• 1,256

Chương 77: Đào mộ tìm của


Sức hấp dẫn của tiền tài vĩnh viễn không thể nào ngăn nổi. Mặc dù hậu quả của việc đào mộ tìm của cải vô cùng nghiêm trọng, một khi bị người phát hiện sẽ lập tức lãnh nhận cực hình ngay tại chỗ, nhưng luôn có một ít người to gan lớn mật, liều mạng vì tiền dám làm. Nhất là sau ba lần bao vây tiêu diệt trong hơn nửa năm qua, bạo động nổi lên khắp nơi, cuộc sống của dân chúng đã bị ảnh hưởng rất nhiều, khá nhiều người đã cuồng lên, điên lên vì tiền. Vì vậy dần xảy ra hiện tượng dân chúng nơi nơi phát điên tìm kiếmỉơ những địa bàn mà Thiển Thủy Thanh đã đi qua để tìm kiếm của cải được hắn chôn giấu. Người đi đào mộ không hề nghĩ tới cảm giác của người có thân nhân bị họ quật mộ lên, phần mộ này không thấy thì đào tới phần mộ khác, nhất định phải tìm ra của cải cho được mới thôi.

Nhưng đây mới là chỗ âm độc của Thiển Thủy Thanh, hắn cũng không phải là cướp được của cải ở địa phương nào thì giấu ngay tại địa phương ấy, mà là cướp được ở một thôn này, hắn sẽ đem chôn giấu ở một thôn xóm hoặc huyện trấn khác gần đó.

Chuyện này khiến cho mặc cảm về đạo đức của những người đào mộ tìm của cải giảm đi nhiều: Vì bọn họ không cần xuống tay với phần mộ của tổ tiên mình. Nhưng cũng chính vì vậy, đã đem lại lòng oán hận với người khác.

Những người đi đào mộ tìm của cũng không giống như Thiển Thủy Thanh, sau khi đào mộ lên lại lấp xuống cho đàng hoàng, để cho người khác không thể biết được nơi đó đã từng bị đào qua. Bọn họ giống như hổ báo sài lang, giữa đêm tối vác theo cuốc xẻng đi đến những phần mộ ở nơi hoang dã, đào hết phần mộ này tới phần mộ khác để tìm kiếm bảo tàng trong truyền thuyết. Làm như vậy, bọn họ bỏ mặc quan tài không đậy nắp, để lộ thi thể người chết ra ngoài, mặc cho chó hoang tới tha đi hay ăn xác chết, khiến cho thi thể mất tích hoặc không còn nguyên vẹn. Bọn họ như đàn châu chấu đông nghịt phá hoại mùa màng, nơi nào bọn họ đi qua, nơi đó hoang tàn xơ xác, ngổn ngang bừa bãi.

Rất nhiều phần mộ của nông phu được lập trên đất ruộng vườn nhà mình, đến tháng Năm, chính là mùa gieo trồng, bọn họ vừa mới gieo mầm xong, lúa và các loại cây trồng vừa mới nảy mầm. Bọn người tìm kiếm của cải kia tới giẫm nát ruộng đồng, hủy hoại cây non, lúa non vừa nảy mầm là chuyện thường xảy ra.

Phần mộ tổ tiên bị đào lên, tinh thần người ta đã bị đả kích nặng nề, ruộng vườn bị giẫm nát, kinh tế bị tổn thất nghiêm trọng. Chuyện này đối với những người có phần mộ bị người khác đào lên, chính là hành vi khiêu khích không thể nào bỏ qua cho được.

Gặp lúc Thiết Huyết Trấn đang tung hoành ngang dọc trong lãnh thổ Đế quốc Kinh Hồng, bạo loạn bắt đầu nổi lên khắp các nơi, quan phủ Đế quốc Kinh Hồng giống như đội cứu hỏa lăng xăng chạy ngược chạy xuôi, hết tới đầu này trấn an, lại tới đầu kia dẹp loạn, căn bản không rảnh xử lý chuyện đào mộ trộm. Chính chuyện ‘không làm gì cả’ của quan phủ Đế quốc Kinh Hồng, cộng thêm chuyện ‘làm ẩu làm càn’ của những người đào mộ tìm của đã làm cho số nạn nhân bất mãn dần dần tăng lên rất nhiều. Vì thế chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, phong trào đào mộ tìm của bên trong Đế quốc Kinh Hồng dấy lên rất mạnh. Ở các làng mạc thôn xóm, phàm là những địa phương nào Thiết Huyết Trấn đã từng đi qua, nhất định sẽ xuất hiện chuyện đào mộ tìm của trong phạm vi rất lớn. Lại thêm trong nửa năm qua, Thiết Huyết Trấn gần như đi qua tất cả những hang cùng ngõ hẻm trên khắp Đế quốc Kinh Hồng, vì thế các nơi đồng ruộng, làng mạc, thung lũng… gần như nơi nào cũng có thể thấy được cảnh tượng phần mộ người chết bị đào lên, thi cốt người chết vương vãi, không khí bại hoại này đã tăng cao đến cực điểm. Nông phu các nơi dùng vũ khí chém giết nhau liên miên, quan phủ cai trị bất lực, những chuyện xung đột đổ máu như vậy xảy ra liên tiếp…

Đây là một sự thật đáng buồn: Trong chuyện này, của cải và việc đào mộ cố nhiên là nguyên nhân dẫn tới hỗn loạn, Thiển Thủy Thanh mới là thủ phạm độc ác đứng phía sau tất cả những chuyện này. Nhưng cũng phải nói rằng, quan niệm hẹp hòi về lãnh địa cũng chính là nguồn gốc gây nên hỗn loạn.

Quan niệm về lãnh địa, cho tới bây giờ vẫn là một mệnh đề quan trọng, không thể nào lảng tránh trong thời kỳ phong kiến, thậm chí ở thời hiện đại vẫn còn tồn tại. Quan niệm về lãnh địa của mọi người, tùy theo phạm vi hoạt động mà có thể trở nên lớn nhỏ khác nhau. Dân chúng ở thời kỳ phong kiến, gần như chuyện di cư rất ít xảy ra, rất nhiều người cả đời chỉ ở quanh quẩn trong một làng quê nhỏ hẹp, cả đời cũng không thấy được thành thị ra sao. Chính vì tầm nhìn hạn hẹp như vậy đã hạn chế tư duy và cái nhìn toàn diện của bọn họ, đưa tới chỗ coi trọng đến cực độ một khu vực cố định. Bởi vì tầm nhìn hẹp hòi như vậy, khiến cho dân chúng thôn này ít khi lui tới với thôn kia, huyện này lạnh lùng với huyện kia, tạo thành chuyện không phục lẫn nhau, nói rộng ra hơn nữa có thể dẫn tới đối lập và mâu thuẫn giữa nước này và nước khác.

Lớn là nước, nhỏ là nhà, mức độ lạnh lùng, thậm chí là kỳ thị giữa các khu vực với nhau tăng lên nhiều lần theo khoảng cách.

Có một nhà triết học từng nói một câu như vầy:
Sở dĩ Trái đất xảy ra chiến tranh không ngừng, chính là vì Trái đất không có kẻ thù bên ngoài.
Từ đó có thể thấy rằng, sự xuất hiện và tồn tại của chiến tranh không chỉ là vì nhu cầu về lãnh thổ mà thôi, còn có liên quan rất nhiều với tính kỳ thị về lãnh địa.

Bởi vì như vậy, cấp độ của chiến tranh cũng không chỉ giới hạn giữa quốc gia này với quốc gia khác. Ngoài ra, giữa thành thị này với thành thị khác, giữa thôn trấn này với thôn trấn khác, giữa nhà này với nhà khác cũng có mức độ mâu thuẫn tương đương. Khi kẻ thù bên ngoài tạm thời không thể gây phiền phức cho một quốc gia, bên trong quốc gia ấy sẽ tự động nảy sinh, phát triển mầm mống mâu thuẫn, sau đó sẽ được người có lòng dẫn dắt khơi mào, lợi dụng, cho đến khi mâu thuẫn ấy hoàn toàn bùng nổ.

Người thôn khác không hề kiêng nể phá phách thôn mình, đây chính là hậu quả của quan niệm hẹp hòi không biên giới mà ra. Chuyện này đã khiến cho Thiển Thủy Thanh ý thức được rằng hắn không có nhiều thời gian để khơi lên lòng thù hận thông qua mâu thuẫn giàu nghèo, e rằng rất khó mượn sức dân chúng để giúp cho hắn làm náo loạn Đế quốc Kinh Hồng, lúc đó hắn di chuyển mục tiêu sang cuộc đấu tranh về lãnh địa.

Thông qua hai sự mâu thuẫn: mâu thuẫn giàu nghèo, mâu thuẫn về lãnh địa, hỗn loạn xuất hiện với xu thế càng ngày càng nhiều, tốc độ và phạm vi lan tràn càng ngày càng nhanh chóng, rộng mở. Cộng thêm những chuyện đấu tranh, giằng co lẫn nhau… cuối cùng hội tụ thành một cơn lốc xoáy khổng lồ, từ đó làm tê liệt hoàn toàn nền thống trị của người Đế quốc Kinh Hồng.

Chỉ trong thời gian một tháng, khắp nơi trên Đế quốc Kinh Hồng bùng nổ bạo loạn với quy mô lớn, cộng thêm những sự kiện tranh chấp bằng vũ khí với nhau, tất cả tăng nhanh với tốc độ chưa từng có. Chuyện đào mộ tìm của chỉ có tăng mà không có giảm, cả nước liên tục truyền ra chuyện có người phát hiện được ở phần mộ kia có rất nhiều của cải, chuyện này càng làm kích thích thêm đối với những dân chúng chưa tìm thấy của cải.

Các quý tộc cường hào từng bị Thiển Thủy Thanh cướp qua khi trước bắt đầu tuyên bố, số của cải mà Thiển Thủy Thanh chôn giấu kia đều là cướp của bọn chúng, nếu dân chúng đào được phải mang trả lại, chuyện này càng khiến cho mâu thuẫn giữa giàu và nghèo tăng thêm một bước. Các làng mạc thôn trấn bắt đầu thành lập đội bảo vệ phần mộ, canh phòng nghiêm ngặt những người ngoài tiến vào phần mộ của thôn trấn mình, mặt khác lại phái ra nhiều người đi đào tìm ở thôn trấn khác, khiến cho mâu thuẫn về lãnh địa trở nên gay gắt thêm bước nữa. Người đào tìm của cải không thấy, vì tội đào mộ người khác mà bị người ta đuổi đánh tới cửa nhà, hình thành xung đột với quy mô nhỏ. Người đào được của cải bị cũng người khác đuổi cướp tới cửa, ngoài ra bọn quý tộc cường hào còn tuyên bố đó chính là của cải của bọn chúng. Thôn trấn phát hiện được của cải cũng không cam lòng nhìn thấy người khác phát tài ngay trên lãnh địa của mình, bèn tuyên bố rằng của cải phát hiện được trên lãnh địa của mình chính là của mình, yêu cầu trả lại, hình thành xung đột với quy mô lớn.

Bởi vậy ngoại trừ chuyện báo thù bị đào phần mộ tổ tiên dẫn tới xung đột về lãnh địa, chuyện của cải thuộc về ai cũng là nguồn gốc dẫn tới trận bạo loạn này.

Rốt cục là của cải tìm thấy thuộc về kẻ sở hữu chúng trước kia, hay thuộc về chủ nhân của mảnh đất nơi phát hiện, hay là thuộc về kẻ phát hiện, ba phe này, phe nào cũng cho rằng phải thuộc về mình, không phục người khác, cho nên biện pháp giải quyết chỉ có nắm đấm mà thôi. Giữa giàu và nghèo, giữa thôn này và thôn khác, giữa nhà này và nhà khác, giữa người này và người khác, bởi vì số của cải lẽ ra phải thuộc về bọn họ mà lại không thuộc về bọn họ này, tranh chấp với nhau tới nỗi trời sầu đất thảm. Vô số dân chúng vô tội vì vậy mà chết đi, vô số gia đình vốn êm ấm cũng vì vậy mà tan nát.

Người từng giàu có đột ngột biến thành nghèo xơ xác, người từng nghèo khổ đột ngột biến thành chủ nhân, thân phận thay đổi cực nhanh, chênh lệch giữa mức sống như trời với vực. Tất cả thù hận và mâu thuẫn trong giờ phút này bùng nổ, mọi người không hề chú ý tới chuyện Thiết Huyết Trấn đang tung hoành trong nước nữa, mà chuyển sang quan tâm tới chuyện phần mộ bị đào trộm cùng tranh đoạt số của cải đào được vì lợi ích của bản thân.

Kẻ hại người cũng trở thành kẻ bị hại, đào phần mộ người khác cũng không khỏi bị người ta oán hận, vì vậy cừu hận giữa nhau càng tiến thêm một bước, tìm kiếm phần mộ tổ tiên hung thủ đào lại để trả thù, cướp đoạt của cải của những kẻ đào được... Những chuyện như vậy đã trở thành chủ đề hàng ngày, chuyện đánh nhau bằng vũ khí với quy mô lớn gần như xuất hiện hàng ngày, liên miên không dứt. Sau những lần tranh chấp, đánh nhau như vậy, thù hận không ngừng tăng lên, lan rộng ra, ngày càng dẫn tới mức không thể nào cứu vãn.

Mà dưới tình huống như vậy, sự giảo hoạt hung tàn của Thiển Thủy Thanh thậm chí còn chưa hết, bởi vì lúc trước hắn đã giao nhiện vụ cho nhóm binh sĩ Thiết Huyết Trấn xé chẵn ra lẻ, ngoại trừ đưa ra lời đồn đãi để thôi thúc dân chúng đào mộ tìm của, còn có một nhiệm vụ quan trọng khác nữa. Đó chính là âm thầm châm ngòi mâu thuẫn, sách động dân chúng đứng lên đối kháng quan phủ Đế quốc Kinh Hồng, cũng cho dân chúng vốn liếng để bọn họ đối kháng: Thủ đoạn của Thiển Thủy Thanh vô cùng độc ác, đồng thời với chuyện chôn giấu rất nhiều của cải khắp nơi, hắn cũng chôn theo rất nhiều vũ khí trang bị. Những thứ vũ khí này được chế tạo tinh xảo dùng cho quân sự, dân chúng bình thường căn bản là khó có thể có được, món nào món nấy được vải dầu bao bọc chôn chung một chỗ với vàng bạc châu báu. Kẻ đào mộ tìm được vô số của cải, đồng thời cũng tìm được rất nhiều vũ khí có thể giúp cho bọn họ tự vệ. Từ đó bọn họ có thể tổ chức nhân mã, kêu gọi người trấn thủ làng thôn cho mình, mà chính vì như vậy lại không tránh khỏi xảy ra xung đột tranh chấp dẫn đến đổ máu.

Bởi vì chuyện xảy ra vào lúc gieo trồng vụ Xuân, rất nhiều nông phu không còn lòng dạ nào trồng trọt, rất nhiều ruộng vườn vì vậy mà trở nên hoang phế, không người trồng trọt. Mà những nông phu thật thà chất phác, tuy chống lại sự hấp dẫn của việc đào mộ tìm của mà không tham gia, nhưng cũng không tránh khỏi chuyện phần mộ tổ tiên mình bị người khác đào bới, rốt cục cũng bị ép đi vào con đường trả thù. Bởi vì người Đế quốc Kinh Hồng không cho rằng Thiển Thủy Thanh sẽ mua các loại hạt giống, cho nên cũng không tiến hành quá nhiều biện pháp hạn chế về phương diện mua bán hạt giống gieo trồng. Những chiến sĩ do Thiển Thủy Thanh phái ra bắt đầu dùng của cải trong tay đi mua, thu gom hạt giống, tiến thêm một bước khiến cho giá cả của hạt giống tăng ao. Dưới tình hình như vậy, suy nghĩ ‘trồng trọt không bằng đi đào mộ’ gần như đã trở thành nhận thức chung của rất đông dân chúng. Bọn họ đặt hy vọng vào chuyện phát tài mà bỏ mặc bổn phận canh nông của mình. Theo sự thành lập của đội bảo vệ phần mộ các thôn, thậm chí rất nhiều đội đào mộ tìm của cũng được thành lập, giao ước rằng cùng nhau nỗ lực, tìm được của cải thì cùng nhau phát tài, đồng thời cũng cùng nhau đối phó với người ngoài, làm cho mâu thuẫn xung đột tiến thêm một bước dài, những chuyện tranh chấp đổ máu ngày một nhiều hơn, cuối cùng hình thành nên một vòng phá hoại tuần hoàn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đế Quốc Thiên Phong.