• 1,247

Chương 24: Hàn Phong quan


Mỗi lần trước và sau khi mưa, vào lúc giao thời giữa ngày và đêm luôn luôn có chướng khí xuất hiện thành từng đoàn. Loại chướng khí này như mây như khói, như ẩn như hiện, từ xa nhìn lại trông như không khí đang rung động hay khói bếp lượn lờ.

Chuyện kỳ lạ là loại sương mù này không hề di chuyển theo làn gió, mà giống như có thể đánh hơi, cứ nơi đâu có người và vật là chúng bay tới đó. Một khi bị nó bao phủ mới phát hiện thì ra không phải là sương khói gì cả, rõ ràng là hàng tỷ con muỗi độc nhỏ xíu tụ tập lại thành đàn!

Không nơi nào mà chúng nó không vào được, chúng tấn công tất cả bộ phận trên cơ thể con người, làm cho nọc độc xuyên qua da, xâm nhập vào máu, vào các nơi trong cơ thể...

Con người gặp được chúng, thường là cửu tử nhất sinh.

Còn có các loại nguy hiểm khác nhiều không đếm xuể, trong nền văn minh nông nghiệp hiện nay, muốn chinh phục những vùng không có dấu chân người lui tới như vầy, gần như là không có khả năng.

Bởi vậy, nếu muốn tiến vào Đế quốc Kinh Hồng thông qua con đường Liên minh các thành thị tự do, nhất định phải đi qua eo biển Tam Giác. Đối với quân Đế quốc Thiên Phong vốn không quen thủy chiến, một khi bị tập kích trên mặt biển, chỉ sợ đại quân còn chưa tới lãnh thổ của địch nhân đã làm mồi cho binh tôm tướng cá.

Lựa chọn thứ ba chính là cường công Hàn Phong quan.

Tuy nhiên Hàn Phong quan tường cao thành dày, được bố trí phòng vệ tầng tầng lớp lớp, độ kiên cố trong phòng ngự của nó vượt xa Tam Trùng Thiên. Bởi vậy, dù cho Liệt Cuồng Diễm là Chiến thần, đối mặt với một tòa hùng quan kiên cố như vậy cũng chỉ có thể cất tiếng thở dài.

Nếu như nói kẻ muốn công thành hãm trại, nếu không có binh lực đông gấp ba lần quân phòng thủ thì không thể đánh hạ, như vậy đối mặt với Hàn Phong quan kiên cố như tường đồng vách sắt này, nếu không có binh lực đông gấp năm lần, Liệt Cuồng Diễm cũng không dám dễ dàng phát động tấn công.

Lần đầu tiên nhìn thấy tòa hùng quan khổng lồ được tôn xưng là đệ nhất hùng quan trên đại lục Quan Lan này, cảm giác của người ta là nó có khí thế hùng hồn, cao to đồ sộ.

Hàn Phong quan có điểm khác với Tam Trùng Thiên có sẵn địa thế tự nhiên cộng thêm trí tuệ và sự khéo léo của con người lợi dụng tối đa hiệu quả của nó chính là, tuy Hàn Phong quan cũng được xây dựng tựa vào núi, nhưng nó là một kiến trúc hoàn toàn được làm bằng sức người. Vả lại nó còn là một tòa thành quan có thời gian xây dựng kéo dài nhất, hao tốn tiền của nhiều nhất, có mức độ phòng ngự kiên cố chắc chắn nhất.

Hệ thống phòng ngự của Hàn Phong quan có đặc điểm là chia theo thứ lớp rõ ràng, trong thủ có công.

Trận địa của Hàn Phong quan được triển khai ra khỏi ngoài tường thành tới mười lăm dặm, từ ngoài vào trong được chia làm ba vùng là vùng hoang vắng, vùng cảnh giới và vùng phòng thủ.

(Dặm trong truyện này bằng một Km, hệ thống đo lường trong truyện được tính theo hệ thống đo lường hiện tại, ví dụ như một thước cũng là một mét bây giờ.)

Trong phạm vi mười lăm dặm là vùng hoang vắng, thực hành kế sách vườn không nhà trống, có thể vận chuyển mọi thứ rút lui vào thành. Khi cần còn có thể đốt hết tất cả những gì không thể mang đi, sau đó đầu độc nguồn nước.

Cách tường thành năm dặm là tiến vào trong vùng cảnh giới, ven vòng ngoài vùng cảnh giới, ở mỗi điểm cách nhau với khoảng cách nhất định bố trí một trạm canh gác có ba người, hình thành một vành đai cảnh giới. Sau lưng vành đai cảnh giới ấy, cứ mỗi cự ly một dặm rưỡi lại có một trạm canh gác, duy trì mối liên lạc giữa trạm canh gác ngoài vành đai và trong thành. Tín hiệu liên lạc ban ngày là phát hiện quân địch thì treo một lá cờ, địch tiếp cận vùng cảnh giới thì treo hai lá cờ, địch tiến vào treo ba lá cờ, nếu địch tiến về phía thành thì treo bốn lá cờ, địch tiếp cận thành treo năm lá cờ, buổi tối thì thay cờ bằng lửa. Ngoài ra, các nơi hiểm yếu và các trạm kiểm soát còn có bố trí những tiểu đội cơ động chạy tới chạy lui, mỗi tiểu đội có ba người, phụ trách trinh sát và phản gián. Vòng cảnh giới ba trong một này sẽ rút trở vào thành khi quân địch tiến tới sát chân thành.

Ven vòng phòng thủ bố trí những khí giới tấn công tầm xa, trong phạm vi một vùng ngoài thành được dọn dẹp bằng phẳng tất cả, để trống trải tầm nhìn và góc bắn.

Cách chân thành mười thước bên ngoài là hệ thống tường hộ môn được bố trí phòng ngự hết sức đầy đủ.

Phía sau tường hộ môn có thêm một bức lũy thấp bằng gỗ hoặc đất, binh sĩ nấp phía sau đó đợi khi quân địch tiến vào trong phạm vi của tường hộ môn, lập tức phối hợp với quân phòng thủ trên thành dùng vũ khí sát thương địch hoặc dùng kế hỏa công thiêu đốt địch. Phía trong một chút là một dãy cự mã rộng hai thước rưỡi, chủ yếu gây trở ngại khiến cho quân địch khó dùng thang tiếp cận. Ở đoạn đường ra vào của quân phòng thủ, cự mã được chôn sơ trên mặt đất tạo thành trạng thái dễ dàng di chuyển, cũng là dấu hiệu để cho quân thủ trên thành quan sát dễ dàng. Cuối cùng, cách chân tường hai thước rưỡi là năm hàng cọc gỗ vót nhọn cao hơn mặt đất nửa thước, vừa có công dụng gây trở ngại cho quân địch muốn leo lên thành, vừa có thể giết những tên địch rơi từ trên xuống.

Sau đó là tường thành, đây là bức bình phong cuối cùng, vượt qua nó có thể vào thành. Tường thành của Hàn Phong quan cao tới mười lăm thước, độ rộng của đầu tường từ bảy tới mười thước, quân thủ có thể chạy nhảy di chuyển chiến đấu thoải mái trên đó. Hai bên tường cả trong lẫn ngoài đều có tường chắn mái dày một thước, cao từ sáu tấc tới một thước tư, riêng tường chắn mái phía ngoài còn có trổ lỗ hổng dành cho xạ thủ. Ngoài vọng tháp xây dựng vĩnh cửu ở góc tường thành, trong thời chiến còn xây thêm nhiều vọng gác có tính chất tạm thời. Cứ cách sáu mươi thước lại xây một tháp quan sát ló ra ngoài tường thành một thước, cách mỗi một trăm tám mươi thước, lại xây một tháp quan sát bằng gỗ ló ra ngoài tường thành ba thước, cho phép quân thủ có thể giáp công tiêu diệt quân địch nấp trong những góc chết dưới thành. Cũng cách mỗi một trăm tám mươi thước còn bố trí một bức tường ngang trên có cắm đầy những cọc gỗ vót nhọn cao ba thước, bình thường cửa nhỏ trên đó được mở để có thể ra vào, sau khi quân địch đánh tới thành, cửa nhỏ ấy sẽ được đóng lại tạo thành chướng ngại vật. Cuối cùng cứ cách mỗi ba trăm sáu mươi thước lại có một tòa tháp gỗ ló ra khỏi tường chắn mái phía trong khoảng bốn thước, dùng để tấn công quân địch đã lọt vào thành.

Chân tường thành của Hàn Phong quan dày hai mươi thước, thậm chí có nơi dày tới bốn mươi thước, cho dù chân tường bị đào rỗng cũng không bị mất trọng tâm ngã xuống, chỉ từ từ chìm xuống mà thôi. Cứ cách hai trăm thước thì đào một đường hầm từ trong ra ngoài, khi đến gần mé ngoài chừng năm sáu tấc thì ngừng lại, hình thành một cửa ngầm dùng cho những toán quân đột kích bí mật ra thành. Trong cửa ngầm còn có bố trí bếp lò có ống thông gió, củi khô cỏ khô cùng xe chướng ngại, để phòng khi quân địch phát hiện xâm nhập, lúc ấy có thể hun khói và lấp kín đường hầm.

Dưới thành lâu, trong ngoài cửa thành đều có thiết kế những lỗ cửa tò vò, trong cửa tò vò ấy bố trí ròng rọc để kéo cửa treo lên xuống, trên ba cánh cửa đều bố trí lỗ bắn dành cho xạ thủ. Để đề phòng địch dùng hỏa công, ngoài việc dự trữ rất nhiều bồn nước, lu nước và bao tải loại lớn trong thành, cứ cách mười sáu thước lại có một dãy cọc gỗ đầu tròn nhô ra từ hai tới ba thước, mặt ngoài cửa còn được phủ bằng lá sắt.

Nếu so với hệ thống phòng ngự dày đặc được bố trí phía ngoài tường thành, bên trong thành cũng không trống trải gì hơn. Hai bên sườn của thành lâu và góc thành chính là đường lớn để đi lên đầu thành, hai bên đường bố trí những đường rẽ hình vòng cung để lên thành. Những đường rẽ này thông đến các nơi hiểm yếu, tạo thành một mạng lưới giao thông thông đến khắp nơi bên trong thành. Tuy nhiên nếu địch vào thành cũng không thể tiến quân thần tốc trong thành, phía sau những đường rẽ có xây dựng một bức tường đất thấp, phía trước tường là chiến hào sâu ba thước rưỡi, rộng ba thước, dưới đó chứa đầy củi khô cỏ khô. Một khi quân địch vào thành, củi khô và cỏ khô dưới chiến hào lập tức được đốt lên tạo thành những bức tường lửa, hình thành thế giáp công với quân thủ của phe mình đánh xuống từ trên tường thành.

Ngoài ra mật độ của quân thủ trong Hàn Phong quan là cứ mỗi 1. 84 thước vuông có một binh sĩ chính quy, mỗi 2. 3 thước vuông có một dân binh. Hai mươi lăm phần trăm dân binh là nam nhân trưởng thành gia nhập quân thủ, năm mươi phần trăm dân binh là nữ nhân trưởng thành phụ trách làm việc trên các công trình và vận chuyển khí giới vật dụng, còn lại là những người yếu và lớn tuổi đảm nhiệm tạp vụ hậu cần. Bố trí vũ khí theo nguyên tắc cứ mỗi khoảng tường thành từ năm mươi tới chín mươi thước có một máy bắn đá, mỗi hai mươi thước có hai mươi bó gỗ dùng tu sửa công sự phòng ngự tường thành, mỗi bốn mươi lăm thước bố trí lò bếp, vạc nước, cát đất, mỗi bốn thước có một món vũ khí như nỏ, kích, phủ, cùng một ít hòn đá và gậy gộc. Nếu nơi nào thiếu binh lực hay vũ khí thì giơ cờ làm hiệu, cờ hình sói có nghĩa là nơi đó cần đội cảm tử trợ giúp, cờ hình dê là cần một số đông quân, cờ hình chim ưng là cần bổ sung binh khí bắn tầm xa, cờ hình hổ là cần bổ sung binh khí cận chiến, cờ màu đỏ là cần thiết bị đánh hỏa công, cờ màu xanh là cần đá lăn, cây lăn...

Mười ba bức tường thành vây chặt, hệ thống và phương tiện phòng ngự toàn bộ bằng sắt thép, bẫy rập bố trí khắp nơi, có mười vạn hùng binh phòng thủ, đây chính là đại trận phòng ngự được bố trí như tường đồng vách sắt của Hàn Phong quan. Tuy nó chỉ có một quan ải, nhưng càng đáng sợ hơn là Tam Trùng Thiên.

Nếu muốn chọn trong ba sự chọn lựa trên, có lẽ Hàn Phong quan là sự lựa chọn mà người Đế quốc Thiên Phong không muốn đối mặt nhất, nhưng lại không thể không chọn.

Nó giống như một chiếc đinh cắm ngay trước bước chân tiến công của người Đế quốc Thiên Phong, bất kể tính toán chiến lược như thế nào đều là một ải trời khó có thể vượt qua.

O0o

Nửa năm trước, Cô Chính Phàm dẫn quân Đế quốc Kinh Hồng vừa đánh vừa lui, quân Đế quốc Thiên Phong tiến sát phía sau, thẳng tới dưới Hàn Phong quan.

Từ sau khi tin thành Đại Lương bị đánh hạ được truyền ra, các loại khí giới công thành được vận chuyển không ngừng từ chiến trường Chỉ Thủy sang vùng Tây Nam.

Mặc dù tạm thời chưa có ý định khơi lên một cuộc chiến mới, nhưng hướng đi của người Đế quốc Thiên Phong đã cho thấy, chiến tranh bùng nổ chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Hàng trăm máy bắn đá lớn có nhỏ có, trong số đó có một trăm máy bắn đá cỡ lớn, hơn một ngàn trọng nỗ, hàng ngàn thang mây các loại, hơn trăm tháp công thành di chuyển được, hơn ba trăm xe công thành và xe phá thành, tất cả đều đã được chế tạo xong hoặc đang vận chuyển từ hậu phương tới. Mặc dù Hàn Phong quan đã chặt hết cây cối xung quanh, tạo thế vườn không nhà trống, nhưng quân Đế quốc Thiên Phong vẫn không nề hà cực khổ, chặt cây cối và vận chuyển đá từ cách đó hàng chục dặm mang tới.

Ngoại trừ những chuyện này ra, Quân đoàn Bạo Phong còn thiết lập một trận địa tuyến đầu cách Hàn Phong quan hai mươi dặm.

Người Đế quốc Thiên Phong đang xây dựng quân doanh, thành lũy, đào hầm, bố trí bẫy rập, trạm canh ở trận địa này.

Lưỡi lê, chông nhọn, cọc nhọn giống như cỏ dại mọc lên rậm rạp trước gió, khắp nơi đều thấy chiến hào, tường đất cự mã và vô số hầm bẫy. Chiến tranh đã biến một vùng đất rộng rãi trống trải trở thành một nghĩa trang đằng đằng sát khí, bất cứ kẻ nào xâm nhập vào mảnh đất này mà chưa được phép, cái chờ đợi hắn phía trước chỉ là chết chóc mà thôi.

Vòng hoang vắng của Hàn Phong quan bị người Đế quốc Thiên Phong lấy làm một nơi tập trung binh lực với quy mô vô cùng to lớn, vô số quân Đế quốc Thiên Phong đang bận rộn trước Hàn Phong quan, không hề quan tâm tới suy nghĩ của chủ nhân nơi này chút nào.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đế Quốc Thiên Phong.