồi năm ngoái, nhưng không đông bằng năm nay.
- Tôi cũng chưa hề bao giờ trông thấy, chưa chộ(chưa thấy), ta đi thôi!
Hai người phải hết sức vất vả mới len lên được. Khuê đi sau, chiếc ba lô của Khuê chốc chốc lại va phải một cái chân súng cối, một ống bộc phá, những bao gạo, những chiếc rá bằng giang rừng đan vội vàng cột sau ba lô. Gặp một đại đội bộ binh mà chỉ có chừng mười người không có đòn gánh trên vai, hầu hết đều khiêng, hoặc gánh. Một đại đội khác đi sau cũng vậy. Những chiếc đòn gánh đủ kiểu, làm bằng gỗ, bằng bương, bằng tre. Lính cũng đủ loại: Có anh cao lớn lộc ngộc, có anh như mới từ luống cày bước lên. Một đoàn quân y giải phẫu do một ông bác sĩ đen thui và cao lớn như ông hộ pháp cầm đầu, ba bốn cô y tá đi sau người nào cũng gánh những chiếc túi thuốc lẵng nhẵng có dấu chữ thập đỏ. Lẻ loi dăm anh lính không biết của đơn vị nào, mỗi người gánh mỗi đầu bốn quả đạn cối 60 ly như những búp hoa chuối, trên thân mỗi quả đạn có hai cái vòng đỏ. Anh chàng đi giữa chừng là chỉ huy, nét mặt tươi tỉnh, hai má rám trứng cá. Anh ta đang đi hễ trông thấy một đơn vị lại ghé tới hỏi:
- Hiền Lương đây phải không các đồng chí?
- Không phải, đây là Sông Trà!
Đến một đoạn khác lại vẫn thế:
- Hiền Lương đây phải không các đồng chí?
- Không phải, đây là Sông Hồng!
Khuê đang đi chợt trông thấy trước mặt cả một mảng lưng áo của chính ủy Kinh như đập vào mắt. Anh vội vàng hỏi:
- Ba lô thủ trưởng đâu?
- Ôi chí nguy rồi! Tôi bỏ quên chiếc ba lô ở trên dốc Ba Định.
- Thủ trưởng cứ lên trước đi!
Khuê đi ngược trở lại. Ở những quãng rừng hai bên đường vừa ban nãy còn bỏ trống, bây giờ đã thấy có nhiều đơn vị đang hạ trại. Tiếng lính gọi nhau í ới, tiếng dao phát cành cây, tiếng đóng cọc chí chát. Một anh nhanh nhẹn trong khi mọi người vẫn còn tíu tít cả chân tay thì anh ta đã buông mình nằm thăng cẳng trong chiếc võng và bất ngờ thét lên một tiếng: "Trường Sơn ơi" làm rung chuyển cả khu rừng. Dăm ba anh chưa kịp sửa soạn chỗ ăn chỗ nằm đã nhảy bổ xuống suối thò lút cánh tay vào các hốc đá moi lên từng vốc cá. Một anh ngồi ngay giữa vệ cỏ hí hoáy ghi chép lên cuốn sổ tay. Một anh khác vác dao vạc ngay một mảng vỏ trên một thân cây rất lớn bên đường, dùng méc-quya vẽ đè lên thớ gỗ trắng vẫn còn chảy nhựa một chiếc mũi tên to sù như đuôi một con dím và ba chữ: "Đoàn Thu Bồn". Đâu đó có tiếng bìm bịp kêu trong khoảng rừng vắng. Một đơn vị khác đang nhổ trại. Anh cán bộ ôm khư khư chiếc đài trước bụng, cầm chiếc gậy chống quay tít mấy vòng như là đang ngứa tay muốn múa gươm, chốc chốc lại giục: "Nhanh lên, nhanh lên, ta kiếm đầu dăm ba thằng Mỹ kẻo hết các cậu ơi!". Những người lính cuốn tăng võng trong tiếng ồn ào. Những chiếc tăng ny lông màu lá mạ rải khắp rừng suối trong phút chốc đã được xếp lại, như một đàn bướm đậu chập chờn rồi kéo nhau bay đi nơi khác. Cả đơn vị đã ra đường tập họp. Khói bếp vẫn còn vươn dài uể oải cuốn theo thân cây và nằm cuộn tròn những vũng mờ xanh dưới tán lá. Mỗi tiểu đội để lại một vệt than tròn dưới gốc cây. Mặt đất lờ mờ, trông bóng lính cứ hư ảo. Khuê đi giữa cánh rừng khói đang tan. Cái dốc mang tên Bà Định do một anh lính vô danh đi qua từ đời thuở nào đặt cho, lúc Khuê quay trở lại chỉ thấy toàn dấu giày và dấu gậy in chi chít trên lớp bùn ở các bậc, con đường đã nhão ra để được lèn chặt hơn; và chắc có lẽ vì vội quá hoặc hăng hái, có nhiều bàn chân đã mở thêm ra nhiều lối đi khác ở hai bên. Những bụi nứa non bị đổ ngã rạp. Những phiến đá bị giẫm lỳ. Một cặp đại bàng đất đôi mắt hiền từ nhưng cái mỏ quắp và dài trông rất hung tợn vươn đôi cánh vỗ ầm ầm rồi ung dung bay đi. Trong khi đó, ở khu rừng dưới chân vọng trở lên một tiếng gọi khẩn khoản và tha thiết: "Sông Hồng gọi Cửu Long, Sông Hồng gọi Cửu Long. Sông Hồng đang chảy. Sông Hồng đang chảy. Cửu Long nghe rõ trả lời!". Tiếng gọi lắp đi lắp lại một cách kiên nhẫn. Đó là tiếng nói của một trung đoàn đang trên đường tiến quân gửi vào những làn sóng điện vô hình chằng chịt giữa vòm trời.
Trên đỉnh dốc chỗ Kinh và Khuê ban nãy đứng thấy có hai chiến sĩ ngồi nghỉ, cùng với một con chó đang chõ miệng vào một gốc cây sủa tong tóc. Anh chàng thứ nhất cao gầy, đeo chiếc máy vô tuyến điện trên lưng, chiếc cần ăng ten đã gập lại, đang cúi lom khom dang tay níu lấy chiếc dây da buộc cổ chó. Anh chàng nghịch kỳ cục đến thế là cùng! Anh ta đem buộc giữa cổ con chó một miếng riềng. Anh chàng thứ hai đen và lùn ngồi giữa hai chiếc ba lô, tay cầm chiếc gậy đi đường, đang dùng đầu gậy chọc chọc vào một chiếc ba lô nằm bên lề cỏ. Khuê nhận ra chiếc ba lô của chính ủy Kinh. Chiếc ba lô lép kẹp, nằm nhũn ra như một con chồn mực đói, trên mặt lớp vải bạt đầy vệt mồ hôi cáu đen đã thấy có không biết bao nhiêu dấu gậy của những đơn vị qua. Khuê mở ra soát lại. Tất cả đều y nguyên. Trong ba lô chỉ có một bộ quần áo vải, một chiếc áo len xanh và một
thanh ma-gi-cô (nước mắm cô đặc) bọc trong tờ giấy bạc.
Câu chuyện giữa ba người lính mới gặp nhau ban đầu còn thật là chểnh mảng. Con chó ngay phút đau tiên đã tỏ ra quá hăng hái, nó thôi không chõ miệng vào gốc cây nữa mà quay ngoắt lại cắm bốn chân xuống vệ cỏ sủa vào mặt Khuê. Khuê buộc ba lô cẩn thận và khoác vào vai, anh ngắm con chó bằng một cái liếc mắt đầy thiện cảm:
- Hai cậu, con "khuyến" này dễ đạt được hơn chục cân hơi là ít?
- Ông bạn "ấm đầu hay sao vậy? - Anh cao và gầy hỏi Khuê.
- Trông người ta như thế mà cậu lại hỏi một câu thật là... Anh chàng lầm lì ngồi giữa hai chiếc ba lô nói.
- Thế tại sao ông bạn đi hành quân lại bỏ quên cả ba lô?
Khuê đáp:
- Đây là ba lô của đồng chí thủ trưởng của mình.
- Thủ trưởng của ông bạn cũng thật là nghệ sĩ - Anh cao và gầy bình luận - Ông bạn ơi, ông bạn có bật lửa không?
Người chiến sĩ đeo máy vô tuyến điện, cao và gầy như một cây hóp buông con chó ra. Anh lấy thuốc lá mời Khuê hút một cách hào phóng. Khuê bật lửa. Anh ta liền cúi gập lưng châm điếu thuốc ngậm bên miệng. Khuê nhìn qua đôi mắt hẹp và sắc sảo của mình thấy một nửa vầng trán rộng và một cặp mắt đen như chì than đang chớp sau ánh lửa. Trong cái chớp mắt ấy, Khuê đã nhìn thấy trước, mình và con người đang đứng đây cùng nhau châm điếu thuốc rồi nay mai sẽ có lần gặp nhau trong cuộc chiến đấu. Khuê tin vào sự vô cớ như vậy
- Các cậu "tậu" được con chó ở bản Két phải không? - Khuê hỏi lơ lửng.
Người bạn mới phả khói thuốc, đáp một cách bình tĩnh:
- Phàm con nhà chiến sĩ chúng mình đã bước vào chiến trường thì đồ đạc phải thật gọn nhẹ.
Khuê mỉm cười tinh quái:
- Mình đã đi qua lại cái bản Két bên kia sông nhiều lần. Hôm nào trời nắng hãy đi qua đấy mà xem, các bà cụ già và các em bé trong bản thường lần cầu thang gác đem ra bờ suối phơi từng ôm quần áo bộ đội, cả giày, bít tất và mũ tai bèo nữa. Không biết họ lôi những thứ quân trang ấy từ đâu ra vậy?
- Cái chuyện vặt vãnh! Ông bạn cũng là con người từng trải đấy - Anh chàng cao và gầy liếc Khuê bằng con mắt thán phục - Hay là thế này, ông bạn cùng đi với hai chúng mình đến một chỗ nào sẵn suối và dao thớt, ta ngả nó ra, ba chúng mình đánh chén một trận xong rồi ta cùng nhau chia tay cho vui vẻ.
Con chó vàng đeo củ riềng dưới cổ như một vật trang sức. Nó thôi không sủa và đứng nghe ba người lính nói chuyện với nhau một cách chăm chú và có phần hãnh diện. Anh chàng đen và lùn bước ra khỏi đống ba lô, vẫn bằng dáng lầm lì như đang giận ai. Riêng anh chàng cao và gầy vẫn mời mọc thiết tha:
- Phải đấy, nên nhận lời mời của chúng mình. Cậu nên đi với chúng mình một đoạn đường. Phải thú thật rằng trong cả hai chúng mình không anh nào biết làm miếng thịt chó cho ra thịt chó. Vùng quê mình người ta lại nấu thịt chó với mật kia, y như chè kho, đoảng đến thế!
o O o
Giá gặp lúc khác thì Khuê cũng đã "xắn tay áo" lên rồi! Theo Khuê, trong đời một chiến sĩ đã từng xông pha mà chưa tùng bao giờ ngồi với nhau quanh mâm cỗ thịt chó dọn ngay trước bếp lửa bên bờ suối thì cũng coi như một điều thiệt thòi. Nhưng bây giờ Khuê buộc phải từ chối. Anh phải mang ba lô đuổi theo đồng chí chính ủy và bộ đội đơn vị của mình.
Trưa hôm sau, trời hửng một lát. Dọc khe suối và trên các tàu lá chợt bừng lên vài mảng nắng rồi đâu đó lại tắt lịm. Lại một cơn mưa đổ rừng đùng đùng kéo tới. Mặt đất càng nhão nhoét, những bãi cỏ bị xéo nát lẫn với bùn đen như mực tàu, xả mùi tanh thum thủm. Những giọt mồ hôi chảy giàn giụa trên gò má, đọng giữa tóc, loáng ướt trên khắp thân thể đang nóng bỏng gặp hơi nước mát lạnh liền bốc hơi ngùn ngụt. Quần áo tóc tai người nào cũng chua loét. Sau khi đi qua kho B, những cặp vai đều nặng hơn. Khắp trên mặt đường đã thấy nhiều vỏ đồ hộp và trên tay người lính nào cũng có điếu thuốc lá cháy phì phèo. Các dòng suối đều đục ngầu. Tiếng máy bay thỉnh thoảng lại rẹt qua, có khi cứ ầm ầm như có một đoàn tàu hỏa lăn bánh trên chỏm núi đá. Trên đường đi, trung đoàn 5 lại gặp thêm nhiều đơn vị mới. Dòng thác người như một dòng suối thép đang ào ào cuốn tới bên bờ sông Xê Pôn, con sông chung của hai nước Việt - Lào. Cùng chung với nhau một dải núi, một cánh rừng mà bên này bên kia khác nhau rõ rệt. Triền núi bên này vẫn mưa mà bên kia nắng rực rỡ. Lính nhà ta vừa đặt chân tới liền rủ nhau kéo ùa xuống bãi cát. Từ trên hai sườn núi dốc thẳm như hai tầng nhà gác nhìn chõ sang nhau, cảnh sắc nước Lào hiện ra ngay trước tầm mắt những người lính, đẹp như một bức tranh lụa vừa bị giặc Mỹ đem ra đốt cháy nham nhở. Xa xa, những mái nhà ôm vòng lấy khung sàn như một cánh tay tròn mập và mềm mại. Mái nhà Lào, hai bên đốc nhà mái tròn xoe, lợp cỏ tranh dày đến năm mươi phân là ít, cứ vàng rộm trong nắng, những bản nằm rìa bờ sông đều mang dấu tích tàn phá của máy bay Mỹ. Những khung nhà rất lớn nằm trơ trọi những hàng dừa mọc sát mép nước chỉ còn thân cây cháy sém, những vạt nương thuốc phiện bỏ hoang. Giữa khung cảnh đó, xung quanh bản hoa dong riềng vẫn nở đỏ, vẫn trông thấy những cô gái Lào vùng bãi sông đẹp yêu kiều mặc váy xanh màu lá mạ đi vác nước. Và như để khắc họa thêm cho phong cảnh riêng của nước Lào, từng đàn voi nhà bước đủng đỉnh trong đám tàn tranh, những chú voi con hiền lành bước quẩn bên chân các cô gái mang búi tóc óng mượt trên đỉnh đầu.
Bên phía Việt Nam vẫn đổ mưa lác đác. Các đơn vị vừa đi tới đây thì được tin một đoàn văn công phục vụ mặt trận cũng sắp đi tới. Cả cánh rừng náo nức hẳn lên trong một niềm mong đợi. Từ xa, đoàn văn công có chừng khoảng ba chục người đang lễ mễ đi tới. Có hơn một nửa số người là nữ, những người lính trông từ xa đã thấy những tấm lưng ong thon thả, những làn tóc dài hoặc uốn cong, những khuôn mặt trắng phau như bột nặn, những trống phách, đàn nhị và cả nồi niêu xoong chảo lúng củng trên vai.
Không biết làm thế nào mà hai anh chàng lính thông tin dắt con chó cũng đã nhập được vào đoàn văn công mặt trận. Người lính gầy và cao, cặp mắt đen màu chì than đi sát bên một cô mặc quân phục cổ bẻ. Người con gái có khuôn mặt đẹp hiền hậu, nổi bật trong vẻ đẹp son trẻ là chiếc mũi dọc dừa, một suối tóc dài và nặng, hai ống quần quân phục xoắn tròn để lộ đôi bắp chân thon thon, bùn đã ngập đến phía trên mắt cá.
Người lính mắt đen hỏi cô gái:
- Các đồng chí đi thẳng hay tới bờ sông thì rẽ?
- Chúng tôi đi phục vụ bộ đội đường số 9, có lẽ đến đây thì rẽ.
- Vậy thì chúng ta đi cùng đường rồi. Tôi biết đồng chí từ lâu. Tên đồng chí là Hiền...
- Đồng chí còn biết gì nữa nào? - Cô văn công ngoẹo cổ cười khanh khách, phô hàm răng trắng đều sin sít.
Câu chuyện giữa hai người bị phá vỡ bởi những tràng vỗ tay và tiếng hò la như quát tháo: "Đề nghị các đồng chí biểu diễn đi, đề nghị các đồng chí biểu diễn đi!". Con chó lại được một phen nhảy chồm lên sủa tong tóc. Đoàn văn công dừng lại hội ý trong chốc lát. Cả đoàn lập tức như một bó mũi tên bắn ra bốn phía. Ở phía sát bờ sông, năm sáu cô văn công chạy ùa tới chỗ những người lính tiểu đoàn 1 của Kinh đứng. Những người lính trẻ vốn dát gái trở nên luống cuống lúng túng. Họ liếc mắt cho nhau chưa biết cách xử lý ra sao, nên chào hỏi thân mật hay là cứ đứng ngắm từng cô cho thật kỹ để lát nữa tán mảnh với nhau, đem ra so sánh cô nào đẹp cô nào xấu, cô nào nên gán ghép cho anh nào. Giữa tình huống khó xử đó, thật là bất ngờ và tài tình, như những chiếc mũi tên rực rỡ và êm ái, cả năm sáu cô đã chạy thẳng tới túm chặt lấy bàn tay run bần bật của từng anh chiến sĩ đang đỏ dừ mặt như lên cơn sốt:
- Chào các đồng chí (tiếng cô nào cũng lanh lảnh cao vút như đang nói trên sân khấu), tưởng là ai hóa ra các đồng chí toàn là những người quen cả!
- Vâng, tôi chưa gặp đồng chí bao giờ nhưng chúng ta cùng đi với nhau ra chiến trường như thế này cũng gọi là đã quen thân nhau rồi - Khuê nắm chặt bàn tay một cô, chỉ có anh là còn mồm miệng để đối đáp lại - Tôi trông các đồng chí vất vả quá!
- Các đồng chí còn vất vả gấp nhiều lần anh chị em văn công chúng tôi ấy chứ.
- Chúng tôi là lính chiến đấu đã luyện tập quen, thế này đã mùi mẽ gì!
Bên một gốc cây, chính ủy Kinh vừa điều khiển xong một cuộc họp. Ông đang tiếp khách. Ngồi trước mặt Kinh là một nhà thơ đeo kính trắng vừa mới đến cùng một lúc với đoàn văn công. Nhà thơ ngồi xếp bằng trên tấm vải nhựa, chiếc xà cột đen để bên chân, phong độ tỏ ra một con người thư thái và điềm đạm. Anh ngồi lắng nghe Kinh nói rồi đưa một ngón tay khẽ đẩy chiếc mặt kính cận, một bên mép mở một nụ cười lơ đễnh.
Nhà thơ tuyên bố:
- Tôi sẽ thu xếp một số thời giờ để đi với đồng chí.
Chính ủy Kinh bao giờ cũng vui vẻ một cách ồn ào. Ông nói với nhà thơ nổi tiếng bằng giọng hết sức trân trọng:
- Tôi nhớ lời anh đó anh Thái Văn nhé. Hay là anh cùng đi với trung đoàn tôi ngay từ bây giờ? Anh đi với chúng tôi sẽ có điều kiện làm thơ hơn đi với văn công chứ?
Thái Văn cười tủm tỉm:
- Chưa biết có làm được gì không? Hồi này tôi làm thơ chậm lắm.
- Anh kỹ quá đấy! Những bài thơ của anh bài nào cũng có tác dụng động viên bộ đội. Tôi vẫn nhớ bài thơ của anh làm từ bốn tám kia!
Thái Văn hỏi Kinh:
- Các anh đã bắt liên lạc được với bộ phận chuẩn bị chiến trường chưa?
- Chưa đâu, có lẽ nội đêm nay hoặc đến trạm ngày mai là cùng thôi anh ạ!
Kinh muốn có một chén trà nóng thết nhà thơ nhưng nhìn quanh không thấy Khuê. Ở ngoài kia, trên một cái sườn núi khá bằng phẳng, bộ đội của ta không biết bao nhiêu đơn vị đang hô nhau giãn ra thành một cái vòng tròn hẹp. Cuộc biểu diễn của đoàn văn công trên đường hành quân thật là giản dị. Các diễn viên không hóa trang và các tiết mục không có lời giới thiệu màu mè. Hiền, người nữ diễn viên hát đang chắp hai bàn tay trước hàng khuy áo, vai hơi nghiêng, trong điệu bộ vẫn có cái gì mộc mạc, hai bàn chân còn mang vết bùn trên những chặng đường. Khi tiếng hát của cô vừa cất lên còn ngân dài trong cổ, cả khu rừng đang xôn xao tự nhiên im bặt hẳn. Rồi tiếng hát cứ vút lên như một sợi dây vô hình trong trẻo vướng vít trong lòng từng người lính. Bài hát thứ hai kể chuyện một người chiến sĩ xung kích tung hoành giữa đồn giặc. Đôi mắt người hát sáng quắc, cô bước tới bước lui, câu hát có lúc thành tiếng thét hùng dũng khiến tất cả mọi người ngồi xung quanh đều rạo rực, đều muốn băng mình vào trong lửa đạn. Những anh dút dát e lệ ban nãy bắt đầu len qua mặt mọi người lên ngồi trên phiến đá trên cùng, khẩu súng ôm chặt trong lòng và con mắt không rời người hát. Khi tiếng hát vừa dứt, những cặp mắt người nghe như mờ đi. Những người lính chiến đấu đang bá vai nhau đứng thành hàng chung quanh bắt đầu nhìn anh chị em văn công bằng con mắt thiện cảm và gần gũi hơn trước, mọi người đều chợt nhận ra người con gái nhỏ bé vừa hát cho mình nghe cũng đã từng trải bằng chừng ấy trạm giao liên, bàn chân cũng từng đi qua bằng chừng ấy con suối và cái dốc.
Sau bài hát là một điệu vũ. Người đứng phía sau cứ lấn lên dần. Nhiều đơn vị đi qua dừng lại. Một đơn vị vừa mắc võng tận bãi khách trong rừng sâu cũng kéo nhau ra xem. Khi giới thiệu "tiết mục đặc biệt" nhà thơ Thái Văn ra ngâm một bài thơ ngắn anh mới làm, tiếng vỗ tay cứ ran lên. Ai nấy đều muốn biết mặt mũi nhà thơ như thế nào? Thái Văn ngâm xong vừa bước xuống đang rút mùi soa lau kính, lập tức từ trong đám đông một cậu chiến sĩ nào đó bỗng đứng dậy thét to:
- Nhà thơ của chúng ta đâu?
Hàng chục bàn tay chiến sĩ xúm vào đẩy sau lưng chính ủy Kinh, cùng với một đợt tiếng reo:
- Nhà thơ của chúng ta đây!
Kinh bước ra, dáng đi rất nghiêm trang. Ông cầm ngang chiếc gậy đứng im lặng nhìn mọi người một lát như người lính cầm súng đứng gác. Nét hùng khí phảng phất trên khuôn mặt chính ủy. Tiếng đọc thơ của Kinh bỗng vang lên như một lời hịch:
Lớp lớp quân đi reo bốn phương,
Trường Sơn ca tiếp khúc lên đường.
Ve kêu bên võng ran rừng khách,
Sư đoàn nối sư đoàn vào chiến trường.
Tiếng vỗ tay như sấm nổi lên từ khu vực tiểu đoàn 1 của trung đoàn 5 đang ngồi lan đi khắp cánh rừng biên giới ngổn ngang những người. Kinh cắp gậy quay về chỗ cũ, nét mặt vẫn điềm tĩnh. Ông hỏi một chiến sĩ:
- Thơ mình nghe có được không hả các ông?
- Thơ thủ trưởng hay lắm, thủ trưởng đọc cũng hay!
Từ phía vòng ngoài củng của lớp khán giá bỗng có tiếng bình phẩm chen vào:
- Nhưng mà cổ quá!
Kinh quay ra quắc mắt:
- Ông mô nói thơ mình cổ?
Kinh đã trông thấy một chiến sĩ dáng quen quen đang đứng ngoài đám đông. Đó là một anh chàng có cặp mắt đen, dắt con chó mà Khuê đã gặp. Anh chàng bước lên mấy chục bước tới trước mặt Kinh và bất ngờ thốt lên một tiến kêu lớn:
- Bố!
- Thằng Lữ, mày cũng ở đây à?
Nét mặt chính ủy Kinh hơi ngẩn ra một lát, hình như có một luồng điện rất mạnh chạy từ con mắt còn lành sang con mắt trắng đục ở bên kia. Kinh cố giữ vẻ bình tĩnh trước mắt mọi người. Ông nhìn kỹ đứa con trai xúng xính trong bộ quân phục đang đứng bên cạnh ông, ở đây, tận bên bờ sông Xê Pôn, cái điều giản dị ấy thật là có ý nghĩa sâu xa khiến cho ông hết sức xúc động.
- Trung đoàn pháo của mày cũng đi đường này hả con?- Bấy giờ Kinh mới hỏi.
- Con có nhiệm vụ ở lại sau đi lĩnh máy vô tuyến điện, bây giờ con đang đuổi theo đơn vị đây.
Kinh nắm cánh tay Lữ đi sóng đôi tới chỗ nhà thơ Thái Văn đứng. Lữ đã mất hết vẻ đĩnh đạc thường có, khuôn mặt đỏ gay và thái độ lúng túng hết sức, anh tự cảm thấy lòng tự ái bị tổn thương vì bố đang nắm lấy bên cánh tay áo của mình. Thái Văn chăm chú quan sát cảnh hai bố con gặp nhau, anh liền nghĩ tới những đoạn sách truyện, những bài thơ và bức tranh đã nói về cái cảnh này.
Kinh chỉ vào con trai, lại nói năng bằng giọng phóng khoáng:
- Thằng con trai thứ hai của tôi đấy anh ạ. Bố con tôi kéo nhau tới đây mà gặp nhau mới thật có ý nghĩa chứ. Thật là đường ra mặt trận! Anh Thái, anh phải viết tặng bố con tôi một bài thơ mới phải - Kinh quay về phía con và nói nhỏ hơn - Chốc nữa anh hãy báo cáo với tôi những công việc anh đã làm từ ngày đi bộ đội. Quyết tâm thư đi chiến rường anh viết ra sao? Hồi này anh còn nghịch ngợm lắm nữa không? Anh phải nên luôn luôn nhớ rằng anh là một người thân của tôi chứ, anh Lữ?
o O o
Thật là quá bận rộn, công việc lãnh đạo và chỉ huy một trung đoàn hành quân sắp bước vào địa điểm tập kết quân. Kinh có rất nhiều việc, lại những cuộc gặp gỡ hội ý hội báo, lại những cán bộ chỉ huy đơn vị đảm bảo chiến đấu mới tới phối thuộc với trung đoàn đang cần gặp chính ủy. Kinh hầu như chỉ có thì giờ gặp con được trong chốc lát như tiếp một cán bộ cấp dưới nào đó, hỏi han dăm ba câu rồi Kinh giới thiệu cậu con trai của mình với người cần vụ. Trước mặt Kinh, Lữ và Khuê gặp nhau lần này bằng một cái bắt tay mà chính cả hai người khi buông bàn tay nhau ra đều cảm thấy mình vừa làm một việc rất là phù phiếm. Thông thường những người lính khi gặp nhau ngoài chiến trường dầu sơ hay thân nhau đến đâu cũng chỉ liếc nhìn nhau một cái là đủ, nếu không ôm lấy nhau mà quay tròn như những tay đô vật.
Lữ tỏ ra vui mừng thật sự. Một là, vì anh là một người bao giờ cũng quen đánh giá kẻ khác bằng cảm tính ban đầu, thế là sau lần gặp trước anh đã có cảm tình với Khuê, cảm thấy đó là một người đồng đội tốt và hiểu biết, có thể có những đức tính giống hoặc khác với mình những nhất định có thể nói chuyện bổ ích được. Hai là, nhờ có Khuê mà anh thoát ra khỏi được cái trạng thái khó xử: ông bố mình bao giờ cũng nắm hờ lấy một bên cánh tay áo quân phục của mình và gặp ai cũng giới thiệu với một giọng gần như khoe khoang: "Đây là thằng con trai tôi".
Thật ra Lữ cũng rất vui mừng được gặp bố một cách tình cờ như thế này; nhưng theo quan niệm của anh, làm một anh chiến sĩ mà phải đứng bên cạnh một ông bố giữa ba quân đang nhìn vào thì dầu sao mình cũng không còn đường đường một anh bộ đội như mọi người nữa, và tự nhiên rơi vào tình cảnh của một đứa trẻ.
Ngay phút đầu, Lữ, Khuê và Cận, người chiến sĩ đứng tuổi rất ít nói cùng đi với Lữ, ba người đã dắt con chó ra "xử" tận ngoài bờ sông Xê Pôn. Bằng trí nhớ con nhà quân sự, trong óc Khuê liền bày ra một quãng bờ sông anh đã đi qua có đủ điều kiện thuận lợi để bắc một cái bếp kín đáo mà lại gần nước, Khuê liền đưa hai người đi tắt rừng ra tới quãng đó. Rồi đây cuộc chiến tranh sẽ khám phá ra hết tất cả khả năng của từng người lính. Ngay từ lúc cầm bàn tay Lữ, Khuê đã bắt đầu tìm hiểu cậu con trai đồng chí chính ủy của mình là người thế nào. Khuê tự lấy làm thú vị thấy anh chàng thanh niên cùng tuổi với mình có những điều anh có thể hiểu được và những điều anh chưa thể hiểu ngay được. Suốt quãng thời gian đầu tiên, quan hệ giữa hai người không được tự nhiên lắm. Lữ tự thấy hơi gai gai trước con mắt hẹp lúc nào cũng như đang cười cợt của Khuê. "Cái thằng cha này, Lữ nghĩ, không biết bố mình tìm đâu ra mà nó có cái nhìn như muốn lột người ta ra vậy?".
- Con mắt cậu chẳng nhìn cái gì cả nhưng sao mà khiếp vậy? Cuối cùng Lữ phải thốt lên, và anh cúi xuống tiếp tục châm que diêm đương cháy vào giữa một đám lá khô.
Khuê đáp thành thực:
- Mình cũng đang ngắm đôi mắt của cậu, từ lúc mới gặp cậu trên dốc Bà Định, mình đã chú ý đôi mắt của cậu.
- Cậu đến lạ, cậu chú ý con mắt mình là mắt thằng hèn nhát à?
- Không phải.
- Vậy thì, mình sẽ trở thành một người anh hùng, được không?
- Người ta không tuyên dương cậu là một người anh hùng đâu, mặc dầu cậu không phải là một thằng hèn nhát.
- Vậy thì theo cậu đoán, mình là người thế nào?
- Mình chẳng biết!... Cũng như đối với con gái, những đứa con gái mắt cứ đen láy chẳng có gì đáng chú ý, chỉ nên chú ý những đứa mắt đen màu chì, như than. Mắt cậu cũng như thế. Cậu là người thế nào điều đó tùy cậu hiểu lấy, không ai có thể biết mình rõ bằng con mắt sáng suốt của chính mình.
Ngọn lửa bén sang đám lá khô đang bốc cao giữa hốc đá. Trước lửa, khuôn mặt Lữ thật đẹp. Khuê trông thấy một đường viền sáng bao chung quanh một mái tóc đen nhánh như dầu, mái tóc kẻ một vệt thẳng ngang trước vầng trán phẳng và trắng phau. Những nét trên khuôn mặt Lữ thật khó nắm bắt được, vầng trán có lúc tối sầm rồi lại thanh thản, và dưới vầng trán ấy là một cặp mắt nằm rất xa nhau, đen màu chì với vòm mắt rộng, luôn luôn thay đổi màu sắc đậm nhạt và lúc nào cũng đang nhìn một vật gì đó, hoặc đuổi theo một ý nghĩ gì đó. Lúc bấy giờ cả khuôn mặt Lữ như bị mờ đi. Anh ngồi ngược hướng gió, để cho những cụm khói xám và khét lẹt tha hồ bay tỏa trên khuôn mặt đã đỏ rựng lên vì lửa.
- Sao mà cậu dốt vậy - Khuê - Ngồi xích sang bên kia kẻo khói!
- Cậu không thích khói à? - Lữ cười rất hồn nhiên và hai cánh mũi cứ phập phồng thở hít một cách khoan khoái
- Mình ấy à, mình lại rất thích khói, có thể nói mình từng mê nó nữa kia. Hồi còn bé mình ở nhà, mẹ mình cũng thường mắng mình là thằng ngốc. Mình ra bờ tre, hễ nhà ai hun đống rơm, hun chuột đồng, hay là bất cứ người ta đốt cái gì, mình cũng liền sà ngay vào hít lấy hít để cái mùi cay cay nồng nồng của khói. Mình cứ đứng như thế cho đến lúc hai con mắt đỏ lên và nước mắt chảy giàn giụa chung quanh mi, không còn nhìn thấy gì nữa.
Khuê hỏi một cách thích thú:
- Khói có gì đáng mê vậy, cậu điên hả?
- Cậu không để ý rằng khói lửa là một mặt rất quan trọng trong đời sống của xã hội loài người, trong hòa bình hay là trong chiến tranh đều có những đám khói riêng của nó. Cậu tùng đi học, cậu không nhớ có biết bao nhà văn nhà thơ đã phải tả nó, và chúng mình đã phải chong đèn bò ra phản mà học những câu thuộc lòng như "Nửa năm hương lửa đương nồng", hoặc: "Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây". Đấy, những câu người ta viết hay nhất đều có khói! Cậu không biết rằng trong nghề làm phim ảnh, người ta cũng phải phân công người chịu trách nhiệm phần khói lửa đó sao?
Khuê:
- Cậu nói viển vông quá nhưng hay đấy. Song mình thì mình rất ghét cái giống khói, khói bếp hay khói gì cũng vậy. Hồi ở nhà, mình trông thấy khói đọng kín từng mảng trên chụp đèn hay trên gác bếp, mình ghét thậm tệ. Mình còn nhớ hồi ở nhà, có một bận mình trốn học và tập trung tất cả lũ trẻ trong xóm lại kéo sang đánh nhau với tụi trẻ con xóm bên. Không ngờ bên ấy chứng nó biết trước nên chia nhau ra phục ngoài bờ tre cả. Chúng nó đã có đứa bươu đầu rách tai mới bắt được mình. Tuy vậy, chúng nó vẫn cứ sung sướng reo to lên: "Bắt được thằng Khuê tổng chỉ huy đây rồi! ". Chúng nó trói và đem giam mình suốt một buổi sáng trên một cái gác bếp. Bận ấy mình trở về nhà mặt mũi, quần áo bết đầy bồ hóng. Từ đó hễ trông thấy khói là mình ghét.
Lữ cười:
- Nhưng mình tin cậu không ghét cái đám khói chúng mình đang nhóm lên ở đây? Và những bếp lửa trên suốt chặng đường giao liên chúng ta đã đi qua, cậu cũng không ghét chứ? Mình hãy nói với cậu rằng những cái bếp lửa trong rừng này, về sau chúng mình không dễ mà quên được đâu. Vì đó là khói bếp và ngọn lửa của hàng vạn mái nhà đem tới đây. Sau này trong các trung đoàn và sư đoàn của chúng ta đã tùng đặt gót chân qua dây, thế nào cũng có một vài người viết văn hay làm thơ, hay là trở thành nhà viết sử chiến tranh chống Mỹ, làm sao người ta lại không thể không nhắc tới những bếp lửa và đám khói chúng ta đốt lên trong các khu rừng của dãy Trường Sơn hôm nay?
- Đấy - Khuê nói gần như reo lên - Chính là cậu chứ còn ai nữa? Đấy là cái trong con mắt cậu, mà tớ đang tìm để biết. Chính cậu sẽ trở nên nhà văn hay nhà thơ tương lai chứ còn ai nữa?
- Đừng vội nói thế, trước mắt hãy biết tớ và cậu, chúng mình là những thằng chiến sĩ cầm súng đánh giặc đã. Rồi sau chiến dịch này và những chiến dịch tiếp theo nữa, cho đến ngày quét sạch hết bọn Mỹ, chưa biết chắc chắn chúng mình hãy còn sống hay không, nhưng ngay từ bây giờ chúng mình phải có đầy đủ ý thức rằng phải ghi nhận lấy những cái gì đang xảy ra trên mảnh đất ta đang đứng hôm nay. Những điều ghi nhận ấy phải do tự ta tìm lấy. Lớp tuổi chúng mình chưa kịp bước ra khỏi căn phòng quen thuộc của lớp học thì chúng đã đem bom bỏ xuống mái trường, làng xóm và nhà máy mới xây dựng. Sau này mình sẽ kể cho cậu nghe cảm giác lần đầu mình trông thấy những đám khói hình nấm của những trái bom Mỹ thả xuống mặt đất, những đám khói và những ngọn lửa ma quỷ ấy, chúng mình phải ghi nhận lấy thật đầy đủ.
Lữ cúi khom giữa luồng khói, miệng thổi phù phù. Ngọn lửa cháy tỏa ra mùi lá khô và mùi mỡ chó thơm phức. Con chó thui đã vàng hươm, trên mặt da từng mảng dài cháy đen nứt nẻ để lộ thớ mỡ trắng nhẫy. Từ lúc đầu Cận chưa hề tham gia một ý kiến nhỏ vào câu chuyện triết lý rôm rả giữa hai người. Cận nhổm hẳn người lên, cái mông to bành bạnh kê lún trên hai gót chân, bàn tay ôm lấy cái cổ đã cứng đơ của con chó mà rê đều trên ngọn lửa, chốc chốc lại giục Lữ 'Quay đi, quay đi không chảy hết mỡ ra bây giờ!".
- Thế mới biết bộ đội mình làm việc gì cũng thạo - Lữ hai tay vẫn nắm hai chân sau của con chó, cũng ngồi nhổm lên và bình phẩm - Mình không ngờ đồng chí Cận làm thịt chó thạo vậy.
- Xì! Cứ yên chí! - Cận lại thốt lên một câu cửa miệng rồi cũng không tuyên bố gì thêm hết, anh nheo cặp mắt hiền lành và lừ đừ ngoái nhìn sang bên cạnh, chỗ Khuê đang ngồi trước một chiếc mũ sắt có lót mảnh ny lông xanh ở bên trong. Khuê cầm đôi đũa và chiếc thìa, bằng cử chỉ thận trọng và chính xác của một nhà thí nghiệm khoa học, đang pha chế các thứ nước và gia vị, chuẩn bị đánh tiết canh trong chiếc mũ sắt. Giữa khi ngọn lửa đang cháy bùng to, hai người thấy nét mặt lầm lỳ của Cận chợt sáng lên, anh ta hô to một tiếng "Xong" như một người lính kỹ thuật vừa thao tác xong một động tác quan trọng, rồi xách con chó bằng một tay, loáng một cái đã chạy vụt ra ngoài. Lát sau Cận quay trở về, con vật đã được tắm rửa sạch sẽ. Cận áp môi vào bên cái mép nhọn và cháy đen đang chìa ra cả một hàm răng trắng nhở của con chó thui, hôn đánh chụt một cái thật là âu yếm. Anh sẽ ngả con chó nằm ngửa trên một tấm ny lông dùng khoác mình màu kẽm và nhanh nhẹn cầm lấy con dao, bàn tay không cầm dao vén tay áo lên:
- Đứa nào dập bếp đi một cái, khói quá đi mất!
Vòm hang đầy những khói bay quẩn trên nóc, rồi lại bay vòng trở xuống bên dưới. Các vách cũng ám từng vệt khói đen sì. Trên một vách đá bên ngoài cửa có nhiều nét chữ kỷ niệm viết chồng chéo lên nhau, bên dưới đề ngày tháng và tên họ người viết. Cận xắn hai ống tay áo quá khuỷu để lộ đôi bắp tay ngắn và mập, điếu thuốc sâu kèn giắt bên khóe miệng, đứng doạng chân cầm dao rạch một đường thăng như chì sắc lẹm, đường mỡ trắng hé ra bên ngoài lớp da cháy vàng. Chỉ trong loáng mắt, con chó đã mổ xong. Cận lấy cán dao gạt những bộ phận bên trong sang một bên, đứng dậy quấn một điếu thuốc khác:
- Bây giờ ai ra sông làm lòng?
- Để mình đi cho - Lữ nhanh nhảu nhận ngay.
- Xì, cậu cứ yên chí!... Hốt tất cả vào trong rá cho tớ rồi vứt vào đó một vốc muối.
Khuê bưng chiếc mũ sắt đầy tiết đặt cẩn thận trong góc hang và đậy lên một tàu lá chuối, miệng nói:
- Mình và Lữ đi ra sông, đồng chí Cận cứ ở nhà.
Bên ngoài trời bắt đầu xẩm tối. Khuê và Lữ hai người bước cao chân qua những mỏm đá đầu đen nằm la liệt trồi lên giữa mặt bờ cát. Sương mù giăng khắp rừng. Sương cứ từ từ cùng hoàng hôn xóa các sườn núi, các vạt nương và những mái nhà bên kia sông. Vùng này máy bay địch thường bắn phá nên những người dân Lào làm nghề đánh cá sông đang lợi dụng sương mù để nổi lửa hun thuyền. Ánh lửa hắt xuống mặt nước phẳng lặng một vùng ráng đỏ bị khuấy động bới mái chèo của một chiếc thuyền con vừa quăng lưới lao vút qua, một ông cụ già đứng ở be thuyền nói chuyện với người con gái bằng tiếng Lào địa phương, tiếng hai cha con người đánh cá ở giữa sông vẳng sang chỗ Lữ và Khuê cứ bập bõm...
Lữ hỏi thăm Khuê:
- Ông bố mình hồi này thế nào?
- Mình cũng mới sống gần bố cậu chưa bao lâu. Ông bố cậu là một chính ủy hết sức thương lính.
- Có thấy nhắc đến mình bao giờ không?
- Bố cậu đôi khi nhắc đến cậu...
Trong bóng tối mặt Lữ hơi đỏ và Khuê cũng nhận thấy. Khuê thấy cần phải nói tiếp:
- Những thằng con trai lứa tuổi mình nói chuyện với nhau vẫn dễ dàng hơn nói chuyện với các ông bố. Làm cho những ông bố hiểu được mình là người thế nào cũng không phải là chuyện giản đơn.
- Cậu cũng vậy ư?
- Không, bố mình là một người ốm yếu và quá hiền lành. Theo mình biết thì bố cậu có ý lo lắng cho cậu khá nhiều đấy!
- Mình biết, mình biết - Lữ ngồi trên một hòn đá đầu đen giữa bãi cát và nói một mạch - Cậu nên biết rằng mình không phải là một đứa con trai ngoan ngoãn lắm đâu, cho nên bố mình lo cho mình cũng phải. Cách đây ba năm, mình mới mười sáu, còn cắp sách đi học một cách bình yên vui vẻ thì chính mình là thằng đầu têu rủ rê ba bốn thằng bạn học sinh cấp ba khác cùng nhau trốn nhà bỏ đi. Về sau khi trở thành một người lính chín chắn và đứng tuổi, nghĩ lại thời trẻ không biết mình có ân hận về cái việc đã làm nhiều người phiền lòng ấy không nhưng hiện bây giờ thì mình vẫn cho làm như thế là phải. Khuê ạ, chiến tranh đến với mình thật là đột ngột. Không biết cậu ngày đó thế nào, có thể ngày đó cậu đã ở bộ đội, và cậu nhìn nó bằng con mắt của một người đã cầm súng nên có thể chẳng có gì lạ lùng và đột ngột quá. Còn ở trường học, lũ học sinh chúng mình lại hoàn toàn khác. Trưa hôm đó, tan học buổi sáng, mình không về nhà mà cắp sách ra thẳng một cái lều canh dưa giữa bãi sông nằm. Khi những chiếc máy bay phản lực của Mỹ tới, mình là người trông thấy cuối cùng vì mình đang gục đầu mải miết làm một "lô" những bài toán tập cho buổi học chiều, những bài toán hình học với đủ thứ mặt phẳng và góc rắc rối. Khi nghe tiếng súng và tiếng bom nổ ầm ầm bên kia sông, mình mới chạy ra khỏi lều đứng bên cạnh mọi người. Lần đầu tiên mình trông thấy rõ ràng ánh sáng đi nhanh hơn tiếng động, cái quy luật vật lý mèng của những đứa học sinh lớp dưới. Lần đầu tiên mình trông thấy sau mỗi đợt máy bay lao xuống, một cụm khói lại đùn lên từ dưới chân một cây gạo, cụm khói cứ to phình ra dần, sau đó một lát mới nghe từng loạt tiếng nổ ầm ầm. Cả cây gạo bên kia sông chỉ còn sót lại một vài bông hoa cuối mùa, cũng chưa bao giờ mình trông thấy những bông hoa gạo đỏ gay gắt đến thế, như những giọt máu rỉ ra từ vòm trời. Trời trưa hè hôm đó rất xanh. Những chiếc máy bay gầm rít và liên tiếp bổ nhào xuống rất thấp, nhìn trông cứ như nó sắp rơi đập đầu vào sườn núi để vỡ ra một khối lửa, vậy mà nó lại ngóc đầu bay vọt thằng đứng lên được. Trên bầu trời lúc bấy giờ chỉ trông thấy dày đặc những đám khói hình thù quái dị hoặc chẳng ra hình thù gì hết, cùng những đám tàn tro màu nâu sáng loáng hoặc đen kịt như mây bão. Rồi bọn địch kéo nhau bay trở ra ngoài biển theo đội hình bậc thang, chúng bay rất đĩnh đạc và ngạo nghễ, để lại trước mắt mình những vạch đường đi của chúng, những cái vạch sáng hình sin và hình thẳng song song. Những vạch sáng như những sợi dây thép ấy, về sau mình thấy chăng khắp trên bầu trời, trên mặt sông, trên quần áo và cả trong sách vở của mình nữa. Những ngày hôm sau, chúng mình ôm sách đến lớp nhìn mặt nhau thật khó chịu, có lẽ nào tất cả mọi thằng trong lớp tự nhiên đâm ra làm mặt giận với nhau và giận lây sang cả sách vở? Mình còn nhớ sau đó mình đến trường vào một buổi sáng thứ hai. Buổi sáng đầu tuần lễ nhà trường tập trung tất cả học sinh chào cờ ở sân trường. Hiệu trưởng trường chúng mình đặc biệt là một người đàn bà. Không biết có phải bà ta là đàn bà nên quý và muốn đề cao những đứa con gái hay không thì không biết, suốt bấy nhiêu năm, sáng thứ hai nào bà ta cũng gọi một đứa nữ sinh tới đứng bên chân cây cột cờ để kéo lá cờ lên giữa sân trường. Thế nhưng buổi sáng thứ hai hôm ấy, bà đã phế truất tụi con gái mà gọi một đứa trong đám học trò con trai chúng mình, bà gọi một thằng cao lớn và khỏe mạnh nhất. Cái gì vừa mới xảy đến trong đời bà hiệu trưởng của chúng mình? Chúng mình đứng nghiêm hát Quốc ca trên cái sân trường bằng đất nện có tượng Lý Tự Trọng do tự tay chúng mình dựng và những khóm hoa xấu hổ mọc đầy quanh sân. Hai trăm đứa học trò đứng hồi lâu nhìn lá cờ treo trên đỉnh cột khi bài Quốc ca đã dứt, không một ai muốn cắp sách vào lớp hăng hái như mọi ngày nữa. Đó là buổi chào cờ cuối cùng của mình trên sân trường học. Mình rủ rê được ba thằng bạn thân nhất trong một đêm chống một chiếc đò ra cái bãi nổi giữa sông. Chúng mình kéo nhau lên một cái cồn nổi cao nhất và dưới ánh trăng mờ tỏ, bốn đứa ngồi tụm vào nhau, bắt đầu đem sách vở trong cặp ra châm lửa đốt bằng hết. Không phải là chúng mình không đau lòng khi nhìn đống sách vở của chúng mình đang lần lượt cháy ra tro. Một đứa đã đưa tay áo quệt nước mắt; và khi lửa bén sang cuốn sách quý nhất của nó, nó đã khóc hu lên! Mình cũng là một thằng ngốc không kém. Mình đã lôi ra đốt cùng với sách vở ở trường cả những tập nhật ký trong những năm đi học. Phải từ giã hết, tất cả mọi thứ sách vở và bản thân những thằng học trò như mình cũng cần phải được ném vào lửa. Đấy, thằng thiếu niên mười sáu tuổi của mình đã nghĩ như vậy, không trù trừ và do dự gì hết! Bốn thằng chúng mình ngày đó đều là những tay học trò giỏi nhất lớp 10A, mỗi thằng giỏi một môn. Không phải là khoe khoang với cậu, từ vài năm trước đấy, mình đã tùng làm những bài thơ khiến những cậu học ở lớp trên cũng phải thuộc và chép lại. Tất nhiên là những bài thơ trống rỗng chẳng ra gì đâu! Có lẽ bài thơ mình ưng nhất là bài mình làm sau cái đêm đó, đã đăng ở một tạp chí Văn nghệ "Bốn người học trò ngồi im lặng trước một đống giấy đã đốt". Bài thơ mở đầu như thế. Sáng hôm sau, chúng mình cứ chân đất và sương ướt đẫm vai áo kéo nhau lên tận huyện đội để xin đi bộ đội. Bốn đứa người ta chỉ nhận có một. Mình nằm trong số ba đứa xấu số không được nhập ngũ vì chưa đủ tuổi. Chúng mình buồn rũ xuống. Lúc đó ba đứa đều là những thằng rất hăng, chúng mình liền trở về nhà, lấy một ít đồ đạc, và cả ba đứa trốn nhà ra đi, cũng chưa biết sẽ đi đâu, nhưng cả ba đều tin chắc chiến tranh đã xảy đến, đắt nước đang cần tới mình. Không phải chúng mình tới chỗ nào cũng đều được người ta tiếp nhận và tin cậy cả đâu. Không thể nào kể hết những nỗi gian khổ trong những ngày đầu, cả về thể xác và tinh thần. Và làm sao kể hết tất cả sự ngây thơ của tuổi học trò. Những năm đi học nhà trường đã trao cho chúng mình những niềm tin thật là đẹp nhưng còn "sách vở" và mỏng manh như những cái bong bóng xanh đỏ. Chúng mình đã phải đổi bao nhiêu vất vả để tự tìm lấy một niềm tin bền vững và chắc chắn hơn từ trong cuộc đời. Ba đứa sống bên nhau lăn lóc khắp các tuyến đường, các bến phà, đã từng góp bàn tay làm nhiều con đường, từng đi cứu kho, cứu người, gỡ bom nổ chậm, tùng đi nuôi lợn, mua bò, đi dạy văn hóa. Một đứa chúng mình đã chết trong một trận bom. Mình cũng suýt chết nhiều bận và một lần bị thương trong một chuyến đi cứu kho. Mình đã tùng có tiền để dành mua gửi về cho mẹ mình một cái khăn, đã từng cãi cọ những phen rất gay gắt với cấp trên, với bạn bè. Mình đã viết nhiều bài thơ và nhiều trang nhật ký mới, đã từng yêu phất phơ những đứa bạn gái và đánh bạn với nhiều người, nhiều loại người, cũng có đôi người không ưa mình. Đấy, đấy là bản lý lịch của mình, của cái thằng Lữ trước khi vào bộ đội, cậu thấy mình là người thế nào?
o O o
Đêm hôm đó, theo lời mời khẩn khoản của ba anh lính trẻ chính ủy Kinh và nhà thơ Thái Văn cùng xuống dự một "bữa cơm nhạt" với cánh họ, theo như lời của Khuê mới ban chiều.
Hai người xách túi bát đũa rời chỗ trú quân men theo một con đường tắt Khuê mới khám phá xuống bãi đá bờ sông. Dọc đường chính ủy Kinh lo lắng hỏi nhà thơ:
- Anh có ăn được thịt chó không? Chúng nó "ngả" một con chó nghe nói béo lắm. Nhưng tôi lo anh không biết ăn thịt chó?
- Sao anh lại hỏi vậy? - Thái Văn ngượng ngập hỏi.
- Tôi tưởng các nhà thơ...
Thái Văn tủm tỉm, nói đùa:
-... thì không biết ăn thịt chó!
Hồi ở hậu phương, Thái Văn thỉnh thoảng viết tiểu thuyết nhưng anh làm thơ nhiều hơn. Anh thường làm những bài thơ nói về hành quân. Những bài thơ của anh bài nào cũng vững chãi, mang phong cách độc đáo và đã trở thành lời của nhiều bản nhạc có giá trị, câu thơ hành quân của anh có tiếng trống và tiếng gầm của đại bác. Là một chính trị viên tiểu đoàn từ đầu kháng chiến chống Pháp, Thái Văn năm nay đã ngoài bốn mươi, tóc đã có chen sợi bạc nhưng trông dáng bề ngoài và đôi mắt hãy còn trẻ. Anh có khổ người cao dong dỏng, hơi gầy và nước da màu sốt rét rừng. Thái Văn đã từng sống với bộ đội từ những ngày mới khởi nghĩa tháng Tám và kháng chiến toàn quốc: Những chiến sĩ Giải phóng quân từ trên chiến khu Việt Bắc kéo về Hà Nội, những anh Vệ quốc đoàn đội ca lô lệch biết kéo đàn vi ô lông và sử dụng bom ba càng. Thái Văn đã từng cùng họ cầm súng chiến đấu và lăn lộn gần một trăm ngày đêm giữa liên khu Một Hà Nội, cho đến ngày anh cùng Quyết tử quân rút ra ngoài, để lại một thành phố Thủ đô cháy ngùn ngụt sau lưng. Anh dậm lên bong mình đổ trên bãi cát sông Hồng dưới chân cầu Long Biên mà ra đi. Những bài thơ đầu tiên của anh cũng bắt nguồn từ chặng đường hành quân đầu tiên của những người chiến sĩ Quyết tử liên khu Một. Từ đó đời anh là một cuộc hành quân qua các chiến dịch, các chiến hào, qua các vùng đất nước. Anh đã có mặt trong nhiều cuộc hành quân gian truân hoặc hào hùng nhưng chưa bao giờ hình dung được hết không khí và khung cảnh hiện đang sống. Anh khoác chiếc xắc cốt "thơ" đi dọc bãi cát sông Xê Pôn và ngửa mặt ngắm trời đất Việt - Lào. Trên đầu nhà thơ trữ tình, sông Ngân Hà vẽ hai bờ cát thẳng và trắng xóa, theo dọc hai bên bờ vừa hiện lên rải rác nhiều đốm lửa. Từ bao đời chưa có nhà thơ nào nói tới một đoàn quân Trường chinh đang đốt lửa bên dòng sông Ngân Hà, và trong hằng hà đốm lửa trên trời, đốm lửa nào là đốm lửa của những người đi giải phóng đất nước xứ sở?
Bữa ăn dọn ngay trong hang. Khuê đã kịp thời có sáng kiến làm một cái đèn bằng vỏ hộp cá, anh bỏ vào một miếng mỡ chó, đặt bên trên một đoạn bấc bằng vải màn, thế là đủ. Mọi người đang ăn uống vui vẻ thì một chiến sĩ lạ mặt bước vào hỏi Kinh. Người chiến sĩ vai đeo tiểu liên báng gập, không mang ba lô, chỉ có một chiếc chăn dù và chiếc võng quấn quanh bụng, hai hố mắt trũng sâu rất khó đoán tuổi và mái tóc rợp kín cổ. Kinh nhìn người chiến sĩ trong một thoáng liền đặt đũa xuống hỏi:
- Đồng chí ớ chỗ anh Nhẫn về phải không?
- Vâng.
- Vậy thì ngồi vào đây đã...
- Vâng ạ, báo cáo thủ trưởng tôi đang đói mờ cả mắt. Xin mời tất cả các đồng chí!
Người chiến sĩ lạ mặt cầm đũa rất thực tình chẳng hề khách sáo, sau khi móc túi đưa cho chính ủy Kinh một chiếc phong bì bé bằng nửa bàn tay. Kinh ghé bên ngọn đèn đầy khói đọc lá thư của trung đoàn trưởng:
Kính gửi anh Kinh,
Nhớ anh quá! Trên T. vừa thông báo cho tôi biết U ta đi tốt nhất và sức khỏe bộ đôi giữ được. Riêng phần anh có khỏe không?
Tình hình nhiệm vụ đường 9 đang hết sức khẩn
trương và nặng nề, nhất là ở phía Tây. Bộ tư lệnh Mặt trận Khe Sanh và khu Tây đường 9 vừa thành lập đã tách U 6 của T. làm một nhiệm vụ đặc biệt do Mặt trận điều động. Nhiệm vụ của U ta như sau (tất nhiên trên chưa giao nhiệm vụ chính thức nên còn có thể thay đổi): Ta sẽ có một tiểu đoàn cùng U 7 đánh trận mở màn vào thị trấn Chi khu quân sự Hướng Hóa. Nhiệm vụ tiếp theo của ta ở Tà Cơn, cùng một số U khác ở các hướng khác. Tôi đã dặn Đông báo cáo sơ bộ với anh công việc chúng tôi gần một tháng nay quanh Tà Cơn và tình hình địch ở đây. Trên đã quy định khu vực tập kết quân cuối cùng của U ta như sau...
Hẹn ít hôm nữa gặp anh, ta sẽ bàn công việc. Gửi về chỗ anh một ít thuốc lá xì gà của lính Mỹ để anh khao thưởng chiến sĩ trong giai đoạn hành quân thắng lợi rực rỡ.
NHẪN
Kinh mở xắc cốt, giở tấm bản đồ một phần năm mươi nghìn dò các khu vực tập kết quân trên Mặt trận mới quy định cho trung đoàn mình. Chờ cho Đông ăn xong, Kinh dẫn Đông về chỗ trú quân. Kinh triệu tập tham mưu phó và chủ nhiệm chính trị phổ biến sơ qua tình hình chiến trường và chỉ thị những điểm cần thiết cho bộ đội trong chặng đường hành quân vào khu vực tập kết, Kinh hỏi Đông tỉ mỉ những điều ông đang cần biết. Trong óc Kinh liền phác ra một tình thế mới, những khó khăn mới của bộ đội và cách khắc phục để chuẩn bị bước vào nhiệm vụ chiến đấu.
Lữ và Cận ăn xong cũng khoác ba lô và máy móc ra đi đuổi theo đơn vị, theo một con đường riêng nhằm theo hướng trung đoàn pháo binh nặng. Lữ đến chào từ biệt chính ủy Kinh giữa lúc ông đang bận hội ý công việc với các cán bộ cơ quan của trung đoàn. Lữ tiến đến sau lưng Kinh:
- Bố, con đi đây!
Kinh ngẩng đầu quay lại, bàn tay đang cầm chiếc bút chì đó quờ ra sau nắm lấy bàn tay con trai:
- Ừ, nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch đang khẩn trương lắm, con đi đi!
Nhà thơ Thái Văn cũng vừa đến. Nhà thơ chắc có điều gì cảm xúc mãnh liệt, trông khuôn mặt anh trở nên rạng rỡ và cặp kính trắng cứ lấp lánh. Kinh ngạc nhiên nhìn thấy Thái Văn khoác ba lô sẵn sàng trên lưng, cả súng ngắn, bi đông nước và túi tài liệu.
- Anh sắp đi đâu? - Kinh hỏi.
Thái Văn xòe bàn tay:
- Tôi cũng đến từ biệt anh. Tôi đi sang trung đoàn pháo binh Sông Cầu.
Kinh kêu lên:
- Vậy tức là anh bỏ chúng tôi đấy à?... Ừ, cũng được! Vậy thì anh đi theo thằng Lữ nhà tôi. Nó sắp về bên Sông Cầu. Nhưng vào chiến dịch anh có quay lại với chúng tôi chứ?
- Nhất định tôi sẽ quay lại, anh Kinh ạ, tôi sẽ quay trở lại với anh.
Thái Văn xiết bàn tay Kinh rất chặt. Kinh đưa bàn tay vỗ vỗ vào sau lưng nhà thơ một cách âu yếm:
- Anh đi mạnh khỏe và an toàn nhé!
Thái Văn theo hai người lính đi khuất dần. Rừng tối mù mịt. Vừa bước chân ra đi Thái Văn đã tự hỏi: "Tại sao mình lại rời bỏ trung đoàn 5 một cách bất ngờ như vậy, cái gì đã quyến rũ mình?". Trước đấy, anh chẳng hề có ý định đi theo trung đoàn pháo Sông Cầu, vậy mà chi sau vài câu chuyện trao đổi với Lữ, anh đã nảy ra cái ý nghĩ ấy? Không, chính là anh đang đi theo Lữ, người chiến sĩ con trai đồng chí chính ủy có một sức quyến rũ nào đó thật là mãnh liệt, khiến cho Thái Văn chỉ mới nghe cậu ta rủ rê: "Hay là anh đi với chúng tôi", thế là Thái Văn đã nhận lới và khoác ba lô lên lưng.
Rừng tối như bưng lấy mắt, những tán cây dày như mái nhà. Các cán bộ dự hội ý xong đã lục tục trở về chỗ mắc võng. Riêng Kinh vẫn còn ngồi trước tấm bản đồ trải trước mặt, với một ngọn đèn, cặp mắt lim dim như vừa chợp ngủ. Ông hơi ân hận vì chưa có thì giờ nói chuyện với con trai được bao nhiêu thì nó đã ra đi. "Vợ mình biết hai bố con gặp nhau ở đây thì sẽ nghĩ thế nào nhỉ". Ngày ở nhà Kinh thường nghe vợ nói: "Thằng Lữ giống tính bố mày như lột". "Vậy nó giống mình những gì?" ông chỉ cảm thấy một tình thương con đang tràn ngập trong lòng, cùng với nỗi mong mỏi và lo âu vẩn vơ của một người cha suốt cả đời sống biền biệt, mỗi lần gặp con lại thấy nó đã ở một lứa tuổi khác, đang làm những công việc khác.
Gia đình Kinh, một gia đình sống nề nếp hòa thuận trong một ngôi nhà gỗ, bên bờ một con sông rất đẹp của miền Trung, vùng đất hai bên bờ người dân chỉ biết đi cày và đi học. Những người dân thuần phác ở đó thường lấy làm tự hào vì miền quê của họ từ bao đời đã từng sinh ra những nhà văn hào của dân tộc và những người cách mạng nổi tiếng. Ở đó cũng là đất đã trỗi dậy cuộc khởi nghĩa của nông dân để giành độc lập với khát vọng xây dựng một thế giới cộng sản đại đồng không còn người bóc lột người. Từ khi có vợ con, Kinh ít khi ở làng nhưng cái cốt cách riêng của người dân sống và làm ăn dọc theo triền con sông ấy vẫn là cốt cách cán bộ của ông. Hồi trẻ Kinh nổi tiếng là nghịch và bướng. Khi đã có vợ con, Kinh vẫn còn hay nghịch. Năm đó, vào thời kỳ giũa cuộc kháng chiến chống Pháp, Kinh đi công tác và tranh thủ tạt qua nhà. Như thế là đã ròng rã mấy năm nay từ khi vợ sinh đứa con thứ hai, Kinh chưa hề về. Kinh khoác ba lô bước đến bên cái ngõ trống nhà mình, thấy một đứa bé con đang chơi tha thẩn. Nhìn khuôn mặt con trai mà giống mẹ như đúc. Kinh rứt trong ba lô một gói kẹo mè xửng đưa cho nó. Thằng bé ôm gói kẹo trước ngực ngước mắt lên hỏi rất sõi:
- Chú cho cháu à?
- Ừ, con cầm lấy. Tao là bố mày chứ là ai mà gọi chú?
- Chú chỉ nói trạng!
Kinh vừa bực vừa buồn cười.
- Tao nói thật chứ thèm nói trạng. Con đem kẹo về cho mẹ, bảo mẹ rằng bố đi công tác nhưng bố bận việc không về nhà được, nghe không?
- Ừ, bố đi đi!
Thằng bé ôm khệ nệ gói kẹo chạy vào. Vợ Kinh đang sàng gạo trong bếp. Chị nghe con la tướng lên từ ngoài cửa:
- Mẹ ơi, bố về bố cho kẹo!
- Bố mày đâu rồi?
- Bố bảo bố bận, bố đi rồi!
- Thực không? Lữ, mày gặp bố mày ở đâu?
- Ngoài ngõ!
- Điên rồ, bận đến nỗi gì thì bận chứ về đến ngõ làm sao lại không đạp chân vào nhà được hử?
Chị chỉ kịp vắt chiếc áo cánh qua vai rồi cả con người như đang bốc lửa, chạy một mạch không kịp thở tắt qua cánh bãi trồng dưa ra bờ đê. Con đê trước làng cỏ xanh um từ chân lên vệ đường, có những cây gạo đứng thanh thản. Trên đường đê, Kinh đang khoác ba lô đi một mạch không ngoái cổ lại.
- Anh Kinh!
- Tôi bận lắm, tôi không về được!
- Thì cũng dừng lại một cái đã nào!
Chị vừa xỏ cánh tay áo vừa chạy về phía trước thì Kinh cũng bỏ chạy. Chị bực mình ngồi xuống bên một gốc gạo thì Kinh cũng tìm một gốc gạo để ngồi. Chị ức quá không hiểu ra làm sao. Chị cũng không thèm theo chồng nữa, sau khi đi quanh quẩn một vòng giữa bãi dưa, lúc quay trở về nhà thì đã thấy Kinh ôm con ngồi lù lù giữa giường, đang nhăn răng cười.
Vợ Kinh là một người đàn bà đã có một thời nổi tiếng xinh đẹp và đảm đang nhất trong vùng. Từ ngày lấy vợ, Kinh đã rút ra được một cách cư xử với đàn bà. Kinh nghiệm thấy những người đàn bà như vợ mình, họ sẽ không bao giờ nề quản với chồng một việc gì. Giỗ, tết, cha mẹ già yếu làm nhà, dựng vợ gả chồng cho các em chồng, việc thiết yếu nhất là sinh con và nuôi dạy con, tất thảy mọi việc người đàn ông có thể phó thác phóng xá cho người đàn bà ở nhà mà đi lo việc nước và giặc giã, tha hồ anh đi một hai năm, năm ba năm cũng được, nhưng quan trọng là những lần trở về nhà anh khu xử ra làm sao với vợ. Mỗi người đàn bà giống như một chiếc thuyền đi sóng gió ngoài khơi, lâu lâu lại phải về dựa lưng vào bờ trong chốc lát rồi lại đi chuyến khác. Những vui buồn, những khó khăn đã trải, người vợ chỉ có thể được đền bù bằng cách nói hết với chồng trong mấy ngày gần nhau, và chỉ khi nào người đàn ông biết hỏi han người ta mới nói. Trong muôn vàn lo nghĩ của vợ Kinh, nỗi lo cho con cái vẫn là nhiều nhất. Kinh còn nhớ chuyến ông đi công tác vào chiến rường, khi về nhà thì vợ báo tin thằng Lữ đã trốn nhà bỏ đi đâu không biết. Kinh về nhà thấy vợ chẳng tỏ ra mừng rỡ chút nào cả. Chị khóc ròng và vẫn thấp thỏm lo chồng sẽ trách mình. Chuyến ấy, vợ Kinh yêu cầu Kinh phải đi tìm con cho bằng được. Sau gần mấy tuần lễ lặn lội đường sá, hỏi thăm khắp nơi Kinh mới tìm thấy cậu con trai quý của mình. Nơi đó là một đoạn đường đang làm dở dang tận một miền heo hút sát biên giới, dọc hai bên đường đầy những thanh niên gái trai, cùng với lán trại quang, sọt, cuốc xẻng, cuộc sống vẫn còn tạm bợ lắm. Kinh đến vào giữa lúc Lữ đang cãi nhau với người phụ trách của nó. Kinh nghe tiếng người phụ trách nóng nảy đe đuổi và cúp lương một người nào đó. Và tiếng Lữ nói như thét: "Anh đang giở cái thói cai lục lộ ra. Phải cúp lương và đuổi anh đi mới đúng!". Tất cả mọi người đã đứng về phía Lữ, một cậu thiếu niên mặt còn non choẹt và chân đi đất mặc chiếc áo bông hai cùi tay đã rách xơ - "Mẹ mày bắt tao phải tìm được mày về, để cho mày thế này thế nào cũng sinh hư" - "Con đã gửi thư về cho mẹ (lần đầu tiên Kinh thấy đôi mắt con có một cái nhìn khác thường). Con đã quyết định ở đây. Bố cứ yên tâm là con sẽ không sinh hư đâu". Kinh ngủ lại với con một đêm trong một cái lán dựng kề ngay bên con đường đang làm nhưng rất xa suối nước. Chính Kinh cũng phải bực mình vì cách tổ chức ăn ở làm việc luộm thuộm, thiếu trách nhiệm. Kinh trao cho Lữ tất cả mọi thứ đồ đạc mình có trong người cả chiếc áo bộ đội mặc ngoài mang từ chiến trường về. Đám thanh niên nam nữ dùng một chiếc chảo rang cà phê và đem pha trong bi đông sắt để thết Kinh. Suốt đêm Kinh nằm nghe nai tác bên ngoài rừng và những tiếng động lịch kịch của những tốp thanh niên đi làm đường trở về, không tài nào chợp mắt được lấy một phút. Gần sáng, Lữ trở dậy bảo với Kinh: "Bố cứ ngủ nhé!". Rồi khoác chiếc áo bông, vác cuốc chim đi ra ngoài. Kinh nhìn theo từ phía sau, chợt nảy ra một câu hỏi: "Nó" đã tuột khỏi bàn tay của mình từ bao giờ vậy? Kinh biết nếu mình có thuyết phục nó thì "nó" cũng không đời nào chịu trở về nhà nữa, cái thằng bướng ấy! Tự nhiên Kinh như nhìn thấy tận mắt cái dòng máu huyết thống của chính mình đang chảy trong cơ thể đứa con trai. Không phải vô cớ mà vợ Kinh thường bảo "nó" giống tính nết của Kinh?
Và bây giờ Kinh lại thấy thương con vô hạn, xen lẫn một niềm tự hào ngấm ngầm, nhưng vẫn không khỏi lo lắng, một nỗi lo mơ hồ và gần như bất lực. Ông xếp mảnh bản đồ bao gồm cả khu vực rộng lớn của chiến trường bỏ vào chiếc túi hoa. Kinh trông thấy trước mặt có một bóng người đi lại. Bóng người đi thấp thoáng khiến Kinh ban đầu cứ tưởng nhầm Lữ đang quay trở về tìm mình.
- Khuê đấy hử? - Kinh lên tiếng.
- Vâng.
- Ông đã chuẩn bị xong chưa. Các anh ấy đâu cả?
Khuê trao cho Kinh chiếc ba lô và chiếc gậy:
- Các anh ấy ra đây cả rồi!
Nghe có tiếng nhiều người nói chuyện lao xao và những đốm thuốc từ phía sau. Năm sáu người cán bộ có chân trong trung đoàn ủy khoác ba lô đến đứng chung quanh Kinh. Hai ngày nữa Kinh sẽ chủ trì cuộc họp Đảng ủy trung đoàn đầu tiên của chiến dịch tại khu vực tập kết. Từ đây vào khu vực tập kết phải theo người dẫn đường vạch lau mà đi không hề có chút đường sá.
Những người lính đang ngủ ở bãi khách cuối cùng của họ. Từ đây tới vừng mặt trận chiếu theo đường chim bay đã gần lắm. Một dây đèn pháo sáng trên bầu trời Khe Sanh đường số 9 cháy lập lòe. Kinh gọi Đông đi dẫn đường. Ông xắn quần quá gối cầm gậy đi len lỏi giữa các hàng võng và dây chằng tăng cứ chằng chịt. Rừng tối mò mò khiến Kinh phải đi thật khéo mới khỏi va phải những chiếc võng. Tiếng ngáy của những người lính đều đặn như mặt đất đang thở - "Ngủ đi, ngủ đi các ông. Nay mai ta sẽ bước vào chiến đấu!" Giữa lúc gần như tất cả trí óc Kinh đã bị hút về phía địch thì thật kỳ lạ, làm sao giữa trái tim của ông lại chợt nảy nở một mối tình yêu thương im lìm và sâu xa của người cha bao trùm lên hết tất cả
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dấu Chân Người Lính.