• 1,256

Chương 41: Lai Sinh luận (Thượng)


Lai Sinh luận là một quyển sách, nhưng đối với Mạn Đức giáo mà nói, quyển sách này không đơn giản chỉ là một quyển sách mà thôi. Trên thực tế nó còn đại biểu cho một đoạn lịch sử đen tối trong mấy trăm năm của Mạn Đức giáo. Trước khi giới thiệu đoạn lịch sử này, không thể không phân tích một phen để có thể hiểu sâu sắc hơn về Công quốc Thánh Uy Nhĩ.

Công quốc Thánh Uy Nhĩ là quốc gia chấm dứt chế độ nông nô cuối cùng trong lịch sử đại lục.

Cái gọi là nông nô, khác rất nhiều so với tá điền hay nông dân. Nông dân có ruộng của riêng mình, hàng năm tự làm tự ăn, chỉ cần giao nộp một số thuế ruộng nhất định, nếu như thu nhập khá, hàng năm còn có thể có dư. Mà tá điền thì không có ruộng đất, phải dựa vào chuyện bán sức lao động mà sống.

Nông nô còn bi thảm hơn nữa, bọn họ chính là nô lệ làm ruộng, ngoại trừ đôi tay ra thì không có gì khác nữa. Ngay cả quyền tự do của nông nô cũng bị tước đoạt, còn tá điền tốt xấu gì vẫn là người tự do, nông nô thì đến trâu ngựa cũng không bằng.

Trong thời kỳ đen tối nhất của xã hội, điên cuồng nhất của chế độ nông nô, thậm chí còn có lời đồn như vầy: trên núi có thể có dã thú không có chủ nhân, nhưng dưới núi thì không có người nào là không có chủ nhân.

Là nông nô, ngoại trừ bị áp bức bóc lột, cống hiến sức lao động của mình, không được hưởng thụ bất cứ quyền lợi cá nhân nào.

Nhưng theo sự phát triển của xã hội, các quốc gia trao đổi học tập lẫn nhau, dần dần tiến bộ, một ít đấng quân vương có triển vọng dần dần ý thức được cái hại của chế độ nông nô.

Sự tồn tại của chế độ nông nô ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của xã hội. Rất nhiều nông nô không có của cải tiền bạc, không thể trợ giúp gì cho việc buôn bán trở nên trôi chảy. Mà một phần địa chủ quý tộc ra sức tiêu xài tài nguyên trong xã hội, làm cho lãng phí tài nguyên rất nhiều. Chuyện tệ hơn nữa chính là, một ít dân chúng vì sự tồn tại của chế độ nông nô mà đối mặt với áp lực khổng lồ của thuế thu nhập. Nuôi một con gà cũng phải nộp thuế, gà đẻ trứng cũng phải nộp thuế, thậm chí gà trống không đẻ trứng cũng phải nộp thuế. Nếu như nuôi mười con trâu, vậy phải nộp thuế là mười con trâu, hơn nữa phải nộp trong vòng mười năm. Cho dù trong vòng mười năm, mười con trâu chết sạch, vẫn phải nộp đủ số thuế là mười con.

Quá nhiều loại thuế, loại nào cũng cao như vậy đã chèn ép nghiêm trọng đến tính tích cực của việc chăn nuôi gieo trồng trong nước. Chỉ dựa vào thần quyền mà duy trì thống trị không thể tránh khỏi chuyện nền kinh tế quốc gia dần dần trở nên xơ xác, cùng với đủ loại tai hại do chuyện thâu tóm đất đai mang lại, cho nên cải cách là vô cùng cần thiết.

Khi một quốc gia dũng cảm cải cách đầu tiên, sau đó được hưởng quả ngọt của nó, lúc ấy quốc gia này sẽ nhanh chóng hùng mạnh lên. Rốt cục vì vậy các quốc gia xung quanh cũng bắt buộc phải cải cách, bãi bỏ chế độ nông nô, bắt đầu đối xử tốt hơn với bá tánh bình dân.

Mà quốc gia đầu tiên hủy bỏ chế độ nông nô chính là Đế quốc Đại Lương trước kia, dựa vào chuyện hủy bỏ chế độ nông nô, kiên quyết đổi mới, Đế quốc Đại Lương nhanh chóng quật khởi, chuyển biến thành công từ chế độ bán phong kiến đến chế độ phong kiến hoàn toàn. Sau đó trăm năm, sau khi Đế quốc Đại Lương phát triển hết sức hùng mạnh, cuối cùng cũng xảy ra va chạm kịch liệt với Đại đế Sa Tư Hãn ở phương Tây, cũng vì lần va chạm đó mà bắt đầu càng ngày càng trở nên sa sút.

Công quốc Thánh Uy Nhĩ láng giềng của bọn họ chính là quốc gia cuối cùng hủy bỏ chế độ nông nô.

Người hủy bỏ chế độ nông nô này chính là Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc năm xưa, mà gián tiếp trợ giúp hủy bỏ chế độ nông nô chính là Đế quốc Đại Lương.

Năm đó Đế quốc Đại Lương xâm lấn hành lang Thánh Khiết, giúp cho Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc có được cơ hội tập trung quyền lực xưa nay chưa từng có. Ông ta nhân cơ hội này chấn chỉnh lại lực lượng của các Công quốc trong nước để chống đỡ Đế quốc Đại Lương. Lúc ban đầu, Đế quốc Đại Lương bách chiến bách thắng, dù là đội võ sĩ Thánh đường của Mạn Đức giáo cũng bị Tướng quân Thần Uy Lý Phi đánh cho tháo chạy liên tục. Cảm thấy lúc ấy Đế quốc Đại Lương quá mạnh, Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc dứt khoát kêu gọi cả nước đứng lên chống cự, dùng phương thức toàn dân là quân để chống lại Đế quốc Đại Lương. Vì muốn mua chuộc lòng dân, ông ta đã ban bố một pháp lệnh đặc biệt, chính là công bố hủy bỏ chế độ nông nô.

Phàm có kẻ nào ra sa trường chiến đấu với địch, từ nay về sau trở thành người tự do, có kẻ nào giết địch lập công, ban cho ruộng đất. Những đất đai từng bị Đế quốc Đại Lương đánh chiếm, sau khi chiếm lại được sẽ trở thành của quốc gia, phân chia lại một lần nữa. Kẻ không tham gia chiến đấu bảo vệ nước nhà, sẽ không được hủy bỏ thân phận nông nô, nhưng vì không có thêm nông nô mới xuất hiện ở quốc gia này, khiến cho chế độ nông nô dần dần bị diệt vong.

Sau khi pháp lệnh này được ban bố, lập tức được phần lớn nông nô trong cả nước tán thành, gần như mỗi nông nô đều cầm vũ khí xông ra chiến trường. Sau khi đánh đuổi được Đế quốc Đại Lương, Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc triển khai bốn mươi năm thống trị độc tài của ông ta, không những lúc ấy ông ta là vị Hoàng đế duy nhất của Công quốc Thánh Uy Nhĩ, đồng thời cũng là vị Hoàng đế duy nhất không dựa vào lực lượng quý tộc mà quật khởi. Đây là lý do vì sao tầng lớp quý tộc sau này hận ông ta đến thấu xương.

Ở Công quốc Thánh Uy Nhĩ, tầng lớp quý tộc nói ông ta là kẻ soán ngôi, dân chúng gọi ông ta là đấng quân vương anh minh, mà Mạn Đức giáo gọi ông ta là kẻ xúc phạm. Theo thời gian trôi qua, tôn giáo và các quý tộc tuyên truyền lâu ngày, dần dần hình ảnh của Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc trở nên xấu đi.

Trong chuyện này, Mạn Đức giáo sắm một vai trò cực kỳ quan trọng, đầu tiên là đồng minh của ông ta, sau đó lại trở thành kẻ thù của ông ta.

Đúng vậy, sau khi trải qua trận đại chiến bảo vệ đất nước, Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc từng có quan hệ thân mật với Mạn Đức giáo dần dần xa lánh đám người gần gũi với thần linh này. Bởi vì ông ta ý thức được rằng, nếu muốn cho quốc gia mình trở nên hùng mạnh hơn, như vậy Mạn Đức giáo chính là chướng ngại lớn nhất chắn phía trước con đường.

Mạn Đức giáo là kẻ được lợi lớn nhất trong chế độ nông nô, bọn họ có rất nhiều đất đai trong nước, gần như mỗi vị chức sắc đều là đại địa chủ nổi danh trong nước. Bằng vào danh nghĩa thần linh, Mạn Đức giáo đã áp bức dân chúng trong nước rất mạnh, khiến cho bọn họ trở thành nông nô của mình. Khi Đế quốc Đại Lương xâm lấn, Mạn Đức giáo bị ép bất đắc dĩ mới đồng ý hủy bỏ chế độ nông nô. Nhưng sau khi Đế quốc Đại Lương bị đánh lui, Mạn Đức giáo lại có ý định một lần nữa khôi phục lại chế độ nông nô, cho nên đã sinh ra mâu thuẫn nghiêm trọng với Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc, cuối cùng là xung đột quyết liệt.

Trên thực tế, bản thân Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc trước kia từng là võ sĩ Thánh đường của Mạn Đức giáo, từng là giáo đồ trung thành nhất của Mạn Đức giáo. Nhưng khi ông ta nắm được đại quyền, ông ta bắt đầu phát hiện ra rằng, đương nhiên là thần quyền có thể trợ giúp quốc gia thống nhất tinh thần quốc dân, nhưng bọn người mượn danh nghĩa thần linh tham lam kia chính là một chướng ngại vật cho sự phát triển quốc gia. Bọn họ tiếc nuối không chịu buông bỏ những ích lợi đã có, luôn luôn muốn dùng cách áp bức tầng lớp dưới để trục lợi, đồng thời còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thống nhất quốc gia.

Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc cũng không định sẽ hủy diệt Mạn Đức giáo, ông ta hy vọng có thể giống như Đế quốc Đại Lương và Đế quốc Thiên Phong sau này, khiến cho thần quyền phục vụ cho Hoàng quyền. Mạn Đức giáo cần phải thay đổi giáo lý, vị trí của Giáo hoàng cũng không nên qua thần thánh hóa như vậy, chế độ nông nô lại càng không thể ngóc đầu trỗi dậy một lần nữa. Với tư tưởng như vậy, ông ta đã triển khai một cuộc vận động thay đổi thần quyền oanh oanh liệt liệt.

Cuộc vận động này được người đời sau gọi là cuộc chiến tranh cuối cùng của Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc.

Trong trận chiến tranh cuối cùng này, ông ta thắng lợi, nhưng cũng là thất bại.

Ông ta thắng lợi là vì lúc ông ta còn sống, Mạn Đức giáo đã bị chèn ép tới nỗi không còn lực trả đòn, ông ta thất bại là vì sau đó ông ta chết.

Giáo hoàng liên thủ với đám quý tộc địa phương, phái ra một thích khách xuất sắc nhất, sau khi trải qua vô số lần ám sát, cuối cùng cũng ám sát thành công vị Hoàng đế bệ hạ này.

Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc vừa chết, tất cả quyền lực trong tay ông ta lập tức tiêu tan thành mây khói. Quý tộc liên thủ với tôn giáo lại một lần nữa nắm quyền khống chế Công quốc Thánh Uy Nhĩ, Mạn Đức giáo lại khôi phục huy hoàng như trước. Cái cuối cùng mà Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc để lại cho người Công quốc Thánh Uy Nhĩ chính là tối thiểu ông ta cũng đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ nông nô, khiến cho quốc gia này dưới áp lực hùng mạnh từ bên ngoài, không còn dám áp dụng phương thức bóc lột để phát triển nữa. Ngượi lại Công quốc Thánh Uy Nhĩ dần dần lợi dụng đặc điểm giao thông tiện lợi của hành lang Thánh Khiết để phát triển mạnh mẽ tập quán của một dân tộc buôn bán kinh doanh.

Mà trong quá trình tranh đoạt quyền lực giữa Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc và Mạn Đức giáo, đòn sát thủ lớn nhất của ông ta, chính là cuốn Lai Sinh luận này.

o0o

Mặc dù hiệu suất chăn nuôi trồng trọt của người trong thời kỳ phong kiến so ra kém hơn người ở thời kỳ hiện đại, nhưng trí tuệ của bọn họ thì chỉ có hơn chứ không hề kém.

Đối mặt với mâu thuẫn xã hội về sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo, không phải chỉ dùng thủ pháp cân bằng của cải là có thể giải quyết được. Mà trong thời kỳ lạc hậu, mê muội này, biện pháp giải quyết tốt nhất chính là sức mạnh của thần linh.

Thần linh khống chế một điểm quan trọng trong lòng người, chính là ca ngợi chuyện kiếp này kiếp sau, đây là một phương pháp mà bất cứ một tôn giáo nào cũng không tránh khỏi phải sử dụng tới. Cho dù giáo lý của các tôn giáo có khác biệt lớn đến mức nào, lý niệm cũng khác nhau, thậm chí là hoàn toàn đối lập, thù hận lẫn nhau, nhưng trên vấn đề kiếp này kiếp sau vẫn có được sự thống nhất.

Cái gọi là linh hồn của người chết đi sẽ tiến vào thiên đường, không có gì khác về bản chất với chuyện có kiếp này kiếp sau, đều là vẽ ra một bức tranh sinh động về cuộc sống tương lai đối với dân chúng vốn nghèo khổ.

Trong bức tranh đẹp đẽ sinh động ấy, cuộc đời này đừng hy vọng có thể sống yên ổn, nhưng chỉ cần bạn an phận thủ thường, ràng buộc bản thân, như vậy linh hồn của bạn sẽ được lên thiên đường, kiếp sau của bạn cũng nhất định sẽ tốt đẹp hơn.

Chuyện ca ngợi về kiếp này kiếp sau như vậy đã làm cho dân chúng vốn có cuộc sống nghèo khổ tin rằng, chỉ cần mình an phận thủ thường, như vậy nhất định kiếp sau sẽ được đầu thai vào một gia đình khá giả, có thể có được một cuộc sống an nhàn.

Đời này chịu khổ, đời sau hưởng phúc, đây là chiếc bánh vẽ trong bức tranh tương lai ấy, một thủ đoạn hết sức thành công, ít nhất trói buộc hơn tám mươi phần trăm dân chúng trong thời kỳ phong kiến. Mà gần như mỗi một giáo dân trong thời phong kiến do sùng bái thần linh, đều có chuyện cầu xin. Nếu đem ra so sánh, tôn giáo hiện đại lấy chuyện gởi gắm và an ủi tâm linh là thủ đoạn chủ yếu.

Các quý tộc thuộc tầng lớp cao cấp chính là thông qua tín ngưỡng tinh thần như vậy để xoa dịu đau khổ của tầng lớp dân chúng nghèo khó, giam cầm tư tưởng của bọn họ. Đồng thời cũng khiến cho địa vị của tầng lớp quý tộc càng thêm vững chắc, làm giảm khả năng nổi loạn của các tầng lớp dưới. Phàm là có kẻ nào không tuân theo quy củ, muốn nổi loạn phản kháng, chẳng những kiếp này bị giết, bị chịu khổ chịu tội, linh hồn cũng phải bị đày xuống địa ngục, vĩnh viễn không được luân hồi.

Loại xiềng xích vô hình này thật ra còn hơn cả xiềng xích hữu hình, trói buộc chặt chẽ cuộc sống nghèo khổ của dân chúng vào sự thống trị của một số ít quý tộc thuộc tầng lớp cao cấp.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đế Quốc Thiên Phong.