• 869

Chương 81


Số từ: 6141
Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Hiệu đính: Cao Xuân Huy
Nguồn: Nhà Xuất Bản Văn Học
Quan đại phu nước Việt là Văn Chủng được vua Ngô cho hoà, về tâu với vua Việt rằng:
- Vua Ngô đã rút quân về, có sai quan đại phu là Vương Tôn Hùng theo tôi đến đây để giục khởi trình; còn quan thái tể là Bá Hi thì đóng quân ở Ngô Sơn để đợi chúa công sang cống .
Câu Tiễn nghe nói, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng . Văn Chủng nói:
- Kỳ hạn đã gần đến nơi, chúa công nên mau mau trở về thành để thu xếp việc nước, chứ thương khóc làm gì!
Câu Tiễn gạt nước mắt trở về thành, trông thấy chợ búa như cũ mà trai tráng tiêu điều thì rất là hổ thẹn . Vua Việt mời Vương Tôn Hùng nghỉ ở công quán rồi thu xếp vàng ngọc đóng thành mấy xe; lại chọn những mỹ nữ trong nước được ba trăm ba mươi người, định đem ba trăm người nộp Phù Sai, còn ba mươi ngươi đem nộp cho Bá Hi . Câu Tiễn vẫn còn chưa muốn khởi hành, Vương Tôn Hùng phải giục giã luôn mãi .
Câu Tiễn khóc mà bảo triều thần rằng:
- Ta nối nghiệp tiền nhân, vẫn một lòng kính sợ; không dám lười biếng, nay vì một trận thua mà đến nỗi này, phải đem thân đi làm thằng tù ở nước khác, chuyến đi này chắc không có ngày trở lại!
Triều thần đều ứa nước mắt . Văn Chủng tâu rằng:
- Ngày xưa vua Thang bị giam ở Hạ Đài, Văn vương bị giam ở Dữ Lý mà sau nên được nghiệp vương; Tề Hoàn công phải chạy sang nước Cử, Tấn Văn công phải chạy sang nước Địch, mà sau nên được nghiệp bá . Xem thế thì biết cai cảnh khổ sở, chính là trời mở đường cho đứng vương bá đó . Chúa công cứ vững lòng mà theo ý trời, sẽ có ngày hưng thịnh được, can chi mà quá nghĩ, để đến nỗi tổn thương cái chí của mình .
Ngày hôm ấy Câu Tiễn làm lễ tế nhà tôn miếu, Vương Tôn Hùng đi trước một ngày, Câu Tiễn và phu nhân đi sau . Triều thần tiễn đến bến sống Chính Giang . Phạm Lãi sắp thuyền ở Cố Lăng và bày một tiệc rượu tiễn . Văn Chủng dâng chén rượu chúc cho Câu Tiễn . Câu Tiễn ngẩng mặt lên trời mà thở dài, rồi cầm chén mà rơi nước mắt, chẳng nói gì cả . Phạm Lãi nói:
- Các bậc thánh hiền đời xưa cũng thường gặp những cảnh khổ não, những điều sỉ nhục, không thể chịu được, có phải là chỉ một chúa công ngày này mà thôi đâu!
Câu Tiễn nói:
- Ngày xưa vua Nghiêm dùng hiền thần là Thuấn và Vũ mà thiên hạ được trị bình, dẫu có thuỷ tai, cũng không hại người lắm . Nay ta phải bỏ Việt sang Ngô, giao nước nhà cho các quan đại phu, các quan đại phu nghĩ sao cho khỏi phụ lòng ta trông cậy!
Phạm Lãi bảo triều thần rằng:
- Tôi thiết tưởng vua phải lo thì bề tôi nhục, vua phải nhục thì bề tôi nên chết . Nay chúa công ta phải lo về nỗi bỏ nước, phải nhục về nỗi sang Ngô, bọn ta đây há lại không có một kẻ hào kiệt vì chúa công chia buồn hay sao ?
Các quan đại phu đồng thanh đáp rằng:
- Ai cũng là tôi con, tuỳ ý chúa công sai khiến .
Câu Tiễn nói:
- Các quan đại phu còn có lòng thương ta thì xin cứ tự nói chí mình để xem ai có thẻ theo đi, ai có thể ở nhà giữ nước được ?
Văn Chủng nói:
- Ở nhà để xem xét công việc trong nước thì Phạm Lãi không bằng tôi, nhưng đi theo chúa công mà lâm cơ ứng biến thì tôi không bằng Phạm Lãi .
Phạm Lãi nói:
- Văn Chủng xét mình đã rõ lắm, chúa công nên đem việc nước mà giao cho, còn như việc nhẫn nhục mà theo chúa công để nghĩ cách báo thù thì tôi không dám từ chối .
Phạm Lãi nói xong thì lần lượt đến các quan đại phu tỏ bày ý kiến . Quan thái tể là Khổ Thành nói:
- Tuyên bố mệnh lệnh để tỏ đức tính của nhà vua, và quyết đóan những việc khó khăn, khiến cho dân biết yên phận, đó là việc của tôi!
Quan hành nhân là Duệ Dung nói:
- Đi sứ các nước chư hầu, ứng đối không đến nỗi chịu nhục, đó là việc của tôi!
Quan tư trực là Hạc Tiến nói:
- Vua có điều gì trái lẽ, xin hết sức can ngăn, dẫu kẻ thân thích nhà vua cũng không vị nể, đó là việc của tôi!
Quan tư mã là Chư Kế Dĩnh nói:
- Bày trận đánh giặc, dẫu tên đạn bời bời mà không chịu lui, vẫn một cố tiến, đó là việc của tôi!
Quan tư nông là Cao Như nói:
- Dốc lòng khuyên dân cố chăm chỉ làm ăn, nghĩ cách tiết kiệm, đó là việc của tôi!
Quan thái sử là Kế Nghê nói:
- Xem xét thiên văn địa lý để dò biết mọi sự cát hung, đó là việc của tôi!
Câu Tiễn nói:
- Ta dẫu phải sang làm tù ở nước Ngô, nhưng đã có các quan đại phu dốc lòng cố sức mà giữ gìn nước nhà, thì ta còn lo gì nữa!
Câu Tiễn cho các quan triều thần ở lại, còn mình thì cùng với Phạm Lãi đi sang Ngô . Vua tôi tiễn biệt nhau đều ràn rụa nước mắt, Câu Tiễn ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Cái chết ai không sợ, nhưng ta đây nghĩ đến cái chết, mà trong bụng không thấy sợ chút nào!
Nói xong, xuống thuyền đi ngay . Mọi người đi đưa đều khóc tất cả, rồi sụp lạy ở bên bờ sông . Câu Tiễn cũng không ngảnh lại . Câu Tiễn phu nhân vịn mạn thuyền mà khóc, trông thấy đàn ô thước đang nhặt tôm ở ven sông, bay đi lượn lại, có ý thoả thích, liền cảm mà làm bài hát rằng:
"Đàn chim (hề ...) cao bay
Vẫy vùng (hề ...) đường mây!
Thân thiếp (hề ...) vô tội,
Trách trời (hề ...) độc thay!
Hây hẩy (hề ...) gió may,
Trở về (hề ...) bao ngày!
Lòng đau (hề ...) như cắt,
Nước mắt (hề ...) vơi đầy! "
Câu Tiễn nghe thấy phu nhân than vãn như vậy, thì trong lòng xao động, nhưng muốn cho phu nhân được nguôi lòng, cũng gượng cười mà nói rằng:
- Lông cánh của ta đã đủ rồi, tất cũng có ngày cao bay, lo gì điều ấy!
Câu Tiễn đã đi đến địa giới nước Ngô, sai Phạm Lãi vào yết kiến quan thái tể nước Ngô là Bá Hi ở Ngô Sơn, và dâng vàng lụa trai gái . Bá Hi nói:
- Văn Chủng ở đâu, sao không thấy đến ?
Phạm Lãi nói:
- Văn Chủng còn phải giữ nước cho chúa công tôi, cho nên không đến được .
Bá Hi theo Phạm Lãi đến gặp mặt Câu Tiễn . Câu Tiễn cảm tạ cái ơn giúp cho . Bá Hi nhận với Câu Tiễn thế nào cũng lập mưu cho Câu tiễn được trở về nước Việt . Câu Tiễn cũng hơi yên lòng . Bá Hi cho quân giải Câu Tiễn về Ngô, đưa vào nộp Phù Sai . Câu Tiễn trần vai áo sụp lạy ở dưới thềm .
Câu Tiễn phu nhân cũng theo vào . Phạm Lãi đem cái đơn kê khai các vật qúy và mỹ nữ dâng lên Phù Sai . Câu Tiễn sụp lạy hai lạy mà kêu rằng:
- Tôi tớ nhà vua ở miền Đông Hải là Câu Tiễn, vì không biết sức mình, để đến nỗi đắc tội với đại vương ở nơi biên cảnh, nay đại vương xá tội, lại cho được sang đây hầu hạ, nếu đại vương lại thương tình mà tha tội chết cho thì thật lấy làm đội ơn vô cùng!
Phù Sai nói:
- Nếu ta nghĩ đến cái thù tiên vương ngày xưa thì không thẻ nào tha cho nhà ngươi được!
Câu Tiễn lại lạy mà kêu rằng:
- Tội tôi thật đáng chết, xin đại vương thương lại cho!
Bấy giờ Ngũ Viên đứng bên cạnh, mắt quắc ra lửa, tiếng vang như sấm, nói với Phù Sai rằng:
- Con chim bay ở trên mây xanh, ta còn muống giương cung ra bắn, huống chi nay nó lại đậu ở trước sân! Câu Tiễn vốn là người nham hiểm, bây giờ như con cá trong hũ, sống chết ở tay kẻ nhà bếp, vậy nên nịnh hót van lạy để cầu khỏi chết, một mai đắc chí, khác nào như con hổ về núi, con cá kềnh ra biển, còn trị làm sao!
Phù Sai nói:
- Ta nghe nói người đã hàng phục mà mình còn giết thì họa đến ba đời . Ta không phải vì yêu vua Việt mà không giết, nhưng sợ trái ý đạo trời .
Bá Hi nói:
- Quan tướng quốc chỉ nghĩ cái lợi trước mắt một lúc, mà không hiểu cái lợi yên nước về sau . Đại vương nói thế, thật là một bậc nhân giả .
Ngũ Viên thấy Phù Sai tin lời du nịnh của Bá Hi, không theo lời can của mình, thì căm tức mà lui ra . Phù Sai nhận lễ vật của Câu Tiễn, rồi sai Vương Tôn Hùng làm một cái nhà đá ở bên cạnh mộ Hạp Lư, giam vợ chồng Câu Tiễn ở đấy, lột mũ áo đi mà cho mặc quần áo xấu, bắt giữ việc chăn ngựa . Bá Hi vẫn giấu diếm đem thực phẩm cho, nên Câu Tiễn không đến nỗi chết đói . Mỗi khi Phù Sai đi chơi, lại bắt Câu Tiễn cầm roi ngựa, đi đất ở trước xe, người nước Ngô đều trỏ mà bảo nhau rằng:
- Đấy là vua nước Việt!
Câu Tiễn chỉ cúi đầu mà đi . Câu Tiễn ở nhà đá đã được hai năm, Phạm Lãi sớm tối hầu hạ, không rời một bước . Một hôm, Phù Sai triệu Câu Tiễn vào yết kiến . Câu Tiễn sụp lạy . Phạm Lãi đứng ở phía sau . Phù Sai bảo Phạm Lãi rằng:
- Ta nghe nói gái khôn không lấy chồng ở nơi cửa nhà tan nát, danh hiền không làm quan ở một nước diệt vong . Nay Câu Tiễn vô đạo, nước đã sắp diệt, vua tôi đều làm nô bộc, bị giam cầm ở trong nhà tù, chẳng cũng đã nhục lắm ru! ta muốn tha tội cho nhà ngươi, nếu nhà ngươi biết đổi lỗi, bỏ Việt theo Ngô, thì ta sẽ trọng dụng . Đó là bỏ ưu họan mà lấy phú quý, nhà ngươi nghĩ thế nào ?
Bấy giờ Câu Tiễn phục ở dưới đất mà khóc, chỉ sợ Phạm Lãi theo Ngô mất . Phạm Lãi sụp lạy mà tâu với Phù Sai rằng:
- Kẻ đã mất nước, không dám nói hay; tướng đã thua trận, không dám nói mạnh . Tôi là kẻ bất trung bất tín ở nước Việt, không biết giúp chúa công tôi làm điều thiện, để đến nỗi đắc tội với đại vương . May mà đại vương không giết, cho vua tôi được gần nhau, để ra vào hầu hạ đại vương, thế thì tôi đã được mãn nguyện rồi, có đâu còn dám mong phú qúy!
Phù Sai nói:
- Nhà ngươi đã không chịu đổi ý thì lại cứ về nhà đá .
Phạm Lãi nói:
- Xin vâng mệnh!
Phù Sai đứng dậy, trở về cung . Câu Tiễn và Phạm Lãi trở về nhà đá . Câu Tiễn ăn mặc tồi tàn, cắt cỏ nuôi ngựa . Câu Tiễn phu nhân cũng lôi thôi rách rưới, đi gánh nước để quét dọn phân ngựa . Còn Phạm Lãi thì kiếm củi để nấu cơm, mặt mũi gầy gò . Phù Sai sai người dò thám, thấy vua tôi nước Việt cùng nhau làm lụng không ra ý oán giận, mà suốt đêm suốt ngày, cũng không thấy buồn rầu chút nào, mới cho là đồ vô chí, chẳng nghĩ đến làm chi nữa .
Một hôm, Phù Sai lên Cô Tô đài, trông thấy vợ chồng Câu Tiễn ngồi ở cạnh đống phân ngựa . Phạm Lãi cầm chổi đứng hầu một bên, mới ngảnh lại bảo Bá Hi rằng:
- Câu Tiễn chẳng qua là vua một nước nhỏ, Phạm Lãi chẳng qua là một kẻ học trò, thế mà trong khi hoạn nạn, họ vẫn còn giữ được lễ vua tôi, ta rất có lòng kính trọng .
Bá Hi nói:
- Chẳng những đáng kính, thực cũng đáng thương!
Phù Sai nói:
- Thực như lời quan thái tể nói . Ta đây nghĩ cũng thương tình . Nếu hắn biết đổi lỗi thì phỏng có nên ta không ?
Bá Hi nói:
- Đại vương mở lượng hải hà mà thương kẻ cùng khốn, gia ân cho Việt, chắc là Việt cũng biết đền ơn . Xin đại vương phải quyết đoán .
Phù Sai nói:
- Ta sẽ sai quan thái sử chọn ngày tốt để tha cho vua Việt về nước .
Bá Hi mật sai người đến nhà đá báo tin cho Câu Tiễn biết .
Câu Tiễn mừng lắm, nói với Phạm Lãi . Phạm Lãi nói:
- Để tôi xin bói một quẻ, xem lành dữ thế nào .
Phạm Lãi bói, rồi nói với Câu Tiễn rằng:
- Dẫu có tin như vậy, cũng chưa nên lấy gì làm mừng .
Câu Tiễn nghe nói, lại có ý buồn . Ngũ Viên nghe tin Phù Sai sắp tha Câu Tiễn, vội vàng vào yết kiến Phù Sai mà tâu rằng:
- Ngày xưa vua Kiệt giam vua Thang mà không giết, vua Trụ giam vua Văn vương mà không giết, đến lúc đạo trời quay lại, chuyển họa thành phúc thì vua Kiệt bị vua Thang đuổi, nhà Thương bị nhà Chu diệt . Nay đại vương giam Câu Tiễn mà không giết, tôi e rằng lại sắp có hoạ như nhà Hạ và nhà Thương .
Phù Sai nghe Ngũ Viên nói, lại có ý muốn giết Câu Tiễn, bèn sai người triệu Câu Tiễn vào . Bá Hi lại báo trước cho Câu Tiễn biết . Câu Tiễn kinh sợ, lại nói với Phạm Lãi . Phạm Lãi lại nói:
- Chúa công đừng sợ! vua Ngô giam chúa công đã ba năm nay; trong ba năm còn không nỡ, huống chi là bây giờ! chúa công cứ đi, không ngại!
Câu Tiễn nói:
- Ta chịu ẩn nhẫn bấy lâu nay mà không đến nỗi chết, đều là nhờ mưu kế của quan đại phu cả .
Câu Tiễn vào thành yết kiến Phù Sai, phải chầu chực trong ba ngày, mà không thấy Phù Sai ra thị triều . Bá Hi ở trong cung ra, phụng mệnh Phù Sai truyền cho Câu Tiễn lại về nhà đá . Câu Tiễn lấy làm lạ hỏi .
Bá Hi nói:
- Đại vương nghe lời Ngũ Viên, định đem giết ông vậy nên triệu đến . May gặp khi đại vương bị cảm hàn, không thể dậy được . Tôi vào thăm bệnh, nhân tâu với đại vương rằng: "Người bệnh muốn cầu yên thì phải làm phúc, nay vua Việt chầu chực ở đây, chỉ đợi ngày chịu chết, oán khí xông lên đến trời . Đại vương nên tạm tha cho y về nhà đá, đợi khi khỏi bệnh rồi sẽ định liệu". Vì nghe lời tôi mà đại vương tha cho ngài về nhà đá đó!
Câu Tiễn cảm tạ khôn xiết . Ở nhà đá được ba tháng nữa, Câu Tiễn nghe tin Phù Sai vẫn chưa khỏi bệnh, mới bảo Phạm Lãi bói một quẻ . Phạm Lãi bói xong, bảo Câu Tiễn rằng:
- Phù Sai không chết ngày kỷ tị thì bớt, đến ngày nhâm thân thì khỏi hẳn . Bây giờ đại vương cố xin vào thăm, khi được vào thăm, cố tình nếm phân cho Phù Sai, rồi lạy mừng mà nói kỳ khỏi bệnh . Đến kỳ khỏi thật thì tất nhiên y cảm ơn mà tha cho đại vương .
Câu Tiễn ứa nước mắt mà nói rằng:
- Ta đây dẫu chẳng ra gì cũng là một ông vua không nhẽ lại chịu nhục mà nếm phân cho người ta hay sao!
Phạm Lãi nói:
- Ngày xưa vua Trụ giam Văn vương ở Dữu Lý, giết con Văn vương là Bá Ấp Khảo rồi ướp thịt mà đưa cho Văn vương ăn, thế mà Văn vương cũng chịu đau đớn mà ăn thịt con . Ta muốn thành đại sự thì cần gì những điều nhỏ mọn . Vua Ngô có lòng thương người như đàn bà mà không có lòng quả quyết như kẻ trượng phu, đã toan tha ta rồi đổi ý . Ta không làm thế thì sao cho vua Ngô chịu rủ lòng thương .
Câu Tiễn tức khắc đến nói với Bá Hi rằng:
- Nghe nói bệnh tình đại vương không giảm, lòng tôi lo lắng, ăn ngủ không yên, xin theo ngài vào thăm, để tỏ tình thần tử .
Bá Hi nói:
- Ngài đã có lòng tốt, để tôi xin chuyển tấu .
Bá Hi vào yết kiến Phù Sai, bày tỏ cái tình Câu Tiễn nhớ mến, xin vào thăm bệnh . Phù Sai đang khi cơn bệnh trầm trọng, nghĩ thương tình Câu Tiễn mà cho vào . Bá Hi đưa Câu Tiễn vào thăm Phù Sai . Phù Sai trừng mắt nhìn mà bảo rằng:
- Câu Tiễn cũng vào thăm ta đó à ?
Câu Tiễn sụp lạy mà tâu rằng:
- Kẻ bề tôi ở trong tù nghe nói long thể bất hoà, thật là nát gan héo ruột, chỉ mong được trông thấy mặt rồng mà không biết làm thế nào!
Câu Tiễn nói chưa dứt lời thì Phù Sai đau bụn muốn đi ngoài, mới lấy tay xua bảo Câu Tiễn ra . Câu Tiễn nói:
- Khi tôi ở Đông Hải có học người y sư được một cách xem phân mà biết bệnh chóng hay là chậm khỏi .
Câu Tiễn nói xong chắp tay đứng ở cửa sổ . Nội thị đưa cái thùng đến cạnh giường nằm, rồi vực Phù Sai dậy đi ngoài . Phù Sai đi ngoài xong rồi nội thị bưng cái thùng đưa ra ngoài cửa . Câu Tiễn mở nắp thùng ra, thò tay bốc phân rồi quỳ xuống mà nếm . Mọi người xung quanh đều bịt mũi cả . Câu Tiễn lại vào sụp lạy Phù Sai mà tâu rằng:
- Kẻ tù này xin chúc mừng đại vương, bệnh đại vương đến ngày kỷ tị thì bớt, sang tháng ba về ngày nhâm thân thì khỏi hẳn .
Phù Sai hỏi:
- Tại sao mà biết ?
Câu Tiễn nói:
- Tôi nghe người y sư có dạy phân là cốc vị, hễ thuận thời khí thì sống, trái thời khí thì chết . Nay kẻ tù này nếm phân đại vương, thấy vị đắng và chua, chính hợp cái thời khí xuân hạ phát sinh, bởi thế mà biết .
Phù Sai bằng lòng mà nói rằng:
- Câu Tiễn nhân đức thay! thần tử đối với quân phụ, ta chưa thấy ai chịu nếm phân để đóan bệnh bao giờ!
Bấy giờ nhân Bá Hi đứng ở bên cạnh, Phù Sai bèn hỏi rằng:
- Quan thái tể có nếm được không ?
Bá Hi lắc đầu nói:
- Tôi thật rất yêu đại vương, nhưng việc ấy tôi không làm nổi .
Phù Sai nói:
- Chẳng những quan thái tể, dẫu thế tử của ta cũng không thể làm được!
Phù Sai truyền tha Câu Tiễn, không bắt về nhà đá nữa, được tuỳ tiện tìm chỗ ở, đợi khi Phù Sai khỏi bệnh sẽ cho về nước . Câu Tiễn lạy tạ rồi lui ra . Từ bấy giờ Câu Tiễn tìm được chỗ ở trong nhà dân, nhưng vẫn giữ việc nuôi ngựa như trước . Sau Phù Sai quả nhiên khỏi bệnh, đúng như lời Câu Tiễn nói .
Phù Sai cho Câu Tiễn là trung thành với mình, nên khi đã khỏi bệnh, liền truyền bày tiệc ở trên Văn Đài, cho Câu Tiễn vào dự yến . Câu Tiễn giả cách không biết, vẫn mặc áo tù mà đến . Phù Sai trông thấy, truyền Câu Tiễn tắm gội và ban cho mũ áo . Câu Tiễn hai ba lần từ tạ rồi mới dám nhận . Câu Tiễn thay mũ áo xong, lại vào sụp lạy Phù Sai . Phù Sai vội vàng đỡ dậy và hạ lệnh rằng:
- Vua Việt là người nhân đức, không nên làm nhục lâu, ta định tha tội, cho được về nước, nay nên tiếp đãi tử tế .
Các quan đại phu đều vái nhường Câu Tiễn, mời ngồi, rồi ngồi cả hai bên cạnh . Ngũ Viên thấy Phù Sai quên hẳn thù xưa, trong lòng căm tức, không chịu vào ngồi, liền quay trở ra . Bá Hi nói:
- Đại vương ta lấy cái lòng một người nhân đức mà tha cái tội của người nhân đức . Tôi nghe nói "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", ngày nay ai là nhân thì ngồi lại, ai là bất nhân thì bỏ đi . Quan tướng quốc là người cương dũng, cho nên thẹn không dám ngồi chứ sao!
Phù Sai cười mà nói:
- Quan thái tể nói phải lắm!
Rượu được ba tuần, Phạm Lãi và Câu Tiễn đều đứng dậy dâng chén chúc thọ cho Phù Sai . Phù Sai bằng lòng lắm, ngày hôm ấy uống rượu thật say, rồi sai Vương Tôn Hùng đưa Câu Tiễn ra quán, đợi trong ba ngày nữa, sẽ đưa về nước . Sáng hôm sau Ngũ Viên vào tâu với Phù Sai rằng:
- Hôm qua đại vương lấy khách lễ mà đãi kẻ thù là nghĩa thế nào ? Câu Tiễn trong bụng như hổ lang, mà mặt ngoài giả cách cung kính . Đại vương thấy ý nói lời xu nịnh, chẳng nghĩ gì đến gai vạ mai sau . Bỏ lời trung trực mà nghe kẻ dèm pha, nghĩ điều nhân nhỏ mà nuôi kẻ thù lớn, khác nào như buông nắm lông ở trên lò than mà mong khỏi cháy, ném quả trứng ở dưới cân nặng mà muốn được toàn, thì có lẽ nào ?
Phù Sai không bằng lòng nói rằng:
- Ta ốm trong ba tháng, quan tướng quốc chẳng thấy hỏi thăm được một câu, thế là quan tướng quốc bất trung, lại chẳng thấy quan tướng quốc là quà cho cái gì, thế là quan tướng quốc bất nhân . Làm bề tôi mà bất trung và bất nhân thì còn dùng được việc gì nữa! Câu Tiễn bỏ nước mà sang đây, đem của cải đến dâng nộp, đem thân làm tôi tớ, đó là điều trung; khi ta có bệnh, chịu nếm phân ta mà không có lòng oán giận, đó là điều nhân . Nếu ta theo ý riêng của quan tướng quốc mà giết kẻ thiện sĩ ấy thì trời nào còn tựa ta nữa!
Ngũ Viên nói:
- Sao đại vương nghĩ lầm như vậy ? con hổ mà thu mình lại thì tất là chực vồ, con cáo mà rụt cổ lại thì tất là định cắn . Vua Việt vào làm tôi Ngô, dẫu trong lòng oán giận, đại vương cũng không thể biết được . Bây giờ y cúi xuống mà nếm đống phan của đại vương, chắc đâu không có một ngày kia y ngẩng lên mà ăn gan ruột của đại vương . Đại vương không xét mà mắc mưu thì tất có ngày bị hại .
Phù Sai nói:
- Quan tướng quốc chớ nói nữa, ý ta đã quyết định rồi!
Ngũ Viên biết không thể can được, uất ức mà lui ra .
Đến ngày thứ ba . Phù Sai lại bày tiệc rượu ở ngoài Sà Môn để tiễn Câu Tiễn . Các quan đều dâng chén rượu tiễn chân, chỉ có Ngũ Viên không đến dự . Phù Sai bảo Câu Tiễn rằng:
- Ta tha cho nhà vua về nướ, nhà vua nên nhớ ơn nước Ngô, chớ đem lòng thù oán!
Câu Tiễn sụp lạy mà nói rằng:
- Đại vương thương tôi là kẻ khốn cùng, cho được sống mà về nước, tôi xin đời đời không dám quên ơn . Trời cao thăm thẳm, soi xét lòng tôi, nếu tôi phụ Ngô thì trời nào có tựa!
Phù Sai nói:
- Người quân tử không sai lời! thôi, nhà vua lên đường . Nên gắng! nên gắng!
Câu Tiễn lại sụp lạy, nước mắt đầm đìa, ra vẻ quyến luyến .
Phù Sai thân hành vực Câu Tiễn lên xe . Phạm Lãi cầm cương xe . Câu Tiễn phu nhân cũng sụp lạy tạ ơn, rồi cùng lên xe đi về phía nam . Bấy giờ là năm thứ 23 đời Chu Kính vương . Câu Tiễn về đến bến Chiết Giang, trông thấy phong cảnh khác xưa, thở dài mà nói rằng:
- Ta vẫn tưởng phải từ biệt trăm họ, bỏ thân cõi khác, ngờ đâu nay lại được về nước giữ lấy việc cúng tế .
Câu Tiễn ngảnh lại nhìn phu nhân mà khóc . Các người xung quanh cũng đều cảm động mà khóc cả . Văn Chủng đem triều thần và dân trong thành ra đón ở bến Chiết Giang, tiếng rao dậy đất . Câu Tiễn sai Phạm Lãi bói xem ngày nào tốt để tiến vào thành . Phạm Lãi bấm đốt ngón tay, rồi nói với Câu Tiễn rằng:
- Ngày mai rất tốt, chúa công nên đi mua cho kịp .
Câu Tiễn tức khắc giục ngựa tiến vào trong thành . Muốn ghi sâu trong lòng cái nhục ở Cối Kê, Câu Tiễn muốn đắp thành và thiên đô ra đấy để luôn luôn nhớ tới, bèn giao hẳn việc ấy cho Phạm Lãi lo liệu .
Phạm Lãi xem thiên văn, xét địa lý, lập ra một cái thành mới, bao bọc núi Cối Kê ở trong, phía tây bắc lập lầu Phi Dục ở núi Ngoạ Tang để làm thiên môn; phía đông nam lập Lâu Thạch Đậu để làm địa bộ . Còn mặt tây bắc thì để không, và nói phao lên rằng đã thần phục nước Ngô, không dám lấp đường cống hiến, nhưng kỳ thực là để tiện đường tiến đánh Ngô mai sau .
Khi thành đã đắp xong, bỗng thấy trong thành mọc ra một quả núi, chu vi mấy dặm, như hình con qủi, cây cỏ rậm rạp, có người trông quả núi ấy, nhận được là núi Đông Vũ ở xứ Lang Gia, không biết cớ sao lại bay đến đây được . Phạm Lãi nói với Câu Tiễn rằng:
- Tôi đắp cái thành này ứng với thiên tượng, vậy nên có quả núi ấy hiện lên, đó là cái điềm nước Việt ta nên được nghiệp bá .
Câu Tiễn mừng lắm mới đặt tên núi ấy là Quái Sơn, cũng gọi Phi Lai Sơn, cũng gọi là Qui Sơn . Sau khi thiên đô sang ở đấy Câu Tiễn bảo Phạm Lãi rằng:
- Ta thực thất đức, để đến nỗi nước nhà suy đốn, phải đem thân đi hầu hạ người khác, nếu không có quan tướng quốc và các quan đại phu giúp thì sao được như thế này ?
Phạm Lãi nói:
- Đó là nhờ hồng phúc của chúa công, chứ chúng tôi có công gì . Nhưng xin chúa công chớ lúc nào quên cái nhục ở nhà đá thì mới có cơ báo thù được nước Ngô .
Câu Tiễn nói:
- Xin vâng lệnh dạy bảo!
Bấy giờ bèn giao quốc chính cho Văn Chủng, quân chính cho Phạm Lãi, tôn trọng hiền tài, kính lão thương nghèo, trăm họ đều bằng lòng .
Câu Tiễn từ khi nếm phân, thành ra bệnh hôi miệng . Phạm Lãi biết có một thứ rau ở một quả núi về phía bắc thành, tên gọi là rau trấp . Rau ấy ăn được, nhưng hơi có mùi hôi, mới sai người đi hái rau trấp đem về, để cả triều cùng ăn, cho lẫn mùi hôi . Sau ngươi ta gọi tên núi ấy là Trấp Sơn . Câu Tiễn gấp muốn báo thù, mới cố sức chăm chỉ suốt ngày suốt đêm, khi buồn ngủ thì lại lấy cỏ lục mà đánh vào mắt, chân lạnh muốn rụt lại thì lấy nước giập vào, mùa đông thường ngồi gân nước băng, mùa hạ thường ngồi gần đống lửa, xếp củi mà nằm lên trên, chớ không dùng giường nệm; lại treo một quả mật ở chỗ ngồi, thỉnh thoảng lại nếm một ít . Câu Tiễn đêm nào cũng khóc sụt sùi, khóc chán rồi thở dài; lại luôn luôn nhắc đến hai tiếng "Cối Kê" . Câu Tiễn thấy sau khi suy bại, dân so giảm kém mới hạ lệnh cấm con trai không được lấy vợ già; ông già không được lấy vợ trẻ; con gái mười bảy tuổi không lấy chồng, con trai hai mươi tuổi không lấy vợ thì bắt tội cha me; đàn bà sắp chửa sắp đẻ, đều phải trình quan, để quan cho thầy thuốc đến coi sóc; sinh con trai thì thưởng cho hồ rượu và con chó; sinh con gái thì thưởng cho hồ rượu và con lợn; ai sinh ba con thì quan nuôi hộ hai; ai sinh hai thì quan nuôi hộ một; hễ có ai chết thì Câu Tiễn thân hành đi đưa đám và thương khóc . Câu Tiễn mỗi khi đi đâu, cũng đem cơm và đồ ăn để ở trong xe, hễ gặp trẻ con thì cho ăn và hỏi tên họ .
Đến mùa làm ruộng, Câu Tiễn cũng vác cày đi cày . Phu nhân cũng chăm việc dệt cửi, cùng chia sự lao khổ . Trong bảy năm, Câu Tiễn không thu thuế của dân, ăn mặc rất là tiết kiệm . Thế mà chẳng tháng nào Câu Tiễn không sai sứ sang cống hiến nước Ngô; lại sai người vào núi hái dây cát, dệt làm vài nhỏ, định đem dâng Phù Sai, nhưng chưa kịp dâng . Phù Sai khen lòng trung thành của Câu Tiễn, sai nguời phong thêm đất cho, phía đông đến Câu Dụng, phía tây đến Hùê Lý, phía nam đến Cô Miệt, phía bắc đến Bình Nguyên, cả thảy hơn tám trăm dặm . Câu Tiễn sai người đem vải cát mười vạn tấn, cam mật một trăm vò, áo cầu lông chồn năm đôi, tre nứa mười thuyền sang dâng Phù Sai tạ để cái ơn phong đất . Ngũ Viên nghe nói, liền cáo ốm không vào triều . Phù Sai thấy Câu Tiễn một lòng thần phục, lại càng tin lời nói của Bá Hi . Một hôm Phù Sai hỏi Bá Hi rằng:
- Ngày nay trong nước thái bình, ta muốn mở thêm cung thất để lấy chỗ vui chơi, nên làm tại chỗ nào ?
Bá Hi nói:
- Ở gần đô thành ta, đài cao cảnh đẹp, còn đâu bằng Cô Tô, nhưng cái đài của vua trước dựng lên chưa đước tráng lệ lắm, đại vương nên sửa lại cái đài ấy, khiến cho cao có thể trông thấy trăm dặm, rộng có thể dung được nghìn người, rồi họp những ca đồng vũ nữ ở đấy, thì thật là một sự khóai lạc đệ nhất nhân gian .
Phù Sai khen phải, liền treo giải, cầu tìm những cây lớn gỗ quí . Văn Chủng nghe tin, vào nói với Câu Tiễn rằng:
- Tôi nghe nói: "Con chim bay ở trên mây cao, chỉ chết vì miếng ăn tốt, con cá lặn ở dưới vực sâu, chỉ chết về cái mồi thơm". Nay chúa công muốn báo thù nước Ngô thì phải tìm mồi xem Ngô thích cái gì mới có thể trị nổi .
Câu Tiễn nói:
- Dẫu tìm được điều họ thích, nhưng làm thế nào mà trị nổi ?
Văn Chủng nói:
- Tôi có nghĩ cách phá Ngô, cả thảy được bảy kế:
1. Chịu tốn của cải để làm vua tôi nước Ngô bằng lòng .
2. Lấy gía đắt mua thóc, để làm cho Ngô thiếu lương thực .
3. Đem mỹ nữ sang dâng để làm Ngô phải mê hoặc .
4. Đem thợ khéo, gỗ tốt sang dâng, để cho Ngô làm cung thất tốn hại tiền của .
5. Dùng kẻ mưu thần để làm cho nước loạn .
6. Hại kẻ trung trực để làm cho thế cô .
7. Tích của, luyện quân, để đợi khi địch suy yếu .
Câu Tiễn nói:
- Quan tướng quốc nói phải lắm, nhưng nên dùng kế nào được ?
Văn Chủng nói:
- Nay vua Ngô đang sửa lại đài Cô Tô, ta nên tìm cây lớn gỗ qúi đem dâng .
Câu Tiễn liền sai hơn ba nghìn thợ mộc vào rừng tìm gỗ, tìm hơn một năm mà chưa được cây nào thật tốt . Thợ mộc đều có lòng oán giận, đêm ngày ta thán với nhau .
Một hôm đang đêm, tự nhiên trời sinh hai cây thần mộc, to hai mươi vi, dài năm mươi tầm, một cây ở phía nam núi, gọi là cây tử, một cây ở phía bắc núi, gọi là cây nam . Thợ một kinh ngạc, vội vàng về báo với Câu Tiễn . Triều thần chúc mừng Câu Tiễn rằng:
- Lòng thành của chúa công cảm động đến trời, cho nên trời sinh gỗ thần để giúp chúa công .
Câu Tiễn mừng lắm, thân hành đến làm lễ tế rồi mới sai đẵn đem bào nhẵn đi và dùng thuốc xanh đỏ vẽ hình rồng rắn, sai Văn Chủng đưa sang dâng Phù Sai . Phù Sai thấy cây gỗ to đẹp lạ thường, xiết bao mừng rỡ . Ngũ Viên can rằng:
- Ngày xưa vua Kiệt làm Linh Đài, vua Trụ làm Lộc Đài khổ dân hao của đến nỗi mất nước, Câu Tiễn muốn hại ta, nên đem dâng gỗ này đó!
Phù Sai nói:
- Câu Tiễn được cây gỗ qúi này, không để mà dùng, lại đem dâng ta, thế là lòng tử tế, sao lại từ chối ?
Nói xong, truyền đem hai cây gỗ để sửa đài Cô Tô . Trong năm năm mới làm xong, cao ba trăm trượng, rộng tám mươi tư trượng, trèo lên thì trông suốt được hai trăm dặm . Nguyên trước đã có con đường chín khúc đi thẳng lên núi, bây giờ làm rộng thêm ra . Trăm họ phải ngày đêm phục dịch, lao lục mà chết rất nhiều .
Câu Tiễn nghe tin, bảo Văn Chủng rằng:
- Quan tướng quốc nói: nên đem thợ khéo gỗ tốt sang dâng để cho hắn làm cung thất, tốn hại tiền của . Kế ấy đã thi hành rồi . Nay trên đài cao, tất phải tuyển ca nhi vũ nữ, nếu ta không tìm được người tuyệt sắc thì sao làm cho hắn mê hoặc được, quan tướng quốc bàn mưu giúp ta .
Văn Chủng nói:
- Việc gì cũng bởi trời cả . Trời đã sinh thần mộc thì lo gì không có mỹ nữ . Nhưng nếu ta sụ tìm thì e rằng dân tình náo động . Tôi nghĩ được một kế, có thể xem mặt hết con gái trong nước, lúc đó tuỳ ý chúa công kén chọn .
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đông Chu Liệt Quốc.